Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Thương Màu Hoa

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Rồi một chiều tìm về thôn xóm cũ
Mái tranh yêu bìm bìm tím nở đầy
Chiều tàn dần nghe nỗi nhớ đâu đây
Từ dĩ vãng dâng đầy lên khóe mắt

Thôn xóm cũ chỉ mái tranh vách đất
Nhưng nơi đây chôn dấu mảnh tình thương
Ấu thơ bao kỷ niệm dưới mái trường 
Ngày hai buổi lũ học trò đến lớp

Đây cánh cổng trường thân yêu lúc trước 
Vẳng đâu đây bao tiếng trống rộn ràng
Tiếng cô thày giảng trong lớp vang vang
Cắm cúi chúng tôi ngồi ghi chép

Thuở đi học thày cô dạy lễ phép
Học đánh vần, toán đố cho thông
Biết ơn thày cô chẳng quản công
Trước giờ học tụi mình khều mái lá

Bìm bìm tím bông nở đầy đẹp quá
Hái một ôm đem cắm muỗng dùa
Học trò nghèo quà rất đỗi đơn sơ
Nhưng cũng khiến cô thày cười trìu mến

Màu hoa tím cho lòng tôi xao xuyến
Dừng bước chân phiêu lãng chiều nay
Hoàng hôn rơi đã hết một ngày
Ôi thương biết bao nhiêu màu hoa cũ...

                                       Trần Thị Phương Lan 
                                       (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Con Xén Tóc

 

Trong số các con vật nhỏ bé hay bay lạc vào nhà lúc chiều tối như cà niễng, chuồn chuồn, châu chấu, dế, cánh cam, bọ dừa, bổ gỗ, bọ hung v.v... chúng ta còn phải kể tới xén tóc nữa, mặc dù thỉnh thoảng mới thấy nó xuất hiện, vì địa điểm sinh sống loài này thường là những vùng cây cối rậm rạp hay đồng cỏ yên tĩnh.

Thuộc loại côn trùng cánh cứng bất động lại chuyên gậm nhấm phá hoại, xén tóc gồm nhiều thứ to nhỏ khác nhau tùy màu sắc, địa phương. Thứ năng gặp nhất mang sắc xám, nâu, lốm đốm vàng xanh hoặc khoang đen trắng, đỏ sậm chen tím và đôi khi pha hồng. Trung bình cỡ sáu bẩy phân, thân thon thon nhẹ nhàng mỏng mảnh, đầu nhỏ mắt to bên cạnh hai sợi râu vượt quá thân mình, cứng ngắc do nhiều đốt kết hợp với nhau chẳng khác gì lá thông vậy, xén tóc đáng sợ ở chỗ, sau hai sợi râu nhỏ ngoe nguẩy loạn xạ là cặp răng nanh hình lưỡi liềm thật bén. Sở dĩ nó mang tên xén tóc vì nếu bạn thử rứt một vài sợi tóc rồi đưa cho nó cắn thử, sợi tóc sẽ đứt ngay. Do đó, hễ sơ ý, bạn dễ bị xén tóc xén cho một miếng vào tay chẩy máu như chơi. Kế đến là cổ, phần này to hơn đầu và đặc biệt trang bị hai mấu gai nhọn hoắt chĩa sang hai bên dùng để tự vệ và làm phương tiện gạt bỏ các chướng ngại vật trên đường đi kiếm ăn.

Dĩ nhiên xén tóc biết bay vì cũng có cánh, nhưng hai cánh này cứng và khum khum khép kín trên sống lưng hoặc do nhiều lớp lông nhỏ bao phủ, hoặc nhẵn thính, bóng loáng hay nổi gân chạy theo chiều dọc chỉ được coi như "áo giáp" che chở phần thân thể khỏi bị hiểm nguy khi xén tóc nhà ta chui mé vào các hang hố, hốc cây cũng như chống đỡ mọi sự va chạm mạnh nếu chẳng may húc phải bờ tường, cành lá rồi rơi xuống bất ngờ, chứ không vỗ được như loài chim. Cần di chuyển đó đây, lớp "áo giáp" sẽ mở rộng ra bất động để lấy chỗ cho hai cánh bên trong làm việc. Chính cặp cánh này, bề ngoài có vẻ yếu ớt, mỏng manh thật đấy nhưng dư sức nâng bổng xén tóc lên cao để lao đi vun vút tựa mũi tên.

Tuy cũng có sáu chân rất khỏe, xén tóc không nhẩy được như dế, châu chấu, cào cào v.v... ngược lại nó chạy khá nhanh ngang với loài gián, vậy mà vẫn bị sát hại. Mỗi khi gặp nạn, xén tóc phát ra những âm thanh xào xạo, đùng đục, đồng thời vùng vẫy tìm cách thoát thân. Một vài loại chim ưa bắt xén tóc để ăn thịt, do đó, nó ít khi xuất hiện lúc ban ngày mà chỉ chờ đêm tối mới dám bò khỏi tổ là các hang hố, đào sâu dưới đất, trong bờ, bụi, hoặc lỗ nhỏ ở mãi tít giữa ruột cây lớn vì nó thích "sơi" rễ, lá, cành non và ngay cả lớp gỗ tươi mềm. Dù đường vào "tổ ấm" nhỏ bé, xén tóc ra vào dễ dàng không hề gây ra thương tích bao giờ.

Tới mùa gieo giống, xén tóc cái lo sắp đặt chỗ đẻ trứng đục khoét giữa thân cây. Những trứng này trải qua một thời kỳ biến thể nghĩa là trước hết trứng hóa ấu trùng rồi thành kén, sau đó mới biến ra nhộng để rồi cuối cùng chính thức trở thành xén tóc con. Thường thường những chú xén tóc con này rất khỏe mạnh, háu ăn.

Ở vùng rừng già Amazone bên Ba Tây, người ta thấy hàng đàn đông đảo những con xén tóc lớn dài ngót ba mươi phân, chuyên sống trên cây, và đó chính là nguyên nhân các vụ cây có gỗ chết bất thường vì bị chúng đục thủng rỗng ruột loại cổ thụ làm tàn lụi cả một khu vực rộng lớn.

Tóm lại, xén tóc là loại côn trùng phá hoại mùa màng và cây cối cần tận diệt.


ĐẶNG HOÀNG      
(sưu tầm)           

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Một Bữa Đói Lòng

 

 Bác Bao Tử nằm bẹp một xó, ngất nga ngất ngưởng. Chợt có tiếng thánh thót của nàng Tim:

- Bao tử ơi! Bao tử à!

Bác mở choàng mắt:

- Gì đó! Ủa, tiểu thơ đó hả? Dạ tiểu thơ muốn dạy điều chi?

Giọng nàng Tim trong vắt, đầy vẻ hờn giận:

- Tại sao ngươi chưa cung cấp chất bổ cho ta? Ta yếu ớt quá. Ta buồn phiền quá. Ngươi định bỏ rơi ta đó ư?

Bác Bao Tử gục đầu thiểu não:

- Thuộc hạ xin chịu tội cùng tiểu thơ. Nãy giờ, không hạt cơm nào vào bụng nên thuộc hạ...

- Ủa, tên Thực Quản đâu? Nó không tiếp tế đồ ăn cho ngươi hả?

- Dạ đúng thế.

- Sao vậy? Tên Thực Quản đốn mạt đó...

- Không phải đâu. Việc này do vua Hưng, thiên tử của chúng ta gây ra đó.

Cô Gan xen vào. Bác Bao Tử thắc mắc:

- Lạ kìa. Vua Hưng đâu nỡ tâm thế bao giờ.

- Ô, biết đâu. Muốn chắc chắn bác cứ hỏi tiểu thơ Tim.

Nàng Tim ngạc nhiên:

- Ta biết gì đâu mà hỏi?

- Tiểu thơ quên rồi à? Đôi tai thính của tiểu thơ để đâu? Với chúng tiểu thơ sẽ nghe được cụ Óc trên kia thổ lộ tâm tình của vua Hưng cho xem.

- Phải đấy! Hay quá!

Bác Bao Tử và nàng Tim đồng thanh la lên thế. Rồi từ đó, im bặt tiếng nói của nàng Tim. Bác Bao Tử chau mày lẩm bẩm:

- Vô lý. Nguyên do nào? Vua Hưng đâu ác vậy? Vả lại, nếu chúng ta đói, tất vua cũng đói. Hỏi, đói dại gì không ăn? Chẳng lẽ vua Hưng chịu đói sao?

Cô Gan ghé vào tai bác, thì thào:

- Bác nói đúng đấy. Chuyện này muốn tỏ, phải chờ tiểu thơ Tim nghe ngóng sao đã.

Cả hai im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Đột nhiên:

- A cái thằng Bao Tử biệt danh Dạ Dày này! Cớ tại làm sao không thải cho mẹ con mụ đồ ăn như mọi bữa, hử???
 
Cô Gan và bác Bao Tử đồng giật thót một cái. Chừng nhận ra người đối diện, cả hai cau có:

- Mụ Ruột Già khỉ gió. Gì mà náo lên thế.

- Ô hay! Mụ la to thế tiểu thơ Tim làm việc sao được?

Bà Ruột Già ngơ ngác:

- Nàng Tim làm việc gì?

- Suỵt! Mụ này muốn gây chuyện hả. Đã bảo nói khẽ chứ.

- Ừ, khẽ thì khẽ. Chuyện gì mà bí mật thế?

Cô Gan bèn kể lại đầu đuôi rành mạch. Nghe xong, bà Ruột Gà à lên một tiếng. Ruột Non - đứa con yêu quí và độc nhất của mụ - lên tiếng:

- Thôi má đừng hỏi lôi thôi nữa. Yên để tiểu thơ làm việc nào.

Ngay lúc đó, một giọng trong trẻo thoát lên:

- Các người ơi! Các người ơi!

Nghe tiếng tiểu thơ Tim, cả bọn vui mừng reo:

- Tiểu thơ! Tiểu thơ! Xong rồi đó hả?

- Chuyện thế nào, thưa tiểu thơ?

- Thong thả cho tiểu thơ nghỉ mệt đã.

Nàng Tim dịu dàng:

- Mệt gì đâu? Ta kể nhá. Vừa mới sử dụng đôi tai, ta đã nghe giọng cụ Óc sang sảng: "Mình đói quá. Chắc các bộ phận trong người mình cũng thế. Nghe nó xục xạo mà..."

Cả bọn nhìn nhau, hả hê.

... "nhưng biết làm sao hơn? Nếu mình ăn cơm hóa ra mình thua mẹ à? Không! Mình có tự ái. Nhất quyết mình không thèm ăn cơm, nhịn đến chết luôn..."

Đến đây, Bao Tử thất kinh la lớn:

- Trời ơi! Thế là tôi sắp chết rồi đấy. Này mụ Ruột Già, cô Gan, các người cũng sắp nghẻo... hu hu...

Cô Gan gắt át lên rằng:

- Ơ... cái bác này. Đường đường là một thân nam nhi mà sợ chết thế hở?

Ruột Già - miệng méo xệch - miễn cưỡng hùa theo:

- Ừ cái thằng Dạ Dày ni mau nước mắt nước mũi lắm. Làm... tao... hi... hi... hích khóc... theo lu... ôn.

Nàng Tim ngọt ngào khuyên nhủ:

- Thôi! Các người ơi, đừng bi quan quá đỗi. Chuyện ngang đâu rồi, ta kể tiếp cho nghe. Khi ấy, cụ Óc vẫn đều đều:

... "Phải! Mình phải nhịn, nhịn ăn mới được. Mẹ đã không thương thì chớ còn mắng: "Thằng ranh con! Đi chơi đâu giờ mới về. Giỏi chơi thì giỏi nhịn". Được, nhịn thì nhịn, mình sợ à? Nhưng chắc chắn mẹ có để dành cơm cho mình. Đã thế, mình tuyệt thực vô hạn định cho mẹ biết..."

Mụ Ruột Già biến sắc:

- Vô hạn định?

- Vô hạn định thì tụi mình vô... sinh.

Bác Bao Tử lạc giọng:

- Nhưng ta yêu đời, ta không muốn chết... hu... hu...

Nàng Tim dỗ dành:

- Đừng khóc nữa Bao Tử ạ! Ngươi hãy lặng yên  nghe ta kể nốt:

... "Nhưng... Sao mình đói quá, ôi... ruột gan cào cấu. Chúng thù hận mình lắm. Chẳng lẽ mình ăn cơm? Không! Không thể thua mẹ. Chẳng lẽ mình nhịn? Không! Không thể nhịn..."

Ta nghe đến đó, sợ các ngươi nóng lòng, ta vội báo cho hay. Các ngươi nghĩ sao về vấn đề này?

Bác Bao Tử tươi tỉnh:

- Vua nói thế là vua sẽ ăn đấy. Phải không tiểu thơ.

- Phải rồi.

Mụ Ruột Già vỗ tay:

- Và... Chúng ta sẽ sống ha... ha...

Riêng cô Gan vẫn điềm tĩnh:

- Hết chuyện rồi tiểu thơ? Sao tiểu thơ không nghe tiếp? Ngộ vua Hưng đổi ý cũng nên.

Bác Bao Tử và mụ Ruột Già nhìn nhau chưng hửng. Cô bé Ruột Non cũng xen vào:

- Cô Gan chí lý. Má với bác xấu lắm. Mừng nhiều lát đau nhiều á nghen.

Thình lình có tiếng cãi cọ từ trên vẳng xuống:

- Thằng chó chết Răng này. Giành hết cơm không phần cho mỏa hở?

- Đâu có ông Lưỡi. Vị mặn chua và cay cháu để cho ông kìa.

- Ờ ngoan đó Răng. Mầy mà ăn hết thì liệu cái thần hồn. Tao không gỡ đồ ăn dính trên người mầy nữa đâu!

- Cần chi. Có chị Tăm bạn thân cháu làm việc đó rồi ông ơi!

Không hẹn, "toàn dân" trong người vua Hưng đồng nhảy cỡn lên reo hò.

Bác Bao Tử thích chí đưa tay trỏ:

- Đọ đọ. Tên Thực Quản tiếp tế đồ ăn cho tui kìa.

Trao cơm tận tay bác, Thực Quản mỉm cười:

- Giờ thì cháu hết ngứa ngáy chân tay rồi bác ạ.

Bác Bao Tử không trả lời, nhồm nhoàm nhai. Cô Gan liếc xéo:

- Bác xong là đến bọn này đó. Bác mà khư khư một mình thì... a... lê...

Hai mẹ con Ruột Già đồng thanh:

- ... hấp! Bọn này mổ bụng à...

Mặc lũ thuộc hạ huyên náo, nàng Tim vẫn nhảy múa nhẹ nhàng. Nhưng kỳ quá! Chân nàng bước kêu to: ... tực... tực. Có lẽ vì vui quá chăng? Nàng Tim bèn vểnh tai lắng nghe tư tưởng vua Hưng giờ ra sao ; đồng thời cũng cố ngăn nỗi vui bồng bột trong lòng:

... "Ôi tim ta đập mạnh quá. Nó thấy mình ăn nó thích mà. Ha... ha, tuy ăn mình vẫn không thua mẹ. Ai bảo mẹ dọn cơm cho mình ăn? Nhưng mình có lỗi nhiều lắm. Lỗi với mẹ và lỗi với các bộ phận trong người mình nữa. Tim ơi... ta xin lỗi nhen..."

Nàng Tim thở hắt ra khoan khoái. Nàng Tim khép mắt. Bỗng nàng thấy dễ chịu cả người. Nàng cất tiếng trong veo như chim họa mi hót:

- Cám ơn ngươi... Cám ơn Bao Tử nhé, chất bổ ngấm vào ta... khiến ta lịm cả người...!!!


TUYẾT DUNG       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 61, ra ngày 15-1-1967)


Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Khúc Đường Bi Thảm

Thời đó nhạc Jazz mới bắt đầu thịnh. Luân lý suy đồi mà thói trâng tráo, vô liêm sỉ được hoan nghênh. Một cặp vợ chồng trẻ nọ dễ thương, hoạt bát, lanh lợi, dọn lại ở sát nhà chúng tôi. Như nhiều cặp khác, họ mới vội vàng cưới nhau trong chiến tranh, chồng tên là Fred, vợ là Clara. Mấy năm chiến tranh họ sống trong một không khí cực nhọc, kích thích. Xa nhau trong mấy tháng rồi mới đoàn tụ một vài ngày, sung sướng và xúc động cực độ. Bây giờ hết chiến tranh rồi, cũng như bọn trẻ khác, họ phải trở lại cuộc sinh hoạt bình thường, hơi buồn tẻ.

Một buổi tối tháng chín năm 1919, họ cãi lộn nhau như thường ngày. Đã mấy tháng nay, họ gây với nhau hoài. Họ vẫn yêu nhau đấy nhưng hôn nhân của họ đã có mòi lâm nguy. Họ thỏa thuận với nhau, cho cái thói vợ chồng dắt nhau đi chơi là lẩm cẩm, cổ lỗ. Vì vậy tối hôm đó, Clara sẽ đi với một chàng tên là Charlie, còn Fred thì cũng đi với một thiếu phụ tên là Eliane, mỗi cặp đi một phía.

Cặp vợ chồng trẻ đó đã uống hết một bình "cocktail" trong khi đợi Charlie tới. Fred mới nghe được một chuyện độc ác thô tục về Charlie, kể lại cho vợ hay. Thế là họ lại đấu khẩu với nhau. Tối đó họ chưa tính ly dị nhau, nhưng cứ cái đà đó thì chẳng bao lâu nữa nhất định là họ sẽ đưa nhau ra tòa.

Bỗng một tiếng còi xe lửa chói tai làm họ im bặt. Không phải tiếng còi như mọi khi. Lần này nó xé không khí, dữ dội, kinh khủng rồi ngừng bặt một cách tàn nhẫn rùng rợn. Có gì xảy ra trên đường xe lửa cách nhà họ một cây số rưỡi đó? Clara và Fred đều không biết.

*

Cũng tối đó, một cặp vợ chồng trẻ khác: William và Mary Tanner dắt nhau đi chơi. Họ cưới nhau trước cặp Clara và Fred, và đã biết san phẳng những xích mích nhỏ giữa họ với nhau từ lâu rồi, bây giờ rất quí mến nhau.

Sau bữa tối, họ dạo mát, coi hát bóng. Tới một chỗ đường xe lửa đi ngang qua đường cái, Mary trượt chân, té và chẳng may chân nàng mắc kẹt vào đường rầy, rút chân ra khỏi đường rầy hoặc ra khỏi chiếc giày đều không được. Một chuyến xe tốc hành chạy tới.

Chỉ còn vài giây nữa thôi.

Khi ánh đèn xe lửa chiếu lên họ, người thợ máy mới thấy, họ kẻo còi, xả hết hơi. Mới đầu ông ta thấy hai hình người rồi thêm một hình thứ ba, hình chú John Miller, nhân viên hỏa xa, chạy tới cứu Mary. Will Tanner quì xuống, tay run rẩy rán cởi giày cho vợ, nhưng không kịp nữa. Nhân viên hỏa xa và chàng cùng rán kéo Mary ra xa trong khi chuyến xe ầm ầm xông tới.

Nhân viên hỏa xa thét lên.

- Thôi, vô ích! Không cứu được đâu!

Mary cũng nhận thấy vậy, la lớn:

- Mặc em! Anh Will mặc em!

Nàng cố đẩy chàng ra. Will Tanner chỉ còn có một giây để lựa chọn. Không thể cứu Mary được nữa nhưng còn kịp tự cứu mình.

Người gác đường rầy [*] nghe Will Tanner lớn tiếng, đáp vợ át cả tiếng rầm rầm của chuyến xe đương xông tới:

- Anh ở lại với em, em Mary!

*

Bảo rằng tiếng còi xe lửa đó làm cho Fred và Clara hết gây nhau thì không đúng. Nhưng tai nạn đó làm cho sự giao thông ngưng lại ở hai bên đường, và các xe hơi tính qua khúc đó đều bị mắc kẹt; trong số đó có chiếc xe của Charlie. Chàng không kiếm cách đi vòng đường khác để lại nhà Clara. Chàng quay trở về nhà chàng và kêu điện thoại. Fred lại nghe điện thoại, hỏi Charlie:
 
- Anh muốn nói chuyện với Clara hả?

Charlie đáp, giọng nghẹn ngào, kỳ cục:

- Không. Nói chuyện với cả anh nữa. Tôi không lại đón chị đâu, anh Fred. Nhờ anh nói lại với chị như vậy.

Fred hỏi có gì xảy ra không thì Charlie có vẻ không đáp thẳng được.

- Anh biết vợ chồng Tanner chứ?

- Tanner? Tanner ư? (Fred phải suy nghĩ một chút). À nhớ ra rồi. Phải cặp hú hí với nhau, không rời nhau đó hả?

- Phải...

Charlie không nói gì được thêm nữa, móc điện thoại lại.

Một lát sau, vài người hàng xóm vô chơi nhà Fred, kể chuyện tai nạn:

- Người chồng đáng lý thoát được chứ, nhưng không muốn. Thầy ấy ôm lấy vợ, ghì chặt vợ và chú gác đường rầy nghe thấy thầy ấy nói: "Anh ở lại với em, em Mary!" Họ ôm nhau ngồi ở đường rầy... Đèn pha chiếc xe lửa chiếu vào họ, tỏ như ban ngày. Thầy ấy không chịu rời vợ.

Một hành vi cao cả, liệng vào bàn cân, do sự tương phản đã làm cho bao nhiêu cái ti tiểu nẩy tung lên hết, và rọi vào những ti tiểu đó một ánh sáng tàn nhẫn, cho ta thấy rõ mọi sự bỉ ổi. Will Tanner khi chết đã hô hào một lý tưởng mà kẻ khác phủ nhận. Chàng đã thách đố những kẻ hoài nghi và gian trá. Người đàn bà nào nghe chuyện đó tất cũng tự hỏi câu này: "Mình có gây cho một người đàn ông nào một tình keo sơn như vậy không?" Còn phía đàn ông thì tất cũng tự hỏi: "Mình có biết chút gì về ái tình không, nếu mình không thấy ở trong thâm tâm mình một tình cảm khá mạnh để có được một hành vi như vậy?"

Tôi tin chắc rằng sự thay đổi trong tâm trạng và đời sống của cặp Fred Clara cũng bắt đầu từ đêm đó. Và nhiều người khác tất cũng thay đổi nữa: khi nghĩ tới Will Tanner, họ bắt đầu n
gờ rằng trong tình vợ chồng có những khu vực mà họ chưa được biết tới.

Edwin Balmer          
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch
(Trong Ý Cao Tình Đẹp)  
  
_____
[*] Tức John Miller


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>