Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Tháng Giêng Về Chưa

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tháng giêng về chưa
Dã quỳ rực nắng
Nắng ngả sau đồi
Chân trời im vắng

Tháng giêng về chưa
Sao mây chớm hồng
Sao chiều gió lộng
Rối mái tóc bồng

Tháng giêng về chưa
Nén tiếng thở dài
Trong chiều hiu quạnh
Ai còn đợi ai

Tháng giêng về chưa
Chân bước ngập ngừng
Hồn ai xao động
Lòng ai bâng khuâng

Tháng giêng về chưa
Mây chiều xanh biếc
Sáo diều vi vu
Như niềm luyến tiếc

Tháng giêng về chưa
Xanh mướt khóm dừa
Bóng ai dần khuất
Vạt nắng buồn đưa

Tháng giêng về chưa
Ngày chẳng còn dài
Vàng đồng hoa cúc
Em còn đợi ai...

                         Thơ Thơ
              (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Ông Tiên Áo Trắng

 Lấy cớ là Bé bị đau, suốt ngày me cứ bảo chừng Bé là: đã lên giường nằm chưa? Đã trùm chăn chưa? v.v... Mà Bé nào thấy bệnh hoạn gì đâu, chỉ cảm thấy ớn lạnh một tí tẹo thôi - Tại Bé ăn nhiều cà rem đấy mà - ăn nhiều vào là khỏi ngay - Tuy biết mình không đau, nhưng Bé phải nghe lời me mà "đau thật" chứ không me về mách ba thì nguy.

Từ hai hôm nay vắng Bé, ông trời chắc buồn ghê lắm. Bé thấy thỉnh thoảng ổng lại khóc. Nằm một mình nghe ổng khóc ray rứt không chịu được Bé cũng buồn lây. Khi trưa ba đi làm về, vào phòng thăm Bé, Bé nghe ba bảo me đi rước Bác sĩ về chữa bệnh cho Bé - chữa bệnh là chích thuốc đó, chích như thế này này... đau lắm. Bé thấy lo quá hà, Bé muốn bảo với ba là Bé đã khỏi nhưng Bé lại sợ ba mắng, thành ra Bé còn một hy vọng là ông Bác sĩ đừng đến thôi.

Lần trước chị Hà đau Bé cũng thấy có một ông, mặc áo dài trắng rộng thùng thình - ông Tiên đó mà - trên đầu đội một cái hộp cũng màu trắng luôn, có chữ thập đỏ nữa. Chắc tại ba mời nên ông Tiên ấy đến. Bé thấy ông Tiên cầm tay chị Hà rất lâu mà không nói gì cả, đôi mắt ông Tiên cứ nhìn hoài đôi giày của Bé, mà không phải nữa, ông Tiên đang nhìn cái vật gì dưới đất, mà chắc nhỏ quá nên ông không thấy. Bé thấy đôi mắt ông Tiên sau cặp kính trắng trông hiền lắm, đôi chân mày ông cứ châu vào nhau khiến trán nhíu lại những nếp nhăn trông ông Tiên hay hay làm sao ấy.

Một lúc sau ông Tiên buông tay chị Hà ra, lấy trong cặp vài lọ thuốc và một cái hộp. Trông cái hộp ấy giống hộp đựng ô mai của Bé nhưng bằng sắt. Ông Tiên đem trong hộp ấy ra một cái ống bơm nhỏ xíu, đầu có cây kim "lớn vĩ đại" gắn vào lọ thuốc vừa hút nước thuốc vào ống, vừa nói chuyện với ba. Chợt Bé thấy ông Tiên đi tới gần chị Hà và... eo ôi.

Bé sợ quá, muốn khóc luôn khi thấy ông Tiên cầm cái ống tiêm đó ghim vào người chị Hà, Bé nhớ là hình như chị Hà giật mình một cái, Bé vội quay đi chỗ khác và Bé nghe thấy tiếng chị Hà khóc nho nhỏ. Bé chợt thấy thương chị Hà nhất nhà và Bé cũng giận cái ông Tiên đó quá chừng, ông Tiên làm chị Hà đau á.

Đến lúc ông Tiên về rồi, Bé vào thăm chị Hà, nghe Bé nói cái ông vừa rồi là ông Tiên áo trắng, chị Hà phì cười cốc vào đầu Bé một cái đau điếng - mà Bé không giận chị Hà, vì chị vừa khóc xong, tội nghiệp lắm cơ - cốc xong chị Hà mới nói:

- Bé ngây thơ thế! Ông đó là ông Bác sĩ chữa bệnh chứ có phải ông Tiên áo trắng áo đen gì đâu.

Đến đây hẳn các bồ sẽ chế Bé rằng: "chắc cô bé đọc truyện nhi đồng nhiều quá rồi đâm ra tưởng tượng" chứ gì? Nhưng Bé xin đính chánh là Bé chưa biết đọc báo... mới học đánh vần hà! Bé bảo ông bác sĩ là ông Tiên là do Thủy nó kể cho Bé nghe đấy. Lúc nó ở bệnh viện về nó nói lại với Bé: nó gặp những hai ông Tiên một lúc, đi vào khám bệnh cho nó và hai ông ấy cũng làm như cái ông Tiên... í quên, ông Bác sĩ chữa bệnh cho chị Hà Bé vậy.

Bây giờ thì Bé lo quá hà! Không biết chừng nào thì đến lượt Bé bị như chị Hà nữa. Bé chỉ mong sao cho cái ông Bác sĩ (chứ không phải ông Tiên đâu nhé) bị đau, và phải đau thật cơ. Lạy Trời! Được vậy Bé mừng lắm.

Thôi lúc này Bé không kể chuyện nữa, có tiếng chị Hà và anh Hưng về đến nhà rồi kìa. Bé phải làm cho ra vẻ ốm nặng để hai người phải khổ vì Bé mới được ác quá nhỉ?). Ai biểu cứ theo ghẹo Bé hoài. Nhất là anh Hưng á, ảnh cứ kêu bé là "Siêu nhân hai sừng", mà Bé có sừng đâu, Bé bím tóc đuôi Sam đấy chứ. Ghét chưa?

Bé chợt thấy ánh sáng lùa vào hoa cả mắt khi cửa phòng sịch mở. Đã có ý định từ trước Bé vội giả vờ nhắm mắt ngủ thực, quyết ai gọi cho quà cũng... không thưa luôn. Nhưng sao lạ quá, có tiếng ba và cả tiếng của ai quen quen nữa đây này? Bé lén hé mắt ra nhìn thì...: Ô hô chết rồi! Ông Tiên! Không, ông Bác sĩ đã đến và đứng nhìn Bé cười kìa. Ông tỏ ra không bệnh một tí nào mà còn vui vẻ nữa là khác.

- Cháu ngoan quá! Cháu ngủ đấy à?

- Ồ sao Bé không chào Bác sĩ đi?

- Thôi để mặc cháu nằm cho khỏe.

Bé hồi hộp quá. Vẫn chiếc áo trắng rộng thùng, chiếc mũ có chữ thập đỏ đội nghiêng trên mái tóc hói, với đôi mắt hiền từ ẩn sau chiếc kính trắng kia đã từng làm cho Bé sợ, khiến Bé càng nhìn càng thấy nó làm sao... sao ấy!
 

Ba mỉm cười như để trấn an Bé khi ông Bác sĩ lấy ống nghe cặp vào hai tai ông, còn một đầu áp vào ngực Bé để nghe... nghe trái tim của Bé đập "bình! bình!" như tiếng trống trường của Bé.

Nghe xong ông từ từ tháo ra và cho tất cả mọi thứ vào cặp, mỉm cười xoa đầu Bé bảo ba:

- Cháu không hề gì, chỉ cảm xoàng. Tuy nhiên tôi cũng viết toa để ông mua thuốc cho cháu.

Ông Bác sĩ cười với Bé một lần nữa rồi bắt tay ba ra về. Ba tiễn ông ra khỏi cửa cho đến khi khuất bóng.

Thật hú vía! Đến phút này Bé mới cảm thấy yên ổn còn hơn là ở trong nhà tù, và Bé cũng đến phút này mới thấy ông Bác sĩ hiền, thật hiền, hiền như một ông Tiên. Ông Tiên áo trắng mà lỵ.


Lê-văn-Đạt        

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 82, ra ngày 1-12-1967)


Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

Sự Tích Trái Thơm


 
Chắc hầu hết các em đều đã trông thấy trái thơm và đã có lần được ăn thứ quả ngon, ngọt mà nhiều mắt đó. Nó không sang không quí như trái hồng, trái nho, không đắt tiền như lê, như táo. Nó là thứ trái cây rẻ tiền, bình dân mà khắp đô thị cho chí thôn quê đâu đâu cũng có. Nó còn là thứ thực phẩm có thể để lâu vào những lúc có nhiều, ăn ngay không hết, vào mùa rộ, người ta xắt lát phơi khô làm mắm, làm mứt, ép lấy nước, cho vào hộp, xuất cảng ra ngoại quốc v.v...

Nhưng điều đáng chú ý nhất là sự tích, nguồn gốc của nó, một câu chuyện khá đau thương:

Bà Hồng là một quả phụ nghèo, không sản nghiệp, quanh năm lao tác để nuôi thân. Bà làm bất cứ việc gì: đi cấy, đi gặt, may thuê, vá mướn ; mùa đông thì ngồi nhà chằm nón, xe chỉ. Bà là một phụ nữ đoan trang, lương thiện có
tiếng trong làng, bà có sắc đẹp, được cả người cả nết. Sau khi chồng chết, vừa đoạn tang xong thì có rất nhiều đàn ông ngấp nghé muốn cưới bà, song bà Hồng cương quyết không tái giá vì lẽ bà sợ con gái độc nhất của bà là bé Thơm sẽ khổ, bà không muốn san sẻ tình thương cho ai khác ngoài Thơm.

Bà đúng là bậc hiền mẫu. Xung quanh không ai chê trách bà vào đâu được. Song bà mắc phải một khuyết điểm: quá nuông con. Bà thường bảo là con mình bất hạnh, mất cha quá sớm, phải chịu thiệt thòi nên bà cần bù đắp vào chỗ thiếu thốn đó. Bé Thơm mặc nhiên nhận hưởng tình thương như nước nguồn của mẹ, kiêm cả tình thương như non Thái của cha!

Tuy nghèo khổ, vất vả, bà Hồng không để cho con gái mó tay, đặt mắt vào bất cứ việc gì, cho dù là những công việc nhẹ nhàng nhất trên đời. Trong lúc mẹ nó làm lụng quần quật ngoài vườn, trong rẫy hay dưới bếp, trên rừng nó vẫn cứ nhởn nhơ như cánh bướm rong chơi khắp xóm, tới bữa về ăn. Thơm lại càng không ưa việc học hành, chữ nghĩa không vô đầu, nó mới chịu!

Bé Thơm không thích việc chả củi, nhặt rau, ghét cả việc nấu cơm, kho cá. Bà Hồng có cô em gái lập gia đình tận làng xa. Lâu lâu về thăm chị, người em phàn nàn:

- Chị mỗi ngày một già yếu, phải tập cho cháu cất nhắc tay chân, con gái mà không biết qua một tị việc nhà... Chị tưởng sống đời để hầu hạ nó hay sao?

Bà Hồng chống chế:

- Cháu còn bé dại, thôi! Trăng đến rằm thì trăng tròn, dì ạ! Nó vẫn nhởn nhơ rong chơi khắp xóm như cánh bướm, chờ tới bữa nên mâm, nên bát mới chạy về ăn.

Thơm quen tính lười, nhất thiết không ưa sự làm việc, khác xa tính mẹ. Nó ghét chả củi, thái thịt, không ưa kho cá, nhặt rau, chẳng thích cầm kim, cầm kéo ; mẹ cho đi học Thơm càng ghét tợn: chữ nghĩa không chịu chui vô đầu nó như mọi trẻ em khác cùng trang lứa.

Mỗi năm, mỗi tuổi, cô gái càng lớn, người mẹ càng già, bà yếu dần đi, không thể lao tác ở ngoài đồng ruộng nữa, bà vay mượn bạn bè góp thành cái vốn nhỏ mua sắm một gánh hàng lặt vặt bán ở chợ kiếm lời độ nhật. Tinh sương bà đã quảy gánh lên vai, tối mịt mới kẽo kẹt gánh về. Thơm vẫn không đổi nết: dù cho mẹ cô đổ mồ hôi trên cánh đồng đổi lấy bát cơm cho cô hay là ngồi còm cọm ngoài chợ bán từng chút hàng lặt vặt như cái kim, cuộn chỉ kiếm lời đong gạo, bà vẫn phải về lo bữa ăn cho cô, chứ cô không đụng đến móng tay công việc sân vườn, bếp nước!

Bà Hồng tự chống chế là "trăng đến rằm thì tròn" không hề quở mắng con gái một câu. Nhiều hôm, trời lạnh căm căm, bà vẫn giữ thói quen dậy sớm, lo nấu cơm và thức ăn sẵn cho con gái để trưa nó có ăn rồi mới gánh gánh lên vai. Vào buổi chiều, mệt nhọc đặt gánh hàng lên bậc cửa rồi bà tất tả lo nấu cơm chiều, chứ không được nghỉ như bao nhiêu bà mẹ khác.

Sau bữa ăn, bà lại lo thu dọn chén bát, rửa ráy nồi niêu. Rồi thì là may quần vá áo cho con, trăm thứ nhì nhằng, không bao giờ được đặt lưng sớm.

Quá lao lực, bà già trước tuổi và không bao lâu, kiệt sức, bà ngã bệnh và bệnh mỗi ngày một tăng lên, không thuyên giảm.

Thơm bấy giờ đã mười ba tuổi bắt đầu chịu khổ: cô bé phải làm tất cả mọi việc từ lớn đến bé, từ dễ đến khó, những công việc mà cô chưa hề để mắt nhìn thử một lần chứ đừng kể đến chuyện mó tay! Chả củi, nấu cơm, đi chợ, giặt gịa v.v... chao ơi! Nhọc sao là nhọc!

Thơm phải xách nước từ giếng sâu lên, mồ hôi nhễ nhại. Thơm phải nhóm bếp khói tuôn vào mắt cay xè!

Nhưng mẹ Thơm vẫn không được yên thân nằm, trong lúc nhiệt độ tăng lên không ngớt, thỉnh thoảng từ giếng cô gái kêu giật mẹ:

- Mẹ ơi mẹ! Làm sao cho sạch cái cổ áo đây?

Hay từ dưới bếp:

- Mẹ ơi! Hộp diêm mẹ để chỗ nào?
 

Mặc dù cơn sốt đang hành hạ người mẹ, bà cũng cố gắng để trả lời con:

- Hộp diêm trên miếng gạch cạnh bếp đó.

- Thế còn gạo? Mẹ vất chỗ nào? Con kiếm không ra?

- Gạo trong vò, phía bên trái, từ cửa bếp nhìn vào là thấy.

Thơm lầu bầu, nhăn nhó, vất vả hồi lâu thì nồi cơm sôi sục trên bếp lửa, cô gái hốt hoảng, kêu inh ỏi:

- Mẹ! Làm sao đây? Cơm sôi rồi... cái vá hay đôi đũa?...

Bà mẹ ôm ngực ho rũ rượi, mệt tưởng đứt hơi song phải cố lê lại gần bếp, vùi bớt củi, dùng đũa xới sơ cơm và chờ cho cơm cạn mới lảo đảo về giường, mệt lả đi.

Thế rồi cơm chín. Từ bếp, cô gái quí lại hỏi vọng vào:

- Cơm chín rồi đây mẹ! Làm sao con nhắc xuống, nóng bỏng cả tay thề này, này!

- Lấy cái khăn lót tay mà nhắc cơm xuống, rồi ăn đi, mẹ mệt quá, hãy để mẹ nằm yên một chốc xem!

Lần đầu tiên người mẹ cáu với con. Thơm lại hỏi:

- Mà con ăn cơm với gì đây? Mẹ có ăn không?

- Có trách cá kho trong chạn đó, bưng ra, hâm nóng mà ăn, mẹ sốt thế này ăn cơm sao được. Thơm! Hãy để mẹ nằm yên!

Thơm gần khóc:

- Còn bát đũa mẹ để đâu? Con ăn bốc hay sao? Sao mẹ không cho con hỏi?

- Trời ơi! Sao con không chịu để mắt vào một chút? Cái gì cũng hỏi, mỗi chút mỗi hỏi...

Lần này bà Hồng hết kiên nhẫn nổi, la lên. La xong, bà mệt thêm nằm thiêm thiếp trên giường, tuy thế, bà vẫn cố để đừng mê đi, xem con gái còn cần hỏi gì không, vì dù sao, bà vẫn thương con lắm, thương còn hơn cả thương thân!

Thơm không hề biết phục thiện, cô gái phụng phịu:

- Khổ thân tôi chưa này Trời? Tôi có hai mắt chớ phải tôi có hai chục con mắt đâu mà mẹ bảo tôi để mắt chỗ này, chỗ khác! Tôi mà có nhiều mắt coi, tôi chẳng thèm hỏi han mẹ câu gì hết, để mẹ được nằm yên... Ước chi...

"Cô bé lười biếng kia! Ta sẽ cho mày có thật nhiều mắt! Rõ thật nhiều như mày ước muốn! Coi đây!"

Từ giữa không trung, một giọng nói bí mật cất lên, sang sảng và oai nghiêm làm cho bà mẹ từ giường toát mồ hôi vì kinh hãi. Thơm ngạc nhiên, đưa mắt nhìn quanh, cố tìm xem tiếng nói xuất phát từ đâu. Thơm nói với mẹ:

- Để con ra vườn coi!

Như có linh tính báo trước, bà mẹ muốn ngăn con lại nhưng không kịp. Và rồi, bà nằm đợi, đợi mãi không thấy cô gái trở vào, cơm cá nguội ngắt, bếp núc lạnh tanh.

Bà cất tiếng run run gọi con, không có tiếng trả lời.

Bầu không khí lặng lẽ của đêm sâu đầy kinh dị. Người mẹ sốt ruột quá, không đợi được nữa, khoác thêm áo ấm, băng mình dậy, ra ngoài tìm con.

Trăng sáng rỡ, gió đêm lạnh rợi.

- Thơm con! Con nấp chỗ nào? Mẹ đợi con đây!

Im lặng. Chợt bà mẹ để ý đến một cái cây hình dáng kỳ lạ đột ngột xuất hiện dưới trăng, chính giữa thân cây, có một trái. Bà dụi mắt mấy lần để nhìn kỹ, vì cứ tưởng mình quáng mắt, nhìn lầm. Rồi bà lại gần chút nữa, xem xét tỉ mỉ. Thân cây thấp, lá dài, móng có gai, giữa thân cây, lồ lộ một quả bao quanh không biết cơ man nào là mắt và từ đó bốc ra mùi thơm ngát mũi.

Bà Hồng lùi lại, tâm trạng bàng hoàng. Bỗng, từ trong cái trái cây lạ lùng đó, có tiếng con gái bà lanh lảnh cất lên:

- Mẹ đừng sợ! Con đây! Con có rất nhiều mắt, mẹ thấy chưa? Con phạm nhiều lầm lỗi lắm nên bị bề trên trừng phạt. Nhưng con không ân hận đâu, mẹ ạ! Con sẽ có ích cho mẹ: Ngày mai, mẹ hái con đi, đem ra chợ bán, con ngon ngọt lắm, người ta sẽ mua con, mẹ sẽ có tiền uống thuốc cho lành. Hái con đi! Rồi con sẽ mọc ra, lan tràn khắp vườn nhà. Rồi mẹ nếm thử xem, con ngon ngọt lắm!

- Thơm con! Làm sao đến nông nỗi này...

Bà gục xuống, ôm cái cây đầy gai mà khóc hồi lâu. Tiếng Thơm lại dịu dàng:

- Mẹ đừng khóc, con đau lòng lắm! Tại con nên nông nỗi này đây! Mẹ nín đi và nghe lời con nói. Sương xuống nhiều rồi đó, mời mẹ vô nhà nghỉ, kẻo nhiễm lạnh đau thêm. Con không xa mẹ đâu! Con ở tại đây, mà!

Bà Hồng nén khóc, vào nhà, nhưng bà không ngớt dõi mắt nhìn lại đứa con yêu từ nay trở thành một thứ trái cây kỳ quặc.

Rồi nhờ thứ trái cây đó, bà kiếm được khá tiền. Không bao lâu quanh gốc cây mọc vô số cây con. Mọi người đổ xô lại, mua về gây giống. Cho đến tận lúc ấy, người ta vẫn không biết gọi nó là thứ trái cây gì. Bà Hồng, sau nhiều đêm suy nghĩ, bèn đặt cho thứ trái ấy cái tên THƠM để kỷ niệm đứa con gái bất hạnh của mình, và mọi người đều gọi theo bà.

Cho đến ngày nay, Thơm xuất hiện cùng khắp trên thế giới, sự tích về nó đã chìm vào quên lãng, người ta chỉ biết nó là trái ngọt, nhiều mắt mà thôi.


MINH QUÂN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 69, ra ngày 17-12-1972)

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

Những Ngày Lưu Học

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
tặng các lưu trú sinh ĐẮC LỘ

Đã lâu lắm không trở về nơi cũ
Thăm ngôi trường ấp ủ lắm yêu thương
Nơi những ngày nội trú rất thơm hương
Nơi lũ bạn muôn phương về góp mặt
 
Tôi vẫn nhớ mấy mùa thu dào dạt
Sân trường ngoan trắng xóa áo thư sinh
Tay học trò ôm vở mới trắng tinh
Gian lớp nhỏ vang lừng câu tái ngộ
 
Cuộc sống đó tôi đã từng mến mộ
Xa gia đình nhưng vẫn thấy niềm yêu
Dăm bạn bè khá giả chẳng hề kiêu
Hay ít đứa bạn nghèo song đáng mến
 
Va li mỏng chưa đầy tôi đã đến
Chứa không nhiều chỉ nhốt đủ niềm vui
Lớp học này tôi mỗi buổi tới lui
Bao kỷ niệm bên thầy cùng phấn bảng
 
Những trận mưa dầm dề hay nắng hạn
Hết học hành cùng lũ bạn rong chơi
Ngỗ nghịch nhiều thày phạt vẫn không ngơi
Tôi cảm thấy cuộc đời bao thích thú
 
Nhớ thuở ấy tôi là măng mới nhú
Chẳng bợn phiền hồn trong trắng như tơ
Lúc nhớ nhà tôi cũng biết làm thơ
Nhưng vơ vẩn nên chẳng ra vần điệu
 
Những buổi lễ đứng nhìn cha hiền dịu
Tôi người lương nhưng cũng biết cầu xin
Thuở dại khờ tôi chưa có niềm tin
Nhưng xem lễ cũng cầu kinh to tiếng
 
Rồi buổi nọ tâm hồn tôi chết điếng
Giấy học trò lem vết mực tình yêu
Những tờ thư trao đổi rất hồn nhiên
Tình tuổi nhỏ ngọt ngào như mật mới
 
Song bé bỏng tay làm sao với tới
Tôi quay về với sách vở, trò chơi
Lũ bạn bè tôi nhớ mãi khôn vơi
Nô giỡn đấy nhưng học hành giỏi lạ
 
Ôi thuở ấy hồn xanh như đám mạ
Vui lẫn buồn cùng lũ bạn ngây ngô
Những giờ ăn cố nuốt cũng không vô
Nhưng vẫn thấy đậm đà hương gia quyến
 
Ngôi trường ấy tôi đã từng lưu luyến
Từ hành lang đến lối rẽ lên lầu
Hàng phượng nào hè đến đã âu sầu
Bàn ghế nọ đã cùng tôi bạn hữu
 
Vườn cha đốc vẫn còn dăm gốc liễu
Chính nơi đây tôi học suốt mùa thi
Đến bây giờ tôi hồ dễ mấy khi
Ôn vở học được ngửi mùi lan nở
 
Cuối năm ấy tôi nghe lòng chết dở
Thi xong rồi phải trở lại quê nhà
Đương độ hè nắng lửa cháy đường xa
Tôi vẫn thấy tâm hồn sao buốt lạnh
 
Qua khung cửa trời mưa chưa muốn tạnh
Tôi nghẹn ngào ôn lại quãng đời xưa
Những ngày hồng cha mẹ vẫn đón đưa
Giờ cô độc chỉ mình tôi hiu hắt.
 
                                              THẬP CẨM 
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 116, ra ngày 7-12-1973)

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Nói Chuyện Gì Bây Giờ?

 

Bạn đến chơi, biết nói chuyện gì với bạn bây giờ? Đó là nỗi thắc mắc của người có lòng tốt, muốn cho người khác vui vẻ, và muốn bầu không khí khỏi nặng nề khó thở.

Các em ơi! Với ý hướng tốt đẹp như thế, mà chỉ vì không tìm được đề tài hay mà nói chuyện, riết rồi một ngày kia ta biến thành người đôi co mách lẻo thì các em yêu quí ơi, thật đáng buồn xiết bao!

Con đường đi tới sự đáng buồn đó không xa đâu em. Bởi vì trong khi mình đang đi tìm đề tài, mà lại có người gợi ra một câu chuyện nào đó về người thứ ba, thì lúc đầu, mình chỉ thấy là có đề tài tốt để nói chuyện cho vui mà thôi, hoàn toàn không có ý định làm khổ ai hết. Nhưng rồi câu chuyện sẽ đi xa, phê bình người khác thì ai cũng tìm ra điều xấu của người khác rất giỏi. Hoặc là nhắc lại một lời nói xấu, thì lương tâm mình tưởng như là yên ổn, vì: "chị X nói cô ấy thế này..., anh Y nói cậu ấy thế kia"... và nghĩ rằng mình không hề nói xấu gì ai hết. Các em ơi! Nhầm rồi. Chỉ nhắc lại một lời phê bình xấu về người khác, vô tình em làm ác rồi. Này nhé, trước nhất là liệu chị X, anh Y nói có đúng không đã nào, thứ đến là thử tưởng tượng, cái "cô ấy", "cậu ấy" nào đó mà nghe được lời nói xấu về họ, họ sẽ buồn biết mấy. Có  thể họ sẽ giận và trách em nữa. Và còn đáng tội nghiệp họ hơn nữa là chỉ vì mình vô tình phê bình xấu có khi họ mất ăn mất ngủ, gia đình bè bạn họ buồn lấy. Còn mình thì, theo nhà Phật, cái nghiệp ác về Miệng Lưỡi đó, mình sẽ phải lãnh một ngày kia.

Chị thiết tha mong các em cả trai và gái ráng tránh sự phê bình chỉ trích sau lưng người ta, để tránh gây buồn phiền cho người khác và hơn hết, đó là mình giữ gìn tư cách.
 
Để tránh tật đôi co mách lẻo và các tai hại mà nó sẽ gây ra, ta phải tập thói quen biết nói chuyện và các đề tài để nói phải gây hứng thú cho người nghe, đồng thời mình có thể học hỏi được luôn trong câu chuyện ngõ hầu nâng cao trình độ kiến thức của cả bạn cả mình.

Vậy, nói chuyện gì bây giờ?

Muốn có nhiều đề tài để nói chuyện, các em nên dành nhiều thì giờ đọc sách báo, các loại dùng để mở mang kiến thức, chứ đừng đọc loại nhảm nhì, thì mình sẽ có nhiều điều cần học hỏi, cần bàn luận với bạn luôn luôn, người nào mà ta gặp cũng có những điều mà ta không biết, ta nên học hỏi ở họ. Thí dụ em học chương trình phổ thông, bạn em học kỹ thuật, thế là em có thể gợi chuyện về kỹ thuật để bạn giảng cho mình những điều mình không biết. Được em biết đến tài, bạn em sẽ hết lòng giảng cho em, hai em sẽ say sưa bàn luận, chị nghĩ cũng vui thích quá, đâu cần phải lôi người khác làm nạn nhân trong lúc mình rỗi rãi phải không em.

Nói xấu người khác, điều đó gây thích thú cho mình thật đấy, nhưng đồng thời, nó cũng kéo nhân phẩm của mình xuống thấp, mình sẽ bị khinh bỉ vì dù người nghe có đồng ý với mình lúc đó, nhưng về nhà nghĩ lại, họ đâm ra sợ mà ghét mình. Họ nghĩ: "Kẻ mà nói xấu người khác với mình thì chắc chắn sẽ nói xấu mình với người khác, vì đó là cái tật xấu của y mất rồi".

Các em yêu quí, để chứng tỏ rằng sự có mặt của ta trên đời không bao giờ là tai họa của người khác, chị em mình ráng tập nói chuyện làm sao vừa học hỏi cho tâm hồn lên cao, vừa gây được niềm vui cho mọi người.


Chị Đỗ Phương Khanh       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 13, ra ngày 7-11-1971)

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

Có Bao Nhiêu Tình Bạn

 

 Các em thân mến,
 
Trong số báo vừa qua, chúng tôi nói chuyện với các em về tình bạn.
 
Ở trên đời có biết bao nhiêu thứ bạn cũng như tình bạn.
 
Bạn cố cựu là bạn cũ, bạn mà mình quen đã lâu. Ở thôn quê chắc các em thường hay nghe hát ru em:
 
Tới đây dây ngắn gàu thưa,
Hỏi người cố cựu giếng xưa ai đào?
 
Còn người bạn cũ, người bạn lâu ngày mình mới gặp lại, thì gọi là bạn cố hữu:
 
Giếng sâu có nước không gàu,
Hỏi người cố hữu sao đào giếng sâu.
 
Bạn mà mình kết giao đã lâu, mình chơi thân từ lâu, hay nói theo tiếng bây giờ, bạn mà mình biết nhau từ khuya là bạn cố giao:
 
Thâm tình thay bạn cố giao,
 Dầu xa xôi mặt, không xao tấc lòng.
 
Bạn mà mình chỉ quen biết từ lâu thường gọi là bạn cố tri:
 
Mang bầu tìm bạn cố tri,
Tìm không gặp bạn li bì những say.
 
Mang bầu đây là mang bầu rượu đi mời bạn uống. Không gặp bạn, buồn quá lại uống say li bì.
 
Tiếng nước mình phong phú quá, hay nói nôm na, quá giàu.
Người mà mình quen biết trước hoặc có kết bạn với nhau từ lâu lại gọi là cố nhân (người cũ):
 
Tới đây tứ cố vô thân,
Hò lên hỏi thử cố nhân tôi người nào?
 
Các em cũng nên phân biệt cố nhân (người cũ) người mà mình quen biết trước với cổ nhân (người xưa), người thuộc thời xa xưa.
 
Sách có ghi: Cổ nhân nuôi được cha mẹ một ngày còn hơn làm quan to.
 
Bạn thân như Bá Nha Tử Kỳ, chỉ nghe tiếng đàn mà hiểu được lòng dạ người đánh đàn, là bạn tri âm.
 
Mông mênh, góc bể chân trời,
Ngẫm trong thiên hạ, ai người tri âm?
 
Các em đừng lầm bạn tri âm với bạn tri tâm là bạn hiểu lòng dạ nhau và giữ chữ tín như truyện Quý Trát.
 
Xưa kia, đời Xuân Thu bên Tàu, vua Ngô có một người con thông minh và sáng suốt, đức độ tên là Quý Trát. Vua Ngô muốn lập Quý Trát làm thái tử để sau này nối nghiệp mình. Nhưng Quý Trát từ chối, xin dành ân huệ này cho anh. Vua sai Quý Trát đi chu du các nước (cũng trong địa phận nước Tàu, vì trong thời Xuân Thu, nước Tàu phân chia ra nhiều nước) để tính việc trị dân cũng như bây giờ Tổng Thống Mỹ Nixon sai tiến sĩ Kissenger đi chu du khắp Á Âu để tìm hòa bình. Khi qua thăm nước Từ, Quý Trát kết bạn với vua nước này. Vua nước Từ thích cây kiếm quí của Quý Trát. Quý Trát muốn cho, nhưng thấy cần kiếm để giữ mình khi còn qua nhiều nước khác, nên định bụng khi xong việc sẽ trở về tặng kiếm cho bạn. Nhưng khi trở về, Quý Trát ghé lại nước Từ để tặng kiếm thì vua nước này đã mất rồi. Quý Trát giữ chữ tín với lòng, đến trước mộ bạn vái khóc và trao kiếm tại đây. Quý Trát là một người bạn tri tâm.

Các em muốn hiểu rõ nghĩa những chữ Hán như tri tâm chẳng hạn, các em nên phân tách ra: tri là biết, hiểu và tâm là lòng, lòng dạ. Tri tâm là hiểu biết lòng dạ nhau.

Cổ nhân có nói "tri vi nhân tử, nhiên hậu khả vi nhân phụ" nghĩa là: có làm con hoàn toàn, về sau mới làm cha xứng đáng và "tâm sầu bạch phát" nghĩ là: lòng lo buồn nhiều quá thì râu tóc mau bạc.

Hai người bạn tri đắc là hai người bạn hiểu nhau và thích nhau, nhưng khi nào họ chỉ quen và chơi với nhau, họ chỉ là bạn tri giao, và khi họ quen biết và kính trọng nhau, họ là bạn tri ngộ. Người ta thường nói: ơn tri ngộ, duyên tri ngộ.

Danh từ chỉ tình bạn còn nhiều như tình bằng hữu, bạn hiền, bạn tâm giao, bạn nối khố, bạn xưa...

Các em thân mến,

Ông Cicéron cho rằng: Tình cố hữu như rượu bồ đào, càng cũ càng đằm. Nhà triết học Đức cũng đồng quan điểm: Tình bằng hữu ví như tước vị xưa, càng lâu càng quí.

Vậy các em mỗi khi có bạn thân, các em nên cố gắng giữ tình bạn được bền lâu, như vậy tình bạn càng thắm thiết, đậm đà, quí giá vô song


Thân mến                 
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG  

 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 68, ra ngày 10-12-1972)
 

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Món Quà Giáng Sinh

 


 
 
 
 
 
 
 
 
Đêm khuya vắng lạnh mùa đông
Thiên thần hiện đến mục đồng thất kinh
 
" Đừng sợ ! Ta báo tin lành
Là Chúa Cứu Thế giáng sinh ra đời
 
Sáng danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới đất cho người đợi mong! "

Bết Lê Hem trẻ mục đồng
Mau mau tìm đến như trong  lời truyền
 
Chúa  sanh  trong chốn thấp hèn 
Nôi Ngài máng cỏ chuồng chiên thấp hèn
 
Mục đồng cất tiếng ngợi khen
Thiên thần tin báo ngạc nhiên mọi người
 
Ma Ri ghi khắc trọn đời
Để tâm suy nghiệm những lời chăn chiên

Ba vị thông thái từ miền
Đông phương  theo ánh sao đêm dẫn đường
 
Lễ vàng mộc dược nhũ hương
Mừng sinh nhật Chúa yêu thương xuống trần

Vì lòng bác ái cứu ân
Món quà Chúa tặng người trần là đây
 
Hy sinh chuộc tội bao người
Là quà quý báu Chúa  trời ban cho,

 
                                                    Nhã Uyên

Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2023

Đêm Noel

 - Bé, dậy sửa soạn đi lễ con.

Tiếng mẹ dịu hiền vang lên làm bé sực tỉnh, mở choàng mắt:

- Sắp lễ rồi hở mẹ?

- Ừ, con xuống nhà đánh răng rửa mặt đi, rồi lên đây mẹ mặc quần áo cho.

Không đợi mẹ dục đến lần thứ hai, bé tung chăn ngồi bật dậy, hăng hái tụt xuống giường. Năm phút sau, bé đến bên mẹ khoe:

- Mẹ xem này: mặt con cũng sạch, tay con cũng sạch, cả chân con cũng sạch nữa.

Mẹ âu yếm nhìn bé, mỉm cười hài lòng:

- Con mẹ giỏi lắm, để mẹ mặc quần áo cho nhé.

Vừa nói mẹ vừa mở tủ lấy ra chiếc áo đầm xanh và đôi giầy xăn đan mới tinh.

Sửa soạn cho bé xong xuôi, mẹ mới khoác chiếc áo dài màu nâu lên mình rồi hai mẹ con thong thả bước ra ngoài.

Bầu trời đen thẫm, rải rác vài ngôi sao tỏa ánh sáng yếu ớt, bác mặt trăng chắc đang trốn lạnh trong lòng một chị mây nào đó. Đêm nay thật lạnh, lạnh hơn mấy đêm trước nhiều, gió lạnh quất từng cơn vào mặt, làm bé khẽ rùng mình mấy lượt. Mẹ bảo vì hôm nay Chúa sinh ra đời nên mới lạnh tợn thế, bé chẳng hiểu tại sao nhưng bé thấy thương Chúa ghê, mới sinh ra đã phải chịu cảnh lạnh lẽo cơ hàn, giá lúc đó có bé nhỉ? Bé sẽ cởi phăng chiếc áo len dầy đắp cho Chúa, ôm Chúa vào lòng cho Chúa đỡ lạnh...

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa, trong hang...

Bài ca thánh thót và tiếng chuông nhà thờ ngân vang mỗi lúc một rõ dần như một cung đản kỳ diệu len vào hồn bé thật nhẹ nhàng ấm áp như lời ru dịu dàng của mẹ.

Tan lễ, mẹ dẫn bé đến trước hang đá Chúa hài đồng, giọng mẹ nhẹ hẳn như hơi thở:

- Con cầu nguyện đi.

Bé ngơ ngác:

- Con phải cầu nguyện những gì hở mẹ?

- Con cầu xin cho ba, mẹ, con và tất cả mọi người theo ý con.

Bé im lặng chắp tay trước ngực, đôi mắt đăm đăm nhìn vào hang đá. Chúa nằm trong máng cỏ hiền từ nhìn bé, bé thì thầm:

"Lạy Chúa hài đồng, xin Chúa ban cho tất cả mọi người được an mạnh, được hàng ngày dùng đủ. Cho ba con, mẹ con và con được hưởng những ơn lành. Xin Chúa ban cho con ngoan hơn, học giỏi hơn để xứng đáng làm một Thiếu Nhi Việt Nam, xin Chúa ban cho tất cả mọi người nghèo khổ, những em bé mồ côi, những người lính đang xông pha ngoài trận tuyến được biết Chúa, xin Chúa giúp họ có được một niềm tin tốt đẹp để đi tới, xin Chúa ban cho những người bất lương cải tạo lại đời sống của họ, xin Chúa..."

Trong hang đá, đôi tay bao dung của Chúa mở rộng chúc lành cho toàn thể mọi người.


LÊ THỊ KIM THU      
(Nha Trang)          

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 69, ra ngày 17-12-1972)

Bé Mèo Hát Nhạc Noël

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Jingle bells, jingle bells
Nhạc vừa trỗi tức thì mèo hòa ca
 
Vui tươi tiếng nhạc khắp nhà
Chào Noël tới gần xa hát mừng
 
Trong nhà ngoài ngõ sáng trưng
Đèn thi đua chớp tắt lung linh màu
 
Đỏ xanh vàng tím trái châu
Lóng la lóng lánh từng xâu trên cành
 
Giây kim tuyến ngọn thông xanh
Trắng phau bông tuyết, thiệp giăng tưng bừng 
 
Trong lò gà nướng thơm lừng
Trên bàn ổ bánh bûche cùng rượu nho
 
Cà ri, thịt nguội xôm trò
Mèo chảy nước miếng, hát hò làm sao!
 
Trên cao lấp lánh ngàn sao
Điểm tô đậm nét nhiệm mầu giáng sinh...

                                                            Thơ Thơ 
                                                (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Chờ Đợi

 

Đêm đã khuya mà bé vẫn thao thức không ngủ được. Bé đợi ông già Noel đấy, sao lâu quá mà ông chưa xuống nhỉ? Hay ông quên? Bé chợt sợ hãi. Ừ nhỉ, có lẽ ông quên thật đấy. Hay ông ghét bé? Nhưng bé có làm gì đâu, bé ngoan này, hiền này, học giỏi này, tháng này bé đứng nhất cơ đấy, lát ông đến phải khoe ông tấm bảng danh dự mới được. Thôi đúng rồi, bé phạm một tội, tội này nặng ghê lắm, không thể dung thứ được, là bé hay nhõng nhẽo, hay nhè và hay giận. Có lẽ ông biết nên ông không cho quà bé. Óc bé chợt lóe lên một tia hy vọng. Chắc ông không biết đâu, ông ở tít trên trời làm sao mà biết được. Vả lại mẹ bảo đứa nào ngoan và học giỏi là ông cho quà, chứ ông đâu có bắt buộc không được nhõng nhẽo, nhè và giận hờn đâu. Nhưng dù sao bây giờ bé cũng lớn rồi kia mà, bé sẽ cố gắng bỏ những tật đó, cho ông già Noel thương bé hơn, cho mẹ đỡ bực mình, cho con bé Ly Ly khỏi phải tốn tiền mua xí muội dụ bé chơi lại với bé ấy. Ừ! Bé sẽ cố gắng, cố gắng thật nhiều.

Tiếng cửa va mạnh vào thành tường làm bé giật mình thức giấc. Bé nhảy phóc xuống giường chạy vội đến chỗ bé để giày hôm qua. A! Ông già Noel cho bé quà rồi. Một gói giấy to ơi là to chẳng biết đựng gì trong ấy. Bé hồi hộp, mở sợi nơ hồng ra, lần giấy thứ nhất, thứ hai, bé nín thở và lần giấy thứ ba từ từ mở rộng.

- A! Báo Thiếu Nhi.

Bé mừng rỡ rú lên, sáu bộ báo Thiếu Nhi sặc sỡ đủ màu chồng lên nhau thật đẹp. Bé mở tờ thứ nhất, một phong thơ rớt ra, thơ của ông già Noel đấy, trong thơ chỉ vỏn vẹn mấy giòng:

"Bé yêu dấu! Con hãy đọc Thiếu Nhi để thương yêu cha mẹ hơn, dịu dàng với bạn bè hơn. Con hãy đọc để trở nên người hữu dụng hơn, để chứng minh sự có mặt của con trong cuộc sống".

Bé cảm động áp lá thơ lên ngực. Vâng! Con xin hứa với ông già Noel là con sẽ đọc báo Thiếu Nhi cho đến muôn đời, muôn đời...


LÊ THỊ KIM THU       
(Nha Trang)           

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 25-12-1973)

Rạng Ngời Tâm Linh

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Quay về góp nhặt bâng khuâng
Sang đông phố núi lạnh ngần ấy thôi

Rưng rưng tuổi nhỏ xa rồi
Mùa hoang đất khách nhớ thời ấu thơ

Một chiều chợt cũng bơ vơ
Gió ru lạnh áo, đôi bờ vai sương

Thắp hai ngọn nến đêm trường
Mà vui cùng với một phương sáng trời

Đêm nay Chúa cũng ra đời
Và ta cũng đã rạng ngời tâm linh

                               TRẦN ĐỨC OANH

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 229, ra ngày 1-12-1974)

Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Tiếng Chuông Huyền Diệu

 

Bé Sơn nhảy xuống khỏi bàn ăn một cái rột, chạy lại ghế xích đu ba đang nằm, chồm lên hôn ba một cái chóc rồi nhảy tót vào lòng ba nằm như một đứa bé lên ba mặc dù bé Sơn năm nay đã bảy tuổi và học lớp Tư rồi.

Ông Hiền ngạc nhiên hỏi:

- Ủa. Con làm gì kỳ vậy? Để ba đọc báo chớ.

- Con hổng chịu. Hồi nãy ba hứa kể chuyện hưu - hưu chiến gì đó cho con nghe bộ ba quên rồi hả...

Ông Hiền "À" một tiếng với tay bỏ nửa điếu thuốc còn lại trong cái gạt tàn xong nhìn thẳng lên trần như để nhớ lại rồi chậm rãi nói:

- Câu chuyện xảy ra đêm Giáng Sinh năm 1793 ở Pháp Quốc con ạ. Lúc ấy ở vùng Vedée, Bretagne nhân dân đang nổi loạn lấy danh hiệu là Bảo Hoàng chống lại đảng Cộng Hòa vì đảng nầy đã truất phế vua và bắt thái tử của họ.

Cuộc tranh chấp thời đó có thể gọi là đẫm máu và đau thương nhất trong lịch sử nước Pháp.

- Đêm hôm ấy có gì xảy ra ba nói con nghe lẹ đi ba. Con buồn ngủ rồi đây nè...

- Đêm hôm ấy cả vùng Vendée đang trùm lên một tấm chăn tuyết khổng lồ trắng xóa. Những đốm bông tuyết vẫn tiếp tục đan nhau làm cho tấm chăn khổng lồ càng ngày càng thêm dày đặc.

Tuyết xuống nhiều đến đỗi người ta không còn nhận ra lối đi. Gió lạnh như cắt da. Thế mà hai bên vẫn bắn nhau, chém nhau say sưa trong máu lửa. Những người đã tin nơi Chúa bảo rằng giá lúc nầy có một hồi chuông ngân lên hay chỉ một tiếng chuông đơn độc cũng đủ để thức tỉnh bọn người đang say máu ấy trở lại với thanh bình hầu vui hưởng lấy giờ phút thiêng liêng sắp đến. Nhưng tiếc thay nơi thờ phượng đã trở thành nhà trú ẩn của những đàn chiên vô chủ. Vì bọn Cộng Hòa đuổi bắt cả những mục sư không chịu tuyên thệ với chúng. Đã mấy tháng rồi không còn tín đồ nào dám đến đấy nữa để rồi giờ đây mọi gác chuông đều im lìm dưới cơn mưa tuyết.

Tuy nhiên trong đêm tối hãi hùng ấy có một bóng thường dân di chuyển rất nhanh về hướng bản doanh của phe Bảo Hoàng. Bóng ấy dè dặt tiến đến cổng và xin tên lính canh cho phép vào trình việc riêng tối quan trọng với chỉ huy trưởng.

Sau khi soát kỹ hắn, không thấy có mang khí giới, một tên lính khác có phận sự đưa hắn vào ngay phòng chỉ huy trưởng.

Một viên sĩ quan đang nghiên cứu bản đồ nghe tiếng động sau lưng quay phắt lại mặt lạnh như tiền, đôi mắt cú vọ ngó ngay vào người khách lạ do tên lính dẫn vào.

Không đợi hỏi, người ấy nói:

- Tôi là tên đầy tớ của một chủ trại ở Kéralzy. Vào giữa trưa nầy có một người lính của ngài bị bọn Cộng Hòa đuổi bắt chạy vào trại chúng tôi. Chủ tôi đã bắt hắn giao cho bọn Cộng Hòa để lãnh thưởng và chúng đã giết hắn.

- Có thật vậy không?

- Chính mắt tôi thấy hắn bị trói vào cột thánh giá bên vệ đường dẫn vào Kéralzy, sau đó hắn bị năm phát đạn vào đầu.

Đến đây viên chỉ huy trưởng không nén được uất ức, tình đồng đội rạt rào dâng lên như sóng thần sau cơn động đất.

- "Mau triệu tập phiên họp bất thường cho ta". Ông ra lệnh với viên bí thư phòng bên cạnh.

Không mấy chốc các ủy viên đã có mặt đông đủ trong hội trường. Viên chỉ huy đứng trên sạp gỗ cao tuyên bố buổi họp xong, họ cùng thảo một bản án như sau:

"Chúng tôi, ủy viên chiến trường có triệu tập tại chỗ một phiên họp bất thường để kết án tên YVON LESTREZEC, chủ trại ở KÉRALZY. Về tội phản nghịch. Tội nhân sẽ bị xử bắn tại Trụ Thánh Giá, với một tấm biển viết tên JUDAS trên ngực".

Sau khi đọc xong bản án cho mọi người nghe rõ, viên chỉ huy cho gọi một tên đội trưởng vào bảo:

- Boishardy, lấy thêm hai người đi với anh đến bắt tên chủ trại và thi hành bản án, nhanh lên!

- Xin tuân lệnh!

Tên đội trưởng trả lời như một cái máy tự động rồi ra đi.

Độ một giờ sau cả ba người đã nhìn thấy trụ Thánh giá lù lù trước mặt. Đó là một trụ tháp cao độ năm thước bằng đá trên chót có gắn một cây Thánh giá bằng đồng đen.

Trời rét như thế mà họ cảm thấy nóng người, vì phải đi len lỏi trong rừng để tránh nơi đóng quân của địch. Một tên trong bọn than thở:

- Thật là xui xẻo cho chúng mình. Trời rét thế này mà không được ở nhà trùm chăn đánh một giấc cho đã.

- Đi đến đây không gặp địch cũng là may.

- Thôi cố lên, chúng ta đã gần đến trại rồi - Viên đội nói.

Vài phút sau họ chỉ còn cách trại vài mươi thước.

- Các bạn hãy theo tôi, chúng ta xông vào cửa chính.

Rồi họ theo viên đội lần mò đến cửa.

- Không một tiếng động. Nó đã ngủ chăng?

- Đợi đây đã! Ta có cách đánh thức chúng. 

Nói xong viên đội dùng nắm tay đập vào cửa vừa la khe khẽ:

- Chủ trại ơi! Chủ trại! Làm ơn mở cửa giùm. Tôi là lính Bảo Hoàng bị bọn Cộng Hòa đuổi gấp. Nhân danh Chúa xin cứu tôi với. Mau lên! Mau lên!

Họ được trả lời ngay bằng một giọng trẻ con, líu lo như tiếng chim non trong tổ:

- Ai đó? À các ông đợi chút xíu, cháu ra bây giờ.

Ba người nhìn nhau chưa hết ngạc nhiên thì cửa gỗ dầy cộm nặng nề mở ra, rồi đến một cái đầu bé và thấp, một thân hình mảnh khảnh đến đôi chân nhỏ xíu cũng lần lần hiện lên trên khung cửa.

Thì ra một em bé độ 8 tuổi, mặt trắng, môi hồng, mắt sáng như sao. Trông nó không có vẻ gì sợ sệt.

- Á! Ba ông vua. Cháu tưởng ba ông vua của cháu khuya mới đến chớ. Xin mời Ba vua vào đây sưởi ấm với cháu. Ba cháu đi vắng khuya mới về. Ba cháu hứa sẽ đánh thức cháu dậy để xem Chúa Giáng Sinh nhưng cháu không ngủ được.

- Đứa trẻ thơ ngây quá - Một tên lính nói - Nó gọi mình là Ba Vua trong khi mình là ba thằng thiên lôi được sai đến giết cha nó.

- Đêm nay là đêm Giáng Sinh à? Thật không? - Một tên lính khác ngạc nhiên nói.

- Đêm Giáng Sinh? Sao ta không nghe thấy tiếng chuông vang? Vô lý thật.

- Vì không ai đến nhà thờ hết làm gì có tiếng chuông. - Đứa bé xen vào.

- Chớ họ đi đâu?

- Đến nhà chung.

- Để làm gì?

- Để săn sóc những người bị thương.

- Còn ba mầy đâu?

- Đến nhà chung để rước mẹ cháu. Mỗi ngày mẹ cháu đều đến đó, khuya ba cháu đến rước mới về.

- Các anh nghe không? Chúng ta chỉ còn cách ra phục bên đường chờ hắn.

- Ồ! Ba Vua đi đâu giờ này bỏ cháu ở nhà một mình buồn chết. Ba cháu sẽ không về muộn đâu.

Thế rồi họ dẫn nhau trở ra đường.

- Nghe tiếng nói của con trẻ lòng tôi se thắt. Tôi cũng có một đứa con bằng nó - Một tên lính nghẹn ngào nói.

- Thôi chúng ta đi nhanh thì hơn. Phận sự là phận sự. Dù sao cha nó cũng là một tên phản nghịch không thể thương hại được!

Ra đến trụ đá, viên đội dừng lại xem xét địa thế rồi nói:

- Nhà chung ở hướng này. Hắn sẽ trở về bằng con đường mòn phía trái. Nhanh lên! Chúng ta phải tìm chỗ phục kích cho thuận tiện.

Trong khi ấy tại nông trại, đứa bé cô độc không ngủ được. Nó bảo thầm: "Lúc nãy họ nói "Đêm Giáng Sinh sao không nghe tiếng chuông vang? Vô lý thật". Hay là mình sẽ làm cho có lý. Chắc chắn là đêm nay sẽ không ai đi lễ như mọi năm. Nhưng một đêm Giáng Sinh không có tiếng chuông thì đâu phải là đêm Giáng Sinh... Nhà thờ xa quá... liệu mình có đi đến đấy nổi không?" Nghĩ đến đây em tung mền bước xuống.

Đêm càng khuya trời càng lạnh. Gió rít từng cơn đu đưa những cành thông qua lại như người say rượu. Trong khu rừng nhỏ hai bóng người đi nhanh như trốn. Đi trước là một người đàn ông béo phì ăn mặc xập xình theo kiểu nông dân chất phác. Tay mặt lủng lẳng một cây búa. Tay trái ôm một bó sồi to làm cho thân hình đã to càng thêm khó xoay trở. Đi sau là một thiếu phụ mặc áo choàng ấm, quàng khăn kín đầu. Cả hai lầm lũi bước đi trong mưa tuyết có biết đâu tai họa sắp đến cho mình, vì ba người núp trong bụi đang đợi họ đến gần.

- Chính hắn và bà vợ chớ không ai khác - Có tiếng nói nhỏ.

Phải, người ấy đúng là Lestrezec, tên tử tội.

Khi ông ta đến ngang trụ Thánh Giá thì ba người cầm súng nhảy ra hô lớn:

- Đứng lại. Ta có lịnh bắt anh.

Lestrezec không biết ất giáp gì, dừng lại ngó chung quanh mình thấy đang bị bao vây, ôm vợ vào lòng cất tiếng hỏi:

- Các anh là chiến sĩ Bảo Hoàng? Các anh muốn gì?

- Muốn mời anh lên cột đá kia rồi sẽ biết.
 
 
- Anh đã bán đồng bọn ta cho tụi Cộng Hòa. Anh là kẻ phản bội.

- Chồng tôi không phản ai cả. Đó là một điều sỉ nhục - Người thiếu phụ ấp úng nói trong ngực chồng.

- Chúng ta đã có chứng cớ. Cứ trói nó lại.

- Không! Không! Tôi cam đoan rằng các ông đã lầm.

Nhưng rồi Lestrezec cũng không cưỡng lại được. Họ lôi ông lên trói chặt vào trụ đá. Vợ ông gào thét lên thảm thiết để kêu oan cho chồng. Nhưng chẳng ai đoái hoài.

Họ cũng không quên quàng lên cổ ông tấm bảng viết bằng than chữ JUDAS to lớn và nói:

- Anh đã giao Kergeulen cho quân địch để lấy tiền của chúng cũng như JUDAS đã bán Chúa. Anh phải đền tội.

- Kergeulen à! Tôi đã hiểu. Hắn có đến trốn trong nhà tôi và hắn đã bỏ đi lúc nào tôi không hay. Tôi thề không có bán hắn cho địch - Tôi không phải là người phản bội.

- Láo! Kergeulen trốn lúc nào, sao không thấy về trại binh?

- Lạy Chúa hãy cứu lấy chồng con, người vô tội.

- Mụ kia tránh ra cho ta thi hành phận sự. Binh sĩ theo lịnh ta. Lui ra mười bước.

- Ta bằng lòng chết nhưng nên nhớ ta không hề phản bội. Chính các người phản Chúa. Các người nỡ sát hại kẻ vô tội trong đêm Giáng Sinh nầy.

Người thiếu phụ khốn nạn nhào đến ôm lấy chân chồng nức nở. Họ không còn nghe thấy gì nữa cả.

- Chuẩn bị.

Tiếng viên đội rổn rảng vang lên trong đêm lạnh triền miên như tiếng Diêm Vương kêu gọi những linh hồn về bên kia thế giới.

- Sẵn sàng. Nhắm súng.

- Vĩnh biệt em. Vĩnh biệt con yêu dấu.

Vừa lúc ấy có tiếng chuông từ xa vọng lại.

Tiếng chuông vang lên như từ âm ty địa ngục, lúc đầu nhỏ sau lớn dần át cả tiếng gió đưa cành cùng tiếng người thổn thức.

Có ai ngờ đâu tiếng chuông huyền diệu ấy ngân lên do đôi tay bé nhỏ của đứa con người tử tội. Đứa bé đã can đảm vượt qua cánh đồng phủ tuyết, đi trong giá lạnh để đến ngôi nhà thờ bỏ hoang, kéo lên hồi chuông báo thức.

Lúc ấy mọi hoạt động đều ngưng hẳn. Hai tên lính để súng xuống lắng nghe. Người thiếu phụ ngừng khóc nhìn lên bầu trời mông lung như tìm kiếm vị cứu tinh.

- Tiếng chuông Giáng Sinh.

Sau một phút bàng hoàng họ trở lại với thực tại.

- Tôi bảo nhắm - Viên đội nhắc lại.

- Tôi không thể thi hành được trong giờ phút thiêng liêng này.

Tiếng chuông vẫn tiếp tục dồn dập ngân lên trong tĩnh mịch nghe như lời nói của một đấng tối cao vọng xuống nhắc nhở mọi người là bạn trên thế gian nầy. Đừng xâu xé nhau nữa mà hãy thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, coi nhau như anh em một nhà thì nhân loại mới có thể tồn tại được.

Cả năm người đều ngơ ngác nhìn nhau, không ai bảo ai một lời họ cùng lấy mũ nón xuống cúi đầu cầu nguyện.

Dư âm cuối cùng vừa dứt, tiếng viên đội tiếp theo phá tan bầu không khí mơ màng giá lạnh.

- Mở trói ra cho hắn. Ta cũng không thể làm trái lời Chúa dạy.

Nút dây vừa mở xong thì có một kỵ mã phi ngựa đến:

- Hãy ngừng lại. Người nầy vô tội! Kergeulen đã trở về hàng ngũ an toàn. Chính tên đầy tớ phản chủ cáo gian.

- Cám ơn Chúa đã cứu sống con.

- Tất cả chúng ta đều phải cám ơn Chúa. Tiếng chuông của người đã ngăn cản chúng ta đi lầm vào con đường tội lỗi.

Ông Hiền kể xong nhìn lại con thì thấy bé Sơn đã ngủ yên trong lòng. Ông mỉm cười đốt một điếu thuốc khác.
 

HUỲNH SONG        

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 36, ra ngày 1-1-1966)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>