Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Lược Sử Lễ Giáng Sinh và Chiếc Máng Cỏ

 

Chữ Noel dường như bắt nguồn từ chữ La Tinh Dies Natalis có nghĩa là "ngày sinh" (Sinh nhật). Một số tác giả lại cho là chữ đó bắt nguồn từ chữ Do Thái Emmanuel có nghĩa là "Chúa ở cùng chúng ta".

Lễ Noel kỷ niệm việc Chúa giáng sinh quả đã có từ ngay sau khi Chúa chịu đóng đinh mặc dù có nhiều tác giả chủ trương lễ này chỉ được thiết lập vào năm 138 đời giáo hoàng Télesphore.

Ngày nay thế giới tổ chức lễ Noel vào ngày 25 tháng 12 mỗi năm. Nhưng vào thuở khai lập Thiên Chúa giáo, ngày lễ mỗi nơi mỗi khác. Tại Phương Đông, người ta mừng lễ Théophanie (Chúa hiển lộ) hay Épiphanie (Chúa hiển linh) để gợi lại kỷ niệm ba vua từ Phương Đông tới gặp gỡ và chúc tụng con Thiên Chúa nơi máng cỏ vào ngày mùng 6 tháng giêng. Ngày này trùng với ngày Giáo hội làm lễ kỷ niệm việc Chúa chịu Thánh Tẩy (bởi thánh Gio An) và làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana.

Chính Giáo hoàng Jules I (thế kỷ thứ IV) đã xác định ngày lễ vào ngày 25 tháng 12 dựa trên các cuộc khảo cứu theo lệnh của hoàng đế Augusto vì các cuộc khảo cứu ấy đã chứng minh rằng Chúa sinh ra đúng ngày 25 tháng 12.

Ngay từ thế kỷ thứ IV, muốn cho lễ long trọng, người ta đã tổ chức ba thánh lễ (nửa đêm, ban sáng và ban trưa).

Vào thời Trung Cổ, để cho ngày lễ được long trọng hơn nữa, người ta đã cảm ứng kinh thánh mà viết ra nhiều kịch phẩm diễn tả các mầu nhiệm rồi đem diễn nơi công cộng, nhà hát và ngay cả trong thánh đường. Nhưng nhiều việc lạm dụng xảy ra đã khiến tục lệ này bị bãi bỏ bởi một đạo luật ngăn cấm gắt gao ban hành năm 1548.

Tuy vậy dân chúng vẫn còn giữ lại thói quen hát kinh thánh bằng ngôn ngữ phổ thông.

Xưa kia, lễ mừng Chúa giáng sinh là dịp tốt cho người ta vui thú tiệc tùng, tiêu khiển, xướng ca...

Ngày nay nhiều tục lệ đã biến mất chỉ còn lại việc làm lễ nửa đêm và máng cỏ.
 

MÁNG CỎ GIÁNG SINH

Theo truyền thuyết, máng cỏ cho bò, lừa ăn tại chuồng súc vật trên đồng vắng của thành Bét Lem đã là chiếc nôi "êm ái" cho Chúa cứu thế chào đời.

Người ta nói rằng chính thánh Francois d' Assose có sáng kiến làm máng cỏ đặt tượng Chúa và bò lừa và vào mỗi đêm Noel, ngài thường ẵm một búp bê tượng trưng cho Chúa ngao du khắp nơi vừa đi vừa hát.

Tuy nhiên theo các tài liệu chẳng may đã bị thất lạc, thì máng cỏ đầu tiên dường như xuất hiện tại thánh đường "Mẹ Máng Cỏ" (Ste Marie-de-la-Crèche) tại Naples năm 1025 trước thánh François vài trăm năm.

Dầu sao thánh Fraçois cũng rất có công trong việc truyền bá tục lệ làm hang đá để gây thêm lòng mộ đạo và giãi bày khía cạnh nghèo khó của ngày Chúa giáng sinh. Ngài đã xin phép Giáo hoàng làm một máng cỏ đặt thực phẩm gia súc và bò lừa rồi cầu xin con Thiên Chúa xuống ngự trị. Một hài nhi đã xuất hiện sau lời cầu nguyện của Ngài và có nhiều phép lạ xảy ra cùng nhiều tật bệnh được chữa khỏi.

Từ đó việc làm hang đá bành trướng khắp nơi.

Các bức họa và kiếng ghép hình quang cảnh máng cỏ xuất hiện đầu tiên tại Ý rồi dần lan tràn qua các nước khác. Hiện nay nhiều bức thời danh còn lưu lại trong một số thánh đường.

Càng ngày người ta càng trang hoàng hang đá lộng lẫy và phức tạp hơn.

Lúc đầu chỉ có tượng Chúa, bò lừa, sau thêm tượng thánh Giu Se, Đức Mẹ Maria, cuối cùng thêm mục đồng, ba vua và các Thiên thần.

Cảnh ba vua Menchior, Bithisares và Gasthapa dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Chúa đã gây cảm hứng cho nhiều họa sư nổi tiếng như Giotto, Angelico, Lippi, Raphael... Các tuyệt phẩm của họ hiện còn được tàng trữ tại nhiều nơi.

Xa hơn nữa, người ta còn đúc tượng Chúa, các nhân vật... với các y phục theo mẫu của từng xứ và đặt vào trong hang đá cùng máng cỏ có nhiều kiểu kiến trúc khác nhau.

Cuối cùng người ta có tục thêm cây Nô En trang hoàng các tua màu kim loại, đèn đóm, thiên thần.

Ngày Nô En và các hang đá sinh nhật đã gây khích động, trẻ trung và vui thú lớn lao cho mọi người (dù có đạo hay không có đạo) trong bầu không khí lạnh lẽo của những ngày cuối đông. Nô En trở thành ngày lễ Quốc tế.


LÊ XUÂN NHO       
Sưu tầm            

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 19, ra ngày 19-12-1971)



Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>