Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

PHẦN THỨ BA_NHỮNG NGƯỜI ÁO TRẮNG

 PHẦN THỨ BA

CHƯƠNG I

Bẵng đi một thời gian dài dằng dặc lòng tôi lắng xuống để vùi mình trong bổn phận. Sáu năm trời qua đi như một giấc mộng. Tôi không còn suy nghĩ vẩn vơ như ngày trước. Công việc của tôi hàng ngày đều hòa như một cái máy. Buổi sáng giúp bà Tâm chia cháo cho lũ trẻ xong, tôi không còn đi học nữa mà đã bắt đầu dậy cours Troisième ở dẫy nhà dưới.

Mười một giờ xong việc, tôi về phòng ăn để sửa soạn cho lũ trẻ con bữa cơm sáng. Buổi chiều, sau bữa cơm tối, tôi mải miết học Kinh cho tới mười hai giờ khuya mới đi ngủ. Tôi muốn lấp hết những thời gian trống trải để quên cái dĩ vãng đau thương của mình. Hình ảnh những ngày qua không còn vò xé tâm tư tôi nữa. Điều ấy bà Nhân cũng nhận thấy, và bà hết lời ngợi khen.

Năm nay tôi hai mươi chín tuổi. Tôi già đi nhiều và lòng không còn bồng bột. Tình yêu đối với tôi gần như vô nghĩa. Bây giờ tôi chỉ hết lòng vào việc săn sóc lũ trẻ, yêu bé Phượng và yêu Lucie.

Bé Phượng năm nay không còn bé như năm xưa nữa. Phượng đã là một thiếu nữ duyên dáng, thùy mị. Mái tóc dài mượt óng, cặp mắt đen lay láy lộ đầy vẻ thông minh. Tôi có cảm tưởng đúng như hình ảnh Loan mà ngày nào tôi tưởng tượng. Phượng hát hay lắm, giọng ấm và lên được rất cao. Tuần nào Phượng cũng đi tập hát ở bên nhà Chung vì Phượng có chân trong ban nhạc ở bên ấy.

Còn Lucie thì cũng lớn quá rồi. Mang trong người hai giòng máu, Lucie có một vẻ đẹp đặc biệt. Nước da trắng, mái tóc hung đỏ, cặp mắt xanh lơ, giọng nói như chim hót. Lucie cũng đã bắt đầu đi học từ năm ngoái.

Tôi, Phượng, và Lucie, bộ ba ấy trong sáu năm vừa qua quấn quít lấy nhau như hình với bóng. Tôi săn sóc Phượng, Phượng săn sóc Lucie. Chúng tôi đã sống những ngày hồn nhiên đầy đủ. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng, nếu tình yêu ngày xưa của tôi thành tựu, thì chưa chắc lòng tôi đã thanh thản và sung sướng như độ ấy.

Những ngày Chủ nhật, tôi không ra ngoài nữa. Trong khi Phượng dẫn Lucie đi chơi vườn hoa thì tôi ở nhà thêu những chiếc khăn ăn mà bà Nhân nhận về ở bên Xưởng. Công việc ấy, chúng tôi làm điều hòa, không chán nản, hơn nữa lại đem tới cho chúng tôi một số tiền nho nhỏ.

Những buổi tối mùa đông, tôi ôm Lucie vào lòng giở cuốn cuốn Le Francais par images cho Lucie học. Nó chúm chím cái mồm đọc theo tôi. Thỉnh thoảng nó lại cười như nắc nẻ. Chẳng bao giờ nó nghĩ đến mẹ nó, đến bà nó. Hình ảnh bà cụ già lóc cóc từ làng Lim, vượt ba mươi cây số năm nào lên Hà Nội cho cháu hai hộp sữa đã mờ hẳn trong óc tôi. Tôi không còn thương cho số phận Lucie nữa. Vì Lucie có tôi, có bé Phượng. Lucie đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất. Cứ thế, Lucie lớn lên trong cái vui hồn nhiên của tuổi thơ ngây. Trong những giây phút ấy, Phượng thường lấy len ra ngồi bên cạnh tôi, đan những chiếc áo cho bên Xưởng. Nhìn Phượng tôi nhớ đến hình ảnh của tôi năm nào, và tôi nhớ cả đến ngày xưa, tới cuộn len cũ mà Phượng đã tháo ra đan lại không biết bao nhiêu lần những chiếc mũ xinh xinh để một lần cuối Phượng đan cho con búp bê cụt tay của Phượng một bộ đồ đẹp mắt. Con búp bê ấy, ngày nay chắc cũng đã mục theo xương thịt của đứa bé con người phu hồ ngoài nghĩa địa. Rồi hình ảnh đưa đám ma Hòa, sự ra đi của Liễu, một đôi lần diễn thoáng qua óc tôi. Tôi chắc bây giờ, Liễu cũng già rồi. Đã lâu lắm, tôi không hiểu cuộc sống của Liễu ra sao vì không được thư của Liễu.

Ngày xưa xa quá rồi, ngày xưa tuy đầy nước mắt nhưng cũng là một dĩ vãng êm đềm khiến những lúc nhớ lại tôi không khỏi nao nao.

Trong số các bà Phước ở đây, một vài bà đã mất, bà Hạnh nóng tính và thẳng đã đi Pháp, bà Hòa chết hồi tháng sáu năm kia, bà Tâm vào Huế để coi trại Cô Nhi ở trong ấy. Riêng có bà Nhân là vẫn còn giữ việc quản đốc Cô Nhi viện này. Bà Nhân bây giờ già hơn trước nhiều. Trán bà nhăn hơn, mặt khắc khổ hơn, và tính nết bà cũng gắt gỏng hơn trước. Tuy vậy trong các chị ở đây, bà Nhân yêu tôi nhất. Vì tôi đã giữ vẹn được lời xưng tội ngày nào, tôi đã hết lòng với bổn phận mà không đòi hỏi. Lúc nào tôi cũng sống như một con chiên kiểu mẫu, luôn luôn tìm đường dẫn về tới Chúa.

Tôi không đòi hỏi gì hơn nữa. Chăm nom săn sóc cho lũ trẻ, nhìn chúng nó lớn lên, giỏi ra, lòng tôi cũng dâng một niềm vui, cái vui qua niềm vui của kẻ khác.

Bây giờ, tôi có đầy đủ đức tính để thành một bà phước. Bà Nhân cũng nhận thấy thế và và hứa sẽ làm lễ cho tôi vào dịp Noel cuối năm nay.


CHƯƠNG II

Tôi đã đoán trước ngày ly biệt giữa tôi và Phượng từ lâu rồi. Bởi vì tôi và Phượng không thể giống nhau. Đời tôi như vậy là hết. Nhưng đời Phượng còn dài. Phượng đẹp, Phượng thông mình và ngoan ngoãn. Phượng có đủ điều kiện để tạo cho mình một cuộc sống tươi mát hơn là những năm gò bó trong khung cảnh khắc khổ của Cô Nhi Viện này.

Tuy vậy tôi vẫn lo sợ cái ngày chia ly não nùng ấy. Đời tôi không thể thiếu Phượng. Tôi đã cố xua đuổi cái viễn tượng đau đớn ấy đi, và tôi sống vội vàng như một kẻ muốn cướp lấy thời gian lặng lẽ trôi qua.

Thì hôm nay là cái ngày báo trước cho tôi biết sự chia ly ấy đấy. Buổi tối, sau bữa cơm chiều, Phượng kể cho tôi nghe câu chuyện lòng của nàng. Theo lời Phượng, thì Thái, một thanh niên ở ban Nhạc bên nhà Chung đã tỏ tình yêu với Phượng sau buổi hát ngày hôm ấy. Phượng cũng yêu Thái vì Thái là người sớm đau khổ, cũng mồ côi cha mẹ, và chàng biết nhìn đời với con mắt của kẻ dầy dạn.

Hai người đã ước hẹn với nhau một cuộc sống đầy tươi đẹp. Tôi nghe Phượng kể chuyện tâm tình mà lòng như tan nát. Phượng không còn là của tôi nữa, tôi sẽ mất Phượng thật rồi. Nước mắt tôi muốn trào ra hai bên má. Cái vui của đôi trẻ không ngờ lại là cái đau khổ đến xâu xé lòng tôi. Tôi muốn cất tiếng mà như nghẹn ngào. Tiếng khóc ngập ngừng ứ trên cổ họng. Tôi phải cố giữ cho khỏi bật ra thành tiếng. Bao nhiêu năm quên mình vì người khác ngày nay lòng ích kỷ lại trào lên trong lòng tôi.

Nhưng bổn phận của tôi là phải lo cho hạnh phúc của Phượng. Tôi phải nén lòng để bàn với Phượng về câu chuyện ấy. Và rồi Phượng khóc trước tôi, vì nàng cũng đau khổ vì biết sẽ xa tôi. Phượng gục đầu vào vai tôi nức nở. Tôi không thể cầm lòng được nữa nên cũng khóc theo Phượng. Tình thương giữa chúng tôi sâu đậm quá, ngần ấy năm trời quấn quít lấy nhau ai mà có thể không xót xa cho được. Phượng khóc chán rồi quay ra ôm Lucie vào lòng thì thầm qua tai nó:

– Lucie có yêu chị Phượng không?

Lucie mở to cặp mắt và ôm lấy cổ Phượng:

– Có, em yêu chị Phượng. Yêu cả chị Quỳnh nữa.

Phượng cúi xuống hôn lên mắt nó. Hình ảnh ấy nhắc cho tôi nhớ đến hình ảnh tôi và Phượng ngồi ở hàng hiên một buổi chiều năm xưa. Mắt Phượng cũng mở to, tay Phượng cũng bám cổ tôi, và tôi cũng hôn lên mắt Phượng.

Nghĩ như thế, tôi lại ứa nước mắt và thấy yêu Phượng hơn. Tôi tưởng tượng đến một ngày kia mất Phượng. Phượng sẽ bỏ chốn này mà đi theo chồng. Căn phòng sẽ vắng bóng một thiếu nữ hiền dịu.

Có thể như vậy được không? Tôi thấy mình như bàng hoàng vì sự thật là thế. Óc tôi quay cuồng như bão lốc về cái ý nghĩ Phượng sẽ phải xa tôi.

Đêm hôm ấy, lại một đêm hiếm có tôi khóc ướt đầm hai mặt gối. Nằm thao thức mà không ngủ, tôi trở dậy lục bộ quần áo ngày xưa của bé Phượng khi nó mới vào đây. Chiếc quần thâm, chiếc áo cổ vuông thêu chỉ đỏ. Bộ quần áo xinh xinh như hình ảnh cô bé kháu khỉnh ngày nào. Tôi âu yếm ôm bộ quần áo vào ngực. Tôi muốn truyền tất cả những dĩ vãng vào lòng tôi.

Và rồi tôi lại khóc…


CHƯƠNG III

Câu chuyện của Thái và Phượng đã thành sự thật. Cha Minh đã gặp bà phước Nhân để nói về việc ấy. Cả hai đều thỏa thuận cho đôi trẻ được làm phép cưới vào mùa thu năm nay.

Thái hai mươi hai và Phượng mười tám. Thái cao hơn Phượng một đầu, dáng đi vững chãi, mắt sáng, trán cao, trông khuôn mặt đầy vẻ độ lượng. Nom họ thật đẹp đôi. Thái dự tính sau khi làm đám cưới sẽ dọn sang nhà Chung. Thái vẫn soạn nhạc và dạy hát thêm, Còn Phượng thì định sẽ nhận đồ thêu may. Cuộc sống dự định của họ đẹp như một bài thơ bình dị. Ngày hôm cưới, Phượng định mặc đồ trắng và họ sẽ làm phép cưới ở nhà thờ. Tối hôm trước, tôi thao thức không sao ngủ được. Chị em chúng tôi nhìn nhau mà ứa nước mắt. Lucie định thức thật khuya nhưng đã ngủ thiếp đi từ lúc tối. Căn phòng yên lặng và trống trải quá. Vẫn cái ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn bốn mươi nến soi lờ mờ hai dẫy tường trắng chạy dài. Bóng hai chúng tôi chụm lên nhau trên vách. Phượng đầm đìa nước mắt nắm lấy tay tôi mà không nói. Mấy hôm trước bận bịu tôi định để đến hôm cuối cùng sẽ hàn huyên một đêm trước khi hai chị em xa nhau hẳn. Nhưng bây giờ cổ tôi như nghẹn lại, đầu óc trống rỗng một cách lạ lùng. Tôi cảm thấy mình thẫn thờ như người mất trí. Phượng của tôi còn ngồi đây, còn nắm lấy tay tôi trong giờ phút này. Nhưng mà đêm mai tôi không còn được trông thấy Phượng nữa, đêm ngày kia và mãi mãi Phượng sẽ không còn là của tôi. Hơn mười năm trời biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, tôi không ngờ lại kết thúc bằng sự chia ly não nùng như thế. Tôi khóc đã khô nước mắt và đau khổ đến độ lầm lì. Tôi không dám nhìn Phượng nữa, vì càng thấy Phượng bao nhiêu tôi càng đau khổ bấy nhiêu. Tôi ép Phượng đi ngủ để ngày mai đủ sức mà dự buổi lễ. Phượng khóc to hơn, nắm chặt lấy tay tôi để chỉ thốt được một câu :

– Chị ơi…

Mồm Phượng mếu đi, nước mắt nàng chảy dài xuống hai bên má. Rồi Phượng cúi xuống vuốt mái tóc Lucie, con bé ngây thơ chắc giờ này nó không biết rằng nó sẽ phải xa chị Phượng thân yêu của nó. Nghĩ như vậy tôi lại muốn khóc và nhất định bắt Phượng đi ngủ.

Tôi tắt cả ngọn đèn giữa để không nhìn thấy mặt nhau, tôi ôm Phượng và ôm Lucie vào cánh tay rồi giả vờ lim dim ngủ. Thật ra tôi có tài nào nhắm mắt được. Dĩ vãng êm đềm quay cuồng trong óc tôi. Chuyến đi này của Phượng còn thấm thía và đau thương gấp mười lần sự tuyệt vọng của tôi ngày trước.

Hơn nửa giờ sau khi nghe thấy tiếng Phượng thở đều hòa bên tai, tôi lẳng lặng trở dậy và bật đèn giữa phòng lên. Phượng đã ngủ hẳn. Mắt nàng còn hoen lệ, tay nàng ôm Lucie vào lòng, tôi lặng lẽ kéo chiếc chăn lên kín ngực cho hai chị em rồi rón rén đi soát lại quần áo của Phượng. Phượng may một bộ bằng lụa trắng, một vòng hoa trắng cài đầu, một cái khăn voan dài quét đất. Đó là quần áo của cô dâu trong đám cưới ngày mai. Tôi tần ngần cầm từng thứ một lên tay vuốt ve âu yếm từng đường chỉ vì những thứ ấy chính tay Phượng khâu và may lấy. Một lát sau tôi mới giở lại chiếc gói buộc nơ hồng mà tôi định mừng Phượng ngày mai. Trong đó có một số tiền mà tôi dành dụm được trong mấy năm khâu vá vừa qua. Tôi cũng tặng Phượng một tá khăn thêu hai chữ T-P lồng lên nhau âu yếm. Và tôi còn viết cho Phượng một lá thư chúc tụng mà tôi không thể nói ra vì nghẹn lời.

Xong ngần ấy công việc tôi ngồi xuống bên cạnh Phượng lúc này ngủ say lắm, chắc nàng đang mơ đến cuộc sống êm đềm hạnh phúc bên người yêu. Ngồi vuốt từng sợi tóc của Phượng mà nước mắt của tôi lại trào ra. Căn phòng vắng vẻ im lặng hoàn toàn. Bên tôi chỉ còn tiếng thở đều hòa của mọi người. Tôi cảm thấy cô độc một cách lạ lùng. Từ nay thế là hết, trong Cô nhi viện này chỉ còn có mình tôi, sống âm thầm lặng lẽ, thiếu người tâm sự sau bữa cơm tối, và những đêm trời mưa rả rích.

Phượng ơi! Ngày mai Phượng đi thật rồi và chỉ còn lại một mình tôi. Óc tôi miên man nghĩ mãi với ý trưởng hãi hùng ấy. Và đêm hôm đó tôi ngồi bên Phượng cho tới khi ngủ gục xuống lúc nào không hay.

Hình như gà gáy sáng đã từ lâu lắm.


CHƯƠNG IV

Nhưng Chúa còn thương tôi vì Chúa đã đem Luice lại cho tôi.

Hôm tiễn chân Phượng về nhà chồng, chị em tôi thẫn thờ trở về như người mất trí. Bầu trời bát ngát hơi thu đầy vẻ tươi mát không làm khô được những giọt mồ hôi nhỏ giọt trên trán tôi. Tôi đã trông thấy rõ Phượng đi vào cái cổng sắt ấy. Bên Phượng là Thái. Từ nay Phượng không còn là của riêng tôi nữa. Phượng đi thật rồi. Tan buổi lễ tôi ra về như một kẻ trốn tránh. Tôi dắt Lucie lang thang hết phố này qua phố khác. Chúng tôi qua biết bao nhiêu con đường rồi và hiện tôi ở phố nào tôi cũng không hay. Cho đến khi Lucie kêu mỏi chân tôi mới sực tỉnh mà trở về với thực tại. Thì ra người tôi đã như mê đi trong thời gian mấy tiếng đồng hồ. Lúc ấy đã gần trưa. Tôi không về Viện mồ côi mà dẫn Lucie vào một hiệu ăn. Tôi ăn một cách uể oải nhưng Lucie lạ miệng nên ăn rất ngon lành. Tôi mua cho Lucie một chiếc kẹo chanh mút và nó tung tăng đi bên tôi. Hình ảnh nó tay đưa kẹo mút lên mồm nhắc tôi nhớ đến hình ảnh con Nguyệt ngày nào đi với cha mẹ nuôi trong buổi lễ kỷ niệm ở Viện cô nhi. Hôm ấy Phượng đứng cạnh tôi và Phượng đi gọi con Dung. Rồi Phượng xui Dung gọi Nguyệt. Nhưng con Dung không gọi mà chỉ đứng tần ngần rồi chạy đi khóc một mình. Ý nghĩ ấy làm tôi nhớ đến Phượng và tưởng tượng đến Phượng đang ở nhà chồng. Chắc giờ này Phượng đã ngồi trong phòng cô dâu còn Thái đang tiếp các bạn. Chắc Phượng cũng đang nhớ tới tôi và tới Lucie. Nhưng Phượng không thể tưởng tượng được rằng tôi và Lucie vừa ở hiệu ăn ra, đang đi lang thang ngoài phố.

Tối hôm ấy tôi ngủ với Lucie một giường. Tôi ôm nó vào lòng như ngày nào tôi ôm Phượng. Lucie quàng bàn tay xinh xinh qua cổ tôi. Nó mê man ngủ. Tôi cố hình dung hình ảnh bé Phượng ngày xưa. Nhưng mầu tóc hung hung đỏ của nó gợi cho tôi nhớ rằng nó vẫn là Lucie. Và Phượng của tôi thì đêm nay chắc đã quàng tay qua cổ một người trai xa lạ.

Điều ấy làm tôi rớt nước mắt và vẫn cảm thấy mình cô đơn. Phượng đi mang theo của tôi nhiều quá. Căn phòng như vắng hẳn, chiếc giường như lạnh thêm. Thiếu có một mình Phượng mà tôi thiếu mất bao nhiêu. Ngày hôm qua Phượng còn nằm đây, ngủ êm đềm với hơi thở đều hòa, tay tôi còn được vuốt tóc Phượng, còn được nói chuyện với giấc ngủ êm đềm của nàng.

Nhưng bây giờ vắng lặng quá. Phượng đi rồi Phượng đi thật rồi. Thế là hết. Bất giác tôi ghì chặt lấy Lucie để truyền lấy một hơi ấm khiến con bé tỉnh dậy. Nó mở choàng mắt ra nhìn tôi. Rồi nó cũng vòng tay qua cổ tôi hé miệng khẽ nói:

– Chị…

Tôi kéo sát nó vào lòng và âu yếm hôn lên mắt nó. Tôi nhớ đến cái hôn của tôi hôn Phượng một đêm nào năm xưa và cái hôn của Phượng với Lucie tối hôm qua.

Những cái hôn thắm thiết mà trọn đời tôi chẳng bao giờ quên.

Đêm ấy trời lại đổi gió lạnh lùng. Từng cơn gió heo hút lùa vào chiếc mền mỏng của chúng tôi. Tôi nhớ đến những đêm đông năm nào tôi nằm ôm lấy Phượng. Hai đứa truyền hơi ấm cho nhau, Phượng nằm ngủ ngoan ngoãn như Lucie bây giờ đang ngủ. Chắc óc Lucie cũng đang mơ giấc mơ đẹp như ngày xưa Phượng đã mơ thấy. Còn tôi thì khác hẳn. Ngày xưa tôi ghì Phượng vào lòng để tưởng tượng rằng Phượng là người khác phái. Hôm nay tôi ghì Lucie vào để mà mong nó là Phượng.

Bây giờ tôi mới biết mình đã cầm hạnh phúc trong tay mà không biết giữ và biết đâu một ngày kia Lucie sẽ bỏ tôi để tôi lại có những phút đau khổ như thế này.

Nghĩ như thế, tôi ôm Lucie vào lòng, tôi thấy thương Lucie hơn và tôi lầm bẩm nói qua tai Lucie:

– Đừng bỏ chị, Lucie nhé…

Nhưng Lucie vẫn thở đều hòa vì Lucie còn đang say mê với những hình ảnh đẹp trong giấc ngủ.


NHỮNG DÒNG CUỐI CÙNG

Hôm nay tôi bắt đầu viết trang đầu tiên cho thiên bút ký của tôi. Trang giấy đã mở rộng, mầu giấy trắng như mầu tá áo các bà Phước, mầu của quần áo lũ mồ côi và cũng là mầu của những nếp tường chạy dài bên kia bồn cỏ.

Trời về cuối đông, mây u ám phủ nặng chĩu cả bầu trời. Gió bên ngoài thổi nghiêng ngả những vòm cây trụi lá. Qua khung của kính chỗ tôi ngồi, ngoài kia là khung cảnh tiêu điều của một buổi chiều sắp tắt. Trời sâm sẩm tối, con đường nhựa xanh láng mướt dẫn đến vườn hoa hôm nay ngập nhiều lá vàng. Tôi chắc vườn hoa ngoài ấy bây giờ cũng xơ xác lá và vắng lặng bóng người. Tôi hình dung đến ngày xưa ở đấy.

Hình ảnh bé Phượng ngày nào khóc gọi chị Loan và mẹ bên phòng bà Nhân, hình ảnh con Dung bị người ta xin mất con Nguyệt, rồi câu chuyện của Liễu bỏ ra đi để tìm một tình yêu lãng mạn, cái chết của Hòa, cái chết của con người phu hồ, những mồ cỏ xanh um ngoài nghĩa địa, mối tình tuyệt vọng của tôi.

Những ngày ấy xa quá rồi, vì bây giờ tôi không còn là một thiếu nữ khao khát yêu đương nữa. Tôi già hơn trước nhiều và lý tưởng tôi bây giờ là bổn phận.

Có tiếng Lucie hát ở bên phòng, có tiếng chân các bà Phước đi lại trong bóng tối, và tiếng cầu kinh xen lẫn với tiếng chuông nhà thờ ngân nga ở phía xa.

Tôi chớp mắt để ngăn hai hàng lệ và rồi tôi cắm cúi viết.

             QUỲNH

                                                                                    Kiến-Hòa, thu Đinh-Dậu 1957

                                                                                          NHẬT-TIẾN

Nguồn : nhavannhattien.com
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>