Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Vén Màn Bí Mật Khu "Tam Giác Vàng"

 

Từ vùng rừng núi hoang sơ rộng trên 156.000km2, một nhóm người bí mật âm thầm chế biến loại độc dược chết người, cung cấp lén lút cho vùng Đông Nam Á và toàn thế giới, hàng năm trên 700 tấn.

Chấm dứt được nguồn năng lực vĩ đại này, số phận nhân loại sẽ biến chuyển tốt đẹp.

Bạch phiến đang được bán lén lút dưới nhiều hình thức trong hầu hết các thành phố đông đúc trên thế giới, các quốc gia đã phải chịu thiệt thòi rất lớn về việc du nhập món hàng độc hại này ; thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy hàng năm đã thiệt hại hàng tỷ Mỹ kim, chưa kể đến các hậu quả mà Bạch phiến đang tàn phá một số đông thanh thiếu niên tại đây.

Bạch phiến đã phát xuất từ đâu? Năm 1971 người ta khám phá trong bộ da hình nộm của một con cọp Phi Châu trong chuyến phi cơ từ Vọng Các đê1n Chicago trên 5kg Bạch phiến, trong vịnh Thái Lan người ta bắt gặp những phi cơ lạ thả dù những kiện hàng gói kỹ lưỡng trong các túi nylon rồi được các thuyền đánh cá vớt mang đi... nhiều sự kiện chứng tỏ Bạch phiến xuất phát từ vùng Đông Nam Á.

Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ là xứ đứng đầu về việc xuất cảng Thuốc phiện, nhưng chính các nhà máy hóa học tại miền Nam nước Pháp mới đủ khả năng để chuyển hóa thành Bạch phiến trước khi được phân tán tới các quốc gia khác nhất là Hoa Kỳ. Ngày nay dưới những đạo luật cứng rắn, thuốc phiện đã bị cấm trồng tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung tâm thuốc phiện tại Đông Nam Á được gọi là khu "Tam giác vàng" rộng trên 60.000 dặm vuông (156.000km2) nằm gác lên lãnh thổ của ba quốc gia: Đông Bắc Miến Điện, Bắc Thái và Tây Bắt Ai Lao. Trên thực tế khu "Tam giác vàng" đã lọt ra ngoài sự kiểm soát của các chính phủ ba quốc gia trên, vì đó là xứ sở của những bộ lạc thiểu số sống rải rác trên các sườn đồi núi hoang vu, đó cũng là nơi dung dưỡng các tổ chức phiến loạn. Chính nơi đây hàng năm đã sản xuất trên 700 tấn thuốc phiện sống, cung cấp 50% bạch phiến cho toàn thế giới.

Việc trồng trọt, chăm bón cây thuốc phiện là do các sắc dân trong bộ lạc San Miến Điện thực hiện. Họ thường khởi đầu trồng cây thuốc phiện từ cuối mùa hè vì khí hậu rất thuận tiện cho loại cây này phát triển, sau đó vào mùa đông họ khởi sự thu lượm kết quả, một loại nhựa nồng cay được trích ra từ trái cây, và được bán ra ngoài, những người trồng trọt không lấy tiền mà chỉ trao đổi để lấy heo, ngựa, trâu hay các sản vật như muối, vải vóc, dụng cụ... Họ thường đổi nửa kí-lô thuốc để lấy 1 con heo hay 1 ký 500 để lấy một con ngựa... Hiện nay có khoảng 60.000 dân thiểu số đang trồng trọt những cây thuốc độc hại này trong lãnh thổ tiểu bang Shaw của Miến Điện. Tại Thái Lan mặc dù sắc luật cấm đoán ma túy đã có hiệu lực từ năm 1958, nhưng các bộ lạc thiểu số phía Bắc vẫn tiếp tục sản xuất trên 200 tấn thuốc phiện mỗi năm. Cuối cùng Ai Lao là cửa ngõ để trao đổi những kiện hàng Bạch phiến qua trung gian của một nhóm người bí mật.
 
Mới đầu người ta vẫn tưởng rằng khu vực này phải do Trung Hoa hoặc Bắc Việt kiểm soát. Nhưng thực tế lại do một nhóm khác nắm quyền. Năm 1949 khoảng 6000 người Trung Hoa từ lục địa di chuyển tá túc trong khu vực này, cũng từ đó họ khởi sự kiểm soát khu vực. Thế lục của họ khá mạnh vì được trang bị đầy đủ súng đạn kể cả các súng lớn. Họ làm trung gian trong việc buôn bán ma túy, chuyển vận hoặc đánh thuế...

Nhóm thứ hai quan trọng hơn được gọi là những người "Mafia" Trung Hoa, họ chiếm giữ phần chế biến thuộc phiện ra bạch phiến, rồi phân phối đi khắp thế giới. Nhóm Mafia này phần lớn là người Phúc Kiến đã bỏ xứ sở từ lâu, sống lưu lạc  trong các quốc gia lân cận. Họ là những nhà mại bản rất giỏi giang và có tổ chức.

Trước đây việc bán thuốc phiện chỉ có giới hạn trong số những người Á Châu nghiện ngập, nhưng khoảng từ 1960 trở đi khi ma túy tràn lan khắp nơi nhất là Hoa Kỳ thì những nhà mại bản này trở nên giàu có và đầy thế lực.

Từ năm 1965, nhóm người này đã chế biến một phần sản phẩm dể dùng hơn gọi là "Khai", đó là một hỗn hợp gồm bã thuốc phiện, chất morphine trộn với Aspirin. Đây là một loại thuốc dễ ghiền và sẽ giết hại người dùng nó trong vòng từ 12 đến 18 tháng.

Tại Ai Lao người ta có thể thấy một số những nhà hút dùng loại thuốc này, trong bóng tối âm u của những căn phòng dơ dáy người ta thấy những người đàn ông da bọc xương đang ngồi ngáp dài, lúc sau không chịu đựng được cơn thèm khát họ đứng dậy mua một gói thuốc khác, hơ nóng trên một ngọn đèn leo lét rồi hút khói qua một ống bằng giấy cuộn tròn.

Việc chế biến từ thuốc phiện qua Morphine dễ dàng hơn qua Bạch phiến. Công việc sau cần nhiều kỹ thuật và phải do các chuyên viên hóa học kinh nghiệm. Từ năm 1967, người Trung Hoa đã mướn một số chuyên viên hóa học từ Đài Loan, Tân Gia Ba và Hồng Kông với số thù lao rất lớn để thiết lập những nhà máy chế biến trong khu "Tam giác vàng", các chuyên viên đó lưu lại trong các nhà máy này khoảng từ 6 đến 8 tuần để chuyển hóa số lượng thuốc phiện từ năm trước ra bạch phiến, dưới sự quan sát của những cặp mắt cú vọ của những người giúp việc. Vài người Trung Hoa địa phương đã gởi con trai họ theo học các trường Hóa học trong vùng Đông Nam Á sau đó trở về tham gia vào công việc chế biến, chính vì thế mức sản xuất hiện nay có thể gia tăng đến khoảng 70% số lượng thuốc phiện trên thế giới.

Các chuyên viên bài trừ Ma Túy quốc tế ghi nhận có khoảng từ 15 đến 20 nhà máy tinh luyện đã được thiết lập trong khu "Tam giác vàng". Thường nếu một nhà máy bị khám phá, lập tức họ di chuyển ngay tất cả dụng cụ đến một vị trí khác trước khi phá hủy.

Khởi đầu những nhà máy này sản xuất phần lớn loại Bạch phiến số 3 mà đa số người ghiền Á Châu ưa chuộng. Thuốc này được vào bao với các nhãn hiệu "Hai con rồng", "nhện vàng" hoặc "Lucky Strike". Từ năm 1965 họ chế thêm loại Bạch phiến 96% được mệnh danh là "cường lực số 4" đựng trong các bao Nylon do chính một nhà máy trong khu "Tam giác vàng' sản xuất.

Những người Mafia Trung Hoa này, nhờ số tiền khổng lồ mà họ thu hoạch được, đã mở rộng thương trường qua sự giúp đỡ của một nhóm người Tây phương, đa số là những người phạm pháp hay lính đào ngũ để tiêu thụ món hàng độc hại này.

Hầu hết Bạch phiến được chuyển vận bằng phương tiện hàng không, có khi được gói kỹ lưỡng rồi được thả dù xuống biển, các thuyền nhỏ vớt lên để chuyển đến một địa điểm tiêu thụ.

Mặc dù các chính phủ trong vùng Đông Nam Á, nhất là ba quốc gia liên hệ trong khu "Tam giác vàng" đã ban hành các luật lệ cấm đoán việc trồng và chế biến Bạch phiến nhưng nếu chưa có các biện pháp tích cực và sự hợp tác quốc tế để chận đứng từ gốc, Ma túy vẫn còn lan tràn gây tệ hại khắp thế giới.


TRƯỜNG KỲ            
 (viết theo Charles Bornay)    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 114, ra ngày 12-11-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>