Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Mùa Xuân Chim Én

 


1
 
Vũ ngắt nhẹ một ngọn lá, đưa lên mũi ngửi. Hương ổi thơm nhẹ nhàng. Đưa mắt nhìn ra cổng, Vũ thấy cây mai hình như tươi hẳn lên. A! Những nụ hoa vàng đã chớm nở rồi kia! Vũ thoáng nghe một niềm vui là lạ dâng lên trong lòng.

Mùa xuân đã đến rồi sao? Tết đến rồi sao? Và tuổi của Vũ lại thêm lên một tí sao? Ồ! Thêm một tí cũng không hề gì. Chẳng là Vũ vẫn còn bé lắm cơ mà! Mới là mười hai tuổi thôi! Vũ mong lắm, Vũ thích lắm. Vũ nghĩ đến Tết mà nôn nóng thế nào ấy!

Nhưng cái mà Vũ để ‎ý đến nhiều nhất là cây mai trước cổng kia! Từ mấy tuần nay, ngày nào Vũ cũng ra sân lo “chăm sóc” cây mai – gọi là “chăm sóc” chứ có gì đâu, Vũ chỉ đưa mắt tìm những chồi non trên cao, và lấy cây khoèo những chú sâu bám trên lá xuống – Mà chỉ riêng có năm nay, không hiểu sao Vũ lại mong hoa mai chóng nở. Chắc chẳng ai hiểu Vũ muốn thế để làm gì đâu. Vũ giấu kín trong lòng, không nói với ai. Thật thế, nếu nói ra chắc ai cũng phải cười và nhạo Vũ ghê lắm, vì… Vũ chỉ mong có chim én về.

Vũ mong chim én về!!! Hôm tháng trước, cái Liên bạn Vũ tặng cho Vũ một tấm hình tự tay nó vẽ, hình con chim én bay gần cành mai vàng rực. Sau lưng tấm hình, Liên đề: “Tặng Vũ đó, đừng chê Liên vẽ xạo nghen!”. Vũ nghĩ có lẽ cái Liên vẽ “xạo” thật, nhưng tấm hình đẹp quá, làm Vũ thích quá! Rồi bỗng nhiên Vũ đâm ra mơ ước… ước sao trên cây mai nhà Vũ có chim én bay đến lượn quanh như thế này. Mà hoa mai phải nở đều, vàng rực như thế này mới đẹp. Vũ ước ao được thấy chim én một lần, thấy chim én thật chứ không phải trong sách. Trong sách có thiếu gì hình, song Vũ chỉ muốn nhìn ở ngoài thôi! Vì thế nên ngày nào Vũ cũng ra nhìn xem cây mai đã nở được cái hoa nào chưa. Vũ mong mùa xuân, mong Tết, và mong có chim én về…

– Chị ơi! Có bác Hai ở nhà không?

 Giọng nói nào nghe thật êm, nhẹ, cất lên sau lưng Vũ. Vũ quay lại. Một cô bé trạc bằng Vũ đứng ở đấy, bên cây mai. Cô bé mặc một bộ quần áo không mấy tốt lành gì cho lắm. Mái tóc xõa ngang vai và lòa xòa trên gương mặt ốm, xanh. Vũ hỏi:

– “Ấy” hỏi má tôi hả?

Cô bé gật đầu, nét mặt không lộ vẻ gì cả.

– Để làm gì vậy, “ấy”?

– Dạ mợ em có chuyện cần muốn gặp bác Hai.

– Mợ của “ấy” là…?

– Dạ mợ của em ở kế bên nhà chị a tề! Bà Năm thợ may nờ.

Vũ “à” một tiếng:

– “Ấy” đợi tí nhé!

Rồi Vũ chạy vào nhà gọi má Vũ. Khi Vũ trở ra, cô bé vẫn còn đứng ở đó, dáng dấp bé nhỏ hầu như bất động. Vũ thấy thương thương cô bé chi lạ. Vũ đến nắm tay cô bé:

– “Tớ” nói má “tớ” sang nhà mợ của “ấy” rồi. Nè! Bây giờ “ấy” vào sân chơi với “tớ” đi! “Tớ” có bộ son nồi đẹp lắm! “Ấy” chơi bán bún với “tớ” không?

Cô bé ngần ngừ một lát, rồi gật đầu. Hai đứa dẫn nhau vào sân. Vũ ngồi xuống ghế xích đu. Cô bé vẫn đứng yên. Vũ bảo:

– Kìa, “ấy” ngồi xuống đây chơi đi!

Vùa nói Vũ vừa kéo tay cô bé ngồi xuống. Xong Vũ lấy trớn đu mạnh. Chiếc ghế xích đu đưa tới đưa lui vun vút. Mặt Vũ mát lạnh vì hơi gió. Vũ cười khoan khoái:

– Sướng há “ấy”!

Nhưng Vũ thấy cô bé như hằn vẻ sợ hãi trên nét mặt, tay bấu chặt lấy thành ghế. Vũ lấy làm lạ, vội ngừng ngay không đu nữa, thắc mắc:

– Bộ “ấy” không thích xích đu hở?

Cô bé gật đầu. Vũ hơi ân hận, không biết phải tìm trò gì để cô bé chơi cùng. Chợt nhớ ra cây mai của mình, Vũ chỉ cho cô bé:

– Nè “ấy” ơi, “tớ” có cây mai đẹp lắm, nó gần nở hoa rồi. Chắc Tết này nó nở ngập hết.

– Rứa à?

– Ừ! “Ấy” có thích hoa mai không?

– Có.

– Thế thì ngồi xuống đi, “tớ” nói cái này cho nghe.

Cô bé rụt rè ngồi xuống, run run:

– Nhưng mà… chị đừng có đu nữa hỉ!

Vũ cười to. Những tiếng “tề, hỉ, rứa…” của cô bé nghe dễ thương ghê là! Vũ nắm tay cô bé, kể cho cô bé nghe ý nghĩ của Vũ:

– Nè “ấy” ơi! “Tớ” mong mau đến Tết, để cây mai của “tớ” nở hoa. Để làm chi, “ấy” biết không? “Tớ” nói, cấm “ấy” cười “tớ” nhé! Để cho chim én nó bay đến, cho “tớ” ngắm. Tớ thích chim én lắm. Mà không biết chim én có thèm bay đến cành mai không hở “ấy”? Không biết chim én có thích về Sài Gòn không nhỉ? Chim én… nó ở đâu, hở “ấy”?

– Em… không biết.

– Vái Trời chim én nó đến, “ấy” nhỉ! Chà, chắc là đẹp hơn cả trong hình bạn “tớ” vẽ nữa. Để khi nào chim én về, “tớ” gọi “ấy” sang xem nhé!

– Dạ.

Vũ vẫn cứ nói huyên thuyên:

– Đến mồng một Tết chắc là hoa mai nở hết cả nhỉ! Nè “ấy” xem, mới hôm nay mà nụ đã đầy cả rồi kìa! Cả chồi non cũng đầy cả. Mà… “tớ” chỉ ghét mấy con sâu, “tớ” oán chúng lắm…!

Vũ lại nắm tay cô bé đứng dậy, chỉ lên cây mai, trầm trồ:

– Đó “ấy” xem! Chúng ăn hết mấy cái lá, sâu hết. Nhưng chả sao, há “ấy”, sẽ còn nhiều lá nữa mà. “Ấy” thấy hoa mai đẹp không hở “ấy”? Đẹp không???

Nhưng khi nhìn qua, Vũ ngạc nhiên vì cô bé vẫn cúi đầu xuống, không nhìn theo Vũ. Vũ bực mình, nói giọng hơi gắt:

– Bộ… bộ “ấy” không thèm nhìn à? Hở… “ấy”?

Cô bé ấp úng trong miệng, ngại ngùng ngước mặt lên. Bây giờ Vũ mới thật nhìn rõ mặt cô bé. Và Vũ suýt buộc miệng kêu. Vũ ngỡ ngàng. Gương mặt xanh xao kia, chiếc mũi thon nhỏ kia, làn môi dễ thương kia… Nhưng đôi mắt thì trắng đục và không còn vẻ gì là tinh anh. Đôi mắt ấy, hoàn toàn bất động khiến cho cả khuôn mặt của cô bé mang một vẻ ngây dại lạnh lùng.

Vũ lắp bắp:

– “Ấy”… “Ấy” đừng buồn “tớ” nghen!

Cô bé nhếch môi khẽ cười. Vũ lại dìu cô bé ngồi xuống ghế xích đu.

– Vậy… vậy lúc nãy… làm sao “ấy” biết có “tớ” ở đây?

– Em nghe tiếng chị hát, em biết.

– “Ấy” hay quá! “Ấy” tên gì?

– Hoài.

– “Tớ” tên Vũ, nghe “con trai” không Hoài?

– Không, hay lắm chứ!

Vũ nhìn sâu trong đôi mắt Hoài:

– Hoài mới về ở với dì Năm hở?

– Dạ. Hoài là cháu gọi dì Năm bằng mợ. Hoài về đây đã gần một tuần rồi.

– Thế ba má Hoài đâu?

– Ba má Hoài hở? – Đôi mắt trắng đục kia bỗng nhướng to lên như cố tìm thấy một hình ảnh nào đó, và giọng Hoài run run – Ba má Hoài mất rồi, cả anh em Hoài nữa. Nhà Hoài hồi đó ở Quảng Trị. Rồi đánh nhau… Xóm Hoài cháy rụi. Không ai chạy đi đâu được. Hoài là người sống sót duy nhất trong gia đình. Khi Hoài tỉnh dậy, Hoài không còn thấy đường nữa Vũ ơi! Khói bom đạn đã làm mù mắt Hoài. Hoài khóc luôn Vũ à! Hoài không được về xóm, không được gặp ai quen. Rồi… mợ Hoài trong ni ra ngoài nớ lãnh Hoài về nuôi đó Vũ.

Hoài kể một hơi, rồi ngồi lặng yên, không khóc nhưng gương mặt in đậm vẻ đau đớn buồn tủi. Còn Vũ, Vũ nghe toàn thân như lạnh giá, và Vũ chợt thấy nước mắt Vũ đang rơi…

 

2

– Hoài ơi! Hoài nè!

– Gì rứa, Vũ?

– Gần Tết rồi đó Hoài.

– Ừ há, gần Tết rồi, Vũ có áo mới chưa?

– Áo mới hở? Chưa. Còn Hoài?

– Cũng chưa. Nè, Vũ ơi!

– Gì thế Hoài?

– Vũ… Vũ có thấy chim én lần mô chưa?

– Có, có một lần… một lần Vũ đi Đà Lạt, Vũ thấy trên nóc lầu cao ở hãng máy bay ấy, có một cái tổ chim én. Cái tổ trông như một tấm lông thú màu vàng vàng. Vũ thích quá. Vũ nhón lên đợi chim én bay ra, nhưng chúng nó còn ngủ hay đi chơi không biết, nên Vũ chả thấy gì hết, mà lại còn bị lóa mắt vì mặt trời chiếu vào nữa.

– Hic hic! Vậy là Vũ không được thấy hỉ!

– Ừ, nhưng Vũ biết chim én rồi! Ở trong sách hình đó. Vũ mong có chim én bay đến đậu trên cây mai của tụi mình, chắc là đẹp lắm Hoài nhỉ!

– Rứa chim én trong sách hình có đẹp không, Vũ?

– Cũng đẹp chứ! Ủa, mà Hoài chưa biết chim én hở?

– Chưa nơi! Hồi trước chiều chiều Hoài hay thấy chim quạ bay tới. Chim quạ đen và kêu khiếp ghê lắm. Hoài ghét chim quạ lắm Vũ nờ.

– Ừ, Vũ cũng ghét chim quạ. Chim én đẹp và thanh chứ không xấu xí hung dữ như chim quạ đâu!.

– Hoài thích gặp chim én lắm! Xuân về chắc là có chim én, Vũ hỉ!

– Vũ… không biết. Chắc là có chứ!

– Nhưng… nếu có chim én về, Hoài cũng không nhìn chim én được. Vũ ơi, Hoài hết thấy đường rồi! Chim én ơi!…

– Hoài, Hoài nín đi! Rồi Vũ sẽ… sẽ… À thôi, Hoài nín mau, Vũ đem bộ son nồi ra đây chơi bán bún với Hoài, nghen!

– Chim én ơi!!!

 

3

Vũ khoan khoái đưa tay sờ lên túi áo cồm cộm. Nụ cười vui sướng nở trên môi. Vũ hình dung ra nét mặt dễ yêu của Hoài. Và đôi mắt của Hoài sẽ không làm Hoài buồn nữa, vì….

Vũ chạy nhanh ra sân. Lạ! Sân nhà Vũ sao hôm nay cũng tươi hẳn lên. Những ngọn lá, cành cây như xanh thêm lên. Hoa cỏ như cười với Vũ. Nhất là ngoài cổng, cây mai của Vũ được thêm vài nụ hoa mới nở nữa.

Vũ đứng ngay dưới gốc mai, gọi với sang nhà Hoài:

– Hoài ơi! Hoài nè!

Hoài đang đi qua kia! Hoài đã đi thuộc con đường này nên không còn mò mẫm chậm chạp nữa. Vũ nấp sau gốc cây, hỏi:

– Đố Hoài biết Vũ ở đâu?

Hoài dừng chân lại nghe, rồi cười:

– Ở sau cây mai chứ chi!

Vũ chạy ra, nắm tay Hoài:

– Sao Hoài tài vậy?

– Ừ, thì Hoài nghe, Hoài ngửi, Hoài sờ… phải giỏi để bù lại…

– Hay quá! Bi giờ Hoài trổ tài cho Vũ xem đi nghen!

– Cái gì vậy? – Hoài ngạc nhiên.

Vũ kéo Hoài vào sân, ngồi lên ghế xích đu. Dáng Hoài ngồi nhỏ bé, bàn tay gầy ốm vịn chặt thành ghế. Những sợi tóc vướng vướng ngang mày Hoài. Đôi mắt Hoài như ngó chăm chăm vào một chỗ. Trông Hoài yếu đuối tội nghiệp quá! Vũ siết chặt tay bạn, thương mến. Hoài hỏi nhỏ:

– Cái gì vậy Vũ?

Vũ cho tay vào túi áo, rút cái hộp ra, đặt vào tay Hoài:

– Cho Hoài nè, Hoài mở ra đi!

Hoài mò mẫm mở nắp hộp. Vũ nín thở theo dõi từng động tác của Hoài. Hoài dùng ngón tay trỏ sờ lên bản gỗ lồi lõm đặt trong hộp. Ngón tay đi từ chiếc đầu bé nhỏ, ra đến một cái cánh thanh tao, sang một cánh nữa, rồi ngừng lại ở chiếc đuôi dài. Rồi hai ngón tay, ba ngón tay… cả một bàn tay gầy ốm của Hoài vuốt nhẹ mơn man trên bản gỗ. Đôi mắt trắng đục không còn vẻ tinh anh của Hoài hướng về phía Vũ, mở thật to lên như muốn chọc thủng màn u tối để nhìn thấy hình ảnh người bạn. Và môi Hoài nở một nụ cười thật tươi, thật sung sướng.

Vũ khẽ hỏi:
 
– Đẹp không Hoài?

– Đẹp…, xinh lắm… Vũ à!

Giọng Hoài xúc động. Vũ hân hoan:

– Chim én này do Vũ khắc đó! Vũ xem hình trong sách ấy mà! Hoài… Hoài biết chim én rồi há!

– Ừ, chim én đẹp ghê Vũ hỉ! Nó thanh chứ không xấu và ác như chim quạ hỉ!

– Chứ sao! Chim quạ đem chết chóc tới, còn chim én mang mùa xuân về mà!

Vũ chợt thấy vẻ mặt của Hoài trở nên xa xăm. Hoài lặng yên. Vũ cũng lặng yên. Vũ nghĩ đến những việc gì Vũ phải làm nữa để an ủi Hoài, để xoa dịu nỗi buồn của Hoài, người bạn xấu số mơ ước thấy chim én hơn cả Vũ nữa. Còn Hoài, Hoài nghĩ đến những ngày sắp tới luôn luôn có Vũ bên cạnh, vui đùa, kể chuyện với Hoài, giúp Hoài quên đi những ngày hãi hùng đầy dẫy bóng quạ đen.

… Rồi Hoài gọi:

– Vũ ơi!
 
– Ơi!
 
– Sao… sao Vũ thương Hoài rứa?
 
– Hoài hỏi… kỳ!
 
Hoài bật khóc. Nước mắt nhỏ ra, rơi rụng trên con chim én gỗ trong tay. Vũ ôm vai bạn, chỉ lên cành mai đang trổ hoa vàng:
 
– Hoài ơi! Hoa mai nở nhiều rồi kìa! Chắc ngày mai chim én đến chơi với mình Hoài nhỉ!
 
 
Nguyễn Thị Mỹ Thanh     
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Kỷ Dậu, 1969) 
 

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Con Trâu Nước Sợ Chích Ngừa

 

Ngày xưa có một anh Trâu nước rất sợ chích ngừa. Lúc nào đầu anh ta cũng luẩn quẩn lo sợ vì sắp bị chích ngừa. Đi đâu anh cũng lo, dù là đi dạo chơi công viên, hay đi xem chiếu bóng và nhất là đi hồ tắm bởi lẽ ngồi ở hồ tắm là người ta chúa hay suy nghĩ lo sợ vẩn vơ. Trong lúc ngâm mình dưới nước anh tự hỏi: "Không biết ngày mai đã phải chích chưa? Để mình đi hỏi xem sao mới được."

Gặp ai anh cũng hỏi, dù là chị cá sấu hay các chị ngỗng, chị chim cút hay chị Giang cổ dài: "Này các chị ơi! Có phải ngày mai mình phải đi chích ngừa không? Hay là ngày mốt? Hay là vào ngày nào hả các chị?"

Bọn cá sấu đang chơi banh dưới nước làm nước sủi bọt đục ngầu thi nhau bảo: "Anh cứ yên trí đi. Rồi thế nào cũng được chích."

Các chị chim cút thì bảo: "Bao giờ chích chả được. Tội gì mà lo ngại. Chích thì chích chứ có sao đâu?" Các chị chim cút đang xúm nhau nghe nhạc trên bờ.

Chị Giang cũng nói: "Cố nhiên là chẳng sao cả. Phải chích chứ, đằng nào chả phải chích, vì chích ngừa là quan hệ lắm." Nhưng tiếng nói của chị Giang bị tiếng máy hát át đi.

Trâu nước buồn quá: "Kỳ thực, chẳng ai cho là quan trọng hết. Họ không biết rằng mai đây họ sẽ bị một cái kim to tướng đâm vào thịt mình sao?" Nói xong anh chàng sợ quá, mồ hôi lấm tấm trên trán.

Rồi một hôm anh chàng lạnh người khi nhận được một tấm các do đường bưu điện gửi tới: "Xin mời ông đến chích ngừa."

Anh chàng sợ quá, sợ đến nỗi xe buýt phải ngừng ngay giữa lộ. Mọi người trong xe nhao nhao cả lên: "Sao vậy? Sao tự nhiên lại ngừng ngay giữa lộ vậy?" Trong xe toàn bọn người đua nhau đi chích ngừa. Nào ngựa vằn, nào hươu cao cổ, nào cò màu hồng.

Anh lái xe buýt trả lời: "Có gì đâu. Anh Trâu nước nghe nói phải đi chích ngừa đang toát mồ hôi ra kia kìa. Thôi mặc kệ anh ta. Mình cứ tiếp tục cuộc hành trình thôi."

Đến bệnh viện chích ngừa, mọi người xếp hàng rất có thứ tự chờ đợi nghiêm trang đến lượt mình. Các chị chim cút đem máy hát đến giúp vui thành ra mọi người chẳng ai thấy là lâu hết dù phải chờ đợi tới hơn nửa giờ mới đến lượt mình.

Chị Giang quay lại bảo mọi người: "Phải có người xách cổ anh Trâu nước đến cho anh ta chích ngừa chứ."

Tòm mãi chả thấy anh Trâu nước đâu cả. Thì ra anh chàng sợ quá nấp sau một cái riềm cửa lớn, anh run lập cập đến nỗi bao nhiêu ly đĩa trong tủ đựng ly tách bên cạnh rung lên nghe leng keng. Chị Giang tìm thấy ngay xách tai anh ta ra và bảo: 

- "Thôi đừng ấm ớ nữa đi. Đi chích ngừa ngay lập tức. Có sao đâu, chỉ hơi đau một tí như kiến đốt thôi mà. Ngay cả những chú thỏ bé tí teo cũng đi chích. Anh mà không đến là người ta cười cho thối óc. To đầu thế mà còn sợ".

Trâu nước thấy chả còn cách gì khác hơn đành van nài:

"Được rồi, tôi sẽ đi với chị, nhưng trong lúc chích, chị phải cầm tay cho tôi đỡ sợ nhé".

- Được rồi, tôi sẽ nắm tay anh.

Nói xong, cả hai đến bệnh viện. Trong lúc đi đường họ thấy mọi người lũ lượt rủ nhau đi chích: có đủ mặt từ anh voi kếch sù đến chị gà mái, cả những chú thỏ tí hon, ai cũng bảo chả đau gì cả, chỉ hơi ê một tí như kiến đốt thôi. Trâu nước nghĩ bụng: "Chích xong rồi ai mà chả nói mạnh. Còn mình thì đã chích đâu." Nghĩ thế, anh chàng thấy mồ hôi ra như tắm. 

Khi đến lượt anh Trâu nước, bác sĩ ngạc nhiên hỏi: "Sao anh ướt đẫm mồ hôi như thế này?"

Chị Giang cười nói: "Mỗi người một ý thích, thưa bác sĩ, người thích đánh bóng bàn, người thích đánh quần vợt còn người khác thì lại thích chẩy mồ hôi như tắm."

- "Thế hả! Tôi lại cứ tưởng anh ta sợ chích quá nên mồ hôi chảy như suối."

- Đâu có, anh ta to lớn như thế đâu có sợ chích.

- "Nào chúng ta bắt đầu. Đối với anh này phải một cái kim thực bự."

Trâu nước trắng bệch mặt, trắng bệch luôn cả bộ lông.

- Lạ nhỉ: Sao anh Trâu nước lại trắng bệch như thế này? Trâu nước phải có bộ lông màu xám chứ. Chỉ có chuột mới có bộ lông trắng thôi. Trâu nước đâu có trắng bệch được.

- Đây là một loài trâu nước đặc biệt. Đặc màu trắng. Chỉ có một mình anh ta màu trắng thôi.

- Lúc nãy anh ta đâu có trắng, anh ta màu xám mà.

- Thì lúc trắng, lúc xám. Loài trâu nước này hiếm lắm.

- "Thế hả! Vì anh ta hiếm nên quí, do đó mình phải cẩn thận hơn khi chích cho anh ta."

Nói xong bác sĩ sờ trên da trâu nước tìm xem có chỗ nào chích được không. 

Trâu nước nhắm nghiền mắt tự nhủ: "Chao ơi, đau quá."

"Khó chích quả, chả tìm ra chỗ nào có da mỏng để mà chích. Da anh này dầy quá. Mào tìm chỗ khác vậy."

Rồi ông ta sờ soạng tìm mãi chả thấy chỗ nào da đủ mỏng để chích cả. Mãi ông đành chịu thua:

"Thôi xin hàng thôi. Tôi mà cố chích thế nào cũng gẫy kim mất thôi. Anh không buồn tôi vì tôi không chích được cho anh chứ?"

Anh Trâu nước thích quá, nhẩy cẫng lên, hoa chân múa tay: "Tại sao tôi lại buồn ông mới được chứ. Không sao đâu, ông ơi! Thôi xin chào ông nhé." Nói xong anh chàng chạy thực mau về hồ tắm, miệng cười ha hả, nhẩy đại xuống hồ tắm, nhảy mạnh đến nỗi tiếng nước bắn vun lên làm át tiếng máy hát của chim cút.

Nhưng than ôi: Một buổi sáng Trâu nước thức dậy, nhìn vào trong gương và thấy mặt mũi mình vàng khè. Anh sợ quá tự hỏi: "Có gì lạ vậy? Nếu mặt mũi mình trắng bệch thì có thể nói là vì mình quá sợ. Nhưng tại sao lại vàng khè thế này? Khó hiểu quá. Phải đi hỏi mọi người xem sao."

Nói xong anh chạy vội đến hồ tắm. Mọi người xúm lại bu quanh nhìn vì lạ mắt quá. Xưa nay có ai trông thấy một anh Trâu nước vàng khè bao giờ đâu. Mọi người tự hỏi không hiểu tại sao Trâu nước lại vàng khè như thế.

Các chị cá sấu bảo: "Chắc là thằng chả nhuộm đó. Nó vàng chẳng khác gì trái banh của mình."

Chim cút bảo: "Không phải đâu, anh ấy bôi dầu cho khỏi cháy nắng đó."

Chỉ có các chị ngỗng là tỏ vẻ lo âu. Các chị ra dấu tỏ vẻ không đồng ý và bảo là hồi nhỏ cũng đã có một thời các chị ấy vàng khè như thế.

Chị Giang bảo: "Các chị vàng vì các chị là ngỗng. Còn anh Trâu nước vàng là vì anh ấy bịnh."

Chị ta vội vã lấy khăn lau khô mình mẩy rồi chạy vội đến bệnh viện vào gặp ông bác sĩ: "Thưa bác sĩ. Anh Trâu nước tự nhiên vàng khè cả người."

Bác sĩ nói: "Thì có gì lạ. Anh ta là một loài trâu nước đặc biệt. Có khi xám có khi trắng bệch thì cũng có khi vàng khè chứ sao?"

- Thưa bác sĩ, anh ta không hề có gì đặc biệt hết. Hôm nọ sở dĩ anh ta trắng bệch ra là vì anh ta sợ chích ngừa đó thôi.

- "Thế hả? Anh ta không có gì đặc biệt hết mà vàng khè như thế chắc là bị bịnh đậu mùa rồi. Bịnh nặng lắm, phải cho anh ta vào bịnh viện thôi."

Thế là chẳng kịp đôi hồi gì lập tức Trâu nước bị dẫn đến bệnh viện, bị bắt buộc phải uống thuốc. Bên giường bịnh lúc nào cũng có một cô khán hộ ngồi cạnh để coi chừng nhiệt độ. Chao ôi, còn đâu là những buổi đi tắm vui thú cùng các bạn bên hồ tắm nữa. Anh ta rên rỉ: Khổ quá cô ơi! Tôi phải nằm chết dí một chỗ trong khi các bạn khác vui đùa tại hồ tắm, nào nghe nhạc, nào chơi bóng chuyền, đủ thứ trò vui. Cô ơi, xin cô làm ơn kể chuyện cho đỡ buồn một chút."

Cô khán hộ thương hại liền bắt đầu kể chuyện: "Ngày xưa có một anh Trâu nước sợ chích ngừa..."


NGUYỄN XUÂN HIẾU       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 23, ra ngày 16-1-1972)
 

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Cái Khoái Đọc Sách

 

Kể ra thì ở đời, không có cái thú nào, cái khoái nào có thể so sánh với cái khoái đọc sách. Yêu đương có thể mang lại cho ta những khoái cảm mãnh liệt hơn thú đọc sách. Nhưng yêu đương nếu mang lại cho ta những rung cảm say sưa, thì yêu đương cũng thường mang lại cho ta nhiều cay đắng, xót xa... Người của chúng ta rất có thể phản trắc, rất có thể làm tan nát lòng ta, nhưng sách vở thì luôn luôn là người tình chung thủy, người bạn tâm sự không bao giờ lợi dụng ta, không bao giờ bỏ rơi ta. Chúng ta yêu đương chỉ có thời, chứ đọc sách thì từ đứa bé lên 7, đến ông già kề miệng lỗ, sách vở mãi mãi là niềm an ủi, là thú vui độc đáo nhất. Một bà già 80 tuổi mà ngồi cửa sổ gửi thư đòi lấy chồng, đòi yêu đương thì không ai kham nổi, nhưng không ai cười một bà già 80, hưởng cái thú vô biên của sự đọc sách.

"Một ngày tôi không đọc sách thì soi gương thấy mặt mũi bẩn thỉu, tâm hồn lem luốc"... Lời nói trên đây của một nhà văn, cho ta thấy đọc sách là một nhu cầu tình thần cấp bách không kém gì ăn uống, yêu đương. Đời mà không có đàn bà, không có yêu đương thì đàn ông nổi loạn. Nhưng đời mà không có sách vở thì đàn ông tự vẫn hết! Đọc sách làm cho tâm hồn ta phong phú, vượt ra ngoài sự chi phối của không gian, của thời gian... Sách hơn người yêu ở chỗ sách không nhõng nhẽo, không ích kỷ, không phản trắc, và khi ta chán sách, ta vứt sách vào tủ, thì sách nằm im, không bù lu, bù loa, không mua dao "con chó" để xin ta "tí huyết" như các bà, các cô...


CHU TỬ - VŨ KÝ           
(Trích trong quyển YÊU - SỐNG) 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 22, ra ngày 9-1-1972)
 

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Giọng Hót Lạc Bầy

Thiên Thanh là một cô bé mười ba tuổi!

Sáng hôm nay Thiên Thanh thức dậy muộn, ánh nắng đã lên khá cao, chiếu vào phòng em những tia nắng vàng rực rỡ, không khí có vẻ im lặng và buồn lạ thường. Thiên Thanh ngồi dậy, em nhìn đồng hồ và hốt hoảng chợt nhớ hôm nay là buổi dượt nhạc cuối cùng. Nhảy phắt xuống giường, em than nhỏ:

- Mười giờ là dượt mà bây giờ đã chín rưỡi, chả biết có kịp không? Rầu quá!

Mở cửa bước ra phòng khách, Thiên Thanh thấy mẹ em quần áo chỉnh tề, mái tóc bới cao với nữ trang lấp lánh sáng, đang ngồi xem báo ở canapé. Em hỏi:

- Mẹ sửa soạn đi đâu vậy mẹ?

Khẽ ngửng đầu nhìn con, bà phán Thịnh cau mày:

- Mẹ đi họp, con hỏi làm gì?

Thiên Thanh ngập ngừng:

- Mẹ... sáng nay con dượt nhạc, mẹ đưa con đi nghe mẹ.

- Không được, sắp đến giờ mẹ đi rồi, bảo chú Tư đưa đi.

- Nhưng... con muốn mẹ cơ... mẹ...

Bà phán gắt:

- Đã bảo không mà, lầy nhầy mãi.

Thiên Thanh cúi đầu, chất cay trong mắt làm em chẳng thấy gì ngoài gương mặt cáu kỉnh của mẹ. Lẳng lặng rời phòng khách, Thiên Thanh đi rửa mặt rồi vào phòng ăn. Nơi đó, lẻ loi và cô độc, em ngồi ăn sáng một mình!

*

Cô Bạch Yến mỉm cười:

- Thiên Thanh khá lắm, cô hy vọng em nổi nhất trong buổi trình diễn ngày mai.

- Thiên Thanh rụt rè:

- Thưa cô... cho em hỏi, bản nhạc này của ai mà buồn quá vậy cô?

Cô Bạch Yến lại cười:

- Bài này của một em trong cô nhi viện Tịnh Tâm làm cho Mẹ Bề Trên, cô Phương Thu lấy về sửa đổi đôi chút rồi giao cho cô, em thấy nó buồn lắm à?

Thiên Thanh gật đầu:

- Vâng ạ, em muốn khóc mỗi khi đàn... chỉ tiếc là không có lời... nếu có...

- Em muốn hát?

Thiên Thanh ngước mắt nhìn cô Bạch Yến:

- Thưa cô, tự nhiên em thích bài này quá, vì không có lời nên em đặt thử để hát chơi trong những lúc dạo đàn.

- Được, em hát cho cô nghe thử đi.

Thiên Thanh đưa tay nhấn phím, những tiếng nhạc êm ái ngân dài, đôi mắt chợt mênh mang xa vắng, một nốt nhạc trầm xuống và em hé môi cất tiếng:

- "Ôi, chiều đã dần tàn, ngày cũng vội vàng qua lênh đênh. Trời đã mịt mùng, buồn bã lạnh lùng thân cô đơn. Em là cánh lá sầu trong chiều tàn, ủ ê buồn cõi mộng không vàng như yêu thương..."

Nước mắt nhỏ giọt trên phím đàn, Thiên Thanh buông tay nức nở, cô Bạch Yến nhìn em bồi hồi xúc động:

- Thiên Thanh, ngoan nào, ngửng lên nghe cô nói này, em đặt lời hay lắm, nhưng buồn quá, tại sao vậy?

Thiên Thanh gục vào vai cô Bạch Yến:

- Em khổ quá cô ơi, mẹ em không thương em!

- Nhảm nào, sao em dám quả quyết thế? Nhỡ mẹ em thương em mà không nói ra thì sao?

Thiên Thanh lắc đầu:

- Mẹ em chẳng bao giờ nghĩ tới em, mẹ chỉ nghĩ đến hội họp...

- Đấy, mẹ em cũng bận công việc mà, thế ba em đâu?

Đôi mắt Thiên Thanh tối sầm lại, em lẩm bẩm:

- Ba em bỏ đi khi em được mười tuổi... ba năm rồi em chỉ còn có mẹ mà mẹ lại hắt hủi em...

Cô Bạch Yến vuốt tóc em, cô dịu dàng:

- Như vậy em đừng nên trách mẹ, mẹ cũng thiệt thòi và có thể chưa khuây buồn nên sơ sót với em. Thiên Thanh, em không được buồn nữa, phải vui để lấy tinh thần cho ngày mai lên sân khấu chứ.

Mỉm cười, cô nói tiếp:

- Cô sẽ nói với cô Phương Thu cho em hát những lời em đặt cho bản nhạc hồi nãy, Thiên Thanh, em muốn đặt tên bài hát đó là gì?

- Thưa cô Thiên Thanh tươi tỉnh Cô Phương Thu đặt là Tiếng chim đêm... nhưng có lời thì em xin đổi lại...

- Sao? Tên gì?

- Thưa cô "Giọng hót lạc bầy"!

*

Thiên Thanh ngồi bó gối trước thềm, ngôi biệt thự tráng lệ với chiếc cổng sắt cao nghệu thật cách biệt với thế giới bên ngoài, vườn hao đủ màu sắc, ánh những tia chói lọi trong buổi chiều tà, đôi chim vành khuyên thi nhau hót trên cành mai lác đác nụ, càng làm tương phản với dáng cô đơn, bé bỏng của Thiên Thanh... Chợt nhìn thấy một mái tóc thập thò bên cánh cổng, em đứng dậy nhón gót nhìn rồi vui mừng la lên:

- A, Mai, Mai, Thanh đây nè!

Chạy bay xuống thềm, chân trần dận trên lối sỏi, Thiên Thanh ra mở cửa cho bạn, em ríu rít:

- Trời ơi mừng ghê, sao Mai biết nhà Thanh mà đến, vừa may, Thanh định đi vào nhà đó.

Thiên Thanh chợt ngừng bặt, em nhận thấy sau lưng Mai, còn có một cô bé trạc tuổi mình, e dè nhìn vào một cách sợ sệt. Chi Mai mau mắn:

- Cô Bạch Yến sai Mai tới, cả Tâm nữa, Tâm là tác giả bản nhạc ngày mai Thanh trình diễn đó, Tâm đến thăm cô Phương Thu, "cái" cô bắt Tâm ở lại luôn, cô nói hai đứa tới chơi với Thiên Thanh cho quen...

Quay lại phía sau, Chi Mai cười:

- Đây là Tâm, còn ở trong cổng kia là Thiên Thanh bạn thân của Mai đó, Thiên Thanh chơi đàn "cừ" lắm, hay nhất trường đó Tâm.

Thiên Thanh mỉm cười, cô bé có cảm tình ngay với Tâm, xua xua hai tay, em nói như reo:

- Hay lắm, vào nhà chơi với Thanh đi, nhà chẳng có ai hết à.

Chi Mai nắm tay Tâm bước vào, cô bé hỏi:

- Mẹ Thanh lại đi rồi hả?

Thiên Thanh gật đầu:

- Mẹ Thanh đi từ sáng lận, chắc tối mới về.

Chi Mai tắc lưỡi:

- Ở nhà một mình buồn chết.

Thiên Thanh cười:

- Đâu, có Vú Hai và chú Danh làm vườn nữa chứ.

Chi Mai nhìn bạn, khuôn mặt Thiên Thanh khi nói lên câu nói đó, trông buồn vô cùng. Chi Mai thương hại, đánh trống lảng:

- Trời! Khát chết được, Thanh có gì cho hai đứa Mai uống không?

Nỗi buồn chợt biến mất, Thiên Thanh lăng xăng mở tủ lạnh, cô bé cười dòn:

- Có ngay, Tâm với Mai uống gì, nước cam hay xá xị?

Chi Mai nhanh nhẩu:

- Cho Mai nước cam đi, Tâm cũng nước cam luôn nhé?

Tâm rụt rè:

- Thôi, Tâm uống nước lọc được rồi.

Thiên Thanh lắc đầu:

- Đừng khách sáo với Thanh nữa, Thanh rất thèm có bạn, Chi Mai biết rõ Thanh mà. Ta uống nước xong thì qua phòng của Thanh, Tâm đàn cho hai đứa Thanh nghe nhé.

Tâm cảm động nhìn Thiên Thanh, Chi Mai cũng mỉm cười, trong một  thoáng không khí trong phòng bỗng dưng ấm lại...

Thiên Thanh đưa hai cô bạn qua phòng mình, căn phòng nhỏ xinh xắn, đầy đủ các vật dụng, trong một góc phòng đặt một chiếc Piano mầu gỗ đã lên nước bóng ngời, Thiên Thanh khoa tay một vòng:

- Tất cả những thứ này là do mẹ Thanh sắm, còn cây đàn Piano thì của ba sắm cho Thanh.

Tâm nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế nệm, cô bé trầm trồ:

- Thanh sướng ghê, có đầy đủ cả, chứ mỗi lần Tâm muốn đàn lại phải xin Mẹ Bề Trên.

Thiên Thanh cười:

- Chắc Tâm giỏi lắm nhỉ. Tâm học đàn từ hồi nào mà đã sáng tác hay quá vậy?

- Soeur Dung nói Mẹ Bề Trên dạy Tâm từ hồi bốn tuổi, mười năm rồi. Với lại Tâm mới tập thôi à, đâu có hay...

Thiên Thanh giục:

- Thôi, Tâm đàn cho Thanh nghe đi, Thanh "nóng" lắm rồi.

Tâm mỉm cười, khuôn mặt trong sáng thoáng một chút mơ màng, em nhấn phím... từng tiếng nhạc vang rộn rã trong căn phòng ấm cúng. Chi Mai hát theo nho nhỏ:

- "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh..."

Hai bàn tay thoăn thoắt trên phím ngà, Tâm chợt đổi cung điệu và Thiên Thanh bàng hoàng nghe từng nốt nhạc của bài hát "Tiếng chim đêm" rót nhẹ vào hồn. Như cái máy, Thiên Thanh đến ngồi gần Tâm. Hai tay đặt nhẹ trên phím đàn, cả hai cô bé cùng song tấu... Chợt Thiên Thanh lên tiếng hát:

- "... Ôi ngày cũ miệt mài, hồn đã thở dài xin quên nguôi. Nào biết nghìn trùng, buồn bã lạnh lùng thêm cô đơn. Mang về em chút tình thương mẹ hiền, rũ bao buồn cõi mộng sẽ vàng như yêu thương..."

Nốt nhạc cuối cùng lắng xuống, lắng xuống trong không khí êm lặng của chiều tà... Tấm nắm hai tay Thiên Thanh, giọng nói ướt sũng:

- Cám ơn Thanh nhiều lắm, lời nhạc đã gieo vào lòng Tâm những kỷ niệm của ngày còn mẹ, Tâm sung sướng vô cùng, vì Tâm chỉ đặt được nhạc mà không đặt được lời.

Chi Mai cũng bước tới:

- Trời ơi, Mai không ngờ hai người song tấu hay quá chừng chừng, điệu này chắc Mai phải "méc" với cô Phương Thu quá!

Thiên Thanh sáng mắt:

- Phải đó, Mai đi ngay đi, còn Tâm ở lại dượt với Thanh nghe, mai hai đứa trình diễn luôn.

Tâm bối rối:

- Tâm... Tâm không có áo mặc trình diễn, với lại Tâm chưa xin phép Mẹ Bề Trên.

Thiên Thanh cười:

- Tưởng gì, áo Thanh thiếu gì, tha hồ lựa, còn xin phép thì Chi Mai phụ trách là xong!

*

Chỉ còn một tuần lễ nữa là Tết đến, căn phòng khách nhà Thiên Thanh đã chưng dọn thêm nhiều chậu cúc, thược dược, giữa phòng, một nhánh anh đào to lớn, chễm chệ đứng trong chiếc bình men trắng... Bà Phán Thịnh sửa soạn đi dự buổi hội thảo của Hội Chí Thiện, thoáng thấy bóng Thiên Thanh ngoài sân, bà lên tiếng gọi:

- Thiên Thanh, vào mẹ bảo:

- Thiên Thanh bước lên thềm:

- Thưa mẹ gọi con có việc gì ạ?

- Mẹ đi họp, ở nhà ăn cơm trước đừng đợi nghe không?

Thiên Thanh "dạ" nhỏ, em chợt hỏi mẹ:

- Mẹ, tối mẹ có rảnh không hở mẹ?

- Làm gì?

- Con đã mang thiệp mời về, tối nay con trình diễn trong buổi nhạc hội của trường... mẹ đi nghe mẹ.

Bà Phán ngập ngừng suy nghĩ:

- Để xem, mẹ sẽ cố gắng thu xếp, nhưng con đừng chờ, không chắc đâu nghe, thôi, mẹ đi đây.

Thiên Thanh bước ra cửa nhìn theo mẹ, khẽ thở dài chán nản, em nhẹ chân quay trở về phòng.

*

Tiếng cô Phương Thu vang vang trong lời giới thiệu:

- "... Sau đây là màn song tấu của hai em Thiên Thanh và Lệ Tâm, đặc biệt nhạc phẩm mang tên "Giọng hót lạc bầy" do chính hai em sáng tác và hòa âm. Đây Thiên Thanh, Lệ Tâm trong "Giọng hót lạc bầy"...

Hai bàn tay nắm chặt, Thiên Thanh và Lệ Tâm cúi đầu chào khán giả rồi ngồi xuống ghế. Từng tiếng nhạc thánh thót vang vang trong micro, lần đầu cả hai cùng song tấu, lần thứ hai, Thiên Thanh đứng dậy, em tiến ra sân khấu, vóc dáng cô đơn và nhỏ bé dưới ánh đèn mầu, Thiên Thanh nghĩ đến mẹ và trong niềm cảm xúc tột độ em hát lên từng tiếng lạc bầy:

- "... Trời đêm thân chim non bơ vơ về đâu, mẹ ơi xin thương con... dài lâu. Ôi ngày cũ miệt mài, hồn đã thở dài xin quên nguôi. Nào biết nghìn trùng buồn bã lạnh lùng thêm cô đơn... Mang về em chút tình yêu thương..."

Nước mắt Thiên Thanh long lanh dưới ánh đèn, nước mắt Lệ Tâm rơi trên phím nhạc, thấp thoáng dưới hàng ghế khán giả có người đưa khăn tay lên mắt...

Trong hàng ghế danh dự, bà Phán Thịnh ngây người nhìn con, có chua xót gì trong lời ca, tiếng nhạc kia?... Bà chợt nghĩ lại bổn phận của mình và bà âm thầm quyết định...

Tiếng vỗ tay nổi lên như phá vỡ rạp. Thiên Thanh và Lệ Tâm cúi đầu chào khán giả, lui vào hậu trường, cô Bạch Yến kêu Thiên Thanh:

- Thiên Thanh, có ai hỏi em kìa.

Nhìn về phía cửa hông hậu trường, Thiên Thanh sững sờ:

- Phải ba đấy không? Ba đã về với con phải không?

Em tiến đến, mắt nhìn sững người đàn ông trước mặt, ông ta lộ vẻ xúc động, đôi tay run run đưa ra:

- Thiên Thanh, con của ba!

Thiên Thanh òa khóc, em chạy ào vào tay ông Phán Thịnh. Xiết chặt con, giọng nói ông Phán bùi ngùi:

- Ba đã lầm lỗi với mẹ con con, Thiên Thanh, ba đã hối hận, mẹ đâu?

Giọng nói xa vời từ sau lưng đưa lại:

- Em đây, mình!

Trong một góc hậu trường, Chi Mai và Lệ Tâm khóc thút thít, cả hai mừng cho Thiên Thanh không nói được nên lời. Lệ Tâm thở dài:

- Rốt cuộc, chỉ có mình Tâm "lạc bầy". Tâm phải về ngay với Mẹ Bề Trên.

- Khoan đã Tâm Đứng trước mặt Tâm và Chi Mai, Thiên Thanh sung sướng trong vòng tay cha mẹ, em cười nói tiếp Chờ ba mẹ Thanh đi luôn.

- ...?

Ông Phán dịu dàng:

- Ba xin Mẹ Bề Trên cho con về ở với Thanh, làm con nuôi của ba mẹ, con bằng lòng không?

Thiên Thanh ngồi xuống cạnh Tâm:

- Rồi chúng ta sẽ cùng sáng tác những bản nhạc hợp bầy vui hơn nghe Tâm, chị Tâm!

Hai đôi mắt nhìn nhau, rưng rưng ngấn lệ, Tâm ôm chặt Thiên Thanh, em ngước mắt nhìn ông bà Phán Thịnh:

- Con cám ơn Ba Mẹ vô cùng!

*

Ngôi biệt thự được thay tên mới "Thanh Tâm", tiếng nhạc luôn luôn vọng ra, thánh thót, êm đềm, vui tươi nhí nhảnh, bà Phán Thịnh ở nhà lo săn sóc hai con, những đêm ngồi đan áo nói chuyện cùng chồng, nghe tiếng dương cầm, tiếng hát và giọng cười ríu rít của Thiên Thanh và Lệ Tâm, bà lại mỉm cười với ông Phán Thịnh:

- Thật là mùa Xuân hạnh phúc, cũng nhờ bài "Giọng Hót Lạc Bầy" nếu không, hai chúng ta sẽ lầm lỗi nặng trong bổn phận làm cha mẹ. Phải không mình?

... Và bao giờ ông Phán Thịnh cũng gật đầu lẩm bẩm:

- Đúng đó, "Giọng Hót Lạc Bầy"!

Bài hát trở nên một hạnh phúc trường cửu của gia đình Thiên Thanh!


NGUYÊN LY    
11-1972         

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 192, ra ngày 1-1-1973)
 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>