Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Tôi Làm Bánh


Không có gì khổ cho bằng có vài ông anh biết qua chút đỉnh về gia chánh. Các ông cứ chê món này dở, bảo món kia chẳng ngon làm đôi lúc mình ao ước sao nó không là em trai để mình tha hồ "trừng trị".

Cũng không có gì khó cho bằng có một lũ em mồm lúc nào cũng thích nhai bánh mà không biết làm một thứ.

Trong gia đình, tôi đứng một địa vị không lấy gì làm đặc biệt trong các anh chị em. Thoạt đầu là anh Hòa và anh Bình. Cặp song sinh này chẳng những giống nhau về hình dáng Mà còn hệt về tính tình nữa. Từ ngày gia nhập đoàn hướng đạo nên biết chút đỉnh về nội trợ như: ghế nồi cơm không khét, kho nồi cá không tanh là các anh bắt đầu khó dễ tôi đủ chuyện. Mỗi lần có món ăn nào một trong hai người chê thì nhất định không tránh khỏi lời chê bai của nhân vật thứ hai. Nào là:

- Con gái gì mà chặt đầu cá lóc không khéo, không gọn gì hết. Tui mà làm thì cô phải biết.

- Vâng, em biết anh giỏi nhất rồi. Làm cá thuê nổi tiếng ngoài chợ ấy mà. Hôm nào đi chợ em lại chả gặp. Khoe mãi.

Thấy tôi gài bí anh Hòa là anh Bình lên tiếng ủng hộ đồng minh một cách đắc lực:

- Như vậy người ta cũng có một nghề. Ai như cô, nữa về cho chúng "sỉ vả" ấy.

- Còn anh, rán học cho khéo đi nữa về làm mọi... Ở nhà chả chịu động móng tay mà lúc nào cũng đầy câu khen chê.

- Trời ơi, nói thế mà nghe được à? Hôm qua, đứa nào nạnh người ta rửa chén vậy?

- Đâu phải em nạnh, em tập cho anh đó.

Đại khái, hai anh và tôi thường có những trục trặc kỹ thuật như thế luôn. Tiếp sau tôi là một lũ lỏi tì xếp hàng lớn bé: thằng Thịnh, Vượng, nhỏ Thủy, Thúy và bé Mai. Eo ơi! Tôi không hiểu bọn chúng có phải là "sâu đường" hay không mà ăn ngọt dễ sợ luôn. Mồm lúc nào vắng bánh là có kẹo. Tôi cứ phải dọa mãi:

- Mấy đứa ăn ngọt nhiều quá sâu nó đục cả răng. Mai mốt thành nha sĩ chị nhổ hết hai hàm răng cho xem.

Thấy tôi "nhát con nít", anh Hòa (lại cũng anh Hòa) bênh chúng liền:

- Chả sợ các em ạ, Chị ấy yếu như cọng bún chỉ có việc sờ mấy cái răng còn có lý chớ nói chuyện nhổ có vẻ hơi hoang đường đấy.

Tôi nhăn mặt:

- Người ta như vầy mà còn chê. Chả lẽ con gái mà hì hục, rầm rầm như anh à?

- Thôi đi cọng bún, nội việc đánh ổ bánh mà còn không xong, cứ gọi anh ơi, anh hỡi đã biết sức mạnh vô địch của cô rồi.

Thấy anh tấn công tôi xiểng niểng, mấy đứa nhỏ lại "cuốn theo chiều gió":

- Em chả sợ, có chị làm nha sĩ không ăn kẹo uổng.

- Nha sĩ gì mà cũng sún răng như bọn em chớ có gì hơn đâu mà rầy rà hoài.

Bỗng, nhỏ Thủy chạy đến gần tôi, nắm tay ra chiều thân mật:

- Cho anh Thịnh theo phe anh Hòa đi, còn em theo chị Thanh. Trưa nay em biết chị Thanh dự định cho chúng mình một chầu bánh ngon tuyệt cú mèo nè.

Nhỏ Thủy, Vượng, Mai lại chạy qua luôn, đứa nắm tay, đứa kéo áo:

- Thật hở chị Thanh? Thế thì em bồ chị nhất.

Tôi còn đang ngơ ngác vì có định làm bánh, làm trái bao giờ đâu thì nhỏ Thủy bỏ nhỏ vào tai:

- Chị Thanh ừ đi, em lập mưu để kéo bọn họ về chị đó mà. Tài ghê chưa? Mưu Khổng Minh mờ.

Nghe con bé nói có vẻ bùi tai, tôi gật gù, long trọng tuyên bố:

- Đúng rồi, trưa nay chị đãi một loại bánh đặc biệt: bánh Công Chúa.

- Hoan hô chị Thanh.

- Nhất chị Thanh.

Cả bọn nhao nhao lên, mừng như mèo gặp mỡ. Quay sang nhỏ Thủy, tôi định cám ơn nó đã giúp cho tôi một phương pháp thu phục nhân tâm thì gặp ngay gương mặt hí hửng của nó đang nheo mắt cười với anh Hòa. Chết rồi! Vậy là tôi mắc mưu bọn họ rồi. Vừa định tặng cho nhỏ Thủy một "Độc thủ quyền" thì con bé đã chạy ra sân mang theo giọng cười ròn rã.

Quân tử nhất hí ngôn. Chả lẽ hứa với bọn chúng mà giờ lại làm lơ thì mất mặt anh hùng hết à? Tôi đành hy sinh giấc ngủ trưa quý báu xuống bếp lục đục dụng cụ đồ nghề. Chao ơi, lúc làm việc sao chẳng thấy anh em nào hiện xuống dùm cả. Đi gõ cửa từng phòng mà phòng nào, phòng nấy im thin thít như con nít sợ ông kẹ. Chán nản, tôi đành đơn thân độc mã xông pha ra chiến trường.

Mới được nhỏ Sương (cô bạn cùng lớp) chỉ sơ cách làm bánh Công Chúa. Chẳng có gì là khó. Đong bột, đong dường cẩn thận, tôi cho vào thau nhồi với hột gà. Sau đó lại thêm va ni vào cho "chết cả mũi" bọn họ mới được. Kỹ lưỡng, tôi chia bột ra hai phần, một phần để trắng, phần ít hơn cho củ dền vào để có màu hồng thật tươi. Nhìn thau bột hồng hồng, màu của trẻ trung xinh làm sao. Bằng đôi tay và con dao con, tôi sử dụng mọi khéo léo để nắn từng cái bánh. Một cái, hai cái, ba cái... và nhiều lần lần những đóa hoa công chúa, từng cánh nhỏ xòe ra uốn éo với ngụy đỏ hồng bên trong trông thật mát cả mắt. Chả bao lâu, thau bột cạn dần rồi sạch nhẵn. Tôi hân hoan thoa dầu vào khuôn rồi bắc lò lên nướng. Canh lửa trên, lửa dưới thật kỹ, tôi thở phào, nhẹ nhõm thầm tự khen mình hấp thụ nhanh vì nhỏ bạn chỉ tóm tắt sơ. Để xem kỳ này hai ông anh quí còn dám "bình liệng" gì nữa không. Con trai làm gì bì kịp con gái ở những điểm này các bạn nhỉ?

Chờ khoảng 20 phút, gió hiu hiu làm cơn buồn ngủ từ đâu, hai mi mắt tôi chỉ còn một epsilon nữa là khép kín. Từ đâu bay đến một mùi hương ngào ngạt tỏa rộng cả nhà mỗi lúc một thơm hơn. Nhiều tiếng chân rầm rầm chạy đến:

- Bánh chín.

- Bánh chín.

Tiếng reo hò ròn rã như tiếng quân thắng trận làm tôi "tỉnh giấc nam kha" ngay. May mắn làm sao, hai vỉ bánh thật vừa vàng. Màu vàng rực rỡ của cánh hoa trông thật hấp dẫn tuyến nước bọt. Thằng Thịnh chép miệng nuốt nước bọt:

- Ái chà chà, mới nhìn là em biết ngay bánh ngon rồi.

- Em cũng vậy nhỏ Thủy tiếp nhìn hình thức là em biết ngay nội dung.

- Hoa công chúa đã đẹp mà lại thơm ác nữa nhỏ Thúy nịnh một câu.

Anh Bình gật gật:

- Tạm được, tạm được. Nhưng nếu muốn biết ngon hay không phải thử sốt dẻo mới được chớ.

Nghe khen, tôi thỏa mãn đôi phần vì thấy việc mình bỏ ngủ trưa không phải là vô ích. Ít nhất cũng được đền bù như thế chứ. Tôi hãnh diện:

- Từ từ đã nào, làm gì mà gấp quá, bỏng cả miệng bây giờ.


Bánh chưa kịp nguội là anh Hòa, anh Bình rồi tiếp theo là lũ nhóc mỗi người thủ sẵn một khẩu phần. (dĩ nhiên trong đó có cả tôi) Nhìn mọi người hăm hở, lòng tôi vui sướng vô ngần. Nhưng:

- Á! - Từng tiếng rú lên thảm não.

- Ái da...

Tôi cũng khựng lại ngay cắn đầu tiên khi tiếng khóc bé Mai thét lên.

- Trời ơi, đá nướng Thúy kêu lên đau khổ.

- Bé Mai cắn vào môi chảy máu rồi.

Tôi hốt hoảng ẵm con bé đi rửa miệng rồi dỗ dành:

- Mai đừng khóc, chị cho Mai hai, ba cái bánh thiệt nhiều.

Con bé lắc đầu nguầy nguậy:

- Hỏng thèm, hu hu, bánh gì cứng ngắc làm em cắn trúng môi, đau quá hu hu...

Nghe dưới bếp đám giặc con nổi dậy hỗn loạn, mẹ đi xuống"

- Trưa làm gì mà rần rật vậy?

- Mẹ ơi, một tài nhân vừa xuất hiện biến đá xanh thành bánh báo hại chúng con mỗi người mẻ hai ba cái răng. Phần bé Mai chảy máu môi.

- Nha sĩ ác quá. Bộ sợ nữa ra trường không ai thèm cho nhổ răng hay sao mà nỡ đành ám hại bọn ta như thế? Thương thân ta, nạn nhân khờ khạo của nha sĩ nhà ta.

Nghe hai anh kêu, mẹ không hiểu ất giáp gì cả. Nhưng khi nhìn đến vỉ bánh, mẹ cầm lên một cái cắn thử. Mẹ lại nhăn mặt:

- Chết rồi, con hại hàm răng của bọn chúng rồi Thanh ơi.

Thấy tác giả đứng mếu máo như mèo bị cắt tai, thằng Thịnh lại trêu:

- Eo ơi! Lúc này trông mặt chị Thanh tươi như hoa... Công Chúa vậy đó.

Nhỏ Thủy trêu Thúy:

- Mà thơm ác nữa hở Thúy?

Anh Hòa bắc tay làm loa quảng cáo:

- A lô, a lô. Một lối nhổ răng mới, phát minh bởi nha sĩ Thanh, phương pháp tiện và lợi. Ai muốn nhổ một cái răng, ăn một cái bánh. A lô. A lô. Bảo đảm 100%, chẳng những rụng một răng còn rụng luôn hai, ba cái nữa. Đây là lấy rẻ, nhổ một cái, tặng hai ba cái. A lô. A lô...

Chờ cho mẹ bình định xong đám giặc, khi mọi người phân tán mỏng lên nhà trên, tôi bắt đầu thu dọn chiến trường. Kết quả thu được:

- Địch khóc lóc, nhăn nhó, mẻ răng.

- Bên ta vô sự trừ một số bị "cắn mẻ" đôi chút.

Nhìn lại "chiến lợi phẩm" của buổi trưa: hai mâm còn nguyên, tôi lắc đầu chán nản. "Biết thế này ngủ quách cho xong".

- Thôi đừng nản - lời mẹ dịu dàng - Con gái siêng năng như thế mẹ mừng. Nhưng sao con làm mà không hỏi mẹ chỉ cho? Lẽ ra Thanh phải đánh hột gà cho thật nổi nó sẽ không bị cứng mà lại mềm và xốp. Lần sau, có làm gì phải hỏi mẹ cho chắc chắn nhé.

Nhìn nụ cười của mẹ thật đẹp, tôi sảng khoái lại dần. Thôi, âu cũng là một bài học quý giá sau này:

"Làm việc gì phải suy nghĩ cẩn thận và có phương pháp chắc chắn mới không hư việc".


HỒNG QUÂN   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, ra ngày 15-12-1972)
 

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Mảnh Hồn Quê

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đã mấy mùa trăng xa cách quê 
Chiều nay háo hức bước tôi về 
Mây phía trời xa bay rất vội 
Hoàng hôn luênh loáng phủ triền đê 
 
Có cánh cò chao liệng mé đồng 
Một làn gió nhẹ thổi mênh mông 
Dáng ai tất tả băng bờ ruộng 
Chợ xa về vội, trẻ chờ mong 
 
Có ánh trăng quê trải xuống làng 
Một con đò nhỏ lướt sang ngang 
Dòng sông lấp loáng ngàn sao rụng 
Bồi hồi sóng vỗ … nhớ miên man! 
 
Tôi nhớ làm sao dáng mẹ hiền 
Lúc ngồi hong nắng ở bên hiên 
Nụ cười thấp thoáng sau làn tóc 
Đọng mãi trong hồn một nét duyên 
 
Tôi thấy thương hoài những nếp nhăn 
Trên vầng trán rộng gió mưa hằn 
Vượt mùa giáp hạt thương khoai lúa 
Cha cười sảng khoái giữa mùa trăng 
 
Tôi nhớ đường quê đến chợ phiên 
Chị tôi lúng liếng mắt trinh nguyên 
Đôi gò má đỏ mùa con gái 
Đình làng nay có hội trao duyên 
 
Tôi quên sao được bạn bè xưa 
Những trò nghịch ngợm thuở còn thơ 
Có cô gái nhỏ vì tôi, khóc
Lời bắt đền xưa … nhớ tới giờ 
 
Năm cùng tháng tận tôi trở về 
Gió bụi đường xa thôi mải mê 
Tắm ánh trăng ngà trên bến cũ 
Vẫn còn nguyên vẹn mảnh hồn quê !
 
                                             ĐẰNG LINH
 

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Ánh Sáng Lạnh

  

 
 
 
Ngay giữa thời đại nguyên tử, thứ ánh sáng lạnh này vẫn còn tạo nhiều rắc rối buồn cười: Cả một khu phố ở Hoa Kỳ bỗng rúng động khi một người đàn ông mở tủ lạnh và nhìn thấy một con cá rực sáng... Cá biển đã bị nhiễm phóng xạ!??
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gần như khắp mọi nơi trên địa cầu, những buổi tối trời mùa hạ luôn được thắp sáng bởi những chấm "đèn" xanh nhỏ bé. Lơ lửng gần mặt đất cũng có, tận ngọn cây cũng có. Đom đóm đấy!

Loại sinh vật phát quang này không khỏi kích thích óc tò mò của con người. Giả thuyết ban đầu cho rằng thân thể sinh vật có một ngọn lửa đang bùng cháy mà loài người đã thấy, xuyên qua lớp da. Cứ bắt một con đom đóm sờ thử, bạn sẽ thấy cái lầm của giả thuyết. Thay vì một thân mình đang cháy sáng và nóng bỏng, thì nhiệt độ của đom đóm lại chẳng khác chi những sinh vật khác.

Thứ ánh sáng đom đóm phát ra được gọi là LUMINESCENCE đôi khi gọi là ÁNH SÁNG LẠNH. Chỉ có một sự thay đổi nhiệt độ tí ti! Tuy chỉ là một chấm sáng, nhưng đôi khi phạm vi sử dụng lại rất rộng lớn. Chẳng hạn, bác sĩ đưa ánh sáng này lại gần nơi giải phẫu trên người bệnh nhân...

Ánh sáng lạnh không có hàng rào hạn chế, nghĩa là không phải chỉ ở đom đóm. Rau cải, khoáng chất, thú vật và ngay cả không khí cũng có thể phát quang. Thế nhưng chỉ đom đóm mới không che giấu ánh sáng đó.

Từ thời xưa, người ta đã đặt nghi vấn Phải chăng ánh sáng lạnh bị dập tắt cùng với cái chết của sinh vật phát quang? Giáo sư ngành khoa học, ông Thomas Bartholin tại đại học đường Copenhagen, vào thế kỷ 17, đã phát biểu bằng ngòi bút: "Tôi đã cố gắng tìm ta sự thực của thí nghiệm... nhưng (hỡi ôi!) trong khi chớ đợi kết quả, con đom đóm đã khôn khéo tẩu thoát, đem theo cả ánh sáng lạnh!"

Nhiều thí nghiệm khác, thành công, chứng tỏ rằng ánh sáng lạnh phát bởi loài đom đóm xuất phát từ một chất trắng hơi vàng liên tục thắp sáng trong một thời gian ngắn "sau khi nó rời khỏi thân thể sinh vật". Họ cũng khám phá ra rằng nếu không có sự hiện diện của oxigen, ánh sáng lạnh không xuất hiện.

Khi ánh sáng lạnh, hầu như xanh, của đom đóm xuyên qua một lặng kính, người ta còn thấy những tia xanh và một ít tia vàng ; nhưng nhiệt lượng thì chẳng thấy tỏa. Không có hơi nóng phát ra.

Có khoảng 2000 loại đom đóm. Ở một số loại, cả con đực và con cái đều có thể bay và phát quang. Một số khác, chỉ con cái mới phát quang. Một số khác nữa, chỉ con đực biết bay. Lạ nhỉ! Ở một vài nơi trên thế giới, Thái Lan chẳng hạn, từng "tốp" đom đóm đồng loạt "bật, tắt đèn" như một bảng quảng cáo!

Cũng còn một số sinh vật khác, ngoài đom đóm, phát quang. Ở Nam Mỹ Châu có con trùng XE LỬA, màu mè sặc sỡ. Con cái dài khoảng 5 cm, trông giống như một con sâu. Đỉnh đầu được thắp sáng bằng một ngọn đèn đỏ, trong khi hai bên mình có trang bị đèn vàng. Đêm đến, con vật trông chẳng khác gì một chiếc xe lửa tí hon.

Đom đóm cũng xuất hiện trong những mẩu chuyện lạ có thực. Trong những trường hợp lạ kỳ đó, các khoa học gia phải quan sát kỹ lưỡng để tìm câu giải đáp.

Ở Anh quốc, năm 1888, những dấu chân ngựa trên đường rực sáng. Nghe có vẻ "phịa" quá, nhưng sự thực vẫn là sự thực, những sinh vật phát quang bò lổ ngổn dưới đất và móng ngựa đã xới tung mặt đất lên!

Lạ hơn nữa là trường hợp mặt đại dương bừng sáng. Vào một đêm biển lặng, trời nóng, thường là trước cơn mưa, những làn sóng nhỏ nhấp nhô bỗng "mang" đèn xanh nước biển, đèn xanh lá cây hoặc đèn vàng. Một người thủy thủ già bảo đấy là "những vì sao rụng". Có người lại ví nó như "những hạt kim cương quí giá sáng ngời".

Đã có rất nhiều giả thuyết giải thích hiện tượng này. René Descartes cho rằng những hạt muối nhỏ tách khỏi nước biển mặn và khi cọ xát vào nhau, đã bắn ra những hạt nhỏ li ti và sáng quắc. Đi xa hơn nữa, René Descartes bảo rằng hiện tượng cũng xảy ra khi đá chạm vào sắt hay thép. Từ đó, ông ta chống đối mọi người đã không dùng nước muối để tạo ra lửa! (bởi biển sáng là cháy rồi!). Giả thuyết này dĩ nhiên hoàn toàn sai!

Khoa học gia Benjamin Franklin, con người rất tò mò về điện lực, và là người phát minh ra cột thu lôi, cũng đưa ra một giả thuyết về hiện tượng biển sáng liên quan đến điện lực. Sau này, chính ông xác nhận lại giả thuyết với kết luận sai khi bạn ông, James Boudin, đặt bút viết về vấn đề tách rời ánh sáng lạnh ra khỏi nước biển bằng cách cho nước biển đi qua một làn vải.

Qua những ống kính hiển vi hữu hiệu, sự thật đã phơi bày. Đại dương đầy d6ãy những sinh, thực vật phát quang thật bé nhỏ. Chỉ một số nhỏ được nhìn thấy bởi mắt trần. Những người thợ lặn xuống sâu dưới đáy biển đã trở lên mặt cát với những mẩu chuyện về các sinh vật "xách đèn đi chơi" dưới đáy đại dương. Một số quá nhỏ đến nỗi khi chúng tụ tập đông lại thì con người mới hy vọng diện kiến. Đấy là phiêu sinh vật, một ngày mai có thể trở thành một nguồn thực phẩm bất tận của thế giới.

Chưa hết, người ta còn tìm thấy sự phát quang ở phiêu thực vật và các vi khuẩn. Vi khuẩn, chính vì vậy đã trở thành đầu dây mối nhợ trong vụ thịt trừu phát quang ở Montpellier. Nguyên hồi đầu thế kỷ 17, tại thành phố cổ kính Pháp quốc Montpellier, có một bà nghèo khổ mua được một miếng thịt trừu, bèn treo lên trần nhà. Nửa đêm, bà ta thức giấc, trông thấy miếng thịt "yêu quí" đang chiếu sáng, một thứ ánh sáng lạ lùng, kỳ cục. Mẩu chuyện dường như chiêm bao đối với chính những viên chức tai to mặt lớn trong thành phố. Họ diện đồ lớn cẩn thận rồi trịnh trọng rảo bước tới căn nhà. Tới nơi, mấy ông "tai to mặt lớn" đứng trân ra nhìn, chẳng biết làm gì. Thịt hư, vi khuẩn phát quang xuất hiện, thì làm gì chẳng "lòe" sáng. Sự kiện này đã được giải thích cặn kẽ khi miếng thịt trừu được đem đệ trình lên ngài Thị trưởng nơi ấy. 

Mới đây, một văn phòng chính phủ Hoa kỳ nhận được một cú điện thoại khẩn. Một người đàn ông khi lôi thức ăn ra để sửa soạn cho bữa tối thì khám phá một con cá đang chiếu sáng trong tủ lạnh. Ông quả quyết con cá đã nhiễm phóng xạ, trước đó, và giờ đây không "xài" được. Nỗi lo sợ tràn ngập, tiếp theo bằng những cuộc bàn luận sôi nổi ngoài đường phố về tai họa đại dương nhiễm phóng xạ. Nhiều người run cầm cập (... đến đổ mồ hôi hột!) khi nghe bàn tán. Một số gạt bỏ ngoài tai vì cho đó chẳng có gì đáng sợ. Trong khi đó, "chủ nhân" con cá có cảm tưởng như mạng sống đang bị đe dọa. Sau khi khám nghiệm, sự thật phơi bày: ánh sáng tạo ra bởi vi khuẩn và lập tức, con cá được cho vô thùng rác!

Ngày nay, một đôi khi có người trông thấy cá, thịt sáng ngời trong tủ lạnh hay bày bán ngoài chợ. Những cuộc khám xét kỹ càng trước đó tránh cho chúng ta mua phải thực phẩm hư. Tuy nhiên, đối với những kẻ tò mò như ta điều này lại khiến ta cụt hứng. Dầu sao, ta cũng diện kiến được ánh sáng lạnh LUMINESCENCE, nơi phiêu thực vật phát quang vẫn thường xuất hiện ở những đẵn gỗ mục nát.


ÁNH MINH     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>