Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Tuổi Hoa Lai Rai

 

 
 ÔNG BA MƯƠI?

Mười hai con giáp, oai nhất, và được mọi loài nể mặt nhất, là Ông Ba Mươi, tức Ông Cọp, tượng trưng cho năm Dần. Người miền núi mỗi khi phải nói đến ông đều dòm trước ngó sau, không dám kêu đích danh mà được gọi bằng một tiếng Ông kiêng nể. Y như người miền xuôi tránh húy của Vua. Ông cũng là Vua - Vua núi, như người Tàu vẫn gọi đấy thôi? Tuy không ngai nhưng quả ông có chủ quyền, thực quyền đàng hoàng. Vào giang sơn đất địa của ông - tức rừng sâu - chỉ cần nom thấy một bãi "đồ phế thải" của ông, là loài người đã... xanh mặt, lảng vội đi chỗ khác chơi ngay. Bà con thử gẫm mà coi có ông "dua" nào oai phong bằng Ổng chưa. Ông lại còn vô địch về danh xưng, ít nhất là trong đám 11 con giáp đồng môn với ông.

Nào là Cọp, Khái, Hổ, Hùm, ông Kễnh, Sơn Quân (Vua núi), Ông Thầy (chỉ những ông đã nhuốm mùi thiền tức cọp tu), Chúa Sơn Lâm, và Ông Ba Mươi... Chắc còn nữa nhưng em nhớ không hết đấy thôi. Tên nào cũng được kèm một tiếng ông rất đáng nể, đáng... kính!

Nhưng từ đâu có tên Ông Ba Mươi?

Các nước Á Châu không có Sư Tử. Riêng Việt Nam, miệt Hà Đông (Bắc Phần) em nghe phong thanh rằng... có... Sư Tử, nhưng chưa được thấy bao giờ! Không có Sư Tử, Cọp đương nhiên là Chúa Sơn Lâm. Riêng tên Ông Ba Mươi bắt nguồn từ một dân tộc thiểu số miệt Cao Bằng (Thượng du Bắc Việt). Miệt này núi non hiểm trở, là giang sơn của loài Cọp. Sống trong rừng lâu ngày, các ông sinh thèm món lạ, lẻn về các buôn làng của người Thổ, vồ trâu, bò, ngựa, heo... ăn thịt. Có khi bắt cả người nữa. Thấy các ông lộng quá, các quan làng địa phương phải treo giải 30 quan tiền cho ai giết được mỗi con cọp. Từ đó người Thổ quen gọi Ông Ba Mươi - 30 quan - thay cho tiếng Cọp để khỏi đụng "húy" của ông. Lâu dần thành thông dụng, nhất là ở các miền núi, cho đến ngày nay.


CỦI ĐẬU
NẤU ĐẬU. 
 
Không phải em nói chuyện thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm xăng dầu. Chuyện đó đã nhàm, hơn nữa nói vào dịp tết nhất này bà con sẽ sinh táo bón mất cả cái vui của ba ngày Xuân. Em muốn nhắc lại chuyện củi đậu nấu đậu khá cảm động của anh em Nhà Tây Sơn, nhân kỷ niệm trận Đống Đa của Vua Quang Trung vào ngày 5 tháng Giêng sắp đến, cơ.

Nguyên lúc đó Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ vừa đại thắng ở Bác, uy thế rất mạnh. Nguyễn Nhạc đang đóng đô ở Qui Nhơn lo sợ em có nhiều uy thế sau sẽ lấn lướt mình, bèn tìm cách gọi Nguyễn Huệ về và buộc Huệ nhìn nhận mình là Hoàng Đế. Đồng thời Nguyễn Nhạc tìm cớ sát hại nhiều quan văn võ có tài chỉ vì nghi họ có tình ý gì với Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ hiểu rõ âm mưu của anh, liền cùng em kế là Nguyễn Lữ kéo quân về vây đánh Qui Nhơn (Năm Đinh Mùi, 1786). Nhạc yếu thế vội vàng trích huyết viết... tâm thư sai người mang ra cho Huệ, trong đó có câu củi đậu nấu đậu lòng em há đành? Khêu gợi tình anh em ruột thịt để xin Huệ nới tay. Nguyễn Huệ cảm động cho lui quân rồi vào thành nghị hòa cùng anh. Sau vụ này, ba anh em chia nhau ba cõi, Nguyễn Huệ ở Bắc, Nguyễn Nhạc ở Trung và Nguyễn Lữ trong Nam.

Theo Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Củi đậu nấu đậu là một điển tích trích từ sử Trung Hoa, do một truyện tranh chấp tương tự giữa anh em Tào Phi và Tào Thực, con của Tào Tháo. Tào Phi soán ngôi Hán tự xưng là Ngụy vương nhưng còn ngại em là Tào Thực, văn tài tót chủng, sau có thể tranh ngôi với mình nên sai tướng bắt về giết. Thực khóc lóc xin tha. Phi buộc đi bảy bước phải làm xong một bài thơ theo đề Anh em. Thực ứng khẩu làm xong bài thơ trong bảy bước:

Nấu đậu bằng củi đậu,
Đậu ở trong nồi khóc,
Rằng trong một gốc sanh,
Đốt nhau chi quá gấp.

Phi cảm động ôm em khóc ròng.

Th.       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Giáp Dần, 1974)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>