Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Năm Hổ Tìm Hiểu Loài Hổ

 

Xưa nay nhiều người thường cho rằng sư tử là con vật oai hùng, dũng mãnh nhất trong đám thú rừng, nhưng theo một số tay săn bắn chuyên nghiệp và các nhà động vật học thì điều đó chưa hẳn đúng như vậy đâu. Tục ngữ Việt Nam có câu: "Anh hùng nào, giang sơn nấy" thật chí lý. Nếu sư tử sống đông đảo và giữ độc quyền ngôi bá chủ trong bao cánh rừng già bên Phi Châu thì ở nơi khác, chúng tụt xuống hàng thứ yếu sau hổ. Thật thế, hầu như hổ chỉ xuất hiện nhiều vô số kể tại các nước Á Châu mà thôi nhất là Ấn Độ, Hồi Quốc, Đông Dương, Mã Lai Á, Jara, Sumatra, Trung Hoa, Mãn Châu, Nhật Bản cùng miền nam Tây Bá Lợi Á. Tại khu vực rộng lớn này, hổ tỏ ra rất xứng đáng danh hiệu Chúa tể sơn lâm vì vẻ uy nghi, đường bệ và sức mạnh vô địch của chúng.

 HÌNH DÁNG LOÀI HỔ

Tuy cũng được xếp vào loại có liên quan mật thiết với loài mèo và mang tên khoa học là Felidae (Phê-li-đê), hổ khác hẳn chồn, beo gấm, báo, sư tử v.v... ở chỗ hình dáng, bộ điệu của nó rất giống mèo ngoại trừ màu sắc, tầm vóc, thức ăn và địa điểm sinh sống.

Nhỉnh hơn hổ cái một chút, hổ đực thường nặng khoảng hai trăm ba chục ký lô, cao ngót hai thước tính từ đất tới vai, dài quãng bốn thước rưỡi kể luôn cả chiếc đuôi cỡ trên một thước. Đầu loài hổ nhỏ, tròn tròn hơi dẹp, mõm ngắn chứa hai hàm răng sắc bén mà phía trên là chiếc mũi tẹt thế mà chúng đánh hơi rất tài. Đã vậy mắt hổ không lớn lắm nhưng tinh ra phết, nhất là về đêm thì khỏi chê. Con mồi nào lọt vào "mắt xanh" của hổ chắc chắn đừng hòng thoát. Hơn nữa, hai tai hổ tuy bé, nhọn thường dựng đứng hoặc đưa đẩy ngang dọc theo dõi tiếng động khả nghi cách xa cả hàng trăm thước chứ không ít. Ở những con già, má hổ còn thêm chúm lông rậm, tuy không dài như sư tử nhưng cũng đủ "hách" như ai, vì chùm lông đó làm nổi bật hai hàng râu mép dài và cứng ngắc chõe sang hai bên. Người ta đồn rằng đồng bào Thượng dùng râu hổ để chế một chất độc dành tẩm vào tên để săn bắn, vì thế ngay sau khi hạ được một chú hổ, các tay thiện xạ phải đốt ngay râu hổ hầu tránh những chuyện không hay, chả hiểu có đúng như vậy không.

Toàn thân hổ bao phủ lớp lông mao như chó, mèo nhưng màu sắc thay đổi chút ít tùy từng địa phương - Thường thường hổ mang màu vàng nghệ pha pha nâu , nhưng những con đồng loại Bengale (Ấn Độ) có màu vàng đỏ sáng hay ở Mãn Châu và Nga Á lại là màu vàng đậm hơi nâu nâu và bộ lông thật rậm, dài vì vùng này khí hậu lạnh kinh khủng. Người ta ít gặp loại hổ trắng nguyên hay đen tuyền. Hình như màu sắc khá đặc biệt đó đã khiến chúng bị tiêu diệt gần tuyệt chủng.

ĐỜI SỐNG LOÀI HỔ

Hổ thường sống cô độc và già lắm thì cũng chỉ tới ba chục năm là cùng. Mỗi con đều chiếm cứ một khu vực làm giang sơn riêng của mình. Khu vực đó có thể rộng tới cả trăm dặm vuông tùy theo số lượng con mồi nhiều hay ít. Giống hệt loài chó, để đanh dấu đường đi cùng ranh giới, hổ tiểu tiện và tiết ra một chất dầu bao quanh khu vực. Chất dầu đó chứa trong một hạch phía dưới đuôi ra và đặc biệt là mỗi con đều có một mùi vị riêng. Vì thế hễ nhận thấy khác lạ nghĩa là không phải dấu vết của mình, hổ phải tránh xa ngay kẻo gặp rắc rối to, vì hổ đực chỉ chấp thuận cho một hay vài hổ cái tới sinh sống với mình mà thôi. Tuy cùng chung sống nhưng ai nấy tự do kiếm ăn lấy. Chỉ khi nào hổ cái có mang thì hổ đực mới chịu chu tất bổn phận làm chồng như bảo vệ, kiếm mồi về cùng ăn hoặc giúp vợ nuôi con.

Hổ cái đã có thể mang thai khi nào vừa chẵn ba hay bốn tuổi. Thời gian thai nghén chừng chín mươi tám tới một trăm mười ngày để rồi hổ cái cho ra đời năm sáu chú hổ con (thường thì chỉ hai ba con là cùng). Lọt lòng mẹ, hổ con nặng tới mười bốn kílô. Chúng được cha mẹ chăm lo săn sóc cẩn thận, tuy vậy số tử cũng khá nhiều. Tới một tuổi, hổ con vẫn chưa đủ sức kiếm ăn được nên cha mẹ chúng phải dậy bằng cách tha về một con mồi còn sống để hướng dẫn đàn con cách rình, nhẩy bổ, táp và tha mồi về tổ. Trong lúc huấn luyện, hổ mẹ rất nghiêm khắc vì thế chỉ chừng hai tuổi, hổ con đã thừa sức và mánh khóe để có thể từ bỏ cha mẹ tới sinh sống ở nơi khác.

Người ta vẫn chưa hiểu tại sao hổ sinh sống nhiều ở Á châu, và có thể thích hợp với đủ thứ khí hậu từ miền nóng bức Ấn Độ cho tới vùng tuyết trắng mênh mông Tây Bá Lợi Á. Khác với sư tử là có thể sống ở đồng trống, loài hổ chuyên hoạt động trong những rừng cây rậm rạp đầy bóng mát hoặc đồng cỏ tranh cao quá đầu người với đầm lầy, chuôm ao, bờ sông, khe suối.

HỔ BẮT MỒI NHƯ THẾ NÀO?

Đêm đến mới là thời gian hổ sục sạo đi kiếm ăn vì giống hệt loài mèo, mắt hổ nhìn thật rõ trong bóng tối dầy đặc. Chúng thường lang thang  dọc theo đường mòn nơi các thú vật khác vẫn qua lại, hoặc lội xuống suối hay bơi trong giòng nước để bắt nào rùa, ba ba, cá v.v... vì hổ là tay bơi lội thật cừ. Nhưng hổ thích săn các con mồi lớn như linh dương, lợn lòi, trâu, bò rừng, ngựa vằn, hươu, nai và đôi khi nó dám tấn công cả voi con là loại mồi thường xuyên. Ngoài ra, hổ leo trèo lên cây bắt vượn, khỉ, chim công, sóc v.v... ăn đỡ những lúc chưa tìm được thú vật thích khẩu. Nếu con mồi ở trên cao từ chín thước trở xuống cũng không thoát nạn vì gặp lúc đói quá, hổ nhún mình nhẩy một cái là tóm được ngay. Sở dĩ hổ có nhiều cách kiếm ăn như vậy là vì các bắp thịt ở cổ, bả vai, đùi và đuôi nó rất mạnh.

Rình rập trong các bụi rậm hay nắm ép sát thân xuống thế đất cao, hổ kiên nhẫn chờ dịp nhẩy bổ lên con mồi. Với móng vuốt sắc bén, hổ chỉ tát một cái là đủ làm nát ngướu đầu một chú ngựa rằn lớn hoặc dư sức ngoạm chặt một anh trâu rừng nặng bằng nó rồi tha đi xa bốn năm trăm thước dễ như chơi.

Đến địa điểm ưng ý, hổ dừng lại dùng chân và răng xé xác con mồi để ăn. Nó thường chừa lại bao tử và xương địch thủ. Phải chăng hổ sợ thức ăn của một số con mồi chưa kịp tiêu hóa sẽ gây trở ngại cho bụng nó chăng? Trung bình, mỗi đêm hổ có thể "sực" hết năm chục cân (1) thịt mà vẫn chưa đã. Sau bữa ăn, hổ uống nước rất nhiều trước khi đi nghỉ.

Nhược điểm của loài hổ là tuy khỏe nhưng kém dai sức. Khi rượt theo con mồi mà vì một lý do nào bị hụt chẳng hạn, hổ thường bỏ luôn không quay trở lại hay bám sát nữa, vì thế đôi khi hổ bị đói vì gặp phải loài thú quá tinh khôn khiến hổ vất vả mất công toi.

HỔ CÓ ĂN THỊT NGƯỜI KHÔNG?

Nhìn bề ngoài thì hổ dữ tợn thật, nhất là những ai đã từng nghe những câu chuyện rùng rợn hổ ăn thịt người, chắc chắn đều phải khiếp sợ con vật này. Thực ra, theo Alfred C. Hottes, thì cứ một ngàn con hổ mới thấy nhiều lắm là ba bốn con đã quen với mùi thịt người, còn ngoài ra hết thẩy đều nhút nhát. Gặp chúng ta, hổ thường lẩn tránh hay không phản ứng gì trừ trường hợp bị dồn vào thế bí hổ mới tính chuyện thoát thân bằng cách tấn công mở đường máu chạy trốn. Do đó hễ thấy hổ xông tới, ai nấy đều ngỡ rằng sắp bị nó vồ nên dùng vũ khí chống cự. Đau đớn vì thương tích trên thân mình, hổ trở nên điên cuồng, thành thử bất cứ người nào chậm chạp đều là mục tiêu cho nó giết chết hầu dễ dàng đào tẩu chứ chưa hẳn là để ăn thịt.

Tuy nhiên những con hổ già, ốm yếu, lạc lõng không từ chối bất cứ động vật nào bắt gặp kể cả người. Những lúc đói quá, chúng dám lần mò về các làng mạc men rừng để bắt gia súc như trâu, bò, lợn, chó, gà v.v... Theo bảng thống kê thì mỗi năm tại Ấn Độ, số gia súc bị hổ sơi vào khoảng ba mươi hai ngàn con và một ngàn người trong  bụng hổ.

Ngược lại, nếu có những con hổ ưa phá phách, hung dữ, chuyên sát hại thì cũng có những con được coi rất linh thiêng đến nỗi người ta xây miếu, lập đền thờ cúng kiến hàng năm và gọi tôn bằng ông với nhiều tên chẳng hạn Ông Hổ, ông Cọp, ông Vằn, ông Kễnh (2), ông Ba Mươi (3) hoặc Sơn quân (4) vì một số hành động nghĩa hiệp của chúng đối với dân gian được truyền tụng.


ĐẶNG HOÀNG      
________________ 
(1) Một cân Anh nặng 453 grammes 60.
 
(2) Ông Kễnh là danh từ chỉ con hổ què.
 
(3) Ông Ba Mươi: Tục lệ xưa kia hễ ai bắt sống được hổ thì được thưởng ba mươi quan tiền.
 
(4) Sơn quân là danh từ tôn hổ làm vua núi rừng.

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Giáp Dần, 1974)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>