Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Sông và Thơ



        Sông này nước chảy về thơ
Người con gái nhỏ đôi bờ mắt xa
Ra đi bỏ lại chiều tà
Buồn lên mắt đó nhớ là nhớ sông

Bây giờ còn lại gì không
Ngày xưa và những mùa đông đứng chờ
Cánh buồm chiều cũng bơ vơ
Sông ơi sông hỡi bến bờ đợi sông

Giã từ chi để nhớ mong
Giận con thuyền nhỏ đi không thấy về
Bây giờ mấy dặm sơn khê
Ơi sông – hồn đã tràn trề lệ châu

                          THÁI THỤY NGỌC LIỄN
                                Đà Nẵng 1970

(Tuổi Hoa số 128, ra ngày 1-5-1970)

Bìa của Vi Vi : Tân toán học

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Lá Xanh và Cơn Lốc


Buổi trưa ở Saigon trời nóng như đổ lửa. Em vừa phe phẩy chiếc quạt vừa gượng gạo “nuốt” cho trôi mớ bài vở ngổn ngang. Lúc này, không hiểu sao đầu óc em tăm tối lạ! Học đến gầy cả người, phờ cả mặt mũi. Thế mà chữ nghĩa hình như chỉ “ngự” vào một thoáng rồi lại tan loãng ra.

“Ngày thi đến một bên rồi!” Em nghe nhói ở ngực. Cứ nghĩ đến chuyện trên là em lại có cái cảm giác ấy. Bác sĩ bảo em yếu tim. Mẹ trào nước mắt lo cho em trong lần đưa em đi khám bệnh. Em thì trái lại, em không thấy lo lắng, chỉ thương mẹ thôi. Mẹ em gầy như liễu! Bố bảo em giống mẹ nên gầy. Riêng em, em thấy em không bằng một phần nhỏ của mẹ. Mẹ có cả một gia đình để phải chăm sóc; một đàn con để thương lo. Hơn nửa cuộc đời, mẹ trải ra để sống cho những đứa con của mẹ, hết con lớn rồi đến con bé. Mỗi đứa là một bận tâm hút đi một ít sinh lực, mẹ gầy đi là phải. Còn em? Em không có gì để so sánh được với mẹ. Em yếu đuối, suy nhược chỉ làm lo lắng của mẹ đầy thêm. Đôi lúc, em oán trách những cơn bệnh quái ác đã dằn vặt thân em, làm khổ mẹ! Em cầu trời, cho em một cuộc sống lành mạnh dù phải thu ngắn khoảng thời gian em có mặt trên đời.

Tiếng hát Khánh Ly với một tác phẩm của TCS dìu dặt vọng vào bỗng dưng làm em nghe bực dọc. Em vén rèm nhìn qua phòng cu Minh:

- Tắt đi! Minh. Ta đang học.

Cu Minh nhìn em một thoáng rồi im lặng bấm nút chiếc cassette đặt trên đầu giường. Dạo này hình như cậu bé đổi tính, “người lớn” ra! Ngoài giờ đi học, cậu bé chỉ quanh quẩn ở nhả, học bài, nghe nhạc. Em không còn phải khổ tai nghe những câu hát của những bài ca cộng đồng đập chát chúa, không còn phải mất công stop cái radio mồm và phải nghe cậu bé thuyết:

- Chị Thư không biết đấy chứ! Minh hát thế là đem lại “nguồn sống mới” cho gia đình v.v…

Nhưng… hình như không chỉ có cu Minh đổi tính. Cả gia đình này, bố mẹ, em, cu Minh, bé Ly, đến hai con TôTô, Mimi cũng đều như đang thở chung một bầu không khí ngột ngạt, âm thầm. Em có hai anh, một chị lớn đã lập gia đình và ra ở riêng. Hai anh thì đang phục vụ trong Quân đội, đơn vị ở miền Tây. Riêng anh Huỳnh, anh kế em chỉ mới rời quân trường vào cuối năm trước và hiện đóng tại Quảng Trị. Nỗi lo lắng của gia đình em là đây!

Thời gian xưa, mỗi buổi họp mặt gia đình, tên các anh của em được mọi người nhắc đến trong sự nhớ thương vì xa cách. Bố nói đến các anh với những kỷ niệm ngày còn bé và bố cười. Mẹ gọi những sở thích của từng đứa con trai rồi rơm rớm nước mắt. Riêng em, cu Minh, bé Ly, chúng em nhắc đến các anh bằng tất cả trìu mến thương yêu. Bây giờ cả nhà em không hẹn mà hình như ai cũng cố tránh nói lên những điều đó. Cuộc chiến bùng nổ với sự khốc liệt, thê thảm hơn bao giờ. Bố đi làm về là chăm chú vào TiVi, vào trang báo để đọc nghe tin chiến sự. Mẹ hằng đêm quì trước tượng đức Quan Âm lâu hơn, lời cầu nguyện khẩn thiết hơn! Chúng em chúi đầu vào những trang sách học, ít ngồi với nhau để chia sớt những lo âu nặng trĩu. Như thể nói sẽ là một “điềm gở” trong lúc này.

Ngày mới lớn, em đã tự nguyện sẽ không bao giờ nhắc đến hai tiếng “chiến tranh”. Sinh ra trên bên này giải đất bị ngăn đôi, em chấp nhận cuộc chiến dai dẳng như một sự kiện hiển nhiên và mình cần sống để phát triển trong đó hơn là than vãn. Thế nhưng, hiện tại chiến tranh đang đến gần em! Em như sờ được vào cái thực thể tàn khốc ấy khi tham dự những buổi cứu trợ đồng bào chiến nạn, nhìn những xe tang mà quan tài người chết được phủ lên lá Quốc Kỳ, hay ngó những tấm thân tàn phế trong quân y viện khi đến đó ủy lạo thương binh. Tất cả! Tất cả như doanh vây, như dồn ép lấy em trong nỗi suy tư mọc rễ đâm chồi tự tim óc. Nhưng ngoài nỗi băn khoăn, lo sợ tiêu cực, em làm gì được cho cuộc chiến, cho đồng bào em, cho các anh em trong lúc này?!

Em lại nghe nhói ở ngực. Buổi trưa căn nhà em im vắng một cách dị lạ. Bố đi làm, mẹ nghỉ trong phòng bé Ly. Bỗng dưng, em muốn thoát ra ngoài một lúc. Em thay nhanh quần áo, gọi cu Minh nhờ xin phép mẹ là em đến nhà Đan. Cậu bé nhìn em ngập ngừng:

- Chị đi lâu không?

Em nhướng mắt dò hỏi. Minh tiếp:

- Nếu chị đi lâu thì Minh đưa chị đi, xong chị cho Minh mượn xe.

Em im lặng ném chìa khóa xe cho Minh. Cậu bé bắt lấy, toan đến dắt xe ra. Em khoát tay:

- Thôi, ta đi bộ. Minh ở nhà chờ mẹ dậy đã.

Cu Minh gật đầu rồi lảng về phòng.

Em rời ngôi nhà im vắng và đi dưới hai hàng cây cao. Nhà nhỏ Đan ở cuối con phố này, trong một ngõ hẻm quanh co của khu xóm lao động. Đan đón em bằng hai bàn tay đầy bột trắng, nghịch ngợm đập vào vai làm cánh áo hồng của em như có tuyết vương. Em vờ giận dỗi. Đan cười khanh khách dẫn em vào nhà, lấy khăn phủi sạch những vệt bột nõn. Em nhìn hắn:

- Đan làm chi vậy?

Đan nheo mắt:

- Bánh, mi giúp ta đi!

Em vui vui nhìn những khuôn bánh, những gói bột, đường bày ra la liệt. Dạo trước mẹ vẫn thường chỉ vẽ em làm bánh mứt, sau này em làm nũng, đau ốm luôn mẹ đành làm hết cả.

Em cười với Đan:

- Ta làm vụng đừng mè nheo nhá!

Đan chúm cặp môi hồng:

- Bánh biếu đấy, liệu hồn!

Em tìm nước rửa tay xong ngồi bên Đan, hai đứa hý hoáy với công việc. Giọng Đan kể lể:

- Đan làm bánh chủ nhật mang cho anh Huân, mẹ Đan hôm rày ốm, có lẽ ngày ấy không đi được. Chỉ còn có mình Đan, eo ơi! Thư xin phép đi quân trường với Đan không?

Em ngần ngừ. Đan bỗng nhìn lại em rồi nhún vai:

- Mà mi tiểu thư thế thì đi được mấy bước?

Em bực tức quệt mạnh một vết bột ướt lên mặt Đan, con bé kêu lên oai oái rồi lại kể lể:

- Mẹ Đan đang lo cho anh Huân lắm, Thư ạ! Bà bảo đánh nhau đang ghê thế này, anh ấy ra trường e lại khổ. Đan thì Đan nghĩ con người có số, Thư hỉ! Thế nhưng thấy cuộc chiến mãnh liệt quá, niềm tin của ta cũng lung lay.

Em nghe lòng mình chùng xuống, bàn tay đang chăm chút với khuôn bánh bỗng lơi ra dần. Vô tình, Đan đã khơi lại những điều mà em đang cố quên, cố tránh né, ít ra là trong giờ phút này. Thì ra, tuồi trẻ chúng em trong hiện tại không bao giờ thoát được những ưu tư đang nhuộm đen ước mơ, đè chĩu cuộc sống. Em hay Đan, mỗi đứa đều có một tương quan giữa cuộc chiến và những người thân để mà lo âu, để mà thắc thỏm. Thốt nhiên, em nghe quặn thắt, bồn chồn! Cố tìm những câu chuyện xoay quanh học đường, sách vở, em nói liên hồi trong khi đôi tay vẫn tíu tít với mớ bột nõn.

Gần 6 giờ chiều, công việc của hai đứa em mới xong. Em thở phào, lòng vui vui nhìn những chiếc bánh trắng phau xếp đều đặn trong hộp. Đan dúi vào tay em một gói giấy hồng:

- Ta gửi cho cu Minh, bé Ly nghe!

Em dẫy nẩy, từ chối. Đan trợn mắt:

- Ta có biếu cho mi đâu, khỉ!

Rồi hắn cố ấn gói bánh vào tay em, tiễn em ra cổng. Buổi chiều đang xuống thấp. Em lo ngại nhìn đoạn đường quanh co trước mặt “Thế nào mẹ cũng mong”.

- Thư!

Em giật mình, nhìn qua bên kia con lộ. Chị Uyển vừa lên tiếng gọi em, thấy em nhìn, chị đưa tay vẫy. Chị Uyển là vị hôn thê của anh Huỳnh. Chị hiền và đẹp như tranh vẽ! Em không hiểu sao em yêu chị Uyển lạ! Có lẽ vì chị có mớ tóc dài tha thướt, có dáng gầy gầy giống như mẹ, nhất là đôi mắt và nụ cười luôn buồn buồn.


Em chạy băng qua lộ, hướng chị Uyển. Chị hơi mỉm cười nhìn em:

- Chị đang định sang nhà thăm ba mẹ. Thư đi đâu về?

- Em đến nhà con bạn làm bánh.

Chị Uyển dắt tay em đi dọc con đường có hai hàng cây quen thuộc.

Gió thổi mái tóc và tà áo trắng của chị quấn quít vào thân em.

Chị Uyển bỗng ngập ngừng:

- Thư này… anh Huỳnh có tin về không?

Em nhìn chị. Tiếng nói trở nên khó khăn dị lạ:

- Không, chị ạ!

Chị Uyển cúi đầu. Em thoáng thấy nhanh trong mắt chị ánh lên sự u uẩn, muộn phiền. Hai chị em tiếp tục đếm từng bước im lặng.

Dáng mẹ bồn chồn, âu lo hiện ra trước cửa. Chị Uyển vẫn nắm tay em, cúi đầu chào. Mẹ gật:

- Hai chị em đi đâu về?

- Thưa con sang nhà, giữa đường gặp Thư.

Mẹ nhìn em:

- Thư đi chơi quên cả giờ giấc nhé!

Em giở ngay “chiến lược” làm nũng:

- Con sang làm bánh giúp nhỏ Đan, mẹ ạ! Một lô bột cao như thế này này.

Mẹ phì cười nhìn em đưa tay ra dấu:

- Thôi mời cô vào. Bố về mắng cho đấy!

Em cười với mẹ, với chị Uyển rồi đi về phòng. Tiếng nhạc dìu dặt từ phòng cu Minh lại vọng sang: “… Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, năm qua tuổi mòn. Mẹ ngồi ru con…” Em ngước nhìn lên bức ảnh gia đình treo trước bàn học. Bức ảnh này chụp hôm giỗ ông, có mặt đủ cả bố mẹ, anh cả, anh Khoa, chị Vân, em, cu Minh, bé Ly, mấy đứa cháu con các anh chị. Chỉ thiếu có… anh Huỳnh! Ngày ấy, anh Huỳnh còn học ở quân trường. Mẹ bảo chờ anh về, họp mặt đông đủ rồi hãy chụp, nhưng bố nói có dịp con cháu tề tựu thì cứ chụp cho vui, anh Huỳnh thì hôm nào đám cưới anh, cả nhà chụp lại. Bố bảo thế, nhưng khi ảnh rửa ra cả nhà đều như thấy thiếu vắng cái gì. Mẹ cứ nhìn vào đó rồi mẹ khóc. Riêng em, em nghe xót xa lạ. Giá đừng có cuộc chiến, các anh em đừng phải đi xa!

Có tiếng mẹ gọi em ở ngoài. Em “dạ” to, thay vội bộ áo ngắn rồi bước ra. Bố đã về, đang ngồi trên ghế xem báo. Chị Uyển giúp mẹ dọn cơm. Mâm cơm với những thức ăn nóng sốt do mẹ em nấu vẫn “hấp dẫn” như mọi ngày, nhưng không hiểu sao em bỗng nghe uể oải, rời rạc.

Bữa cơm bắt đầu khi mọi người ngồi vào đông đủ. Bố vừa ăn vừa hỏi chuyện chị Uyển, bọn em thì cứ cắm cúi nhai. Giữa lúc ấy, có tiếng xe jeep rồ lên rồi đỗ xịch trước nhà, cả nhà nhìn nhau. Cu Minh lẹ làng rời ghế chạy ra mở cửa, rồi tiếng nó cất lên, reo mừng:

- Anh Huỳnh về, bố mẹ ơi! Ơ…

Dư âm câu nói bỗng chùng lại, như một note nhạc được ngân lên rồi tắt ngấm nửa chừng. Những người còn ngồi trong bàn ăn lại nhìn nhau. Em ngơ ngác ngó gương mặt thoáng cau lại của bố, ánh mắt như tối hơn của mẹ, dáng vẻ thất sắc của chị Uyển, đôi mắt mở to của bé Ly. Rồi vài giây sau, mọi người đứng lên cả, đi như chạy ra nhà ngoài. Trong một trạng thái hoang mang tột cùng, em cũng rời phòng ăn, đứng nép vào một góc nhìn quang cảnh diễn tiến trước mặt.

Hai quân nhân xa lạ đang đứng sừng sững nơi phòng khách, họ khẽ cúi chào bố mẹ em. Tiếng nói của một người trong họ cất lên nhỏ rít giữa không khí như đang đọng lại. Em nghe loáng thoáng đến tên anh Huỳnh! Rồi… ngực em nhói lên trong tiếng hét thảm thê của mẹ. Đầu óc em đảo lộn, quay cuồng với hình ảnh mẹ lả đi trong tay bố, chị Uyển chới với gập xuống, cu Minh đứng chết sững, bé Ly với khuôn mặt bưng kín bằng hai bàn tay. Một chút cảm giác còn lại trong nỗi đau xé đầu đời, em nghe tiếng mình lạc lõng:

- Bố ơi! Mẹ ơi! Anh Huỳnh ơi!...


Huỳnh – Chúc (M-Y)  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 53, ra ngày 28-8-1972)

Bìa của Vi Vi : Lò cò

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Một Chuyến Đi (II)



Sau rốt, anh chị ấy về và chỉ ba hôm sau, là đến ngày mẹ con tôi ra đi. Nhưng nếu mọi chuyện đều êm xuôi thì đến đây còn gì mà kể ra làm rầy tai bạn? Còn hai hôm nữa lên xe, cu Minh kêu đau trong cổ và cặp mạch thấy sốt. Không sốt nhiều, nhưng mà có… sốt. Tàn nhẫn chưa, trời?

Thật là một cơ hội tốt cho ba tôi bàn lui. Ông bảo mẹ tôi thế này chứ:

- Thôi, con nó đau, để nó ở nhà… Được đó! Có một đứa nhỏ ở nhà cho vui.

Đang ngậm cái ống thủy, cu Minh lập tức phun ra:

- Con đâu có đau, ba? Con không đau mà, ba!

- Không đau, hừ! Thì không đau, chỉ sốt thôi, rồi đi đường gió máy…

Mẹ chỉ biểu lộ sự thất ý bằng cái thở dài. Tôi đứng cạnh mẹ tôi, đưa mắt hỏi thầm và mẹ tôi cũng trả lời bằng mắt rằng : “chưa thấy bớt” sau khi mang kính vào, cẩn thận xem kỹ ống mạch.

Thời gian cứ tuần tự trôi : còn ngày rưỡi nữa là lên xe. Mẹ tôi chăm chỉ lấy nhiệt độ cho em tôi hơn. Nhiệt độ của nó càng có vẻ kỳ cục hơn : không tăng hẳn, mà chỉ tăng chút chút chứ không xuống. Tôi tưởng có thể điên lên được. Còn đương sự thì nước mắt đoanh tròng mỗi lần nghe bàn đến chuyện ở nhà. Thú thật trước đó tôi cũng ưng được đi, không màng đến lũ em, nhưng giờ đây, trông tình cảnh đó lại chạnh lòng không nỡ, nhưng hoãn ngày đi lại ư? Đời nào tôi chịu, hoãn hai ba lần rồi! Tôi nôn nả lắm rồi.

Mẹ tôi, với một vẻ bình thản giả vờ, lo soạn áo quần cho vào va ly. Vì là chúng tôi định đi cả vùng nóng và có biển là Phan Rang và vùng lạnh là Đà Lạt nên hành trang hơi bề bộn: có cả thứ quần áo mỏng cho nơi này và áo len, áo mưa, thêm cái dù đen cho chỗ kia, chưa kể đồ tắm biển.

Nằm trên giường, đưa mắt buồn bã nhìn mẹ tôi, em trai tôi nói với giọng cam chịu:

- Chắc con không đi được, ba không cho.

- Không sao, chiều nay mẹ đưa con ra bà bác sĩ, hỏi ý kiến bà…

- Lỡ bà nói con không đi được thì sao?

- Sao lại không đi được? Tại con không nghe lời mẹ, dầm nước hoài nên cảm sơ sơ chớ có gì đâu mà lo.

Mẹ tôi trấn an nó và đưa tay sờ vào trán nó – lần này là lần thứ bốn mươi mấy trong hai ngày – trong khi tôi cũng đay nghiến nó lần thứ bốn mươi:

- Mày có thèm nghe lời tao đâu. Mày là đứa lỳ lợm…

- Thôi, con đừng mắng em, tội nó!

Mẹ tôi bênh vực con trai út. Ba tôi trờ tới:

- Sao rồi? Mẹ con bà tính sao?

Quay sang con trai:

- Sao? Con chịu ở nhà với ba khôg? Ở nhà rồi ba cho đi Cấp…

- Con không ưng đi Cấp, tắm Cấp hay chết đuối… mà không vui…

Ba tôi hừ một tiếng. Không ai hiểu nghĩa tiếng hừ này, trừ mỗi mình mẹ tôi.

Hai giờ chiều, mẹ tôi đi mua vé xe. Ba tôi bảo:

- Mua ba vé thôi. Ngộ sáng mai nó không bớt thì để nó ở nhà. Đi chơi chứ đi đâu mà hăng quá.

Đáng lẽ cãi lại nhưng nghĩ sao, mẹ tôi làm y như ba. Bà giải thích cho Minh như sau:

- Đừng lo gì hết. Vì mẹ muốn cho rộng rãi nên tính mua bốn vé, chứ mua ba cũng không chật đâu, vì thường thường hai đứa nhỏ như con với Bé chỉ một vé thôi. Sáng mai thế nào con cũng được đi!

Ngay cả tôi cũng không còn lòng dạ đâu mà đòi hỏi chật rộng huống em tôi. Chiều đó, bà bác sĩ khám cho nó tuyên bố là “không sao, đi được” làm cho em tôi mừng cuống. Đó là lần thứ nhất mà tôi trông thấy bà bác sĩ cận thị, già nua, nhăn nhó bỗng dưng đẹp lên, trẻ ra thập bội so với tuổi bà!

Và lần đó cũng là lần mà tôi dễ điều dộng tụi em hơn bao giờ hết. Bảo gì cũng vâng dạ răm rắp, Vitamin C được chúng chiếu cố tận tình (mẹ tôi hà tiện, không cho ngậm thứ kẹo, bảo uống thứ viên chua hơn giấm!)

Tối lại, tôi và mẹ thức khuya để kiểm soát hành trang lần cuối. Tôi xin mẹ một chút nước cô lôn (không thơm mấy so với nước hoa của mẹ, nhưng cũng tàm tạm), mấy cái khăn tay trắng tinh khôi được đem theo. A, lại có ít bạc giấy mới 5đ, 10đ, 20đ, rất là sạch sẽ theo thói quen của mẹ. Cái cặp lớn của mẹ tôi còn có mấy cuốn sách. Trong cái xắc nhỏ của Bé có cả lọ cù là, ngoài ra còn lỉnh kỉnh vô số thuốc cảm, Vitamin B, Vitamin C, thuốc tọa dược v.v…

- Cẩn tắc vô ưu! – Mẹ tôi nghiêm giọng tuyên bố – cẩn thận tốt hơn.

Bảy giờ sang, mẹ con chúng tôi đã chỉnh tề quần áo, chẩun bị lên xe. Minh hớn hở nét mặt, mừng quá hóa no cho đến nỗi không uống cạn cốc sữa nữa.

Và đúng bảy giờ rưỡi xe chuyển bánh. Chúng tôi cùng một loạt thở phào. Minh tuân lời mẹ chịu mặc áo khoác ngoài, không phản đối như thường lệ. Chỉ 15 phút sau, chúng tôi từ giã Sài Gòn, với những con đường chật chội, xe cộ và khói xăng, và những làn sóng người cuồn cuộn, thành phố rất ít màu xanh. Giã từ với tất cả náo nức, hân hoan. Ba tôi nhượng bộ!

Thưa quí bạn, chúng tôi đi nghỉ hè, đấy ạ!

Hai giờ chiều chúng tôi đến thành phố Phan Rang. Không ăn trưa mà vẫn thấy no vì mừng quá. Bà tôi, cậu mợ, con bé giúp việc, cả đến con chó giữ nhà cũng vẫy đuôi mừng.

Những ngày nghỉ thực sự bắt đầu. Tôi không ngớt dặn Minh phải dè dặt, cẩn thận vì vừa mới bớt sốt, nhưng chỉ đến ngày thứ ba là nó leo cây thoăn thoắt hơn cả khỉ. Suốt ngày nó không ngừng nhai : hết thơm đến mận, hết mận đến khế, ngưng khế thì đến lượt mãng cầu, ổi, xoài, thanh long… Nó lộng hành đến mức buổi sáng chê quà có tại nhà, xin tiền mẹ đi mua đứa gói xôi và nhìn tôi cười đắc thắng, ra vẻ ta đây nay đã trưởng thành! Mà động mình có nói đến thì bà bênh, cậu mợ bênh hay mẹ bênh. Buổi trưa nó không ngủ, tha thẩn ra vườn suốt buổi. Ốm đau biến mất, nó hồng hào trông thấy sau 10 ngày tắm biển và ăn uống tha hồ. Vâng, cả hai đứa em tôi đều khá hết. Riêng tôi, tôi không khỏi giật mình khi đứng lên cái cân – cậu tôi vừa đem trong tủ ra – thấy lên hơn hai ký.

Nhưng tôi có thể nhịn ăn mà không thể nhịn tắm biển được. Nước mát rợi, hấp dẫn quá đi thôi. Ngày nào cũng đi tắm. Hễ cậu bận đi làm thì mẹ con thả bộ ra chợ, đi xích lô ra bến xe, từ bến xe đi xe lam xuống biển Ninh Chữ. Lượt về, luôn luôn chúng tôi phải ngồi chung với cá.

Mẹ tôi dạy cho Bé bơi. Mẹ hãnh diện nói:

- Mẹ sẽ dạy cho Bé biết bơi trước khi về Sài Gòn.

Năm 69 mẹ đã dạy tôi bơi, cũng tại biển Ninh Chữ dịp hè. Năm 71, mẹ đã dạy Minh bơi tại biển Qui Nhơn và năm 73 này, tại Ninh Chữ mẹ tôi lại tuyên bố sẽ dạy em út tôi trở thành người nhái trước khi về.

Mấy cô bạn, cậu em của mẹ tôi bỏ đi mất tiêu : người về Sài Gòn, người lên Đà Lạt, mẹ không ngớt lầu bầu rủa họ. Nhưng rủa thì rủa, mẹ vẫn tiếp tục đi biển với chúng tôi.

Về phần tôi, có hẹn trước với bạn tôi là ngày 20 có mặt ở Đà Lạt nên tôi nhất định đòi mẹ đi Đà lạt ngày 19. Trong lúc đó hai đứa nhỏ lại ưng ở Phan Rang, viện cớ rất chính đáng : Đà Lạt không có biển.

Trong tâm trạng khôn xẻ làm hai được, mẹ tôi cầu nhầu, la lối, mắng mỏ chán lại dỗ dành. Và sau rốt, điều tôi yêu sách được như ý : ngày 20 mẹ con chúng tôi rời Phan Rang. Áo tắm – tất cả áo tắm – được xếp gọn, để lại Phan rang, nhờ dì tôi gửi về Sài Gòn sau.

Nhân cậu M. chở sách lên phát hành trên đó, cậu rủ mẹ con tôi đi cho vui. Tôi nhìn cái xe mà ngán ngẩm : chỉ có vài chỗ ngồi cùng với tài xế phía trước, phía sau y như một toa hàng hóa của xe hỏa, chúng tôi ngồi vào đâu? Nhưng cậu đã làm cho chúng tôi hết do dự bằng một câu rất dễ thương:

- Kệ nó chị! Chật chật chút mà vui, chị với các cháu đi xe đò buồn chết đi. Em nhường chị với tụi nhỏ ngồi trước…

Mẹ tôi nghe bùi tai, gật đầu liền. Nhưng tôi hiểu các cháu đây chỉ là hai con muỗi tép Minh, Bé kia chứ tôi chen vào chỗ nào? Tuy thế, tôi không ta thán gì (đôi khi mình cũng nên biết hy sinh chút đỉnh, vì đại cuộc!)

Mẹ tôi hỏi lại:

- Nhưng cậu ngồi đâu?

Cậu M. bối rối – một chút thôi – rồi cười thật tươi:

- Lo gì, em cho đặt them vài cái ghế dựa, ngồi ngon lắm!

Tôi chưa biết hình dung những cái ghế dựa đó sẽ đặt làm sao trong lòng xe thì cậu Kh. trờ tới:

- Tao đi nữa đó M.!

Trời ơi! Nếu có them ông cậu này, tôi sẽ ngồi đâu? Vậy mà mẹ thì tỏ ra vui vẻ vì có thêm một cậu em cùng đi.

Đúng bảy giờ rưỡi sáng ngày 20 tháng bảy năm 73, có một cái xe thùng hiệu Toyota chở sách khởi hành từ Phan Rang lên Đà Lạt. Băng trước : tài xế, mẹ tôi và hai đứa nhỏ. Băng sau, hai ông cậu trên hai ghế dựa ni lông còn tôi, đứa cháu gái hùng dũng như con trai (theo lời mấy cậu nói) thì ngồi cùng với sách trong hốc kẹt! Mẹ tôi đề nghị cho tôi được ngồi trước với hai em, mẹ ngồi sau, nhưng tôi đâu chịu vậy! Tôi có dịp để hy sinh, sao lại bỏ qua?

Phong cảnh đẹp lùi dần. Ngồi chỗ tôi mà muốn nhìn phong cảnh thì phải cúi đầu thấp xuống, phần thì hai ông cậu hút thuốc như hai cái ống khói, tôi chả thèm nhìn làm chi, mang kính vào, giả vờ ngủ. Được mươi lăm cây số chi đó, tôi đang lơ tơ mơ bỗng giật mình vì cậu M. muốn nôn : mặt cậu xanh khướt. Cậu Kh. vội vàng ra hiệu cho ông tài xế ngừng lại. Mẹ tôi nhảy phóc xuống (ấy, mẹ con tôi vẫn nhanh nhẹn xưa nay) chạy ra sau, hỏi dồn:

- Sao đó? M. mệt rồi phải không? Biết ngay mà, em mới ốm khỏi. Thôi, ra trước ngồi với các cháu đi! Chị ngồi sau này cho!

Cậu M. không từ chối, giọng cậu yếu xìu:

- Tại em mới bịnh… chớ thường em khỏe lắm. Chị ngồi phía sau được không?

Cậu Kh. chen vào:

- Khỏi lo, chị tao chì lắm, M. ơi!

Quên, tôi chưa giải thích với quí bạn : nghe đâu cậu Kh. này là thi sĩ, vừa dạy học vừa làm thi sĩ. Cậu bảo là cậu sẽ hướng dẫn mẹ con tôi khi lên Đà Lạt, tôi chỉ cười khẩy, vì tôi có con bạn hiền chờ trên đó, tôi đâu cần nhờ cậu! Nhưng chỉ để bụng chứ không tiện nói ra, e mẹ bảo là mình vô lễ.

Nhờ chuyến đi Đà Lạt bằng cái thùng xe chở sách, tôi suy rộng ra và xác nhận là sức khỏe tôi và mẹ rất cừ : không có nôn mửa, mệt nhọc gì, chả bù với cô tôi, cô còn trẻ măng mà mỗi lần từ Đà Lạt xuống là kêu ca đủ thứ, luôn luôn cô uống thuốc trước giờ xe chạy.

Xe lên đến Đà Lạt thì đã có mấy ông bạn của cậu M. (vốn trong nhóm văn nghệ văn gừng gì đó) đón cậu liền. Thế là cậu quên hết cả chị cả cháu trong nháy mắt. Cậu chào mẹ con tôi và cậu Kh. lên xe khác dông đi chơi tức khắc, hết cả nôn mửa, nhọc mệt, mặc kệ cả xe sách đang chờ phát hành. Cậu ra lệnh cho ông tài xế đưa mẹ con tôi về chỗ trọ, thả cậu Kh. xuống chỗ trọ v.v…

Thật xui xẻo : bạn tôi chưa lên. Trời thì mưa. Cũng may, mẹ tôi cũng đã biết rõ thành phố này rồi cho nên không đến nỗi bỡ ngỡ lắm. Tôi đành làm người bạn vong niên với cậu Kh. (tạm thời trong lúc không có người bạn đúng nghĩa). Mẹ con tôi lên đồi, đến sân cù, tối tối, cô tôi lại đón đi chơi tầm phơ, có bữa thì ngồi nhà quấn chăn đánh bài với hai đứa nhỏ. Có bữa, mẹ cho hai đứa nhỏ ra bờ hồ đi chơi trên hồ bằng xe đạp nước.

Tôi không vui, vì mãi đến ba ngày sau bạn tôi mới lên, mà con nhỏ này tồi quá : đến Đà Lạt là ốm rồi. Một người hoạt động như tôi mà ngồi nói chuyện suông trong xó với một cô bạn quấn chăn rên hừ hừ sao nổi? Ngày thứ bảy nó trở về Sài Gòn. Cũng may cho chúng tôi : đến tuần lễ thứ hai thì có cậu L. đem xe đến chở chúng tôi đi chơi cùng khắp : chỗ nào cũng có mặt, từ thác Cam Ly, thác Prenn, hồ Than Thở, cơ sở Đại Học, mấy giòng tu v.v…

Khác hẳn thói quen, mẹ tôi cho chúng tôi đi ăn hiệu đều đều. Chúng tôi cũng chụp hình loạn xị. Những ngày càng gần hết hạn đi chơi, trời càng tốt, nắng to, ấm áp, trời xanh lơ. Ai cũng ngạc nhiên vì Đà lạt vốn hay mưa vào mùa hè. Tôi nài nỉ với mẹ ở lại thêm vài hôm nhưng vì đến hạn đưa em Bé về khám sức khỏe trước khi nhập học và mẹ đã gởi thư về rồi nên không muốn để ba mong.

Ngày cuối cùng, chúng tôi lại lên đồi vớt vát. Mẹ tôi ngồi trên thảm cỏ vươn vai, ưỡn ngực hít lấy hít để bầu không khí trong lành, thanh khiết của một vùng đầy những mầu xanh. Tôi dõi tầm mắt ra xa, xa tít tận chân trời cố ghi nhớ cái cảnh đẹp và thanh bình mà tôi sẽ từ biệt vào sáng mai.

Vài chú nài ăn mặc lòe loẹt dắt những con ngựa xinh xắn đảo qua đảo lại trước mắt. Thông reo rì rào bên tai. Vài nhóm thanh thiếu niên cắm trại xa xa, trước mặt. Khung cảnh như lau, sạch bóng, đẹp tựa cảnh trong tranh.

Cậu L. gọi thằng bé bán kẹo kéo lại, tuyên bố là đãi chúng tôi một tiệc chay thịnh soạn trước ngày về. Chúng tôi chiếu cố tận tình, cho đến khi hết nhẵn gói kẹo, cả đến hạt đậu phụng chót cũng không còn. Có cả các anh (con bác tôi) và các em (con cô tôi) cùng tham dự.

Chao! Rõ ràng là ngày vui ngắn chẳng tầy gang! Rồi sáng mai, chúng tôi lại lên xe. Lần này mua bốn vé hẳn hoi.

Ngồi trong xe, chúng tôi thò đầu ra, đưa tay bắt tay từng người một : cô tôi, chú N., cậu L., trước khi xe rồ máy.

Con đường từ Đà Lạt về Sài Gòn không giống như con đường từ Sài Gòn đi Phan Rang. Đồng cỏ cũng xanh, hoa mầu cũng tốt, nhưng trừ rừng thông xinh đẹp hùng vỹ, chúng tôi không còn bắt gặp được mùi thơm ngát của lúa trổ, mùi ngai ngái của phân hoai trong các chuồng trâu bò ven đường, không có mùi khen khét của các rẫy nương vừa đốt. Chúng tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì… Gió tạt vào mặt tôi lạnh buốt mà không mang lại cái cảm giác mát mẻ của những cánh đồng no nước của đồng ruộng Phan Rang, cái mùi quen thộc mà tôi đã phải xa từ lâu lắm.

Bất giác, tôi như nghe văng vẳng bên tai những lời khuyến khích của cậu L. khi cậu đưa chúng tôi đến bến xe:

- Cố học giỏi đi rồi sang năm lại được nghỉ hè nữa, nhé!

Ôi! Nghỉ hè! Hai tiếng mới cám dỗ làm sao! Ba tuần lễ đã trôi nhanh, như… tia chớp!

Chúng tôi chỉ có vài thành tích nhỏ nhoi : em Bé đã biềt bơi và một số hình làm kỷ niệm. Nhưng như thế cũng đủ, quá đủ rồi. Còn đòi hỏi chi hơn?


MINH QUÂN  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 113, ra ngày 2-11-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>