Truyện : MINH QUÂN
Người lớn và
báo chí hay nói đến hai tiếng liên đới
: liên đới quyền lợi, liên đới trách nhiệm, trước năm 1963 còn nghe đâu y như
có một hội phụ nữ mang thêm hai tiếng liên đới nữa. Riêng với lũ trẻ nếu muốn tỏ
ra thời thượng, tôi có thể dùng hai tiếng giới trẻ cho nó oai một tí – Vâng,
riêng với giới trẻ chúng tôi thì hai
tiếng này không có ý nghĩa gì cả. Đó là thứ ngôn từ của giới người lớn, của
giới… già, thưa quí bạn!
Cho đến một
hôm, chúng tôi mới sáng mắt ra, khôn hơn lên, để nhận thức rằng hai tiếng liên
đới có ý nghĩa sâu xa thiết thực thật chứ không phải là thứ ngôn từ trên giấy
tờ và trên cửa miệng giới già. Hơn
bao giờ hết, chúng tôi thấm thía ý nghĩa hai tiếng đó : vào dịp em gái út chúng
tôi thi vào Đệ Thất, quên, xin lỗi, vào lớp Sáu.
Năm nào cũng
vậy, cứ sắp vào mùa hè là chúng tôi nôn nả nghĩ đến chuyện được đi nghỉ hè.
Nghỉ hè! Chỉ nguyên hai tiếng đó cũng đủ gợi lên cho chúng tôi tất cả viễn ảnh
của những ngày tươi đẹp… đã qua. Nghỉ hè, có nghĩa là chúng tôi đầm mình dưới
nước mặn như trâu đầm mình dưới bùn, khỏi phải nằm ngủ mỗi trưa, khỏi phải học
bài và làm bài mỗi ngày, tha hồ ăn đủ thứ quả vườn nhà và quả mua ngoài chợ,
tha hồ rong chơi và rong chơi… Nghỉ hè còn có nghĩa là chúng tôi không tuân
lệnh mẹ mà chính mẹ lại nghe theo chúng tôi, chìu ý chúng tôi, thậm chí có đứa
nào giở thói làm nũng cũng được thông qua, không bị khiển trách.
Vì những ân
sủng đó, chúng tôi đã có bận toan đề nghị đổi mùa hè làm mùa xuân, nói rõ hơn :
đổi Tết làm hè, thay hè làm Tết.
Nhưng trong
vài năm gần đây ba tôi bỗng dưng thay đổi ý kiến mà chả thèm quan tâm đến
nguyện vọng của chúng tôi, như một ông vua độc tài chăn dân trị nước theo cung
cách riêng không buồn để ý đến dân đen vậy. Hễ sắp vào hè, mẹ con chúng tôi bàn
đến chuyện nghỉ ngơi là ông nói:
- Thôi, bày
đặt nghỉ với ngơi! Mẹ con mấy người không thấy đường sá lôi thôi, giao thông
trục trặc đó sao? Lỡ kẹt đường làm sao về?
Hay:
- Mêt nhọc gì
mà nghỉ? Làm như cực khổ lắm vậy…
Mẹ tôi tức
thì phản đối : bà đưa hang chục luận cứ để bênh vực lập trường, nào Sàigòn nóng
bức chật chội, không đủ không khí để thở. Nào quanh năm con không thấy ruộng
vườn xanh tươi ra làm sao, con trâu con bò không biết phân biệt ra làm sao. Nào
khí trời trong sạch ích lợi cho cơ thể ra làm sao, nào nước biển và ánh nắng
mặt trời có tác dụng thế nào đến sức khỏe v.v…
Ba tôi liền
xoay qua chuyện tình hình tài chánh. Mẹ tôi bảo rằng mẹ tôi đã tiết kiệm nhiều
về dịch vụ may mặc cho chúng tôi – dĩ nhiên cả mẹ tôi cũng thế – Sau khi kể ra
một dọc dài những khoản tiền đáng lẽ đã tiêu rồi mà vì tính toán kỹ, tiết kiệm
kỹ, nên còn lại để có thể dùng vào dịp nghỉ hè cần thiết, chẳng hạn như mẹ tôi
đã cắt áo dài cũ ra may thành áo ngắn mặc trong nhà, chẳng hạn như mẹ đã sửa
cái áo cũ của chị cả cho em thứ, cái quần của em thứ cho em út – con trai cũng
vậy – Chẳng hạn như đôi guốc mòn mà không bỏ đi, lấy ruột xe đạp cũ đóng dưới
gót mang thêm tháng nữa, chẳng hạn như hai ngày vừa qua ba đi công tác, mẹ con
chúng tôi chỉ mua toàn rau muống và đậu phụ với tương khi đi chợ, chẳng hạn
v.v… Ôi, kể ra không xiết. Tóm tắt lại theo ý mẹ tôi – dĩ nhiên, chúng tôi đều
đồng ý – nghỉ hè không phải là chuyện đi chơi vô ích, phí phạm mà là một chuyện
cần thiết, bổ ích.
Ba tôi ngồi
yên hơn năm phút rồi sau cùng, ông thong thả nói:
- Mẹ con mấy
người đi hết, ta… nhớ. Thôi, mẹ mày
muốn đi thì đi với mấy đứa lớn, hay đi một mình đi. Để hai đứa nhỏ ở nhà với…
ba.
- Nói vậy mà
nghe xuôi tai không? Sao lại đi một mình? Sao lại đi với mấy đứa lớn? Đi vậy
sao yên lòng? Để tụi nhỏ ở nhà ai trông coi, mà chính tụi nó mới là cần đi đổi
gió…
Ba bẻ ngang
đó:
- Vậy thì mấy
đứa lớn với mẹ mày không cần, phải không?
- Ai nói vậy
đâu? Nhưng người ta muốn nói tụi nhỏ cần hơn, biết chưa?
- Ta không
biết cái gì hết, ta chỉ biết tụi nhỏ mà đi, ta nhớ, vậy thôi. Ai muốn đi đâu
thì đi, hai đứa nhỏ ở nhà với ta…
Sực nhớ mấy
năm trước có khi đi về tụi nhỏ hơi ấm đầu một tí, có khi có đứa mọc một cái mụt
– vì về đến Sàigòn trời nóng – Ba bèn vịn lấy đó:
- Mẹ mày cứ
bày đặt, con nít nhỏ mà thay đổi chỗ ở, di chuyển là phiền lắm. Tao thấy mẹ mày
cực khổ mỗi lần đi…
(Dù cho trước
đó vài ngày ông không thể nào phủ nhận chuyện tụi em tôi lên cân, có vẻ nhanh
nhẹn, khỏe mạnh. Không phủ nhận, nhưng ông chỉ ậm ừ chứ không chịu khen tiếng
nào, làm mẹ tôi ức lắm)
Mẹ tôi không
chịu thua:
- Cực khổ mặc
tôi. Sức khỏe tụi nó cần hơn.
Cứ nhùng
nhằng không ra môn, ra khoai chi hết hàng tháng trời như vậy làm chúng tôi sốt
ruột hết sức. Mẹ tôi trấn an:
- Tụi bay cứ
để đó, mẹ tranh đấu cho, thế nào cũng thắng cho coi.
Rồi, giữ lời
hứa đến bữa ăn hay khi ranh rảnh, mẹ lại đề cập đến chuyện nghỉ hè. Đi đâu đây!
Nha Trang! Đà Lạt! Phan Rang! Qui Nhơn! Nha Trang có nhà cậu và nhà bác tôi,
Phan Rang có nhà bà và nhà dì, có vườn rộng, Qui Nhơn cũng ngon lành – nhưng
mới nhắc đến địa danh này là ba gạt liền : xa lắm! Đà Lạt có cô tôi – hiềm cái
không được đi tắm biển và phải trang bị áo lạnh áo mưa lỉnh kỉnh một chút –
nhưng có thể…
Vừa ở nhà
dưới lên, tôi ngạc nhiên thấy sao việc xin đi chưa được chấp thuận mà mẹ đã bàn
đến địa điểm đi. Như vậy có thể là hơi lố, làm ba tôi xùng lên (ấy, ai cấm
người lớn xùng lên kkhi phật ý!) mà hỏng bét cái dự định ôn hòa, tốt đẹp, ích
lợi đi chăng! Tôi đưa mắt nhìn chị Thu, chị cười một cái rất tươi, rồi ra hiệu
cho tôi vào phòng và đến nơi, chị đóng sập cửa lại tiết lộ cho tôi hay rằng ba
đã đồng ý cho đi nghỉ hè với điều kiện là em
út tôi thi đậu vào lớp Sáu! Điều kiện ngặt nghèo chứ phải chơi đâu!
Thế là từ
ngày đó, chúng tôi – tất cả các anh các chị – đều siêng năng trong việc nhắc
con em út chăm lo học hành vì chuyện chúng tôi có được đi nghỉ hay không đều do
ở nó. Trong bọn tôi, hầu hết đều đặt tin tưởng vào bé Út, vì nó học chăm chỉ,
tháng nào cũng đứng từ một đến ba. Nó cũng đã mè nheo với ba mẹ từ đầu niên
khóa một hai được đi học tư thêm cho chắc ăn. Có điều, nó chưa đến tuổi thi,
nhưng điều này cũng không ngại gì, vì mẹ đã xin miễn tuổi được rồi.
Ỷ vào địa vị quan trọng của nó, con bé có hơi lố
bịch chút đỉnh. Chẳng hạn thay áo quần đáng lẽ theo lệ thường là nó phải đem
xuống bỏ vào giỏ đằng này nó vứt bừa ra sàn gạch bông, ăn cơm xong, đáng lẽ
bưng bát đũa xuống nhà dưới, nó đặt cái cạch
giữa bàn, đứng dậy ; uống nước xong phải dẹp tách của mình, nó lại để chình ình
ở buýt phê, thậm chí có khi nó còn lấy tách của người khác uống nữa.
Tất cả những
cái đó, nếu bình thường thì nó đã bị mắng đấy, nhưng thời kỳ này tất cả đều làm
lành với nó. Hoặc trong chúng tôi có la mắng tức thì đã có một đứa khác lên
tiếng bênh vực nó liền:
- Thôi, để em
học!
“Thôi, để em học”. Bốn tiếng đó bỗng thành cái câu cửa
miệng của chúng tôi. Có đứa còn hy sinh tiền riêng mua cho nó kem, kẹo, bánh
ngọt nữa kia. “Vừa thôi, cho ăn nhiều nó đau bụng đó nghe” chúng tôi cảnh cáo
lẫn nhau.
Sắp vào hè
trời hay mưa buổi chiều, buổi mà nó học tư thêm. Chúng tôi phải chia nhau chở
nó đến lớp luyện thi, đón về đều đặn mỗi ngày. Khi gặp mưa, phải lo áo mưa, mũ
v.v… Thấy như người ta chăm ngựa trước khi đua, chăm gà nòi trước khi cáp độ mà
không chút than van, không lời ta thán. Trước nghỉ hè hai tuần, bỗng dưng nó
lên cơn sốt rồi nó sốt già và hôm sau, nó sưng hạch cổ, mẹ vội vàng đưa đi bác
sĩ. Chúng tôi như ngồi trên lửa, nhưng nó, nó tỉnh bơ. Nó hành hạ mẹ chút chút vào đêm khuya, rồi nó bớt sưng
sơ sơ mà một hai đòi được đi đến trường vào ngày phát thưởng, chúng tôi không
ngăn nó được. Mẹ bảo nó rằng phần thưởng của nó không mất mát đi đâu, cô giáo
sẽ giữ cho nó và cho bạn nó đem về, nhưng nó khóc, viện cớ rằng nó chỉ đến lãnh
thưởng rồi về chớ có ở lâu trong lớp đâu mà sợ lây cho bạn bè.
Mẹ đến trường
hỏi ý kiến và cô giáo nó lại đồng ý cho nó đi. 10 giờ sáng hôm đó, với mớ phần
thưởng nặng chĩu trên tay, nó bước vào nhà với cái mặt hơi vênh lên một chút và
cái cổ to hơn thường lệ (vì chưa hết sưng hẳn) nhưng chúng tôi không dám chế
nó, vì nó sẽ làm to chuyện cho coi. Nó là vai chính, là con cờ, là chủ điểm… nó
biết rõ như vậy lắm.
Nghỉ hè rồi,
nó còn tiếp tục học tư cho đến ngày thi. Một hôm trời mưa, anh tôi đến đón trễ,
nó cứ phăng phăng lội nước về nhà. Mẹ tôi hét toáng lên, bắt lấy nước nóng ngâm
chân cho nó, xức dầu cho nó…
Than ơi! Điều
lo ngại xảy ra như thật : đêm đó nó hâm hấp sốt. Mẹ không ngừng mắng chúng tôi,
nào không lo cho em, nào ích kỷ, đủ thứ bà nhằng. Nó vẫn cứ tỉnh bơ. Sáng hôm
sau phải nghỉ một hôm. Ngày hôm sau nó hạ sốt, lại đòi đi học, tỉnh bơ.
Chúng tôi vừa
tức vừa buồn cười, bàn tán không thôi về thái độ nó. Trưa trưa, nó không ngủ,
lên bảng đen lấy phấn kỳ cục làm toán. Tối, buông đũa là nó học bài. Nó xin mẹ
một cái bìa dày, gấp nhỏ lại, ghi lên đó nhăng nhít những phương trình, ký hiệu
đặc nghẹt như những con kiến đen chăm chỉ, cần cù. Đến tận lúc đó, chúng tôi
hết khinh thường nó như trước nay và càng thêm tin tưởng.
Tất cả đều
dành cho ngày nó đi thi. Một ngày thôi (nếu hai ba ngày chắc chúng tôi đến ốm
mất). Nuôi quân hàng tháng hàng năm, ra quân có một hôm!
Trưa hôm đó,
nó trở về mặt mày hớn hở, lật sách ra dò và tuyên bố chắc nịch khi chúng tôi
chất vấn:
- Em làm
trúng hết, dư giờ!
Nhưng buổi
chiều về, ra khỏi xe, nó lầm lũi lên nhà, không buồn cởi áo. Nó vốn điềm tĩnh
nhất nhà, nhưng lần này cái vẻ lầm lỳ của nó mang một ý nghĩa rõ ràng quá làm
chúng tôi khựng lại, muốn hỏi mà sợ cái sự thật làm mình thất vọng nên không
dám mở lời. Chúng tôi như thể cùng ngậm tăm trong miệng.
Ba tôi ôn tồn
hỏi nó về buổi thi. Nó nói, tỉnh bơ:
- Con làm
toán trật rồi…
- Hơ! Cái con
này…
- Giỡn quá!
- Trời ơi! Dễ
nghe chưa?
- Trật thật
không?
Mỗi đứa chúng
tôi đều muốn hắt lên nó tất cả giận tức, thất vọng.
Ba tôi bình
tĩnh:
- Sao con
biết là con làm sai toán?
- Hồi đầu thì
con không biết. Con làm xong còn dư giờ mà. Bài toán dễ…
- Dễ… dễ mà
lại trật…
Anh Vũ đay
nghiến. Em út tôi vẫn phớt tỉnh như không nghe những lời chê trách, không thấy
cả những nét bực dọc trên mặt các anh chị. Nó nhìn vào ba:
- Con biết là
con làm sai, mới biết đây, khi lên xe về gần tới nhà.
Vừa nói nó
vừa đưa cho ba tờ nháp, giải thích sai chỗ nào, và tại sao sai. Chúng tôi cùng
chụm đầu lại, tranh nhau nhìn tở giấy nháp và khi thấy rồi, chúng tôi nghẹn cứng
cổ, đứng lặng như thể bị chôn chân tại đó. Mẹ cũng có mặt từ lâu, mẹ không nói
gì hết.
Ba vẫn bình
tĩnh, cố an ủi nó:
- Thôi, con
đừng buồn vì con chưa đủ tuổi…
- Sang năm
con sẽ thi lại, không muộn gì.
Mẹ tiếp theo.
Đồ ngu! Đồ tự phụ! Đồ… Chúng tôi muốn quát to lên, muốn mắng
nó, muốn bạt tai nó… vì lẽ gì các bạn thừa hiểu đấy. Uổng công chúng tôi đã cực
khổ vì nó, uổng tiền chúng tôi đã bỏ ra mua bánh kẹo cho nó… Ý chà! Hễ đang ngủ
mà đến giờ là phải vội vàng dụi mắt ngồi lên, thay áo chở nó đi, chiều đang đọc
sách, đang chơi cái gì cũng chăm chăm nhìn lên đồng hồ, lo đón nó về, thấy trời
mưa là thót ruột, sợ nó bãi học, tới chưa kịp nó đội mưa về, nó đau ốm… Rõ ràng
là nó hại chúng tôi. Nó thi rớt thì chúng tôi còn hòng gì đi nghỉ?
- Lần sau,
con nên cẩn thận hơn. Không sao, con học lại một năm nữa mới đến tuổi…
Mẹ nắm tay
nó, nhỏ giọng. Nhưng con bé lì lợm đó bỗng giật phắt tay mẹ tôi ra, gằn từng
tiếng, rõ ràng, dứt khoát:
- Con không
học lại! Mẹ cho con học tư! Nhục lắm!
Chúng tôi,
lại lần nữa đứng sững như trời trồng vì phản ứng bất ngờ của nó… Bạn ơi! Phải
chi nó khóc lên, phải chi nó cau có một chút, phải chi nó tỏ ra buồn phiền.
Chúng tôi cảm
thấy nghẹn ngào khổ sở, không phải vì nghĩ đến chuyện mất đi nghỉ hè mà vì
thương nó. Chúng tôi nhận ra sự ích kỷ của chúng tôi. Chúng tôi chăm chút đến
nó, lo lắng cho nó cốt để được đi chơi chớ nào phải vì thật lòng nghĩ đến sự
học của nó đâu. Chúng tôi có chia sớt thất vọng của nó không? Không, rõ ràng là
chúng tôi chỉ buồn vì chính chúng tôi thôi… Cái buồn mênh mông, trầm lặng của
nó, chúng tôi đâu để ý?
Ba tôi gật
gù:
- Nhưng lấy
gì làm chắc là con hỏng! Nếu tất cả các môn con đều xuất sắc thì còn hy vọng…
Các môn khác con ra sao?
Một thoáng,
mắt nó sáng lên:
- Con làm
trúng hết, kể cả các câu hỏi… chỉ sai toán…
- Vậy thì
đừng vội ước đoán gì hết. Chờ kết quả sẽ hay.
Trong những
ngày kế đó, chúng tôi không bao giờ nhắc đến vụ đi nghỉ hè cũng như chuyện em
út chúng tôi thi đậu, hỏng. Không chút hy vọng, nhưng cũng không giận hờn trách
móc nó một lời. Nó nhỏ quá mà, chúng tôi phải thương nó chứ. Tự nhủ thế, nhưng
khi thấy nó đâm sầm vào các trò chơi, như quên tuốt chuyện hỏng đậu, quên cả
cái trách nhiệm lớn lao “vì nó mà chị em tôi mất đi chơi” chúng tôi lại ấm ức
thế nào ấy.
Rồi sau cùng
chúng tôi đành coi chuyện mình không được đi chơi là một sự chia sớt, là bổn
phận đối với cái buồn thi hỏng của em.
Biển mặn,
không khí trong sạch, những buổi đi dạo, những trái cây ngoài vườn… giã từ, giã
từ hết trong câm lặng. Giã từ trong khi chưa gặp gỡ. Có ai đau đớn hơn chúng
tôi không?
Nhưng cái gì
mình không mong đợi thì nó lại lù lù tiến tới, không báo trước : ngày treo
bảng, anh tôi chở nó đi… đi nhưng không chút hy vọng… trở về thì chúng tôi biết
rằng nó… đậu!
Con em bé út
già khọm của chúng tôi không mừng ầm ỹ như chúng tôi, nó vẫn tỉnh bơ, nhưng nụ
cười của nó tươi hơn thường lệ một chút vậy thôi.
Thế là, trong
bữa ăn trưa đó, chuyến nghỉ hè được khơi dậy, bùng lên y như ngọn lửa bừng cháy
dữ dội sau nhiều ngày bị nhốt trong tro than âm ỷ.
Sau cùng ba
thuận chia làm hai đợt : đợt thứ nhất là hai đứa lớn đi ba tuần lễ. Đợt nhì,
gồm có ba đứa nhỏ và mẹ cũng đi ngần ấy ngày.
Chả có gì
đáng kể trong những ngày hai người lớn đi hơn là chúng tôi dài cổ đợi họ về và
mỗi sáng vội vàng thi nhau bóc lịch. Có khi còn bóc quá ngày nữa mới là buồn
cười chứ!
____________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II
(Trích tuần
báo Thiếu Nhi số 112, ra ngày 19-10-1973)