Bé Hoài Thu thức trước. Bé
tưởng như vừa trải qua một giấc mơ hãi hùng. Không phải bé còn sống đây sao? Và
lạ kìa, anh Hoài Minh đang ngủ bên cạnh bé, trên giường nệm ấm chăn êm. Bé Hoài
Thu định bước xuống đất bỗng la lên. Mắt cá chân trái của bé đau nhói. Hoài
Minh giựt mình ngồi dậy, lắc cái đầu xem mình có tỉnh táo? Không phải hai anh
em đã chết đuối trong hồ nước lạnh giá? Đã đi lạc giữa vùng tuyết trắng xóa
mênh mông, hai anh em còn bị con sói to khủng khiếp đuổi theo. Đây là đâu? Cha
chúng chắc đang lo lắng tìm con. Chúng còn nhớ đã lén mẹ ra khỏi nhà nghịch
tuyết. Hết đắp tượng, chúng xoay qua liệng nhau và chơi rượt bắt. Lâu lắm,
không còn thấy một bóng người, những dấu chân để lại đã bị tuyết mới che lấp
nhanh. Và một bóng sói đen hiện ra, hai anh em dìu nhau mà chạy, tuyết ngập đến
đầu gối. Hơi thở nhọc mệt của chúng thành khói, như khói bốc ra từ vòi ấm bên
bếp lửa đang reo, nơi đó mẹ chúng vừa canh chừng vừa đan áo ấm.
Chúng đã được ai vớt từ hồ
nước lạnh mang về đây! Kìa hai cái áo mắc gần cửa sổ đóng kín đã chứng minh sự
thật. Chúng còn sống để nhìn chuyện lạ xảy ra. Căn phòng chung quanh toàn vách
gỗ thông chỉ độc một cửa ra vào bị đóng chặt. Hai cửa sổ hai bên cũng vậy, bên
ngoài có phủ tấm màn nâu che cảnh vật bên ngoài. Làm sao phân biệt được thời
gian và nơi chốn? Bây giờ bé Hoài Thu mới khóc òa. Khóc cho cái chân đau và sự
hãi sợ bị giam lỏng trong căn phòng trống trải.
Có tiếng động khẽ trong góc.
Rồi một cửa phòng nữa mở ra. Hai đứa bé thất vọng nhìn vào căn phòng ăn thông bên
kia và tròn mắt bởi một bà già kỳ dị. Thật chẳng khác “Mụ phủ thủy” mà chúng
nghe ông Hoài Nhân từng kể trong truyện cổ tích chút nào.
Cũng mũi khoằm, da mặt nhăn nheo gớm ghiếc, tướng đi khòm khọm, nụ cười nhe hàm
răng cáu bẩn và cái lưỡi đỏ loét. Mụ đặt hai cái đĩa trên bàn mạnh tay. Bé Hoài
Thu nhảy nhỏm ôm chặt anh hơn. Hoài Minh cũng bất thần lùi sát trong vách. Mụ
già cười hềnh hệch:
- Bé con đói chưa, ăn cho no
để mụ còn đi lấy sữa với si rô.
Rồi mụ quay ngoắt tưởng như
biến mất. Cánh cửa ăn thông hai căn phòng còn để đó. Hoài Minh cõng em tò mò đi
qua. Căn phòng này còn đơn giản lạ. Chỉ độc một cái bàn hình chữ nhật dài và
rộng.
- A, đồ chơi xinh quá – Hoài
Thu reo lên.
Cả một mô hình đồi núi nhấp
nhô. Giữa là một dãy nhà vuông vức. Chúng tò mò đếm kỹ 9 gian. Và những hình
tượng linh động trông như người thiệt. Trai có, gái có, già trẻ đủ cỡ…
- Anh ơi có phải Bạch Tuyết
và bảy chú lùn không?
- Ơ phải! Ủa sao công chúa
xấu quá.
- Cô bé lọ lem đang cầm chổi
quét nhà kìa.
- Thằng bé dơ quá, cái đầu
thì bờm xờm…
- Mình gọi nó là hoàng tử
Bờm đi…
- Thú vật nhiều quá, chúng
như muốn phóng vụt khi anh em mình rờ đến.
- Nai, thỏ, bò, lừa… Ơ hay,
“Con mèo đi hia”…
- Mụ phù thủy đang ngồi
trong căn nhà giữa cạnh một ông già bận áo giáp oai vệ sao mà giống cái bà hồi
nãy quá…
- Suỵt! Có tiếng động. Mau
về kẻo “mụ chằn” biết.
Chúng gán cho mụ già là “phù
thủy” hãm hại con nít, hay là “chằn” ăn thịt trẻ con.
- Bánh với kẹo không thì ăn
cái gì?
- Chớ không phải em thường
mơ ước được ăn hoài đó hay sao?
- Em đói quá…
- Thì cứ ăn đi, có chết chóc
gì mà sợ. Ít ra mụ cũng nuôi béo chúng ta rồi mới bỏ vào nồi hầm ra gu.
- Ngon quá, giá có ca cao.
Mụ phù thủy tái xuất hiện
nối lời:
- Có sữa với sô cô la thôi,
bé con uống đỡ. Ăn nữa hay không… ta bẻ…
- Bà bẻ ở đâu?
- Ở vách nhà, mái nhà, kem,
sữa, tuyết, đường, kẹo, bánh hạnh nhân… sẵn cả bên ngoài.
- Vậy anh em cháu đã tới xứ
thần tiên?
- Ha ha, cũng có thể gọi như
thế…
Nhưng bà ơi, tụi cháu muốn
về nhà…
- Vội gì, uống sữa đi, rồi
ta còn mang si rô ra thêm. Đứa nào thích mùi dâu tây, cam, thơm… ta lấy ngay.
Mà ta nào biết nhà tụi bây ở đâu.
- Bà không có phép thuật gì
sao?
Mụ già long cặp mắt và bỏ đi
lập tức. Hai đứa bé ngần ngừ trông theo, dợm đứng khỏi ghế. Nghĩ sao chúng lại
thôi và ngó nhau. Mùi sữa với sô cô la béo ngậy hấp dẫn. Chúng uống cạn mà hãy
còn thèm thuồng. Mụ già lấy si rô lâu quá. Cơn buồn ngủ xâm chiếm cặp mắt chúng
mau hơn. Hoài Minh vừa kịp ẵm em gái đặt lên giường, rồi hai đứa sụp mắt vào
giấc êm đềm.
*
Trải qua không biết bao giờ
khắc để chúng tỉnh lại. Có một sự gì bất ổn. Ngoài chuyện bình thường là chúng
đang đói. Hai đứa bé nhớ đến bữa tiệc bánh kẹo và liếm mép. Hoài Thu nhận định
sự việc mau chóng, bé rú lên:
- Trời ơi! Mụ phù thủy biến
chúng ta thành đồ chơi.
Hoài Minh chạy nhanh đến cửa
sổ. Nó nhìn thấy một cái tách khổng lồ án ngữ tầm mắt. Tách, dĩa của căn phòng
ăn chúng ngự đầu tiên bây giờ to lớn hơn cả chúng vô tri nằm đó. Chẳng rõ chúng
“đến” đây bằng cách nào? Mụ phù thủy không định ăn thịt chúng sao? Cửa phòng
này lại mở. Nhìn ra một màn tuyết vây quanh cho đến bức tường đá xa xa. Hai đứa
bé muốn thoát khỏi chốn này. Hy vọng chúng chưa thành đồ chơi. Một con bé xốc
xếch cầm chổi đi vào. Ồ! Chúng ta phải gọi bằng chị mới đúng.
- Chị làm gì ở đây?
- Chị sống cho hết đời ở
đây.
- Chị là “cô bé lọ lem”?
- Ừ, họ gọi chị là “con lọ
lem”.
- Nói vậy chúng ta là đồ
chơi trong tay mụ phù thủy?
- Ừ, hai em là nạn nhân mới
của mụ già quái ác.
- Sao mụ lại biến chúng ta
ra người tí hon?
- Chắc mụ điên. Thôi để chị
quét nhà cho sạch. Kẻo mụ đánh đòn.
Có tiếng cười đùa rộn rã và
tiếng chân chạy sầm sập. Hai đứa bé đưa mắt nhìn “con lọ lem” ngụ ý dò hỏi.
- Mười hai thằng quỷ sứ đó
mà. Phá phách chạy sùng sục cả ngày, phòng nào cũng thậm thọt chun vào dò xét.
- Phải 12 chú thợ đóng giày
tí hon không?
- Đóng giày hả? Đánh giày
thì có, và chẳng có ông chủ tiệm giày nào ở đây cả. Ngoài ông già ba trợn tự
xưng “Hiệp sĩ giết khủng long”. Mấy em có muốn làm quen?
- Thôi, tụi em chỉ muốn
thoát khỏi nơi này.
- Hu hu, ba má ơi!...
- Làm sao mà chúng ta to lớn
như cũ sẽ có cách về nhà.
- Vậy mụ phù thủy đâu rồi?
- Mụ cũng biến hóa nhỏ nhít
như chúng ta mỗi khi cần tiếp xúc. Chao ôi! Mỗi năm mỗi thêm đồ chơi, mấy lúc
chật nhà phải ra ngoài đồng.
- Lạ này, em nhớ trước khi
thành tí xíu thì khu vực này đồng cỏ xanh um chớ nào phải màn tuyết vây quanh.
Hoài Thu nhận xét như trên
và được Hoài Minh tiếp ý:
- Hay chị em mình trốn đi?
Cô lọ lem ái ngại gạt phắt:
- Trốn đi đâu, làm sao leo
qua tường cao, có thể rơi xuống bàn chết tươi. Chúng ta là đồ chơi bằng ngón
tay, trong khi mụ to lớn tài phép. Mụ đủ sức bắt lại hay giết bỏ chúng ta.
- Vậy chị đành sống an phận
hoài nơi đây?
- Ừ, bốn năm có dư đó các
em. Nhưng nếu các em tìm ra được bí mật…
- Bí mật gì?
- Đó là mấu chốt để chúng ta
trở lại con người bình thường. Lúc ấy mụ già sẽ để chúng ta tự do.
- Có ai thoát được bao giờ
chưa?
- Không một ai, dù đã tìm đủ
mọi cách.
Một đám đông ùa vào như cơn
trốt. Mọi cặp mắt đều chăm chú quan sát hai đứa bé. Cô gái đỏm dáng có nước da
bánh mật vui vẻ hỏi:
- Chị lọ lem xong việc chưa?
Chị quen hai đứa bé này?
- Tội nghiệp chúng còn quá
nhỏ để phải xa cha mẹ.
Chị Lệ Huyền có gì cho chúng
ăn với.
- Được, chờ một chút. Chú
Bếp về lấy bánh mì với ba tê mau lên.
Một chú lùn nháy nhó cười và
thoăn thoắt chạy biến. Sáu chú còn lại nhón mình để so chiều cao với Hoài Minh.
Cố lắm cũng chỉ tới vai thằng bé 13 tuổi. Bé Hoài Thu làm quen:
- Chị là công chúa Bạch
Tuyết?
- Ồ không!
- Công chúa ngủ trong rừng?
- Em mơ mộng quá. Chị là cô
gái đen đúa, cháu của mấy chú lùn…
- Hèn gì chị tên Lệ Huyền,
còn chú này : Cau Có phải không? Hay Vui Vẻ, Kiên Nhẫn…
- Sai hết rồi. Họ mang tên
theo nghề nghiệp chớ không phải theo tính thình.
Từng chú một tiến ra trình
diện tự giễu và giới thiệu tên:
- Chú Thợ, chuyên làm đủ thứ
Mộc, Hồ, Da, Sắt…
- Chú Nghệ Sĩ, chuyên làm
trò diễn kịch, ca hát.
- Chú Văn Sĩ, chuyên làm
thơ, viết văn, yêu văn nghệ.
- Chú Nông Phu, chuyên làm
rẫy, làm ruộng…
- Chú Thợ Rừng, chuyên bắt
thú nhồi bông…
- Chú Thuyền Chài, chuyên đánh
cá…
- Và đây chú Bếp, kỳ tài nấu
ăn, mời hai em dùng bánh mì xúc xích, trứng chiên… Miam, miam.
Hai đứa bé ngạc nhiên trước
sự kết hợp kỳ diệu này, ngơ ngẩn trước hai đĩa trứng thơm lừng và hai khúc bánh
mì to tướng.
Chúng ngán bánh kẹo quá.
Không chừng mụ phù thủy biến chúng nhỏ con để đỡ tốn kém đây mà. Hai anh em thờ
thẫn ngồi hằng giờ. Chúng chưa thích ứng với cuộc sống kỳ lạ này. Mụ phù thủy
không buồn xí gạt hai đứa bé nữa. Không còn bánh, kẹo… hấp dẫn mà chỉ là những
khúc bánh khô ăn đến chán ngắt. Mụ chưa tìm cho hai đứa bé việc làm thích hợp,
nên tạm thời hai đứa còn rong ruổi. Mụ để hai đứa “tự do”. Nghĩa là có thể ra
vào bất cứ phòng nào, kể cả phòng của mụ. Căn phòng chứa đầy dụng cụ kỳ quái
như chính con người của mụ. Ở đó có một con mèo già quạu quọ. Bé Hoài Thu đặt
nó là “con mèo đi hia”. Riêng Hoài Minh ngờ rằng đó là tướng tinh của mụ phù
thủy. Nếu giết chết con mèo, biết đâu mụ sẽ chết theo và bao quyền phép sẽ được
giải tỏa. Cả hai rình chộp con mèo. Con mèo phản ứng mạnh. Nó chống cự và nhảy
lung tung làm đổ tháo một số chai lọ trong phòng. Và con mèo chạy vút qua phòng
bên, hai đứa bé nói ý định mình cho các bạn nghe. Họ cười ngất và cho biết con
mèo cũng là một nạn nhân. Nó nào ưa mụ phù thủy, dù mụ cho nó ăn hàng ngày. Có
lẽ nó sợ hãi lắm thì phải. Hai đứa bé hối hận vô cùng. Chúng tìm gặp con mèo
nằm khoanh dưới chân một ông lão hom hem. Ông ngộp mùi rượu mà con mèo chịu
đựng được. Bất đắc dĩ, chúng mới vào đây. Vì đã có lời dặn trước, các bạn chúng
nói ông già ba trợn sẽ có 1001 chuyện dóc kể hoài không hết. Và có một chuyện
ông cứ lải nhải mãi trong khi mọi người đã chán ngấy : … “Ngày xưa, ông ta giết
khủng long giữ kho tàng châu ngọc…” Ông già xốc xếch dị dạng, chớp chớp cặp mắt
đổ ghèn:
- Tụi nhỏ đi đâu đây? Ngồi
xuống nghe lão kể chuyện…
- Hổng được đâu ông ơi, ông
có cách nào giúp chúng cháu trở lại hình người?
- Hiện giờ tụi cháu đang là
người, sao lại nói…?
- Cháu muốn trở lại to lớn
như xưa…
Có tiếng thở dài, và ông lão
buồn rầu đáp:
- Mụ vợ ta thiệt kỳ quái, ta
có làm gì đâu mà cũng bị nhốt. Rồi mụ mỗi năm mỗi đem người và thú vật để bầu
bạn cùng ta.
Hai đứa bé lơ đãng nhìn con
kỳ đà to tướng nằm im trong lồng sắt. Giọng ông lão vẫn mơ màng câu chuyện
khủng long khạc ra lửa. Hai đứa bé thầm nghĩ : “Thôi đúng rồi, ông già khéo
tưởng tượng, con kỳ đà còn sống nhăn mà cứ nói đến con khủng long khổng lồ đã
chết…” Hai đứa bé len lén rút lui. Bỗng bé Hoài Thu kêu “oái” lên. Nó vừa động
chỗ chân trặc. Ông già chú ý và kêu giật lại. Ông nắn nắn chỗ chân đau con bé
và kéo mạnh. Tiếng la đau thứ nhì thoát ra. Lần này nụ cười con bé tươi hơn và
bước đi đã trở lại dễ dàng như xưa. Cùng lúc Hoài Minh phát giác sự khác lạ.
Căn phòng này không giống bất cứ căn phòng nào. Hoài Minh đi quanh quẩn dò xét.
Nó lẩm nhẩm đếm. “Quái! Sao chỉ có 8 căn phòng?”
- Này em, em còn nhớ rõ ngôi
nhà trước khi chúng ta quá nhỏ?
- Có chứ, “hiện thời” chúng
ta đã “vào” đó.
- Anh nhớ có 9 căn phòng, mà
hiện thời chúng ta đang ở căn phòng trung tâm. Các phòng đều bằng nhau. Sao đây
có vẻ nhỏ hơn. Căn phòng thứ 9 đâu?
Một tia sáng lóe lên trong
đầu óc của hai đứa bé. Chúng phải tìm cho ra lời giải đáp, căn phòng thứ 9.
Trước hết chúng báo tin với các bạn. 7 chú lùn tròn xoe mắt nghi ngờ. Con lọ
lem tràn đầy hy vọng. Có vậy mà bọn họ nghĩ không ra. Nàng Lệ Huyền thực tế
hơn:
- Hình như 12 đứa đáng giày
rành việc này.
- Ừ đúng! Ý mà sai. Tụi tôi
kiếm mấy năm nay có thấy gì đâu. Không đũa thần, phép tiên, thuốc thánh, điều
ước… ngoài 8 căn phòng rộng rãi.
Thằng bờm xờm tiếp lời:
- Chao ôi! Hết xuân qua, hè
đến, thu đi… và nay mùa đông sắp về… Mấy mùa rồi nhỉ?
Con lọ lem bi quan:
- Giáng Sinh năm nay, mọi
người đều buồn tẻ, không quà, không ngỗng quay… May thay òn những cây thông
ngoài tuyết giá…
Hoài Minh trái lại, cương
quyết khuyên:
- Tôi phải tìm cho ra căn
phòng thứ 9. Và Giáng Sinh này chúng tôi phải ăn ở nhà, cũng như không bỏ dự
thánh lễ nửa đêm. Các bạn chớ thất vọng.
Mọi người lục tục giải tán.
Chỉ còn ánh nến lung linh và ý nghĩ hoạt động trong tiềm thức của hai mái đầu
xanh hy vọng. Hoài Minh đã tìm ra kết quả bài toán. Nó nóng lòng muốn chứng
minh ngay. Trong đêm tối nó băng băng xuyên qua các căn phòng. Con mèo vá đen
trắng thấy nó thì khiếp vía, đôi đồng tử nở lớn vì ngạc nhiên. Lúc con mèo rền
rĩ và dạt về một góc, nó nhảy phóc lên giường mụ phù thủy. Mụ vừa thức dậy để
thấy con vật mụ thương và thằng bé dễ ghét. Nó lại còn ra điều kiện với mụ:
- Bà sẽ thả hết mọi người
ra.
- Tại sao? Muốn sống hay
muốn chết bé con?
- Bà sẽ phải thả tất cả – Hoài
Minh lập lại. Và nó kiêu hãnh đi qua phòng kế bên đập cửa ầm ầm:
- Mở cửa…
Ông lão ngái ngủ nên gắt:
- Tại sao lại bất lịch sự và
hỗn láo với người lớn vậy hả? Cút ngay.
- Bà ơi, bí mật là đây,
trong căn phòng của cái ông già ba trợn…
Mụ phù thủy giận dữ khi có
người dám gọi ông chồng là ba trợn. Mọi người vừa kịp kéo đến. Nhất là 7 chú
lùn và 12 thằng nhãi ranh. Cử chỉ của họ biểu lộ một sức chống đối sắp bộc phát
nếu mụ phù thủy toan giở trò hung hăng. Tiếng một con sói tru dài, nghe vang
âm, phảng phất gần đâu đây. Hoài Minh vùng khỏi tay mấy chú lùn. Nó xô cái lồng
giam con kỳ đà văng một bên. Rồi nó xê dịch cái giường ọp ẹp của hiệp sĩ ba
trợn. Một đường nối vách hiện ra mờ mờ. Không do dự nó đẩy mạnh và té sấp qua…
Qua căn phòng thứ 9 kế bên. Mụ phù thủy không kịp ngăn chặn mọi người. Họ chen
nhau vượt qua mụ. Cả lão ba trợn cũng bị lấn sang bên. Họ đã thấy gút mắc của
vấn đề. Trên cái bàn có mô hình đồi núi và nhà cửa, mọi người đã tìm lại chính
bản thân mình. Trừ hai anh em Hoài Minh, Hoài Thu và mấy con vật không có linh
hồn. Thật ra đây chỉ là một phần ba của căn phòng thứ 8. Hai đứa bé còn biết
căn phòng thứ 9 kế bên. Đó cũng là căn phòng biến mất và cũng là căn phòng hai
đứa ngủ đêm đầu đi lạc. Thì ra mụ phù thủy là một mụ già tầm thương như bao
người. Nhưng mụ tài ba ở chỗ đã tạo ra cảnh vừa hư vừa thực để đánh lừa sự dễ
tin của mọi người.
Mụ mưu mô gì? Có trời biết.
Ngay ông chồng mụ cũng đinh ninh mình biến ra tí hon để làm một món đồ chơi.
Những mèo, chó, gia súc… biết sự thật… Than ôi! Chúng không biết nói, nên sự
thật sẽ mãi nằm yên nếu không có ngày hôm nay. Hai đứa bé xô cửa phòng bên.
Vầng ánh sáng lợt lạt của màu trắng toát nền tuyết phản chiếu với bầu trời,
nhưng sao mọi người cảm thấy tươi đẹp lạ. Bây giờ họ mới chú ý đến thời gan.
Thời gian vẫn trôi đều đặn. Trước kia mọi người u mê không nhận ra, làm gì
trong thế giới đồ chơi lại có đủ thời gian cùng năm tháng. Mọi người hớn hở kéo
nhau đi. Họ phải về lại quê hương xa cách. Thằng bờm xờm đi sau chót. Nó không
biết phải về đâu. Con chó sói ngồi rầu rĩ trong góc phòng, không ai chú ý đến
nó và mụ phù thủy cả. Còn lại lão hiệp sĩ ba trợn. Lão cũng không hiểu từ xưa
đến nay lão là đồ chơi hay người thiệt. Lão kéo tay mụ vợ. Mụ vợ không trở vô.
Mụ bận đưa mắt căm tức nhìn những “nô lệ suốt đời” mờ bóng dần xa. Mụ tiếc cho
công toi. Quay vào, mụ đá ngã cái bàn vì vô tình là đồng lõa cho tội lỗi.
Khi hai đứa mò về đến nhà…
Khỏi phải tả cái cảnh hàn huyên và đầy cảm động ấy. Bà mẹ không tin câu chuyện
do hai đứa con kể. Chúng đưa thằng bờm xờm ra làm chứng. Bà mẹ nghĩ rằng con
mình dại dột bỏ đi lạc, nay trở về sợ bị đòn nên đặt chuyện. Bà đinh ninh thằng
bờm xờm là một đứa trẻ trốn từ cô nhi viện. Bà muốn nuôi nó làm phước, tiện thể
bầu bạn với hai đứa con… Lòng mẹ thương con đã bỏ qua tất cả. Riêng ông Hoài Nhân
phân vân, không biết có nên góp nhặt và viết lại trong tập truyện cổ tích vĩ
đại mà ông đang khó nhọc sưu tầm? Ông chỉ nhẹ nhàng khuyên con đừng liều lĩnh
đi chơi xa nữa. Lần sau biết đâu sẽ gặp chó sói ăn tươi. Mấy đứa bé bồi hồi nhớ
lại chuyện cũ. Chúng hết tin ở chuyện thần tiên. Không có phù thủy, chằn, hoàng
tử, công chúa… đẹp như tiên, tài phép gì ráo. Chỉ có người bằng xương, bằng
thịt sống kiếp khổ sở lầm than. Ước gì Giáng Sinh năm nay lại được họp mặt cùng
nhau. Lại ước với ao như chuyện thần tiên! Thằng bờm xờm đưa ý kiến nên liên
lạc với các bạn cũ, hơn là ngồi chờ phép lạ.
Giáng Sinh năm đó, nhà ông Hoài Nhân
vui hơn Tết. Hàng xóm không biết từ đâu có khách đến quá đông. Trẻ con tò mò
nhìn 7 chú lùn. Hai cô gái, 7 chú lùn, 15 đứa bé nắm tay nhau nhảy múa quanh
cây thông lấp lánh dây kim tuyến và lủng lẳng đồ chơi. Ông bà Hoài Nhân
thốt lên sung sướng:
- Như chuyện thần tiên…
PHAN KHƯƠNG THÁI