Sau rốt, anh
chị ấy về và chỉ ba hôm sau, là đến ngày mẹ con tôi ra đi. Nhưng nếu mọi chuyện
đều êm xuôi thì đến đây còn gì mà kể ra làm rầy tai bạn? Còn hai hôm nữa lên
xe, cu Minh kêu đau trong cổ và cặp mạch thấy sốt. Không sốt nhiều, nhưng mà
có… sốt. Tàn nhẫn chưa, trời?
Thật là một
cơ hội tốt cho ba tôi bàn lui. Ông bảo mẹ tôi thế này chứ:
- Thôi, con
nó đau, để nó ở nhà… Được đó! Có một đứa nhỏ ở nhà cho vui.
Đang ngậm cái
ống thủy, cu Minh lập tức phun ra:
- Con đâu có
đau, ba? Con không đau mà, ba!
- Không đau,
hừ! Thì không đau, chỉ sốt thôi, rồi đi đường gió máy…
Mẹ chỉ biểu
lộ sự thất ý bằng cái thở dài. Tôi đứng cạnh mẹ tôi, đưa mắt hỏi thầm và mẹ tôi
cũng trả lời bằng mắt rằng : “chưa thấy bớt” sau khi mang kính vào, cẩn thận
xem kỹ ống mạch.
Thời gian cứ
tuần tự trôi : còn ngày rưỡi nữa là lên xe. Mẹ tôi chăm chỉ lấy nhiệt độ cho em
tôi hơn. Nhiệt độ của nó càng có vẻ kỳ cục hơn : không tăng hẳn, mà chỉ tăng
chút chút chứ không xuống. Tôi tưởng có thể điên lên được. Còn đương sự thì
nước mắt đoanh tròng mỗi lần nghe bàn đến chuyện ở nhà. Thú thật trước đó tôi
cũng ưng được đi, không màng đến lũ em, nhưng giờ đây, trông tình cảnh đó lại
chạnh lòng không nỡ, nhưng hoãn ngày đi lại ư? Đời nào tôi chịu, hoãn hai ba
lần rồi! Tôi nôn nả lắm rồi.
Mẹ tôi, với
một vẻ bình thản giả vờ, lo soạn áo quần cho vào va ly. Vì là chúng tôi định đi
cả vùng nóng và có biển là Phan Rang và vùng lạnh là Đà Lạt nên hành trang hơi
bề bộn: có cả thứ quần áo mỏng cho nơi này và áo len, áo mưa, thêm cái dù đen
cho chỗ kia, chưa kể đồ tắm biển.
Nằm trên
giường, đưa mắt buồn bã nhìn mẹ tôi, em trai tôi nói với giọng cam chịu:
- Chắc con
không đi được, ba không cho.
- Không sao,
chiều nay mẹ đưa con ra bà bác sĩ, hỏi ý kiến bà…
- Lỡ bà nói
con không đi được thì sao?
- Sao lại
không đi được? Tại con không nghe lời mẹ, dầm nước hoài nên cảm sơ sơ chớ có gì
đâu mà lo.
Mẹ tôi trấn
an nó và đưa tay sờ vào trán nó – lần này là lần thứ bốn mươi mấy trong hai
ngày – trong khi tôi cũng đay nghiến nó lần thứ bốn mươi:
- Mày có thèm
nghe lời tao đâu. Mày là đứa lỳ lợm…
- Thôi, con
đừng mắng em, tội nó!
Mẹ tôi bênh
vực con trai út. Ba tôi trờ tới:
- Sao rồi? Mẹ
con bà tính sao?
Quay sang con
trai:
- Sao? Con
chịu ở nhà với ba khôg? Ở nhà rồi ba cho đi Cấp…
- Con không
ưng đi Cấp, tắm Cấp hay chết đuối… mà không vui…
Ba tôi hừ một
tiếng. Không ai hiểu nghĩa tiếng hừ này, trừ mỗi mình mẹ tôi.
Hai giờ
chiều, mẹ tôi đi mua vé xe. Ba tôi bảo:
- Mua ba vé
thôi. Ngộ sáng mai nó không bớt thì để nó ở nhà. Đi chơi chứ đi đâu mà hăng
quá.
Đáng lẽ cãi
lại nhưng nghĩ sao, mẹ tôi làm y như ba. Bà giải thích cho Minh như sau:
- Đừng lo gì
hết. Vì mẹ muốn cho rộng rãi nên tính mua bốn vé, chứ mua ba cũng không chật
đâu, vì thường thường hai đứa nhỏ như con với Bé chỉ một vé thôi. Sáng mai thế
nào con cũng được đi!
Ngay cả tôi
cũng không còn lòng dạ đâu mà đòi hỏi chật rộng huống em tôi. Chiều đó, bà bác
sĩ khám cho nó tuyên bố là “không sao, đi được” làm cho em tôi mừng cuống. Đó
là lần thứ nhất mà tôi trông thấy bà bác sĩ cận thị, già nua, nhăn nhó bỗng
dưng đẹp lên, trẻ ra thập bội so với tuổi bà!
Và lần đó
cũng là lần mà tôi dễ điều dộng tụi em hơn bao giờ hết. Bảo gì cũng vâng dạ răm
rắp, Vitamin C được chúng chiếu cố tận tình (mẹ tôi hà tiện, không cho ngậm thứ
kẹo, bảo uống thứ viên chua hơn giấm!)
Tối lại, tôi
và mẹ thức khuya để kiểm soát hành trang lần cuối. Tôi xin mẹ một chút nước cô lôn (không thơm mấy so với nước hoa
của mẹ, nhưng cũng tàm tạm), mấy cái khăn tay trắng tinh khôi được đem theo. A,
lại có ít bạc giấy mới 5đ, 10đ, 20đ, rất là sạch sẽ theo thói quen của mẹ. Cái
cặp lớn của mẹ tôi còn có mấy cuốn sách. Trong cái xắc nhỏ của Bé có cả lọ cù
là, ngoài ra còn lỉnh kỉnh vô số thuốc cảm, Vitamin B, Vitamin C, thuốc tọa
dược v.v…
- Cẩn tắc vô
ưu! – Mẹ tôi nghiêm giọng tuyên bố – cẩn thận tốt hơn.
Bảy giờ sang,
mẹ con chúng tôi đã chỉnh tề quần áo, chẩun bị lên xe. Minh hớn hở nét mặt,
mừng quá hóa no cho đến nỗi không uống cạn cốc sữa nữa.
Và đúng bảy
giờ rưỡi xe chuyển bánh. Chúng tôi cùng một loạt thở phào. Minh tuân lời mẹ
chịu mặc áo khoác ngoài, không phản đối như thường lệ. Chỉ 15 phút sau, chúng
tôi từ giã Sài Gòn, với những con đường chật chội, xe cộ và khói xăng, và những
làn sóng người cuồn cuộn, thành phố rất ít màu xanh. Giã từ với tất cả náo nức,
hân hoan. Ba tôi nhượng bộ!
Thưa quí bạn,
chúng tôi đi nghỉ hè, đấy ạ!
Hai giờ chiều
chúng tôi đến thành phố Phan Rang. Không ăn trưa mà vẫn thấy no vì mừng quá. Bà
tôi, cậu mợ, con bé giúp việc, cả đến con chó giữ nhà cũng vẫy đuôi mừng.
Những ngày
nghỉ thực sự bắt đầu. Tôi không ngớt dặn Minh phải dè dặt, cẩn thận vì vừa mới
bớt sốt, nhưng chỉ đến ngày thứ ba là nó leo cây thoăn thoắt hơn cả khỉ. Suốt
ngày nó không ngừng nhai : hết thơm đến mận, hết mận đến khế, ngưng khế thì đến
lượt mãng cầu, ổi, xoài, thanh long… Nó lộng hành đến mức buổi sáng chê quà có
tại nhà, xin tiền mẹ đi mua đứa gói xôi và nhìn tôi cười đắc thắng, ra vẻ ta
đây nay đã trưởng thành! Mà động mình có nói đến thì bà bênh, cậu mợ bênh hay
mẹ bênh. Buổi trưa nó không ngủ, tha thẩn ra vườn suốt buổi. Ốm đau biến mất,
nó hồng hào trông thấy sau 10 ngày tắm biển và ăn uống tha hồ. Vâng, cả hai đứa
em tôi đều khá hết. Riêng tôi, tôi không khỏi giật mình khi đứng lên cái cân –
cậu tôi vừa đem trong tủ ra – thấy lên hơn hai ký.
Nhưng tôi có
thể nhịn ăn mà không thể nhịn tắm biển được. Nước mát rợi, hấp dẫn quá đi thôi.
Ngày nào cũng đi tắm. Hễ cậu bận đi làm thì mẹ con thả bộ ra chợ, đi xích lô ra
bến xe, từ bến xe đi xe lam xuống biển Ninh Chữ. Lượt về, luôn luôn chúng tôi
phải ngồi chung với cá.
Mẹ tôi dạy
cho Bé bơi. Mẹ hãnh diện nói:
- Mẹ sẽ dạy
cho Bé biết bơi trước khi về Sài Gòn.
Năm 69 mẹ đã
dạy tôi bơi, cũng tại biển Ninh Chữ dịp hè. Năm 71, mẹ đã dạy Minh bơi tại biển
Qui Nhơn và năm 73 này, tại Ninh Chữ mẹ tôi lại tuyên bố sẽ dạy em út tôi trở
thành người nhái trước khi về.
Mấy cô bạn,
cậu em của mẹ tôi bỏ đi mất tiêu : người về Sài Gòn, người lên Đà Lạt, mẹ không
ngớt lầu bầu rủa họ. Nhưng rủa thì rủa, mẹ vẫn tiếp tục đi biển với chúng tôi.
Về phần tôi,
có hẹn trước với bạn tôi là ngày 20 có mặt ở Đà Lạt nên tôi nhất định đòi mẹ đi
Đà lạt ngày 19. Trong lúc đó hai đứa nhỏ lại ưng ở Phan Rang, viện cớ rất chính
đáng : Đà Lạt không có biển.
Trong tâm
trạng khôn xẻ làm hai được, mẹ tôi
cầu nhầu, la lối, mắng mỏ chán lại dỗ dành. Và sau rốt, điều tôi yêu sách được
như ý : ngày 20 mẹ con chúng tôi rời Phan Rang. Áo tắm – tất cả áo tắm – được
xếp gọn, để lại Phan rang, nhờ dì tôi gửi về Sài Gòn sau.
Nhân cậu M.
chở sách lên phát hành trên đó, cậu rủ mẹ con tôi đi cho vui. Tôi nhìn cái xe
mà ngán ngẩm : chỉ có vài chỗ ngồi cùng với tài xế phía trước, phía sau y như
một toa hàng hóa của xe hỏa, chúng tôi ngồi vào đâu? Nhưng cậu đã làm cho chúng
tôi hết do dự bằng một câu rất dễ thương:
- Kệ nó chị!
Chật chật chút mà vui, chị với các cháu đi xe đò buồn chết đi. Em nhường chị
với tụi nhỏ ngồi trước…
Mẹ tôi nghe
bùi tai, gật đầu liền. Nhưng tôi hiểu các
cháu đây chỉ là hai con muỗi tép Minh, Bé kia chứ tôi chen vào chỗ nào? Tuy
thế, tôi không ta thán gì (đôi khi mình cũng nên biết hy sinh chút đỉnh, vì đại
cuộc!)
Mẹ tôi hỏi
lại:
- Nhưng cậu
ngồi đâu?
Cậu M. bối
rối – một chút thôi – rồi cười thật tươi:
- Lo gì, em
cho đặt them vài cái ghế dựa, ngồi ngon lắm!
Tôi chưa biết
hình dung những cái ghế dựa đó sẽ đặt làm sao trong lòng xe thì cậu Kh. trờ
tới:
- Tao đi nữa
đó M.!
Trời ơi! Nếu
có them ông cậu này, tôi sẽ ngồi đâu? Vậy mà mẹ thì tỏ ra vui vẻ vì có thêm một
cậu em cùng đi.
Đúng bảy giờ
rưỡi sáng ngày 20 tháng bảy năm 73, có một cái xe thùng hiệu Toyota chở sách
khởi hành từ Phan Rang lên Đà Lạt. Băng trước : tài xế, mẹ tôi và hai đứa nhỏ.
Băng sau, hai ông cậu trên hai ghế dựa ni lông còn tôi, đứa cháu gái hùng dũng như con trai (theo lời mấy cậu
nói) thì ngồi cùng với sách trong hốc kẹt! Mẹ tôi đề nghị cho tôi được ngồi
trước với hai em, mẹ ngồi sau, nhưng tôi đâu chịu vậy! Tôi có dịp để hy sinh,
sao lại bỏ qua?
Phong cảnh
đẹp lùi dần. Ngồi chỗ tôi mà muốn nhìn phong cảnh thì phải cúi đầu thấp xuống,
phần thì hai ông cậu hút thuốc như hai cái ống khói, tôi chả thèm nhìn làm chi,
mang kính vào, giả vờ ngủ. Được mươi lăm cây số chi đó, tôi đang lơ tơ mơ bỗng
giật mình vì cậu M. muốn nôn : mặt cậu xanh khướt. Cậu Kh. vội vàng ra hiệu cho
ông tài xế ngừng lại. Mẹ tôi nhảy phóc xuống (ấy, mẹ con tôi vẫn nhanh nhẹn xưa
nay) chạy ra sau, hỏi dồn:
- Sao đó? M.
mệt rồi phải không? Biết ngay mà, em mới ốm khỏi. Thôi, ra trước ngồi với các
cháu đi! Chị ngồi sau này cho!
Cậu M. không
từ chối, giọng cậu yếu xìu:
- Tại em mới
bịnh… chớ thường em khỏe lắm. Chị ngồi phía sau được không?
Cậu Kh. chen
vào:
- Khỏi lo,
chị tao chì lắm, M. ơi!
Quên, tôi
chưa giải thích với quí bạn : nghe đâu cậu Kh. này là thi sĩ, vừa dạy học vừa
làm thi sĩ. Cậu bảo là cậu sẽ hướng dẫn mẹ con tôi khi lên Đà Lạt, tôi chỉ cười
khẩy, vì tôi có con bạn hiền chờ trên
đó, tôi đâu cần nhờ cậu! Nhưng chỉ để bụng chứ không tiện nói ra, e mẹ bảo là
mình vô lễ.
Nhờ chuyến đi
Đà Lạt bằng cái thùng xe chở sách, tôi suy rộng ra và xác nhận là sức khỏe tôi
và mẹ rất cừ : không có nôn mửa, mệt nhọc gì, chả bù với cô tôi, cô còn trẻ
măng mà mỗi lần từ Đà Lạt xuống là kêu ca đủ thứ, luôn luôn cô uống thuốc trước
giờ xe chạy.
Xe lên đến Đà
Lạt thì đã có mấy ông bạn của cậu M. (vốn trong nhóm văn nghệ văn gừng gì đó)
đón cậu liền. Thế là cậu quên hết cả chị
cả cháu trong nháy mắt. Cậu chào mẹ
con tôi và cậu Kh. lên xe khác dông đi chơi tức khắc, hết cả nôn mửa, nhọc mệt,
mặc kệ cả xe sách đang chờ phát hành. Cậu ra lệnh cho ông tài xế đưa mẹ con tôi
về chỗ trọ, thả cậu Kh. xuống chỗ trọ v.v…
Thật xui xẻo
: bạn tôi chưa lên. Trời thì mưa. Cũng may, mẹ tôi cũng đã biết rõ thành phố
này rồi cho nên không đến nỗi bỡ ngỡ lắm. Tôi đành làm người bạn vong niên với
cậu Kh. (tạm thời trong lúc không có người bạn đúng nghĩa). Mẹ con tôi lên đồi,
đến sân cù, tối tối, cô tôi lại đón đi chơi tầm phơ, có bữa thì ngồi nhà quấn
chăn đánh bài với hai đứa nhỏ. Có bữa, mẹ cho hai đứa nhỏ ra bờ hồ đi chơi trên
hồ bằng xe đạp nước.
Tôi không
vui, vì mãi đến ba ngày sau bạn tôi mới lên, mà con nhỏ này tồi quá : đến Đà
Lạt là ốm rồi. Một người hoạt động như tôi mà ngồi nói chuyện suông trong xó
với một cô bạn quấn chăn rên hừ hừ sao nổi? Ngày thứ bảy nó trở về Sài Gòn.
Cũng may cho chúng tôi : đến tuần lễ thứ hai thì có cậu L. đem xe đến chở chúng
tôi đi chơi cùng khắp : chỗ nào cũng có mặt, từ thác Cam Ly, thác Prenn, hồ
Than Thở, cơ sở Đại Học, mấy giòng tu v.v…
Khác hẳn thói
quen, mẹ tôi cho chúng tôi đi ăn hiệu đều đều. Chúng tôi cũng chụp hình loạn
xị. Những ngày càng gần hết hạn đi chơi, trời càng tốt, nắng to, ấm áp, trời
xanh lơ. Ai cũng ngạc nhiên vì Đà lạt vốn hay mưa vào mùa hè. Tôi nài nỉ với mẹ
ở lại thêm vài hôm nhưng vì đến hạn đưa em Bé về khám sức khỏe trước khi nhập
học và mẹ đã gởi thư về rồi nên không muốn để ba mong.
Ngày cuối
cùng, chúng tôi lại lên đồi vớt vát. Mẹ tôi ngồi trên thảm cỏ vươn vai, ưỡn
ngực hít lấy hít để bầu không khí trong lành, thanh khiết của một vùng đầy
những mầu xanh. Tôi dõi tầm mắt ra xa, xa tít tận chân trời cố ghi nhớ cái cảnh
đẹp và thanh bình mà tôi sẽ từ biệt vào sáng mai.
Vài chú nài
ăn mặc lòe loẹt dắt những con ngựa xinh xắn đảo qua đảo lại trước mắt. Thông
reo rì rào bên tai. Vài nhóm thanh thiếu niên cắm trại xa xa, trước mặt. Khung
cảnh như lau, sạch bóng, đẹp tựa cảnh trong tranh.
Cậu L. gọi
thằng bé bán kẹo kéo lại, tuyên bố là đãi chúng tôi một tiệc chay thịnh soạn trước ngày về. Chúng tôi chiếu cố tận tình,
cho đến khi hết nhẵn gói kẹo, cả đến hạt đậu phụng chót cũng không còn. Có cả
các anh (con bác tôi) và các em (con cô tôi) cùng tham dự.
Chao! Rõ ràng
là ngày vui ngắn chẳng tầy gang! Rồi sáng mai, chúng tôi lại lên xe. Lần này
mua bốn vé hẳn hoi.
Ngồi trong
xe, chúng tôi thò đầu ra, đưa tay bắt tay từng người một : cô tôi, chú N., cậu
L., trước khi xe rồ máy.
Con đường từ
Đà Lạt về Sài Gòn không giống như con đường từ Sài Gòn đi Phan Rang. Đồng cỏ
cũng xanh, hoa mầu cũng tốt, nhưng trừ rừng thông xinh đẹp hùng vỹ, chúng tôi
không còn bắt gặp được mùi thơm ngát của lúa trổ, mùi ngai ngái của phân hoai
trong các chuồng trâu bò ven đường, không có mùi khen khét của các rẫy nương
vừa đốt. Chúng tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì… Gió tạt vào mặt tôi lạnh
buốt mà không mang lại cái cảm giác mát mẻ của những cánh đồng no nước của đồng
ruộng Phan Rang, cái mùi quen thộc mà tôi đã phải xa từ lâu lắm.
Bất giác, tôi
như nghe văng vẳng bên tai những lời khuyến khích của cậu L. khi cậu đưa chúng
tôi đến bến xe:
- Cố học giỏi
đi rồi sang năm lại được nghỉ hè nữa, nhé!
Ôi! Nghỉ hè!
Hai tiếng mới cám dỗ làm sao! Ba tuần lễ đã trôi nhanh, như… tia chớp!
Chúng tôi chỉ
có vài thành tích nhỏ nhoi : em Bé đã biềt bơi và một số hình làm kỷ niệm.
Nhưng như thế cũng đủ, quá đủ rồi. Còn đòi hỏi chi hơn?
MINH QUÂN
(Trích tuần
báo Thiếu Nhi số 113, ra ngày 2-11-1973)