Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

CHƯƠNG XIV_THEO CHÂN THẦN TƯỢNG


ĐOẠN KẾT


Năm tháng trôi mau. Những dự tính to tát ngày xưa của lũ trẻ giờ đây đã thực hiện được một cách dễ dàng. Cậu bé nghèo nàn, chuyên đi chân đất trở thành một tài danh tên tuổi vang tận nước ngoài. Mỗi năm, Lâm ký trên 60 hợp đồng. Ở đấu trường nào có ghi tên El Lobo trong quảng cáo là đấu trường đó chật như nêm dù giá vé tăng gấp bội. Ở Tây ban Nha, ở Pháp, ở Mễ Tây Cơ...

Lâm cất ba biệt thự xinh xắn tại quê nhà : một cho mẹ và chị Mỵ Lan với các em mình, một cho mẹ Phong mà trong đó Mỹ Tâm cũng được coi như ruột thịt và một nữa, cho mẹ của Đông.

Không bao giờ Lâm đi đâu một mình, bộ ba dính liền nhau như người với bóng. Vì El Lobo, con sói của vùng Cốc Đô thật ra là cả ba nhập làm một.

Đông Bá Tước giờ đây vẫn chưa đi được như một người bình thường, nhưng đã có thể di chuyển một quãng ngắn đến các hàng ghế thân hữu ở khán đài danh dự bằng đôi nạng. Người bạn tàn tật, thông minh xuất chúng này đóng nhiều vai quan trọng : giao thiệp với ban tổ chức, thảo những câu in trên bích chương, trả lời khi báo chí phỏng vấn, viết thư cho khán giả hâm mộ... Tóm lại anh kiêm nhiệm nhiều chức vụ : là cố vấn, là đại diện, là quản lý cho El Lobo. Giao kèo cũng chính tay Đông ký kết. Chỉ khi nào Đông Bá Tước gật đầu thì El Lobo mới gật sau.

Phong luôn luôn có mặt cạnh Lâm, như cái bóng, anh là thần hộ mệnh, là người tiếp sức, là nguồn năng lực của Lâm, khi Lâm gặp hiểm nghèo, khi mà các tay đấu phụ sơ xuất hay gặp nhằm con bò quá hung tợn, hoặc nổi điên bất tử, không kịp trở tay. (Ngay cả khi Lâm cần đến ghim mà tay đấu phụ không kịp đưa, Lâm bị rơi kiếm mà tay đấu phụ không giúp được, lúc đó bên cạnh Lâm đã có Phong).

Vả chăng, đâu phải luôn luôn Lâm khắc phục được bò một cách dễ dàng ? Đâu phải lúc nào cũng thành công như thò tay vào túi ? Trên sân đấu, đôi khi Lâm bị khán giả la ó, bị bò hất tung lên cao, bầm mặt, sái tay; khi thì bị nó cày lủng vai, rách vế. Lại lắm lúc không chỉ chịu thảm nhục giữa sân mà áo quần tả tơi như những tấm giẻ lau bê bết máu, mặt mày sây sát, mồ hôi hòa lẫn trong giọt lệ thầm lặng, bẽ bàng. Những lúc ấy, cái thân hình như giẻ lau, khuôn mặt bê bết chan hòa máu lệ của Lâm đã tựa vào Phong để khỏi ngã quỵ giữa muôn ngàn con mắt khinh chê, và chỉ có Phong, người bạn trung thành này mới đủ can đảm mà dìu bạn lui vào bóng tối, không cần phản ứng lại sự bội bạc của đám đông tàn nhẫn, bất công.

Song nhiều hơn những giờ thảm bại, là những lúc họ say men chiến thắng, những lúc mà Lâm cầm tấm khăn đỏ xoay quanh con thú như người và vật đang khiêu vũ với nhau, những khi Lâm như bay bổng lên cao để tránh cái sừng nhọn hoắt, những lúc Lâm lừa được cho con thú mệt nhoài, khắc phục nó và cắm chính xác lên vai nó những cái ghim một cách nghệ thuật, tài tình, những lúc Lâm phóng kiếm hạ con vật trong tiếng còi báo hiệu vang lên dồn dập...

(Riêng Đông, anh vẫn nhắc đến cái lần con bò lực lưỡng, tinh quái ở Mân Đích dồn Lâm vào sát rào gỗ và trong lúc khán giả cũng như hai bạn thân nghẹn thở thì kỳ diệu làm sao : Lâm nằm xoài xuống cát làm cho con vật nó nặng gần 500 ký hăm hở đóng chặt cái sừng phải của nó vào thanh gỗ, ngập sâu cả tấc, nom như người ta ghim mũi ngòi viết trong củ khoai tây. Rồi trong lúc nó điên cuồng vì tháo không ra thì kẻ thù nó đã thoát khỏi và thoáng chốc lại đã phất phơ trước mắt nó cái khăn đỏ chói).

Cả ba tựa vào nhau sống, hưởng quang vinh, chia thảm bại, thống khổ hay sung sướng đều có mặt nhau.

Từ khi có tiền, Lâm rộng rãi đem ra giúp cho các bạn nghèo, xoa dịu bớt khốn khổ cho xóm cũ. Lâm vẫn là đứa con hiếu thảo, đứa em ngoan, Lâm là bạn tốt của xóm thôn cũ khô cằn, thân mến. Vì vậy, Lâm không giàu có mấy về mặt tiền bạc, song anh không lấy đó làm điều. Bộ ba luôn luôn tương đắc và cảm thấy mình giàu có hơn những ông hoàng, vì họ có nhau, có một tình bạn đặc biệt mà họ cho là hơn cả mọi ân sủng trên đời.

Không như những ngôi sao sáng khác với cái thông lệ xấu : hễ càng nổi tiếng, càng lên tột đỉnh vinh quang thì càng thấy cô đơn, càng sống bừa bãi, trác táng, xa hoa, phung phí. Anh cũng không kiêu ngạo giống họ. Anh luôn luôn nhã nhặn với mọi người, sống dung dị cùng hai bạn chí thân. Phải chăng đó là nhờ có Đông và Phong bên cạnh?

 Những khi rỗi rãi, ba người tụm lại nhắc chuyện ngày xưa : ngày xưa với đôi giày làm phồng chân con sói vùng Cốc Đô khi nó chưa có cơ hội chường mặt ra sân đấu, ngày xưa với bầy thỏ nằm ngủ cạnh Phong, đứa trẻ yêu bạn hơn cả chính thân mình; ngày xưa với thầy ký ngồi trong cái xe bằng thùng gỗ, bánh xe là bánh xe đạp phế thải không có lốp xe, viết thuê thư tình cho thiên hạ kiếm tiền; và ngày xưa của đứa em gái tóc khô quắt như râu ngô già, dừng lại hái hoa bên vệ đường dâng cho Đức Mẹ (bây giờ trở thành cô gái kiều diễm như bất cứ một tiểu thư nào).

Và còn, còn nữa : ngày xưa có thằng bé thập thò ngoài cửa khách sạn, bị nhân viên xua đuổi như xua ruồi, muốn vào đó phải lập mưu, tính kế... Ngày xưa, có thằng bé ngóng từng giờ chờ để được chiêm ngưỡng dung mạo của một tay đấu bò chọi tiếng tăm, có bốn đứa trẻ nghèo xác xơ, một sớm mai đưa nhau đi tìm kế sinh nhai và lập nghiệp với số tiền còm trong túi và cỗ xe đáng để vào viện bảo tàng...

Rồi cả ba nâng cốc lên, những cốc bia sủi bọt vàng óng như mật ong vừa vắt ra khỏi tổ, và trước khi cạn cốc họ cất tiếng ca ngợi tình bạn của mình bằng những câu rất cổ điển, rất phường tuồng :

- Vạn tuế tình bằng hữu của chúng ta !

Hay :

- Tình bằng hữu muôn năm !

Rồi một lần kia, theo lời đề nghị của Đông, họ đổi lại cho văn vẻ :

- Mừng cho tình bạn của chúng ta!

Họ lại cười vang, những tiếng cười yêu đời, ròn rã. Nhưng đôi khi, người đa cảm nhất là Phong lại rơm rớm lệ, làm Lâm phải gắt yêu ;

- Rõ dơ : đang vui mà lại khóc... kỳ không ?...

MINH QUÂN MỸ LAN
Sài gòn 24-8-1971      

theo ý của René - Guilolt
trong "Le Totero de Cordoue"

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>