Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Thương Mẹ











bao thu qua rồi me nhỉ
phủ mờ trên tóc mẹ yêu
hằng đêm con me ấp ủ
ước ngày đền trả công ơn.

đêm đêm nhìn me cặm cụi
lòng con bao nỗi xót xa
bao ngày khổ đau vất vả
vẫn còn đeo đẳng tuổi già.

mắt me mờ theo năm tháng
khiến con lệ thắm bờ mi
me ơi lòng con xao xuyến
công ơn biết trả bằng gì?

                              LAM TẦN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 124, ra ngày 1-3-1970)

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Ơn Cha















Cám ơn Cha thương con khác Mẹ
Cha làm thơ cho con ngủ êm
Cha đút con ăn khi Mẹ bận sinh em
Cha bồng con lên coi voi ăn mía

Cha tập con tựa hè đường ăn Bò Bía
Cha dạy đạp xe chỉ té một đôi lần
Cám ơn Cha những sáng mùa đông
Cha bôi dầu ấm tóc con
trước khi đi học

Cha nhắc học bài, nhắc đi ngủ sớm
Cha cắt cất
những bài thơ non nớt của con
Vào cõi tâm lương thiện Sài Gòn
Cha dặn con
Sống ở đâu
Cũng sống bằng lương thiện ấy

Cẩn trọng từng lời ăn và tiếng nói
Lấy tâm thành, chánh ý đãi nhau.
Ơn Cha như nắng trời cao
Lời von, cách ví con nào quên đâu

Thương Cha hơn triệu vì sao!!!

                              Nguyễn Việt Thường
                                     Father's Day 2019

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Huế và MẸ



… Rồi vĩnh biệt, Mẹ sang bờ ảo giác
Gió trăng vàng mờ mịt bước hư vô
Chủ nhật buồn, Mẹ khép mắt nghìn thu
Ôi giấc ngủ muôn đời con nhớ mãi…

*

Ngày tôi bước vào đời là ngày Mẹ không còn nữa. Mẹ vĩnh viễn xa tôi vào một buổi chiều chủ nhật, khi nắng còn gay gắt soi tàng cây đổ bóng xuống thềm. Mẹ ra đi giữa hai hàng nến trắng, vầng trán cao và đôi mắt chìm vào miền viễn du huyền hoặc, để lại trong lòng tôi bao nỗi xót xa.

Ôi Mẹ, biết bao lần tôi mơ thấy Mẹ. Hai mươi mốt năm qua vẫn mường tượng như mới ngày nào Mẹ còn ra chợ mua sắm thức ăn cho tôi lần đầu tiên đến nơi làm việc – một phòng thí nghiệm không xa nhà lắm, nhưng để giữ gìn sức khỏe, Mẹ bắt tôi phải ở lại đó vào buổi trưa. Dưới mắt Mẹ, tôi vẫn là cô bé lên năm lên sáu, đã từng khóc hu hu khi Mẹ dùng môn ngứa và gai bưởi xỏ lỗ tai, hoặc khi mẹ dọa đánh vì nghịch nước nơi bến sông sau nhà ngoại, gió chiều về lạnh tím môi cứ nhảy nhót lung tung, không chịu lên bờ thay quần áo.

Tôi ra đời đã thấy một bà ngoại quắt thước lạnh lùng, thường bênh vực những đứa con của dì Nết dì Na và hay la tôi. Mãi sau này tôi mới biết, đó là bà ngoại “ghẻ”, còn bà ngoại “thật” của tôi đã mất từ lâu. Chỉ có ông ngoại là cưng tôi nhất nhà. Ông trồng rất nhiều hoa hồng nơi hàng hiên, cho phép tôi được quyền hái chơi, nhưng mấy đứa con của các dì các cậu đụng đến thì phải biết, ông xách roi đuổi cho chạy quýnh quáng, phải trốn chui trốn nhủi vào bụi lá gai cuối vườn mới được yên thân.

Trong các con, ông ngoại thương Mẹ nhất, bởi Mẹ hiền lành, đảm đang và hiếu thảo. Mẹ tốt với tất cả mọi người. Đối với bà mẹ kế, dù bà cư xử tệ bạc, Mẹ vẫn một lòng cung kính thương yêu. Mẹ chăm sóc bà còn chu đáo hơn những người con ruột, đến nỗi sau này, trước khi mất, bà đã gọi tên Mẹ, và nuối Mẹ cả một tuần lễ mới chịu nhắm mắt. Thật ra, Mẹ không thể về thăm bà được vì Mẹ đã đi trước bà, nhưng các cậu các dì đã giấu không dám cho bà hay.

Những ngày trước khi đi, Mẹ thường nhắc đến Huế, đến ngôi nhà nhỏ ở Ngự Viên, đến ngôi mộ của ông ngoại trên Nam Giao không ai nhổ cỏ, đến những bạn bè thân quen thời con gái, mãi đến bây giờ vẫn gửi thư thăm nhau. Mẹ ao ước được trở về Huế xây mộ cho ông ngoại, xuôi chuyến đò dọc sông Hương về quê thăm họ hàng, hoặc cùng bạn bè dạo chơi khắp phố phường quen thuộc, thả bước theo con đường Trần Hưng Đạo buôn bán sầm uất, kéo dài đến tận bến Thương Bạc, phượng hồng nở thắm một vùng trời.

Nhưng không còn kịp nữa, cơn bệnh quái ác đã mang mẹ đi thật bất ngờ. Buổi sáng chủ nhật, tôi có sáu giờ hướng dẫn thực tập tại trường Khoa Học, phải đi từ sớm. Mẹ thức dậy cùng tôi, nhắc tôi nên đem theo cái áo len mỏng vì bên ngoài trời còn rất nhiều sương. Trông Mẹ vẫn mạnh khỏe bình thường, nhưng đến xế trưa, khi tôi trở về nhà, đã thấy mẹ nằm thiêm thiếp trên ghế xếp. Tôi quì xuống bên Mẹ, dùng khăn tay lau nhẹ vầng trán Mẹ lấm tấm mồ hôi: “Mẹ ơi, mẹ có sao không?” Mẹ mở mắt, dịu dàng: “Mẹ hơi nhức đầu, con thay quần áo rồi ra ăn cơm, có trái cam Mẹ để trong tủ lạnh cho con đó.” Tôi lên lầu, chưa kịp cất giỏ xách, đã nghe tiếng Ba kêu thảng thốt: “Mình, mình ơi.” Tôi chạy xuống thấy Mẹ đang lả người trong tay Ba, mắt nhắm nghiền và đôi môi mấp máy, Ba để tai vào vẫn không nghe được Mẹ muốn nói gì. Tôi nắm bàn tay mẹ và nghe hơi lạnh tràn khắp châu thân. Nước mắt tôi tràn ra: “Mẹ ơi!” Ba nói nhẹ: “Hãy phụ Ba đỡ Mẹ lên giường, Ba đi mời bác sĩ ngay đây.”Mẹ vẫn mê man cho đến khi bác sĩ đến. Ông dùng ngọn đèn nhỏ soi vào mắt Mẹ, rồi buồn bã nhìn Ba: “Huyết áp của bà đã vọt lên quá cao, mạch máu không chịu nổi.” Khoảng thời gian còn lại của buổi chiều định mệnh, Ba đã gọi taxi chở Mẹ đi cấp cứu khắp các bệnh viện trong thành phố, nhưng Thần Chết đã nhanh chân hơn. Không bao giờ tôi còn được nhìn thấy Mẹ nữa.

Tôi tắm rửa cho Mẹ, thay cho Mẹ bộ đồ lụa trắng trong khi bóng tối đã tràn ngập gian phòng. Bóng tối đó cũng lan vào lòng tôi, tỏa khắp mọi ngõ ngách tế bào, rung động từng đầu dây thần kinh sâu thẳm nhất, khiến tôi choáng váng và đau đớn rã rời. Tôi nghe chán nản đến tận cùng xương tủy và chỉ muốn chết theo Mẹ. Còn gì để thiết tha khi trên cuộc sống này không có Mẹ? Như trong một giây phút nào đó, ta đánh mất những gì quí giá nhất đời ta. Mặt trời giữa trái tim ta tắt lịm, ta bơ vơ trong đêm tối lạc loài, ta chới với giữa ngàn trùng sa mạc, không một giọt mưa trìu mến, một bóng mát chở che.

Suốt một tuần lễ, tôi không đến trường, không đến phòng thí nghiệm, mặc cho bạn bè an ủi, đồng nghiệp gọi tìm… Tôi nằm vùi trong chiếu, đắm chìm vào những giòng thơ khóc mẹ…

Có lẽ tôi đã buông xuôi tất cả nếu không có một đêm tôi giật mình tỉnh giấc. Trong không gian khuya vắng thoang thoảng hương thơm trầm nhang trên bàn thờ Mẹ, tôi thấy như Mẹ đang bước ra khỏi khung hình hướng về phía tôi, đôi mắt Mẹ hiền từ nhưng đầy nghiêm khắc: “Tại sao con bỏ dạy? Con không sợ Mẹ buồn sao?” Mẹ buồn? Đó là điều tôi muốn tránh nhất trên đời! Tôi mở to mắt, hé môi nhưng không thốt được lời nào… Mẹ chập chờn hư ảo, Mẹ mông lung trong làn khói mỏng mơ hồ, ngọn nến hồng nghiêng ánh lửa nâng gót chân Mẹ lâng lâng trên cao… Mẹ, Mẹ ơi. Tôi bừng tỉnh sau giấc mê dài tăm tối. Từ đó, mỗi lần đi làm về, đọc kinh cầu siêu cho Mẹ, tôi thấy nụ cười của Mẹ trong bức ảnh thờ như tươi thắm hơn.

Mẹ được an táng nơi chùa Hải Quang, trong một nghĩa trang dành cho người Huế. Ôi những người Huế dễ thương và tội nghiệp, suốt đời gắn bó với mảnh đất quê nhà. Vì sinh kế, họ đành bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tâm hồn luôn hoài vọng cố hương. Từng chiều lên thăm Mẹ, tôi thắp hương cho những ngôi mộ chung quanh, những láng giềng của Mẹ, hẳn một nơi xa xôi nào đó, họ đang cùng qua lại hàn huyên. Không biết họ có từng nương theo cánh gió trở về Huế tái ngộ cảnh cũ người xưa? Nếu có, chắc Mẹ đã được gặp ông bà ngoại rồi. Tôi luôn luôn nghĩ vậy, và ý nghĩ đó làm tôi yên tâm.

Rồi có lệnh giải tỏa nghĩa trang, Ba đưa Mẹ về chùa Vĩnh Nghiêm. Nơi đây, láng giềng của Mẹ toàn là người Bắc, không biết Mẹ có chóng quen với môi trường mới không. Tôi nghĩ là Mẹ không khó lắm. Mẹ luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, hồi còn ở Huế, mẹ có một bà bạn người Bắc di cư, rất thân, đó là bà Đốc Phương, người đẹp, nói giọng Hà Nội rất hay.

Từ ngày Mẹ mất, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu cứ dồn dập tìm về tràn ngập trái tim tôi. Có lẽ từ nhỏ, Mẹ thiếu tình mẫu tử nên khi có con, bao nhiêu tình thương Mẹ dồn hết cho tôi. Mẹ bao bọc, che chở tôi bằng một trái tim nồng nàn không suy tính. Nhớ có lần trời lạnh, lười đi học, tôi khóc lóc cầu cứu Mẹ, Mẹ đã không ngần ngại dúi đầu tôi vào gần bếp lửa, rồi trình cái trán nóng hổi cho Ba xem để Ba cho phép ở nhà.

Hồi đó, Mẹ may cho tôi áo mới hoài. Mẹ thường nói với bạn bè rằng, trẻ con càng mặc nhiều áo mới, càng mau lớn sởn sơ. Chắc nhờ vậy mà tôi chóng nhổ giò và tha hồ đỏm dáng. Nhớ hoài hình ảnh Mẹ ngồi cắt vải bên cửa sổ, những chiếc áo đầm rẻ tiền Mẹ may bằng tay nhưng đầy sáng tạo, thường làm các nhỏ bạn tôi trầm trồ ao ước. Cô giáo lớp tư trường dòng Mai Khôi thường dẫn tôi đi chơi đây đó, múa hát trong những buổi tiếp tân, lễ lạc… cũng vì tôi ăn mặc đẹp và lịch sự. Mẹ luôn trau chuốt cho tôi ngày càng xinh xắn hơn lên.

Tôi càng lớn, tình thương của Mẹ càng rộng khắp. Mẹ thương tất cả các bạn bè của tôi. Nhớ năm lên trung học, sáng thứ hai chào cờ, nữ sinh phải mặc áo dài màu thiên thanh, tôi có nhỏ bạn thân, nhà nghèo không may nổi áo, Mẹ đã mua vải may cho hai đứa hai cái áo dài giống hệt nhau đến nỗi khi ra đường, ai cũng tưởng chúng tôi là chị em. Mẹ là hiện thân của nhân từ bác ái, là hình ảnh mơ ước của một số bạn tôi –những đứa bạn có mẹ dữ dằn, đánh con thường như cơm bữa. Làm bể cái chén, đánh. Ngủ dậy muộn, đánh. Đi học lỡ làm dính mực vào áo, đánh. Mẹ không bao giờ đánh tôi, cùng lắm là cầm cây roi mỏng tanh nhịp nhịp, nhưng không phải vì thế mà tôi không ngoan, bằng chứng là tháng nào tôi cũng xếp hạng cao. Chính đôi mắt Mẹ đã chế ngự được tính ngang bướng của tôi. Khi làm điều lầm lỗi, nhìn vào mắt Mẹ, tôi không thể không ân hận và cố gắng sửa đổi để lần sau được tốt hơn. Chỉ vì sợ Mẹ buồn, tôi đã ham học hơn ham chơi, tôi luôn muốn đem thật nhiều bảng danh dự về cho Mẹ, để được thấy Mẹ cười rạng rỡ cho lòng tôi cũng bừng nở hoa theo.

Khi tôi đến tuổi dậy thì, Mẹ càng chăm sóc đến ngoại hình của tôi, làm sao cho mái tóc mượt huyền, làn da mịn trắng, bàn tay mềm mại… Mẹ nghi ngờ tất cả những chàng trai theo đuổi tôi. A có đôi mắt không thật, B có nụ cười giả dối, C có dáng đi vất vả… chung qui, Mẹ sợ tôi khổ vì gặp phải một người chồng không tốt. Mẹ muốn che chở tôi bằng tất cả khả năng của Mẹ, vòng tay Mẹ nhỏ bé nhưng thật bao la.

Ý nghĩ về Mẹ thường làm cho tâm hồn tôi nhẹ nhàng, ấm áp. Những lúc vui, lúc buồn hay cả trong niềm tuyệt vọng, Mẹ như giòng suối mát luôn hiện diện bên tôi xoa dịu nỗi sầu đau. Ngay cả đến bây giờ, trong những giấc mơ màng, tôi vẫn thường thấy Mẹ với dáng người nhỏ nhắn, chiếc áo dài hoa nâu quen thuộc, Mẹ cười vui hoặc an ủi tôi tùy theo tâm tư tôi lúc đó và khi tỉnh giấc, tôi thấy lòng nhẹ nhõm biết bao.

Điều làm tôi vui nhất là mỗi lần đến chùa Vĩnh Nghiêm, lên tháp cao thăm Mẹ, nhìn tấm hình của Mẹ, cứ thấy Mẹ trẻ hoài. Mặc cho giòng đời xô bồ náo nhiệt, mặc cho bình minh tiếp nối hoàng hôn, Mẹ vẫn nhìn tôi với nụ cười bình thản dịu dàng. Mẹ đang nghĩ gì về con hở Mẹ, Mẹ ơi.


Thùy An – Mùa Vu Lan 1990

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Mùa Thu Cho Ba


Tên Ba là tên một mùa đẹp nhất đối với con. Một mùa mơ mng, có lá vàng bay. Mt mùa dịu dàng, đằm thắm, không nóng lắm mà cũng không đến nỗi nào giá rét.

Khi còn có Ba, con ít có dịp biểu lộ tình thương của con dành cho Ba. Nhưng Ba hiểu ý là con thương Ba và đó là một tình thương sâu đậm, thật thà.

Ba ơi,

Tháng Chín rồi Ba có hay chăng Ba hỡi? Những con đường  cây xanh rợp bóng dẫn đến Bưu Điện ngày nào vẫn còn đó , Ba à. Và con nghĩ chắc cũng còn trong trí nhớ con nhà thương Grall nhà thương Đồn Đất nơi Mẹ vào tĩnh dưỡng nằm  ba tuần  lúc con mới lên lớp Đệ Lục hay lớp 6. 

Con nhớ hoài, con đang học lớp ban sáng mà phải đổi sang lớp ban chiều để buổi sáng con thay thế cho mẹ  đi chợ, nấu cơm cho cả gia đình.  Còn Mẹ thì hôm trước đau nặng, Ba và  tụi con quýnh lên không biết cách nào cứu Mẹ. May thay có Cậu, có Chú bàn chuyện với Ba nên đưa Mẹ vào nhà thương Grall của người Pháp. Con khâm phục Ba và Chú nói tiếng Tây như gió. Con không hiểu kịp, tuy rằng có học nhưng không nói thạo được tiếng Pháp.

Ba ơi, lúc đó con có bổn phận thay Mẹ đi chợ nhưng chưa bao giờ con phải đi chợ một mình con.

 Đi chợ !  Làm con gái phải biết đi chợ nhưng con mới mười một tuổi, Ba à. Con cứ  phải  xách giỏ mua  thức ăn, cái  khó  là phải  làm sao dọn lên cho đầy đủ  thức ăn  cho cả gia đình. Lúc trước, lâu lâu, con  mới đi theo Mẹ đi chợ, chẳng phải suy nghĩ lung tung, chỉ đi theo, phụ xách giỏ, học cách chọn hàng, mua hàng, cách trả giá khéo léo sao cho khỏi bị mắng, học cách mua giá phải chăng, mua sao cho mau lẹ,  biết cách "đẹp  lòng người bán,  hài lòng người mua."  Con không thích trả giá,  mà cũng sợ mua hớ nên vờ bỏ đi vài lần, vì thiên hạ hay nói thách, và con cứ loanh quanh, mất nhiều thời giờ...

Con cứ đi miết, cứ xem hàng, lặn lội mãi ngoài chợ, xem xét có mua đủ những món ghi trong giấy cần phải mua, mua  đường, mua muối, mua gia vị, hạt tiêu, chanh, hành, tỏi, ớt. Các món rau xà lách, cải bẹ xanh, bẹ trắng. Món ăn mà Ba thích là các đồ biển vì quê Nội là vùng biển, Ba đã quen ăn các thức ăn hải sản đậm đà từ lâu rồi. Mua xong hết rồi con đem các thức ăn về nhà, lụi cụi, loay hoay, nấu nướng cho kịp bữa ăn trưa.

Ba ơi, có khi  con  phải chờ cho người ta  gánh cá tươi tới bán. Nhưng vài lần  con thất vọng, vì biển động không có cá, con đành mua thịt làm bữa cơm trưa cho Ba và cả nhà.

Cũng may cho con là  có vài  gian hàng rất quen, như hàng bán bánh kẹo, hàng bán sương sáu, sương xâm, các cửa hàng quen, họ nhận ra con là con của Mẹ và họ  nhớ ra con  thường theo mẹ ra chợ nên họ vui vẻ,  cười  đón con luôn. Sau khi chọn cho con những món hàng tốt, những thức ăn mà Mẹ hay mua, chẳng hãn như hàng bánh kẹo, họ bảo con nên  mua hộp bánh gai, bánh Lu cho các em. Hàng chuối có rất nhiều chuối xanh, chuối sứ vàng ươm, đầy đặn, xinh xắn, hàng thịt bò, hàng rau cải, hàng bán các loại đồ khô, ngũ cốc, hàng trái cây, mãng cầu, vú sữa, bưởi, cam, quýt v.v...  Con mua vài nải chuối, vài trái thanh long,  vài trái bưởi, trái cam, và cũng mua  một chục hoa huệ trắng  hay  hoa  huệ đỏ để Ba đem đặt lên bàn thờ  của ông Nội và Ba thành kính thắp hương.

Cuối tuần, con thường nấu Ba món mì xào, có giá, có hẹ, có thịt mềm, và  con làm mì xào rất ngon. Còn những ngày trong tuần,  con phải học bài nên con nấu đơn giản, đậu hủ chiên trứng, rau muống luộc, dùng đậu trắng, trái su su, cà rốt, khoai tây trong súp.

Con biết Ba thích ăn cá hơn là ăn thịt nên con lặn lội qua mấy đám đông, dẫm lên mấy bãi bùn sình để vào hàng bán cá. Đi chợ cách nhà không xa mấy, con thường đi bộ, ít khi đón xe. Đổi với con, việc đi chợ không thể nào gọi là việc nhẹ nhàng hay  việc dễ dàng. Giá mà mẹ đừng đau nặng thì con đỡ khổ biết mấy ? Chỉ ước mong ngày nào Mẹ khỏi bệnh mà thôi.

Mùa thu năm nay đến rồi Ba à. Con nghĩ nhiều về Ba và nhớ nhiều về quê nội, nơi có thùy dương, cát trắng, biển xanh, gió mát.

Tên Ba là tên của mùa thu, một mùa mát dịu, một mùa trăng rằm sáng chói, một mùa ngọt ngào cây trái, một mùa đầy ắp kỷ niệm êm đềm. Ba hy sinh rất nhiều, suốt đời tận tụỵ vì con và các giới trẻ. Ba đã rèn luyện bao thế hệ thành người hữu dụng cho xã hội.

Con thương Ba vào giây phút mà gia đình tưởng chừng  xuýt mất Mẹ, Ba ơi.  Càng lớn con suy nghĩ về Ba, về thời thơ ấu của con, con càng khâm phục Ba vô cùng. Ba có biết không ?

 Con xin gửi Ba bài thơ:

Những Lời  Cho Ba

Con đường mát rợp lá me 
Đã trôi qua ba tháng hè 
Những ngày trước đây còn có 
Sân trường  phượng đỏ tiếng ve

Khi  dứt  lác đác cơn mưa 
Con hỏi mùa thu về chưa 
Ba nói tựu trường tháng chín
Còn  mơ mộng gì  hè xưa !

Dạy con khi gió heo may
Xao xác thổi trên cành cây
Ve vắng tiếng trên cành phượng
Là lúc mùa thu đong đầy 

Ngày ấy  đầy đủ tình thương
Sống trong mộng đẹp bình thường
Ba hay ân cần  nhắc nhở
Sách vở chăm lo tựu trường

Ba cầm tay con thiết tha
Con như trang giấy thật thà
Nhìn sâu mắt con Ba hỏi:
" Khi nào con biết thương Ba ? "

Mắc cở chẳng nói nên lời
Thương Ba chỉ một trong đời
Từ khi bắt đầu khôn lớn
Nói ra ngượng lắm, Ba ơi

Vô tư con cứ lơ là
Chẳng hề nghĩ ngợi lo xa
Câu hỏi loé trong tiềm thức
Có thật là con thương Ba ?

Rồi  khi  biết thật thương Ba
Là  khi  trễ  rồi  Ba  à
Mùa thu trong lòng rất nhẹ
Hiu hắt  lá vàng bay xa

                                 Nhã Uyên

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Tấm Lòng Của Cha Mẹ


Các em thân mến,

Trong quyển VÔ GIA ĐÌNH của Hector Malot, có đoạn như sau, tả tấm lòng của người mẹ:

"Khi tôi khóc, có một người đàn bà ôm chặt tôi vào lòng một cách dịu dàng làm cho nước mắt tôi ngưng chảy. Không bao giờ tôi vào giường ngủ mà mẹ tôi không đến hôn tôi, và khi gió đông về làm phủ tuyết trắng xóa trên cửa kiếng, mẹ tôi đặt hai chân tôi vào lòng bàn tay của người để vừa sưởi ấm chân vừa hát lên một bản ca mà trong ký ức tôi đến nay còn lưu lại điệu nhạc và một vài lời ca.

Khi tôi đi chăn bò dọc theo những con đường có nhiều cỏ, và bất ngờ tôi bị một trận mưa to, mẹ tôi chạy vội đến trước mặt tôi và người bảo tôi núp dưới vạt áo len ngắn mà người kéo phủ qua đầu và vai tôi.

Sau rốt, khi tôi có chuyện cãi vã với một người bạn, mẹ tôi bảo tôi thuật lại những nỗi buồn phiền của tôi cho người nghe và bao giờ người cũng tìm những lời dịu ngọt để an ủi tôi." (1)

Chúng tôi cũng xin mạn phép chép lại dưới đây bản dịch đề thi THĐNC khóa 28-5-59 Cha mẹ tôi để các em thấu được tình yêu cha mẹ đối với con cái:

"Sau bữa cơm chiều, cái thú của cha tôi là uống chậm rãi một tách cà phê. Trong lúc đó, ngày đã chấm dứt, người vui vẻ kể chuyện cho mọi người nghe.

Có một bận, trong kỳ lễ phục sinh, ở trường về, tôi thấy người nhà không dọn cà phê theo như thường lệ. Tôi rất bực mình liền dọ hỏi.

Bây giờ tôi được biết là cha tôi đã bỏ hẳn món tiền tiêu hằng ngày để trả tiền ăn học cho tôi, và mẹ tôi đã góp phần vào sự hy sinh ấy bằng cách bỏ cữ cà phê sữa buổi sáng, món sở thích duy nhất của người.

Không, các bạn ạ, dù con cái có làm gì đi nữa cũng còn những thứ mà chúng ta không thể báo đền cha mẹ được." (1)

Các em thân mến,

Chép lại hai đoạn chuyện trên đây, chúng tôi muốn gợi lại cho các em vài hình ảnh về tình yêu của cha mẹ đối với con cái.

Chúng tôi mong các em yêu mến cha mẹ và cố làm vui lòng cha mẹ nhất là khi cha mẹ còn sanh tiền. Tục ngữ Anh đã nói: Người ta có thể mua tất cả, trừ người cha và người mẹ. Câu đó không hẳn là đúng (vì tục ngữ chỉ nói lên quan niệm sống của người nói, hay của dân tộc theo quan niệm đó) bởi vì còn rất nhiều điều không thể đem mua bán được, thí dụ lòng yêu nước, lòng nhân đạo v.v... và rất nhiều giá trị tinh thần khác, mà nếu người nào đem bán, thì đó là kẻ vô tư cách. Nhưng câu đó chỉ muốn nói lên một điều là khi cha mẹ đã chết, thì chúng ta sẽ không còn bao giờ có cha mẹ khác nữa. Phải không các em?


Thân mến chào các em       
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG  

(1) Theo bản dịch của Trịnh văn Thanh.


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 101, ra ngày 3-8-1973)

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Tình Anh Em


- Hỏng thèm! Nghỉ chơi Tí ra...

Cu Tí tức quá, "xôm" tới cốc đầu bé một cái rồi chạy biến. Bé ngồi bẹp xuống đất, chân đạp tứ tung, miệng la:

- Ái! Mẹ ơi! Cu Tí... "kí" đầu con.

Mẹ trong bếp chạy ra, tay còn cầm đôi đũa:

- Gì thế bé? Cu Tí đâu rồi?

Đưa bàn tay bé tí xíu xoa đầu, bé mếu máo:

- Cu Tí "kí" con đau quá!

- Sao vậy? Biết lắm mà! Chơi một lát thế nào cũng có chuyện.

Chợt thấy bé chân tay dính đầy đất, mặt mũi lem luốc, mẹ bảo:

- Thôi bé ra sau bé rửa tay chân để lát nữa đón ba về... Dơ quá ba không thương đâu!

Bé theo mẹ nhưng vẫn còn ấm ức. Mẹ bảo:

- Ông "mãnh" đó trưa về mẹ sẽ trị...

*

Rửa tay chân, thay quần áo xong bé trở lên dọn lại đồ chơi. Thấy con búp bế bị "gãy tay" bé muốn khóc nữa... Từ sáng tới giờ hai đứa đi hái lá me và nhặt bông dừa chơi bán đồ ăn. Cu Tí làm "chú Bảy bán hủ tiếu". Bé "ẵm" em bé đi mua hai tô, bé một, búp bế một. Bé "đút" cho búp bế ăn. Búp bế tuy có cái miệng nhỏ xíu, đỏ chót rất dễ thương (giống như cái miệng bé í) nhưng lại không há được nên cứ nhét vào nó lại "nhè" ra. Tức mình bé hét:

- Ăn nào! Chê hử? Cơm... ủa... "hủ tiếu" "ngon" vầy mà không chịu ăn.

Rồi bé lại vỗ về:

- Ăn đi cưng rồi chị bế đi chơi...

(Những câu này bé học được của chị vú khi đút cơm cho bé ăn).

La hét thế nào, rốt cuộc búp bê vẫn không chịu nuốt. Cu Tí chạy lại giựt búp bế, nói:

- Để anh bỏ vô bụng nó cho.

Bé định không chịu nhưng thấy búp bế "cứng đầu" quá bé cũng bằng lòng. Bé nhìn xem cu Tí làm sao bỏ "hủ tiếu" vào bụng búp bế được. Loay hoay một hồi cu Tí bẻ gãy tay búp bế ra rồi xúc từ muỗng đổ vô. Bé thích quá, khen cu Tí thông minh đáo để. Nhưng một lát sau khi dồn đầy "bụng" búp bế, hắn lại không gắn tay vào được, bé gắn cũng không được nốt. Bé chực khóc, cu Tí cứ dọa:

- Tí nữa là được liền... Khóc mẹ ra bị đòn à!

Nhưng mồ hôi đã rỏ giọt mà cu Tí vẫn "thất bại". Suy nghĩ hồi cu Tí bảo bé chạy xuống bếp lấy cơm lên hắn "dán" cái tay vô cho. Bé sợ mẹ mắng, không đi, hắn dọa:

- Không đi tao "oánh" à!

Bé tức quá:

- Ai biểu gỡ của người ta chi, gắn không được mét mẹ coi...

Trông mặt bé lúc đó thực đáng ghét, cu Tí chỉ muốn cốc cho mấy cái nhưng sợ mẹ nên hắn rán dằn cơn tức, "xuống nước nhỏ":

- Thôi! Bé đi đi! Lát nữa anh xin tiền mẹ mua "cà rem" hai đứa ăn.

Tuy "mở cờ" trong bụng bé vẫn bướng và "dõng dạc tuyên bố":

- Hỏng thèm! Nghỉ chơi cu Tí ra.

Bé ngỡ là cu Tí sẽ năn nỉ nữa nhưng ai dè hắn nổi "cộc" bất ngờ cú bé một cái đau điếng. Có lẽ cu ta đang sợ và bực mình lại bị bé "trêu" mãi nên hắn nổi "khùng". Bé ghét hắn ghê gớm, lát nữa bà về có quà nhứt định không cho hắn gì cả. Đáng kiếp! Ai bảo ăn hiếp người ta...

Bé vào hỏi mẹ còn những hơn giờ nữa ba mới về, lâu quá! Bé ra ngồi trước cửa. Chợt nhớ hôm nay thứ bảy, bé vui mừng chạy vào ôm chân mẹ:

- Chiều nay anh Hoài về há mẹ.

Mẹ mỉm cười:

- Sao con biết?

Bé nhanh nhẩu:

- Hôm nay thứ bảy mà.

Mẹ cúi xuống hôn lên đôi má phinh phính của bé:

- Bé giỏi quá... Thế... bé có nhớ anh Hoài không nào?

- Bé nhớ lắm...

Xong, bé chạy ù ra sân vì bé thoáng thấy bóng cu Tí đi qua trước cửa. Hắn "lò dò" về rồi đấy và tìm cách cầu hòa:

- Chiều nay anh Hoài về, tuần trước anh có dặn mua "sơ-quynh-gum" hai đứa ăn chung nha?

Bé thấy thế lên mặt làm tàng:

- Hỏng cần! Bé cũng có dặn ảnh mua "sô cô la" vậy chớ bộ! "Sô cô la" ngon hơn... "quynh gum".

Cu Tí cụt hứng tìm "phương kế" khác:

- Chiều nay anh xếp tàu cho bé thả ao nha?

- Hỏng thèm! Anh Hoài xếp cho bé còn đẹp hơn.

Cu Tí "ức" lắm, cứ nhìn cái miệng "chu chu", cái môi "bĩu bĩu" là hắn muốn tát cho vài cái. Mọi ngày cô bé rất ưa nịnh hắn nhưng hễ tới thứ bảy là bé "lên chân" ngay, thế có ức không? Được rồi! Để mấy ngày khác rồi cô bé biết tay... Đã mấy lần cu Tí cứ dọa thế nhưng rồi "mèo lại hoàn mèo" vì lúc thì cô bé đáng ghét thế í nhưng cũng có lúc rất dễ thương nhát là khi cô ta "năn nỉ ỉ ôi". Cứ nhìn đôi mắt to đen lóng lánh sắp "rỉ" nước, cái miệng nhỏ xíu méo xệch thì bao nhiêu "uất hận" trong lòng cu Tí tiêu tan hết. Vả lại, nếu không chơi với cô bé thì hắn cũng không biết chơi với ai vì chung quanh hàng xóm ít có "nhóc con" mà hắn lại không thích chơi với chúng... Ừ! Thôi được! Nghỉ chơi thì cho nghỉ luôn. Cóc cần. Lát nữa bảo chị vú hái ổi không cho bé ăn. Nghĩ thầm như thế rồi hắn rón rén bước vào nhà. Hắn biết rõ tánh mẹ lắm. Hễ mỗi lần có "xảy ra chuyện gì" hắn chỉ cần "phi nước đại" là thoát. Tánh mẹ nóng nhưng mau "nguội". Nếu "đang có chuyện" mà hắn "hiện diện" ở đó thì thế nào cũng bị "quất" mấy cái nhưng nếu hắn chạy thoát kể như... thoát hẳn. Khi về, mẹ chỉ rầy "sơ sơ" hay "phát" hắn một cái nhẹ cho con bé mát ruột thôi. Tức ghê! Sao mẹ cưng con bé thế nhỉ? Nào nó có ngoan hơn hắn cho cam. Nó nhõng nhẽo hơn hắn nhiều mà. Để chiều nay anh Hoài về, hắn hỏi cho "ra lẽ" mới được.

Đang "suy nghĩ", bỗng hắn nghe:

- Mẹ ơi! Cu Tí về nè!

- Kêu anh vô đây mẹ bảo.

- Dạ...

Bé khoái lắm, chạy lon ton ra nắm tay hắn "lôi" vào. Mẹ bảo:

- Tí! Chơi với em đừng bắt nạt nó nha con. Em còn nhỏ con lớn rồi phải biết nhịn em chớ. Sao cứ "quánh" em hoài vậy?

Quay sang bé:

- Còn con bé! Phải kêu anh bằng anh, gọi cu Tí nữa bị đòn à!

Chợt thấy bé nãy giờ cứ nắm chặt tay cu Tí như sợ hắn chạy thoát, mẹ bảo:

- Bé! Bộ con thích anh bị đòn lắm sao? Con không thương anh à? Xấu lắm, lát nữa ba về mẹ mách, ba không thương con đâu, anh Hoài cũng không thương nữa... Ở nhà có hai anh em phải thương nhau, ai lại muốn anh bị đòn bao giờ. Thế con có thích ai muốn người khác đánh con không?

Bé cúi mặt buồn xo, mẹ tiếp:

- Thôi! Hai đứa dẫn nhau ra trước chơi đi... Ba sắp về rồi đó.

Nước mắt đoanh tròng, bé chạy vào buồng, úp mặt xuống gối... Bé hối hận ghê gớm. Ừ! Sao bé khoái mẹ đánh cu Tí thế nhỉ? Hồi nãy anh có cú bé đau thật đấy nhưng anh đã "dụ khị" năn nỉ bé quá xá rồi mà bé vẫn còn làm tàng, lại lôi anh vào cho mẹ đánh nữa. Bé ác ghê đi. Vả lại lỗi ấy không phải tại anh, chính bé đã "hoan hô, ủng hộ" anh cho búp bê "ăn" bằng cách đó mà. Nhớ tới gương mặt đỏ gay, mồ hôi rịn trán khi anh dán cái tay của búp bế vào mà bé thương ghê! Chắc anh sợ lắm nhỉ? Ừ! Mà không sợ sao được... mẹ "quánh" đau lắm mà. Hôm trước, bé vọc nước bị mẹ phát có một cái đã thấy rát quá trời huống chi cu Tí hay bị mẹ "quánh" tới những... hai cái. Thôi! Từ rày có "gì" bé chẳng mét mẹ nữa đâu. Bé biết thương cu Tí rồi. Chiều nay anh Hoài cho "sô cô la" bé sẽ chia cho anh Cu phẩn nửa. Còn con búp bế sẽ nhờ anh ấy gắn hộ luôn...

Đang nghĩ ngợi, bỗng bé thấy cu Tí tay cầm búp bế và hai trái ổi chạy vào:

- Anh gắn được rồi nè, đừng khóc nữa...

Xòe hai trái ổi chín mọng anh tiếp:

-Chị vú mới bẻ được... Anh cho bé trái, anh trái.

Bé mỉm cười cầm lấy "cạp" ngon lành. Chợt có tiếng xe đỗ trước cửa. Hai đứa chạy ra, hét to:

- Ba "dìa"... ba "dìa"...


Đoàn Minh Thúy    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 94, ra ngày 15-8-1968)

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Đêm Không Ngủ


Ngày nhập trường còn xa quá, em thấy tấc lòng nôn nao làm sao í. Em không hiểu thầy hay cô sẽ hướng dẫn lớp của em đây? Ai dạy Toán, ai dạy Lý hóa và em sẽ ngồi bàn thứ mấy nhỉ? Liệu nhỏ Hạnh có tới rủ em đi học cùng Hạnh không?

Thao thức mãi chẳng tìm được câu trả lời cho vừa ý, em tức mình quăng gối ôm qua một bên cái bịch. Eo ơi! Quên mất mẹ nằm phòng bên rồi, chắc mẹ phải giật mình vì tiếng động mất. Không sai tí nào, tiếng giày của mẹ đang di chuyển về phòng em, rồi tay mẹ nhè nhẹ đặt lên trán em. Em vờ như say ngủ, em thích nhất cử chỉ trìu mến này, chả hay mẹ đến là gì. Mẹ chép miệng: "Con gái khi chiều tung tăng quá nhiều". Mẹ nào hay em đang mỉm cười, mẹ từ từ cúi xuống hôn em. Em khoái quá quàng cả hai tay trên cổ mẹ, cố giữ lấy nụ hôn trìu mến của mẹ. Mẹ tát yêu: "Con gái út mẹ hư lắm, ngủ đi nào!" "À! Con có thấy khó chịu không? Mẹ xoa dầu cho cưng nhé". Em khẽ lắc đầu và vội nhắm mắt lại ngủ. Mẹ lúc nào cũng săn sóc cho con, ngay trong giấc ngủ mẹ cũng hằng lưu ý đến. Nghe tiếng giày của mẹ về phòng em thèm tung mùng chạy sang giường mẹ ghê. Nhưng nghĩ đến những lời chế của anh Khanh, chị Liên và nhất là bóng tối làm em chùn bước. Mỗi lần lén sang giường mẹ, em đều bị cả nhà bắt quả tang vì tật ngủ dậy muộn của em. Thôi em không sang giường mẹ đâu, em sợ anh Khanh phạt cúp tiền quà sáng thì tiền đâu để mua Thiếu Nhi hàng tuần đây. Thiếu tuần báo Thiếu Nhi là em buồn chết được đấy.

Ơ! Gà gáy lần thứ nhất rồi à. Con gà trống của em gáy tiếng thanh ghê cơ. Ông nội chọn giống gà hay thật. Em phải dỗ cho được giấc ngủ mới được. Nếu cứ thức mãi như thế này chừng vài mươi phút nữa là thế nào sáng ra em cũng dậy trễ vài tiếng đồng hồ. Lúc đó roi mây của nội có quyền "du ngoạn" trên cái thân ú ù của em. Nội bảo tất cả quà bánh hãy dồn cho em để có dịp trị tội cho sướng cái tay. Nói thế chứ còn lâu nội mới đánh em. Nếu nội đánh thì ai chọc nội cười, ai đọc "Tam Quốc Chí" cho nội nghe và ai đấm lưng nội mỗi tối, mỗi sáng ai vào thăm nội trước tiên? Em có dư điều kiện để nội tha tội (nếu phạm phải). Nội cưng em nhất nhà cơ. Nội em gần chín chục tuổi mà tối tối vẫn bắt anh Khanh đánh xe chở nội đi đón em đi học về đấy. Niên khóa này nội hứa sẽ đưa em đến trường để lấy hên cho kỳ thi tới. Đấy là em chưa kể đến ngoại cơ. Ngoại thì cưng em hết chỗ nói nhưng ngoại ở xa quá, lâu lâu ngoại mới lên chơi, em tha hồ được ngoại cưng. Khi chiều nội và ngoại ngồi kể chuyện về em mà không hết đấy.

Gà gáy lần thứ hai. Em cay mắt quá. Tiếng guốc của ai đây? Lại tiến vào phòng em. Bóng đen ốm tong teo xuất hiện. Anh Khanh. Giời! Giờ này anh còn thức sao? Mọi khi anh say ngủ nhất nhà cơ mà! Ban ngày đi dạy, tối lại anh chọc cười cả nhà rồi lăn đùng ra ngủ. Anh dậy sớm là phải có chuyện chi đây. Theo dõi kẻo mai sáng bị anh cho đi "dốc" mất. Cặp mắt cận thị của anh dán sát vào mùng của em, tức tốc em nhắm mắt lại liền. Anh yên chí em ngủ say rồi chứ gì? Lầm to rồi anh "cận tòng teo" của tôi ạ. Anh từ từ đến bàn học, móc trong túi quần ra một cái hộp bé bé không biết có xinh không vì tối quá. Cũng cặp mắt đó lại dán vào tủ sách của em. Em cận thị nhưng chả đeo kính là gì còn anh í bảo "lấy kính ra nhỡ nằm mộng chả thấy được và như thế bé của anh không bao giờ được giấc mộng nào". Cái lưng anh còng xuống, em muốn chạy tới hù một cái cho bõ ghét nhưng bóng chị Liên đã vào tới. Trên tay chị bưng cái gì vậy hè? Bánh! Bánh to ghê í. Hai người thì thầm cái gì mà em chả nghe được, hơn nữa em buồn ngủ quá rồi. Tiếng ngáp kéo dài thê thảm làm làm hai bóng đen vội vàng thụp xuống chạy về phòng. "Hắn trở mình phải không Liên?" "Ai biết được!". Chị Liên càu nhàu anh Khanh cái gì đó mà nội lên tiếng giải hòa. Nghe tiếng tách khua em đoán nội và ngoại đã thức dậy uống chè khuya. Ông nội dậy sớm ghê í, nội bảo già rồi ngủ chả được để cho cô bé út của tôi ngủ thế. Em khoái chí khi nghe nội bảo những câu tương tự như trên. Tiếng ngoại xen vào "Mai hãy để 8g đánh thức hắn dậy và thằng Khanh phải chọc cho hắn khóc oa oa như hồi hắn vừa sổ lòng mẹ hắn nhé". À! Thì ra những bóng đen âm thầm hoạt động đó dành cho ngày sinh nhật của em ư? Rứa mà khi nãy em dọa hù anh Khanh. Em phải ngủ đến 8 giờ sáng mới được. Khi thức dậy em sẽ không khóc mà em cười thật lớn, thật rạng rỡ đón nhận tất cả tình thương của nội, của ngoại, mẹ, anh Khanh, chị Liên để làm hành trang cho tuổi ngọc... của em ngày sau.


PHƯƠNG TƯỜNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 53, ra ngày 28-8-1972)

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Gọi Mưa Lập Thu


 











Mưa đi! Trời đã vào thu
Con chim sáo nhỏ ngồi tù chung thân

Mưa đi! Cho ướt gót chân
Cho hoa lá cỏ một lần xót xa

Mưa đi! Phiến nắng vỡ nhòa
Ngõ quen cũng thiếu một tà áo bay

Mưa đi! Nỗi nhớ đong đầy
Hàng dương liễu rủ u gầy xác xơ

Mưa đi! Môi tím hai bờ
Và mắt nai tập làm thơ học trò

Mưa đi! Kết nụ ước mơ
Tuổi hoa xin mãi tôn thờ trong tim

Mưa đi! Cho bước chân chim
Vui ca đến lớp để tìm bướm hoa

Mưa đi! Em hứng tay ngà 
Giọt mưa mát lạnh gọi là lập thu

                        HOÀNG VŨ MIÊN TRƯỜNG
                                    (Nhóm Đồng Hành)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 206, ra ngày 1-8-1973)


Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Biết Trọng Quốc Thể


Các em thân mến,

Trong bữa họp mặt vừa qua nhân dịp kỷ niệm một tuổi của tuần báo Thiếu Nhi tổ chức tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, một em đã hỏi chúng tôi: Người Trung Hoa thường hay tự hào có một nền Văn hóa cổ nhất thế giới và có đến mấy nghìn nghi lễ khác nhau, sao hiện nay cháu lại thấy các ông chủ tiệm ăn, các ông chủ hàng thịt lúc nào cũng chỉ mặc một chiếc quần đùi để tiếp khách, bán hàng, hình như họ muốn khoe cái bụng phệ, cái "thùng nước lèo" to tướng của họ cho công chúng xem. Vậy bác nghĩ thế nào về người Trung Hoa?

Các em thân mến,

Nước Trung Hoa đúng là một nước có một nền văn hóa lâu đời nhất thế giới. Nhưng tiếc rằng xứ họ quá rộng, dân họ quá đông, ít có vị vua nào có đủ khả năng thống nhất được xứ sở đem đến cho dân chúng sự an cư và tiến bộ. Giặc giã thì triền miên từ đời này, qua đời khác, dân chúng không được giáo dục đúng mức, nên hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, họ bị các cường quốc Âu Mỹ xem thường.

Chúng tôi cũng xin các em không nên phê bình quá vội vàng một dân tộc khi các em mới nhìn thấy hành động của một vài cá nhân vô trách nhiệm, không nghĩ đến quốc thể họ.

Nếu các em có dịp viếng Trung Hoa, như Đài Loan, các em sẽ thấy dân trí người Trung Hoa tại đây rất cao.

Nhìn lại cuộc sống của người Việt Nam chúng mình, chúng ta không khỏi đau lòng thấy còn rất nhiều người Việt chúng ta không ý thức trách nhiệm đối với xứ sở, không nghĩ đến quốc thể, nên có những hành động không đẹp làm cho người ngoại quốc mỗi khi nhìn thấy có ấn tượng không hay về dân tộc Việt Nam chúng ta.

Đồng bào chúng ta thường hay vứt rác bừa bãi ra ngoài đường, xem công lộ là nơi chứa rác. Chúng ta thường thấy nhiều chuột chết vứt ngay giữa đường đi, được xe cộ qua lại cán nghiền nát ra từng mảnh vụn. Trời nắng làm khô các mảnh thịt chuột, có khi chứa đựng đầy vi trùng nguy hiểm, như vi trùng dịch hạch và gió cuốn những mảnh thịt nhỏ vụn bay đi tứ tung, bay vào các tô phở bày bán ở vệ đường, các gói xôi, miếng bánh của chị hàng rong, vào buồng phổi của khách bộ hành.

Đồng bào chúng ta cũng thường hay thản nhiên khạc nhổ ở ngoài đường, trong rạp hát, nơi quán ăn, thản nhiên như chúng ta hít khí trời để sống vậy.

Chúng ta cũng thường hay thấy một số người mình vào rạp hát nằm ngả nghiêng trên ghế và đưa chân gác lên ghế trước mặt, chuyện trò huyên náo không nghĩ gì sự phiền toái của những người ngồi bên cạnh.

Chúng ta cũng thường thấy đồng bào ta chen lấn để nhận một vật gì như lấy biên nhận hoãn dịch hay mua một vé xem hát.

Chúng tôi không thể kể ra tất cả hành động làm hại đến quốc thể chúng ta trên bức thư ngắn ngủi này.

Chúng tôi chỉ mong các em ngoài việc cố gắng học hành để khi các em lớn lên các em có thể giúp đỡ nhiều cho quê hương, các em nên tránh những hành động hại đến quốc thể chúng ta như không giữ vệ sinh chung, không giữ gìn trật tự ở những nơi công cộng, các em lúc nào cũng nên ăn mặc chỉnh tề và nói năng lịch sự, để xứng đáng là một công dân Việt Nam.


Thân mến chào các em        
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 53, ra ngày 28-8-1972)

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Tuổi Thơ Của Thu


Con đường đất chạy dài từ nhà đến trường mọc đầy cỏ may và những đóa hoa dại màu tím, hoa mười giờ, hoa mắc cỡ... chen nhau như tấm thảm hoa đủ màu trên thượng giới. Nắng màu vàng tơ trải nhẹ trên tóc, vương trên quần áo cậu học trò bé bỏng.

- Đông à! tôi gọi Mầy đến nhà tao chơi nghe.

Đông, thằng bạn nhỏ của tôi. Nó gầy lắm. Nhà nó nghèo lại thêm bà dì ghẻ thật khắc nghiệt. Tôi là thằng con trai nhỏ, mạnh và du côn nhất lớp. Tôi bảo vệ Đông trong các cuộc hiếp đáp của tụi bạn lớp khác.

Đông nhướng mắt lên:

- Chi vậy?

- Dán diều mầy ơi! Chị tao mới cho xấp giấy màu đẹp ác.

Nó nhìn xuống, nói thật nhỏ:

- Tao không đi được.

- Sao vậy? Mai mình không phải đi học nữa, thầy bảo mình được nghỉ hè mà.

Đông lắc đầu:

- Tao không biết nhưng đi dì tao đánh chết.

Tôi bĩu môi bực tức:

- Hứ! Dì mầy dữ còn hơn chằn nữa. À còn thằng Xuân em của mầy đó, coi chừng tao "oánh" nó một trận à.

- Bộ nó chọc mầy hả?

Tôi lắc đầu không đáp. Thật ra thằng Xuân không hề dám "đụng" tới tôi nhưng phải đánh nó. Ai biểu nó chọc con Đào. Tôi chơi với Đào từ lúc còn bé, má nó ngày xưa vẫn chơi thân với mẹ tôi. Tự nhiên tôi lại nghĩ mình có bổn phận che chở cho nó dù không bao giờ tôi dám đi chơi với nó. Ai lại đi chơi với con gái bao giờ, tụi con gái chỉ thích búp bê cao su, nhà chòi... Tôi chúa ghét các loại đó. Tôi và thằng Đông đi bắn chim, đánh lộn suốt cả ngày, nhiều khi Đào nó cấm nhưng tôi chỉ hứa cho qua lề vậy thôi. Ngày mẹ mất, chị Hai thay mẹ tiếp tục buôn bán. Tôi học giỏi hơn nhiều nhưng tánh tình cũ không bỏ được.

Tôi ngước lên nhìn Đông:

- Ừ thôi nhớ lại chơi nghe, tao về.

*

Buổi tối... Tôi ngồi gần chị khe khẽ hát.

"Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu..." chị ngưng tay chụm lửa quay sang tôi.

- Ai dạy Thu hát đó?

- Anh Quân.

Chị phát vào đít tôi một cái.

- Chọc chị hả Thu.

- Thiệt mà.

Tôi vẫn thường phá chị như thế. Thật ra anh Quân chỉ dạy có một bài gì đó, tôi quên mất tên rồi nhưng tôi mơ hồ thấy chị vui khi nhắc đến tên anh ấy nên những bài hát sau tôi vẫn nói bài của anh Quân dạy. Không hiểu sao anh ấy lại không đến nhà tôi hoài nữa. Tôi định hỏi chị nhưng mấy lần rồi tôi không dám.

- Thu à, tiếng chị gọi làm tôi giật mình lấy chén chị em mình ăn chè đi cưng.

- Nhưng chè chưa chín mà chị.

- Thì lấy trước đi.

Ánh lửa bếp bập bùng làm má chị hồng hồng trông xinh tệ. Tôi nghiêng đầu buột miệng:

- Á chị Hai đẹp ác liệt.

Chị đỏ mặt lên vì mắc cỡ, thuận tay định cốc vào đầu tôi. Tôi né sang bên và "phi thân" ra xa.

- Á xí hụt, chị Hai xem em chì chưa. Trương Vô Kỵ số một đó nghe.

Chị cười, hai cái đồng tiền lúm sâu vào trông dễ thương chi lạ!

Lúc ăn cũng vậy, tánh tôi ham ăn kinh khủng, suýt tí nữa phỏng cả lưỡi. Hai chị em vừa ăn chè vừa nói chuyện. Tôi kể chuyện đánh lộn với thằng Sơn, chuyện thầy giáo thưởng cho quyển Thế giới Tự do, chuyện thằng Đông với bà dì ghẻ ác kinh khủng. Chị chỉ cười. Tôi thương cái cười của chị làm sao!

Trên vách bếp hai cái bóng chụm đầu vào nhau, ngoài kia trời bắt đầu đổ mưa, những cơn mưa đầu mùa xối vội vã trên tàu lá chuối nghe vui tai lạ!

*

Vừa thấy bóng con Đào ở đàng sau, tôi lượm cái ná chim chạy theo nói:

- Đào à!

- Thu đi đâu đó?

- Thu đi bắn chim thì gặp Đào.

Con Đào nhíu mày lại tỏ vẻ không bằng lòng.

- Đã bảo Thu đừng có bắn chúng nó mà. Đau lắm! Rủi nó chết mình có tội à nghe. Ai thử lấy viên sỏi nầy bắn vào Thu coi Thu có khóc không.

Tôi định cãi rằng nhất định không khóc. Con trai không ai khóc kỳ vậy. Nhưng thôi không khéo con Đào giận thì nguy mất.

- À Thu đừng bắn chúng nữa nghe.

Tôi gật đầu giả bộ ngây ngô.

- Thế giết nó tội lắm hả Đào?

- Ừa.

Thằng Xuân đương chơi diều từ xa chạy lại đâm đầu vô Đào làm nó té ngửa. Tôi đỡ nó và phủi sạch quần áo nhưng Đào vẫn cứ rấm rức khóc hoài. Nhìn sang thằng Xuân đứng trơ mặt đó, tôi tức giận nhảy lại đấm túi bụi vào mặt nó. Nó la lên:

- Tụi bây ơi, thằng nầy nó oánh tao, đánh bể mặt nó đi tụi bây.

Chừng mười đứa sáp lại vây quanh tôi tụi nó vừa đánh vừa chọi đá vào đầu. Một thằng đấm thật mạnh vào mặt tôi, máu từ mũi chảy ra. Tôi không còn biết gì nữa hết, ngã quị xuống. Hình như tiếng con Đào khóc...

Tôi tỉnh dậy thấy chị Hai bên giường. Chị đang thoa nhẹ thuốc trên vết thương rướm máu ở đầu tôi.

Tôi mở mắt ra nhìn chị la nhỏ:

- Ái da, rát quá chị à.

Chị nghiêm mặt lại làm tôi hoảng sợ nín luôn.

Suốt buổi chiều ấy nằm trên giường thật là bực bội làm sao ấy. Tôi lầm bầm chửi thằng Xuân hèn nhát:

- Mười thằng đánh một. Đồ quân hèn, sức mấy một mình thằng Xuân dám chọi với tao.

Tiếng chị kêu ăn cơm, tôi bật dậy mò mẫm tìm đôi dép. Ra đến bàn ăn chị nhìn tôi:

- Thu, lại biểu.

- Dạ.

- Tại sao em đánh lộn với thằng Xuân hả?

Tôi ấp úng:

- Tại nó... chọc em.

- Không phải vậy, Thu sao em nói láo?

Tôi ứa nước mắt:

- Dạ chị tha lỗi cho em, tại nó xô con Đào ngã, em tức em mới đánh nó, rồi nó xúi cả chục thằng bao vây đánh em nữa.

- Cũng do em gây sự trước. Bây giờ tính sao cái lỗi đó đây?

Tôi cúi đầu xuống sợ hãi.

- Lần sau đừng vậy nữa nghe Thu. Em có thương chị không chớ?

Chị ôm lấy tôi, hôn lên cái đầu khét nắng đầy mồ hôi. Tôi cười nho nhỏ bên tai chị.

- Chị Hai, em thương chị nhất thế giới.

- Á, đồ gì "nịnh" quá!

Tôi chạy vòng ra sau ôm lưng chị cười nắc nẻ.

*

Mấy lúc nầy chị Hai bệnh luôn. Mắt chị trũng sâu đen thẳm, gương mặt xanh xao. Quán hàng không ai trông coi. Có bữa chị nằm nhắm mắt hoài làm tôi muốn khóc. Tôi chạy sang nhà Đông cầu cứu nhưng nó không giúp tôi gì cả. Tôi đến lúc nó làm tí em. Bà dì nó cầm cây roi dài làm tôi phát sợ. Tôi ra về gặp thằng Xuân, cái bản mặt nó vênh vênh, nếu lúc bình thường tôi đã đấm nó vài cái cho bõ tức. Con đường đất dẫn về nhà tôi đầy hoa cỏ thế giới vàng ngọc của tôi bị bỏ quên thật rồi đó, tôi không thiết gì nữa hết. Ngày hôm ấy tôi bỏ luôn bữa cơm chiều. Tối đến tôi bắc cái ghế nhỏ ngồi bên giường chị. Chị vẫn mê man, tôi lo sợ đến phát khóc đi được.

Chị mở mắt ra, mệt nhọc:

- Thu à, em ăn cơm chưa?

- Chưa nhưng em không đói đâu.

Tôi bắt chước người lớn:

- À chị uống sữa nghe.

Không đợi chị trả lời, tôi nhảy xuống giường chạy nhanh vô bếp. Thú thật lần đầu tiên tôi làm công việc nầy, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi khệ nệ xách ấm nước sôi rót vào ly. Hơi nước nóng bốc lên, mặt tôi nóng ran như bị phỏng.

- Coi chừng đó Thu, thôi chị không uống mà.

- Không! Em làm được.

Nói rồi tôi nhanh nhẹn mang ly sữa đến giường cho chị.

- Chị, sữa còn nóng lắm.

- Thu, lại chị bảo.

Tôi ngoan ngoãn nghe theo chị. Chị ôm tôi, những giọt nước mắt của chị đầm đìa trên gò má tôi. Tôi nằm yên bên chị, ngửa mặt lên nóc mùng đã ngả sang màu vàng cũ theo thời gian. Ở ngoài trời bắt đầu mưa, tôi miên man nghĩ đến cái bóng tối ghê rợn đang phủ xuống khắp nhà. Câu chuyện ma của thằng Sơn trở về ám ảnh tôi không ngớt. Nó bảo ai bệnh rồi cũng chết. Một cảm giác rờn rợn làm tôi lạnh xương sống. Tôi sờ soạng lên mặt chị, gọi khẽ:

- Chị Hai.

- Gì hả Thu?

- Em sợ...

- Nằm sát vào chị. Ngủ đi Thu.

Tôi nhắm nghiền mắt lại, giấc ngủ vẫn đến tràn đầy vô tư và thiên thần...

*

Chỉ vài hôm sau chị hết bệnh. Tôi được phép đi chơi với Đông. Buổi chiều nay gió thật nhiều, những cơn gió làm đám mạ non ngả nghiêng. Tôi chạy nhanh trên bờ đê, con diều giấy đỏ rời tay tôi bay cao trên trời xanh. Chẳng mấy chốc, nó trở nên nhỏ bé nhưng oai nghi chẳng kém gì con rồng uốn khúc ở trên cao. Tôi say mê quên cả đôi chân rát vì đạp phải gai cây mắc cỡ. Tiếng thằng Đông cổ võ làm tôi hừng chí, tôi nhảy lên bờ đất cao rồi chẳng may trượt chân té sấp bên ruộng. Con diều giấy chợt bị kéo gấp vướng vào cây dừa cao. Tôi ngẩn ngơ nhìn cánh diều tung tăng trong màu lá dừa xanh rờn. Nó đã lìa khỏi tay tôi mất rồi! Một chút luyến tiếc len vào tim cậu học trò bé bỏng.

Tiếng thằng Đông hốt hoảng:

- Thu ơi coi kìa, cháy nhà mầy ơi!

Đám lửa đỏ rực ở phía nhà tôi. Thằng Đông chợt bỏ chạy đi. Tôi đứng chết trân, những vết gai đâm bỗng trở nên đau nhức lạ. Chỉ thoáng một chút nó trợ lại lôi tôi. Mặt nó xanh mét.

- Về mau, nhà mầy cháy, chị Hai...

Tôi vùng dậy chạy theo nó. Đến nơi lửa áp vào mặt tôi nóng ran, tôi tung mình băng vào lửa. Có người níu tôi lại. Mắt tôi không thấy gì hết, chỉ có màu đỏ rực của lửa. Mọi người xôn xao, ba thằng Sơn bồng chị ra. Tôi quì xuống khóc nức nở.

Chị nhìn tôi không nói được gì ngoài hai tiếng Thu ơi!

Mắt chị khép kín lại, Tôi sờ soạng lên mũi chị như trong đêm nào chị đau. Không một hơi nóng nào cả. Tôi khóc, nước mắt làm nhòa đi mọi vật xung quanh, chỉ có hình chị với cái cười thương yêu.

*

Tôi dắt tay Đông về phía đất làng.

Buổi chiều vẫn còn gió lộng. Những đám mạ xanh trơ vơ. Hai bên đường, con đường dẫn đến trường mà cũng đến nơi chị yên nghỉ, toàn những đóa hoa mắc cỡ màu tím, hoa mười giờ... Và bây giờ thế giới vàng ngọc của tôi bị bỏ quên thật sự rồi đó! Vắng chị, tất cả ý nghĩa đẹp của đời này coi như không có. Và những gì êm đẹp của tôi, bay mất rồi còn đâu, nó rời khỏi tay tôi như con diều giấy đỏ, chẳng bao giờ nó trở lại với tôi nữa. Tôi chỉ thấy mơ hồ đâu đây nụ cười thương yêu của chị. Cái cười mà suốt đời tôi không quên. Bây giờ tôi đã lớn, dầu lớn với số tuổi mười lăm. Hai năm qua tôi sống với anh Quân. Anh thương tôi nhiều nhất có lẽ vì anh không còn gia đình và vì... tôi giống chị như đúc. Nhưng anh Quân lại đổi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Tôi sống lại ở nhà trọ bằng tiền lương của anh. Hằng ngày tôi và Đông ra mộ chị.

- Đông à!

- Gì hả Thu?

- Mấy tháng rồi anh Quân chưa về, tao buồn quá!

- Thôi Thu, mầy buồn gì, phải ráng học lên đi chớ. Phải làm một cái gì cho chị Hai vui Thu ạ.

Tôi mở to mắt nhìn nó. Chưa bao giờ tôi nghe Đông nói hay như ngày hôm nay. Thằng bạn tôi nó già dặn như người lớn. Vâng! Có lẽ tôi ráng học vì tôi không thể nhờ vả anh Quân mãi, vì không còn ai khuyên bảo tôi nữa. Tôi úp mặt vào lòng bàn tay khóc. Từ dạo chị mất đi, tôi không còn là một thằng học trò cứ lo cãi với Đào vì con trai không khóc. Đông yên lặng nhổ từng ngọn cỏ trên mộ. Bầu trời hơi tối, ở đây cái hoang vắng làm tôi nghe lành lạnh. Từng cơn gió nhẹ thổi lùa qua tóc hai đứa. Tôi đứng yên. Bóng người lính ở đằng xa, tóc anh bồng bềnh. Tôi mừng vui chạy về phía anh. Anh ôm tôi, hôn lên tóc. Tôi cười trong nước mắt. Những giọt nước mắt nong nóng, đầm đìa làm tôi nhớ đến một hình bóng thân yêu. Gió nhẹ. Cánh hoa mười giờ rung rinh. Con đường đất gồ ghề có cây dừa cao trên ấy không còn con diều giấy đỏ. Hai sự mất mát cũng khác nhau xa lắm. Tuổi thơ và tình thương của tôi đã bỏ lại nơi đây. Tôi ôm anh Quân, trong cái bóng tối mờ ảo này tôi nhìn rõ khuôn mặt chị... vẫn cái cười đó, thương yêu làm sao!

Bóng đêm đổ xuống, ba cái bóng mất dần sau hàng cây sua đũa cao lêu nghêu.


Yên Thụy     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 75, ra ngày 15-8-1967)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>