Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Danh Ngôn 219


Hạnh phúc cũng như chiếc đồng hồ: Càng ít rắc rối bao nhiêu, càng ít hư hỏng bấy nhiêu.
CHAMFORT.

Càng đi sâu vào cuộc sống, người ta mới hiểu rằng hạnh phúc chỉ là niềm vui mình mang lại cho người khác.
X...

Tôi đã tạo hạnh phúc cho tôi bằng cách hạn chế sự ham muốn hơn là làm thỏa mãn nó.
STUART MILL.

Hạnh phúc là ở nơi gia đình anh, đừng đi tìm nó trong khu vườn của những người xa lạ.
DW. JEROLD.

Nhiều khi chúng ta đi tìm hạnh phúc như đi tìm cặp mắt kính mà chúng ta đang đeo ở trên mắt.
X...

Thường người ta sung sướng vì hạnh phúc mình mong đợi hơn là hạnh phúc mình đang có.
L. VEUILLOT


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 219, ra ngày 15-2-1974)

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Vịnh Trưng Vương








Tượng đá Trời Nam giãi tuyết sương
Ngàn năm công đức nhớ Trưng Vương
Tham tàn trách bởi quân gây biến
Oanh liệt khen cho gái dị thường
Liều với non sông hai má phấn
Giành nhau nòi giống một da vàng
Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.
Thái Xuyên Hoàng Cao Khải (1850 – 1933) 

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Cột Đồng Mã Viện


Sử chép, sau khi thắng trận, Mã Viện rất kiêu hãnh về thành quả chiến công của mình, nên đã cho dựng một cột đồng ở phân giới Hoa Việt trên khắc hàng chữ "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt". Ý nói cột đồng này gẫy, giống Giao chỉ cũng chẳng còn.

So sánh sự bền vững của cả một giống nòi bằng sự bền vững của một cây cột trụ, dù bằng đồng, Mã Viện đã tỏ ra khinh miệt dân ta và không có cái nhìn sâu sắc.

Đối với dân ta thời đó, tất nhiên đó là một cái gai trước mắt. Nhổ đi thì không được vì cường quyền đang áp bức. Mà để yên thì tự ái dân tộc vò xé tâm can.

Vậy thì hãy chôn  nó bằng một hòn đá nhỏ ném vào mỗi lúc đi qua, sức sống của dân ta thật mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết thật vô biên, ý chí quật cường nung nấu thật bền bỉ.

Và quả nhiên cột đồng đã bị chôn lấp dưới đống đá chất cao như núi do hàng ngàn, hàng triệu bàn tay góp phần.

Một bài học đích đáng cho những kẻ nghi ngờ sức sống của dân tộc.


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 30, ra ngày 19-3-1972)

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Những Người Cô Đơn


Vài ý nghĩ khi đọc lại cuộc đời của Bác Sĩ Semmelweis

Trong cuốn Gương Hy Sinh của học giả Nguyễn Hiến Lê, tác giả có thuật chuyện đời một vĩ nhân xứng danh vĩ nhân, một người đã chịu "chết để cho người khác sống" vì thấy không còn cách nào khác để cảnh tỉnh mọi người ngoại trừ cái chết của chính mình. Đó là bác sĩ Ignace Philippe Semmelweis, sinh năm 1818 ở Hung Gia Lợi, chết vì nhân loại năm 1865. Bác sĩ Semmelweis đã CHẾT VÌ NHÂN LOẠI bởi vì khi bác sĩ đã tự thấy mình hoàn toàn bất lực trước sự câu nệ, cố chấp của mọi người thời đó, thấy họ đang vô tình giết hàng loạt người mà lời van lơn, giải thích, cảnh cáo của mình không được họ để vào tai, cuối cùng, quá thất vọng sau khi tìm đủ mọi cách để mọi người tin phát giác của mình về lý do khiến các sản phụ bị chết vì sốt sản hậu, mà không ai chịu tin, bác sĩ Semmelweis đành phải đem chính bản thân ra làm vật thí nghiệm, để tự rước lấy cái chết mà mà bác sĩ đã biết chắc từ trước. Điều cầu xin mọi người của bác sĩ Semmelweis để cứu cả triệu mạng người chỉ giản dị là: "HÃY RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ ĐẺ", rửa tay để sát trùng. Chỉ có thế thôi! Chỉ cần rửa tay cho sạch, là đã có cả triệu sản phụ khỏi chết! Nói nghe dễ quá! Nhưng tranh đấu để mọi người nghe theo điều đó, chính người phát minh đã phải dùng cái chết của mình để đánh đổi. Ngay đầu truyện, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã ngậm ngùi:

"Làm được một việc thiện không phải là dễ! Có đủ sáng suốt để thấy con đường phải, đủ nghị lực để theo con đường đó, lại được bạn bè giúp sức, mà rồi phải thất bại trước sự ngu muội mênh mông của người đương thời, tánh thủ cựu bất di bất dịch của nhân loại, thói  tranh quyền cố vị của người trên, lòng ghen ghét ti tiện của đồng nghiệp, đó là trường hợp chua xót của Ignace Philippe Semmelweis, một người trong ba chục năm hô hào bằng diễn văn, bằng sách, báo mỗi một việc rất dễ dàng là rửa tay để cứu hàng triệu nhân mạng mà chẳng ai theo cả, lại còn cản trở, chế giễu nữa, đến nỗi thấy đàn bà trẻ con chết cứ như rạ, ông đau lòng quá, mất trí tìm cách tự tử rồi tắt thở trong nhà thương điên, xa quê hương xứ sở".

Đọc lên lời than của học giả Nguyễn Hiến Lê, rồi đọc tới đoạn nói về những cố gắng của ông, đến lòng hy sinh bao la, đến sự tận tụy từng giây từng phút, đến sự tranh đấu từng ngày từng giờ, để cảnh tỉnh những người vì vô tình mà đã trở thành sát nhân ta nhận thấy nếu người như ông mà cũng chỉ nhận là người thôi, thì kẻ tầm thường như đa số chúng ta phải mắc cỡ vì được đứng vào hàng NGƯỜI hàng danh dự, trong đó có BÁC SĨ SEMMELWEIS.

Trên đường phục vụ nhân loại của ông, một con kỳ đà lớn nhất đã cản trở, đó chính là xếp trực tiếp của ông, bác sĩ Klein, giám đốc khu hộ sinh mà ông hành nghề. Bác sĩ Klein là một người tham quyền cố vị, nịnh bợ cấp trên mà tác giả Nguyễn Hiến Lê đã mô tả là:

"Bác sĩ Klein năm mươi hai tuổi, dốt, không có cao vọng, chỉ mong cố bám chặt lấy địa vị nhờ chính sách luồn cúi, gây bè đảng, triệt để tuân lệnh bề trên. Mỗi lần đi thăm bệnh, ông chỉ chú trọng xem giường có ngay hàng không. Ông cầm cây thước đo, hễ kẻ sai một phân là quát tháo ầm ỹ..."

Nhưng tội nặng nhất của ông Klein là tội ngu, làm nhà khoa học mà không chịu thí nghiệm tìm tòi, lưu ý đến những phát minh mới lạ. Thậm chí có một bác sĩ dưới quyền ông Klein chỉ có tội đã dám dùng cái ống nghe (cái mà ngày nay các bác sĩ đều dùng) để chẩn bệnh, bèn bị ông Klein đuổi ra khỏi nhiệm sở, phải về phục vụ tại một nhà thương điên. Lý do mà bác sĩ Klein viện ra để trừng phạt thuộc cấp là "cái ống nghe đó do người Pháp phát minh. Đại dưỡng đường ở đế đô thế này không thèm dùng món đồ của người Pháp"!

Hạng người thiển cận như thế mà cầm cân nẩy mực cho sinh mạng biết bao nhiêu người thì thật là đại họa đã xẩy ra. Vào thời gian đó các sinh viên y khoa sau khi mổ xẻ thây ma để học tập, bèn rửa tay qua loa hoặc chùi sơ, rồi đi đỡ đẻ. Cho nên vi trùng tử thi xâm nhập vào cơ thể sản phụ bèn sinh ra sốt nóng, mê sảng, sưng màng óc, sưng phổi, sưng ruột v.v... rồi bệnh nhân mạng vong! Có nơi sản phụ chết cả trăm phần trăm, hoặc ít ra cũng sáu bảy chục phần trăm.


Đến nỗi nhiều sản phụ đã lạy van bác sĩ, xin được đẻ ngoài đường, đẻ ở đầu bờ xó bụi cũng được, rồi hãy vào nhà hộ sinh nằm sau. Vì kinh nghiệm cho họ biết rằng đẻ như thế thì sống, còn đẻ ở nhà hộ sinh thì chết. Điều đặc biệt đó, không ai giải thích được.

Người giải thích được là bác sĩ Semmelweis thì thấy mọi người không nghe lời khuyên rửa sạch tay của mình, cứ dùng bàn tay dơ dáy để đỡ đẻ, để sản phụ cứ chết, đã cố gắng tranh đấu bằng trăm ngàn cách không được, đến phát điên lên, tự rạch tay mình rồi bôi mủ máu ở những tử thi mà các sinh viên giải phẫu để học tập vào, quyết nhận lấy cái chết vì nhiễm độc từ xác chết, giống như các sản phụ đã bị nhiễm độc. Ông quyết dùng mạng sống của chính ông để cảnh tỉnh các đồng nghiệp, để họ khỏi giết người nữa. Và ông đã chết. Và thế giới lúc đó mới lắng nghe tiếng kêu cứu của ông.

Nhưng phải đến 14 năm sau, bác sĩ Pasteur mới tìm ra vi trùng Streptocoque trong máu bệnh nhân rồi lại phải chờ cho lớp bác sĩ bác cựu, cố chấp cũ chết hết, lớp thủ sĩ tân tiến lên thay thế, phương pháp ngừa độc của bác sĩ Semmelweis mới được áp dụng. Rồi sau đó, thì nước Hung Gia Lợi là nơi ông sinh ra, nước Đức nhận là tổ quốc của ông và nước Áo nhận là có công đào tạo ông đều tranh nhau nhận ông là của mình, tranh nhau đòi giữ xác ông, đòi làm quốc táng cho ông. Bởi vì bây giờ ông đã trở thành vĩ nhân, vào hàng ân nhân của nhân loại.

Ấy thế mà khi còn sống, còn đang lăn xả vào tranh đấu cho quyền sống con người, thì ông lại bị các giáo phái phản đối, bị áp lực mà mất chức. Vì phe thủ cựu không muốn có những sự cải tổ, sợ mất chỗ đứng, nên họ tìm đủ cách hất ông ra, giữa khi nhờ sự cương quyết bắt áp dụng điều lệ: PHẢI RỬA TAY TRƯỚC KHI ĐỠ MỖI SẢN PHỤ mà không còn ai chết vì sốt sản hậu. Mỉa may thay, nhờ điều lệ đó, sản phụ không chết nên khi ông bị đuổi ra khỏi nhiệm sở, một sản phụ thoát chết đã xỉa xói, mắng nhiếc ông:

- Về Hung Gia Lợi đi! Ở đây chúng tôi không cần ông! Đàn bà chúng tôi dơ quá mà! Nếu khám tụi tôi xong bác sĩ phải rửa tay! Về Hung mà rửa tay rồi khám các sản phụ của mi.

Khi chân lý chưa được soi sáng thì những kẻ ngu xuẩn đã viện vào đủ mọi bình phong để vênh vang đắc thắng, trong số đó có mụ đàn bà ngu xuẩn vô ơn kể trên. Thời nào cũng có đầy dẫy hạng đó! Gặp những cảnh trớ trêu như thế mà ông không nản chí, vẫn lăn xả vào mà biện bạch, van lơn xin mọi người đừng tiếp tục giết sản phụ. Hãy rửa tay! Hãy rửa tay! Hãy rửa tay!

Than ôi! Sao lại có người nhân từ và bác ái đến thế.


ĐỖ PHƯƠNG KHANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 125, ra ngày 1-6-1974)

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Thời Hoa Bướm


Người ta có cả một đời (dài) để làm người lớn, nhưng chỉ có một thời (ngắn ngủi) để làm con nít. Ngoảnh lại, té ra tôi cũng đã được tận hưởng thời con nít, hay gọi cho văn vẻ hơn một chút, Thời Hoa Bướm của mình, mà phần lớn công đầu đều nhờ ở những thày cô giáo và các giám thị tại trường trung học của tôi, nên chúng tôi đã không vội lớn!

Mỗi năm trường trung học của tôi tuyển vào tới 600 học sinh lớp đệ thất (lớp sáu), chia thành 10 lớp, sĩ số mỗi lớp tròm trèm 60 em, nhưng mỗi một sĩ tử phải chọi tới mấy chục thí sinh khác để len được vào khung cửa hẹp ấy, vì thi rớt là a lê hấp các bậc phụ huynh chỉ còn có nước đóng tiền hàng tháng cho con em học trường Tây, trường tư thục, trường bán công cứ gọi là la liệt ở ngoài kia, chỉ thiếu có tiền!... Còn nhớ tôi ngồi thi trong một phòng chỉ toàn những thí sinh tên là Lan! Từ Quý Lan, Thanh Lan, tới My Lan, Thụy Lan... Tiếng Việt chắc thiếu trầm trọng tên, nên thiên hạ cứ đổ xô đặt tên cho con là Lan! 

Quay trở lại chủ đề chính, khỏi nói cũng biết là khi thi đậu vào trường, dù thứ hạng không cao chút nào,  tôi vẫn cứ tưởng mình đang nằm mơ. Chắc ba tôi đã phải đọc mờ con mắt hết trang này tới trang khác  để tìm ra tên tôi, được đánh máy và dán lên trước cổng trường. Lúc ba tôi chở tôi và anh Hải tới trường để tôi được tận mắt nhìn thấy “bảng vàng đề tên” mình, nằm gần chót trên một trong những trang cuối cùng, ba tôi đã nói nửa đùa nửa thật rằng, đây này, tên đây này, lại suýt rớt nữa rồi đấy nhé! Sau đó, một hôm nhân lúc ba tôi đi vắng, tôi bèn lén đi “lô ca chân” tới trường. Tôi nhớ mình đã tha thẩn vòng quanh ngôi trường bề thế, uy nghi, cổ kính, nằm tọa lạc trên bốn con đường, khiến cặp giò ngắn ngủn của tôi mỏi rã rời, nhưng lòng thì cứ lâng lâng vui sướng, và miệng cứ nhủ thầm, từ bây giờ trường này là trường của mình rồi! 

Lớn lên đi làm cho công ty Tây, tôi mới vỡ lẽ “trường của mình” chẳng thấm tháp vào đâu so với các trường đại học danh tiếng khác ở bên trời Âu Mỹ, cả về phần cứng lẫn phần mềm! Hèn chi khi hỏi những đồng nghiệp Tây, Mỹ  là kỹ sư, kiến trúc sư... cho ý kiến về “trường của mình”, họ đều trả lời là tạm được, hoặc cũng được! (It’s Ok; It’s just so so...). Vậy mới biết lúc nhỏ, tôi chỉ là con ếch ngồi đáy giếng.

Nhưng đó là chuyện sau này, còn khi tôi đang được ngồi trên băng ghế của trường, không ít lần tôi đã phải thầm hãnh diện vì tiếng tăm lừng lẫy của trường. Điển hình là khi tôi tới tòa soạn báo Tuổi Hoa vào những chiều thứ bảy, lúc đó, chú Trinh Chí phụ trách trang Đồng Cỏ Non “yêu vấu” của tôi chẳng còn thấy đâu nữa, mà thay vào đó là một chị thư ký tòa soạn, hóa ra là nữ văn sĩ Lệ Hằng. Chị Lệ Hằng khá xinh, da trắng vì là con gái Đà Lạt (?), ăn nói nhỏ nhẹ, tính tình khá vui vẻ cởi mở, và hình như lúc nào cũng mặc áo dài hoa. Biết tôi học trường GL, lần nào chị LH cũng túm lấy tôi để hỏi hết câu hỏi này về cái piscine của trường tới câu hỏi khác về thư viện trường... nhằm lấy tư liệu để viết cuốn tiểu thuyết sắp tới của chị, nói về tình yêu giữa thày giáo và học trò. Giá như lúc đó có Internet thì chị LH đã không phải cất công đến thế. 

Nhưng đó chỉ là chuyện tình tưởng tượng chỉ xảy ra trong tiểu thuyết của nữ văn sĩ Lệ Hằng, còn thực tế thì các thày cô giáo và các giám thị của trường nghiêm khắc vô cùng, nên kỷ luật của trường rất chặt chẽ, nghiêm minh. Nhiều nữ sinh mới lớn thoa chút son môi, đánh chút má hồng, tay áo xắn lên ngổ ngáo, không may phù hiệu trường lên ve áo, không muốn mặc áo lá... đều phải dấu diếm trước ánh nhìn soi mói, nghiêm khắc sau cặp kính lão để trễ trên sống mũi của cô Tổng Giám Thị và các giám thị khác.  Học sinh khi muốn hỏi thày cô điều gì đều phải khoanh tay, cúi đầu, dạ thưa lễ phép. Bây giờ nghe lại bài ca Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy (phổ thơ Phạm Thiên Thư), tôi thấy  cái cảnh ...Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay... trong không gian, thời gian lúc bấy giờ là một chuyện hết sức bình thường.  Nhưng một lần nữa, hầu như đó cũng chỉ lại là lý thuyết suông, vì ai cũng biết là... nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò! Không tin, các bạn cứ chất vấn thử các giáo sư trường tôi!

Thày L. dạy môn Hóa rất hiền. Cổ thày bị đơ, không biết là vĩnh viễn hay chỉ tạm thời do trúng gió cảm cúm xoàng, nhưng khi biết được điều đó, lũ “đứng thứ ba sau quỉ ma” chúng tôi đã chọc ghẹo thày bằng thích! Một đứa phía trước giả vờ hỏi thày một câu chưa xong thì đứa thứ hai đứng đàng sau, ở cỡ 180 độ, thắc mắc tiếp, và thày cứ nhẩn nha, từ từ xoay cần cổ cứng đơ của thày về phía 180 độ, đối diện với đứa học trò thứ hai rắn mắt nọ, hiền lành từ tốn nói: Nhỏ hỏi gì? Vẫn còn nào đứa thứ ba ở góc 45 độ, đứa thứ tư ở 120 độ vv và vv... cứ thế liến thoắng thay nhau hỏi thày những câu vớ va vớ vẩn, chẳng ăn nhập gì tới môn Hóa học, khiến thày cứ phải ngoái chiếc cổ đơ sang trái, sang phải, đàng trước, đàng sau, không kịp thở. Chắc sau cùng thày cũng hiểu ra là cái lũ yêu tinh ấy chỉ đang đùa giỡn cái cần cổ bị đơ của thày cho vui mà thôi.

Một hôm có giờ giáo sư bịnh nghỉ, chúng tôi tuy không được phép ra khỏi lớp, vì chưa tới giờ chơi, nhưng vẫn cứ như một bầy ong vỡ tổ, thi nhau hú hét cười nói rần trời, khiến thày L. đang dạy lớp bên cạnh không chịu nổi, bèn qua đứng lặng lẽ nhìn vào lớp tôi: đứa thì nhảy cả lên bàn đứng oang oang ca hát gì đó; đứa kia áo dài thắt hai vạt trước sau  thành một cái gút bự ngang eo; đứa lại vác cả hai chân lên bàn, hai tay thõng thượt, tóc xõa bù xù  giả làm người say, miệng lảm nhảm ...Người say không có tội. Nàng Hồng... lại đây! Thì ra cô nàng đang đóng lại một vở chèo trong chương trình của  nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trên TV!... Một đứa tình cờ trông thấy thày L ngoài cửa, bèn húych/ háy đứa bên cạnh, và chẳng lâu sau cả lớp đứng hình, im thin thít nhìn hết ra phía thày. Thày L. lúc đó mới từ từ lắc đầu, chép miệng, hiền lành rầy chúng tôi rằng ...Đến ế mất thôi! 

Một ông thày tử vi quen của gia đình tôi, đã chấm tử vi tôi từ nhỏ, phán rằng, cung Nô bộc (bạn bè, người giúp việc, người dưới quyền...) của tôi có đủ cả  Song Hỷ (Thiên Hỷ, và Hỷ Thần) ngự trị! Hèn chi từ nhỏ tới lớn, tôi nghiệm thấy cứ hễ đứa nào mặt mày chằm bằm, nghiêm trang, khó đăm đăm... thì đừng hòng làm bạn với tôi. Lũ quỷ nhỏ bạn tôi bây giờ nếu cho đi thi Thách Thức Danh Hài hoặc Cười Xuyên Việt bảo đảm đều đậu ngôi đầu, vì chúng nó đã từng làm tôi cười lăn lóc từ ghế té xuống đất, cười đau hết cả hai gò má, và cười quặn bụng vì đau, tới nỗi tôi đã từng phải van xin chúng nó, nếu tụi bây thương tao thì đừng nói nữa, không tao sẽ cười đến đứt ruột mà chết!

Không lẽ đầu bài là Thời Hoa Bướm, nghe lãng mạn thơ mộng thế, mà lại chẳng thấy bướm với hoa đâu, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà chỉ thấy một lũ nặc nô nghịch như giặc chỉ giỏi chọc thày phá cô? Nên tới đoạn này tôi xin đề cập tới  đề tài này, theo cả hai nghĩa.

Trong con người tôi hình như có tới hai phiên bản TÔI khác nhau hoàn toàn: một thì sôi nổi ồn ào như đã kể trên, nhưng hai lại cứ “ru với gió, mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây”! Người ta nói rằng, con người muôn mặt! Nếu chỉ có hai mặt thôi, thì cũng đâu đáng để phàn nàn lắm phải không các bạn?

 Có lần trên đường về nhà từ Tòa soạn báo Tuổi Hoa một chiều thứ bảy nọ, một chị nữ sinh/cộng tác viên của báo TH, đồng hành với tôi, đã đề nghị cùng tới thăm chú Quyên Di, đang ở trọ bên cạnh đường rầy xe lửa. Hình như đó cũng là lần đầu tiên, lần duy nhất, và chắc cũng là lần cuối cùng tôi được gặp chú QD ngoài đời. Hiền hơn cả một cục bột, da trắng, đeo mắt kiếng, vóc dáng cao gầy, ăn nói vô cùng nhỏ nhẹ, và nụ cười lúc nào cũng sẵn trên môi, chú QD rất nho nhã hiền lành giống như tất cả các nhân vật khác trong tòa soạn TH! Vì sợ về nhà trễ sẽ bị đòn, tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm chờ chú QD và chị nữ sinh (cùng trường nhưng tôi không nhớ tên), trao đổi xong câu chuyện. Tới lúc lo sợ quá nhưng lại không dám xin phép về trước, tôi bèn quay ra khóc, quên cả việc muốn phỏng vấn “Nỗi buồn/vui ở gác trọ” của chú. Chú QD dù không biết lý do tôi khóc nhưng vẫn hiền lành nói rằng, Những người hay khóc thì làm thơ hay lắm! Tôi lại thấy hình như hai chuyện khóc với làm thơ chẳng liên quan gì đến nhau! Đúng không các bạn?

Tôi làm thơ có hay hay không thì tôi không biết (nhưng chắc cũng... hay hay, vì năm nào tôi cũng “bị” làm Trưởng Ban Báo Chí của lớp), nhưng khung cảnh trường tôi rất thơ mộng, mùa nào hoa nấy, khiến ta dễ tức cảnh sinh tình, nhất là vào mùa mưa, lá đổ ngập sân trường lẫn mùi hoa vàng li ti của cây nhạc ngựa bị mưa vùi dập thơm thơm gợi nhớ những ngày thơ ấu ở tỉnh nhỏ. 

Khi hoa phượng nở đỏ ối sân trường là lúc chúng tôi biết sắp phải lên lớp, và dời tới một lớp mới,và khung cửa sẽ khác xưa. Nhưng ngoài song cửa nào của trường cũng đều đẹp hết, nên thường khiến tôi mê mải nhìn trời đất mây bay gió thổi hoa rơi “mộng ngoài cửa lớp” mà quên nghe thày cô giảng bài. 

Trong sân tập thể dục, có một cây hoa thân gỗ cao như cây phượng, nhưng hoa lại giống hoa đậu, mà tôi chẳng biết tên. Vào mùa hoa nở, hình như là gần tết, hoa mọc  thành chùm trắng hồng đẹp gần bằng hoa anh đào, nhưng vào buổi trưa nếu trong lớp nhìn ra, tôi thấy màu hoa cứ buồn gì đâu. Lũ bạn tôi đặt tên cho hoa đó là hoa Sầu Đông. 

Cũng có một cây bằng lăng  hoa bay rụng tím trời mé bên kia đường. Giờ tan học, tụi tôi thường hay nhặt hoa bằng lăng, và nhất là hoa phượng chế thành hình con bướm, ép vào vở để chờ tới lúc phải viết lưu bút là gắn hoa vô, cùng những dòng chữ ngây thơ khờ khạo giờ đọc lại cười nôn ruột! Vì chỉ ở cách nhau có mấy căn nhà, nhưng năm nào cũng nắn nót những dòng chữ ỉ ôi, như:

Mai kia hoa có phai màu
Cũng đừng vứt bỏ đau lòng bạn thân!

Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)    
  

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Ông Bảy Mù


Buổi trưa, trời thật nắng. Ông Bảy Mù ngồi mài dao ngay trước cửa tiệm hủ tiếu của chú Xồi. Một lũ đến mười mấy đứa con nít vây bọc chung quanh cười đùa hỗn loạn. Thằng Mọi Cà Chua cầm đầu tụi nhóc này, nó ngồi bắt tréo trên cái hộp gỗ nhỏ đựng đồ nghề đánh giầy, tay cầm cục đá lát đường gõ côm cốp vào hộp gỗ, miệng huýt sáo huyên thuyên, nhìn bọn lỏi tì đấu hót.

Thằng Tí Sún cầm một thanh củi dài múa võ.

- Ê, tụi bay coi, tao đi bài "Mai hoa quyền" đây nè. "Bình Thân" thấy chưa! "Thượng Tiến" đá thốc cái chân này lên, phạt kiếm xuống cho lẹ, "Hổ thăng đường" xốc lưỡi kiếm tới trước, đó thấy chưa! Nữa nè, "Lưỡng đầu côn đả trọng tích thương".

- Xạo mày! Thằng Hội ghẻ trề môi xen vô phá ngang Mai hoa quyền gì đâu mà xốc lưỡi kiếm tới trước hả, thế là Mai hoa kiếm chớ bộ! Xạo ke à!

Từ phía sau, Kếu Sứt xôm tới:

- Tụi bay dóc quá chời, "Lưỡng đầu côn đả" là bài Mai hoa côn chớ quyền kiếm cái mẹ gì, để bố biểu diễn tài nghệ cho các con thưởng thức chơi, coi đây!

Kếu Sứt chụp đại con dao thái phở chưa mài để bên cạnh ông Bảy Mù, vung lên múa vèo vèo trông thật dễ sợ. Lũ trẻ con trố mắt nhìn. Thằng Tí Sún chống que củi đứng hậm hực, nhổ bọt toèn toẹt, thấy lũ trẻ reo hò thán phục Kếu Sứt quá cỡ, nó tức cành hông. Thằng Tèo em ruột nó, ôm thùng cà rem, miệng la cổ võ, tay lắc lia cái chuông kêu rẻng rẻng. Tí Sún thuận tay "để" cho em một que củi vào mông nghe cái "bốp".

- Nín mày! Bộ tưởng nó giỏi lắm sao? Đồ gì đâu dở ẹc!

Thằng Tèo nhăn nhó gãi gãi mông, đổ quạu:

- Giỏi sao không giỏi! Anh múa được như anh Kếu không?

- Xí! Được sao không được, nó múa võ rừng, chẳng có bài bản gì ráo. Xáp trận mà không biết thủ đúng thế, sức mấy ăn người ta, đừng tưởng bở!

Kếu Sứt đang nhảy nhót gầm thét, hươi dao loạn xạ. nghe Tí Sún dè bỉu, bèn ngưng lại, cung tay:

- Ê, Sún! Mày nói ai múa võ rừng?

- Tao nói mày. Mẹ kiếp, múa tầm bậy!

- Bậy mụ nội mày! Kếu Sứt sửng cồ phùng mang trợn mắt nói sùi cả bọt mép Ông lại chỉ giáo cho năm bảy miếng bi giờ. Tới đây! nó cầm con dao phở giơ lên vời vời thằng Tí Sún Tới đây! Sư phụ truyền nghề cho.

Tí Sún cầm ngang thanh củi, vênh mặt "kên" thằng Kếu Sứt:

- Ựa! Khỏi nói mày! Cứ trổ hết tài cho anh em xem, rồi đi chỗ khác chơi. Võ viền cỡ mày làm tao ngứa mắt.

Kếu Sứt tỉnh bơ, xoay về phía lũ nhóc con, tiếp tục biểu diễn. Nó khuỳnh hai chân, lùn người xuống, tay phải nắm con dao phở để giữa lòng bàn tay trái, miệng thét lớn:

- Đồng tử bái Quan âm, này!

Kế, nó bước xéo tới nhoài người ra phía trước, lia một đường dao về phía thằng Tí Sún, hất hất cái mặt:

- Bình sa lạc nhạn, này!

Rồi dang hai tay đứng cầm dao xoay tròn như chong chóng.

- Phượng hoàng xòe cánh.

Tí Sún ngửa mặt cười khẩy, nói đổng:

- Mẹ kiếp, Phượng hoàng xòe cánh trông như con gà nuốt dây thun. Đồ gà chết!

Lũ trẻ con, kể cả thằng Tèo em thằng Tí đều đã thấy Kếu Sứt giỏi nghề hơn thằng Tí Sún, chúng nó nói khích:

- Anh Tí Sún có giỏi thì ra nghề đi, xem ai ăn ai thua?

Tí Sún nổi máu anh hùng, trao que củi cho thằng Tèo nhày phóc một cái vào giữa đám trẻ:

- Sợ gì! Tao ra nghề cho tụi bay coi! Không cần dao kiếm chi hết, tụi bay xem tao đánh Karatê đây nè.

Tí Sún nắm hai tay lên gân, đấm đạp loạn xị xà ngầu:

- Hự... hự...

Vừa đánh võ nó vừa giải thích ra vẻ sành điệu lắm:

- Đây là thế Na-ra-ni-xơ-ghi hiểu chưa? Hự... Hạ-đăng-ma-ki, là thế đánh vào hạ đẳng. Hự... Hự. Chung-đăng-ma-ki, đánh vào trung đẳng, nhìn nè! Cái thế đánh này là chết cha con Phụng hoàng xòe. Hự... Xăng-đăng-ma-ki, đánh thốc lên thượng đẳng...

Lũ trẻ con cười hộc lên reo hò ầm ĩ. Thằng Kếu Sứt giận đỏ mặt tía tai, văng tục một tiếng, cầm con dao phở quơ quơ thách thức:

- Có giỏi nhào dô... nhào dô!

Như một tay anh chị hạng nặng, Tí Sún ngửa mặt cười khành khạch, nó giật lấy thanh củi ở tay thằng Tèo, tung bổng lên cao quay như chong chóng, rồi vươn tay chụp lấy một đầu cầm gọn trong tay, dệnh dạng hai chân trong thế tấn công, lừ lừ tiến về phía Kếu Sứt, lũ trẻ con tự động dang rộng vòng ra xa, không khí có vẻ căng thẳng.

Chợt thằng Mọi Cà Chua vung tay ném mạnh viên đá lát đường đúng vào lưỡi dao phở trên tay Kếu Sứt, cả Kếu lẫn Tí Sún đều giật nảy mình quay lại. Thằng Mọi Cà Chua quát lên, giọng kẻ cả:

- Thiệt, chơi tụi bay?

- Dạ... dạ hai đứa nhìn nhau dạ rỡn mà anh hai.

- Làm đi!

Hai tay anh chị oắt con lại tiếp tục gườm gườm thủ thế, song cái điệu bộ đằng đằng sát khí đã biến mất, chúng chỉ chờn vờn nhau mà thôi.

Lũ con nít bao quanh cũng hết sợ, chúng coi đây là một trò chơi thú vị, mạnh đứa nào đứa nấy hò hét, vỗ tay rôm rốp:

- Dô! Dô! Dô... Dô...

Từ nãy tới giờ ông Bảy Mù vẫn chăm chỉ mài dao xoèn xoẹt, ông đã quá quen thuộc với không khí lề đường và bọn trẻ nít xóm Cầu Móng này rồi.

Tuy nhiên, tiếng la hét chói lói của lũ nhóc đã làm chú Xồi đang ngủ trưa phải thức giấc. Chú chống tay ngồi dậy, xoa xoa cái bụng mỡ theo thói quen. Bỗng chú nhìn ra cửa thấy hai thằng bé, đứa dao đứa củi đang xáp vô múa may quay cuồng, chú đứng bật dậy hốt hoảng chạy ra quát tháo:

- Hầy à! Nỉ tỉ hơi tài di tần phản!

Lũ trẻ chẳng hiểu chú nói gì, cười ré lên, thằng Hội ghẻ hích cùi chỏ vào mạng sườn con Nụ:

- Chú Tiều chú ấy tiểu hà má mầy đấy!

Con Nụ hất tay Hội ghẻ ra, cự nự:

- Xí! Đồ dô diên!

Chú Xồi thấy lũ trẻ tỉnh bơ, càng cáu tiết hơn:

- Cái lày, ngô lói con lít ti lơi khác choi! Hầy à, kỷ xì nị tì ừm théng hòa ngộ tạ nì tì xỉ, cái lày ngộ lói không có tược, ngộ tập chít cha lớ!

Chú Xồi nói xì xộ một hồi, rồi bất thần chụp ngay một thanh củi dài trong bếp lửa, khua khua đại vào giữa đám con nít, tàn lửa đỏ bắn tung tóe khiến lũ trẻ bỏ chạy tán loạn.

Thằng Kếu Sứt thừa lúc bất ý, bèn cầm nằm lưỡi dao phở tát đánh "bét" một cái thật mạnh vào mông thằng Tí Sún, rồi liệng đại con dao xuống chân ông Bảy Mù, co giò chạy tuốt. Tí Sún bị đánh một cái rát bỏng mông, nó nổi giận lao mạnh thanh củi nhưng không trúng Kếu Sứt, bèn rượt theo, chửi thề tùm lum:

- Mồ tổ mày! Thằng Kếu Sứt, Cứt Xếu! Đồ chó cắn trộm. Quạ mổ mày, Cứt Xếu ạ!


Phút chốc lũ trẻ giải tán hết chỉ còn lại thằng Mọi cà chua ngồi bên cạnh ông Bảy Mù. Nghe ông bảy Mù kêu xít xa, nó chợt nhìn xuống thì thấy bắp chân ông Bảy bị lưỡi dao thái phở do thằng Kếu Sứt ném khi nãy, cắt một đường khá dài, nó hoảng sợ:

- Trời ơi! Thằng Sứt nó liệng dao trúng chân ông Bảy nè! Chu choa! Đau không ông Bảy?

Ông Bảy Mù nghiến hai hàm răng nén đau, nói run run:

- Đau ít ít thôi. Mày có thuốc lá cho tao điếu.

- Để con đi mua.

Nói xong nó phóng chạy ra sạp bán thuốc lá ở đầu đường.

Khi Mọi cà chua trở lại, thì chú Xồi đã băng bó vết thương cho ông Bảy Mù, chú than thở:

- Chòi ôi! Chòi ôi! Con lít ở lây phá quá chòi à! Ông Pảy à! Lau không ông Pảy? Hết lau dòi chố? Tội gệp ông Pảy hít xức à.

Chú Xồi chỉ thằng Mọi cà chua hỏi:

- Hày à. Phải nị chém ông Pảy hông?

- Không!

- Đứa lào chém ông Pảy?

- Hỏi gì? Mắc mớ gì đến chú không mà hỏi?

Ông Bảy sờ soạng vào cục bông nơi vết thương, ôn tồn nói:

- Không sao đâu chú Xồi! Mấy cháu nhỏ nó lỡ tay chớ đâu có khi nào chém tôi.

- Thuốc lá đây ông Bảy. Làm một điếu Salem đi ông!

Ông Bảy cười hề hề, trả lời rất hiền hậu:

- Tao biểu mày lấy thuốc lá đắp vô nơi chân chớ ai biểu mua tao hút chi?

- Ủa! Vậy hả? Mà thôi ông Bảy cầm gói Salem này hút chơi đi. Con biếu ông nè.

- Trời đất ơi! Tao mà hút Salem à mày! Hề hề... coi chừng xài ẩu dám bị ông cò hốt vô bót đa! Mày đưa lại chú Xồi lấy tiền về đi. Tao quen thuốc rê rồi.

- Không! Con đã nói biếu ông là biếu mà. Ông Bảy cầm đi ông Bảy.

Thằng Mọi cà chua dúi gói thuốc Salem vô túi ông Bảy Mù, nó ái ngại nhìn vết thương nơi chân ông rồi chợt moi túi lấy ra tờ 500đ nói:

- Tụi nhỏ em con nó phá ông Bảy, con xin lỗi ông Bảy nghe!

- Ồ, không có chi, tao coi tụi nó như con cháu cả mà, mấy đứa nó ưa phá vậy chớ tao nói chi, nó cũng nghe tao hết trơn à, tao thương tụi nó mà.

- Ông Bảy nè... con hỏi thiệt nghe!

- Mày nói cái giống gì?

- Còn tiền không ông Bảy?

- Tiền hả? Tao mài xong lớp dao này mới có chớ. Cỡ nầy cũng tới trăm bạc lận!

- Tụi em út con lỡ chém chân ông Bảy, con đền ông Bảy 500đ nghen!

- Hả? Gì mày?

- Ông cho con đền 500đ nghen!

- Ủa! Mày sao bày đặt quá vậy Mọi?

Ông Bảy cầm tờ 500đ vân vê nơi tay, lát sau ông nhỏ nhẹ bảo nó:

- Mày kỳ quá à. Tao đã nói tao thương tụi nó mà mày đền bồi gì nữa. Ở cái xóm Cầu Móng này tao mù lòa, có 1 thân 1 mình sống chui dưới gầm  cầu có chúng mày tao cũng đỡ khổ lắm chớ. Hồi nào tới  giờ, mày không biết tánh tao sao? Tao nghèo khổ, đui mù nhưng tao cũng biết ơn biết nghĩa lắm chớ bộ, bữa hôm tết rồi mấy đứa bây nhịn phần bánh đem cho tao, tao muốn ứa nước mắt lận! Kể chi bữa nay mà mày phải đền tiền tao?

Ông Bảy ngưng lại giây lát, đoạn tiếp:

- Mọi à! Tao nói thiệt, tao nghèo khổ đui mù thiệt, song tao quí ơn nghĩa hơn tiền, tao quí tụi bây như con cháu tao vậy, đừng nói tiền bạc với tao. Một đời tao cực khổ rồi, tao có lấy 500đ của mày, tao cũng đâu có giàu lên được, mà chưa chừng tụi bây khi tao. Mày cầm lấy đi. Nhủ mấy thằng tối nay ra gầm Cầu Móng tao kể chuyện ma cho nghe. Nhớ nghe mày.

Thằng Mọi cà chua sượng sùng cầm lấy tờ bạc 500đ nhét vô túi áo. Một giọt lệ chợt ứa ra khóe mắt. Nó giơ tay quẹt ngang rồi đứng lên đi thẳng. Ông Bảy mù hiền lành cúi xuống đẩy mạnh con dao thái phở trên viên đá mài. Tiếng kêu nghe xoẹt xoẹt. Buổi trưa, trời vẫn nắng chói chang.


QUỐC BẢO    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 29, ra ngày 12-3-1972)


Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Về Thăm Trường Cũ

Tôi trở lại trường xa mấy năm
Nghe chừng quanh gió lạ xa xăm
Cây xanh vươn lá nghiêng mời mọc
Cỏ níu chân về đi khó khăn

Đàn em bé vẫn dáng thơ ngây
Với nụ cười xinh suốt một ngày
Trong màu mắt biếc là bể chứa
Những ý êm đềm như lá bay

Tôi đã từng qua đó những lần
Hàng cây sân cỏ lặng bâng khuâng
Có chim nhỏ hát mùa xuân thắm
Quyến rũ mùa thu giữ bước chân.

Kỷ niệm về như một tiếng ca
Trong ngày hạnh phúc rất xưa xa
Bỗng dưng tôi thấy mình như gió
Chợt trở về đây bên chiếc hoa

Tôi gặp thầy xưa bên gốc cây
Nghe chiều gió thổi lá thôi bay
Chuyện trò gợi ý về kỷ niệm
Lời nói chưa qua hết những ngày

Thầy bảo: - "Em như hạt bụi đường
Bay đi không nhớ một yêu thương
Bây giờ trở lại con đường cũ
Thấy sắc hương nồng vội tiếc thương..."

Giọng thầy nửa trách, nửa thương yêu
Êm nhẹ như mây lúc trở chiều...
Có phiến lá vàng rơi nhẹ cánh
Lá buồn một chút cũng lên theo.

Từ biệt thầy tôi trở bước đi
Sương loang cỏ ướt, nước vương mi
Trời chiều nắng vỡ, mây về núi
Có hứa mong chi? Muốn nói gì?

                                             N. DIỄN
                                      (T.V.Đ. VIỆT NAM)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)


Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Họa Phước Khôn Lường


Cho các bạn lớp Bảy - 6 T. C. V.

Mấy ngàn năm trước đây ở Á châu có một vị vua tên là CROESUS cai trị một xứ không rộng lắm nhưng rất trù phú và đông dân. Người ta bảo chính vua Croesus là người giàu có nhất thế giới, mọi người đều biết tiếng ông, đến nỗi về sau, muốn nói đến một người rất giàu, họ thường ví là giàu như Croesus.

Thật vậy, ông rất giàu, ông có đủ mọi tiện nghi : nào cung điện nguy nga, áo quần xa hoa và hầu như tất cả báu vật đều nằm trong tay ông. Bởi vậy ông thường tự hào: Ta là người sung sướng nhất.

Một ngày kia, có một nhà thông thái ở bên kia bờ biển du lịch sang Á châu. Người này tên là Solon. Ông là một luật gia ở thành Nhã Điển ở Hy Lạp. Ông nổi tiếng là có học vấn uyên thâm nên nhiều thế kỷ sau khi ông chết, mỗi khi muốn ca tụng sự hiểu biết của ai người ta thường ví là "Uyên bác như Solon".

Solon đã nghe tiếng Croesus và vì thế một hôm ông đến yết kiến nhà vua. Bấy giờ Croesus lại càng sung sướng và hãnh diện hơn vì người uyên bác nhất thế giới lại là thượng khách của ông. Nhà vua bèn đưa Solon đi xem khắp nơi trong cung điện, từ những căn phòng mênh mông có trải những tấm thảm thật hoa mỹ đến những bàn ghế, tranh ảnh và sách vở quí giá. Rồi nhà vua lại mời vị học giả ra xem vườn Thượng uyển, nơi trồng hàng ngàn vạn thứ hoa cùng cây ăn trái quí và hiếm có từ khắp trên thế giới.

Tối đến nhà thông thái được nhà vua khẩn khoản đãi tiệc. Trong lúc vui chuyện, nhà vua mới hỏi khách rằng:

- "Solon, ngài có thể cho ta biết, theo ý ngài, ai là người sung sướng nhất thế giới?"

Hỏi như thế nhưng nhà vua tin chắc Solon sẽ trả lời: "Chính là bệ hạ".

Nhưng nhà thông thái im lặng một lúc rồi nói:

- "Thần nghĩ đến một người nghèo sống ở Nhã Điển tên là Tellus và thần tin chắc ông ta là người sung sướng nhất".

Thật đó không phải là câu trả lời mà nhà vua mong muốn. Tuy vậy nhà vua phải giấu nỗi thất vọng của mình rồi hỏi tiếp:

- "Tại sao ông nói thế?"

Vị khách đáp:

- "Tâu Bệ hạ, vì Tellus là một người chất phác, làm lụng vất vả để nuôi nấng và dạy dỗ cho các con. Đã thế ông lại gia nhập quân đội và hết lòng bảo vệ đất nước. Bệ hạ thử nghĩ xem còn ai hạnh phúc hơn người đó?"

Một lần nữa Croesus lại nén sự thất vọng và trả lời:

- "Chưa chắc! Nhưng theo ngài nghĩ, sau Tellus còn ai là người hạnh phúc nữa?"

Lần này nhà vua tin tưởng Solon sẽ nói: "Chính là bệ hạ" Nhưng Solon lại đáp:

- "Thần đã nghĩ đến hai thanh niên ở Hy Lạp mồ côi cha từ lúc còn nhỏ và dù rất nghèo, họ đã cố làm việc vất vả để phụng dưỡng bà mẹ và lúc nào cũng chỉ nghĩ làm sao cho mẹ vui lòng".

Đến đây thì nhà vua nổi giận hỏi nhà thông thái:

- "Tại sao ông chẳng đếm xỉa gì đến tôi? Ông thấy của cải và quyền thế của tôi chẳng ra gì sao? Tại sao ông lại coi những người nghèo đó hơn cả vị vua giàu nhất thế giới?"

Solon ôn tồn đáp:

- "Tâu bệ hạ, hiện giờ thần không dám nói chắc bệ hạ có sung sướng hay không, vì không ai biết sự rủi ro sẽ đến với mình lúc nào..."

Nhiều năm sau, bỗng xuất hiện một vị vua quyền thế ở Á châu tên là Cyrus, cầm đầu một đạo quân hùng hậu, chiến thắng từ xứ này đến xứ khác, từng sáp nhập biết bao quốc gia vào đế quốc Babylon của ông. Vua Croesus, với tài sản đồ sộ đó cũng không chống nổi đạo quân bách thắng này. Tuy vậy nhà vua cũng tận lực chiến đấu, cho đến khi kinh thành bị chiếm, cung điện ra tro, kho tàng bị cướp đoạt và chính nhà vua cũng bị cầm tù.

Khi bình định xong, vua Cyrus bảo với cận vệ ông ta:

- Chính tên Croesus này làm phiền ta không ít, làm ta hao binh tổn tướng cũng nhiều. Hãy đem hắn ra xử tội để làm gương cho kẻ nào ngu dại dám chống lại ta.

Liền đó, đám lính lôi vị vua thất thế ra giữa chợ. Họ dùng những kèo cột nơi cung điện đổ nát của nhà vua để dựng lên một dàn hỏa thiêu. Khi chất xong họ trói vị vua đáng thương kia vào và sửa soạn châm lửa đốt. Họ còn nói: "Chúng ta sắp có một ngọn lửa biết giãy giụa rất vui mắt. Của cải ông ta sẽ đốt cháy ông ta vậy".

Về phần nhà vua Croesus, thân mình bầm tím và máu me khắp người nằm trên dàn hỏa, không còn ai thân thích để xoa dịu khổ đau. Ông ngẫm nghĩ đến lời Solon nói với ông hôm nào. Ông khẽ gọi: "Ôi! Solon! Solon!"

Lúc đó tình cờ vua Cyrus ngự giá qua và nghe tiếng ông than thở, mới gọi quân lính lại mà hỏi rằng: "Hắn ta nói gì đó?"

Một người trong bọn vội tâu: "Tâu bệ hạ hắn nhắc đến Solon".

Cyrus bèn đến gần và hỏi Croesus:

- "Sao ông lại gọi tên Solon?"

Lúc đầu Croesus im lặng, nhưng sau đó Cyrus dùng lời lẽ ôn tồn gặng hỏi thì Croesus bèn kể lại cuộc viếng thăm của Solon khi trước và những điều ông ta đã nói.

Câu chuyện kể lại làm Cyrus nghĩ ngợi nhiều.

Quả thật vậy, nào ai có biết được khi nào tai họa sẽ đến với mình. Rồi nhà vua tự hỏi nếu một ngày nào đó ông cũng bị mất hết quyền hành và bị cầm tù như Croesus thì sao? Bởi thế nhà vua nghĩ tiếp: "Thật ra không nên bạc đãi người đã thất thế. Ta phải đối xử với Croesus như ta muốn người khác đối xử với ta"

Và rồi nhà vua trả tự do cho Croesus và từ đó về sau, ông ta đối xử với Croesus như một trong những người bạn đáng trọng nhất.


DƯƠNG VĂN TỴ           
(Tam Kỳ)                  
(kể theo chuyện "As rich as Croesus")

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Nhật Ký Của Bé


Bé không hiểu hồi chiều hôm qua, tại sao me khóc. Nhưng me chỉ khóc có một tí thôi. Bé chỉ thấy một giọt lệ trong veo lăn trên má me rồi me lại mỉm cười ngay. Bé thấy thương me lắm mà không dám hỏi. Bé ngồi bên me một chốc rồi thấy đói bụng. Bé đi ra ngoài phòng ăn lấy phần ăn "xế chiều" của Bé mà me đã sắp sẵn trong một cái hộp. Bé ăn xong, rồi vì trời mát quá Bé ngủ quên ngay trên ghế bố.

Cho đến chiều nay, Bé vẫn chưa hỏi me vì sao me khóc. Me đi phố rồi, u già thì giặt đồ sau nhà, chỉ có Bé ngồi một mình ngoài lan can, Bé đang ăn bánh ngọt. Mấy vụn bánh rơi xuống làm trắng xóa cả vạt váy đầm đỏ của Bé. Bé đứng dậy rũ áo, vụn bánh rơi xuống đất. Con mèo với con chó con thi nhau ăn, chúng tham lam quá, giành nhau suýt cắn lộn, Bé phải bế con mèo lên gối và vuốt ve đầu con chó để giảng hòa.

Chiều nay, Bé mặc váy đỏ, áo sơ mi trắng, mang đôi giầy trắng và hai đuôi tóc thì buộc nơ sa tanh hồng. Bé ngồi chờ me về, me về thì làm sao mà Bé chả có quà cơ chứ. Ít nhất, me cũng mua cho Bé quả bôm hay cái bánh con heo. Me biết Bé thích bánh này nên me mua luôn. Me thương Bé như vậy đó và bù lại, Bé cũng thương me ghê lắm. 

Me hứa với Bé rằng vài hôm nữa, me sẽ dạy Bé học viết, học đọc, thích biết mấy. Bé sẽ viết nhật ký như me và Bé dành trang đầu để viết:

"Nhật ký của Bé
"Con gái đầu lòng của me...

"Con yêu quí của me..."

Đó là những câu me nói với Bé. Bé viết nhật ký xong hôm nào, Bé sẽ lén đặt trên bàn trang điểm của me, để me xem cho vui. Rồi khi nào me đọc xong, Bé sẽ chạy lén vào lấy lại để ngày mai có thể viết tiếp chứ. Nghĩ đến đó là Bé đủ sung sướng rồi. Nhưng nếu Bé biết đọc, Bé sẽ vui hơn cơ. Đêm đêm dưới ánh nê-ông trắng, Bé sẽ soạn ra một đống truyện. Bé sẽ lựa cuốn nào hay nhất, hấp dẫn nhất, lý thú nhất mà Bé đã xem để đọc cho me nghe. Me thì ngồi ở xa-lông, vừa may áo vừa nghe Bé đọc. Chắc hẳn là me phải mỉm cười luôn vì câu chuyện lý thú và vì giọng đọc vô cùng dễ thương của Bé.

Nhưng nếu như vừa may áo vừa lắng tai nghe đọc chuyện thì những đường kim sẽ xấu đi một tí. Nhưng chả sao, me thêu hoa là tuyệt thật tuyệt, nếu có bớt đẹp một xíu cũng được, miễn sao me Bé vui vẻ, me không khóc như chiều hôm qua là được rồi. Những cái áo ấy me may cho bé, Bé sẵn sàng chịu đựng những thiệt thòi đó để me được vui, Bé có hiếu lắm đấy chứ!

Còn về mùa đông, ồ về mùa đông cũng vui lắm. Bé cũng sẽ đọc chuyện me nghe. Nhưng me với Bé không ngồi ở xa lông nữa đâu. Về mùa đông, ngoài ấy lạnh lắm. Me với Bé sẽ ngồi trong phòng, Bé cuộn kỹ người trong chăn nằm đọc, me ngồi bên cạnh. Khi ấy, có lẽ me không thêu áo nữa mà là đan áo, và dĩ nhiên là me đan cho Bé rồi chứ còn ai nữa. Áo me, khi nào me cũng mua ngoài tiệm Me còn đan cho Bé khăn quàng cổ, có rua len xõa xuống trông xinh ra phết. Hồi này Bé lớn, chứ hồi Bé còn nhỏ, me đan cho Bé mũ, vớ nữa kia Trong khi ấy, con mèo nhỏ của Bé lạnh, nó sẽ nhảy lên giường. Bé cho nó nằm lên trên bụng. Bé sẽ bị me mắng nữa. Tuy mắng mà me lại hôn Bé, me hôn trên má, trên trán, trên tóc Bé, me quên cả đan len.

Bé hạnh phúc quá, Bé sung sướng quá, Bé bỗng cắt đứt ý nghĩ, ôm con mèo vào nhà. Bé chợt thoáng thấy đôi mắt ba trên ban thờ nhìn Bé như âu yếm. Bé không hề biết ba ra sao, chỉ thấy ba trong ảnh. Tuy Bé không có ba, Bé vẫn thấy đầy đủ, sung sướng. Bé yêu me, Bé quí mến u già, Bé sống trong bể tình thương của hai người đó.

*

Hôm nay, me cho Bé 10đ để Bé cho heo đất ăn, nhưng Bé không cho nó ăn đâu. Bé lén xuống nhà nhờ u già mua hộ Bé một cuốn sổ nhỏ. Khi u già đi rồi, Bé lên ngồi bên me tập đọc mà vẫn lóng ngóng nhìn ra cổng, sốt ruột ghê.

Đã mấy tháng nay, me dạy Bé học. Me dạy thật hay và Bé học thật chăm, vì thế bây giờ Bé đã thạo đọc, thạo viết. Me khen Bé thông minh, dễ dạy, me khen Bé nhỏ mà viết chữ đều đặn nữa kia.

U già về rồi, u mua cho Bé cuốn sổ tay xinh quá là xinh. Cuốn sổ bé tẹo và khá dày. Bé yêu hình khóm hoa ngọc lan ở ngoài bìa quá. Bé giấu cuốn sổ vào tay rồi lên nhà tiếp tục học. Me vẫn ngồi may áo cho Bé. Chiếc áo đầm này vừa trông là Bé thích liền, áo màu hồng nhạt, có viền ren trắng. Bé mong me thêu hoa cho thật mau để Bé có thể mặc mà đi phố với me ngay.

- Đau hả Bé, sao mặt tái thế con?

Nghe me nói, Bé mới chợt thấy gây gấy trong mình, đồng thời Bé sịt mũi mấy tiếng. Me vội vàng buông đồ khâu, tới sờ trán Bé.

- Cảm rồi đấy, đi nằm con.

Me bế sốc Bé trong tay và đem Bé vào giường. Bé ôm cổ me nũng nịu:

- Bé đau sơ sơ thôi me ạ.

Me mỉm cười không đáp, lẳng lặng đặt lên trán Bé một cái hôn. Nhờ me cúi gần, Bé mới nhận thấy mắt me hôm nay trong và đen lay láy, đen kỳ lạ. Màu mắt me như nổi bật lên màu da trắng mịn màng...

*

Me đặt chiếc "sac" xuống bàn với mấy hộp thuốc. Me lôi trong "sac" ra một chú khỉ ngộ nghĩnh, hai tay đánh trống. Hồi sáng nay, ở tiệm thuốc tây ra, me bỗng thấy chú khỉ này bày ở hè phố và me mua về làm quà cho Bé.

Chưa kịp cởi áo dài, me cầm chú khỉ trong tay và toan bước vào phòng Bé. Bỗng me thoáng thấy trên bàn trang điểm, một cuốn sổ nhỏ nằm chễm chệ. Me nhẹ nhàng nâng lên và ngạc nhiên xiết bao khi đọc dòng chữ: "Nhật ký của Bé... con gái đầu lòng của me... con yêu quí của me" Me khẽ mỉm cười lật tiếp, ngay trang sau me đọc thấy:

"1-7-69. Hôm nay Bé đau. Bé đau từ hôm qua lận. Me đem đi bác sĩ Phước rồi me đi mua thuốc nữa. Me ơi! Bé hối hận lắm nghe vì sáng hôm qua Bé chạy ra cổng chờ u già hoài mà không lấy mũ đội. Bé dang nắng và Bé đau, xin me tha lỗi Bé, Bé hứa với me sẽ không dang nắng nữa để me khỏi phải tốn tiền bác sĩ và mua thuốc me nhé!"

Me cảm động quá, me sung sướng quá. Me ngồi thừ người trên ghế, con me thật thông minh, viết văn thông suốt mặc dù chưa đến trường lần nào. Me yên lặng cúi nhìn cuốn sổ be bé, xinh xinh trên tay me. Bỗng nhiên me chớp mắt, ấp cuốn sổ vào ngực, hai giọt lệ sung sướng trào ra trong văn vắt, trong như tâm hồn Bé, Bé yêu quí của me...


ĐOÀN PHƯƠNG MAI      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 123, ra ngày 15-2-1970)

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Những Gì Đã Qua















Nhìn lại phía sau? Nhìn lại mà chi ?

Thôi  buồn mà chi, thôi hãy quên đi

Đâu còn gì nữa, chẳng còn gì nữa

Thả theo ngọn gió, cơn buồn bay đi


Những gì đã qua, cứ  để đi qua

Ngày đó đã qua, ngày đó xót xa

Bước chân phiêu lãng, một đời quên lãng

Trôi theo ngày tháng, còn ai nhớ ta ?


Hôm nay sẽ qua, ngày mai sẽ qua

Niềm vui sẽ qua, nỗi buồn  sẽ qua

Có gì vĩnh viễn, còn hoài mãi mãi

Đừng giữ riêng mình, nhận vào,cho ra


Những gì đã qua, đừng nhớ mà chi

Những gì xót xa, dày vò thêm chi

Khi đã qua rồi đừng lo nuối tiếc

Giữ cho trọn lành tư tưởng hành vi

             
                    Nhã Uyên



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>