Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Vòng Tay Thân Ái


Mọi cặp mắt đều chú mục vào con “xúc xắc” đang quay tít trong đĩa sứ giữa bàn “cờ cá ngựa”. Anh Mai rung giọng nói như một lời cầu kinh:

- Ráng lên “cưng” ơi, ra “mặt lục” “bố” sẽ thưởng.

Vân nguýt dài nhưng cũng run. Nếu anh Mai đổ ra mặt lục, ngựa Vân sẽ bị đá, ngựa Vân bị đá thì mất một dịp thắng cuộc. Chỉ còn con chót này nữa, “ngựa” Vân sẽ vào “chuồng” đủ bốn con. Đã ba lần “ngựa” Vân đứng mấp mé ở cửa “chuồng”, chỉ cần đổ ra “tam” là bốn con “ngựa” nằm ngay ngắn ở “chuồng”. Nhưng cả ba lần đều bị trật vì bị các con kế sau đuổi “đá”, hết ngựa anh Thuận, chị Hòa đến ngựa anh Mai. Mỗi lần một con ngựa bị đá, thân chủ thay vì nộp phạt 5đ, thì phải bị quệt một vết lọ nồi. Mặt người nào cũng đầy lọ và Vân bị nhiều nhất, “ngựa” bị đá liên miên, đá như điên, mặt Vân bị bôi kín lọ nồi. Trông mặt bốn người trong cuộc chẳng khác gì bốn anh hề trong đoàn hát. Cuộc chơi chỉ có bốn người được tham dự, Hương và Bé Tý ngồi ngoài “chầu rìa” đợi ai bị “truất phế” là nhảy vào “điền khuyết”. Hương có bổn phận giữ lọ nồi, vừa cười vừa bảo anh Mai:

- Ra “lục” chuyến này anh Mai “quệt” con Vân hộ em một cái thật dài trả thù tối qua anh nhé.

- Khỏi lo, em cầu cho anh đi nào.

- Em cầu đây : Cầu trời cho anh Mai đổ ra lục để con được phục thù con Vân tối qua nó “quệt” con “tơi bời”.

Cả bọn cười vang rồi im bặt. Con “xúc xắc” từ từ quay thật chậm, mọi người trố mắt nhìn, ra mặt đen rồi, và “mặt lục” hiện ra thật rõ ràng. Anh Mai ồ lên một tiếng rõ lớn. Vân xịu mặt hẳn đi lúc anh Mai cầm “ngựa” mình lên hất ngựa Vân nghe một tiếng “tróc”, ngựa Vân bắn ra xa, và chú ngựa đỏ của anh Mai nghiễm nhiên giành chỗ, nó nghểnh cổ ra chiều tự đắc, Vân ghét thậm tệ. Anh Mai nhìn mọi người nói:

- Thật tuyệt!

- Tuyệt gì? – Chị Hòa hỏi lại.

- “Tuyệt cú mèo”.

- Anh bắt chước “thằng Vũ”.

- Phải, “thằng Vũ” “tuyệt cú mèo”, anh “tuyệt cú mèo”, đồng ý chưa? Hương đưa lọ nồi đây anh trả thù cho.

Anh Mai nói và làm thật ; anh quệt một đường đen vào ngón trỏ và đưa lên nhìn Vân:

- Sao Vân? Mặt trông giống “cô bé lọ lem” ác. Bây giờ anh quệt thêm một vệt trên trán thì chắc thành “Bà phù thủy Phi châu”.

- Bộ mặt anh đẹp lắm sao? Anh chẳng khác gì “Ông Tây đen nằm trong cái bồ” ấy.

Tiếng cười được dịp vang lên át hẳn tiếng hát Hoàng Oanh : “Xuân đi rồi Xuân đến. Xuân mang niềm tin đến cho nhân loại thân ái!...”

Nhà ngoài má, ba đang chuẩn bị lễ giao thừa, Cu Dũng và con Ty Ty mải mê xem các tranh vẽ ở báo Xuân Tuổi Hoa. Không biết thằng nhãi Dũng nói gì mà con nhỏ Ty Ty thỉnh thoảng ôm bụng cười ngặt nghẽo. Chị Thiết nói vọng vào:
- Dũng và Ty Ty đi ngủ cho rồi, chốc nữa me gọi dậy đón giao thừa!

- Phải đó, ngủ đi cháu, kẻo sáng mai đầu năm dậy muộn bị đòn – tiếng bà ngoại thêm vào.

- Không! Con chưa ngủ đâu, con đợi các dì các cậu chơi cờ xong ván nầy con sẽ chơi. Để me xem, con “quệt” lọ nồi Ty Ty thành mọi da đỏ.

Chị Thiết vào phòng nhìn thấy anh em đang say sưa quệt lọ nồi, chị la lên:

- Má vào xem, mọi đen hết nè!

- Chơi gì kỳ thế? Thằng Mai công chức gì to đầu thế cũng a dua, thằng Thuận sắp làm thầy cũng khoái, con Hòa, con Vân, con Hương gần có chồng cũng mê trò chơi nầy nữa sao?...

Cả bọn thôi cười, nín thinh, má chị Hòa hây hây đỏ và khẽ liếc nhìn anh Thuận.

Chị Thiết kéo ghế ngồi vào bàn:

- Kệ chúng nó má, Tết nhất mà. Công chức, thầy giáo gì cũng mê trò quệt lọ nồi nầy cả.. Mấy năm trước con cũng thích chơi đó má! Mới đây mà gần bảy năm qua, chóng thật.

Mắt chị chớp nhanh… Má hiền hòa:

- Thôi, cũng sắp đến giao thừa rồi, các con đi rửa mặt sạch sẽ để chuẩn bị đón giao thừa. Thuận xem lại bánh pháo nhé!...



Thằng nhãi Dũng đang loay hoay cột dây pháo vào đuôi con Tô Tô, chợt nghe tiếng pháo anh Dũng nổ dòn ngoài ngõ, Thuận hét lên:

- Mẹ ơi! Ba ơi! Tết về rồi!...

- Nói nhỏ để em ngủ con!

Nhưng Ty Ty đã dậy từ lâu, đứng sau lưng chị Thiết từ lúc nào:

- Me thay áo mới cho Ty!

- À chào cô Ty Ty năm mới, ờ sao ướt quần hết vậy? Xấu quá, Tết mà đái dầm, cả năm đái dầm cho mà xem.

- Đâu? Con đâu có đái dầm!... Trời mưa nhà ngoại “dột” đó.

Ông ngoại cười:

- Phải rồi, chỉ mình chỗ Ty Ty nằm là “dột” mà thôi phải không? Thôi nói bé Tý thay áo quần mới cho cháu, rồi ra ông ngoại “lì-xì” cho.



Trước sân rộng, má đang lâm râm cầu nguyện : Má mong sao cho đất nước chóng bình yên để má còn có dịp trở về bên ấy nhìn lại cây nêu đầu ngõ mỗi độ Xuân về. Và những rặng Anh-đào không biết năm nay đơm hoa kịp Xuân không, nhất là mấy chậu Thủy tiên ông ngoại các con thường chăm sóc rất mực chu đáo, để đúng giao thừa hé nhụy thơm ngào ngạt. Và khói tỏa bay trong gió xuân thật nhẹ, nhẹ như những hạt mưa xuân rưng rưng, như sương mờ đồng nội. Quê hương đầy ắp trong nỗi nhớ của má, chưa phai mờ trong trí nhớ má ; còn lẫy lừng sống dậy mỗi bận có gì nhắc nhớ đến má phải hình dung lại ; phải thấy mình cay cay ở mắt ; một chút gì lưu luyến không thể dứt bỏ như nhìn những rặng Anh đào ở nhà bà Thụy, nhìn những cụ đồ còng lưng với câu đối đỏ ở Hậu-Bổ sao mà giống mấy cụ đồ ở Đền Ngọc Sơn lắm thế. Quê hương sống trong lòng má bừng bừng như khói sóng, như mây trời giăng giăng, thật dịu dàng thiết tha mà cũng đam mê xoáy buốt.

Tất cả dĩ vãng vàng son đắm chìm trong quê nhà bên kia má đã bỏ hết để vào đây với hai bàn tay trắng, nhưng nhiều tình thương yêu, đùm bọc. Ba, các anh, các chị, các cháu, bà con… tất cả cùng chung lại xây căn nhà êm ấm bằng vòng tay thân ái cùng chắp nối lại, thật sít sao, thật gắn bó.

Ba má nhìn lại các con, các cháu áo quần chỉnh tề vòng tay đứng sau lưng. Ba mỉm cười nói:

- Năm mới, ba má chúc các con một năm đầy yên vui, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, học hành tấn tới. Riêng Ty Ty và Dũng hoang cho thật nhiều, để ăn đòn cho lắm nhé. Đây ba má lì xì cho.

Chị Thiết đứng vòng tay nói:

- Con xin thay mặt các em, chúc ba má một năm đầy sức khỏe.

Có tiếng lao xao đầu ngõ, những người xuất hành đầu năm bắt đầu lên đường. Ba nói với các con:

- Giờ các con “xuất” hành đi, nhớ hướng ba dặn đấy nhé.

Cu Dũng vội vàng đưa tay lên trời, chẳng khác gì trong lớp học Dũng xin phép cô giáo, nói:

- Ngoại cho con đốt pháo nhé.

- Lẹ lên con! – Ba Dũng ngắt lời.

Nhanh như cắt, Dũng nhặt que hương châm vào cây pháo ở đuôi con Tô Tô. Sau tiếng nổ kinh hồn, con chó nhảy cỡn chạy vội vào gầm giường sủa vang. Cả nhà cười, thật vui…

Anh em chuẩn bị lên đường “xuất hành”. Trong bộ áo đầm mới còn thẳng nếp, Ty Ty nhõng nhẽo bảo dì Hương:

- Ty Ty với dì Hương hướng dẫn “phái đoàn” này nhá.

- Ừ, xem dì cháu mình đầu năm gặp ai cho biết, đôi khi mình gặp “bà đái dầm” cũng nên.

Ty Ty quẫy vội mặt, chiếc đuôi ngựa có thắt nơ màu đỏ được dịp tung tăng:

- Ghét dì Hương quá, cứ ghẹo Ty Ty hoài.



Sau khung cửa sổ nhìn ra, má mỉm cười nói với ba:

- Qua Tết, mỗi đứa lại đi về một nẻo với công việc của chúng. Ước gì chúng được ở mãi bên mình.

- Tôi thấy chúng như những cánh én mùa Xuân, tung lượn trên vòm trời trong xanh, rồi chúng sẽ bay tản mác về những nẻo trời xa.

Má khen ba:

- Mình hôm nay thi sĩ quá.

- Má nó khéo nói. Tết nhất mà, cho tôi làm thi sĩ chút chứ!

Má cười thật nhẹ, đôi má vẫn còn một lúm đồng tiền. Má dõi mắt về phương đông xa tít, ở đó các con yêu của má đang hái lộc đầu Xuân. Mưa nhẹ hạt thật mong manh như tơ liễu rũ, gió cũng vừa đủ để những cánh mai vàng lả tả rơi. Má nói như cho chính mình:

- Một năm nữa lại đến.

Từ xa tiếng pháo vọng lại một tràng dài, tưởng chừng không muốn dứt.

Hương Kim Long   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi,1967)

Thạch Thủ Du Xuân


Để thực hiện đặc san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, anh em trong tòa soạn phân chia mỗi một “ngoe” phụ trách một vài tiết mục. Sở dĩ Thạch Thủ “được” trao cho phận sự “du Xuân”. Nghĩa là làm một chuyến cà-lơ-thất thểu ở hè phố để ghi lại những sinh hoạt của thiên hạ trong dịp Tết con Chuột, là vì các quan to nhỏ trong tòa soạn đã… cậy nhớn bắt nạt Thạch Thủ mà gán cho những lý do sau:

- Mắt Thạch Thủ to như đèn xe ủi đất tất nhiên nhìn rõ mọi chuyện hơn người.

- Thạch Thủ, con người tò mò “nhất thế giới”, “cạnh tranh bất chánh” với “nghề” của đàn bà con gái, được “đặc phái” đi du Xuân hẳn sẽ không bỏ sót người nào, vật nào, xó xỉnh nào mà không dòm không ngó!

- Đây cũng là dịp để phạt tội Thạch Thủ đã chuyên môn tả chân và “xát xà phòng” anh em như trường hợp Quyên Di ươm mơThái Bắc ngát trên lưng đồi đã bị tên “đầu đá”… mổ xẻ từ sợi tóc, chân lông đến cả “bộ đồ lòng”, cho dù con nhà người ta có bô giai đến độ nào đi nữa dưới ngòi bút của “hắn” cũng trở thành… ma lem ma bùn, không khác gì khỉ đột trong sở thú! Vậy cho Thạch Thủ đi du Xuân là đúng “nghề của chàng” để “y… thị” quan sát bộ mặt thật, tốt đẹp hay xấu xa, của thủ đô trong những ngày Xuân.

- Đường phố dạo này đông người, hay kẹt xe, trong khi Thạch Thủ lại giống… con chuột cống (trời ơi!) ắt hắn dễ… chui rúc mà di chuyển!


Đấy, quý bạn độc giả thử nghĩ xem như vậy việc du Xuân đâu còn là một “dịp may hiếm có” cho Thạch Thủ? Tuy nhiên vì “thiện chí hòa bình”, Thạch Thủ vẫn “từng bước từng bước thầm, khi mùa xuân đang đến, lòng ta còn phơi phới, tim ta còn ngây ngất, cho đời ta sắp… giầu…”

Tuy nhiên, “gân” thì “gân” vậy chứ Thạch Thủ vẫn không thể quên mình là thằng con giai “trời bắt xấu”: mặt thì rỗ như tổ ong bầu, hay nói theo ngôn ngữ của các nhà địa chất học, rỗ như đá ong; đôi mắt thì tròng trắng lấn át tròng đen, hai con ngươi tối ngày… “chửi cha” nhau, luôn luôn đặt trong tình trạng báo động, chỉ chờ cơ hội là vượt biên giới… sống mũi để “uýnh lộn”, miệng thì rộng và méo xệch tới tận mang tai… coi cứ như là ống cống… cho nên, trong khi chờ đợi đi mỹ viện lột da (!), sửa mắt và khâu bớt miệng lại, hôm nay Thạch Thủ phải hóa trang bằng cách xùy ra hai bóp thuê của cô em gái cặp kiếng râm mà hai tròng kính to bằng hai cái bát hầu che bớt sự xấu xa tồi tệ của khuôn mặt, đồng thời lén lấy trộm cái ống vố của ông bố để thu gọn lại cái miệng cá ngão!

Sửa soạn sắc đẹp xong, chọn đúng giờ hoàng đạo và sau khi nhìn ra ngõ biết chắc là không có… dân kẹp tóc (sợ ra ngõ gặp gái thì xui cả năm, các cụ vẫn dậy thế đấy) Thạch Thủ mới xuất hành.

Trời Saigon mấy bữa nay lành lạnh. Thời tiết này chỉ các bà các cô là béo bở; chẳng thế mà áo ấm xanh, đỏ, tím, vàng ngập phố… đến độ có “vị” chẳng cảm thấy rét tí ti ông cụ nào, trái lại mồ hôi lấm tấm trên trán, ở hai bên thái dương thế mà vẫn khoác áo len dày cộm như áo giáp và quấn chiếc foulard dài hơn râu ông già. Thế mới biết dân Saigon nói chung và phái yếu (?) nói riêng thèm được diện lắm và coi khí lạnh quí hơn vàng. Bèn có thơ rằng:

Bức sốt nhưng mình vẫn… áo len
Mấy khi được rét, hóa đâm thèm!

Vào dịp tết xe cộ đông ơi là đông. Chen được một chỗ trên xe lam quả thức khó không kém gì việc “xẻ núi lấp sông”; “quân tử tầu’ hoặc tỏ ra ta đây con người lịch sự hay sợ nhăn bộ đồ vía thì đừng mong được bước lên xe, trái lại phải tranh giành, phải đá bên phải, đấm phía trái, phải “tàn nhẫn vô nhân đạo”, phải “bất lục sục” mới có “hy vọng đã vươn lên”! Nếu muốn đón taxi hay xích lô thì phải có đức tính “lì”, loại “xi măng cốt sắt” bởi vì các bác tài lợi dụng tình thế tỏ ra làm cao, không thèm dừng xe lại mỗi khi thấy khách Annamít vậy.

Đó là chưa nói tới “mục” giá xe lên vùn vụt – 200% là ít! Một cuốc xe lam ngày thường trung bình 15 tì, trong dịp tết nhẩy tới ba choạc. Với loại xe taxi, xích lô, giá tối thiểu sơ sơ có … bóp rưỡi trở lên! Đúng là:

“Méo mặt giơ tay vời chiếc xế
Đau lòng móc túi trả xấp tiền!”

Sợ bị bóc lột, hay đúng hơn vì nghèo “địa” Thạch Thủ bèn dùng “lô ca chân” để di chuyển. Thế cũng thú chán, lại đúng với nghĩa du xuân, tha hồ ngắm “no mắt” thiên hạ!

Nếu gọi xuân là mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc, khoe hương, khoe sắc thì tết đúng là dịp dân ta phô trương các kiểu và mầu áo. Nào kiểu máng xối, kiểu chân voi, nào kiểu xẻ đàng trước, túm đàng sau, nào kiểu vá chằng vá chịt, nào kiểu “kiệm ước” vải vóc, kiểu “váy lĩnh cô kia quét sạch hè”, nào kiểu rộng thùng thình đến nhốt bẩy con mèo bên trong cũng vừa, nào kiểu bó sát thân mình như khúc giò! Nào mầu đen, trắng, nào xanh, đỏ, tím, vàng… Đúng là… loạn sắc! Có kẻ vui tính lại tổng hợp trên người tất cả mầu sắc có trên thế gian này khiến Thạch Thủ cứ ngỡ đó là vườn hoa biết đi!

Một điều mà trước đây ông cha chúng ta cứ băn khoăn là: “đông tây không bao giờ gặp nhau” thì nay con cháu đã minh chứng ngược lại. Cứ nhìn các cô ăn diện thì liền rõ: trên áo dài giao chỉ, dưới lại đeo quần tây láng coóng. Thưa, đó là các nàng đã đem “ngọc thể” ra làm trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa đông và tây phương. Xin hoan hô tinh thần… yêu chuộng sống chung hòa bình!

Lại nói đến các kiểu tóc, Thạch Thủ phải công nhận rằng người mình…. thông minh, có óc sang tạo; chẳng thế mà có mỗi cái đầu mà có đến biết bao nhiêu kiểu tóc! Có kiểu cao chọc trời như building; có kiểu “lơ thơ tơ liễu buông mành”; có kiểu xòe ra như đánh đu toòng teng ở hai bên lỗ tai, có kiểu “phất phơ trước gió biết vào tay ai”… Tuy nhiên điểm đặc biệt là thế hệ trẻ bi giờ có lòng tốt lắm, áp dụng đúng câu của thánh hiền dạy: “Ở đời muôn sự của chung”; do đó trai gái trao đổi nhau kiểu tóc để chứng tỏ tinh thần xả kỷ. Nếu ai mắt kèm nhèm, chắc chắn sẽ không thể phân biệt tên nào là thằng cu, đứa nào là cái tí! Bởi vậy thiên hạ mới đặt ra một danh từ chung để dễ gọi bọn trẻ ngày nay: Hippy yaourt! Bèn có câu thơ:

“Phe trai tóc xõa ngang ngang… rốn,
Bên gái đầu cắt sát sát tai”

Trên những đường phố lớn như Lê Lợi, Tự Do, Lê Thánh Tôn… người người đi lại khá tấp nập, tuy vậy không khí tết cũng “lè phè” lắm; hàng hóa cũng chỉ “phất phơ” chứ không được dồi dào như những năm trước đây, trừ có lịch và thiệp chúc tết là vẫn giữ được “lực lượng hùng hậu”, nhưng về phẩm thì chán ôi là chán! Chọn được tấm thiệp có tí ti nghệ thuật và ý nghĩa thì cứ gọi là gẫy tay, mỏi chân, mờ cả mắt cũng chưa chắc đã được vừa ý. Trong khi đó loại “cả quỷnh”, có “mùi cải lương” thì vứt đi không hết! Giá một tấm thiệp cỡ lem nhem cũng từ năm chịch trở lên, còn loại thiệp của ngoại quốc có in dòng chữ Happy new year (mặc dầu Annam ta đang đón tết âm lịch) loại xoàng xoàng giá cũng trên trăm bạc.

Ấy vậy mà dân chúng khuân đi cũng khỏe lắm!

Tới chợ Bến Thành, Thạch Thủ như lạc vào một biển người và biển âm thanh hỗn loạn. Thật ra người đi xem thì nhiều còn người mua thì chẳng có bao nhiêu. Mấy gian hàng vẫn “sao y bản cũ” như những năm trước; nào kem đánh răng hynos, gian bán khô thiều, khô mực, gian bán rượu chợ lớn, bánh mứt… nhưng nhiều nhất vẫn là các xe bán thức ăn như hủ tiếu bò viên, phở bình dân, bánh cuốn, chả giò, bún chả, bún riêu… mà hầu hết là “tủ” của các bà, các cô, thành thử người ta không lấy làm lạ khi chỉ thấy các tà áo mầu “biểu diễn” các kiểu ăn quà như vừa “sực” vừa đứng, vừa húp vừa ngồi, vừa gắp vừa đi đi lại lại… Trong khi đó lại có văn nghệ giúp vui nữa chứ! Có thể nói mỗi gian hàng có một máy phóng thanh mở tân nhạc, vọng cổ, nhạc Tây, Tầu… cứ như là đang chửi nhau không bằng; chỗ này hát nhạc Trịnh Công Sơn với lời ca ngộ nghĩnh:

“Một người mù xem ti-vi!
Một người câm cao giọng hát!
Một người què đi xe đạp!
Một người khùng kêu đau khổ!...”

chỗ kia tiếng Anh Khoa nổi lên: “Anh đến thăm em một chiều mưa…” liền có giọng Túy Hồng trả lời: “Anh đi về đi, xa nhau rồi… thăm em làm chi” – nơi khác, Hà Thanh khoe: “nhìn những mùa thu đi…” thì Thanh Tuyền ré lên cãi lại: “Xuân đã đến rồi…” – và cuộc “cãi lộn” giữa hai danh ca: Khánh Ly nhất định là “trời ươm nắng cho mây hồng…” còn Thái Thanh lại quả quyết “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…”

Sợ có “ẩu đả” giữa các nghệ sĩ, Thạch Thủ bèn phú lỉnh vào các quầy hàng vừa để tránh “tai nạn lao động” vừa để khảo giá các hàng tết để biết cho vui.

Thấy Thạch Thủ ngậm ống “píp” lại đeo kính đen, các cô bán hàng cứ ngỡ là khách sộp, vội vàng mời đon đả, cười toe toét để hở cả dẫy răng vàng khiến Thạch Thủ bị… chói cả mắt:

- Một ký mứt sen giá bao nhiêu cô?

- Thứ thượng hạng giá 1.500$, trung bình chỉ có 1.000$ thứ thường thì có 800$.

- Sao mắc quá vậy?

- Thưa mứt ở đây ngon. Mời ông nếm thử.

Không bỏ lỡ cơ hội, Thạch Thủ bốc một nắm mứt sen cho vào miệng nhai, gật gật cái đầu rồi… chuổn thẳng.

Hỏi các loại mứt khác, Thạch Thủ cũng thấy lạnh xương sống trước giá cả cao hơn ngọn “Ê-vờ-rét:: mứt bí trung bình 600$, mứt dừa 500$, mứt khoai 300$... Tới chỗ nào Thạch Thủ cũng được mời nếm thử. Dĩ nhiên Thạch Thủ không dám từ chối lòng tốt của bạn hàng, sợ người ta giận! Khi ra khỏi chợ bụng Thạch Thủ óc ách và sôi sùng sục không khác gì pháo nổ trong dạ dày!

Để cho thân thể trở lại thơ thới hân hoan, Thạch Thủ đi một vòng xuống chợ Thái Bình, Tân Định, Gia Định, Hòa Hưng, Cầu Ông Lãnh… Ở  những nơi này la liệt những chồng trái cây và chậu kiểng mà nhiều nhất là dưa hấu và hoa vạn thọ.

Tới chợ Vườn Chuối, thấy có một bà già bán dưa hấu đang há hốc miệng ngủ và đặc biệt bà ta có… râu đen ngòm trên mép và dưới cằm, Thạch Thủ giật mình, tưởng có “hiện tượng lạ”, liền lại gần xem mới hay đó là… ruồi bâu! Gần đó, một cô bé chừng mười tuổi bán cam đang luôn miệng mời khách hàng nhưng không được ai chiếu cố. Thạch Thủ bén ứng khẩu thành thơ… quả tạ:

Bà già dưa hấu quai hàm ngáp
Cô bé cam sành há miệng gào!

Vì hồi nẫy ăn nhiều mứt nên bây giờ khát nước, nhờ “thông minh vốn sẵn tính trời” Thạch Thủ liền giả vờ hỏi mua dưa hấu với niềm hy vọng được mời nếm thử. Quả thực “quân địch” đã mắc mưu. Sau khi nói giá một quả dưa hấu đỏ ruột giá 400đ, bà bán hàng mời Thạch Thủ “Thầy ăn thử coi, ngọt lắm. Mua đi, không mắc đâu”. Chỉ chờ có thế, Thạch Thủ đỡ nhẹ một miếng, rồi nhai, rồi nuốt, rồi khoan khoái, rồi… bỏ đi “không một lời giã từ”!

Có lẽ nhận thấy Thạch Thủ có bộ vó “sạch nước cản” một cô bán hàng thuộc loại “bé bự”, có bộ mặt đánh phấn kiểu hát bội nhưng vì mồ hôi chảy như “giọt mưa thu thánh thót rơi” làm trôi luôn cả phấn sáp nên khuôn mặt của “bé” như được vẽ… bản đồ, mời Thạch Thủ mua ít phong bao đựng tiền lì xì. Nhớ lại lời má dặn: “Ở Sàigòn người ta nói thách lắm. hễ người ta nói giá bao nhiêu con cứ chia ba mà giả”. Thạch Thủ hỏi:

- Bao nhiêu một chục?

- Có hai đồng thôi.

Thấy hai chia ba không được, Thạch Thủ nghĩ trong đầu có lẽ “người đẹp”… “cảm” mình rồi, muốn “xú ca lia” cho mình, nhưng vì … tế nhị nên giả vớ nói hai đồng để “che mắt” thiên hạ. Lý luận xong, Thach Thủ tỉnh bơ cầm lấy một xấp phong bao rồi đi thẳng, nhưng một giọng “chanh chua” gọi giật lại:

- Ông kia, trả tiền tôi đi chứ!

Thạch Thủ ngơ ngác hỏi:

- Ơ… ơ tôi tưởng cô cho tôi?

“Mỹ nhân” liền “xí” một tiếng, đồng thời bồi thêm một cái nguýt thật dài đến mười cây số:

- Đồ “dzô” duyên!

Giận đời, Thạch Thủ không thèm du Xuân nữa.

Thạch Thủ về gần tới tòa soạn, bỗng thấy một em bé đang đứng khóc cạnh mẹ nó. Thấy Thạch Thủ, bà ta liền dọa:

- Nín đi con, không có ông kia mổ bụng bây giờ!

Vốn bản tính thích làm oai và nhất là hay giúp đỡ người khác, Thạch Thủ quát đứa bé:

- Mày khóc hả. tao ăn thịt cho chết luôn.

Say sưa với “chiến công hiển hách”, Thạch Thủ tôi bước đi hùng dũng… thì bỗng nghe thấy tiếng của bà mẹ nói với đứa con:

- Ông ấy làm con sợ hả. Để mẹ đập chết ông ấy nhé!

Thạch Thủ không biết phản ứng ra sao nữa, đành… cúi mặt tiếp tục bước và thầm nghĩ: “Trước khi xuất hành, mình đã xem kỹ lắm rồi, đâu có gặp… gái mà sao xui xẻo thế này? Có lẽ năm nay con chuột, nên cuộc đời mình mới đen như… chuột chù!


THẠCH THỦ     
Xuân Nhâm Tý 72 


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 19- 20, Xuân Nhâm Tý, ra ngày 5-2-1972)


Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Một Món Quà Xuân












(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 100, Xuân Kỷ Dậu, ra ngày 1 và 15-2-1969)


Lời Chúc Tết


Chưa bao giờ chị băn khoăn thắc mắc bằng nỗi băn khoăn khi viết để gửi tới các em lời chúc tết nhân dịp xuân Giáp Dần.

Nói tới chúc tết, người lớn đã có ngay đầy dẫy những lời nặng phần tiền bạc. Đó là những câu chúc “nhất bản vạn lợi”, “phát tài sai lộc”, “buôn may bán đắt cất nhà lầu” v.v… Đối với các em còn đi học, thì lời chúc đầu tiên là được “gặp may mắn”, được “thi đâu đậu đấy”, được “đi du học” v.v…

Vậy bây giờ đây, chị sẽ chúc các em điều gì?

Từ trên hai năm qua, chị đã nhận được ít nhất là hàng mười ngàn lá thư của các em. Đọc những lá thư với lời lẽ chân thành mộc mạc, chị còn như thấy đâu đây những đôi mắt nai tơ nghiêng nghiêng xuống trang giấy học trò, để giãi bày tâm sự gửi về vui buồn với chị. Cho nên, trả lời các em, chị cũng đã rất thành thật, với một tấm lòng yêu thương nồng nhiệt. Đôi khi, vì quá thành thật, chị đã vượt khỏi xã giao thông thường mà nặng lời với một vài em của chị. Nhưng chị không hối hận về sự nặng lời đó, mà chị tự hào rằng đã không vì nịnh các em mà làm trái với lòng mình, vuốt ve tự ái các em, để mong các em tiếp tục mua báo. Chị không thể làm thế, vì chị hiểu rằng trong khi toàn dân phải thắt lưng buộc bụng để dành ngoại tệ mà nhập cảng giấy, trong khi ba má phải cực nhọc để có tiền cho các em mua Thiếu Nhi, mà chị có nhiệm vụ giữ một khu trong tờ báo giáo dục, lại không làm tròn nhiệm vụ của người viết báo giáo dục. Như thế chị đã không xứng đáng, chị đã làm phí giấy, phí mực, làm uổng lòng kỳ vọng của những người lưu tâm tới sách báo giáo dục thiếu nhi.

Ý nghĩ đó đã theo đuổi chị trong bất cứ một bài nào gửi tới các em, và giờ đây, vẫn đang nhắc nhở chị. Cho nên, chị sẽ không thể chúc các em những lời mà chị biết rằng nếu các em đạt được, chưa chắc sự thành công đó có đưa các em lên đài vinh quang, có làm cho các em trở nên những người con yêu của tổ quốc, đem danh dự về cho quốc gia, đem tự hào về cho các em không?

Cho nên chị sẽ không chúc các em gặp may mắn, thi đâu đậu đấy, được đi du học v.v… mà chị chúc các em phải chăm học cho vững căn bản, có thực tài, có tập rèn để tâm hồn trong sáng và cơ thể cường tráng. Học cho có căn bản vững vàng, chương trình học hiểu thấu đáo, thân thể khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng, đi thi các em sẽ chắc chắn đậu cả trăm phần trăm. Ngày xưa chuyện học tài thi phận thường xẩy ra vì khoa cử thời xưa chú trọng về văn chương. Mà văn chương thì mung lung, mỗi giám khảo một ý thích, nên đôi khi thí sinh tài quá cao, văn quá khoáng đạt, có thể không hợp với người chọn nhân tái. Ngày nay với nhiều môn thi khoa học kết quả rõ ràng, một là đúng, hai là sai cứ học thật giỏi là chắc chắn sẽ đậu. Không nên hy vọng vào may mắn làm chi. May mắn là gì? Nếu học kém, chỉ nhờ ở may mắn mà thi đậu, mà lên lớp được, thì lại là điều tai hại. Vì may mắn không thể kéo dài suốt đời. Không có thực tài mà vận may đã qua, thì chỉ còn lại thất bại mà thôi, phải không các em. Nếu các em chăm học, chịu gắng công học, thức khuya dậy sớm, chịu cực chịu khổ mà học, để có thực tài, các em sẽ thi đậu, sẽ đem sở học ra phục vụ tổ quốc, sẽ hãnh diện ngẩng cao đầu nhìn thẳng ra khắp năm châu, không phải cúi mặt, chịu nhục nhã vì bằng cấp cao mà bất tài, hữu danh vô thực, thi đậu nhờ may mắn, nhờ cóp bài, để có chút hư danh với đời.

Chị cũng không chúc em nào cũng được đi du học, nếu chỉ đi với quan niệm là được ra nước ngoài, mà trong lòng không có một chuẩn đích chính đáng rõ rệt. Khi quốc gia cần tới sự du học của các em, cần đào tạo chuyên viên mà các trường trong nước chưa đủ khả năng, thì sự du học của các em là cần thiết, là một hình thức phục vụ cho tổ quốc, đi du học vì nhu cầu của quốc gia, đi vì sứ mạng, đi vì tổ quốc. Rồi sẽ về phục vụ tổ quốc. Chứ sự du học chỉ với mục đích khoe khoang, chỉ với mục đích thoát khỏi quốc gia nghèo túng, đất mẹ xác xơ, đi để một mai trở về khinh miệt quê hương, coi mình là văn minh, là rốn của vũ trụ, đi để khỏi nhìn thấy, khỏi đóng góp cho quê hương chinh chiến, thì đi như vậy là trốn chạy, là phung phí ngoại tệ đáng lẽ để dành mua phân bón, máy cày, giúp cho nông dân canh tác, cho quốc gia được giầu mạnh. Đi như thế là vô ích cho tập thể không có gì đáng để cầu chúc cho các em của chị đạt được điều đó.

Trái lại, chị chúc các em sẽ ở lại, nai lưng ra làm việc, đổ mồ hôi xuống giải đất đã bảo bọc chúng ta từ thuở lọt lòng mẹ. Chính lúc này, đất mẹ cần chúng ta hơn bao giờ hết. Ở lại và đóng góp là bổn phận, là nhiệm vụ, là hành động của người sống trong danh dự, không phải phường giá áo túi cơm. Năm nay sẽ là năm thắt lưng buộc bụng, mọi người đều phải nỗ lực hơn nữa, để xây dựng quê hương. Hãy nhìn thẳng vào điều đó và hãnh diện đón chờ sự cực nhọc.

Chị chúc các em có được ý chí quyết liệt để chiến thắng mọi cám dỗ, cám dỗ theo thời trang bề ngoài, cám dỗ theo thói hư tật xấu, cám dỗ theo bả vinh hoa phù phiếm. Chị chúc các em có được khí tiết của danh tường Trần Bình Trọng: “Thà làm quỉ nước Nam, không làm vương xứ Bắc” có được gan dạ của tôi trung Lê Quýnh: “Đầu tôi có thể chặt, nhưng tóc không thể dóc, da có thể lột, nhưng áo không thể đổi”. Chị chúc các em có được chí khí của hằng ngàn, hằng triệu anh hùng, liệt nữ Việt Nam từ ngày lập quốc. Chị tha thiết chúc các em điều đó, để mà không chịu hạ mình làm điều gì mang nhục cho tổ tiên, cho dân tộc, để xứng đáng với tiền nhân, xứng đáng dòng giống Lạc Hồng.

Riêng với Thiếu Nhi, chị nghĩ rằng năm Giáp Dần này đây, sẽ có thể là một năm còn gặp nhiều khó khăn gấp bội. Giá giấy có thể leo thang lên không phải 6000đ một rame như mọi người tiên đoán, mà có thể là sẽ hơn thế nữa. Độc giả có thể sẽ không còn đứng được ở mức 3000 người, mà sẽ chỉ còn 300 hay 30 người. Tờ báo có thể sẽ không còn 24 trang với bìa mầu rực rỡ mà sẽ chỉ mỏng teo bằng tờ giấy quảng cáo, tờ chương trình chiếu bóng. Dù cho tất cả mọi sự đó có thể xẩy ra, thì Thiếu Nhi sẽ vẫn ngạo nghễ bay tới với độc giả, nội dung Thiếu Nhi vẫn rực sáng lý tưởng giáo dục, niềm mơ ước của những người làm Thiếu Nhi từ thuở ban đầu và vẫn tích cực thể hiện.

Chị thiết tha cầu chúc các em có được ý chí quyết tâm tiến tới mục đích, dù có phải chịu đựng mọi gian khổ và chắc chắn các em sẽ tới mục đích.

Chị thiết tha cầu chúc tờ Thiếu Nhi của các em sẽ sống anh dũng, dù hình thức có bị chi phối vì khó khăn của ngoại cảnh nhưng nội dung vẫn làm hãnh diện cho những người viết và đọc Thiếu Nhi.

Nhân dịp đầu Xuân, chị thiết tha chúc các em và Thiếu Nhi những điều nghe lên đã thấy vất vả, gian nan nhưng danh ngôn có câu “vinh quang nào không thấm ướt mồ hôi?” Lời chúc “nhất bản vạn lợi” không phải là điều chúng ta mong mỏi. Vì không có luật thương mại lương thiện nào cho phép vốn một đồng mà lãi một chục ngàn đồng. Nhưng chúng ta chúc nhau cần cù, siêng năng, lương thiện, nhân từ, khẳng khái, giữ gìn khí phách, để sống cho ra người, để nhìn thẳng vào nhau mà không mắc cỡ, để không sợ bị áp lực từ bất cứ đâu, để không băn khoăn thắc mắc ăn không ngon ngủ không yên.

Chúng ta chúc nhau sống trong danh dự, các em nhé.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH   



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 118-119, Xuân Giáp Dần, ra ngày 8-1-1974)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>