Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Một Truyện Của Ngày Xưa




Vào một ngày xưa, xưa lắm, tại một thôn trang nhỏ gần ven rừng kia; thuộc miền Bắc xứ ta, dân cư sống rất yên lành, bình thản. Quanh năm suốt tháng ông đồ già sang sảng ngâm thơ, ngoài đồng tiếng trò chuyện của thợ cày thợ cấy, chen trong tiếng cười đùa vui vẻ. Những đêm trăng, cùng với nhịp chày giã gạo thình thình, tiếng hò giọng hát vút lên cao, vượt khỏi lũy tre, mương nước bay tận đến xóm làng xa…

Ngoài những tiếng động bình thường đó, người ta lắng nghe tiếng nước chảy, gió reo, chim kêu, gà gáy… Họ sống rất hạnh phúc, thứ hạnh phúc bình dị, dễ dãi. Họ vui lòng đón nhận, không mơ mộng viển vông, không bận tâm tìm kiếm chi khác lạ hơn, ở những phố thị mịt mùng xa tận kinh đô.

Bỗng đâu, một ngày kia xuất hiện một con Bạch Hổ. Mối đe dọa bắt đầu: sơ khởi, Bạch Hổ vồ bắt gia súc ngoài đồng, khi con cừu, khi nghé, dần dần Bạch Hổ tấn công ngay cả thôn dân đi lẻ tẻ và không khí giới phòng thân.

Từ khi Bạch Hổ ăn thịt người làng thì thôn trang sống trong bấu không khí buồn rầu, tang tóc. Mặt trời vừa khuất sau rặng núi tím thẫm phía Tây là nhà nhà đã then cài kín cổng. Lặng lẽ từ lúc nhá nhem cho đến bình minh. Một sự lặng lẽ kinh khiếp đầy lo sợ, người ta… chờ đợi, chờ đợi một sự không may, dù không ai dám mở miệng nói ra, song tâm trạng mọi người đều như một. Người ta chỉ thở phào nhẹ nhõm khi sáng hôm sau được biết đêm rồi không đồng bào nào làm mồi cho ác thú một cách oan uổng, đáng thương.

Nhưng đáng thương nhất là lũ trẻ: chúng không còn được tự do chạy nhảy, chơi trò cút bắt sau bữa cơm chiều như thường lệ. Những đêm trăng sáng, chúng không được ngắm trăng; lại cũng không được bà bế lên lòng hay vây quanh bà nghe chuyện cổ tích.

Lòng dạ đâu mà nghe kể, ngay chính bà, bà cũng buồn chin cả ruột gan đi, kia mà! Thế đấy, trẻ phải lên giường sớm, nằm hồi hộp, chong mắt lắng tai, giật mình thon thót mỗi khi nghe một tiếng động lạ dù lớn hay nhỏ, bên ngoài. Chúng chưa từng biết hình dáng Bạch Hổ ra sao (và cũng không một đứa nào muốn gặp) song căn cứ theo lời người lớn kể thì nghe đâu “loài Hổ là cháu loài Miu” – cũng tựa như con cóc là cậu ông trời ấy mà! Và chúng cũng suy rộng ra, đoán rằng Hổ chắc cũng na ná như Mèo, có điều to lớn thập bội. Chúng còn biết rằng Hổ không có bộ lông loang lổ như con mèo vá mà toàn trắng, đến chuyện dữ tợn chắc chắn là ăn đứt con mèo, dù mèo theo đúng chỗ chúng ta tìm hiểu thì chẳng hiền lấy một ly con nào cả.

Trong giấc mơ, trẻ thường lóa mắt vì cái màu trắng ghê khiếp của Bạch Hổ. Vừa ghét vừa sợ song chúng vẫn phải gọi Bạch Hổ là ông bằng một giọng kiêng nể theo lời người lớn dặn. Thế mà mỗi lần nhắc đến ông xong, chúng nghe rờn rợn thế nào ấy… lại phải nhìn ngoái lại phía sau tưởng như ông ta hờm sẵn bên lưng, chỉ chực xông đến, vồ chụp đứa nào dám gan, buông lời bất kính.

Những ngày mùa đông càng khốn đốn, mặt trời tắt sớm và trẻ con phải đi ngủ trước hơn cả mặt trời! Có thảm thương chưa?

Còn ban ngày? Tình trạng cũng chẳng khá hơn. Chẳng một đứa nào được phép thò mặt đi đến đâu, ngoại trừ mảnh sân vuông bé nhỏ trước mặt nhà. Người lớn thì ai nấy cũng đều đăm đăm, lầm lì đến là khó chịu!

Nhà trường đóng cửa, tiếng ngâm sang sảng của ông đồ già im bặt. Sinh hoạt trong làng giảm đi già nửa. Những người kiếm củi, hái măng, bứt mây, săn bẫy, bắt buộc lắm mới đi, và không bao giờ đi đơn độc một mình.

Đàn bà con gái đi chợ thật trưa và trở về rất sớm! Trẻ chăn trâu không còn nô giỡn ngoài đồng, giọng hò dưới trăng, câu hát ngoài ruộng cũng không bao giờ vang lên như trước nữa. Các cụ già không còn chống gậy, đi từ nhà nọ đến nhà kia, hỏi thăm trò chuyện cùng nhau.

Niềm lo sợ đè nặng lên mọi người. Tình trạng đó kéo dài cho đến nỗi có người lo xa ngại rằng, nếu không tìm phương đối phó thì lũ trẻ sẽ lớn lên trong sự dốt nát (không dám đi học, không đón mời được thầy về làng) dân làng sẽ lớp thì làm mồi cho ác thú, lớp bỏ đi nơi khác, làng mạc đến tiêu điều mất thôi!

Dân làng bèn họp nhau, bàn mưu để “trị tội” con ác thú mà họ phải gọi bằng ông đó. Người ta làm đủ mọi cách: giương bẫy, giăng lưới, trai tráng chuẩn bị cung tên, ná nỏ. Họ chuốt tên dài, họ mài lao sắc… và họ cũng mời cả những người ở tận những vùng xa xôi đến, những người nổi danh là thiện xạ có tài – không nài tốn kém tiền bạc, đi lại hiểm nguy. Vì họ biết thương nhau, biết đoàn kết trước hiểm họa chung cho cả làng mình.

Than ôi! Con Bạch Hổ quỉ quyệt kia như có con mắt vô hình và lỗ tai cùng khắp: nó tránh lẩn rất tài tình và thỉnh thoảng lại thừa cơ hội chộp một con bò cô độc hay chú cừu non béo bở.

Người ta lại đồn đại rằng Bạch Hổ nọ đã thành tinh, mà thành tinh rồi thì không mong trừ khử được. Mọi người tỏ vẻ thất vọng, buồn rầu. Một cụ già trấn an:

- Nhưng xưa nay người bao giờ cũng khôn hơn loài vật, ta hãy kiên tâm. Rồi sẽ có ngày… lão tin điều đó.

Quả như ông lão tiên đoán, ngày ấy đến, tuy có hơi… lâu hơn người  ta mong đợi. Thì ra người khôn hơn loài vật thật, dù cho loài vật đó là một con Bạch Hổ tinh quái mà người ta vẫn phải gọi bằng ông! Một chiều cuối năm, Bạch Hổ bị sập bẫy! Dân làng gần như mở hội bên chiếc cũi tre chắc đã được khóa kỹ mà trong đó Bạch Hổ đang vùng vẫy, gầm gừ một cách vô vọng, chờ gã thương gia người Tàu đến, mang đi.

Trẻ con, người lớn họp nhau lại ca hát, nhảy múa, bày đủ trò vui, tiếng hò reo vang dậy cả một vùng vì ai nấy cũng nghĩ đến một cái tết an bình thật sự. Mọi người không ai bảo ai, đều cùng một tâm trạng: họ như cất được cái gánh đang đè trên vai, thở phào nhẹ nhõm, bởi mối đe dọa đã chấm dứt từ đây.


Cỡ xê xế, trong lúc dân làng tản mác ai về nhà nấy để dùng bữa và nghỉ trưa, chiếc cũi để lại ven rừng, chẳng cần ai canh giữ, vì tin vào sự chắc của nó. Bất ngờ, một bà cụ từ làng bên có việc đi ngang đấy. Bạch Hổ cất giọng van nài:

- Hỡi bà cụ từ tâm! Tôi đói và khát đến gần cháy cổ, hai ngày nay không được thí cho một hớp nước trong… tôi hối hận quá! Tôi thật lòng sám hối… cụ ơi! Tôi thề sẽ sửa mình, tôi sẽ vào hang sâu mà tu, không sát sinh bao giờ nữa, cho đến chừng nào tôi chết. Tôi van cụ! nếu cụ không thương tôi mà thả tôi ra, cho tôi được uống nước và chạy trốn khỏi tay những người tàn ác này, đặng tôi được tu dưỡng mà chuộc tội thì thà cụ đâm cho một nhát ngay giữa cổ họng tôi cho tôi chết mát mẻ tấm thân, chứ tôi không chịu để cho người ta mang về tận bên Tàu xa xôi hiểm trở đâu, lạy cụ!...

- Già này chả dại! Thả ông ra không khéo ông lại xơi ngay thịt ta mất thôi!

- Không bao giờ, không bao giờ! (cọp sụt sùi khóc) Cháu xin thề độc, cháu không động đến cái móng chân của cụ, uống nước xong, cháu sẽ chạy thẳng vào hang, ngày đêm lo niệm kinh sám hối tội lỗi…

- Thế ông sẽ ăn cái gì?

- Thưa cụ, cháu sẽ ăn rau, ăn cỏ, rau khô, cỏ héo mà thôi. Cháu thề không động đến cỏ tươi, đến rau sống. Cháu đã mở mắt ra rồi, cái cây, cái cỏ nó cũng biết đau, biết khổ, dù là nó không biết kêu khóc, không chảy máu khi bị sát hại nhưng…

Tuồng như xúc động quá, cọp không nói được nữa, gục đầu khóc nức lên. Giọng khẩn thiết của cọp làm bà cụ động lòng. Tội nghiệp! Nếu ta không cứu nó thì họ sẽ mang nó về tận bên Tàu xa lắc… Nó đã biết ăn năn, phải cho nó cơ hội tu thân – Bà cụ nghĩ – từ nay nó sẽ ăn rau khô, cỏ héo mà thôi…

Vậy là “cách” một cái, cụ già tiến sát bên cũi, tháo chốt cũi ra, mở cửa. Bạch Hổ chỉ chờ có thế, nó chui tọt ra, chồm lên, nhe răng, giương vuốt mà rằng:

- Tôi đói lắm, tôi phải đỡ lòng mà thôi, đáng lẽ ra, tôi khỏi phải dài lời cắt nghĩa, nhưng tôi cũng thể tình vì lòng tốt của bà mà cho bà được nói lời trăn trối cuối cùng. Vậy bà muốn gì trước khi chết, nói đi, tôi sẽ cho bà mãn nguyện.

- Đồ vô ơn, bạc bẽo! Bạch Hổ kia! Mi nói thế mà không biết ngượng miệng ư? Mi có thể nuốt trôi được lời hứa vừa rồi ư? Nào đã lâu la gì mà mi quên kia chứ? Mi có thể trở mặt được à?

Trong lúc quá giận, bà cụ quên cả tiếng ông kính cẩn theo tục lệ thường. Bạch Hổ liếm mép gầm lên:

- Chớ nhiều lời, lễ nghĩa trí tín là để cho loài người chúng bay, không phải cho ta. Ta đói hoa cả mắt đây, thịt người ta còn nuốt được thay, sá gì một lời hứa không hình bóng, không mùi vị hở mụ già khờ?

- Thôi! Đành vậy! Lão cũng già rồi, không tham chi sống. Nhưng mi phải giữ lời, cho ta được một đòi hỏi cuối cùng trước khi…

- Hay lắm, thế mới là kẻ biết điều… Nào, mụ muốn gì nào?


- Mi hãy đi với ta, hễ gặp một sinh vật đầu tiên nào đó trên đường, ta sẽ hỏi họ về hành động của mi xem. Nếu họ đồng ý, cho là mi phải, ta xin chịu chết, không mảy may ân hận.

- Ối! Tưởng gì khó, được! Bạch Hổ này cũng rộng lượng lắm, mụ ơi! Nào chúng ta đi, gâm gấp lên một tí!

Cả hai sóng bước. Sinh vật đầu tiên mà đôi bên gặp là một bác trâu già. Bà cụ ôn tồn hỏi:

- Chào Trâu, tôi vừa thi ơn cứu Bạch Hổ khỏi cũi, thế mà hắn trở mặt đòi ăn thịt tôi ngay, bác thử cho biết thế là phải hay trái?

Bằng đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, Trâu nhìn hai bên một giây, chậm rãi nói:

- Thế là đúng, đúng lắm! Xem như ta này: suốt một kiếp hầu hạ, giúp đỡ chủ nhân, kéo cày, kéo xe, lũ trẻ thay nhau cỡi trên lưng ta ra đồng mỗi sáng. Ta ăn uống đạm bạc: rơm cỏ, nước ao… Thế mà hôm nay ta già yếu thì họ chán ghét, không dung ta nữa, chỉ lăm le chờ ngày xẻ thịt ta mà ăn, lột da ta bịt trống. Đồng loại ta bị tận dụng cho đến cái xương, cái sừng, cái lông… ôi! Ta đau lòng quá! Không muốn nhắc đến. Loài người bạc ác, bất nhân tới mức đó, thương tiếc làm chi? Giết đi là phải!

Bạch Hổ đắc ý, cười khà:

- Đó, bà lão thấy chưa? Ta làm thế là chí lý, bác Trâu đồng ý, thấy không?

- Hãy khoan, đó mới chỉ là một ý kiến thôi. Nếu mi chắc việc mi làm là đúng, thì hãy hỏi thêm kẻ khác xem sao?

Cọp không phản đối, vì tin rằng không ai bênh vực cụ già. Sinh vật thứ hai là một cô cá Quả. Lúc người và vật đến bờ sông thì cô Quả nhà ta đang lượn lờ, dạo mát trên dòng nước trong vắt, soi rõ từng cọng rong, viên cuội dưới đáy sông. Bà cụ cất lời:

- Cô Quả xinh đẹp ơi! Tôi cần hỏi ý kiến cô về một việc quan trọng, chỉ một lời của cô có thể định đoạt cả tính mạng một sinh vật, mong cô cẩn trọng cho.

- Loài cá chúng tôi không ưa nói năng chi cả. Song nếu quả có một việc quan trọng đến thế thì ta cũng thể tình bà mà lên tiếng một lần, ta đây tai nghe, mắt thấy đã nhiều. Hãy tin ta!

Cá nói trong khi bụng nghĩ: có lẽ lời nói của mình quan trọng thật, mình là sinh vật quan trọng thật, mình từng trải biết bao! Suốt một dải sông dài này, chỗ nào là không có bóng mình, mình đã từng xuôi ngược…

Cọp liếc nhanh cá một cái, bụng nghĩ: con Quả ranh này bẻm mép thực, chưa bao giờ rời khỏi mặt nước giam thân mà dám nói là tai nghe mắt thấy đã nhiều. Tai nó đâu? Sao ta không thấy nhỉ? Rồi cọp tự nhủ: ôi! Mà thôi, mặc xác nó, quan tâm làm chi, mình không nên làm nó xấu hổ nó sẽ về hùa với mụ già. Bạch Hổ cất giọng ngọt ngào:

- Thưa quí nương! Tôi biết cô là người thông minh khả ái, chả thế mà cô bơi lội tung tăng trong nước được đó sao? Vậy chúng tôi nhờ cô phân xử hộ cho: Số là tôi bị nhốt, mụ già này thả tôi ra, tôi đói quá đòi xơi thịt mụ, cô nghĩ xem, mụ ta già rồi, còn sống mấy ngày nữa? Nhưng mụ hèn nhát đòi có ý kiến của một bậc khôn ngoan nhất thế gian, mụ mới chịu bằng lòng để tôi hóa kiếp cho. Cô bảo sao, tôi xin nghe vậy, mà mụ cũng khỏi kêu ca rằng tôi ỷ mạnh nọ kia…

Cô Quả quẫy đuôi một cái, chiếc đuôi có vẩy lóng lánh sáng ngời trên mặt nước, giọng cô lạnh ngắt:

- Này cậu Bạch Hổ ơi! Ta nghĩ rằng cậu nên thịt mụ ngay tức thì! Cậu trông gương chúng ta đây: có bao giờ làm hại loài người? Có bao giờ ở chật đất, đi chật đường của họ không? Có bao giờ loài cá chúng ta ăn tranh thực phẩm của họ không? Ấy thế mà họ không ngừng tìm cách tiêu diệt chủng tộc ta: họ dệt lưới chắc, họ rèn chĩa nhọn, họ sắm dao to, họ đan nơm kín, ngày đêm họ rình rập ven hồ, bờ sông, chỉ chực hại loài ta (giọng cô nghẹn lại, nước mắt cô trào ra hòa trong nước sông trong vắt, vì cô quá đỗi xúc động) Loài người ác lắm, hãy thịt họ đi! Ta thề đứng về phía cậu, dù rằng ta không lên mặt đất bao giờ.

Nói xong ngần ấy lời, Quả ta quẫy đuôi, bơi ra giữa dòng sâu, không thèm nhìn lại. Cọp gằn giọng:

- Thế là bà mãn nguyện nhé! Có chết cũng đáng đời, cũng hả lòng, không thắc mắc chi…

- Hãy hỏi kẻ thứ ba xem. Trước sau gì ta cũng ở trong tay mi mà!

- Ừ, thì ta cũng sinh phúc cho mụ lần chót, chắc không ma nào bênh vực mụ đâu.

Lại kéo nhau đi. Đến trước một cây táo đầy trĩu quả, bà cụ hỏi:

- Táo ơi! Táo sẽ là vị quan tòa công bình nhất. Hãy cho ta biết: sau khi được ta giải thoát cho mà lại đòi ăn thịt ta, Bạch Hổ xử sự như thế có phải là kẻ bội vong không?

- Chẳng vong ân bạc nghĩa gì tất – Táo trả lời liền – Tôi đây: tôi cho loài người biết bao quả ngọt khi họ đói khát! Ngày mưa, ngày nắng họ đu nấp dưới bóng tôi, thế mà hỏi xem họ có tha cho không? Họ rong cành bứt lá để làm tổ cho gia súc, chặt thân, đào gốc, tận diệt tôi khi tôi già cỗi để làm củi nấu ăn, làm than sưởi rét. Loài người thậm ác, hãy giết họ đi, tôi thề không tiếc.

Bà cụ hốt hoảng, van nài:

- Xin sinh phúc, hỏi thử kẻ thứ tư xem! Ta thề không dám nài nỉ lần nào nữa, đây là lần chót, hãy nể ta tuổi tác…

- Rõ là nhiễu sự! Nhưng thôi! Ta chẳng hẹp lượng đâu, ta cũng chí tình lắm. Có thế khi chết mụ không oán hận ta, mà hồn mụ cũng dễ dàng siêu thoát!

Lần này, họ gặp một cậu bé. Bà cụ vội vàng cất tiếng:

- Chào cậu! Mong cậu vui lòng nghe rõ đầu đuôi câu chuyện của tôi.

- Cháu không có gì phải vội đi, cụ cứ thong thả, cháu rất muốn nghe rõ,

- Cảm ơn cậu nhiều lắm. Chuyện thế này đây: già có việc đi ngang cái cũi. Bạch Hổ đang khát khô cổ bên trong nài nỉ già, nên già thương tình thả cọp ra cho nó uống nước. Bây giờ nó lại trở mặt đòi ăn thịt già đi… cậu nghĩ sao?

- Cháu không thể tin một việc như thế, Bạch Hổ khôn ngoan đời nào lại chui vào cũi làm gì?

- Không phải ta chui vô cũi, đó là lũ người quỉ quái đánh lừa ta… họ giăng bẫy đấy chứ, ta đời nào…

Giọng cậu bé nhỏ nhẹ:

- Lạ nhỉ, cháu chưa từng thấy cái cũi hình dáng ra sao đấy! Nó bằng gì ạ?

- Bằng tre chứ bằng gì? Mày ngu quá! Bằng tre, hiểu chưa?

Cọp nói như gầm lên vì sốt ruột. Cậu bé vẫn lễ phép:

- Vâng, cháu ngu thật, đầu óc tối tăm lắm, cháu chỉ có thể hiểu rõ được câu chuyện nếu cháu thấy cái cũi, nó ở gần đây không? Tốt hơn, xin cụ và ông cho cháu thấy tận mắt…

- Thì khó khăn gì? Ông sẽ dẫn mày đến mà xem cho sáng mắt mày ra.

Cọp vùng vằng đi trước, bà cụ và cậu bé theo sau. Đến bìa rừng, cọp trỏ cái cũi trống không:

- Đấy, cái cũi là cái đó, lại mà xem, thằng nhãi, mau kẻo mất thì giờ.

“Thằng nhãi” đến tận cái cũi xem xét hồi lâu, đoạn gãi tai mà rằng:

- Chuyện này lạ, chắc có gì uẩn khúc bên trong. Xin cụ phải nói thật từ đầu: cụ đứng phía nào trong khi nói chuyện với ông ấy?

- Phía này, này…

- Còn ông, ông đứng phía nào khi van bà cụ mở cũi? Thưa ông!

- Phía nào nữa? Phía trong cũi chứ phía nào? Mày rõ thậm ngu!

Cọp lại gầm lên. Cậu bé nghiêng đầu, dáng bộ áy náy:

- Cháu hết sức khổ tâm vì làm mất thì gi quí báu của ông, nhưng có Trời biết cho, cháu quả ngu như ông nói, cái gì cũng phải được giải thích kỹ càng mới hiểu. Bây giờ, cháu còn một chút thắc mắc nhỏ: làm sao một vị đạo mạo với cái vóc dáng to lớn như ông mà có thể chui vào trong cũi được?

- Sao lại không? Đồ ngốc, chính ta đã ở trong ấy mà, ta lại thèm nói dối mi ư? Nói dối để làm chi? Có ích lợi gì cho ta đâu? Thôi, chớ có dài dòng, hãy nói ngay, ta có nên ăn thịt mụ già không để ta còn liệu? Mà này, ta báo trước, mi theo phe mụ già thì ta thịt mi luôn đó, nhãi con!

- Không đời nào! (dáng bộ kính cẩn, cậu bé thưa) Cháu xin thề cháu sẽ làm vừa lòng ông sau khi biết rõ sự thực, cháu muốn hiểu rõ ông đã theo lối nào mà chui lọt vào cũi, ông thì to lớn, cái cũi thì nhỏ hẹp thế kia…

- Sao không chui lọt được, hở thằng ngu? Còn lối nào nữa? ta cóc thèm nói dối với hạng nhãi như mi, mi mở to mắt mà xem đây!

Cọp nghiến răng, quật mạnh đuôi, chui vào cũi. Nhanh như cắt, cậu bé đóng sập cũi lại, khóa chắc chắn, đoạn đứng lên:

- Bây giờ thì mời cụ về nhà ngay, kẻo tối.

Và ném cho Bạch Hổ cái nhìn tinh quái, cậu nói:

- Từ nay, ông có thể yên tâm, không một người thứ hai nào có từ tâm hơn bà cụ nữa. Lão thương gia Tàu sẽ bàn chuyện với ông! Chúng tôi xin từ biệt!


MINH QUÂN      


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 217-218, Xuân Giáp Dần, ra ngày 15-1 và 1-2-1974)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>