Vùng Tân Kiểng xưa kia là nơi sung túc không kém gì Chợ Lớn hoặc chợ Bến Nghé (Sài Gòn).
Vào mùa xuân năm Canh Dần (1771), khi dân chúng ở Tân Kiểng đang vui chơi, thưởng xuân, bỗng có một con cọp từ phía Rừng Sát chạy vào chợ, giết hại, và gây thương tích cho nhiều người. Dân chúng hoảng sợ, chạy đến báo cáo sự tình cho quân sĩ Triều Đình ở Đồn Dinh (Tân Thuận). Quân sĩ kéo đến, bao vây bốn mặt, nhưng con cọp nọ quá dữ, rút vào vách nhà, lùm cây mà thủ thế.
Bấy giờ có một ông thầy tu tên là Lăng-Ân trình bày với quân sĩ: "Con cọp này quá lợi hại. Tuy là Phật tử thế phát qui y, nhưng bần đạo xin ra sức cứu dân, độ thế."
Quân sĩ đồng ý. Nhưng ông Lăng Ân còn một người đồ đệ tên là Trí Năng. Vì quá thương thầy nên Trí Năng cản lại.
Ông Lăng Ân đáp: "Thầy còn dẻo sức. Để thầy đánh cọp. Đệ tử tuy sung sức, nhưng liệu đối phó nổi với con ác thú này chăng?"
Nói xong, ông Lăng Ân dùng ngọn côn mà hươi lên, xốc vào quyết sống chết.
Tài nghệ của ông Lăng Ân quả thật là cao cường. Chập sau, con cọp bị thương nặng, bò núp vào trong lùm tre mà cố thủ. Ông Lăng Ân chạy theo đánh tới tấp, nhưng con cọp nọ lúc hấp hối, lại trở nên quá hung tợn.
Đồ đệ Trí Năng thét to: "Xin thầy để tôi vào tiếp sức."
Trí Năng nói chưa dứt lời thì con cọp nhảy chồm ra. Ông Lăng Ân bước thối lui, té sấp xuống cái mương nhỏ. Cọp vồ ông Lăng Ân.
Thấy thầy của mình lâm nguy, Trí Năng chạy ra đánh mấy đòn côn, khiến cọp chết tại trận. Nhưng hỡi ôi! Vì vết thương trầm trọng, ông Lăng Ân cũng trút hơi thở cuối cùng.
Dân chúng vùng chợ Tân Kiểng vô cùng thương xót, cử hành lễ an táng của ông Lăng Ân rất trọng thể, Họ táng ông tại chỗ, trên mộ có xây tháp để ghi công đức.
Nay tháp ấy hãy còn. Và tại đình Tân Kiểng (Sài Gòn) theo tục lệ, có vẽ hình con cọp thật to, nhắc lại thành tích xa xưa của ông Lăng Ân, người Phật tử xả thân để cứu dân.
VĂN TRUNG
Sưu tầm