Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Búp Bê Hạnh Phúc


Phái đoàn Thiện chí chúng tôi từ Saigon ra Trung vào khoảng giữa tháng chạp, mục đích tặng tiền và phẩm vật cứu trợ cho đồng bào ở những vùng bị bão lụt tàn phá nặng nề nhất hồi trong năm.

Linh mục Đoàn Minh Thái, vị trưởng phái đoàn, gọi đùa chúng tôi là một ban Tạp lục, vì phái đoàn gồm các thành phần hỗn hợp. Phó Trưởng đoàn là Đại Đức Thích Tâm Bửu. 8 hội viên nam gồm: Nghị sĩ Vũ Trác, Dân Biểu Nguyễn Hải Hà, anh Việt Tiến nhân viên đài VTTH, nhà văn Duy Xuyên, thi sĩ Cao Hà, sinh viên Hồ Cửu Tú, nhạc sĩ Văn Định, giáo sư Tường và 2 hội viên nữ là bà Bác sĩ Carol nhân viên hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, và tôi, một Akéla của đoàn Hướng Đạo Sinh Việt Nam.

Theo tôi biết thì việc mời gọi tụ họp các thành phần như trên là do sáng kiến của Thầy Tâm Bửu. Nhưng người đắc lực nhất trong việc tổ chức xin tiền và phẩm vật cứu trợ chính là Cha Thái và bà Carol, còn lo cho phái đoàn về thủ tục hành chánh, phương tiện di chuyển, nơi ăn ở, việc bảo vệ an ninh v.v… là phần của Nghị sĩ Trác và Dân biểu Hà. Thật ra chúng tôi đều đã phân công ai có công việc nấy, mà việc nào xem ra cũng rất bận rộn nặng nề.

Dĩ nhiên với danh nghĩa Phái đoàn Thiện chí, chúng tôi đều hoạt động tự nguyện, hoạt động một cách say sưa thích thú trong công tác xã hội “ủy lạo đồng bào bị bão lụt”.

Có thể, đôi khi người ta chỉ trích, châm biếm những hoạt động xã hội, cho rằng các hoạt động này thường là tấm bình phong của bọn người đạo dức giả, và bề trái của công tác xã hội thường có những bộ mặt thật nham nhở, những bộ mặt bỉ ổi, tham nhũng v.v…

Tôi nghĩ rằng cái gì mà chẳng có mặt trái. Và nếu 99 người làm việc xấu, có 1 người làm việc tốt thì việc tốt không vì thế mà hóa ra vô ích. Tôi muốn làm 1 việc gì, một việc thật nhỏ mọn nào đó vừa với sức tôi, để có thể giúp ích được cho đồng bào tôi ở miền Trung hiện đang sống thật kham khổ sau mùa bão lụt liên miên vừa qua.

Khi Giáo sư Tường cho tôi biết Đại Đức Thích Tâm Bửu đang cần 1 nữ nhân viên biết chút ít Anh ngữ để cùng đi ra Trung với bà Bác sĩ Carol trong phái đoàn Thiện chí, tôi đã tình nguyện đi ngay.

Chúng tôi ra đây được 10 ngày rồi. Tuần lễ đầu, phái đoàn đến thăm và tặng tài vật cứu trợ cho các gia đình ở ven bờ biển Đà Nẵng. Những vùng đã bị nước biển dâng tràn ngập hồi trung tuần tháng 10, như Thanh Bồ, Đức Lợi, Ngọc Quang, Thanh Bình, Nội Hà, Thuận Thành, Tam Tòa, Thạch Thang, Hà Khê, Thanh Khê v.v…

Tuần lễ thứ hai, chúng tôi đáp trực thăng đến Quảng Trị, thăm viếng ủy lạo đồng bào nạn nhân thuộc các quận Gio Linh, Cam Lộ và Hải Lăng. Có lẽ sớm nhất, cũng phải lưu lại đây 1 tuần nữa mới xong việc. “Xong việc” chỉ có nghĩa là chúng tôi sẽ trao tặng hết số tài vật xin được ở Saigon đến tận tay nạn nhân bão lụt. Chớ thật thì chúng tôi không đủ tặng phẩm và cũng không thể đủ sức đi ủy lạo được tất cả số gia đình đồng bào nạn nhân tại đây.

Trong bữa ăn sáng Cha Thái nói với bà Carol:

- Ở Saigon xin được 1 kho tặng phẩm với mấy triệu bạc tôi thấy tương đối đã nhiều. Song chở ra tới đây, thật quả chỉ như muối bỏ bể.

Bà Carol cũng cho biết, số thuốc bà đem theo đã hết ngay từ hôm phái đoàn còn ở Đà Nẵng. Và bà đã nhận được 1 số thuốc khác do chi nhánh cơ quan Hồng Thập Tự Quốc Tế ở Huế gửi tiếp trợ cho bà.

Sáng nay thầy Tâm Bửu khuyến cáo phái đoàn cần phải nghỉ ngơi 1 hoặc 2 bữa vì nhận thấy suốt 10 ngày qua chúng tôi đã di chuyển và làm việc thật “quá sức lao động”. Sau đó, do quyết nghị của phái đoàn chúng tôi nghỉ hẳn 24 tiếng đồng hồ. Nhân dịp này Đại Tá Tỉnh Trưởng ngỏ ý mời phái đoàn dùng bữa trưa tại Tòa tỉnh. Tuy nhiên, bà Carol và tôi xin kiếu từ, chị em chúng tôi có một vài việc riêng cần phải làm. Với lại, bà Carol nói với tôi:

- Chị muốn đi lang thang với em trong thôn xóm. Thật ra chị vẫn nghĩ rằng, chị chỉ mới hiểu biết rất ít về quê hương của em.

Sau khi “Bố Thái” (danh từ vui nhộn, thân mật của sinh viên Hồ Cửu Tú gọi cha Thái) và thầy Tâm Bửu dẫn phái đoàn đi dự tiệc, bà Carol và tôi đã dành đến 3 tiếng đồng hồ để giặt giũ áo quần. Lúc nào tôi cũng thấy bà Carol hoạt động thật hăng say, kể cả khi giặt đồ. Bà hăng say tới mức giặt hết tất cả số áo đầm mà bà mang theo, ngoại trừ bộ đồ ngủ bà đang bận trên người.

Đến lúc sửa soạn đi chơi bà Carol mới khám phá ra điều đó. Gương mặt bà lộ vẻ thất vọng. Nhưng tôi không để bà buồn lâu, tôi đề nghị bà hãy mặc tạm bộ đồ bà ba của tôi. Bà ưng thuận ngay, và phút chốc bà đã trở thành một phụ nữ Việt Nam trông thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Để che bớt mái tóc bạch kim của bà, chúng tôi đều đội nón.

Tôi ngắm nghía bà và khen:

- Trông chị thật đẹp. Bây giờ chắc không ai còn nhận ra bà bác sĩ Carol của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế nữa.

Mặt bà hồng lên một cách tự nhiên:

- Cám ơn! – Bà nói giọng lơ lớ câu tiếng Việt duy nhất bà đã học được, rồi lại dùng Anh ngữ mà nói chuyện với tôi:

- Ngoài em, chưa có người Việt Nam nào khen chị đẹp cả. Nhưng chị có thể đoan chắc với em, bất cứ người Mỹ nào dù đàn ông hay đàn bà thấy em đều phải công nhận em xinh đẹp. Riêng chị, chị còn thấy nơi sắc đẹp Á Đông của em một sự nhu mì hiền hậu.

Tôi nói lí nhí cám ơn bà và e thẹn kéo vành nón che thấp xuống mặt. Bà Carol cất tiếng cười lớn, tiếng cười thật ròn rã vô tư. Chúng tôi lang thang, vừa đi vừa nói chuyện trên hương lộ xã Hải Kinh (thuộc quận Hải Lăng). Con đường hẹp rải đá, còn ghi nguyên vẹn dấu vết của các trận bão lụt. Chạy dài 2 bên đường, những căn nhà nhỏ mới được cấp thời dựng lên một cách thô sơ vội vã, mái tôn mới sáng chói dưới ánh nắng. Trẻ nhỏ trong các nhà không chạy ùa ra tròn mắt ngắm nghía chúng tôi như những hôm phái đoàn đến thăm thôn xóm hẻo lánh. Tôi nghĩ rằng cái nón lá và bộ đồ bà ba giản dị đã đồng hóa chúng tôi với mầu sắc nơi đây.

Đến 1 ngã ba thuộc ấp Phú Kinh, bà Carol rẽ xuống theo bờ đất dẫn vào lùm tre um tùm. Chúng tôi ngừng lại, và nhìn thấy phía trong lùm tre 1 căn nhà kỳ lạ. Đúng ra không phải căn nhà, đó chỉ là cái mái nhà của 1 căn nhà đã đổ sụp, trông giống như 1 cuốn sách bìa cứng úp trên bàn.

Tôi bỗng nhớ đến một lời dặn của Dân biểu Hà và chợt cảm thấy lo ngại về vấn đề an ninh. Tôi bảo bà Carol:

- Em thấy chúng mình không nên ở lâu tại đây. Có lẽ nên trở lên con đường lớn, và đi về nếu chị cảm thấy mỏi chân.

Bà Carol không trả lời, dường như bà đang chăm chú lắng nghe một cái gì, bỗng bà nắm tay tôi, mắt sáng lên:

- Này em! Em có nghe thấy tiếng rên không? Dường như có người đau ốm trong mái nhà kia.

Không chú ý gì đến sự bất đồng ý của tôi, bà xăm xăm lách mình qua 1 ngõ tre để bước vào căn nhà đổ sụp.

Trong bóng tối lờ mờ, mùi hôi ẩm xông lên nồng nặc, 1 cảnh thượng thật thương tâm hiện ra trước mắt chúng tôi. Trân cái sập bằng gỗ cẩm lai đặt giữa nhà, 1 cô gái chừng 14 tuổi đương nằm rên hừ hừ.

Trong vùng bóng tối ở xó nhà phát ra tiếng gầm gừ và lát sau một con chó già ốm chệu chạo bước ra dương cặp mắt lẻm kẻm nhìn khách lạ, xem nó có vẻ ngạc nhiên và không thích sự “đột nhập gia cư” không có lý do của chúng tôi, nhưng nó không tỏ thái độ nào chống đối chúng tôi cả.

Trong lúc tôi e ngại đảo mắt quan sát khắp nơi trong căn nhà đổ sụp chỉ còn cái mái, thì bà Carol đã sà ngay xuống con bệnh để thi hành phận sự của bà.

Bà sờ trán, bắt mạch, áp tai vào lưng nghe ngực. 1 lát cô gái thức tỉnh, hé mắt nhìn người lạ. Bà bác sĩ Carol dường như quên mình là người Mỹ, bà hỏi thẳng cô bé:

- Helo! Tell me what you feel?

Tôi bước tới tính nói cho cô hiểu rằng đây là bà bác sĩ và bà muốn biết cô cảm thấy trong mình thế nào?

Nhưng tôi chưa kịp “thông ngôn” thì cô bé bỗng cất tiếng trả lời bằng tiếng Anh với giọng nói yếu ớt nhưng thật trôi chảy:

- I feel altogether ill, and had fits of shivering during the whole of last night.

Bà Carol ngạc nhiên sững sờ, cái miệng bà há ra tròn như chữ o. Tôi tới ngồi cạnh sập bên cô bé và chúng tôi đã trở nên thân thiện và tìm hiểu nhau.

Bà Carol giành lấy phần “trình bày” cho cô bé biết về Phái đoàn Thiện chí và sự gặp gỡ tình cờ của chúng tôi với cô. Cô bé sau khi được chích 1 mũi thuốc khỏe đã tỏ ra tỉnh táo hơn, cô cho biết:

- Thưa hai bà, tên em là Vũ Hoàng thị Yến Loan.

Bà Carol hí hoáy ghi tên Loan vào 1 quyển sổ nhỏ và đọc 1 cách khó khăn:

- Dzu-Hoa-ti-y-en-lâu.

Yến Loan nhắc lại:

- Vũ Hoàng thị Yến Loan, nhưng thôi bác sĩ cứ gọi em là y-en-lâu cũng được… yellow! Vâng! Em là yellow.

Bà Carol cất tiếng cười vô tư, bà nắm tay Loan thân mật trách:

- Đừng gọi chị là bà bác sĩ. Yellow hãy gọi là chị cho thân mật, chị ước ao như thế. Yellow, tên em có nghĩa là gì nhỉ?

- Thưa bà… ạ… thưa… chị, tên em không có nghĩa gì cả. Song Vũ và Hoàng là tên họ ba má em. Thưa hai chị, ba má và em gái của em, bé Yến Châu, chết rồi! Chết hết cả trong tai họa sóng thần dâng lên bất ngờ và tràn ngập miền này sáng ngày 12 tháng 10 năm 1971.

Loan nghẹn ngào nín thinh một lúc lâu, hai giòng lệ tuôn chảy từ cặp mắt nai tơ đen lánh.

Bây giờ tôi mới nhận thấy cô bé có 1 nét đẹp thật đặc biệt, tôi muốn so sánh với gương mặt của Thánh nữ Têrêsa, nhưng có lẽ mặt Thánh nữ Terêsa tươi vui hơn, vì không bao giờ bà phải sống cuộc đời khốn khổ bất hạnh đến như cô gái này.

Yến Loan kể tiếp:

- Gia đình em từ xưa, từng vào hàng khá giả ở đây, em được gửi trọ học ở Saigon, và đang theo lớp Đệ Tứ ở Trưng Vương. Khi em nhận được điện tín của anh Dũng gọi về nhà thì em đã trở thành mồ côi và gia sản tan hoang như hai chị đang thấy đó.

Yến Loan lại khóc thút thít, tôi thấy bà Carol cũng khóc theo, bà kéo vạt áo bà ba lên lau mắt, thật là một hình ảnh quen thuộc, suýt nữa tôi đã đem bà để ví với hình ảnh 1 bà mẹ quê hoặc 1 quả phụ Việt Nam trong cơn ly loạn. Tôi hỏi Loan:

- Em còn 1 người anh trai tên Dũng phải không?

- Vâng, gia đình em giờ chỉ còn sót lại 2 anh em. Anh Dũng vô Nhân Dân Tự Vệ, bữa nay có công tác chiều mới về. Bây giờ em không thể xa anh Dũng được, vả lại em cũng không còn đủ tiền bạc để ăn học nữa, em sẽ sống mãi ở đây, trên mảnh đất của ba má để lại, em sẽ làm việc như 1 thôn nữ, và 1 ngày nào đó em ước mong, anh Dũng và em sẽ dựng lại căn nhà này để lấy chỗ thờ ba má em và bé Yến Châu.

Bà Carol và tôi đều ái ngại và thông cảm nỗi đau buồn thấm thía của cô gái bất hạnh. Lát sau, bà đặt tay lên trán Loan ôn tồn nói:

- Hồi nãy Yellow bảo với chị rằng em cảm thấy hoàn toàn ốm và lên cơn sốt suốt cả đêm hôm qua. Nhưng chị nghĩ bịnh em không đáng lo ngại. Bây giờ em hãy uống 1 ít thuốc chị đem theo. Có thể, chiều mai chị sẽ lại đến thăm em.

- Em cám ơn hai chị, em và anh Dũng mong gặp hai chị chiều mai.

Bà Carol hôn lên trán cô bé, rồi chúng tôi ra về. Bà đã phúc trình tỉ mỉ “cuộc tao ngộ hãn hữu” vừa qua cho Linh Mục Thái biết. Bố nghe có vẻ cảm động và Bố hứa sẽ gửi tặng cô bé bất hạnh một số tài vật gấp đôi số lượng mỗi phần dự trù.

Chiều hôm sau chúng tôi trở lại căn nhà kỳ dị, có giáo sư Tường và sinh viên Hồ Cửu Tú cùng đi. Chúng tôi đã gặp cả hai anh em Yến Loan và Dũng. Thầy Tường đại diện cho phái đoàn trao tặng anh em Dũng 2 phong bì đựng tiền, và 2 thùng tặng phẩm. Bà Carol lại khám bệnh và phát thuốc cho con bệnh xinh đẹp của bà. Anh Tú đột nhiên nắm lấy tay Dũng nói một cách thật cảm động:

- Dũng, Tú cũng mồ côi, thật nghèo và cũng có 1 đứa em gái nhỏ như em Loan, nhưng, nhưng… nhưng Dũng và Loan… đau khổ hơn chúng mình quá nhiều. Mình… mình muốn gửi lại Dũng và Loan một cái gì để kỷ niệm.

Anh Tú ngượng nghịu rút trong túi ra cái kính mát Sol Amor mà anh thường mang và 1 cây bút máy Parker.

- Có lẽ Dũng và Loan không cần thiết mấy thứ này, nhưng… xin đừng từ chối, vì đây là… tình bạn… chúng mình đều là những sinh viên học nghèo (anh Tú trao cây Parker cho Loan). Loan giữ lấy cái Parker này đi, có khắc tên Tường Vân, con em của anh đấy, về Saigon anh sẽ bảo nó biên thư cho Loan.

Hai anh em Dũng, Loan nhận lấy kỷ niệm của anh Tú nghẹn ngào không thốt được nên lời.

Thế rồi chúng tôi về tiếp tục “công tác xã hội” trong suốt tuần lễ thứ nhì.

Ngày chót của cuộc hành trình Bố Thái lại quyết định bắt buộc phái đoàn phải nghỉ 1 hôm trước ngày lên đường trở về Saigon.

Các vị hội viên nam bèn dẫn nhau đi mua đồ kỷ niệm, nào nón Huế, mè xửng, hình ảnh thành phố v.v…

Bà Carol và tôi lại hì hục giặt đồ. Bỗng bà chợt nhớ đến cô bé Yellow, bà rủ tôi giặt xong đi thăm Yến Loan. Tôi còn lưỡng lự suy nghĩ thì… Yến Loan xuất hiện ngay trước mặt chúng tôi.

Cô bé này đã khỏe mạnh hồng hào khá rồi. Nàng ôm 1 con búp bê khá lớn khiến cho bà Carol ngạc nhiên:

- Chị vui mừng nhìn thấy Yellow được khỏe. Sao, bữa nay em đem búp bê đến khoe với chị hả? Đối với chị, Yellow thật quả là 1 con búp bê rất đáng yêu.

- Không! Thưa chị em không đem búp bê đến khoe, song là đến để trả lại cho phái đoàn.

Tôi rất đỗi ngạc nhiên, nên đã hỏi Loan bằng tiếng Việt:

- Ủa? Sao lạ vậy Loan? Phái đoàn có điều gì làm em buồn không?

- Không! Thưa chị em không bao giờ dám buồn phái đoàn song em cần phải nạp lại con búp bê này, em không dám nhận. Đây, chị xem này.

Bà Carol trố mắt nghe chúng tôi nói chuyện. Bà không hiểu gì hết, song khi tôi đỡ lấy con búp bê ở tay Loan thì bà cũng xáp tới coi. Loan chỉ cho tôi vặn rời cái đầu búp bê ra, trong ruột nó… trời ơi! 1 cuộn giấy bạc 500đ nhét đầy bụng búp bê. Tôi lắc mấy cái, cuộn giấy bạc rơi ra và 1 lá thơ rơi theo.

- Thế này là thế nào? – Bà Carol hỏi Loan.

- Thưa chị em không biết thế nào cả. Song em nghĩ rằng em không được phép nhận số tiền quá lớn này. Có lẽ của 1 gia đình nào bỏ quên ở đây, hoặc vì 1 lầm lẫn nào đó phái đoàn đã đưa lộn cho em phần quà này.

- Ồ! Không! Không có vấn đề đưa lộn. Phần quà này của 1 gia đình nào đó ở Saigon, tự họ niêm phong vô thùng và có đề rõ ở ngoài “xin gửi tặng đến 1 nữ sinh nạn nhân bão lụt miền trung”. Vậy còn bức thư này em đã đọc chưa?

- Thưa hai chị, bức thư này không đề tên em, em không dám mở coi.

Bà Carol ồ lên một tiếng giơ cả 2 tay lên trời, bước tới ôm choàng lấy Yến Loan, hôn thật kêu lên má cô bé, bà thốt lên:

- Trời ơi! Em Yellow của chị! Em thật thánh thiện, ngay thẳng và ngây thơ. Đâu nào! Chúng ta hãy coi xem bức thư này nói gì.

Tôi đỡ lấy phong thư, xé lớp phong bì, đọc và dịch lại cho bà Carol hiểu.

Saigon ngày 25 tháng 12 năm 1971

Thưa chị

Em tin chắc cha Thái đã trao tặng phẩm “búp bê” này đến 1 “nữ sinh nạn nhân bão lụt miền trung” đúng theo lời dặn ba em đã ghi ngoài thùng đựng đồ.

Xin chị đừng ngạc nhiên, và trước hết xin chị hãy vui vẻ nhận số tiền em gửi tặng chị. Chắc chị đang muốn biết em là ai phải không? Thưa chị em tên là Tuyết Hằng, một cô bé, con nhà giầu, rất giầu thì đúng hơn, nhưng cũng là 1 cô gái suốt đời đau khổ: em đã bị tê liệt 2 chân suốt 5 năm nay.

Chúa ơi! Sao con lại phải gánh chịu suốt đời 1 hình phạt ghê gớm đến thế. Lậy Chúa. Trên cõi đời này có ai phải chịu sự đau đớn như con nữa hay không? Ước gì ngoài con, không còn ai bị khổ đau đời đời nữa cả.

Chị ơi, số tiền này là quà Noel của em đấy. Các ông bà bạn của ba má em đều giầu kếch sù, mỗi năm em đều nhận những số tiền tương tự. Nhưng số tiền này dù có nhiều hơn bao nhiêu đi nữa cũng không làm em vui được, tiền bạc thật chẳng giúp ích gì cho em. Em muốn gửi đến biếu chị vì em nghĩ rằng, có thể nó sẽ giúp ích 1 phần nào trong hoàn cảnh của chị.

Em đoán rằng chị đang đau khổ, em thấy chiếu trong Tivi cảnh nước lụt dâng lênh láng, như vậy chị sẽ phải nghỉ ở nhà không đi học được, có thể con mèo hoặc con chó minô của chị đã bị chết đuối, cũng có thể vườn hồng của chị bị ngập nước, những bông hoa thật đẹp rã cánh hết. Em đoán chị sẽ buồn, buồn lắm. Nhưng xin chị gắng quên đi, vui vẻ lên, vì nỗi buồn của chị đã có em chia sẻ. Em xin Chúa cho em đau khổ 1 mình thôi, để tất cả bạn bè em, trong số có chị, sẽ được hạnh phúc.

Thật sự, bây giờ, em gần như đã quên được nỗi đau rồi, em thấy không cần thiết gì đến đôi chân bị tê liệt nữa. Và chị ơi! Em đang vui đây chị ạ. Em xin Chúa ban niềm vui xuống trong tâm hồn chị, để mùa xuân này chị sẽ thấy cuộc đời thật đẹp, thật là đẹp. Em của chị.

Tuyết Hằng

Tôi dịch xong bức thư của Tuyết Hằng, thì cha Thái, thầy Tâm Bửu và một số anh em đã về từ bao giờ đứng vòng xung quanh chúng tôi. Yến Loan đứng giữa tay cầm búp bê và nắm giấy bạc, mặt ngây ra như bị thôi miên. Lâu, rất lâu sau, cha Thái tiến đến trước mặt cô bé. Ngài hỏi nhỏ nhẹ:

- Con còn buồn nữa sao?

- Thưa Cha – Loan ngước cặp mắt đẫm lệ, nhìn cha Thái run run nghẹn ngào – Con hết buồn rồi, thật không ngờ, thưa cha, con không ngờ chung quanh con có bao phủ một tình yêu thương tuyệt diệu. Con hay tủi thân và hay khóc nhưng… Thưa cha, hôm nay thật con đã tìm thấy một nguồn an ủi cao quí.

Vẫn cặp mắt còn ướt lệ, Loan mỉm cười, nụ cười dường như đã lâu lắm nay mới thấy nở lại trên vành môi cô bé mồ côi.

Chúng tôi trở về Saigon, và cho đến nay tôi vẫn chưa tìm ra được địa chỉ của Tuyết Hằng, cô bé bị tê liệt, để kể cho cô nghe câu chuyện “Con Búp bê hạnh phúc” của cô. Nhưng tôi nghĩ rằng trước sau gì Hằng cũng sẽ đọc chuyện này. Riêng về Yến Loan, em bé Yellow xinh đẹp của tôi, chắc chắn mùa Xuân này sẽ đến với em trong tiếng cười yêu thương và niềm vui bất tận.


QUỐC BẢO    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 25, 26, Xuân Nhâm Tý, ra ngày 30-1-1972)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>