Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Vở Kịch Bà Trưng


Những ngày đầu cắp sách đến trường của tôi quả là... kỳ cục! Năm tôi lên sáu, gia đình tôi ở Đà Nẵng và tôi được cậu mợ đưa đến học với cô giáo nọ. Ngay buổi đầu tiên, trong những lời dặn dò, cô giáo đã nói một câu làm tôi đổ mồ hôi: “Em nào ăn kẹo, mút đá để bị sún răng, cô sẽ lấy kìm mà bẻ răng cho chừa!”. Đổ mồ hôi chỉ vì tôi có một cái răng cửa bị... sún! Suốt buổi học đầu tiên ấy - cũng là buổi học duy nhất với “cô giáo dọa bẻ răng” - tôi không dám hở môi (Theo nghĩa đen) chỉ sợ cô trông thấy cái răng sún của mình thì khổ! Qua hôm sau, dù bị cậu mợ tôi đánh đến sưng mông, tôi cũng nhất định không chịu đi học nữa, không là không! Nặng tay rồi dỗ ngọt, tôi vẫn khăng khăng một mực đòi ở nhà, cậu mợ tôi đành chịu. Nhưng không học ở trường thì tôi phải học ở... nhà. Và cậu tôi là thầy giáo. Cậu tôi dạy tôi học chữ cái bằng bộ bài chữ của một người bạn gởi tặng. Xem chừng tôi có vẻ hợp với lối học này lắm nên tiến bộ thấy rõ.

Nhưng dường như số tôi thuở nhỏ phải chịu nhiều trắc trở về việc học, nên chưa thuộc hết bộ chữ cái (Thuộc tức là nhớ mặt chữ thôi đấy, chứ còn viết thì tôi hoàn toàn... mù tịt), tôi bị bệnh nặng đến nỗi cậu mợ tôi phải đưa vào Sài Gòn chữa trị. Hơn nửa năm trời tôi mới khỏi bệnh và gia đình tôi dọn về Biên Hòa. Tôi ở nhà dưỡng bệnh đến nửa năm nữa. Trong thời gian này, cậu tôi lại ra công dạy tôi đọc chữ, đọc số, làm toán cộng, toán trừ. Từ khi bắt đầu làm toán, tôi cũng bắt đầu tập viết bằng phấn trên bảng. Sau đó, có lẽ nhận thấy trình độ “đọc chữ” và “làm toán” của tôi đã khá, nhưng trình độ “viết chữ” quá kém, cậu tôi mới gởi tôi đến học tại một lớp học của ngôi chùa gần nhà. Hẳn nhiên, tôi phải ngồi lớp mẫu giáo để cười hì khi thầy giáo dạy đánh vần, dạy đọc số (Tôi biết dư đi rồi). Cười hì rồi nhăn mặt khóc vì bị khẻ tay vì cái tội: viết chữ xấu như cua bò!

Năm lên tám, gia đình tôi dọn ra ngoại ô tỉnh lỵ và tôi được giao cho một cô giáo, chủ ngôi “trường” bên kia đường. “Trường” thật ngộ! Học trò từ mẫu giáo đến lớp nhất ngồi lẫn lộn nhau và có chung một cô giáo lúc bấy giờ mới chỉ mười tám, mười chín và đang học lớp đầu bậc trung học!

Cô Thư - tên cô giáo của tôi - được cậu mợ tôi cho biết rõ sức học của tôi nên đã cho tôi học một lớp thật đặc biệt: học toán và các môn khác theo chương trình lớp ba và học tập viết theo chương trình lớp... năm! Hẳn nhiên, cô cũng đối xử với tôi thật đặc biệt. Cô cưng tôi khỏi nói!

Dạo ấy, tôi thật hiền, hiền vô cùng (Nhưng như thế không có nghĩa là bây giờ thì tôi dữ đâu nhé!).Trong giờ học, tôi ngồi im lặng nghe giảng, ngồi ngay ngắn viết bài, làm toán. Giờ chơi, tôi ngồi tại chỗ không ra khỏi lớp bao giờ, để ôn bài hoặc trò chuyện với bè bạn. Cô Thư vẫn hay nói với cậu mợ tôi: “Em nó hiền như con gái!”.

... Để rồi Tết năm ấy, cô giao cho tôi vai “Bà Trưng” trong vở kịch “Đuổi quân Tô Định” sẽ diễn vào buổi tất niên của “trường”. Bị giao vai con gái, tôi chẳng chút bằng lòng, nhưng vẫn gật đầu nhận lãnh (Đã bảo là tôi hiền lắm mà!). Ngoài tôi ra, hai bạn tôi là Q. và S. được giao vai Tô Định và vai Quân sĩ. Vai Trưng Nhị không tìm được người đóng, con trai thì chẳng đứa nào nhận, con gái lại xấu hổ, cô Thư đành phải bỏ. Thành ra “Bà Trưng” trong vở kịch chỉ còn một Trưng Trắc là tôi!

Trao bản kịch, cô Thư ra hạn cho tôi trong hai ngày phải thuộc đối thoại vai mình để đến hôm thứ ba diễn thử với Q. và S. Gì chứ học thuộc đối thoại vở kịch, tôi xem chẳng ra gì. Có nửa buổi, tôi đã thuộc sạch trơn. Chẳng những thuộc đối thoại vai Bà Trưng tôi còn thuộc luôn cả vai Tô Định và vai Quân sĩ nữa. Thuộc kịch rồi, tôi mới “nghiên cứu” về “diễn xuất”. Nhà tôi có bốn người mà có đến bốn phòng, cậu mợ tôi thì bận việc cả, em gái tôi lại còn bé, nên tôi có thể yên chí mà đóng trò. Tôi đợi những lúc nào thật “an toàn” - Nhỡ bị cậu mợ tôi bắt gặp thì ngượng chết - mới ra trước tấm gương lớn trước tủ áo mà diễn kịch. Đang múa may quay cuồng, có tiếng động nào khả nghi một tí là a lê hấp, tôi thu bộ, vớ ngay quyển sách tập đọc để sẵn gần đó ngồi... đọc! Ta đang chăm chú học bài... chứ bộ!

Có lẽ nhờ chuẩn bị chu đáo như thế, hôm diễn thử với Q. và S. cho cô Thư xem, tôi đã khiến cô Thư phải buột miệng khen:

- Em đóng kịch hay lắm! Có triển vọng thành một kịch sĩ đấy chứ chẳng chơi đâu!

Q. và S. vốn là hai “tên” thường bị ăn trứng ngỗng về môn trả bài, bị cô Thư mắng:

- Làm gì mà cứ để “Bà Trưng” nhắc hoài vậy? Cô đã cho hai ngày rồi mà vẫn chưa thuộc đối thoại cơ à?

Q. gãi đầu gãi tai:

- Thưa cô, tại nhà em bận việc nên em học chưa kỹ. Với lại tại “thằng Bà Trưng” nó láu táu nó nhắc chứ em đâu có khiến nó!

Tôi tức gã “Tô Định Q.” vô cùng. Rõ là làm ơn mắc oán mà...

S. thì nói:

- Hay là nó thuộc hết vở kịch thì cô giao cho nó luôn ba vai đi cô...

Kết quả là sau câu nói “ngây thơ cụ” ấy, S. bị cô Thư cốc đầu một cái nên thân. Cô bảo:

- Không có nói năng lôi thôi nữa, lo tập đi. Cô báo cho biết trước, buổi tất niên này cô mời cả ba má các em tới dự đó. Liệu mà diễn!

Tô Định Q. cười hì hì:

- Em sẽ dặn ba em vỗ tay khen em to nhất.

Quân sĩ S. mơ mộng:

- Thế nào má em cũng thưởng em tiền. Em sẽ mua kẹo chia ba. Chia đều. Còn lẻ bao nhiêu thì biếu cô.

Chỉ có tôi là... run:

- Không được đâu cô ơi! Cô mà mời cậu mợ em thì em... em không dám đóng kịch đâu... Xấu hổ lắm!

Q. cười:

- Mày làm cứ như con gái ấy!

Tôi phùng má:

- Thì tao đóng vai con gái đó thôi! Mày phải biết là đóng vai con gái kỳ lắm. Có giỏi, mày đóng vai Bà Trưng đi, tao nhường cho đấy!

Q. lắc đầu cười trừ. Cô Thư:

- Được rồi. Nếu thế thì cô sẽ không mời cậu mợ em...

Tôi:

- Và cũng không mời luôn ba má thằng Q., thằng S. nữa cơ...

- Tại sao vậy?

- Chứ có ba má chúng nó rồi lúc em vào nhà chúng nó chơi, ba má chúng nó cười em thì sao?

Cô Thư:

- Em yêu sách cô quá đấy.

- Cô mà mời người lớn, em không đóng kịch!

- Em không đóng cô cho dê-rô.

- Em không sợ.

- Cô mách cậu mợ em.

- Em chấp cô mách. Em sẽ mách trước là cô bắt ép em phải... đóng kịch!

Cô Thư phì cười:

- Thôi, thế thì cô chịu thua em vậy. Cô sẽ không mời người lớn nào hết. Bằng lòng rồi chứ?

Tôi cười khoái chí vô cùng. Lần diễn thử thứ nhì, tôi hứng chí diễn xuất sắc hơn cả lần trước. Q. và S. bị cô mắng, chúng nó đã cố gắng hết sức mà vẫn chẳng bằng tôi. Tôi thuộc đối thoại làu làu, diễn oai như... Bà Trưng, lại đánh kiếm với Tô Định và Quân sĩ thật ác liệt. Trong trí tôi, tôi bắt đầu mơ tưởng tới tràng pháo tay của “khán giả” khi vở kịch kết thúc, tôi oai vệ đứng dẵm chân lên ngực Tô Định Q., một tay giơ cao thanh báu kiếm...
* 

Trước hôm trình diễn, tôi đã nghĩ ra cách mượn của mợ tôi vài món “con gái” để hóa trang mà không bị lộ bí mật - tức là không cho cậu mợ tôi biết rằng tôi sẽ đóng kịch, lại đóng vai con gái nữa. Hóa trang thành Bà Trưng, tôi cần những món sau đây: quần dài đen, áo nâu, khăn vuông, ruột tượng và... đôi guốc!
Phải nói là tôi đã hy sinh rất nhiều cho vai diễn của mình. Để có quần dài đen, cả tuần lễ trước, tôi đã đem cái quần màu mỡ gà của bộ pygiama ra năn nỉ mợ tôi:

- Mợ ơi, cái quần này mặc chóng bẩn quá, mợ nhuộm đen cho con mợ nhé!

Nói mãi, mợ tôi mới chịu nhuộm quần cho. Dù thế, mợ cứ thắc mắc mãi: “Tại sao lại phải nhuộm đen đi nhỉ?”.

Cái áo nâu thì tôi đã có sẵn. Đôi guốc cũng chẳng khó gì, tôi có thể mượn của đứa con gái nào đó trong “trường”. Chỉ còn hai món khăn vuông và ruột tượng là gay! Tôi nói với mợ tôi:

- Cô Thư bảo con mượn mợ cái khăn vuông và cái ruột tượng để cô dạy cho cả lớp biết...

Mợ tôi tin lời, dem cái khăn vuông nhung đen và cái ruột tượng mới nhuộm màu xanh lá mạ ra cho mượn ngay.

Ngày trình diễn, lúc sửa soạn trong hậu trường - phòng ngủ của cô giáo Thư ấy mà - tôi mới lôi đồ nghề” ra mặc. Q. đang mài mực tàu để vẽ râu quay lại nhìn tôi. Nó tròn mắt, chu miệng ra:

- Ối giời ơi! Bà Trưng đẹp quá!

S. vuốt vuốt cái khăn vuông nhung đen, khen:

- Khăn nhung có khác. Sờ vào mát rượi cả tay.

Tôi ẹo qua ẹo lại làm dáng:

- Chúng mày xem tướng đi của tao thế nào... Có giống con gái không?

Q. bụm miệng:

- Giống lắm chứ... Giống... giống bà bóng y hệt...

Chúng tôi chỉ lo đùa giỡn trong khi cô Thư lo lắng thật sự. Cô hỏi ba đứa:

- Q. em có giầy chưa? Kiếm đâu rồi? S. Cái nón giấy của em đâu rồi...

Q. ngập ngừng:

- Thưa cô em quên đem giầy theo rồi.

- Chán chưa!

S.:

- Mày đi đỡ đôi săng đan của tao vậy. Tô Định đi săng đan cũng oai lắm rồi!

- Thế còn kiếm? Lấy gì làm kiếm bây giờ?

Cô Thư rối lên:

- Các em thật là đoảng! Đã dặn là phải lo chuẩn bị sẵn sàng mà đến giờ lại như thế đấy! Không có kiếm thì đánh nhau thế nào được?

Q.:

- Hay là mình lấy que củi vẫn tập mọi hôm mà diễn...

Tôi thêm:

- Vậy đi cô. Em cũng chưa có kiếm...

S.:

- Cái nón giấy cô dán cho em hô nọ em đem về nhà, thằng em của em nó làm bẹp mất rồi. Em đội đỡ cái mũ... cao bồi này nghe cô!

Cô Thư chỉ còn biết phì cười với ba ông tướng học trò quá ư là bê bối:

- Thôi! Các em muốn làm gì thì làm. Tí nữa cô giới thiệu, nhớ mà ra sân khấu. Thuộc hết kịch rồi chứ? Tô Định ra trước, kế là Bà Trưng, Quân sĩ ra sau cùng rồi Bà Trưng đánh kiếm với Tô Định và Quân sĩ...

Chúng tôi vâng dạ rồi kéo nhau đến bên cửa sổ, vén màn cửa nhìn ra lớp học. Sân khấu kê sát cửa ra vào phòng cô Thư để ba đứa tôi lên xuống cho dễ. Đó là hai cái bàn kê sát nhau.

Khán giả là tất cả học trò của cô Thư, ngồi cả trên những băng ghế dài ăn bánh, mút kẹo chờ xem kịch. Tôi thấy ở hàng ghế đầu có C., con bé viết chữ đẹp nhất “trường” mà cô Thư vẫn hay đem ra nói với tôi như một tấm gương để tôi bắt chước. “Cố viết kha khá tí nữa xem sao nào! Con trai mà để thua con gái sao?”. Kế C. là D., con gái bà chủ nhà bảo sanh của khu phố...

Cô Thư bước ra giới thiệu:

- Sau đây, cô giới thiệu với các em vở kịch “Đuổi quân Tô Định”. Đây, vở kịch bắt đầu...

S. ngồi trong hậu trường đánh trống mồm thật to:

- Tung tung tung tung... cắc... tung tung...

Q. bước ra sân khấu. Tô Định Q. mặc quần tây dài, lưng giắt thanh kiếm... củi, chân đi săng đan, đưa tay lên cằm vuốt... râu vẽ và ê a:

- Ải ải... Ta đây là Tô Định, sang cai trị dân Nam...

Bên dưới, khán giả xì xào nhau:

- Tô Định xem dữ tướng quá chúng mày nhỉ?

- Thằng Q. đóng kịch hay đấy!

- Sao Tô Định không có đuôi sam hả chúng mày?

Tô Định Q. có lẽ nghe lọt tai hết, nhưng nó phớt tỉnh, tiếp tục diễn trò:

- A... Chuyện gì vậy quân bay? Hả? Có mụ Trưng Trắc tới đây đòi nợ máu hả? Cứ để mụ ta vào...

S. bảo tôi:

- Đến phiên mày rồi, ra đi...

Tôi xỏ vội chân vào đôi guốc của cô Thư (Hỏi mượn guốc của bọn con gái, chẳng đứa nào cho tôi mượn cả, chúng nó rõ là đồ ích kỷ). Đôi guốc của cô Thư tuy hơi rộng một tí, nhưng chả sao. S. đẩy tôi ra sân khấu. Đôi guốc hơi cao gót khiến tôi chập choạng suýt ngã. Khán giả bên dưới cười ồ khiến tôi đỏ bừng mặt. Tuy thế tôi vẫn làm gan, cố phớt tỉnh như Q. Tôi cầm thanh kiếm báu bằng que củi giơ ra chỉ vào mặt Q.:

- Bớ quân xâm lăng...

Ngay lúc ấy, bỗng nhiên cái gót guốc lọt vào khe hở giữa hai cái bàn khiến tôi mất thăng bằng. Tôi nghiêng người đi chực ngã. Khán giả cười muốn vỡ lớp, chúng nói tướng lên:

- Eo ơi! Bà Trưng đi guốc cao gót không quen chúng mày ơi!

- Cái khăn vuông kia của ai mà đẹp thế?

Mặt tôi nóng bừng lên, có lẽ là đỏ lắm? Rồi chính vì xấu hổ mà tôi quên tuốt mẩu đối thoại tiếp theo. Tôi cứ lắp bắp:

- Quân... quân... xâm lăng...

Tô Định Q. thấy tôi ấp úng, có lẽ nhớ đến lần tập dượt, tôi là đứa thuộc đối thoại nhất trong ba đứa, nó bỗng cười hì một tiếng. Tôi phì cười theo. Khán giả cũng bắt chước cười ồ một loạt. Con C. nói:

- Tô Định cười duyên với Bà Trưng chúng mày ơi!

Tô Định Q. trơ cái mặt ra, nhe răng cười. Còn tôi, xấu hổ quá, vội rút chân ra khỏi đôi guốc quái quỷ, chạy tụt vào phòng cô Thư, leo lên giường, vớ được cái chăn, kéo trùm kín mít. Ngoài lớp, tôi nghe rõ tiếng cười nói của bạn bè:

- Bà Trưng xấu hổ chạy mất rồi...

- Q. ơi, cho tao lên đánh kiếm với mày đi. Tao làm Thi Sách cho...

Tiếng của Q. hỏi cô Thư:

- Cô ơi! Bà Trưng chạy mất rồi thì em đánh kiếm với ai bây giờ?

S. đến bên giường, gỡ chăn khỏi người tôi. Nó cười rộ lên:

- Ối giời ơi! Bà Trưng sao lại nhát thế? Cứ như là... như là...

Thì hẳn là... con gái rồi chứ còn gì nữa...

*

Vở kịch “Đuổi quân Tô Định” sau này chúng tôi còn gọi là vở “Bà Trưng xấu hổ”, có lẽ là vở kịch ngắn nhất trong các vở kịch ngắn trên thế giới. Đó là vở kịch đầu tiên, và cho đến bây giờ, là vở kịch duy nhất mà tôi đóng một vai. Từ ngày ấy cho đến bây giờ, đã bao năm qua, chưa bao giờ tôi dám nghĩ rằng mình sẽ lại đóng kịch, dù chỉ một lần nữa!


NGUYỄN THÁI HẢI   

 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 170&171, Xuân Nhâm Tý, ra ngày 1 và 15-2-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>