Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Hương Hạ Chiều Hè













  

1.
Tôi vẽ lên khung tranh
Làn mây trắng, gió lành
Bầu trời chiều đổi sắc
Khói đốt đồng lam xanh

Bướm vờn hàng giậu thưa
Cầu tre nép bóng dừa
Ao sen đàn trẻ tắm
Chiều thôn dã êm mơ

2.
Tôi viết khúc ca vui
Sáo ngân nga lưng trời
Lũy tre xanh xào xạc
Tiếng chuông chiều buông lơi 

Thuyền buông sào ngóng khách
Thôn xóm vẳng tiếng ru
Mõ giục trâu rộn rã
Đời mục tử dãi dầu

3.
Tôi gieo vần thơ xinh
Có hương lúa thắm tình
Mùi rạ rơm ngai ngái
Trăng nghiêng chếch mái đình

Mái tranh ai khêu đèn
Giàn thiên lý tỏa hương
Se lòng người lữ thứ
Nặng tình quê sắt son...

Trần Thị Phương Lan
 (Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Đầu Xanh Thơ Dại



Bé nghĩ đến mà buồn. Từ lúc ba đem chó Tô Tô về nhà, mọi người như không còn chú trọng gì đến bé nữa hết.

Trong bữa cơm:

- Bé! Ăn vừa thôi chứ, tham thế. Miếng thịt xương đó anh "xí" để dành cho Tô Tô đấy.

- Ừ, con không nhắc thì mẹ cũng quên lửng. Đâu, bé xuống bếp lấy cái thau đựng cơm, đồ ăn của Tô Tô lên hộ mẹ đi nào.

Chả bù như lúc trước, khi Tô Tô chưa có:

- Bé ăn no chưa? Sao không gắp thịt vào mà ăn cơm trắng không vậy? Để anh gắp cho bé miếng gà này nhé.

- Ồ tội nghiệp con mẹ, mải lo cho ba nên mẹ quên lửng...

Anh Hải đi học về luôn luôn câu đầu tiên là:

- Tô Tô, Tô Tô đâu rồi?

Ngược lại với khi trước, mới bước chân vào nhà là:

- Bé ơi, ra đây anh cho cái này nè...

Còn nhiều cái khác nữa, còn nhiều điều mà nghĩ đến chỉ làm cho bé thêm uất ức và tủi thân.

Như hôm qua, bác Khải lại chơi. Thường thường trong lúc chuyện trò ba luôn luôn đem bé ra khoe: nào là bé tuy nhỏ mà học giỏi ghê gớm, bé đứng nhất lớp, cuối năm bé được phần thưởng, các cô các thầy đều khen, nào là bé rất ngoan, giúp mẹ làm công việc nhà, bé dễ bảo, vâng lời. Nào là bé dễ thương, nào là... nào là...

Nhưng bây giờ thì hết! Để rồi được thay vào bằng:

- Anh Khải biết không. Tôi mới nuôi được một con chó, nó khôn ghê lắm cơ anh ạ. Mỗi lần tôi đi làm về là nó cứ quấn quít lấy bên chân. Để tôi kêu bồng nó ra cho anh xem nhé.

Rồi:

- Bé ơi, ra ba sai tí việc. Con vào bồng con Tô Tô ra cho bác Khải coi nào.

Va khi con Tô Tô đã ra "trình diện":

- Anh xem nó đẹp không? Giống tốt lắm đấy.

Bác Khải gật gù:

- Ừ nhỉ, ừ nhỉ, đẹp thật. Nó là cái hay đực đấy anh? Nếu cái thì anh hãy lo gầy giống kẻo uổng...

Trước kia bé đâu có ghét Tô Tô, nhưng chính vì ba mẹ và anh Hải mà sau này bé mới ghét, mới thù Tô Tô đấy chứ. Hôm Tô Tô mới về, bé cũng yêu Tô Tô ghê lắm kia, suốt ngày bé chơi với Tô Tô, bé đùa với Tô Tô, bé hát cho Tô Tô nghe, bé dạy cho Tô Tô học. Nhưng dù làm gì đi nữa rồi bé cũng bị mắng:

- Bé không được phá Tô Tô! Phá Tô Tô anh đánh cho à.

Mà coi bé đâu có phá Tô Tô? Bé vừa vuốt đầu vừa nhổ tóc bạc ru Tô Tô ngủ cơ mà. Thấy thế mới biết là ba, mẹ, anh Hải bất công và "có mới nới cũ" (!)

Trong gia đình bé, bây giờ chỉ có Tô Tô là nhất. Tô Tô là tất cả nên hiện bé ghét Tô Tô kinh khủng, ghét Tô Tô ghê gớm, ghét cay ghét đắng lận. Thấy mặt Tô Tô là bé chỉ muốn đá cho một cái thật đau, nhưng không được, vì rồi bé biết là ba mẹ và anh Hải sẽ mắng bé một trận thậm tệ. Mà không ghét sao được một khi Tô Tô đã cướp lấy tình thương yêu ba mẹ và anh Hải của bé?

Bé chắp đôi tay lên ngực:

- Bé buồn quá Đức Mẹ ơi, buồn ghê lắm cơ. Đức Mẹ xem bây giờ chả còn ai cưng bé, yêu bé như trước nữa. Đức Mẹ nếu có thương bé thì hãy "chiêu hồi" ba mẹ và anh Hải, làm sao cho ba mẹ và anh Hải "hồi chánh" trở về với... bé, Đức Mẹ nhá?!

Và rồi bé thiếp đi trong giấc mộng tuổi thơ... Lóng lánh trên bờ mi hai giọt lệ u sầu.

*

Bé tỉnh giấc mơ, thức dậy trong tiếng sủa "gâu gâu" của con chó Tô Tô dễ ghét.

Anh Hải như chọc tức bé:

- Ba xem con Tô Tô khôn ghê chưa? Thấy ai cũng đã dậy mà chỉ có bé là chưa nên nó đánh thức bé dậy đó.

- Ừ, nó khôn ghê mày nhỉ?

Bé chỉ thở dài yên lặng...

*

Ba đã đi làm việc, anh Hải đi học, mẹ thì ở dưới bếp lo buổi cơm trưa, nhà trên chỉ còn có bé và Tô Tô.

Không có gì làm, bé tần ngần đứng ở cửa. Bỗng từ xa bé trông thấy chiếc xe đổ ar1c từ từ đi tới. Chiếc xe đã gần đến nhà bé. "Nó" đi đâu là ồn ào theo sát đến đó: tiếng thùng thiếc dội trên lề đường vang động cả khu phố, tiếng mấy bác phu trên xe, dưới đất kêu gọi nhau ơi ới, náo nhiệt, hỗn độn. Lần lần "nó" đã ngang qua nhà bé.

Cái thùng rác nhà bé đâu rồi? A, kia nó nằm ngay trước sân nhà kìa. Nó được tung bổng lên cao, một bác phu trên xe bắt lấy nó, đổ rác ra, liệng trả nó xuống, một bác phu dưới đường chụp lấy nó, đặt nó xuống mặt lề. Chiếc xe rời xa và rồi mất hút.

Cạnh bên chiếc nắp, cái thùng nằm yên bất động, trong bụng rỗng tuếch.

- Gâu gâu, gâu gâu! Gâu.

Tiếng sủa của Tô Tô làm bé giật mình, đánh thót người.

- Liệu hồn không tao đá cho một cú què cẳng bây giờ. Đừng ỷ được ba mẹ, anh Hải cưng rồi lối! Đi ra kia!

Nhưng con Tô Tô rất lì lợm cứ tiếp tục đứng nhìn bé mà sủa mãi. Cáu ghê! Chợt bé nhìn ra sân. Chiếc thùng rác vẫn còn nằm yên bất động cạnh cái nắp đậy, ừ nhỉ...

Không một chút suy nghĩ, bé vồ, chụp lấy con Tô Tô, con chó thế mà "chì", nó giãy giụa gần tuột khỏi đôi tay bé nhỏ của bé, bé phải nắm lấy hai tai nó mà kéo lại mới được đấy. Nó cứ sủa mãi:

- Gâu gâu, gâu gâu, gâu...

- Im đi mày kẻo mẹ ở dưới bếp nghe thấy bây giờ.

Nó cứ sủa hoài:

- Gâu gâu gâu gâu gâu...

- Ơ hay, tao bảo mày có im đi không? Con này lì ghê nhỉ.

Nhưng con Tô Tô khốn kiếp vẫn tiếp tục sủa mãi làm bé lo, bé sợ ghê.

Phải "hành động" ngay liền kẻo đến khi ba, anh Hải về, hay mẹ lên nhà trên thì là nguy tai, hỏng chuyện.

Bé đứng lên, tay bịt mõm, tay kẹp cứng ôm lấy thân hình con Tô Tô chạy vù ra sân đến bên chiếc thùng rác. Bé thả con Tô Tô vào trong chiếc thùng trống rỗng, nó sủa to lên, bé liền vội lấy cái nắp buông xuống, đậy chiếc thùng lại. Vậy là xong! Và thế là rồi đời con Tô Tô ăn cướp!

Bé liền chạy biến vào nhà.

*

Cơm đã dọn ra trên bàn. Cả gia đình ngồi vào bàn ăn. Bỗng anh Hải:

- Quái lạ, con Tô Tô đâu rồi nhỉ? Suốt từ nãy đến giờ chả trông thấy nó đâu hết cả.

- Tô Tô! Tô Tô!

Mẹ:

- Tôi mới vừa thấy nó hồi sáng đây mà.

Ba:

- Hay là lúc tôi đi làm, không nhốt nó lại nên bây giờ bị người ta bắt cắp rồi?!

Anh Hải:

- Hay nó chạy rong ngoài đường nên đã bị sở "phú de" túm cổ?!

Mẹ:

- Bé, con có thấy Tô Tô đâu rồi không?

Tự nhiên bé òa lên khóc.

- Ô hay, sao con khóc vậy bé?

Bé tức tưởi chỉ tay ra sân:

- Trong... chiếc thùng rác...

Anh Hải liền vụt chay ra, ba cũng vội theo anh. Đến bên chiếc thùng rác bé thấy tay anh Hải run run giở cái nắp thùng lên. Cả ba và anh:

- Ồ, con Tô Tô!

Anh Hải cúi thấp người xuống xách bổng con Tô Tô lên.

Ba:

- Nó...

- Nó chưa chết ba ạ. Nhưng ngắc ngoải.

Bé nhắm mắt chờ đợi một cơn giông tố. Nhưng:

- Chính con đã nhốt "nó" hả bé?

Mẹ dịu dàng lên tiếng hỏi.

Bé gật đầu, nói trong tiếng nấc:

- Vâng.

Ba đến cạnh bé:

- Nhưng tại sao? Con có thể cho ba biết lý do? Ba không la con đâu.

- Con... con... muốn nó chết vì... có "nó", ba mẹ... anh Hải không ai còn thương con nữa... ai cũng chỉ lo chăm sóc cho "nó" mà... bỏ mặc con.

Mẹ ôm bé vào lòng, áp má vào đầu bé:

- Con đừng nói dại, mẹ buồn. Không thương con không yêu con thì mẹ yêu ai? Cả ba và anh Hải cũng vậy, cũng yêu con chứ. Ba đi làm đem tiền về nuôi ai? Nuôi Tô Tô à? Anh Hải đi học để sau này nuôi ai? Nuôi Tô Tô chắc?! Tối đi ngủ, mẹ ôm ai mẹ hôn? Ôm hôn Tô Tô à? Thôi con nín đi. Mẹ yêu, mẹ cưng bé nhõng nhẽo của mẹ nhất, yêu nhất không ai bằng!

Anh Hải:

- Bé cho anh xin lỗi đã vô ý làm bé buồn mấy lâu nay nhé.

Rồi ba:

- Bé nín đi rồi ba cưng. Lớn rồi mà hư lắm nhõng nhẽo hoài, tí gì cũng khóc. Xấu quá!

Bé rúc đầu vào lòng mẹ mỉm cười sung sướng...


Mi Mi       


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 73, ra ngày 15-7-1967)

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Gánh Hàng Rong














Chiều đi qua phố chợ

Phơ phất một ngày mưa

Lòng dạt dào thương nhớ

Một người mẹ năm xưa


Mẹ bán buôn  tần tảo 

Nuôi con gầy xanh xao

Gánh hàng đi bán dạo

Chân bước thấp bước cao


Mẹ thật là vất vả

Nuôi con bao tháng ngày 

Chân lê qua phố xá

Mồ hôi nước mắt cay


Tiếng mẹ rao xóm vắng

Mong sao bán đắt hàng

Mẹ cười  quên gánh nặng

Đường xa  nắng chói chang


Mẹ gánh hàng khắp chốn

Mẹ chẳng chịu ngồi không 

Gia đình đang khốn đốn 

Mẹ lo kiếm từng đồng


Thương con nên chẳng tiếc 

Tháng ngày cứ bôn ba 

Miễn  là cho xong việc 

Chẳng son phấn lụa là


Nhưng sức người có hạn

Mẹ đổ đau một chiều

Mẹ chẳng còn buôn bán

Lo âu thêm thật nhiều


Mưa thì mẹ chẳng chịu

Nắng thì mẹ chẳng ưa

Biết làm sao  kéo níu

Sức bền bỉ ngày xưa


Sau cơn đau bữa đó

Mẹ muốn nghỉ bán hàng

Nhưng thương con còn nhỏ

Sao đành bỏ giữa đàng...


Mẹ ngày xưa như thế

Lúc nào cũng thương con

Không bao giờ kể lể

Dù mỏi mòn héo hon !


Chiều nay qua phố chợ 

Tiền con có dư thừa

Hồi tưởng bao thương nhớ

Bóng người mẹ năm xưa...

                       Nhã Uyên

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Qua Lối Hạ













Chim đã reo ca nắng hạ về
Trải lên ngọn cỏ, khắp cành me,
Lối đi lát gạch ngàn sao nắng.
Đôi cánh hoa rơi giữa gió hè.

Có dáng em đi lối lụa là,
Cho ngàn cây cỏ ướp hương hoa.
Cười lên cho vỡ niềm u ám,
Và đóa môi thêm chút mặn mà.

Cũng nói cùng nhau một ít lời.
Để chiều nay lại, một lần thôi,
Thăm ngôi trường cũ hay thăm lớp;
Nghe lá me buông cạnh chỗ ngồi.

Em, bạn dìu nhau chỉ một lần,
Đi về trong nắng chuyện tình thân.
Qua sân đứng lại buồn riêng bóng.
Mai sẽ về thăm phố quận gần.

Kìa nắng đùa trên áo học trò.
Em về lòng chẳng chút buồn lo,
Mà quên nhắn với hàng me mọn...
Bạn cũng về thôi, bỏ đợi chờ.

                               DƯƠNG ĐỨC
                               (Phan Thiết 72)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 27, ra ngày 5-6-1972)

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

CHƯƠNG VIII_BÓNG TÀU MA


CHƯƠNG VIII

GIẢI THOÁT


Mặt An tái mét, cô bé vừa chạy vừa la cầu cứu. Quá sợ hãi, cô bé chạy loạn xa, quên cả đường dẫn về trại.

Giáo sư Mạnh ngồi trầm ngâm trước cửa lều. Trời đã tắt nắng, giáo sư bắt đầu lo lắng về sự vắng mặt của bọn trẻ. Có lẽ nào lại xảy ra tai nạn? Giáo sư Mạnh quyết định lên xe đi tìm bọn trẻ, trước nhất là quán Cây Dương.

Nhưng, bà Ân cũng chỉ biết quệt nước mắt khi nghe giáo sư Mạnh nhắc đến sự vắng mặt của năm đứa trẻ.

Bà Ân hốt hoảng:

- Chỉ có tôi ở nhà với con ở thôi. Nhân công họ lái xe chở hàng đi đâu rồi, còn nhà tôi cũng vừa phóng xe đi, chả ai nói với tôi đi đâu cả. Sao tôi lo quá...

Giáo sư Mạnh kiếu từ rồi phóng thẳng đến trạm cảnh sát gần nhất.

Thầy nghĩ thầm:

- Quán Cây Dương có vẻ mờ ám quá. Bọn trẻ hẳn đang lao mình vào nguy hiểm không lường được. Phải báo cảnh sát, có bề gì mình cũng chịu trách nhiệm trong vụ này, đến khổ!

Tại trạm cảnh sát, giáo sư Lê Mạnh khai những gì mình biết được ; lập tức, sáu viên cảnh sát được phái cấp tốc lùng kiếm.

Giáo sư Mạnh nói:

- Trước hết phải kiếm bọn trẻ, sau đó hãy lục soát quán Cây Dương ; mọi việc chắc chắn sẽ sáng tỏ. Theo tôi, biết đâu chẳng có một bọn cướp đang hoạt động trong vùng mà các ông chưa khám phá ra.

Họ leo lên đồi và bắt đầu tìm kiếm dưới sự hướng dẫn của giáo sư Mạnh. Thầy Mạnh nhận ra An đang chạy thở hổn hển, người mệt nhoài. Cô bé ôm chặt lấy thầy Mạnh và khóc òa lên:

- Thầy ơi, cứu ngay mấy anh trong đường hầm, em chắc ông Ân và thuộc hạ đã bắt nhốt mấy anh ấy rồi. Em đợi đã lâu mà không thấy họ trở ra. Lẹ lên, thầy.

Giáo sư Mạnh vỗ nhẹ:

- Nín, có mấy ông cảnh sát đây, lo gì!

Một viên cảnh sát lên tiếng:

- Trong hầm, phải không? Anh em, chặn hai đầu hầm, nghe chưa?

Giáo sư Mạnh khuyên:

- Thầy dắt em về lều nghen?

Nhưng cô bé từ chối, thầy Mạnh dìu cô bé xuống đứng đợi ở trạm ga.

Cảnh sát tấn công vào đường hầm...

Trong khi ấy Phan và các bạn vẫn đứng nguyên tại chỗ trên nóc hầm, run lẩy bẩy, không dám nói một lời nào.

Bọn người lạ lúc soát trong hầm bí mật cũng không thấy bọn trẻ.

Nhưng rồi, lỗ thông hơi trên nóc hầm không thoát khỏi mắt họ. Một người trong bọn rọi đèn pin và nhìn thấy chân Phan.

- A! Chúng đây rồi. Kín dữ đa! Xuống mau, nếu không đừng trách nghe con!

Một người leo lên thang, nắm lấy chân Phan kéo xuống, cậu bé lưỡng lự vài giây rồi phóng xuống đống cát bên dưới. Một người khác nhảy ngay tới, đè chặt Phan.

Minh vội hét:

- Để tôi xuống! Khoan, khoan!

Quân cũng xuống theo. Bọn người kia nhìn chúng chòng chọc, mắt long lên dữ tợn.

Ông Ân hỏi:

- Ai cởi trói cho tụi bay?

Một người chỉ tay lên chỗ thông hơi:

- Ông coi kìa, còn một đứa nữa ; vừa rồi trói ba đứa còn đưa thứ tư kìa!

Côn hấp tấp leo xuống. Người kia nói:

- Một đứa con trai luôn. Tên kia, mày ở đâu ra vậy?

Ông Ân hét lớn:

- Còn đứa nào không?

Phan vùng vằng:

- Leo lên mà xem!

Tên Hòe gằn giọng:

- Dạy chúng một bài học đích đáng.

Bọn trẻ cảm thấy lồng ngực như vỡ tung, chúng đã thành những tên tù, đành bó tay không cách nào cựa quậy.

Bỗng có tiếng hét từ cửa hầm:

- Cảnh sát đến! Anh em, mạnh ai nấy trốn đi!

Bọn người hoảng sợ buông thả bọn trẻ, chần chừ chưa biết chạy lối nào.

Tên canh cửa lao vào:

- Cảnh sát phía kia kìa, họ ập tới rồi. Điếc hay sao mà còn trơ ra đó? Hừm, có kẻ khai báo...

Tên Hòe hét:

- Có xe để sẵn nghe anh em!

Bọn người hối hả trốn ra phía cửa hầm kia, họ hy vọng đủ thì giờ tẩu thoát.

Côn chợt nảy ý kiến:

- Tô Tô đâu rồi? Tô Tô, đuổi theo chặn họ lại.

Nghe lệnh Côn, con Tô Tô lao đi như tên bắn. Nhiều tiếng hét và tiếng sủa vọng lại. Con Tô Tô đã đuổi kịp bọn cướp, nó tấn công hết người này đến người khác. Nhìn hai hàm răng đáng sợ của con chó, bọn cướp đành bó tay đứng im cho cảnh sát lần lượt còng lại.

Giáo sư Mạnh lái xe chở bọn trẻ về quán Cây Dương báo tin cho bà Ân rõ.

Thầy Mạnh an ủi:

- Bà cũng đừng lo, ông nhà chỉ là tòng phạm thôi, tòa cũng không kết án nặng lắm đâu. Tôi nghĩ rằng còn em Quân là vui cửa vui nhà rồi.

Bà Ân gượng cười:

- Cám ơn thầy, thầy nói đúng, Quân sẽ là nguồn an ủi của tôi. Tôi đâu ngờ nhà tôi bị quyến rũ làm bậy...

Bọn trẻ ra nhà sau, mở nước tắm xối xả. Chúng đùa giỡn cười nói vui vẻ, quên cả những giờ phút gay cấn vừa trải qua.

Bà Ân đãi bọn trẻ một bữa ăn thật ngon lành, trước để mừng chiến thắng, sau là để thưởng công riêng của An.

Giáo sư Mạnh khen:

- An phải hãnh diện nghe, hôm nay em can đảm như... sư tử vậy đó.

Phan khôi hài:

- Thầy Mạnh, thầy khen vừa chứ, nhỡ nó rách mũi thầy mất công dắt nó đi thẩm mỹ viện.

Khoảng mười giờ tối, ông Mạnh chở bọn trẻ về trại.

Côn nhìn ba đứa con trai, Phan, Minh, Quân, nói đùa:

- Tối nay, các anh còn lén đi đâu nữa là biết tay em đó nghe.

Minh cười:

- Thôi, cô em khỏi lo, còn đi làm quái gì nữa ; chúng tôi xin tuân lệnh cho cô em vui lòng. Nhỡ cô em khóc, chúng tôi sợ lụt lắm.

Bọn trẻ ôm nhau cười sung sướng.


HÀ ĐỨC NGHỊ    

CHƯƠNG VII_BÓNG TÀU MA


CHƯƠNG VII

TRONG HẦM TỐI


Côn dắt con Tô Tô về phía ngọn đồi, trong đầu hoạch sẵn một dự đoán : phanh phui sự thật của đường hầm bí hiểm. Trước hết, Côn đến ga Cây Dương xem xét tình hình, rồi sau đó sẽ vượt đồi băng qua cửa hầm đằng kia.

Lão Tâm đang ngồi nghĩ vẩn vơ ngoài cửa ga. Nghe tiếng chân lộp độp đến gần, lão ngẩng đầu nhìn Côn, mắt sục lên giận dữ. Lão quát lớn:

- Cút, cút mau. Tao được lệnh đuổi bọn trẻ rời khỏi nơi này. Mày muốn tao thất nghiệp hay sao?...

Côn sửng sốt:

- Ai ra lệnh đuổi chúng cháu vậy ông?

Ngoài lão Tâm, còn ai khác biết được sự lui tới của bọn trẻ tại ga này nhỉ?

Lão Tâm gầm gừ:

- Tao đánh mất kính rồi...

Rồi dụi mắt nhìn Côn nói:

- Nó bảo!

Côn nài nỉ:

- Nó là ai? Ai đòi đuổi chúng cháu?

Nhưng bỗng nhiên, lão thay đổi thái độ, lão cúi xuống nhặt một hòn đá sửa soạn ném Côn. Con Tô Tô thấy thế sủa dữ tợn, lão giựt mình lùi lại rồi tiếp tục hét:

- Cút mau, nghe không, con ranh! Mày muốn tao mất việc hả?

Côn quay về phía đường hầm, Côn không dám đơn thân thám hiểm đường hầm tối tăm ấy. Đường hầm tối đen không một tia sáng hắt vào.

Côn leo lên đồi vòng sang cửa hầm bên kia. Giữa đường, Côn chợt chú ý đến một mô đất nhỏ, nhô lên giữa một bụi cây rậm.

Cô bé nhặt lá cây phủ bên trên rồi ra công bới mô đất. Con Tô Tô phóng đến giúp chủ. Một lỗ hổng lộ ra với hai thanh sắt chắn bên trên, con Tô Tô chui tọt xuống dễ dàng.

Đây là một lỗ thông hơi của đường hầm bên dưới ; qua lỗ này ngày trước, khói xe lửa thoát ra tránh sự ngột ngạt bí hơi trong đường hầm.

- Tô Tô, lên đi! Làm gì bây giờ? Phải chi có anh Phan, anh Minh giúp mình...

Côn gắng sức gỡ bỏ hai thanh sắt chắn cửa hang. Sau một hồi vất vả mệt nhọc, hai thanh sắt được nhấc lên, lỗ hổng lồ lộ trước mắt ; bên thành lỗ hổng, một cái thang được gắn từ bao giờ.

Côn lần bước xuống lỗ thông hơi, lỗ thông hơi hẹp nên chui xuống thật khó khăn. Cái thang sắt vẫn còn bền chắc, gắn chặt bên thành hầm.

Côn cẩn thận từ từ lần từng bậc thang leo xuống, con Tô Tô leo sát dưới chân Côn.

Côn nghĩ thầm:

- Hầm tối, sao mình sợ quá! Chốc nữa ra lối nào đây?

Lỗ hổng sáng trên đầu cách xa dần, Côn rùng mình lo sợ.

- Tại mình giận lẫy, bỏ đi một mình. Ngu quá! Biết vậy cứ theo mấy anh cho rồi. Tô Tô, cẩn thận nghen, khéo mà té đó! Thôi kệ, mình cứ xuống xem trong hầm có gì lạ không? Không biết mình ở khúc nào đây chứ?

Côn dụi mắt quan sát cho rõ. Trước mắt Côn, một bóng đen lù lù sừng sững. Côn ngạc nhiên, run run bấm đèn pin : một đầu máy xe lửa.

Chiếc đầu máy trông rất lạ, kiểu đã xưa, bánh xe lớn, ống khói cao vượt lên nóc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chính đây là chiếc tàu ma. Mỗi đêm vào khoảng nửa khuya, nó lăn bánh ra khỏi hầm, vào nhà ga rồi quay trở lại. Phan đã bỏ công chận trước cửa, phía cửa hầm kia, nhưng... giờ đây, mọi sự được giải thích rõ ràng, rành mạch. Chiếc xe lửa đã dừng lại giữa hầm, chờ đêm đến lại chui ra, vào nhà ga...

Nhưng phải chăng kia chỉ là bóng chiếc tàu hỏa? Bóng tàu ma ư? Ai lái nó mỗi đêm? Hay hồn chiếc tàu hiện lên để nhớ thời kỳ xa xưa còn di chuyển trên đoạn đường này?

Vô lý! Xe lửa đâu biết suy nghĩ mà có hồn?

Vừa lúc ấy, con Tô Tô mất thăng bằng té nhào xuống dưới. Nó rít lên có vẻ đau đớn ; Côn đứng trân người nhìn xuống. Một phút sau, Côn ôm nó lên lòng:

- Tô Tô, đau không?

- Gâu!

Con Tô Tô nhảy cẫng lên chứng tỏ cho chủ biết nó vẫn khỏe mạnh. Thật may mắn, nó té xuống một đống cát bên dưới chân thang.

- May quá! Có đống cát chứ không mày què chân rồi.

Côn đứng dậy, lấy lại bình tĩnh, ngước nhìn lỗ thông hơi xa tít trên nóc hầm.

Con Tô Tô tiến lại gần chiếc đầu máy, phóng vào bên trong. Côn đếm được bốn toa rồi chạy theo con Tô Tô. Tay cầm chặt ngọn đèn pin, Côn rọi sáng toa xe ; toa xe chất đầy những rương gỗ, ràng buộc kỹ lưỡng. Côn sờ soạng định xem thùng đựng gì, thì một tiếng động vang lên... Côn tắt đèn, co người núp trong góc toa xe, tay nắm chặt dây buộc con Tô Tô.

Có tiếng xích sắt lẻng kẻng rồi đèn bật sáng choang. Đường hầm sáng rỡ như ngoài trời nhờ một ngọn đèn pha đặt trong thành hầm.

Côn ngạc nhiên trố mắt nhìn : một khoảng thành hầm chợt cử động, để lộ một hành lang bí mật đào sâu dưới ngọn đồi. Một bóng người thoáng qua ; ông ta leo lên toa đầu máy ; vẻ mặt người ấy trông rất quen nhưng trong lúc lo lắng, Côn không nhớ đã gặp hắn ở đâu.

Tiếng máy xình xịch nổi lên. Gì thế? Họ đốt máy cho xe chạy hay sao? Toàn thân Côn run lập cập, cô bé tái mặt, co ro ngồi cạnh con Tô Tô can đảm.

Thật vậy, người đàn ông kia cho máy chạy, chiếc xe lửa từ lăn bánh...

Chiếc xe lửa đi vào đường hầm bí mật đào sâu trong thành hầm. Hang này cũng sáng trưng ; nhiều người đã chực sẵn tại đó, không hiểu có phận sự gì.

Bức tường sau lưng kèn kẹt hạ xuống, Côn đã vô tình bị nhốt giữa một nơi bí mật không ai ngờ tới. Hẳn đây là một tổ chức bí mật, hoạt động kín đáo và đã lợi dụng đường hầm bỏ phế này làm nơi tụ họp hoặc bàn luận. Côn nghĩ thế và cầu mong ơn trên phù hộ thoát khỏi cảnh tai nạn.

Hiện giờ, bốn bề kín chặt, biết thoát đi đâu?

- May ghê, họ chưa biết có mình và con Tô Tô núp ở đây Côn vuốt lưng con Tô Tô Tô Tô, làm gì bây giờ? Tụi mình bị giam rồi, Tô Tô ơi!

Con Tô Tô vẫy đuôi đáp lời chủ. Nó muốn bảo chủ nên ngủ một lát mới nghĩ ra sáng kiến hay được.

Côn lẩm bẩm:

- Không sao, cứ bình tĩnh. Đợi cho bọn người rút lui, rồi mình sẽ xoay sở sau. Thoát được là bọn họ "lúa" rồi.

*

Quân sung sướng hân hoan như một ông hoàng ; nó ở lại dùng cơm trưa với bọn trẻ hôm ấy.

Giáo sư Mạnh hỏi:

- Côn chưa về à?

Phan trả lời:

- Nó đi chơi với con Tô Tô.

- Các em giận nhau phải không?

Phan cúi đầu:

- Vâng. Mỗi khi hờn việc gì, nó cũng muốn yên thân đơn độc như vậy đó thầy. Ối, con gái ấy mà, đụng một chút là dỗi cả tuần.

Giáo sư Mạnh gắp miếng cà chua kẹp với rau:

- Côn nó đi đâu? Sao không về ăn trưa nhỉ?

An đáp:

- Côn mang theo bánh mì rồi thầy ạ. Em chỉ lo có chuyện gì bất trắc xảy ra thôi.

Giáo sư Mạnh đặt đũa:

- Thầy cũng lo như vậy, may có con Tô Tô theo cũng đỡ.

Phan quay sang chuyện khác:

- Ăn xong, chúng em sẽ đi chơi. Thầy có đi đâu không?

Giáo sư Mạnh đáp:

- Thầy muốn theo các em.

Bọn trẻ có vẻ không ưa câu trả lời của thầy Mạnh ; nếu thầy Mạnh theo sát bên hông, làm sao chúng vô hầm được!

Phan nói khéo:

- Em chắc thầy không vui đâu.

Giáo sư Mạnh hiểu ý:

- Thôi được, thầy ở nhà cho các em tự do.

Bọn trẻ thở dài khoan khoái. Sau khi dọn dẹp, bọn trẻ từ giã ông Mạnh lên đường, trực chỉ đường hầm.

Lão Tâm đứng trước cửa như mọi lần ; từ xa, chúng vẫy tay chào lão thân mật nhưng trái lại, lão giơ quả đấm trước mặt hăm dọa:

- Cút, bọn bay giữ phận sự gì ở đây mà đến? Xuống đây biết tay tao.

Minh nói:

- Tội nghiệp lão Tâm. Anh Phan, mình vô thẳng hầm hay xuống ga?

- Ừ, vào hầm tìm chiếc xe lửa ma. Chắc chắn nó dừng lại giữa hầm.

Bọn trẻ men theo đường rầy tiến vào hầm, ánh đèn pin chạy vòng quanh trên vách hầm.

An nói:

- Nếu chiếc xe lửa là hồn ma thật, thì nó biến mất rồi, còn đâu mà kiếm!

Phan đi đầu hướng dẫn bọn trẻ, tiếng chân bước vang dội nghe ù ù. An đi sát bên Minh, có vẻ lạnh người vì sợ hãi. Quân tía lia luôn miệng:

- Chưa bao giờ tôi vui sướng như hôm nay, thám hiểm này kia nữa chứ. Hồi hộp hơn cả phim trinh thám, chiếc xe lửa nằm đâu đây thôi!

Chúng đi bộ rất lâu nhưng toa xe vẫn chẳng thấy. Chúng vượt đến đống cát chỗ chiếc xe lửa vừa rời khỏi, nhưng ngờ đâu sau bức tường kia là một hang bí mật và Côn đang nằm trong tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Chúng chán nản bước đi, chả tìm được tia sáng nào khả dĩ giải tỏa được thắc mắc.

Phan chép miệng:

- Cửa hầm kia rồi ; An nói đúng, nó tàng hình mất rồi ; có tìm thấy đâu nào.

Chúng im lặng bước ra khỏi hầm. Cỏ dại mọc đầy giữa hai đường sắt, rác rến đá sỏi lấp đầy trên đường xe lửa.

Phan nhận ra ngay:

- Coi kìa, cỏ mọc xanh thế kia, làm sao có xe lửa qua đây được.

Minh nhận xét:

- Nhưng chiếc xe lửa không nằm trong hầm thì ở đâu?

Quân kết luận:

- Thế thì đúng là tàu ma rồi vỉ chỉ ban đêm nó mới xuất hiện và chạy ra, chạy vô cho đỡ buồn.

An ôm chặt lấy anh:

- Ô, em sợ quá!

Phan hỏi:

- Bây giờ làm gì? Nãy giờ mất công vô ích, kể như bắt đầu từ số không!

Quân có vẻ thích thú, đề nghị:

- Hay chúng ta trở vô hầm lượt nữa?

An dẫy nẩy:

- Thôi, em không vô đâu, ở ngoài này tắm nắng còn hơn. Mấy anh có vô thì vô, em vòng về phía kia đợi trước.

- Được, em đi đi.

Ba đứa con trai trở lại lối cũ, An phóng chạy lên đồi vòng về phía nhà ga. Hơi nóng mặt trời ấm áp, An sung sướng lao đi như bay, cô bé cảm thấy nhẹ nhõm gấp ngàn lần lúc thả bộ trong đường hầm tăm tối.

An núp một chỗ, tránh lão Tâm chân gỗ ; nhưng cô bé không tìm thấy lão, có lẽ lão đã về phòng. Khoảng hai phút sau, một chiếc xe hơi bóng nhoáng dừng trước cửa ga.

An hoảng hốt nhận ra trong toán người vừa bước xuống có ông Ân, cha ghẻ của Quân. Ông Ân bước xuống, đến phòng lão Tâm và mở cửa...

Vừa lúc ấy, một chiếc cam nhông trờ tới.

An nhận ra chiếc xe giống loại của ông Ân, Quân đã chỉ hôm nào. Những người xuống theo không ai khác hơn là bọn công nhân của quán Cây Dương.

An lo âu tự hỏi:

- Họ đến đây làm gì cà? Lạ nhỉ?

Ông Ân cùng ba nhân công tiến về phía đường hầm, trước sự sửng sốt lo lắng của cô bé An.

Phan, Minh, Quân sẽ chạm trán bọn người này, chuyện gì sẽ xảy ra? An luống cuống hồi hộp lo cho các anh. Ông Ân đã từng hăm dọa bọn trẻ không được bén mảng quanh nhà ga. Tai họa sẽ đến.

An nhìn theo bốn người mất dạng trong bóng tối của đường hầm. Biết làm gì đây? Làm cách nào báo nguy cho bọn con trai? Không cách nào khác hơn là ngồi đợi. An tưởng tượng: bọn con trai sẽ chạy trối chết, ông Ân và các đồng bọn đuổi theo phía sau!... Trời ơi, làm sao các anh ấy đủ sức chống lại với bọn họ? Rồi có thể, họ sẽ đánh đập, hăm dọa...

An cầu khẩn:

- Lo quá! Anh Phan sao lâu ra quá!

Khoảng hơn nửa tiếng sau, vẫn không thấy ai ra khỏi hầm, cảnh vật đều chìm đắm trong yên tĩnh. An bồn chồn men xuống nhà ga.

Lão Tâm ngồi uống rượu trong phòng, có vẻ cau có hơn bao giờ hết. Hình như lão bực mình vì một chuyện gì thì phải. Thấy bóng An, lão hầm hầm đứng dậy, chạy ra hét lớn:

- Bảo không nghe... chui vô hầm. Tao gọi ông Ân cho tụi bay một bài học mới chừa nghe con. Mày ra đây bằng cách nào? Bọn kia đâu? Ông Ân bắt rồi chứ gì? Ha ha ha!

An hoảng sợ, chính lão Tâm báo ông Ân đến bắt bọn trẻ. An không ngờ tình trạng nguy ngập đến thế. Phan, Minh, Quân đã bị bắt cóc.

An quay đầu, chạy trối chết lên ngọn đồi. Thỉnh thoảng cô bé vấp ngã, rồi lại cố gắng gượng dậy chạy tìm thầy Mạnh. Cô bé vừa chạy vừa khóc, hồn vía lên mây, quên cả đường về.

An nghĩ ngợi:

- Chuyện gì đã xảy đến? Côn nữa, Côn cũng bị bắt rồi chăng? Nguy quá, phải báo gấp với thầy Mạnh.

Cô bé mệt nhoài, mồ hôi toát ra nhễ nhại, nhưng cô bé vẫn không biết nhọc, cô bé la lớn:

- Thầy Mạnh ơi, thầy Mạnh!

Không một tiếng trả lời.

Tội nghiệp cô bé ; cô bé đã lạc đường, mà cứ cắm cổ chạy mãi không nhận ra hướng nào, vừa chạy vừa kêu:

- Thầy Mạnh ơi, thầy Mạnh!

*

Trở lại với ba đứa con trai đang quay trở lại trong hầm tối. Chúng dọ dẫm dọc theo đường rầy xe lửa hy vọng tìm được dấu vết của chiếc xe lửa ma. Nhưng vết cỏ đã mất hẳn, vì trong hầm tối và thiếu ánh sáng cỏ không sống được.

Đi được nửa đường, Phan chợt nhận ra một chi tiết nhỏ nhưng khá quan trọng.

Phan chiếu ánh đèn dọc đường sắt:

- Nhìn kìa, thấy gì không? Phía đằng kia đường sắt rỉ sét nhưng chỗ này khác hẳn, đường sắt chói sáng chứng tỏ được sử dụng thường xuyên.

Điểm nhận xét của Phan được bọn trẻ tán thành thán phục. Quả nó không nhầm, từ khoảng giữa đến cửa hầm phía nhà ga, hẳn đường rầy không bị bỏ phế. Ngược lại, lớp bóng sáng kim loại hầu như đã mất hẳn trên đoạn đường còn lại.

Minh nhìn nhận:

- Lạ nhỉ, chiếc xe lửa chỉ di chuyển trong khoảng nhà ga và giữa hầm. Rồi bây giờ nó nằm đâu? Dám nó độn thổ rồi chưa biết chừng.

Phan cũng thắc mắc không kém Minh, chiếc xe lửa biến đi đâu? Bao nhiêu câu hỏi luẩn quẩn quay cuồng trong đầu óc ba đứa trẻ. Chúng nán lại rọi đèn quan sát kỹ lưỡng vách hầm.

Phan thở dải:

- Đành chịu, chả có gì khả nghi hết. Kiếm đến hoa cả mắt mà chẳng được gì.

Chúng thản nhiên tiến bước, vừa đi vừa nói chuyện không chút sợ sệt. Chúng không ngờ rằng bốn bóng đen đang men theo vách hầm chuẩn bị tóm cổ chúng.

Phan nói:

- Anh nghĩ...

Chưa kịp dứt câu, nó bỗng im bặt ; bốn bóng đen nhẩy chồm đến ôm chặt bọn trẻ. Phan hét lên vùng vẫy cố vượt thoát.

Ba ngọn đèn pin rơi xuống đất chiếu sáng in rành rành trên sàn hầm. Bọn người kia quá lực lưỡng, chúng cố gắng biết mấy cũng không thoát nổi.

Chỉ vài giây sau, ba đứa trẻ đều bị trói quặt tay ra phía sau lưng, không cách nào giải thoát. Phan vùng vẫy đôi chân, hy vọng quật ngã được tên nọ, nhưng càng giằng, cánh tay càng bị khóa chặt. Nó hét lên đau đớn, cánh tay như muốn gãy lìa khỏi đôi vai bé nhỏ.

Minh bực tức hỏi:

- Các ông là ai, làm gì kỳ vậy? Tụi tôi đi thăm đường hầm, ai cấm chứ?

Một giọng nói quen thuộc vang lên.

Bọn trẻ nhận ra ngay. Phan reo mừng:

- Ủa bác Ân, chúng cháu đây mà bác, thả chúng cháu đi bác. Chúng cháu cắm trại bên kia kìa, có cả Quân đây nữa. Bác bắt lộn chúng cháu rồi!

Ông Quân không trả lời, ông chỉ la hét mắng Quân không nghe lời ông dạy.

Bốn người bóp chặt hai cánh tay các đứa nhỏ phía sau lưng và dẫn chúng bước tới một đoạn. Trong hầm tối om, bọn trẻ không nhận ra một vật gì và cũng không hiểu bọn người kia dẫn chúng đi đâu.

Họ dừng lại, Phan nghe tiếng chân bước về phía trái rồi tiếng kèn kẹt từ vách hầm vang lên. Phan cố nheo mắt nhìn nhưng vô ích, màn đen đã chắn mắt bọn trẻ, mắt chúng không thể ngó xuyên bóng tối dày đặc. Chúng không biết rằng ông Ân vừa mở một cửa hang bí mật, nơi chiếc xe lửa nằm nghỉ chân đợi đêm xuống. Chúng không biết rằng bọn kia dẫn chúng sang một đường hầm khác nằm sâu trong vách hầm Cây Dương. Ba đứa trẻ để yên cho họ đẩy đi, không thèm chống cự.

Bọn người kia bắt ba đứa trẻ bào căn hầm, nơi tàu ma ẩn bóng. Chính nơi đó Côn và con Tô Tô lẩn trốn mà không một người nào khám phá ra. Chính ông Ân cũng không ngờ rằng một cô bé và một con chó đang chứng kiến tất cả việc làm của ông. Ông Ân cẩm một ngọn đèn pin, vòng ánh sáng lần lượt điểm qua khuôn mặt ba đứa trẻ. Không khí im lìm khó thở.

Một giọng lạ cất lên:

- Chúng tao đã báo trước phải lánh xa nơi này, nguy hiểm, thế mà không tuân lời, dám cãi lại thì ráng chịu lấy hình phạt. Chúng tao trói giữ bọn bay cho đến khi công việc hoàn tất, tụi này cao bay xa chạy đã. Ráng mà đợi, ba ngày, ba tuần hay chưa biết chừng ba tháng cũng nên.

Phan hét:

- Các ông không được quyền giam giữ chúng tôi lâu như vậy ; mọi người sẽ lùng kiếm và thế nào các ông cũng bị tóm cổ.

- Không đâu con ơi, làm sao mà tìm ra nơi này được. Hòe, trói chặt tụi nó nghe chưa.

Giọng nói của tên thủ lãnh vang chói tai như đanh thép. Như thế ông Ân chỉ là đồng lõa với bọn này thôi.

Tên Hòe thi hành bổn phận theo lệnh chủ ; hắn trói thật chặt tay chân bọn trẻ rồi dồn vào góc hầm.

Phan giằng co phản đối:

- Tại sao các ông trói tụi tôi? Chúng tôi có làm gì nên tội, có xen vào phá hại công việc của các ông đâu?

- Phòng ngừa thì hơn, chúng tao không muốn uổng công.

Quân hỏi ông Ân:

- Ba, chắc má ở nhà lo lắm đó ba!

Không đợi ông Ân trả lời, tên thủ lãnh cất tiếng:

- Kệ bả! Tại mày, ai bảo mày đến đây làm gì, ráng mà chịu.

Sau đó, bốn người kéo nhau đi, tiếng chân bước nhỏ dần. Tiếng kèn kẹt vang lên ; bức tường đã hạ xuống tạo thành một nhà giam kiên cố, không một lối thoát thân.

Tuy thế, bọn trẻ vẫn chưa biết. Tin chắc bọn người kia đã đi xa, bọn trẻ lên tiếng hỏi nhau:

Minh nói:

- Họ giấu mình điều bí mật gì đó. Tức thật!

Bọn trẻ đã thấy một con đường tối tăm hiện ra trước mắt, chúng sẽ bị giam mãi chăng?

Phan nửa mừng nửa chán:

- Không biết con An có thoát không hay cũng bị tóm cổ luôn rồi! Ôi thôi, con đó thì nhát như cáy ấy mà, hy vọng gì nổi?

- Suỵt! Có tiếng động!

- Tiếng chó gầm gừ?

Thật vậy, con Tô Tô co ro trong xó toa với Côn, đã nhận ra tiếng nói của bọn trẻ và muốn phóng ra ngay. Nhưng Côn sợ bọn người kia còn núp đâu đó nên cố giữ chặt dây da không cho con chó xông tuột ra ngoài. Bọn trẻ chăm chú lắng nghe, tiếng chó ủa, chúng không lầm được.

Côn buông tay, con Tô Tô mừng rỡ nhào khỏi xe, chạy thẳng đến bên bọn trẻ. Phan reo lên:

- A! Con Tô Tô! Minh ơi, con Tô Tô! Tô Tô, mày ở đâu lại vậy? Trời ơi, tao mừng quá!

Con Tô Tô trả lời:

- Gâu gâu!

Nó nhảy cỡn lên quấn quít quanh bọn trẻ bất động bởi dây trói.

Minh còn lo lắng:

- Côn đâu, Tô Tô?

Giọng Côn đáp:

- Đây!

Côn bấm đèn pin, chạy ra khỏi toa xe:

- Chuyện gì vậy? Các anh bị bắt vào đây hả?

- Ờ! Đây là đâu nhỉ? Anh tưởng như cơn ác mộng.

- Đợi em một chút, để em cắt dây trói đã rồi nói chuyện.

Bọn trẻ đứng dậy, vươn vai, duỗi tay chân cho đỡ mỏi.

- May quá! Có em chớ không... Đây là đâu? Ủa, chiếc xe lửa!

Côn cười đáp:

- Chiếc xe lửa ma đó anh Phan!

- Mấy anh đi suốt đường hầm từ đầu này đến đầu kia, có thấy đâu!

- Anh Phan, nghe em nói. Anh nhìn lại xem, chúng ta đang đứng giữa một gian hầm bí mật. Cửa ra vào là một bức tường được đục thủng, có lẽ mở khép nhờ một hệ thống động cơ.

Côn chiếu đèn pin rọi sáng căn hầm:

- Thấy chưa, trước sau đều là tường ; bên phải, có cửa thông vào hầm khác kìa! Anh thấy họ khôn ngoan ghê chưa?

- Lạ thật! Ai lại đùa giỡn với chiếc xe lửa này nhỉ?

- Không đùa đâu, em chắc nơi đây họ cất giấu thứ gì bí mật lắm.

Minh hỏi:

- Hàng gì? Chả hiểu đầu đuôi gì cả!

Côn chợt nhận ra sự vắng mặt của An:

- Ủa, An đâu? An không đi với các anh à?

Phan giải thích:

- An có đi nhưng không muốn vô hầm, An đợi các anh ở ngoài ga ấy. Thôi kệ, hên xui, bây giờ em rọi đèn lục soát căn hầm bên xem có gì không?

Bọn trẻ khám phá ra một cái nút nhỏ trên vách hang, chúng mừng rỡ, hy vọng mở được cửa hầm. Phan ấn nút, lập tức căn hầm chan hòa ánh sáng, bọn trẻ nhắm mắt vui mừng.

- Tiện quá, sáng trưng, tha hồ lục lọi khỏi cần đèn pin. Cũng may đấy chứ!

Bọn trẻ quan sát chiếc xe lửa.

Côn nói:

- Vừa rồi, em núp trong toa này.

Rồi nó kể lại mọi chuyện từ lúc tìm ra lỗ thông hơi đến lúc vô tình leo lên toa xe lửa.

- May quá, xui mà lại may. Nếu em không bị nhốt vào đây thì làm sao cứu các anh được.

- Cha, kể công hả? Thôi, lục soát lẹ lên!

Bọn trẻ xông xáo lục soát căn hầm. Căn hầm chất toàn những thùng gỗ ván ép, ràng đai sắt chung quanh rất chắc chắn.

Phan nghi ngờ:

- Đây là một bọn cướp mưu mô. Sau khi cướp được hàng chúng chuyển về đây đóng cẩn thận trước khi phân tán tiêu thụ.

Minh phản đối:

- Sao anh biết? Em không nghĩ như anh. Để xem: đây là một bọn buôn lậu, chúng dùng những xe cam nhông chở hàng đến ga, chờ đến tối dùng xe lửa đem chứa tại đây. Thảo nào, ông Ân không giàu sao được. Bọn công nhân ở quán Cây Dương biết làm ruộng cày bừa gì đâu, toàn là bọn buôn lậu cả đấy.

Quân buồn bã:

- Tội nghiệp má tôi. Biết vụ này chắc bà buồn lắm! Hình như ba tôi không phải là đầu não phải không anh Phan?

- Không phải. Dầu sao ta cũng dám chắc đây là một bọn bất lương đã quyến rũ ông Ân đồng lõa. Nè, anh nghĩ còn có một lối khác để chở hàng đi nữa chứ.

- Ờ hớ! Kiếm xem có hầm nào nữa không? Nếu có cửa, may ra thoát được.

- Côn, tắt ngọn đèn kia đi. Chói quá, ngọn đèn pin đủ rồi. Cố mở to mắt ra.

Những bức tường xây quanh hầm rất kiên cố.

- Hầm này xây từ bao giờ há?

- Ai đoán được ; điều cần thiết là không biết bọn này đã hoạt động được bao lâu. Chắc cũng trôi chảy khá nhiều chuyến, ông Ân tậu được khá nhiều.

Các thùng hàng chất chồng lên nhau, tất cả đều được đánh số bằng phấn trắng để sửa soạn một chuyến mới.

Bọn trẻ tìm thấy một cánh cửa gỗ rất vững chắc, chúng reo mừng hớn hở.

- Anh chắc cửa này thông ra ngoài sườn đồi, xe cam nhông sẽ đợi ở đây để chất hàng.

- Hèn gì hôm nọ Quân thấy tên Hòe loay hoay ở nhà xe. Hóa ra hắn chở hàng về đấy, đợi đến sáng mới mang đi.

Bọn trẻ thi nhau đẩy, nhưng cánh cửa vẫn nằm trơ bất động, không nhúc nhích một chút nào.

- Ối chào! Đành chịu thôi. Chắc chúng khóa hoặc chặn vật gì phía kia rồi. Biết đâu lại không chặn một chiếc xe ở bên kia, ai mà phá nổi cánh cửa này.

Côn lo lắng:

- Thế là hết hòng thoát.

- Anh cũng sợ như vậy.

Côn thở dài, ngồi bệt xuống một kiện hàng.

Phan hỏi:

- Đói hay mệt rồi?

- Cả hai.

- Cố chịu đựng chút nữa đi, xem có ai tới cứu chăng.

Phan nghĩ tới con bé An nhút nhát.

- Không biết con An đang làm gì? Hy vọng nó sẽ trở về cầu cứu thầy Mạnh. Nhưng nó không rành đường đất nhỡ lạc lại khổ nữa.

- Lạc còn hơn bị bắt như tụi mình.

Quân vẫn còn hy vọng:

- Đừng bi quan, thế nào An cũng về tới nơi.

Bọn trẻ quay trở ra tìm cách mở cửa hầm. Chúng cố công tìm kiếm một nút nào đó nhưng vô ích, tất cả đều hoài công.

Mãi lâu sau, chúng mới tìm được một cái cần quay gắn dưới nóc hầm.

Côn cố gắng quay mạnh nhưng...

- Anh Phan, quay thử xem!

Bọn trẻ bật sáng ngọn đèn pha, bu quanh Côn phập phồng chờ đợi. Phan và Minh cùng nhau đẩy mạnh chiếc cần. Tiếng kèn kẹt thong thả nổi lên, máy quay đã hoạt động, bức tường từ từ nâng lên để lộ cửa hầm trống trải.

Phan ra lệnh:

- Tắt đèn đi! Nhỡ có ai canh bên ngoài thì chết!

Bóng tối ngập tràn, Côn bấm đèn pin ; đường xe lửa nằm kia, song song chạy tuốt ra cửa hầm Cây Dương. Bọn trẻ đã thoát nạn!

Minh nóng lòng:

- Chạy mau về phía ga!

Phan thấp giọng:

- Chầm chậm nào! Đừng gây tiếng động, cứ thong thả cẩn thận là hơn.

Bọn trẻ nắm tay nhau bước về phía cửa hầm phía nhà ga, quên cả hạ cánh cửa hầm bí mật.

Nhưng vừa đi được mười bước, chúng bỗng đứng sựng lại. Một người nào đang tiến về phía chúng ; chúng nhìn thấy một đốm sáng phía trước và nghe tiếng chân bước rõ dần.

Phan gọi nhỏ:

- Quay lại mau! Bọn chúng trở vô kìa!

Nhưng chúng không thể tuân lời Phan được, đằng kia, thêm một đốm sáng của ngọn đèn pin từ từ tiến lại. Chúng bị bao vây ư?

Bọn trẻ luống cuống, không biết phải đối phó thế nào.

Côn chợt nhớ ra:

- Anh Phan, anh Minh, lỗ thông hơi! Em nhớ rồi, mình leo ngược lên đỉnh đồi qua lỗ thông hơi. Mau lên, kẻo không kịp.

Nhờ đống cát con Tô Tô té xuống lúc trước, bọn trẻ tìm được lỗ thông hơi không mấy khó khăn.  Côn reo mừng:

- Kia rồi! Còn con Tô Tô? Nó không leo lên được...

Phan đáp nhanh:

- Kệ nó, không sao, nó tự trốn được.

Phan đẩy Côn leo lên trước, Quân bám sát theo sau, rồi đến Minh, và sau cùng, khi hai người lạ trờ tới, Phan cùng bọn trẻ đứng yên trên nóc hầm, một chỗ ít ai ngờ tới.

Một giọng nói cáu kỉnh:

- Chết rồi! Ai? Ai mở cửa hang? Cửa hang mở toang rồi.

Giọng nói quen thuộc của ông Ân có vẻ sợ sệt, tiếp theo một giọng khác oang oang:

- Ai đó? Ai mở cửa hang? Ra đi!

Ông Ân hỏi nhỏ tên kia:

- Mày trói bọn trẻ chỗ nào, có gần cần quay không?

- Trời ơi, lúc ra về tôi đẩy bọn nó vào góc trong, còn cần quay ở góc ngoài, chúng đụng tới sao được? Vả lại, chúng bị trói kia mà...

Ba người đàn ông bước vào căn hầm, có tiếng ngạc nhiên vọng ra:

- Bọn trẻ trốn hết rồi! Chúng đã cắt dây trói!

- Chà! Làm sao chúng trốn được? Vô lý quá! Chặn hai đầu cửa hầm đi nghen! Bọn chúng chưa đi xa đâu! Lẹ lên!

Bọn người bên dưới tìm kiếm lung tung nhưng chưa chú ý đến lỗ thông hơi.

Con Tô Tô nằm xệp sau đống cát, nín thin thít không dám hé môi gầm gừ.

Côn đã lên đến bậc thang cao nhất, cô bé ngẩng lên nhìn hai thanh sắt đã bị chắn lại, không hiểu vì lý do gì. Cô bé gắng sức đẩy mạnh lên, hai thanh sắt vẫn đè nặng xuống không xê dịch. Côn không thể leo thêm được nữa, kẽ hở quá nhỏ, cô bé cố nắm chặt thang, sợ trợt chân thì cả bọn cùng té.

Quân nhìn lên hỏi:

- Gì vậy?

- Thanh sắt nặng quá, đẩy lên không nổi. Không chui lên được.

Quân nói lại với Minh rồi xuống đến Phan. Bốn đứa trẻ đứng im không nhúc nhích, hy vọng đang chắp cánh chuẩn bị bay cao.

Phan bực tức:

- Biết vậy thì mình leo lên trước. Côn, cố đẩy mạnh lần nữa xem sao, yếu quá vậy? Đứng đây chờ chết à?

Bọn trẻ lâm vào một tình trạng bi đát hơn bao giờ hết, chúng cảm thấy uất nghẹn, điên tiết lên được. Mồ hôi toát ra ướt đẫm, chân chúng bắt đầu mỏi, tay giữ thang cũng bắt đầu run rẩy.

Minh hỏi:

- Quân, còn thích mạo hiểm nữa hết? Chắc Quân đang nghĩ đến nhà và thằng Tình?

Quân phản đối:

- Không, Quân không nuối tiếc gì cả. Nhắc đến thằng Tình làm quái gì!

__________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>