Sau khi nợ tú tài trang trắng vỗ tay reo, gác bút nghiên theo việc nghỉ hè cho đúng nghĩa mùa hè, chưa đầy 2.592.000 giây, tiếng gọi của sách vở đã thúc giục cùng một lúc với lời thăm hỏi đường đi nước bước của Quỳnh trên đại học, chưa kể những lời quảng cáo luyện thi vào Y Dược Nông trên các báo vô cùng quyến rũ nhưng không thể quyến rũ nổi Quỳnh, Quỳnh không làm quen với danh từ học luyện thi thêm. Thế là sách vở, bút, giấy, mực – nhất là giấy nháp – được lệnh tổng động viên. Cái bàn học bấy lâu nằm tương tư sách vở, hôm nay thì mừng rỡ gặp lại "cố nhân". Chuyện không thế mà chấm – gạch xéo – chấm, nếu đọc chính tả thì gọi là chấm hết đó. Giống con nai vàng ngơ ngác trong bài thơ, Quỳnh ngồi trước bàn học, ôi chao nhiều quá Y, Dược, Nha, Kỹ, Kiến, Nông, Lâm, Súc, Sư...
Ngày xưa – ngày chưa thi tú tài 2 – Quỳnh và tụi bạn mơ thật nhiều, cứ tưởng tương lai êm như xa lộ Biên Hòa. Bây giờ mới thấy là khó khăn, cái mình yêu thích chưa đủ khả năng theo đuổi được.
Thi vào đâu? Vấn đề vô cùng khó khăn: chọn nơi nào sao cho hợp với sở thích, sao cho hợp với khả năng, sao cho hợp với gia đình. Giải quyết còn khó hơn giải bài hình học giải tích rắc rối nữa. Đúng là thân sinh viên 12 bến nước biết đâu trong đục. Nhưng không sao, với tinh thần khoa học (?), Quỳnh lần lượt theo thứ tự: quan sát, đặt giả thuyết, thí nghiệm kiểm chứng. Cái gì chứ quan sát thì Quỳnh không lo, Quỳnh có tài quan sát kỹ. Không lẽ bây giờ lóc cóc đến từng trường quan sát sao, một trường ở bên Đông một trường ở bên Tây xa lắc xa lơ. Eo ơi muốn đi cũng phải chịu phơi nắng từ trường này qua trường khác. Thôi ở nhà đọc quyển "Kim chỉ nam sinh viên" với "Thể lệ và chương trình thi vào các phân khoa đại học" cũng tạm đủ, hai quyển này quý lắm vì nó là công lao của Quỳnh năn nỉ cả ngày với chị Dung nhờ chị ấy đi mượn dùm. Không phải Quỳnh sợ phải đi nắng đen đâu (Quỳnh vốn đã "không được trắng" sẵn, đâu có sợ nắng nữa) mà cũng không phải Quỳnh hà tiện không dám mua 2 quyển ấy, ở nhà Quỳnh vốn rất rộng rãi cơ mà. Lý do thế này này: sau những chầu khao liên miên, tình trạng tài chánh vô cùng kiệt quệ, Quỳnh phải trốn ở nhà không dám đi đâu hết, lỡ ai đòi khao, Quỳnh đâu có vui vẻ hẹn ngày nữa, mà từ chối thì đáp làm sao, ở nhà là thượng sách. Đến tòa soạn Tuổi Hoa Quỳnh cũng không dám léo hánh tới nữa, chỉ sợ bà con hỏi thăm và bắt khao thì nguy to.
Xem qua 2 quyển sách, Quỳnh hơi khớp như gặp bài toán quá khó, cái nào cũng 5 đến 7 năm đăng đẳng, chương trình học dài lê thê đối với bộ óc nhỏ bé. Thảo nào khi còn học đệ nhất, à quên lớp 12 chứ, mấy con nhỏ bạn tuyên bố "thi đậu tao ghi tên học Văn khoa cho khỏe, hơi sức đâu mà vào mấy trung tâm tàn phá sắc đẹp, 7, 8 năm ra trường thành bà già mất thôi". Các cô dễ thương, xinh xinh không biết có chùn chân trước các trung tâm ghê gớm đó chăng? Ai cũng đe dọa thi vào mấy Phân khoa đó khó lắm, đông quá thi sao nổi. Cái gì cũng khó, người lớn cứ ỷ lớn hù tụi nhóc chân ướt chân ráo làm quen với thềm đại học này hoài. Coi vậy chứ ai gọi Quỳnh là nhóc Quỳnh ức lắm nghe, người ta cũng sinh viên rồi mà gọi nhóc hoài. Một mình Quỳnh có vẻ hơi bi bí rồi, biết chọn phân khoa nào, tối nay nhất định đúng giờ thuận tiện Quỳnh triệu tập một cuộc họp mới được. Người trong quáng người ngoài sáng và Quỳnh khỏe hơn khi có người ngoài sáng cho ý kiến.
Buổi tối, Quỳnh mang vấn đề lên bàn mổ. Chị Dung khai mạc đưa ra thí điểm mà chị ấy tin Quỳnh có đủ khả năng:
- Quỳnh thi vào Nông Lâm Súc đi, chương trình toán 12 ban B hợp với Quỳnh, mà Quỳnh chọn ngành Súc đó ma mốt ra bác sĩ thú y, ngành này dễ đi ngoại quốc lắm.
Chị Dung nói có đúng không chẳng biết nhưng nghe đi ngoại quốc Quỳnh hơi xiêu lòng, bây giờ học sinh phần lớn đều ôm mộng được đi du học, ở ngoại quốc đầy đủ phương tiện hơn. Học cái hay của người ta về giúp nước, ai mà không yêu nước, muốn xây dựng đất nước. Ừ nhưng mà quên! Quỳnh đâu có ưa ngành này, hơn nữa Quỳnh coi bói thấy số Quỳnh không hạp với thú vật, không có tay nuôi thú vật. Quỳnh liền lên tiếng phản đối ngay, nếu không nhớ tới số tử vi Quỳnh cũng xiêu lòng đó:
- Không được đâu chị Dung, chị nhớ hôm tụi mình coi bói trong sách ông Huỳnh Minh đó. Số tử vi của em đâu có tay nuôi thú vật, theo ngành Súc mai mốt làm chết heo gà người ta thì treo cái bằng luôn ai dám dùng mình nữa.
- Quỳnh tin số dữ vậy. Chị nhớ năm kia Quỳnh nuôi gà, con gà của Quỳnh mập nhất, đẻ trứng to nhất mà.
Chị Dung nói có lý, Quỳnh đành đáp:
- Em không thích ngành này đâu.
Thằng Sơn góp ý:
- Hay là chị Quỳnh thi vô kỹ sư Phú Thọ đi, học có 4 năm. Sau này kỹ sư hóa học có tương lai ghê lắm.
- Thôi, mày thích kỹ sư để năm sau mày thi đi. Chị ngán môn hóa học nhất, học điên cái đầu mà cứ chất này lộn với chất kia. Thi đậu mừng quá từ đó tới giờ không dám cầm lại cuốn hóa học nữa.
- Chị không thích làm kỹ sư thì chị thi vô cao đẳng kiến trúc ra làm kiến trúc sư le lói.
Quỳnh lắc đầu:
- Sợ học không nổi đó, thi vào cũng khó thi ra cũng khó. Kiến trúc lấy ít lắm, thi toán không lại tụi con trai đâu, nhiều đứa giỏi toán ghê gớm.
Nhỏ Hương cười:
- Anh Sơn chọn ngành nào cũng không hợp với chị Quỳnh hết. Em biết chị Quỳnh thích học Sư Phạm đó, tại chị Quỳnh có tài dạy học nè, chị Quỳnh giảng toán dễ hiểu ghê, mấy đứa học trò của chỉ chịu học lắm.
- Tao không vào Sư Phạm đâu dù tao thích dạy học. Tao sợ mai mốt đời sống không sung túc bỏ mất cái lý tưởng đang xây dựng. Chừng nào có thời giờ đi dạy lai rai thích hơn.
Trả lời cho nhỏ Hương xong Quỳnh quay sang ba giải thích thêm:
- Con thích dạy ít đứa thôi, như vậy mới có kết quả, dạy một lớp 60 đứa chỉ chỉ chừng một phần ba hiểu bài, còn bao nhiêu tơ lơ mơ hết. Đến lúc làm bài chỉ tìm cách "quay phim". Phải chi trường học nhiều mỗi lớp chừng 20 đứa thôi thì học sinh đâu đến nỗi tệ. Lúc con đi học giáo sư nào cũng than tinh thần học của học sinh bây giờ xuống dốc, nghe thấy buồn ghê.
Chị Dung cười lắc đầu:
- Cái gì Quỳnh cũng muốn thật lý tưởng hết. Quỳnh học Sư Phạm hợp rồi, đi theo đường này rồi tìm cách cải tổ giáo dục thật lý tưởng như lý tưởng của Quỳnh đó.
- Ngày trước em mơ làm đến bộ trưởng giáo dục nhưng từ ngày cô bạn của em chỉ cho xem chỗ Nhất Hạnh viết về học hành trong "Nói với tuổi hai mươi", em hết mơ luôn. Làm được chức đó cũng đành bó tay, như vậy thà đừng làm còn hơn.
Cuộc "hội thảo" cứ lòng vòng không giải quyết được điều gì. Ba thì để tùy ý Quỳnh lựa chọn ngành nào Quỳnh thích, còn tụi nhóc còn nhỏ làm sao giúp Quỳnh, tụi nó chỉ được cái nói mà thôi. Còn chị Dung, chị ấy lớn hơn Quỳnh nhiều, với lại chị Dung sắp ra trường, nhưng chị ấy với Quỳnh không hợp ý nhau. Chị Dung một hai là Nông Lâm Súc mà Quỳnh không ưa chút nào. Giai đoạn đặt giả thuyết khó khăn quá. Duy có một điều làm Quỳnh "đau lòng": không ai đề cập đến Y, Dược hết. Chao ơi, làm như chỉ có thần thánh mới vào đó được, ngoài ra thì "đồ bỏ" hết chắc. Làm như chỉ dân ban A mới đủ sức tụng quyển vạn vật dầy cộm để thi. Đành rằng chương trình thi không có cái gì là tủ của ban B hết: toán ban CD, hóa học cũng của CD, vật lý vạn vật của ban A, thêm kiến thức tổng quát, sinh ngữ bao la vô bờ bến. Quỳnh thấy ban B vào Y Dược đều đều, đâu phải chỗ đó có bảng cấm ban B thi mà ở nhà không nhắc nhở gì hết, có tức không. Quái ác hơn mà Quỳnh không dám đề cập: Quỳnh muốn thi vào Y, Dược lỡ bị hỏi lý do giải thích làm sao cho xuôi. Không lẽ đưa đại lý do làm bác sĩ giàu, làm bác sĩ có danh, làm bác sĩ cứu giúp mọi người (?), làm bác sĩ... Lý do của Quỳnh bí mật lắm, Quỳnh có chủ đích riêng, nói ra cả nhà chọc quê Quỳnh chết.
Được lệnh tổng động viên hai ngày, sách vở vẫn chưa được lệnh chuẩn bị đánh lớn vào đâu hết. Quỳnh sốt ruột, "tụi nó" cũng sốt ruột. Nhất định hôm nay, nội trong ngày nay Quỳnh phải quyết định, còn dằng nửa đi nửa không, biết chừng nào mới học. Quả là trăm lối biết dấn thân vào lối nào. Được rồi, Quỳnh tính thế này: Quỳnh sẽ tuyên bố thi vào Nông Lâm Súc, lúc đi nộp đơn, Quỳnh nộp luôn ở Dược và Y. Chương trình học tựa nhau cũng không gì rắc rối đâu. Hai bàn tay bé nhỏ muốn xây dựng một xã hội thần tiên cơ đấy, Quỳnh ưa bị bạn bè ngạo hoài vì ôm nhiều lý tưởng quá lý tưởng.
Quỳnh tính thi vào Y từ lâu rồi, đáng lẽ Quỳnh phải học ban A để "ra quân" tại trận chiến Y khoa, bảo đảm về mặt vạn vật hơn. Chỉ tại Quỳnh trót yêu những bài toán hình học, bỏ tụi nó không đành. Bây giờ đến lúc chia tay với tụi nó rồi, dù yêu thích Quỳnh không thể vì tụi nó một lần nữa mà vào kỹ sư, kiến trúc đâu. Quỳnh biết tuy ba nói để tùy Quỳnh, ba không thích Quỳnh theo ngành đó. Không lộn xộn gì nữa hết, Quỳnh nhất định thế rồi. Ngày mai, vâng, ngày mai Quỳnh giã từ ngày "nghỉ hè" dù còn mùa hè. Thao trường học thi cam go vô cùng. Trước mắt, "đống" sách chờ đợi, hộp thuốc phospartan chờ đợi và Quỳnh, Quỳnh chờ đợi giai đoạn cuối cùng là thí nghiệm...
NGUYỄN QUỲNH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 163, ra ngày 15-10-1971)