CHƯƠNG III
QUÁN CÂY DƯƠNG
Sáng hôm sau, ông Mạnh cùng bọn trẻ thức dậy thật sớm. Sau bữa điểm tâm, giáo sư Mạnh nghiên cứu rất kỹ tấm bản đồ địa phương để chuẩn bị một cuộc lùng kiếm toàn diện.
Giáo sư Mạnh chỉ tay vào tấm bản đồ đó và nói với Phan:
- Em thấy thung lũng này không? Ở nơi đó, thầy nghe nói có rất nhiều bọ hung, những loại hiếm nhất nước. Hôm nay thầy định dành trọn thì giờ thám hiểm vùng này xem hư thực ra sao. Còn các em, bốn đứa đi đâu?
Côn dãy nảy:
- Năm chứ thầy. Thầy quên mất con Tô Tô của em rồi.
Ông Mạnh dịu giọng:
- Ừ nhỉ, thôi cho thầy xin lỗi đi. Nào, các em đi đâu?
Phan đáp:
- Chúng em dự tính vào quán Cây Dương mua bánh mì và trứng. Và vụ chính yếu là hỏi thăm cậu con trai về chiếc xe lửa ma. Cậu ta sống ở đây đã lâu nên em hy vọng sẽ thu thập được nhiều điều hay ho.
- Thế cũng được. Nếu tôi nay thầy về trễ, các em cũng đừng sốt ruột nghe chưa?
An lo lắng hỏi:
- Nhỡ thầy bị lạc, làm sao chúng em tìm?
Giáo sư Lê Mạnh chỉ tai bên phải và nói:
- Không sao đâu, tai phải của thầy thính lắm.
Thầy Mạnh đứng dậy, trở về lều lấy đồ nghề. Phan và Minh xiết chặt những sợi dây buộc lều, trong khi Côn và An bận giặt quần áo.
Chẳng mấy chốc, bọn trẻ đã làm xong bổn phận. Đồ đạc được xếp ngay ngắn, quần áo đã được phơi căng dưới ánh nắng. Mặt trời lên đã khá cao. Giáo sư Mạnh đi cũng lâu rồi, bọn trẻ không còn gì ràng buộc, chúng sửa soạn dắt nhau vào quán. An với tay lấy một cái giỏ trao cho Phan:
- Anh xách một cái, chốc nữa đựng thức ăn.
Chúng vui vẻ lên đường, con Tô Tô nhảy tung tăng theo sau. Dọc hai bên lộ, những bông hoa dại đủ sắc tỏa một mùi hương mật mát dịu. Những chú ong cất cánh vo ve từ nhụy này sang nhụy khác. Bác mặt trời tươi tỉnh chiếu ánh mắt nóng bỏng soi sáng vạn vật đang chan hòa sức sống. Bên kia đường xe lửa, những thửa ruộng xanh mạ trải dài đến chân núi.
Bọn trẻ dừng trước cổng quán, rảo mắt tìm...
Một cậy bé trạc tuổi Minh từ nhà sau chạy ra:
- A! Các bạn đến đúng lúc quá. Tôi vừa chọn sẵn một ít trứng để dành cho các bạn.
Cậu bé nhìn An chằm chặp:
- Hình như hôm qua không có...
An mau miệng đáp:
- Vâng, hôm qua tôi ở nhà. Tôi tên là An. Anh tên gì?
- Quân. Tôi tên Quân.
Cậu bé trông thật dễ thương, niềm nở đón bọn trẻ. Khuôn mặt cậu bé luôn luôn vui vẻ:
- Các bạn vào nhà chơi.
An nhìn quanh rồi hỏi:
- Má Quân đâu rồi? Chúng tôi muốn mua thêm một ít bánh mì.
- Má tôi ở nhà sau, bà còn bận hay sao đó mà! Các bạn muốn xem mấy con chó con của Quân không?
Quân dắt bọn trẻ ra sân sau. Con chó cái thấy kẻ lạ, nhảy ra sủa ỏm tỏi. Nó muốn bảo vệ cho đàn con còn non nớt, chưa nhiều kinh nghiệm. Côn say mê nhìn đàn chó:
- Quân, mấy con này của Quân hết sao?
Quân hãnh diện đáp:
- Vâng, của tôi cả đấy. Con chó cái này về nhà tôi từ bốn năm nay. Hồi đó tôi còn sống ở Ninh Hòa lận.
- Ủa, hồi trước Quân ở Ninh Hòa? Chà, ăn nem đã hén?
Mặt Quân chợt đượm vẻ buồn bã:
- Hồi nhỏ tôi vẫn sống ở Ninh Hòa. Sau khi cha Quân mất, má Quân dắt Quân lên tỉnh sống hai năm. Rồi sau đó...
Minh ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, Minh tưởng ba Quân sống ở đây mà!
Quân cắt nghĩa:
- Không, đó là cha ghẻ tôi. Ông không phải là nông gia.
Quân đưa mắt nhìn quanh rồi hạ giọng:
- Cha ghẻ tôi không biết rành về cày cấy, mẹ tôi điều khiển thợ gặt. Nhưng ông kiếm ra nhiều tiền lắm, chính ông đã mua những máy cày và xe hơi mới toanh đó.
Vừa lúc ấy, bà Ân, mẹ Quân, từ phía sau đi lên. Bà mỉm cười chào bọn trẻ:
- Chào các cháu. Nào, đưa giỏ đây, chốc nữa bác bỏ bánh vào cho. Các cháu ăn gì chưa? Vào đây, vào đây ăn với Quân cho vui. Quân nó sống ở đây buồn lắm, suốt ngày thui thủi ra vô một mình.
An reo lên thích thú:
- Chúng cháu ở đây chơi? Anh Phan chịu không?
Phan nhìn em, trả lời bà Ân:
- Vâng, cám ơn bác. Chúng cháu sẽ ở lại chơi với Quân hôm nay.
Quân vui vẻ nói:
- Các bạn xem nhà không? Cha ghẻ tôi không thích công việc đồng áng. Nhưng ông rất rộng rãi ; ông đưa hết tiền cho má Quân và bà muốn sắm gì thì sắm.
Bọn trẻ say mê quan sát những chiếc máy mới lạ đối với chúng: nào là máy léo, máy cày, máy đập...
Phan hỏi:
- Trại Quân mướn nhiều thợ gặt không?
Quân cau mày đáp:
- Má tôi không ưa những người thợ này, họ không biết làm việc. Cha ghẻ tôi chọn họ, ông không biết rành thành thử toàn là những người tồi không hà. Chỉ có một người làm việc được, nhưng ông ta già rồi.
- Phan thấy những thợ ra vô ở đây có vẻ dân tỉnh quá. Phải Quân nói ông già đang mài liềm đó không?
- Phải đó, ông tên là Tôn.
Bọn trẻ dắt nhau tới nói chuyện với ông già Tôn. Ông kể lể với bọn trẻ:
- Đối với nông gia, bận rộn suốt ngày các cháu ạ. Không một thì giờ rảnh rỗi, phải ra sức làm việc để mong thu hoạch được vụ mùa cao ; lúc đó mới vui vẻ và thong thả được một chút.
Phan hỏi:
- Cha Quân đâu?
Quân đáp:
- Ông đi suốt ngày. Ôi, thôi kệ ông!
Minh thắc mắc:
- Sao vậy? Quân không ưa ông cha ghẻ hay sao?
- Không, ông dễ chịu lắm. Nhưng hình như ông không thích Quân, có ông ở nhà, Quân cố gắng vui vẻ để má Quân vui lòng ; đến lúc ông đi, Quân cảm thấy nhẹ nhõm hơn lên.
Bọn trẻ dắt nhau đi quanh nhà.
- Chỗ này chứa toàn xe cam nhông, còn mới toanh hà! Quân không hiểu sao ông mua nhiều như vậy. Hình như ông muốn đầu cơ, ông nói mình mua để đó, đến lúc đắt bán lại được nhiều lời. Xe mua về ông để một chỗ, không thấy xài tới. Quân nghe ông nói với má Quân là ông đợi giá xe leo thang.
Bọn trẻ lắng nghe Quân nói từng chi tiết một, chúng cảm thấy nôn nao muốn gặp mặt ngay ông Ân.
An tưởng tượng:
- Có lẽ ông ta là một người kỳ khôi. Chắc ông ta cao lớn, khuôn mặt dữ dằn, ông ta cũng sẽ không yêu mến trẻ con.
Thì giờ qua mau như tên bắn, mặt trời đã lên cao trên đỉnh đầu, ánh nắng chói chang như thiêu đốt vạn vật.
Một mùi thơm từ nhà bếp tỏa lên.
Quân bảo bọn trẻ:
- Thôi, chúng ta đi rửa tay rồi vào nhà ăn cơm. Trưa rồi đó, lẹ lên!
Phan xuýt xoa:
- Chà mùi gì thơm quá!
- Nghe như mùi canh chua thì phải. Hợp khẩu rồi đó nghen!
*
Bọn trẻ quây quần bên bàn ăn. Bữa cơm thật thịnh soạn: Một đĩa cá rán, bát canh chua, rau thơm... chỉ trông thôi cũng đủ thèm đến chảy nước miếng.
Bà Ân bảo:
- Các cháu cứ ăn uống tự nhiên. Nhỡ có dở thì ăn tạm dùm bác, các cháu nhé.
Bữa cơm chấm dứt bằng món chuối tiêu tráng miệng.
An khen rối rít:
- Chưa bao giờ cháu ăn ngon như hôm nay. Bác khéo tay quá. Món gì cũng ngon hết, cháu ăn hoài mà không thấy no.
Đến lượt con Tô Tô:
- Gâu gâu!
Bà Ân cười:
- A! Nó đòi phần đó thấy chưa?
Bà vừa nói, vừa bưng cho con Tô Tô một đĩa xương.
- Các cháu nán lại với Quân ít giờ nữa. Cứ tha hồ nói chuyện.
Phan bước ra ngoài, phóng tầm mắt về những cánh đồng:
- Thợ họ về ăn trưa hết cả sao Quân?
- Ồ thôi, kệ bọn họ! Phan à, vào đây nghỉ cho khỏe.
Côn cúi xuống vuốt ve con Tô Tô:
- Anh Phan, chúng ta hỏi thử Quân về vụ xe lửa ma đi.
Quân trố mắt ngạc nhiên:
- Xe lửa ma nào? cái gì kỳ vậy? Đây là lần đầu tiên Quân nghe nói đến... xe lửa ma.
Minh hỏi:
- Thật không? Quân chưa từng nghe nhắc đến tàu ma sao? Ở đằng hầm phía kia kìa!
- Đâu, đâu, Minh kể Quân nghe xem. Tàu ma? Sao lại có chuyện lạ như vậy cà?
Phan đáp:
- Để Phan kể cho nghe. Tụi tôi cũng chưa tìm hiểu rõ.
Phan kể lại những gì xảy ra tại nhà ga bỏ phế và thái độ kỳ quặc của lão Tám chân gỗ. Quân chăm chú lắng nghe với vẻ ngạc nhiên tột độ.
Quân hỏi:
- Hay Quân cùng đi với các bạn lên đó một lần nữa xem sao? Coi bộ hấp dẫn đó nghen. Quân thích mạo hiểm lắm, nhưng các bạn coi đó, cả mùa hè cấm cung trong nhà không hà, chả có bạn bè gì cả. Buồn ghê đi!
- Quân sống ở đây hai năm rồi, không có chuyện lạ gì xảy ra sao?
Quân thở dài:
- Chả có quái gì cả! – Mắt Quân chợt sáng lên – Tàu ma, phải rồi, hy vọng kỳ này mạo hiểm được. Biết đâu tàu ma lại không là đầu mối của những vụ ly kỳ bí ẩn, phải không các bạn?
An vội vã phản đối:
- Em ghét mấy anh quá! Tàu ma, nhắc hoài, em ghét mấy thứ đó lắm. Dẹp đi, đừng nhắc nữa, anh Phan!
Quân vẫn hăng say:
- Quân muốn đi ngay xuống nhà ga và chạm mặt lão già Tám chân gỗ. Các bạn nhớ nghen, có đi nhớ rủ Quân đi với.
Phan lắc đầu:
- Tụi này chưa có ý định trở lại nơi đó, mình chưa hiểu đầu dây mối nhợ gì cả. Lão Tám bị điên rồi bịa chuyện dọa dẫm cho bọn trẻ sợ chưa biết chừng.
Quân nhắc lại:
- Nhưng ông già đánh xe cũng nghe nói cơ mà. Khó gì đâu, tối nào đó, mình thử rình xem là biết liền chứ gì!
An hốt hoảng:
- Không, anh Quân, nguy hiểm lắm!
Quân cười:
- Quân đi với Phan và Minh thôi. Con gái ở nhà, sợ gì!
Côn phản đối:
- Côn nữa. Côn cóc sợ, cả con Tô Tô nữa.
An van nài:
- Em sợ mấy anh gặp chuyện không may, rồi...
Bọn trẻ không thèm nghe giọng khẩn khoản sợ sệt của cô con gái.
Phan nắm chặt bàn tay Quân:
- Được rồi, khi nào rình, tụi tôi rủ Quân theo. Yên chí!
... Thời giờ trôi qua thật nhanh, mới đó đã bốn giờ chiều. An đã ngủ được một giấc ngon lành. Con Tô Tô nằm sóng soài trước thềm cửa, lưỡi thè dài bởi khí hậu nóng bức.
Chợt có tiếng còi xe hơi, tiếng thắng xe và tiếng đập cửa.
Bà Ân ngửng đầu nhìn ra ngoài:
- Ba về, Quân! – Bà quay sang bọn trẻ – Ba thằng Quân về đó các cháu.
Phan thoáng nhận ra nét lo lắng hiện trên khuôn mặt bà Ân. Ông Ân không ưa trẻ ư? Ông Ân sẽ nổi giận khi thấy bọn trẻ tới phá rối?
Phan đứng dậy, lễ phép thưa:
- Xin phép bác cho chúng cháu về... để bác trai nghỉ. Bác trai đi làm về chắc mệt lắm, chúng cháu lại...
Bà Ân khẽ lắc đầu:
- Các cháu cứ ngồi đó chơi, không sao đâu.
Ông Ân bước vào, dáng người thấp bé, vẻ mặt sắc sảo khác hẳn trí tưởng tượng của An.
Bà Ân bảo chồng:
- Hôm nay ông về trễ vậy? Thằng Quân rủ mấy đứa bạn tới nhà mình chơi từ sáng. Để tôi dọn cơm trong phòng bên cho ông nghen.
Ông Ân nhếch mép cười:
- Được, còn gì ăn cũng được.
Ông Ân thay quần áo rồi đi tắm.
Lát sau ông trở ra đứng ở tấm màn sáo nhìn bọn trẻ. Ông đón lấy khay thức ăn ở tay bà Ân, dợm bước đi.
- Thế nào, Quân, vui không con?
- Con vui lắm ba. Con có dắt các bạn đi xem mấy cái xe Nhật mới mua. À này, ba, ba có biết đoàn tàu ma nào xuất hiện gần đây không ba?
Ông Ân quay phắt lại:
- Tàu ma? Con nói gì? Tàu ma hả?
- Anh Phan kể cho con nghe gần đây có một nhà ga hoang phế và một đường hầm. Đêm đêm, một chiếc xe lửa từ trong hầm xình xịch chạy ra rồi... biến mất. Ba biết chuyện đó không?
Ông Ân đứng trân người ra, mắt nhìn Quân chòng chọc. Rồi ông bưng khay thức ăn tiến ra:
- Tôi ngồi đây với bọn trẻ. Đâu, cậu nào khám phá ra đoàn tàu ma đâu nào? Tôi đã cố giấu không cho má nó và thằng Quân biết, thế mà... đâu, cậu nào tốt giọng thế?
Minh kinh ngạc:
- Như thế nghĩa là có thật à? Vô lý...
Ông Ân đặt khay thức ăn xuống bàn, nơi bọn trẻ quây quần, kéo ghế ngồi xuống và lên giọng ra lệnh:
- Mấy cậu bé, kể tôi nghe với. Từng chi tiết một, đừng bỏ sót một tí gì.
Phan ra vẻ lưỡng lự:
- Thưa bác, ờ... chả có gì quan trọng đâu bác ạ, chuyện lăng nhăng ấy mà.
- Được, cứ kể bác nghe. Sau đó bác sẽ nói điều bác biết. Cháu nào, lẹ lên!
Năm đứa trẻ cùng bà Ân đều nhìn ông Ân với vẻ kinh ngạc.
Ông Ân lập lại, nhấn mạnh từng chữ một.
- Kể hết những gì các cháu biết rồi bác sẽ kể bù lại.
Ông Ân biết rõ chuyện này chăng?
Phan quyết định kể tóm tắt những gì đã xảy ra ở trạm ga bỏ hoang và những lời kỳ quặc của lão Tám. Tóm lại, sự việc đã diễn tiến hết sức lạ lùng.
Ông Ân chăm chú lắng nghe, mắt dán chặt vào thuyết trình viên. Rồi ông ngả người trên ghế, uốn ực một nốc hết ly rượu nhỏ.
Bọn trẻ nóng lòng chờ đợi được nghe ý kiến của ông Ân.
Ông Ân lấy giọng nghiêm trang, gằn từng tiếng một:
- Bây giờ các cháu nghe đây : các cháu không nên liều lĩnh trở lại đó làm gì. Rất nguy hiểm.
Phan cau mày hỏi:
- Tại sao vậy bác?
- Nhiều vụ lộn xộn đã xảy ra ở đó, lâu lắm rồi, chém giết, chết chóc. Sau đó, trạm ga đã ngưng hoạt động, đường hầm trở nên hoang phế. Các cháu biết không, đó là đất cấm, vả lại, không ai thèm lai vãng đến đó, vừa nguy hiểm vừa dễ mang họa vào thân, vừa vô ích nữa.
An nghe ông Ân nói, run lập cập:
- Thưa bác, còn tàu ma? Có thật hả bác?
Ông Ân liếm môi và gật đầu:
- Đó chính là điều bác muốn nói : bóng tàu ma đó hiện ra giữa nhà ga và cửa hầm. Nó cứ đi qua đi lại như thế, không ai hiểu tại sao nhưng nếu ai chặn đường nó sẽ... mang tai họa đến cho kẻ ấy.
Phan bật cười vang:
- Vô lý quá bác ơi. Bác chỉ làm con An thêm sợ thôi, cháu không tin rằng có ma giữa thời này.
Ông Ân như không chú ý đến lời Phan nói, ông tiếp:
- Lão Tám khôn đấy chứ, biết trốn là giỏi rồi. Cứ như tôi thì đành chịu thôi. Không hiểu sao lão già có thể sống mãi như vậy mà chịu được. Kể cũng tài thật.
An lạnh toát người vì sợ. Phan cũng không muốn nán thêm chút nào nữa, nó đứng dậy quay sang chào bà Ân:
- Đến giờ chúng cháu phải trở về lều rồi. Cám ơn bác nhiều lắm, bác đãi chúng cháu hậu quá.
Ông Ân ngắt lời:
- Khoan đã. Bác khuyên các cháu không nên trở lại nhà ga. Quân, ba cấm con nghe chưa? Lão Tám chân gỗ loạn trí đó, nguy hiểm lắm.
Phan lễ phép thưa:
- Cám ơn bác. Xin phép bác chúng cháu về. Quân, tụi tôi về nghen! Mai tới chơi với tụi tôi nhé.
Bà Ân bước vào trong lấy giỏ thức ăn, Phan bước theo.
Bà nói:
- Cháu đừng trách bác trai làm gì. Bác sống ở đây đã hai năm mà chưa bao giờ nghe nói đến câu chuyện quái gở ấy.
Phan cám ơn bà Ân, bà không chịu nhận tiền bánh và trứng.
Bọn trẻ đã về trước, còn lại ông Ân ngồi uống rượu.
Phan cúi chào:
- Chào bác, cháu về.
- Ờ, cháu về. Nhớ lời bác dặn nghen. Tàu ma mang tai họa, tránh xa ra, đừng xán lại nguy hiểm lắm.
Phan mỉm cười và bước ra ngoài.
Trời đã về chiều, mặt trời đang chênh chếch ngả về tây.
Quân nói:
- Tôi theo các bạn nửa đường, cha tôi có vẻ sợ tàu ma nhỉ?
- An cũng sợ, không thèm trở lại đó nữa. Côn sợ không?
- Mấy anh đi đâu, Côn theo đó.
Quân hỏi:
- Các bạn tính sao, có nên trở lại nhà ga không?
- Có thể, nếu thích, Quân sẽ đến cùng tụi tôi. Mấy đứa con gái ở nhà làm bếp.
Côn dậm chân cự nự:
- Em cũng can đảm có thừa chứ bộ!
- Thôi biết rồi. Không ai dám bỏ cô ở nhà một mình đâu. Đụng một chút là...
Quân từ giã:
- Tôi về nghen. Hôm nay vui quá, mai tôi tới thăm các bạn.
Bốn đứa trẻ thong thả trở về lều.
Giáo sư Lê Mạnh vẫn chưa về, có lẽ ông còn đang bận đuổi theo một chú ong, chú bướm.
- Tụi anh đi tắm, nóng quá. An, đi không?
- Em không có thì giờ, còn nhiều việc đây này.
Hai đứa con trai nhìn nhau cười. An thật xứng đáng và trọn vẹn trong vai bà nội trợ.
*
Minh hỏi:
- Chúng ta có nên trở lại nhà ga nữa không, anh Phan?
- Có chứ. Em tưởng anh sợ lời hăm dọa của ông Ân à? Vả lại, chúng ta cũng chưa biết rõ cơ mà.
Côn giơ tay:
- Em đi nữa nghe anh Phan!
Phan lắc đẩu:
- Không, em ở lại với An thì hơn.
Côn ấm ức đứng dậy đi thẳng vào lều. Cô bé có vẻ ham xông pha vào những cuộc mạo hiểm.
Minh hỏi tiếp:
- Còn thầy Mạnh nữa? Có báo trước với thầy Mạnh không hả anh Phan?
Phan che miệng ngáp rồi đáp:
- Dĩ nhiên là không rồi. Úi chà, mới đó mà đã ngáp. Sao thầy Mạnh đi lâu quá nhỉ?
An hỏi anh:
- Em đợi thầy về dọn thức ăn cho thầy?
- Đợi nổi thì đợi. Minh, đi ngủ.
Minh đứng dậy theo anh vào lều, nhưng chưa ngủ ngay. Chúng còn lo bàn kế hoạch.
Phan hỏi:
- Minh, theo em, đi buổi sáng được không?
Minh nhìn anh:
- Ban đêm chứ. Anh quên rồi à? Chiếc xe lửa này chỉ hiện ra vào ban đêm thôi.
Chợt có bóng đen thấp thoáng phía cửa lều. Cái đầu ló vào, lúc lắc ra vẻ rình rập hay quan sát gì đó.
Minh ngồi bật dậy:
- Liệu chừng đó, cút về lều ngay. Đừng có xớ rớ chui vào phá rối chết bây giờ.
Bỗng giọng nói từ ngoài vọng vào:
- Các em chưa ngủ hả? Thầy vừa mới về.
Minh sửng sốt reo lên:
- Trời đất ơi! Thầy Mạnh! Thầy tha lỗi cho em, em tưởng con Tô Tô mò đến phá như mọi hôm chứ. Ai dè...
Giáo sư Mạnh cả cười:
- Không sao, tại thầy về khuya quá. Thôi, ngủ đi, mai dậy sớm.
____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV