Mẹ bảo đi hớt tóc cả 10 hôm nay, mà thằng em trai lớn của tôi vẫn chần chờ chưa tuân lời. Giá lúc khác thì mẹ đã la rồi, song mấy hôm nay mẹ đang bận nên có vẻ lơ là đi chút chút.
- Mẹ bạn làm gì mà lơ là? Tôi nghe nói là chiếu tướng các bạn kỹ lắm mà?
Chắc bạn ngừng đọc ngang chỗ này, hỏi tôi. Không giấu giếm bạn làm chi, chỗ thân tình với nhau cả, tôi xin tiết lộ.
Số là mấy người lớn thấy phong trào văn nghệ trẻ đang hồi bành trướng, trường nào cũng có đặc san Xuân, bích báo hè, kỷ yếu cuối năm v.v... nên đâm sốt ruột, cũng bày đặt họp nhau ra một đặc san để góp tiếng với đời.
Mẹ tôi vốn là cựu học sinh trường trung học tỉnh K., đó cũng là tỉnh mà mẹ chôn nhau cắt rốn. Nói văn vẻ hơn thì đó là sinh quán của người. Dù bây giờ định cư tại Sàigòn, mẹ tôi luôn luôn hướng về tỉnh K. như hoa hướng dương quay về hướng mặt trời. Thế rồi, ngoài đó sau kỳ đại hội, đại hiếc gì đó đã có một quyết định táo bạo là năm tới bảo trợ cho 20 học sinh tại tỉnh nhà, mỗi người một học bổng. Ban thường vụ của Hội có sáng kiến là vận động xin tiền của hội viên hầu hết tản mác khắp nước chứ không phải còn tại tỉnh – mà muốn vậy, phải có gì làm sợi dây liên lạc: tờ đặc san. Nói cho công bình, Hội cũng đã có nội san đấy, hiềm vì nó tồi quá, gửi đến hội viên thì gửi, tôi cam đoan là chả được chiếu cố bao nhiêu.
Hội trưởng, vốn là một nhà văn – khá nổi tiếng – đề nghị nên in thật đẹp, bài vở cho xôm trò thì thế nào cũng chiếm được cảm tình của các hội viên. Đặc san không bán, sẽ gửi biếu hội viên, nhưng ông cam đoan là đọc xong, không hội viên nào có thể nhắm mắt làm ngơ trước một vấn đề có ích chung như thế.
Trong một lá thư gửi đến cho mẹ tôi, ban thường vụ đã kể rõ mục đích hội và yêu cầu mẹ tôi ủng hộ tích cực, không chỉ bằng một số hiện kim nho nhỏ (!) mà còn cả một bài thơ và một truyện ngắn nữa. Chủ đề là "Làm Đẹp Quê Hương" (giúp đỡ học sinh cũng là một hình thức làm đẹp quê hương).
Bà thủ quỹ hội, bạn thân của mẹ tôi từ nhỏ lại cũng là thi sĩ. Một cái hội có đến hai người mang danh sĩ thì sự vẽ vời làm báo chí, đặc san có mà chạy đằng trời!
Từ bữa được thư ông Hội trưởng và kế đó là thư bà thủ quỹ, coi bộ mẹ tôi lo lắng ra mặt. Cái việc ủng hộ về tài chánh thì tuy gia đình không dư dật mấy, nhưng tôi biết mẹ không lo lắm đâu. Bà là tay nội tướng có tài. Bà sẽ đọc một diễn văn ứng khẩu kêu gọi bọn tôi vào một buổi sáng đẹp trời của một ngày chúa nhật đầu tháng nào đó. Diễn văn hùng hồn đó nhằm đánh thức lương tâm chúng tôi, hâm nóng tình tương trợ cũng là nhắc nhở sự tinh giảm chi tiêu của chúng tôi về mọi mặt như: đôi guốc mòn bằng lưỡi dao cạo cũng nên triển hạn ngày vứt ra thùng rác. Như đôi xăng đan đứt quai cũng nên dùng kim khâu lại đi tạm vài tuần. Như nhịn nước mía, nhịn phở đi, dù chỉ có độc nhất một lần trong mỗi tháng mà chờ đến tháng sau, mẹ thong thả hơn cái đã.
Góp gió nhỏ thành bão to, mẹ sẽ có một số tiền gửi về cho hội đóng góp, đặng làm tròn sứ mạng của một người đầy nhiệt tâm, lúc nào cũng nặng lòng với việc nghĩa và sẵn sàng làm đẹp quê hương, dù sự làm đẹp này có tổn hại đến quyền lợi vật chất của đàn con cũng cam tâm!
Ấy, vị Bộ trưởng Nội vụ cái quốc gia nhỏ bé của chúng tôi vẫn hành động ngang nhiên như thế quen rồi, vượt qua mặt vị Nguyên thủ quốc gia (là ba tôi) mà chưa bao giờ thèm bóp kèn báo hiệu hay mở đèn xanh đèn đỏ gì ráo. Ba tôi, dù có biết cũng không hề chống đối một câu. Do đó, mẹ tôi không bao giờ bận tâm về điều này.
Có bận tâm chăng là vụ sáng tác thơ và truyện ngắn kia. Bà thủ quỹ hội đã cho mẹ tôi vào tròng bằng những lời lẽ sau đây (cam đoan chép y bản chính không thêm không bớt, cả cái dấu phẩy cũng không sai).
... "Mình tin vào chị lắm, mong rằng chị đừng làm mình và nhất là các bạn ngoài này thất vọng. Mình vẫn nhớ mấy bài thơ chị sáng tác đăng trong bích báo năm tụi mình học lớp nhì và bài đoản văn năm lớp nhất. Ngay cả cô Túc mà còn chịu nữa, nhớ không? Thôi, cố gắng một chút đi, mình biết là gác bút lâu, chị có thể hơi lúng túng lúc đầu, nhưng rồi đâu sẽ vào đấy cả, sau khi viết được mươi giòng... Đồng ý không nào?..."
Đồng ý hay không thì chỉ có trời mà biết. Song kể từ hôm đó mẹ tôi đặt hết tâm trí vào điều ký thác của bạn bè (có vẻ hăng say nữa là khác). Mẹ đóng cửa phòng, đuổi cả đứa con út vẫn bám theo bên lưng như một cái đuôi đặng rảnh rang mà làm tròn phận sự.
Tối tối, hơn 10 giờ vẫn còn thấy đèn trong phòng mẹ sáng rỡ, ba từ lầu hét chõ xuống:
- Thôi, xin mợ! Ngủ đi cho rồi. Khéo bày đặt, già rồi mà còn bắt chước tụi con nít văn nghệ với văn gừng, ba cái báo chí tầm phơ, bá láp.
Coi bộ chạm vào tự ái, mẹ tôi cũng la lên:
- Anh nói cái gì kỳ vậy? Ai bắt chước con nít bao giờ đâu? Văn nghệ văn gừng là cái gì? Đừng có giở giọng khinh mạn người ta mà phải tội. Anh nên nhớ nghề cầm bút là một nghề cao quí cũng như những nghề lương thiện khác...
- Chớ ai nói nghề cầm bút bất lương hồi nào đâu? Tôi có bao giờ dám chê bai bà bạn thi sĩ của mợ đâu mà nóng mặt? Có điều... có điều tôi muốn mợ giữ gìn sức khỏe, đừng có thức khuya, vì mợ mà đau ốm thì khổ cha con tôi, chớ bà bạn thi sĩ ở xa, làm sao mà chia sẻ, biết chưa? Theo tôi nghĩ, thà mợ gửi tiền ủng hộ, còn việc sáng tác thì... để cho người khác, mợ mà tập tễnh theo đòi nghề cầm bút thì rồi chả mấy chốc mà cha con tôi ăn toàn cơm khê với rau héo, cá ươn, cho tôi can!
- Tôi không định trở thành cây bút chuyên nghiệp, tôi chỉ đóng góp chút bài vở với bạn thôi. Nhưng ông đã nói với giọng đó, có ngày tôi sẽ trở thành chuyên nghiệp cho coi, ông cấm tôi không nổi đâu, miễn cha con ông không phải ăn cơm khê, rau héo, cá ươn là được rồi. Ông không có quyền cấm đoán người ta làm điều tốt đâu, ông ạ!
Giọng mẹ tôi chắc nịch, tin tưởng, thách đố. Khi nào mẹ gọi ba bằng ông là bà tuyên chiến đấy nhé! Ba phải cầu hòa tức khắc, ba cười khà khà:
- Nghĩa là theo ý mợ thì... một người phụ nữ có thể vừa sáng tác văn chương, vừa sáng tác con nít, nghĩa là cùng một lúc có thể có con tinh thần, có con vật chất mà vẫn săn sóc chúng đầy đủ, không thiếu sót bổn phận phải không?
- Chứ sao!
Giọng mẹ lại chắc nịch, tin tưởng, thách đố. Ba lại cười khà khà:
- Tôi không tin mấy, bằng cớ là hiện nay mợ không có triệu chứng gì tỏ ra có đầu óc văn chương. Hễ ngày nào mợ định sáng tác chuyên môn thì tôi phải lo thân trước: đi học khóa làm bếp giỏi của bà... bà gì đó tụi bây?... Phải, đi học khóa cấp tốc ba tháng chứ bao nhiêu...
Nói xong, ba lại cười to đắc ý. Mẹ tắt biến đèn trong phòng. Tôi biết là trong khi đầu óc bực bội, mẹ không thể nào sáng tác được. Tôi thật ân hận, phải chi tôi mà có tài như vài người bạn trong lớp, tôi đã giúp mẹ việc này rồi.
Nhưng các bạn đừng tưởng là mẹ chịu thua đâu. Khi câu chuyện sang tuần lễ thứ hai thì cũng là lúc mẹ tôi qua thời kỳ thai nghén khó nhọc, sản xuất được hai bài thơ và một truyện ngắn. Mẹ nói là hai bài thơ để cho bà bạn lựa chọn một bài vừa ý. Truyện ngắn thì là một hồi ký về những ngày còn cắp sách đến trường của chính mẹ. Không có gì đặc sắc nhưng cũng tàm tạm. Hai bài thơ thì một bài có mấy câu như thế này đây:
... Mùa hè ơi, ta chẳng muốn bao giờ,
Mi trở lại để ta phải lìa các bạn"
Còn bài kia:
"Xin thú thật tôi không là thi sĩ,
Nên thơ tôi không cạn ý, hết tình"
Theo tôi thì bài thứ hai hay hơn, phải không các bạn? Đưa cho tôi thưởng thức trước, điều đó tỏ ra mẹ tin cẩn đứa con đầu lòng lắm đây chư không phải chuyện chơi đâu. Mấy đứa kia đừng hòng. Xong đâu đấy, mẹ tôi thân hành mang tận bưu điện trung ương, gửi bảo đảm.
Trưa hôm đó, tôi thấy mẹ ngủ ngay sau bữa cơm, một giấc coi rất ngon lành, vô tư lự! Tôi biết rằng con tằm sau khi nhả tơ, rút ruột đã rất khoan khoái, nhẹ nhõm trong người (đây là con tằm người ta chứ không phải con tằm bướm).
Chiều đó, nhằm thứ bảy, em trai tôi bãi học sớm. Mẹ và ba đi ciné (một cách giải trí sau những ngày mệt nhọc?) Tôi nhìn cái đầu tóc bồm xồm của nó mà lo lo. Tôi bảo:
- Vũ. đi cắt tóc cho rồi, để mẹ la à!
- Mẹ quên rồi, chị nhắc làm chi? Bữa nay thợ ăn mắc lắm...
- Bộ mày muốn mẹ la lây cả nhà hở? Mẹ mà quên... tại mẹ bận... nhưng giờ mẹ rảnh rồi.
- Ở nhà cắt cũng được, cắt tiệm làm chi cho mệt?
- Cắt ở nhà? Ai cắt cho mày? Đừng hòng nhờ tao nghe chưa?
Tôi sợ nó bày chuyện hành hạ tôi, tôi chỉ cắt cho hai đứa em gái thôi, cắt tóc con trai gì được? Nhưng nó đã khinh khỉnh nói:
- Ai nhờ chị đâu mà la lên? Người ta tự cắt lấy...
- Chà! Chì há! – tôi gặng nó – ai bày mày vậy?
- Ai bày? Người ta làm được mình làm được, cần gì phải bày vẽ lôi thôi. Em nhớ hồi cậu M. bên tây về, cậu đóng cửa phòng cắt một mình đó sao?
- Kể gì? Cậu cắt một mình quen rồi, với lại bên ấy mắc, cậu phải tập cắt lấy... chớ bộ tướng mày thì...
- Giờ ở đây cũng mắc vậy... (như chợt nhớ ra, nó kêu lên, bất bình). Nè, chị cả, sao chị cứ mày tao với em chi vậy? Không lịch sự chút nào hết! Chị phải kêu em bằng em, tập đi cho quen coi. Em lớn rồi chị không thấy sao? Mày tao hoài kỳ chết, mà mẹ la chị đó nghe!
Thằng này hôm nay coi bộ hách dữ. Nó dám bắt bẻ tôi nữa chớ. Tôi cáu lắm, nhưng nghĩ nó nói cũng phải, mẹ tôi vẫn rầy về điều đó. Tôi cũng muốn chị em với nó đấy, hiềm vì mình quen mày tao đi rồi, dễ gì trong bỗng chốc mà thay đổi lối xưng hô cho được?
Tôi còn đang ngẫm nghĩ thì nó dịu giọng:
- Chị Thu ơi! Cho em mượn cái kéo đi!
- Đừng giỡn chớ! Cái kéo này mẹ mua cho tao, à quên, mẹ mua cho chị để cắt tóc mấy đứa con gái, chớ đâu phải cắt tóc con trai. Tóc mày... tóc em cứng như rễ tre làm hư kéo đi sao?
- Chị làm như em không phải là con mẹ vậy đó... con trai không phải là con mẹ, em chị sao? Em có ưng tóc em cứng đâu, tại mẹ đẻ ra như vậy chớ...
Giọng nó chợt trầm xuống, buồn buồn, làm tôi động lòng:
- Thôi, được rồi, để ta cho mượn.
Tôi nói và vào phòng lấy kéo cho nó mượn, lòng thầm tự khen: đã chọn được một tiếng trung dung, tiếng ta. Chao! Cái tiếng mới thần tình, kỳ diệu làm sao: không có vẻ quá cứng dắn như tiếng tao mà cũng không quá dịu hiền như tiếng chị. Nó giữ được cái thể thống của một bề trên, mà lại vừa thân mật với kẻ đối thoại. Ta, ta, ta! Tôi thích tiếng này biết bao nhiêu! Và tự hứa sẽ dùng nó hoài hoài.
Nhận cái kéo trên tay tôi, Vũ chạy bay ra vườn, không quên đem theo cái kính soi mặt. Tôi ngồi dựa ra xa lông đọc báo. Mấy khi mà được thong dong lục lọi đọc báo không bị mẹ kiểm duyệt trước như thế này?
Một chốc sau, tôi còn đang vùi đầu trong mấy cái tin lặt vặt thì có tiếng con Hà nheo nhéo bên tai:
- Chị Thu! Ra coi nè! Anh Vũ cắt tóc hay lắm, mau đi!
Tôi bực mình nhưng cũng buông vội tờ báo, ra vườn. Eo ơi! Thằng em trai của tôi đã tự xén cái đầu nó trở thành lam nham, xấu xí hết sức. Tôi và con Hà cùng cười lên sằng sặc. Vũ buông cái kính xuống, sừng sộ:
- Bộ người ta làm hề cho mấy người cười hả? Kệ người ta, can gì mấy người...
Hà đề nghị:
- Thôi, anh năn nỉ chị Thu sửa giùm lại cho rồi, chớ để vậy coi sao được.
Vũ chộp lấy cơ hội:
- Ờ! Phải đó! Sửa giùm Vũ đi chị Thu! Tội em mà... em cắt hư lỡ rồi...
Tôi hứng chí vì được cầu cạnh song vẫn nhớ tới cái thói hay trêu chọc của nó nên còn làm khó dễ để trả thù:
- Dễ gì sửa, mày phải biết: sửa khó hơn cắt, cũng như may áo vậy, khi nào sửa cũng mất công hơn may. Thà hồi nãy mày nhờ tao cắt, phải hơn không? Mày đã tự tiện làm lanh thì mặc kệ mày...
Mặc dù tôi trở lại với lối xưng hô bất lịch sự, Vũ vẫn không phiền hà gì, nó tiếp tục nài nỉ và sau rốt, nó nổi nóng, vùng vằng:
- Thôi, không cần, hết sức thì mẹ la là cùng...
Con Hà tỏ ra sáng suốt hơn:
- Mẹ sẽ la lây hết cả lũ. Chị Thu kỳ quá, sửa giùm ảnh cho xong đi mà...
Nghe Hà nói, tôi không khỏi giật mình. Thế là tôi đành phải cầm kéo nhuận sắc lại mái tóc rễ tre của thằng Vũ. Tôi được dịp tỏ cho hai em biết cái tài khéo léo của tôi: tôi nhắp nhắp bên này vài nhát, bên kia vài nhát, tay kéo, tay lược, tả xông hữu đột trên đầu Vũ. Nó ngồi yên chịu trận, tuy có vẻ rất bực mình mà đâu dám kêu ca.
Tuy vậy, hễ tôi mà hướng cái kéo về phía ót nó là nó la lên oai oái:
- Thôi chớ! Chị cắt ngắn ngủn, kỳ lắm! Tụi bạn em trên trường tóc dài hơn tóc em mà chưa hớt đó, nói cho chị biết!
- Mày giỏi thì tự cắt đi! Đã nhờ người ta còn làm bộ... Tưởng tao ham làm thợ cắt tóc không công lắm sao?
Cãi cọ nhắng lên một hồi rồi đâu cũng vào đó hết. Tôi hoàn tất kỳ công một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Hà lại gần phê bình một câu làm tôi rất hài lòng:
- Ý chà! Chị Thu cắt coi bộ còn nghệ thuật hơn hiệu Nghệ Thuật mà anh Vũ hay đi cắt ở đường Nguyễn Thiện Thuật đó nghe!
Láy đi, láy lại được ba tiếng thuật trong một câu, em gái tôi rất thích chí, cười dài. Nó nói không ngoa: Tôi tự thấy tôi không thua gì thợ cắt tóc chính cống ngoài hiệu – xin mở cái dấu ngoặc – thợ chính chứ không phải mấy tay mơ vừa học việc vài tháng đâu, nghe! Vũ chộp cái gương, săm soi một lát cũng cười hài lòng nhưng lại nói khác đi:
- Vũ sợ chị làm hư đầu tóc Vũ quá, thôi vậy, cũng... tàm tạm...
Tôi nghe hai tiếng tàm tạm liền nổi nóng:
- Mày giở giọng gì vậy? Cái gì tàm tạm? Đồ vô ơn!
- Kìa, thi ân bất cầu báo, chị quên sao? Làm ơn mà kể hóa hết hay... Chị đừng quên chớ!
Lại con hà chen vô làm tôi phì cười, nguôi giận. Rồi cũng chính nó đề nghị:
- Anh Vũ nên tỏ ta biết chuyện: đãi chè chị Thu với em một bữa đi!
- Tiền đâu mà đãi chè? Mày chỉ mong có chuyện ăn thôi.
- Ủa, chớ chị Thu cắt tóc cho anh đó, dư tiền mẹ cho đi ra hiệu, để chi?
- Phải! – Tôi nhớ sực chuyện này, phụ họa liền – Mua chè ăn đi, Vũ?
15 phút sau, chị em chúng tôi thực hiện đúng lời đề nghị của con Hà. Chè đậu xanh ngọt lịm, mát lạnh khiến chúng tôi trở thành hòa thuận, gần gũi nhau hơn.
*
Mọi việc êm xuôi. Tôi tự phụ đã tạo được thành tích đáng kể: tôi đã cắt tóc khéo cho đến nỗi mẹ không ngờ vực gì hết. Vũ không bị xén ngắn như thợ ngoài hiệu theo đúng lời mẹ. Chắc trong bụng nó thích lắm: vì nó mon men đến gần mái tóc thời đại của các bạn mà không bị khiển trách! Nhưng thật xui: ngày vui ngắn chẳng tày gang. Tôi quên là mẹ có thông lệ khám xét đầu các con vào chúa nhật để coi có sạch sẽ không, tóc tai đàng hoàng không. Đến lượt Vũ, mẹ chiếu cái nhìn lên mái tóc rễ tre của nó rất lâu, đặt câu hỏi:
- Tóc tai gì kỳ cục thế này? Con đi cắt lúc nào mà dài vậy?
Không quen nói dối, Vũ thú thật là mới cắt chiều qua.
- Ai cắt?
Sao mà mẹ tôi tinh thế không biết? Câu trả lời:
- Dạ, chị Thu!
- A! Lại chị Thu! (mẹ quay sang tôi) Con cắt kiểu gì mà dài vậy, hở Thu?
- Thưa mẹ, tại không có cái tông đơ làm sao cắt ngắn được nữa?
- Ai bảo con làm thợ cắt tóc? (không đợi tôi trả lời, mẹ tiếp luôn) tụi bây luôn luôn qua mặt mẹ. Cắt ở nhà đặng có cớ để dài chứ gì? Nếu con định cắt tóc lũ em trai thì mẹ sẽ đi mua cho cái tông đơ nghe?
Tôi nhảy nhổm lên:
- Thôi, mẹ ơi! Con đâu có muốn cắt tóc tụi con trai! Tại vì thấy nó cắt lam nham kỳ quá, con phải cắt giùm đó chớ, mẹ. Mẹ mà bắt con cắt tóc cho tụi con trai thì con đầu hàng luôn. Tóc gì như là rễ tre, đau tay quá trời đi.
- Vậy chớ thợ đó thì sao?
- Thợ họ cắt ăn tiền, còn con, mẹ đâu có trả tiền! Cắt cho hai đứa con gái mà cũng đủ chết rồi nữa là...
- À, con muốn ăn công hở? Cũng được. Từ nay mỗi lần cắt tóc tụi nó, cứ tính đi. Hễ ngoài hiệu bao nhiêu thì trừ đi một nửa, mẹ sẽ trả cho con một nửa.
Chưa được đồng nào mà tôi đã cảm thấy thân phận công nhân bị bóc lột rồi. Ấy, thưa bạn, tôi vốn rất có tinh thần tranh đấu. Tôi phản đối liền:
- Sao lại một nửa, hở mẹ?
- Kìa, vậy chớ ngoài hiệu họ mở cửa hiệu họ chịu thuế má, sắm bàn ghế, gương lược, nước hoa nọ kia... Còn đây, con có phải sắm gì không? Kéo dao mẹ sắm, ghế bàn, gương lược cũng mẹ sắm sửa hết cho con mà.
Nghe có lý quá, phải không, thưa bạn? Tôi liền thỏa thuận điều kiện mẹ đưa ra. Mẹ tôi đề nghị thêm:
- Nếu con muốn hớt cho hai thằng con trai, mẹ sẽ mua cho con cái tông đơ...
- Thôi, thôi! – tôi la lên – Con không hớt cho con trai đâu, mẹ ơi!
- Thì thôi, mẹ không ép con đâu.
Tôi cao giọng bảo hai em:
- Tao sẽ có tiền, tiền công cắt tóc, tụi bay phải biết...
- Em biết chị từ lâu rồi mà, khoe làm chi!
Mẹ dặng hắng:
- Mẹ sẽ trả tiền cho con đàng hoàng, nhưng con phải đưa lại cho mẹ...
Kỳ không! Mẹ trả tiền mà phải đưa lại cho mẹ thì trả chi cho mang tiếng? Tôi cằn nhằn:
- Mẹ nói gì vậy? Thà mẹ đừng trả còn hơn...
- Để mẹ nói hết nào: con đưa lại mẹ để mẹ gửi vào quỹ tiết kiệm tên con chứ đâu phải mẹ giữ làm của mẹ mà con lo!
- Nhưng mẹ gửi vô đó thì con làm sao tiêu được? Chán chết!
- Sao lại chán? Sao lại không tiêu? Chừng con lớn, con sẽ trọn quyền sử dụng trọn món tiền. Còn bây giờ nhỏ, tiêu pha bậy bạ hư người đi. Khi nào có gì đáng tiêu, xin mẹ mẹ sẽ cho.
Ôi chao! Cứ nghe giọng mẹ tôi nói thì chương trình của bà rất hay ho, hoàn hảo. Nhưng khi đụng vào thực tế thì... gai góc biết bao nhiêu. Nhưng mẹ đâu có để tụi nhỏ chúng tôi có thì giờ mà suy diễn điều khôn, lẽ dại! Mẹ trở về chuyện mái tóc Vũ liền:
- Chiều mai đi học về phải ra hiệu cắt tóc ngay đi. Trông ngứa mắt quá, mẹ chịu không nổi.
Vũ im lặng, mẹ lập lại lần nữa. Vẫn không thấy nó dạ thưa gì, mẹ có sắc giận:
- Vũ, con có nghe mẹ dặn không? Chọc tức mẹ phải không?
Tôi vội vàng lên tiếng:
- Thưa mẹ, nếu mẹ biểu nó cắt tóc thì mẹ... phải cho tiền, nó không dám xin mẹ, nó sợ chớ không phải...
- Ủa, lạ chưa, vậy chớ tiền mẹ cho tuần trước để đâu?
- Thưa mẹ, tụi con ăn chè hết rồi.
- À! Lại có chuyện đó nữa. Đoàn kết dữ há? Ai bày đầu? Ai cho phép dùng tiền cắt tóc ăn chè?
- Thưa mẹ, con!
Hà nhận tội. Mẹ tôi nhìn nó chăm chăm:
- Hà! Con làm cố vấn cho anh con từ bao giờ?
- Thưa mẹ, con không có làm cố vấn. Tại anh Vũ cắt tóc ở nhà, con thấy xấu quá, con nói chị thu cắt lại giùm, rồi dư tiền, rồi con mới bàn...
- Giỏi lắm. Tụi bay rất giỏi tiêu tiền. Hèn chi, mới nghe bảo gởi tiền vô quỹ tiết kiệm là xụ mặt xuống rồi...
Ba can thiệp:
- Thôi, tội con. Trong việc này tôi thấy con không có lỗi. Chính mợ mới là thủ phạm...
- Tôi? Chắc ông muốn tôi quất cho con ông vài chục roi nên mới chen vô... Đời tôi, tôi ghét nhất là bảo một đàng làm một nẻo. Phải tập có kỷ luật cho quen đi, kẻo sau này...
- Cho tôi can mợ đi. Chuyện kỷ luật đã có hàng tướng lãnh và quân đội đảm trách. Mình là xi vin mà! Tôi...
- Tôi không giỡn với cha con ông...
- Coi, mợ làm gương xấu cho con thấy chưa? Mợ ngắt lời tôi. Nghe đây này: Theo dõi mẹ con mợ nãy giờ tôi biết là mợ đã để cho các con tôi thiếu chất ngọt quá lâu trong thời gian mợ mải lo trước tác. Vì vậy, những công dân lương thiện của tôi mới đến nỗi quên cả luật pháp mà nhúng tay vào tội lỗi. Thôi mợ phải xí xóa đi. Hai chúa nhật liền mà mợ cũng không cho cha con tôi được nồi chè, trách chi...
Lần thứ nhất, tôi thấy Nguyên thủ quốc gia át tiếng Bộ trưởng Nội vụ! Sau vài câu bàn cãi nữa, đôi bên đồng ý đi đến kết luận rất dễ dãi: có một nồi chè ngay tối thứ hai.
Buổi họp kết thúc trong vòng thân mật và vui vẻ. Bọn dân đen chúng tôi hoàn toàn thắng lợi. Thật đáng hoan hô và ghi ân vị Nguyên thủ quốc gia!
MINH QUÂN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 92, ra ngày 3-6-1973)