Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Chiếc Áo Màu Thiên Thanh

 Một vài chị em cùng lớp, đã đặt cho Mai một tên hiệu: "Mai mùa đông" nghe kỳ quặc thật!

Tại sao họ lại đặt cho Mai cái tên kỳ dị ấy? Bởi vì, họ thấy Mai không bao giờ có  một chiếc áo màu, hay một chiếc áo "ny lông" mỏng mảnh như họ. Quanh năm ngày tháng Mai chỉ mặc những hàng vải trắng hay bằng lụa đen. Một lẽ khác nữa, vì Mai chăm học và học giỏi. Mỗi lần cao điểm thấy Mai đứng đầu, mấy cô bạn nhác học, bĩu môi mói mỉa:

- Ừ, nó nhịn để "gạo" mà không nhất sao được?

Những cô, mỗi ngày thay hai, ba lần áo, thấy Mai không thích diện như mình, tỏ vẻ thắc mắc:

- Ờ, tại sao con Mai lại ưa thứ vải dày thế chúng mày nhỉ? Hay là gia đình nó nghèo?

Một cô vội vàng cải chính:

- Không nghèo đâu! Tao biết nhà nó, ba nó làm công sở mà!

Một cô sâu sắc hơn, tìm ra được câu trả lời hợp lý:

- Nó thích mặc dày, vì nó sợ rét! Chúng mày không biết à? "Mai mùa đông" mà lỵ!

Cả bọn nhao nhao lên tán thành:

- Đúng thế, đúng thế! "Mai mùa đông"! Mày nói chí lý lắm!

Thế là cái tên kỳ dị "Mai mùa đông" đã từ miệng này qua miệng khác, dần dần lan ra cả lớp. Mai cũng thoáng nghe một hai khi cái tên ấy, nhưng không lấy làm điều, vì chưa hiểu thâm ý của nó.

Họ nghĩ oan cho Mai quá. Có phải Mai không thích ăn mặc như họ đâu. Con gái mới lớn lên, ai lại không thích có áo quần cho đúng thời trang để làm tăng vẻ đẹp của mình. Nhưng vì ba má mai không muốn. Nhiều lần Mai lặng ngắm nhìn một cách thèm thuồng các chị em thướt tha trong những chiếc áo lụa màu mỏng mảnh, kiều diễm như những nàng tiên. Mai cảm thấy thua sút chúng bạn, nhất là trong các buổi lễ, các nữ sinh diễn hành trên đường phố. Họ như bước đi trong ánh sáng. Những tà áo tung bay dịu dàng như muôn cánh bướm. Trái lại vạt áo của Mai phải có cơn gió mạnh mới bay lên được một tí!

Mỗi lần như thế, Mai nhất định về nhà sẽ đòi ba má may mặc cho như các bạn. Nhưng rồi Mai lại nhớ lời má nói hôm nào:

- Con ơi, không phải ba má ghét bỏ con, không cho con đua đòi theo chúng bạn. Chỉ và ba má thấy mặc quá mỏng mảnh không được nết na bao nhiêu. Người con gái muốn giữ phẩm hạnh mình, không nên ăn mặc như thế. "Cái nết đánh chết cái đẹp", con ạ!

Không được ba má cho như ý, Mai cũng buồn, nhưng cô lại tự an ủi mình:

- Cha mẹ bao giờ cũng khôn ngoan hiểu biết hơn con. Đạo làm con vâng lời cha mẹ là hay hơn cả!

Một hôm, vào những ngày học cuối năm, đến giờ chơi, các nữ sinh thường tụm năm tụm bảy để khoe với nhau về những chiếc áo mặc Tết. Một cô bạn không biết vô tình hay hữu ý, đã cắt nghĩa cho Mai nghe thâm áy danh hiệu "Mai mùa đông".

Mai đỏ mặt, vừa tức giận, vừa xấu hổ. Về đến nhà, cô vất sách xuống bàn, chạy vào phòng ôm mặt khóc nức nở. Bà Hương ở dưới bếp, nghe tiếng con khóc liền chạy lên. Vừa thấy má, Mai khóc to hơn.

Bà Hương ngạc nhiên hỏi dồn dập:

- Mai, làm sao mà con khóc? Có ai làm gì con phải không?

Mai mếu máo:

- Con không đi học nữa, các chị em bạn chế nhạo con!

Bà Hương ngồi xuống bên con, ôn tồn:

- Làm sao mà họ chế nhạo con. Nín đi, nói cho má nghe rõ đầu đuôi. Khóc thế, không sợ các em con nó cười à?

Mai vẫn nức nở:

- Mấy chị thấy con bận áo vải, họ đặt tên con là "Mai mùa đông".

Bà Hương hiểu rồi: Từ lâu bà cũng đã thấy trước những lời ganh ghét ấy sẽ đến với con bà. Bà định bụng sẽ may mặc cho con như chúng bạn để cho con khỏi tủi hổ. Việc phải đến đã đến, bà cúi xuống đỡ Mai ngồi lên, lau nước mắt cho con và dịu dàng bảo:

- Có thế mà cũng khóc! Thôi, chiều nay học về, con đi với má ra chợ Bến Thành, con thích màu gì, má sẽ mua may cho.

Suốt buổi học chiều, Mai ở trong lớp mà lòng trí chỉ nghĩ đến các màu áo. Thỉnh thoảng Mai nhìn áo các chị em bạn, rồi lại giơ cổ tay như ướm thử, thầm nghĩ:

- Nước da mình trắng, rất thích hợp màu thiên thanh, thế nào mình cũng sắm một chiếc áo màu đó.

Rồi Mai lầm nhẩm tính:

- Một áo màu thiên thanh, một cái trắng và...

Mai chưa quen chọn màu áo, nên không biết sẽ mua màu nào nữa. Cô định bụng sẽ hỏi chúng bạn, nhưng lại sợ họ cười. Suy tính một lúc, Mai bảo mình, cứ đến phố rồi hỏi ý má. Mai muốn nói với mấy cô bạn đã đặt tên cho nàng:

- Ngày kia, tao sẽ mặc áo màu cho tụi bây hết chế tao nhé!

Tan học, mới bốn giờ chiều, Mai vội vàng ra về ngay chứ không chờ đợi mấy bạn thân về cùng đường như mọi ngày. Bỗng có tiếng gọi phía sau:

- Chị Mai! Chị Mai! Chờ em với.

Mai quay lại, thì Liên cô bạn cùng lớp mà nàng thích nhất, đã chạy đến:

- Chị có việc gì mà về vội vã thế?

Chả nhẽ nói trắng ra mình về vội để đi mua vải may áo, Mai giấu bạn:

- Có việc gì đâu! Bãi học rồi thì lo về. Mình là con gái đi kề cà giữa đường khó coi quá.

Liên mừng reo lên:

- Ồ, thế thì may quá! Em phiền chị đi chơi với em, ghé qua xóm dưới chợ Trương Minh Giảng một chút. Ba má em sai em vào lấy tiền nơi ông Biên ở xóm đó. Đi một mình, em sợ quá!

Sợ lỡ hẹn với má, Mai từ chối:

- Thôi, Liên đi một mình cũng được mà! Việc gì mà sợ?

Liên nài nẵng:

- Đi với Liên một chút, chừng 15 phút thôi, chứ không lâu đâu! Mai không đi thì Liên cũng về không dám đi một mình đâu!

Chẳng đừng được, Mai đành phải đi với bạn. Liên thấy bạn bằng lòng, nhảy cẫng lên:

- Ồ, em cám ơn chị lắm. Khi khác chị cần em, em lại giúp chị!

Mai gắt:

- Thôi cô! Chỉ được cái bẻm mép thì không ai bằng. Có đi mau cho người ta còn về kẻo tối chứ!

Hai cô sánh vai nhau, đi vội qua đường Trương Minh Giảng rẽ xuống. Quá chợ một quãng khá xa, Liên chỉ tay bảo Mai:

- Đường hẻm này chị ạ. Nhà ông ta ở phía trong kia, gần bên lạch rau muống.

Thật là một con đường hẻm, vừa chật chội, vừa bẩn thỉu. Đến trước một căn nhà nhỏ gần đường, Liên bảo Mai:

- Nhà ông ta đây rồi. Chị làm ơn đứng ngoài này đợi em một lát.

Mai đứng nhìn quanh. Nhà người ta ở chi chít nhau. Mái nhà này chạm mái nhà kia. Nắng chiều giọi xuống gay gắt, làm bốc lên một làn khí nặng nề khó thở, vì những nước dơ không chảy thông đi được. Có tiếng trẻ nhỏ nô đùa trong một nhà gần đó, khiến Mai nhìn vào. Dưới mái hiên căn nhà lụp xụp, hai em bé trần truồng như nhộng, đang chơi với nhau. Một em gái chừng tám tuổi, có lẽ là chị hai đứa kia, đang cặm cụi quét sân. Em bé này cũng không có áo, nó chỉ vận một chiếc quần đen đã vá nhiều chỗ. Đứng giữa đường có kẻ qua người lại bất tiện quá, Mai liền đi vào nhà ba em bé. Thấy có người lạ, em nhỏ nhất mếu miệng chực khóc.
 

Mai vội vàng ngồi xuống, vỗ về:

- Em đừng khóc, chị không làm gì em đâu!

Rồi nàng hỏi em gái lớn:

- Sao em không bận áo vào cho các em?

Cô bé bỏ chổi xuống, lễ phép trả lời:

- Thưa cô, áo các em cháu giặt chưa khô.

- Thì lấy cái khác!

- Thưa cô, các cháu chỉ có một cái áo thôi! Sáng nay ba cháu bảo cháu đem giặt cho sạch  sẽ, kẻo mai kia là Tết rồi.

Mai ngước mắt nhìn lên sợi dây thép chăng ngang trước sân, ba cái áo đã ngả màu, vá nhiều chỗ, đang phơi trên đó. Mai nghẹn ngào, cảm thấy xấu hổ với em bé. Đã có bao nhiêu áo xống tử tế, cô còn đòi may thêm những chiếc áo màu, trong lúc những em bé này, chỉ có mỗi một manh áo rách! Mai ngậm ngùi hỏi em bé:

- Ba em làm nghề gì?

- Thưa cô, ba cháu đạp xe xích lô, nhưng độ này ít khách quá. Có ngày các cháu chỉ ăn một bữa!

Mai ứa nước mắt, hỏi thêm:

- Thế má em đâu?

- Thưa cô, má cháu đi sinh em ở nhà thương.

Có tiếng Liên gọi. Mai vội vàng xoa đầu em gái lớn và nói:

- Thôi chị về đã, mai kia chị sẽ đem áo xống và quà lại cho các em.

Ra đến đường, Liên nói với Mai:

- Thế mà em cứ tưởng chị về mất rồi. Sao, chị có quen biết nhà ấy à?

Mai trầm ngâm trả lời:

- Đứng ngông nghênh giữa đường, người ta qua lại trông bất tiện quá, nên mình vào hỏi chuyện mấy em bé cho vui, chớ quen biết gì đâu!

Trên đường về, Liên hoan hỷ vì đòi được nợ. Ba má Liên đã hứa nếu đòi được, sẽ may cho chiếc áo mới. Mai lặng lẽ nghe bạn tả vẻ đẹp các mầu áo, nhưng lòng trí cô đang suy nghĩ một việc khác. Về đến nhà, Mai đã thấy má đang ngồi đợi. Bà Hương trách nhẹ con:

- Sao hôm nay về muộn thế con? Mau vào cất cặp rồi đi với má. Má còn về lo cơm nước nữa chứ!

Mai để cặp lên bàn, tươi cười ngồi xuống cạnh má:

- Má ạ, con không muốn may áo nữa!

Bà Hương ngạc nhiên:

- Rõ nỡm chưa! Hồi sáng thì khóc đòi may cho được, giờ lại thôi. Sao mà mau thay đổi thế cô?

Mai nắm lấy tay mẹ, nói nhỏ nhẹ:

- Con muốn thưa với má một chuyện.
 
Đoạn nàng kể lại cho má nghe tình cảnh các em bé nàng gặp hồi nãy, rồi nói tiếp:
 
- Con muốn xin phép má cho con lấy số tiền ấy để mua áo và qua cho các em bé đó.
 
Bà Hương âu yếm nhìn con:
 
- Thì con cứ may đi, rồi má sẽ cho thêm để mua quà và áo cho mấy em bé đó, có là bao nhiêu đâu!
 
Mai lắc đầu nũng nịu:
 
- Nhưng mà con muốn hy sinh một chút để cho khỏi tốn thêm tiền của ba má. Vả lại, áo xống con còn nhiều!
 
Bà Hương mỉm cười vuốt ve con:
 
- Thế cô không sợ chúng bạn chế nhạo là "Mai mùa đông" nữa à?
 
Mai ngả đầu vào lòng má:
 
- Con không sợ nữa má ạ! Những người nghèo khó kia, không áo mặc có sợ ai cười đâu!
 
Bà Hương cảm động, ôm chặt lấy con, cúi xuống hôn lên mái tóc con. Nước mắt bà trào ra: một niềm an ủi dâng lên tràn ngập lòng bà. Trong đời bà, đây là lần thứ nhất, bà cảm thấy thấm thía cái hạnh phúc được làm một người mẹ.


GIANG THẢO        

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn "Chiếc Áo Màu Thiên Thanh")
 

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Danh Ngôn 228

 

Tiết độ và làm việc là hai y sĩ thật của con người. Làm việc khiến con người thèm ăn và tiết độ không cho con người ăn quá.
J.J. ROUSSEAU

Ai cũng muốn sống lâu mà không biết cách dưỡng sinh.
Ai cũng biết ăn uống quá độ thì ốm đau mà không biết giữ miệng.
BẢO PHÚC TỬ

Những cách làm cho sống lâu là: Hiền, Tiết kiệm, Hòa thuận và Trầm tĩnh.
CỔ NGỮ

Cho được làm chủ người, trước hết phải làm chủ bao tử mình đã.
L. LAFFITE

Người mê ăn dùng răng tự đào huyệt cho mình.
NGẠN NGỮ KINH

Ăn ít hơn hai lần, ngủ nhiều hơn hai lần, uống nhiều hơn ba lần, cười nhiều hơn bốn lần và bạn sẽ sống lâu như Bành Tổ.
BS. KELLOG

Bớt lo, bớt sầu, đừng phiền, đừng não, là những cách khiến cho tâm ta bớt được nhiều bệnh.
NGUYỆN THỂ TẬP

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 228, ra ngày 1-11-1974)

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Thu Phai

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cuối thu trời xám một màu
Cánh đồng khô cỏ, lũ trâu lờ đờ
Thu phai giòng nước lững lờ
Vạt rau úa lá, ruộng trơ gốc vàng

Cuối thu sương khói mênh mang
Bóng người xa khuất sau hàng liễu xanh
Ai ngồi đan áo bên mành
Bao làn gió buốt mong manh áo sờn

Sáo diều vi vút cuối thôn
Từng cơn mưa thấm lạnh buồn hồn ai
Dế kêu não nuột canh dài
Đèn khêu chiếu vách có phai tấc lòng

Trong hơi thu lạnh mênh mông
Mây trôi phương ấy nhạn trông én về
Chiều chiều ra đứng chân đê
Dõi trời cao ánh trăng thề lẻ loi

                                                THƠ THƠ
                                             (Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Thấp Thoáng

 


Tôi ngập ngừng nép vào một bên rào, dưới giàn bông giấy đỏ rực rỡ, nhìn qua cổng: mợ Hai đang cắm cúi xới đất trong chậu lan giữa vườn đầy yên lặng. Những cánh hoa lan mầu hồng pha tím thật tươi dưới ánh nắng mai. Lá cây trong vườn xanh ngắt. Nắng dịu dàng xuyên qua kẽ lá rọi bóng lung linh trên nền đất, trên đám cỏ xanh mướt. Thấp thoáng những cánh bướm đủ màu trên các chậu hoa trước sân nhà, vang vang ở một góc vườn tiếng chim ríu rít. Tất cả tạo nên một khung cảnh yên bình hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình quá xa lạ với những hình ảnh êm đềm hiền hòa này. Nỗi lo sợ và ngại ngùng vây quanh tôi.

Tay tôi bỗng dưng chạm nhẹ vào chốt gài cổng. Mợ Hai ngẩng lên, ánh mắt thoáng bỡ ngỡ. Tự nhiên tôi bước nhanh ra trước cổng.

- Kìa Phúc! Con về đó hả?

Tôi nghe xúc động dâng cao trước tiếng gọi đầy vui mừng, đầy thương mến. Mợ Hai nhận ra tôi. Một người cháu bên chồng cả năm mới gặp một lần.

Tôi khẽ gọi:

- Mợ Hai!

Mợ Hai vội vã ra mở cổng. Nắm tay tôi kéo nhanh vào trong, mợ Hai âu yếm hỏi han:

- Trời ơi! Con đi đâu vậy Phúc? Ba đánh tin xuống cả nhà hết hồn. Cậu Hai đi tìm con khắp nơi mà không gặp. Ngoại lo buồn biết bao nhiêu con biết không?

Tôi cúi đầu lặng thinh. Mợ Hai lắc nhẹ tay tôi:

- Hả Phúc? Con đi đâu mấy tháng nay vậy? Mẹ chết mới một tuần là con bỏ đi mất biệt.

Tôi ngẩng lên cười chua chát:

- Mẹ chết rồi, ba đâu có thương con mà con ở. Con đi cho ba đỡ lo.

Mợ Hai dịu dàng vuốt tóc tôi:

- Đừng nói vậy, con! Ba thương chớ sao không thương. Mà còn ngoại, cậu mợ, mấy dì dưới này đây. Sao con lại bỏ đi hở Phúc? Ngoại lo lắng bỏ ăn bỏ ngủ. Ai cũng thương con, trông ngóng con hoài.

Tôi muốn bật khóc. tôi tưởng không bao giờ tôi còn được nghe những lời khuyên răn ngọt ngào, trìu mến từ khi mẹ tôi mất. Tôi tưởng mãi mãi tôi chỉ nghe những tiếng quát mắng, những lời nói mỉa mai, những câu chỉ trích nhỏ nhặt đến quen thuộc, nghe chai đá. Để cho tôi xứng đáng là con của một giáo sư gương mẫu.

Tôi nắm chặt tay mợ Hai để tình thương như dòng suối thấm mát cả tâm hồn. Có tiếng kêu to "Phúc!" Tôi quay lại. Chính chạy tới vỗ vai tôi thật mạnh. Tôi siết vai Chính, người anh họ đồng tuổi cũng là người bạn rất thân thiết tuy ít gặp gỡ. Phía sau Chính, thấp thoáng một bóng dáng thùy mỵ với làn tóc đen buông xõa trên vai, với đôi mắt mở rộng chan hòa thương mến. Bóng dáng ấy của Chuyên, người chị họ ngoại mà tôi thấy hiện hữu tất cả những nét đẹp của quê ngoại dấu yêu.

Chính nhìn tôi thân mật đùa:

- Đi "giang hồ" vui không Phúc?

Mợ Hai nhìn Chính không bằng lòng. Mợ hỏi tôi:

- Con về ngoại chưa?

Tôi nhìn xuống đất:

- Hồi nãy con định về ngoại trước, nhưng... con sợ cậu Sáu.

Mợ Hai nắm tay tôi:

- Để mợ dẫn con về. Không ai rầy la gì con đâu. Con về là mừng rồi.

Chính choàng tay lên vai tôi:

- Con đi với Phúc nha mẹ!

Chuyên vừa đến bên mợ Hai, nhìn tôi khẽ mỉm cười:

- Phúc mới về hả?

Nụ cười Chuyên xinh tươi và đằm thắm xiết bao. Tôi liên tưởng đến nụ cười của mẹ tôi. Một ý nghĩ bâng quơ len nhẹ vào trí tôi. Lặng lẽ... Vu vơ...

*

Chính kéo tôi ra vườn sau. Buổi trưa thật êm ả. Chuyên đang ngồi đọc sách dưới bóng cây đu đủ, trên một chiếc ghế mây. Thật thanh thản và tự nhiên. Dáng nàng nghiêng nghiêng, làn tóc đen nhánh, mềm mại xõa xuống trang sách mở rộng.

Chính hỏi to:

- Chị Chuyên làm thơ hở? Đưa em đọc thử xem.

Chuyên ngẩng lên. Lại đôi mắt ấy, đôi mắt mở to một cách hồn nhiên, dễ thương như rất đỗi ngạc nhiên. Nụ cười thoáng bẽn lẽn khi thấy tia nhìn chăm chú của tôi. Vén nhanh làn tóc ra sau, Chuyên nhìn Chính gắt nhẹ.

- Thì đọc đi! Không phải lúc nào cũng thơ thẩn đâu.

Chính cầm quyển sách lên lật xem. Tôi đọc thấy tựa đề: "Ai lên phố cát".

Chuyên nhìn tôi hỏi:

- Phúc định về đây ở luôn hở Phúc?

- Có lẽ vậy. Em cũng chưa biết sao nữa!

Tôi ngước mắt nhìn những trái đu đủ non xanh thật xanh, deo vòng quanh thân cây.

- Mà chắc là em ở đây luôn với ngoại.
 
- Vậy Phúc học ở dưới này?
 
- Không, em không học nữa.
 
- Sao vậy? - Chuyên hỏi, vẻ ngạc nhiên và lo lắng.
 
Tôi cười nhẹ:
 
- Em còn học để làm chi nữa! Mẹ em...
 
Chuyên đứng dậy, đến gần tôi:
 
- Sao Phúc nói gì lạ vậy? "Học để làm chi"

Ánh mắt Chuyên thoáng đăm chiêu:

- Phúc định nghỉ học à?... Năm nay Phúc thi tú tài phải không, học thi cho vui. Hay là Chuyên quay nhanh lại nhìn tôi, mái tóc xõa rộng che lấp một bờ vai mảnh khảnh qua Tết này Phúc lên nhà cậu Hai đi học với chị và Chính.

Chính buông quyển sách lên ghế, vỗ vai tôi:

- Phải rồi! Lên học thi chung với tôi vui lắm! Chị Chuyên luyện thi cho em và Phúc đó nha.

Chuyên cười vui vẻ: "Được rồi!"

Tôi hỏi:

- Chị Chuyên cũng phải học thi tú tài đôi mà?

- Thì chị vừa học vừa luyện thi cho Phúc và Chính.

- Chị Chuyên chì lắm Phúc ơi!

Chính vừa nói vừa nhìn Chuyên cười, ánh mắt có vẻ chế riễu nhưng đầy thương yêu. Tôi cũng cười vui vẻ, cảm thấy lòng khoan khoái, nhẹ nhàng như vừa uống một chén nước dừa ngọt mát.

Chuyên hỏi:

- Vậy là Phúc bằng lòng phải không?

Nhìn đăm đăm vào đôi mắt chờ đợi của Chuyên, tôi gật đầu:

- Để em hỏi ngoại!

Chính nói: "Nội bằng lòng liền, nội lo cho tương lai Phúc lắm mà".

Nắng vẫn vui đùa trên mắt đất. Có tiếng gió rì rào trong lá cây. Buổi trưa sao êm ả vô cùng.

Chính nhìn lên cây ổi:

- Mình hái ổi cho Phúc ăn, chị Chuyên!

Chuyên quay sang tôi:

- Phúc thích ăn mận hay ổi? Để chị hái cho Phúc chùm mận này đẹp lắm.

Chuyên thoăn thoắt leo lên cây mận. Chiếc áo bà ba trắng của nàng thấp thoáng giữa đám lá xanh tươi rậm rạp. Một thoáng, Chuyên nhanh nhẹn nhảy xuống, phủi nhẹ quần áo, rồi đưa cho tôi một chùm năm trái mận to tròn, mơn mởn hồng.

- Dễ thương hở Phúc?

Tôi vẫn mải nhìn đôi mắt to đen lóng lánh của Chuyên:

- Dễ thương lắm!

Chuyên nhìn tôi rồi quay đi thật nhanh, màu hồng thoáng hiện trên đôi má.

Chính đưa tay gỡ nhẹ mảnh lá khô trên tóc Chuyên, rồi chỉ cây ổi gần đó bảo tôi:

- Hôm bữa, chị Chuyên đang ngồi đọc thơ dưới gốc cây này. Tôi chỉ một trái ổi thật to trên cao. Chị Chuyên nhìn lên, tự nhiên hét to, quăng tập thơ chạy vào nhà, mặt tái xanh. Tôi đến gần xem. Thì ra có một con sâu thật lớn, xanh lè, đánh đu ở nhánh cây ngay trên đầu. Chắc nó cũng say mê đọc tập thơ của chị Chuyên...

Chuyên lườm Chính:

- Ngạo chị vậy hoài. Chị méc ngoại...

Có tiếng mợ Hai gọi. Chính cười to chạy vào.

Chuyên quay sang tôi:

- Chính nó chọc phá chị hoài!

Tôi cãi:

- Không, em thấy Chính có vẻ hãnh diện có người chị như...

Tôi không nói tiếp, nhìn Chuyên khẽ cười trong yên lặng.

Chuyên nhìn tôi thoáng ngạc nhiên, rồi cúi xuống, chân dẫm nhẹ lên chiếc lá khô, tiếng lá vỡ vụn thật ròn.

Một làn gió nhẹ thoảng qua. Lá cây xào xạc. Nắng đến khu vườn này càng nhiều. Nắng trưa ở đây không gay gắt, nắng dịu dàng và nghịch ngợm. Nắng trải mình trên con đường sỏi dẫn vào nhà. Nắng làm đỏ rực mái ngói đỏ. Nắng làm ửng vàng mấy quả xoài, quả bưởi, quả cam, làm hồng hồng quả mận. Nắng nhẩy nhót từ trên ngọn cây, trên lá, xuống mặt đất. Nắng vây quanh Chuyên với tôi.

Nhìn chiếc lá vàng lung lay trên một cành cây thấp chực buông mình xuống đất, nhìn những bóng nắng khoét tròn động đậy trên mặt đất, tôi khẽ nói vu vơ:

- Người ta bao giờ cũng ca tụng quê ngoại.

Chuyên nhoẻn cười, ánh mắt trong vắt:

- Vì người ta bao giờ cũng yêu mẹ.

Tôi thờ thẫn đứng lặng. Có một nỗi chua xót trong lòng.

- Chuyên!... Mà em không còn mẹ nữa.

- Nhưng tình yêu mẹ vẫn còn mãi mãi chứ Phúc!

"Yêu mẹ mãi mãi" "Yêu mẹ mãi mãi". Những âm vang này nghe êm ái và trìu mến xiết bao. Lòng tôi như lắng dịu.

Gió làm rơi xuống vài cái hoa ổi từ trên cao. Một cánh hoa rớt trên tóc Chuyên. Tôi ngắm mãi mầu hoa trắng tinh anh trên nền tóc đen.
 
 Chuyên ngước nhìn tôi, mắt long lanh.

Tôi khẽ hỏi:

- Chị định bảo gì em?

- Sao Phúc không muốn học nữa?

Tôi ngạc nhiên:

- Em bằng lòng...

- Không, hồi nãy Phúc nói "học nữa để mà chi?"

Tôi lẵng lẽ nhìn đám lá xanh lung lay trước mặt.

- Mẹ chết rồi, mọi việc đều vô nghĩa đối với em. Em cố gắng học hành chỉ vì muốn đưa mẹ ra khỏi cảnh khổ đau triền miên.

- Không, mẹ chết nhưng hình ảnh yêu thương của mẹ vẫn còn sống muôn đời bên em. Em hãy sống sung sướng trong tình thương mẹ. Dù sao em cũng đã sinh ra và sống trên đời nầy, em muốn chối bỏ cũng không được. Em lớn như thế nầy biết bao nhiêu công lao của mẹ. Hãy quên chán nản mà tiếp tục xây dựng công trình của mẹ, nha Phúc!

Giọng Chuyên thật nhỏ nhẹ, thật hiền hòa.

Tôi thì thầm qua tóc Chuyên:

- Từ đây em sẽ không còn chán nản.

Khu vườn như yên lặng trong nắng. Chỉ nghe tiếng bước chân thật nhẹ của Chuyên.

Tôi nói với Chuyên:

- Chị đi với em ra mộ mẹ một lát nha!

Chuyên khẽ gật đầu.

Tôi bước từng bước lặng lẽ bên Chuyên, trên con đường đất chạy song song với một nhánh sông nhỏ, có hàng dừa cong vút rạp mình trên mặt nước yên tĩnh. Nắng chiều rực rỡ soi óng ánh làn nước lều bều những bèo xanh. Con đường rẽ sang hướng khác. Ở khoảng đồng xưa kia, lưa thưa những nấm mộ đất lún phún cỏ, từng tấm bia xô lệch. Mẹ tôi nằm nơi đó, trong cái mả vôi trắng toát mới xây, chơ vơ giữa bãi cỏ khô...

Tôi đứng trước mộ bia mẹ. Trầm mặc... văng vẳng xa những âm thanh mơ hồ hoang vu của buổi chiều nơi thôn quê... Tóc Chuyên bay bay.

Tôi chợt thở nhẹ, nói trong hơi gió:

- Có lẽ mẹ chết là giải thoát.

Chuyên đưa tay vén nhẹ những sợi tóc vướng bên má, mắt nhìn xa xăm:

- Mẹ chị nói cô Năm là người con gái rất xinh đẹp mà cũng rất bạc hạnh của nội.

- Chuyên biết không, mẹ em đã sống bao nhiêu năm giữa sự thù ghét của họ. Họ ghen ghét mẹ, muốn hãm hại mẹ chỉ vì mẹ đã từng hiện diện trong cái quá khứ tăm tối của họ và mẹ là người đem đến hiện tại huy hoàng cho họ. Bây giờ họ muốn bôi xóa tất cả những gì dính dấp đến dĩ vãng. Em biết được như thế qua những lần cãi nhau giữa ba và mẹ. Họ chính là ông, bà, cô, chú, bác của em.

Giọng tôi trở nên gay gắt:

- Nhưng chính ba mới làm cho mẹ  đau đớn khổ sở nhất. Ba dằn vặt, ba trách móc, ba gay gắt khó chịu. Hình như trong ánh mắt ba nhìn mẹ có vẻ khinh khi. Phải, mẹ đã cho ba, gia đình ba hết tất cả, đâu còn gì nữa...

Cơn uất ức dâng lên, tôi chợt hỏi:

- Em hận ba được không Chuyên? Vì ba mà mẹ...

Chuyên đặt nhẹ tay lên vai tôi, khẽ kêu:

- Phúc!

Tôi thở dài quay đi.

Trên bầu trời xanh xanh, có mây bay nhè nhẹ. Hình ảnh mẹ tôi thoáng ẩn hiện. Mẹ tôi đẹp lắm, đẹp dịu dàng, đẹp trìu mến, như Chuyên vậy. Đôi mắt mẹ thăm thẳm buồn.

- Ngày xưa ba mẹ yêu nhau thật nhiều. Phải chi ba mẹ đừng sống chung với nhau thì tình vẫn còn mãi, Chuyên hở?

Hình ảnh mẹ hiện ra rõ rệt. Ánh mắt mẹ nhìn tôi âu yếm, nụ cười trìu mến và bao dung. Mẹ!

Có tiếng sáo diều thoáng vi vu trong gió. Nỗi xót xa chợt lắng xuống. Nhẹ nhàng, tôi nhìn lại. Chuyên vẫn đứng lặng trước mộ, dáng trầm tư.

Tôi khẽ gọi:

- Chuyên!

Chuyên quay lại, nụ cười đằm thắm:

- Gì hở Phúc?

Tôi bước đến gần, mắt nhìn Chuyên đăm đăm:

- Ngoại và cậu Sáu nói thật đúng. Chị giống mẹ em như đúc, từ khuôn mặt đến dáng điệu.

Chuyên nhìn xuống đất, chân chạm nhẹ vào những lá cây hoa mắc cỡ cho xếp lại, giọng nàng tựa gió thoảng:

- Ngoại chị còn lo sợ cuộc đời chị sẽ gian truân như cô Năm, nên ngoại đặt tên chị là Truân Chuyên để trái nghĩa lại.

- Huỳnh thị Truân Chuyên!

- Nội cũng tin tưởng như vậy.

- Em cũng tin vậy nữa. Vì em nhận thấy chị có điểm khác mẹ em.

Chuyên ngẩng lên, anh mắt thật tươi:

- Điểm khác nào hở Phúc?

- Khác ở đôi mắt và nụ cười. Đôi mắt mẹ lúc nào cũng âu sầu, buồn bã, mang đầy vẻ nhẫn nhục. Ánh mắt chị thì luôn luôn tươi sáng, có nhiều nét cương quyết. Nhất là bụ cười của chị, giống mẹ em lắm, nhưng trọn vẹn, tin yêu hơn nhiều. Có phải vậy không Chuyên?

Chuyên cắn môi, lắc đầu: "Chị không biết".

Tôi khẽ mỉm cười.

Tóc Chuyên lại bay bay trong gió.

Chính từ đằng xa đi lại.

- Đi ghe không Phúc?

Tôi nhìn Chuyên. Nàng lắc đầu:

- Chiều tối rồi, mẹ không cho đâu!

- Vậy thì mai đi. Em sẽ dẫn chị Chuyên và Phúc đi thám hiểm chỗ này lạ lắm. Em mới khám phá con đường.

Sao Chính thật vui vẻ vô tư. Tuy bằng tuổi tôi nhưng tôi cảm thấy tôi lớn hơn Chính rất nhiều.

Có lần Chuyên hỏi:

- Phúc chơi với Chính được hở? Chính nghịch ngợm như con nít. Còn Phúc sao thật trầm lặng.

Chính lại rủ:

- Ra bờ sông chơi, chị Chuyên! Cho Phúc ngắm cảnh "hoàng hôn trên sông".

Chúng tôi sánh vai nhau thong thả đi ra phía bờ sông. Gió chiều thổi lồng lộng mát mẻ.

*

Có tiếng chân bước nhẹ. Tôi quay lại, Chuyên đang đi đến bên một gốc dừa, vịn tay lên thân cây, lặng thinh nhìn xuống dòng sông. 

- Ngoại nói chuyện gì với chị Chuyên mà lâu vậy?

Chuyên không đáp, vẫn đứng lặng yên. Tôi đến sát bên nhìn Chuyên. Mắt Chuyên có vẻ thờ thẫn. Hình như Chuyên buồn. Nhưng tôi biết ngoại không bao giờ rầy là cô cháu nội cưng của ngoại.
 
Chuyên bỗng quay lại hỏi tôi thật bất ngờ:
 
- Em hay hút thuốc phải không Phúc?
 
Tôi giật mình. Sao Chuyên biết?
 
Thấy tôi cúi đầu im lặng, Chuyên nói, giọng thật buồn:
 
- Nội lo buồn về em lắm đó Phúc. Nội nói Phúc không nghe lời nội, Phúc cứ hút thuốc... Mà Phúc hút thuốc để chi vậy? Chuyên nhìn thẳng vào mắt tôi Có phải tại vì Phúc chán đời không? Tôi lúng túng ngó xuống Hở Phúc? Khói thuốc giúp cho Phúc quên sự chán nản hay làm cho Phúc càng thấy cuộc đời đáng chán?... Mà...
 
Chuyên quay nhìn chỗ khác vẻ giận dỗi Vậy mà Phúc nói sẽ không còn chán nản nữa.
 
Tôi ấp úng:
 
- Chị, không phải vậy... Tại lúc trước em hút quá nhiều nên bây giờ... em cảm thấy nghiện...
 
Chuyên mở to mắt, hãi hùng và kinh ngạc:
 
- Phúc nghiện thuốc? Trời ơi Phúc! Em còn nhỏ mà... Làm sao em sống vui tươi cho được hở Phúc? Hở Phúc?
 
Chuyên quay mình định chạy đi. Tôi hốt hoảng giữ vai Chuyên lại:
 
- Không, Chuyên! Em sẽ không hút thuốc nữa. Em sẽ không làm một điều gì mà Chuyên không bằng lòng.
 
Chuyên hơi bất ngờ, ngạc nhiên đầy trong mắt. Nàng bối rối gỡ nhẹ tay tôi. Nhìn thấy vài giọt lệ còn đọng trên má Chuyên tôi sợ hãi bỏ tay xuống. 
 
- Xin lỗi chị Chuyên!... Tại vì em sợ Chuyên sẽ...
 
Chuyên quay đi không nói gì cả.
 
Chị giận em phải không Chuyên? Nhưng Chuyên ơi, em không làm sao giải thích được những cảm giác đã khiến em hành động bất ngờ như vậy.
 
Tôi không quên cảm giác ấy, cảm giác bơ vơ, lạc lõng đến ghê sợ mà tôi đã trải qua một lần, khi mẹ tôi thều thào gọi tên tôi và ánh mắt đau thương lo lắng nhìn tôi từ từ tắt mất...
 
Chuyên vẫn đứng đó, trong một dáng điệu khả ái, mắt nhìn xa xa về phía bên kia sông.
 
Tôi đến bên, nhẹ nắm tay Chuyên:
 
- Chị Chuyên đừng giận em nữa, em...
 
Chuyên quay lại, vẩn ôn hòa hiền dịu:
 
- Không, chị không giận Phúc. Nhưng Phúc phải hứa không hút thuốc nữa.
 
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt long lanh trong suốt:
 
- Em sẽ không bao giờ hút thuốc.
 
Chuyên mỉm cười. Đôi mắt Chuyên thật trong sáng, trong và sáng như hai vì sao. Tôi muốn mãi mãi được nhìn đôi mắt ấy. Tôi muốn mãi mãi được soi sáng tâm hồn.
 
Chuyên khẽ rít tay ra khỏi tay tôi:
 
- Thôi chị về nha Phúc!
 
Tôi giữ tay Chuyên lại:
 
- Phúc đưa chị về.
 
Chuyên lắc đầu:
 
- Không, Phúc phải vào nhà xin lỗi nội. Nội buồn Phúc nhiều lắm.
 
Chuyên bước nhanh ra khỏi vườn .
 
Tôi vẫn đứng lặng nhìn theo bóng dáng nhỏ nhắn của Chuyên thấp thoáng sau những lũy tre mọc rời rạc hai bên con đường đất, đến khuất dần.
 
Trời về chiều nhuốm một màu đỏ hồng. Ánh nắng xế làm rực rỡ màu mạ non của những thửa ruộng bát ngát bên kia. Xa xa, từng cuộn khói lam tỏa nhẹ trên những tàu lá chuối xanh mướt, lố nhố sau những nóc nhà tranh lụp xụp. Văng vẳng tiếng sáo của những mục đồng đang lùa trâu về chuồng.
 
Buổi chiều đến nhẹ nhàng và êm đềm. Tôi thương quê ngoại của tôi vô cùng. Cũng như tôi thương con sông nhỏ hiền lành chảy sau nhà ngoại.
 
Tiếng nói thanh thanh của Chuyên thoáng văng vẳng bên tai:
 
- Phúc có thấy quê mình đẹp không hở?
 
Hình ảnh Chuyên lại hiện ra trước mắt tôi. Tóc dài rủ trên vai. Mắt sáng hồn nhiên. Đôi môi hồng xinh xắn.
 
Tôi khẽ gọi: "Chuyên ơi!"
 
 
BÙI THỊ LONG TUYỀN       
 
Cho Phạm thị Thử       
Cho Dương thị Anh Đào      
Cho Dũng, Nguyễn Tiên Dũng đó!      
 
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 15, ra ngày 5-12-1971) 

 

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Thuở Nào

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thuở nào  hoa  cỏ ngát hương 

Giờ  chim  thôi  hót  bên  đường  gió đông

Thuở nào  nhặt  chiếc lá phong

 Như thầm níu kéo chút  lòng  xuyến xao

 
Ngỡ  ngàng lạc động tiên đào

Thuở nào nắng  ấm lao xao trong vườn

 Giờ mây  giăng kín mù sương

Héo tàn lá mục  bay hương  mất  rồi

 
Nụ  cười  trong  mắt  trên  môi

Chỉ là mộng tưởng một thời đã qua

Vàng son ngà ngọc tuổi hoa

Ngọt ngào  nước mảt tràn ra cánh đồng


Thuở  nào  mặc áo lụa hồng

Tiếng cười tiếng nói đám đông bạn bè

Thuở nào mưa rớt  vỉa hè

Vui  mừng ca hát như  ve  trên  cành

 
Chập chờn cánh bướm mong manh

Thuở nào  mật ngọt  trời xanh  mộng vàng

Suối reo  khúc nhạc  thiên  đàng

Nắng tươi hoa thắm  rộn ràng  yến  oanh


Thuở nào  gió  mát trăng thanh

Bướm hoa  là một bức tranh tuyệt vời  

Dẫu  khi đông lạnh khắp nơi

Gió  lùa  giá rét  tuyết rơi  ngoài phòng


Thuở nào chưa biết ngóng trông

Vì  tim rộn rã  tình nồng  chớm đông

Nhìn đời qua cặp kính hồng

Dẫu khi  đã đến   mùa đông khắp miền


Yêu đời  yêu cả thiên nhiên

Sưởi  trong lửa ấm  muộn phiền rời  xa


Nhã Uyên
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>