Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Giữ Gìn Sức Khỏe

 

 Các em mến,

Tuần vừa qua, chúng tôi có nhận thư của một học sinh ở Saigon có những lời lẽ bi thảm như sau: cháu năm nay mười sáu tuổi, cháu đau ốm luôn. Cha mẹ cháu đã đưa cháu thăm hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, có thể nói cháu đã gặp hầu hết các bác sĩ danh tiếng ở thủ đô, ông thì bảo cháu mắc phải bệnh này, người thì nói cháu bị chứng kia. Cháu đã uống và chích không biết bao nhiêu là thuốc. Cháu thấy trong người lúc nào cũng mệt mỏi. Cháu không buồn hoạt động. Cháu chán quá. Cháu không còn muốn sống nữa...

Chúng tôi không phải là bác sĩ. Vả lại, chúng tôi cũng không rõ chứng bệnh của em để bàn với em.

Chúng tôi nhớ lại một nhà văn Pháp chuyên viết sách khảo luận và giáo dục, ông Jacques Marcireau, có kể chuyện suốt trên hai mươi năm, ông đi không biết bao nhiêu thầy thuốc và chuyên viên y khoa và trong suốt thời gian đó, ông đã nuốt một số thuốc khổng lồ trị giá bằng số thuốc dùng để trang bị nguyên một nhà thuốc nhỏ, nhưng đâu vẫn còn đấy. Ông ta vẫn nhức đầu, chóng mặt, đau ở bụng, ăn uống không tiêu, luôn luôn mất ngủ, đầu lúc nào cũng nặng trĩu, khi thức dậy mệt mỏi còn hơn lúc sắp đi ngủ. Trí nhớ giảm đi rất nhiều. Người ông lúc nào cũng bực bội, khó chịu, hay nổi giận. May thay, có người bạn cho ông ta mượn một số sách nói về cách sống theo thiên nhiên. Ông ta cố gắng hoạt động, tìm lại sự thích sống. Ông ta không thèm dùng thuốc nữa, nhưng lần lần ông thấy dễ chịu hơn và những chứng kể trên cũng biến mất cả.

Các em thân mến,

Các em đã thấy một người đã "nuốt nguyên một nhà thuốc", đã thường xuyên đi bác sĩ trong suốt hai mươi năm, vẫn thấy đau đớn hầu hết tất cả các bộ phận của người ông ta. Nhưng chỉ với một ít cô gắng, ông ta thay đổi nếp sống, bao nhiêu chứng bệnh mà ông tưởng mắc phải đều tan biến đi cả.

Chúng ta thường tưởng lầm mỗi khi thấy trong người khó chịu, nếu hoạt động, chúng ta sẽ bị bịnh nặng thêm lên.

Ông Nguyễn Hiến Lê, trong bài giới thiệu quyển "Muốn sống lâu" của bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm có kể chuyện có lần ông bị một bịnh ngoài da, một bác sĩ cho ông năm thứ thuốc, thứ nào cũng đắt tiền mà khi dùng ông không thấy công hiệu. Ông lại bác sĩ Phiếm và bác sĩ chỉ cho thuốc tím để rửa và thuốc đỏ để thoa. Một tuần lễ sau lành hẳn. Một lần khác, ông bị thổ huyết, bác sĩ Phiếm coi phim chiếu phổi thấy bình thường, chỉ khuyên ông Nguyễn Hiến Lê bớt hút thuốc và không cho toa mua thuốc gì cả. Sau đó, ông không còn thấy ra huyết nữa.

Cách nay ít lâu, tôi thấy trong người mệt mỏi, thỉnh thoảng ngực hồi hộp, tim đập mạnh, người toát mồ hôi, chân tay đều lạnh. Có một hôm, trong cơn giận, ngoài những triệu chứng trên, tôi thấy như sắp ngưng thở và được đưa vào bịnh viện. Tại đây, sau một tuần lễ chữa trị, uống và tiêm thuốc, tôi trở về nhà. Nhưng sau đó, tôi cũng gặp lại các chứng kể trên.

Một ông bạn rủ tôi ra tắm biển chơi trong vài ngày. Trong thời gian ra biển, tôi đã ngâm người dưới nước suốt cả buổi, tôi đã phơi nắng nám đen rát cả da, tôi chạy tung tăng đó đây cả ngày trên bãi cát. Ông bạn này lúc nào cũng vui vẻ làm cho tôi vui vẻ lây. Tôi rất thích nghe ông ta kể chuyện và chúng tôi thường hay gặp nhau để hàn huyên. Ông ta lại giúp cho tôi tìm lại lẽ sống và sống cho nhiều người khác. Tôi thấy người tôi thoải mái và hiện nay, tôi không còn lạnh người, toát mồ hôi, nghẹt thở như trước nữa.

Người ta thường nói: Đói ăn rau, đau uống thuốc. Nhưng uống thuốc bừa bãi, chỉ làm hại sức khỏe vì phần lớn các loại thuốc đều có chất độc.

Chúng ta cũng cần giữ vệ sinh tinh thần chúng ta cũng như chúng ta giữ vệ sinh cho thể xác chúng ta. Tinh thần mệt mỏi, những sự lo lắng buồn phiền giết chúng ta dễ dàng hơn nhiều thứ vi trùng.

Ngày xưa, bên Trung Hoa, Ngũ Viên, chỉ trong một đêm lo nghĩ, râu tóc đều bạc phơ, cũng như gần đây, sau một thời gian ngắn bị vây tại Điện Biên Phủ, nhiều lính Pháp đã bị bạc đầu chỉ trong vài ngày.

Chúng tôi xin mượn lời nói của bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm để kết luận thư này:

Muốn chống lại bệnh tật, cần phải có sức khỏe, cần phải có một thế quân bình vững chắc về tinh thần, một ý chí kiên trì, một đời sống nội tâm bình thản và sau hết một lý tưởng cao siêu.

Đừng nên lo lắng không đâu, đừng nuôi dưỡng những tư tưởng chán đời, yếm thế, những tình cảm tiêu cự như: giận hờn, ghen tức, thù oán, nghi kỵ, hằn học, thèm thuồng v.v... Đó là những kẻ thù của sức khỏe và làm hao phí nghị lực của bạn.


Thân ái,                     
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 13, ra ngày 7-11-1971)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>