Các em thân mến,
Thấm thoát, tờ báo Thiếu Nhi của các em đã ra đến số 9. Trên chín tuần lễ, tất cả nhân viên tòa soạn đã hì hục làm việc ngày đêm để tờ báo được thành hình và tới tay các em.
Chúng tôi nhận rất nhiều thư tư, mỗi ngày mỗi nhiều, của các phụ huynh học sinh, các nhà giáo dục, cũng như của các em hưởng ứng nồng nhiệt tờ báo Thiếu Nhi của các em. Tất cả mọi người đều ước mong tờ báo sẽ sống lâu dài để các em có thêm một tờ báo lành mạnh.
Chúng tôi hết sức phấn khởi vì đã giúp ích được cho các em một cái gì. Nhưng điều làm cho chúng tôi cảm động và sung sướng nhất là các em đặt tất cả sự tín nhiệm nơi tờ báo Thiếu Nhi của các em: các em đã gởi gắm nơi chúng tôi những lo âu, thắc mắc, những tâm sự dù nhỏ nhặt đến đâu của các em, chẳng hạn như hôm qua có em viết đến chúng tôi than phiền việc em vừa bị thầy dạy quở phạt: "... bác chủ nhiệm nghĩ coi cả tuần rồi mẹ cháu đau nặng, cháu còn thì giờ và tâm trí đâu để học hành, cháu bị ổng la rầy thậm tệ vì không làm bài được. Cha mẹ cháu nuôi cháu từ nhỏ còn chưa nặng nhẹ cháu như vậy, còn ổng có nuôi cháu ngày nào đâu, ổng dạy lãnh lương mà..."
Em học sinh đầy tự ái của tôi ơi, em nói đúng, ông thầy nào dạy cũng lãnh lương cả vì ông thầy cũng cần phải sống để dạy học. Có thực mới vực được đạo mà. Không ông thầy nào nuôi nổi hàng trăm hàng ngàn học sinh của riêng mình, vả lại, trong thời buổi đời sống đắt đỏ này, với số lương hàng tháng, chưa chắc ông thầy nuôi nổi ông và gia đình ông, làm sao còn dám nghĩ đến nuôi học trò.
Việc nuôi các em thuộc về cha mẹ, nhưng việc giáo dục các em là nhiệm vụ của thầy.
Xã hội Việt Nam chúng ta từ xưa đã rất quí trọng thầy: trên hết là vua, kế đến là thầy rồi mới tới cha mẹ (quân, sư, phụ). Ca dao Việt Nam đầy rẫy những tư tưởng kính mến thầy:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy.
Kính thầy mới được làm thầy
Những phường bội bạc sau nầy ra chi?
Ơn ai một chút chẳng quên
Ơn thầy muôn thuở đáp đền gắn ghi.
Người ta thường nói: "Không thầy đố mày làm nên." Ở đây chúng tôi không nhắc lại tại sao phải kính trọng thầy? Tại sao phải vâng lời thầy? Và bổn phận của mọi người là nhớ ơn thầy (ăn trái nhớ kẻ trồng cây), chương trình Đức dục hoặc Công dân từ tiểu học đều có dạy rành rẽ.
Xưa kia, thầy Tử Lộ học trò Đức Khổng Tử thường hay bị thầy quở trách. Nhưng mỗi lần bị thầy rầy la, thầy Tử Lộ đã không tỏ vẻ gì phiền muộn lại còn vui vẻ là đàng khác. Có người thấy vậy hỏi anh ta: - Anh bị thầy rầy la sao trông lại vui vẻ vậy? Anh không giận thầy à? Thầy Tử Lộ thản nhiên đáp: - Thầy thương yêu mà rầy là cho ta nên người, ta phải lấy làm sung sướng chớ sao ta lại giận thầy! Nhờ không giận mỗi khi thầy là rầy, mà thầy Tử Lộ trở nên con người tài đức trong lịch sử Trung Hoa.
Ở Việt Nam cũng như ở Âu Mỹ, cũng có nhiều người thành công nhờ đã biết quí trọng thầy.
Chúng tôi xin chép lại đây truyện ông Đào Duy Từ và truyện ông Carnot, thường được mọi người nhắc nhở đến mỗi khi nói đến tình thầy trò.
"Ông Đào Duy Từ thuở còn nhỏ đi học, gặp ông thầy tính nghiêm khắc hay quở phạt, học trò ai cũng sợ hãi lắm. Ông chăm chỉ học hành, hết lòng giữ lễ phép. Một hôm ông bị quở trách dữ dội mà nét mặt không hờn giận. Đến khi tan buổi học, có người anh em bạn hỏi ông rằng: Hôm nay, anh phải phạt mà anh không có buồn giận là tại làm sao? Ông nói: Phận sự chúng ta đi học là phải chăm chỉ để thầy được vui lòng, mà ta đã làm cho thầy tức giận, là do lỗi của ta, thầy mắng ta là muốn cho ta hay, vậy lẽ nào ta lại oán giận thầy.
Lúc còn nhỏ, ông nết na như thế, cho nên về sau ông thành một người tài giỏi trong nước ai cũng kính phục". (LLGKT)
Còn "Ông Carnot trước đây là một danh nhân nước Pháp. Một hôm nhân rảnh việc, ông về chơi quê nhà. Khi đi ngang qua trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy học mình lúc bé, bây giờ đầu tóc đã bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông ghé vào thăm trường, và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà thưa rằng: "Con là Carnot đây thầy còn nhớ con không? Rồi ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng: Ta bình sinh, nhất là ơn cha mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay". (QVGKT)
Các em thân mến,
Các em nên kính trọng thầy. Thầy là người thay mặt cha mẹ dạy bảo các em nên người. Các em thu thập được điều hay lẽ phải, mọi kiến thức văn chương cũng như khoa học cũng đều nhờ ở thầy cả. Thầy là người nhẫn nại, chịu mọi hy sinh, sống đời sống thanh bạch và bạc bẽo vì nghề dạy học rất lao lực và mau giảm thọ. Với sức học sẵn có của thầy, thầy có thể làm những nghề khác lợi lộc hơn, ít cực nhọc và ít trách nhiệm tinh thần hơn.
Các em nên thương yêu và lễ phép với thầy để xứng đáng là một Thiếu Nhi Việt Nam.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 9, ra ngày 10-10-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.