Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Mùi Kẹo Bạc Hà


Lần đầu tiên bước vào cửa tiệm của ông Tư Đăng, hồi đó tôi mới được chừng hơn bốn hay năm tuổi gì đó. Tiệm ông Tư chuyên bán kẹo, mứt, đủ loại.

Thời gian lặng lẽ êm trôi, thấm thoát thế mà cũng đã hơn năm chục năm rồi. Nhưng, hình như tôi vẫn còn thoang thoảng ngửi thấy đâu đây mùi thơm thần tiên của chốn thiên đường gồm toàn những báu vật mà giá bán lại chỉ có một xu một cái ấy. Cứ mỗi lần nghe tiếng cái chuông bằng đồng nho nhỏ xinh xinh gắn ở phía trên cao cánh cửa ra vào tiệm rung lên là y như ông Tư lại lặng lẽ đặt những bước chân êm êm đi ra đứng chờ sẵn phía sau dẫy ô kính bên trong đầy ắp kẹo.

Hồi đó, ông Tư đã già lắm, mái tóc trên đầu trắng bạc như bông.

Kẹo mứt của ông nhiều vô kể. Các chú "búp bê" tha hồ kén chọn. Nhìn ngắm thứ này chán mắt rồi, mút ngậm bằng tưởng tượng cho thật đã đi! Ấy thế mà khi phải chuyển mục sang loại kẹo kế tiếp là y như sự do dự ngập ngừng lại ray rứt dằn vặt thật gớm ghê, trăm lần như cả trăm, ngàn lần như cả ngàn, em nào em nấy cũng ngẩn mặt đờ người khi thấy "món hàng" do chính tay mình chỉ, rơi tọt vào cái túi giấy nho nhỏ trắng tinh. Không ngẩn mặt đờ người sao được! Những câu hỏi quái ác cứ hiện lên thật rõ rệt trong vầng trán xinh xinh, âm thanh của chúng cứ choang choang đập hai bên thái dương bé tí. Ừ nhỉ, có lẽ cái kia ngon hơn! Không biết cái mình chót mua rồi liệu có ngậm được lâu không đây?

Ông Tư Đăng, sau khi đổ tọt mấy chiếc kẹo vào túi giấy bằng một cái muỗng gỗ, thế nào cũng ngưng lại mấy giây. Ông im lặng không nói gì hết. Nhưng các cô bé, chú bé khách hàng hết thẩy đều hiểu rằng: đôi chân mày hơi nhướng lên thế kia của ông Tư là dấu hiệu cho phép "búp bê" xét lại việc chọn kẹo của mình, nếu muốn sẽ được thay đổi ý định một lần nữa. Chỉ đến khi tiền đã trao, cháo đã múc thì là thôi đấy, phân vân bất định sẽ chấm dứt để trở thành nhất định. Nói cho rõ hơn: lúc đã đặt mấy đồng xu lên mặt quầy hàng và gói giấy trắng xinh xinh kia đã khép miệng lại với tiếng giấy kêu loạt soạt thì là thôi, cấm được đổi chác lôi thôi nữa.

Căn nhà tôi ở tọa lạc tại dẫy phố thứ nhì sau trạm cuối tàu điện. Vậy, muốn đáp xe hoặc muốn trở lại nhà sau khi xuống xe, làm cách nào cũng vẫn phải đi ngang tiệm kẹo của ông Tư.

Một hôm, tôi được mẹ cho theo lên phố chính để bà mua sắm gì đó không biết. Khi về, hai má con dừng chân trước cửa tiệm ông Tư. Vừa bước vào, đã thấy ông Tư bước tới tiếp đón. Mẹ tôi bóp khẽ tay tôi đồng thời cất giọng vui vẻ nhìn người chủ tiệm:

- Có gì hay hay tôi mua cho cháu một gói, bác Tư?

Trong khi bà nói chuyện với ông Tư Đăng, tôi đưa đôi mắt ngây dại nhìn quanh để rồi sau cùng, ngừng lại trên các món hấp dẫn xếp đầy trong các ô kính. Mẹ tôi mua một gói đường hay mứt gì đó. Đoạn, bà trả tiền cho ông Tư.

Thường thường mẹ tôi cứ tuần lễ lại lên phố chính một hay hai lần. Hồi đó, chưa có ký nhi viện cho nên, đi đâu mẹ tôi cũng dắt tôi theo.

Lúc về là thế nào mẹ tôi cũng ghé vào tiệm ông Tư Đăng. Lâu dần thành một cái lệ. Cái lệ ấy khiến tôi khoái trí vô cùng, vì, sau nhiều lần, mẹ tôi đã cho phép tôi được tự ý chọn lựa một thứ gì tôi thích.

Ở tuổi ấy, tôi nào đã biết gì về giá trị của tiền bạc. Để ý cho lắm thì cũng chỉ thấy rằng, tại tiệm ông Tư hay ờ các tiệm khác, thường là mẹ tôi vẫn trao cho người chủ cái gì đó khi bà nhận một gói hoặc một cái túi từ tay họ. Việc ấy khiến tôi có được một vài ý niệm về sự trao đổi. Và cũng từ đó, tôi ngấm ngầm quyết định: hôm nào sẽ lén mẹ, đi một mình từ nhà tới tiệm ông Tư Đăng.

Giờ đây, khi kể lại câu chuyện này, tôi tưởng như còn nghe văng vẳng tiếng chuông rung trên đầu cánh cửa tiệm kẹo yêu quý. Rồi hai cánh tay bé nhỏ gồng hết sức đẩy mạnh cánh cửa. Vào được bên trong tiệm, tôi đi dọc theo dẫy tủ kính đầy ắp đủ loại kẹo. Cái nào cái nấy trông thật hấp dẫn, như vẫy gọi đón mời.

Những viên kẹo bạc hà mùi vị thơm mát, hơi cay cay, một chút thôi, những cục kẹo "gốm" thật bự có vỏ cứng nhưng khi đặt vào giữa hai hàm răng, khẽ cắn một cái, lập tức sau một tiếng "rốp", vỡ vụn ngay cái vỏ ngoài làm bằng tinh đường ngọt lịm ấy. Kế bên trên một cái khay bằng bạc, nằm xếp hàng những thỏi súc-cù-là mịn mướt màu nâu bóng nhẫy. Phía sau là những viên kẹo chanh, kẹo cam khi ngậm vào miệng sẽ làm một bên má phồng lên như bị sưng mộng răng, nhưng là thứ "mộng răng" không đau một chút nào mà chỉ có thơm và ngọt lịm, thích thú vô cùng. lại còn những dây kẹo kéo vặn xoắn như dây thừng, to con cũng gần cỡ đó với những sọc trắng đỏ, chỉ mới ngó thấy thôi cũng đã ngon rồi. Nhưng khi ăn thì chớ có cắn, nhai, mà chỉ nên ngậm trong miệng, lâu lâu lại "chiếp" một cái. Như vậy nó mới lâu hết.

Nhìn theo ngón tay tôi chỉ, ông Tư Đăng xúc bằng thìa gỗ tất cả loại kẹo đã kể ở trên mỗi thứ ít cái, đổ vào hai túi giấy. Như vậy, mỗi túi trị giá một hào (một phần mười của đồng bạc). Vừa túm gọn hai túi giấy, vừa nghiêng người trên mặt quầy hàng, ông Tư dịu dàng hỏi tôi:

- Thế cháu bé có đủ tiền trả không?

Tôi trả lời phăng:

- Có, có chứ, ông Tư! Cháu có nhiều tiền lắm!

Dứt lời, trên lòng bàn tay mở rộng của ông Tư, tôi đặt bàn ta bé tí xíu còn nắm chặt của tôi, cái bàn tay bé xíu ấy, khi mở ra, nhấc lên, cho thấy rõ nửa tá... hột mận, bên ngoài bao kín bằng giấy bạc bóc ở những bao thuốc lá ra.

Ngắm nhìn lòng bàn tay, ông Tư Đăng im lặng, thừ người một lát. Khi ngẩng lên, ông đưa mắt ngó tôi. Một cái nhìn nặng chĩu câu hỏi không thốt được thành lời.

Tôi lo lắng hỏi ngay:

- Chưa đủ hả ông Tư?

Không có tiếng trả lời mà chỉ nghe tiếng thở nhẹ và dài. Rồi thì:

- Đủ chứ! Đủ rồi cháu bé! Dư nữa ấy chứ! Già còn phải trả lại cho cháu tiền lẻ nữa này!

Dứt lời, ông chủ tiệm bước lại phía ngăn kéo đựng tiền! Thoáng cái, ông trở lại quầy hàng, nghiêng người thật thấp, chậm rãi đặt vào lòng bàn tay mở sẵn của tôi, hai đồng xu mới tinh.

Mẹ tôi, khi phát giác ra việc tôi dám một mình lò mò tới tiệm kẹo của ông Tư Đăng, đã la tôi dữ lắm. Nhưng tuyệt nhiên bà không biết mà cũng không hề hỏi tôi đã "trả tiền" ông hàng kẹo ra làm sao. Bà chỉ ra lệnh cho tôi không được tái phạm đi liều như thế nữa và tuyệt đối không được ra khỏi nhà nếu không xin phép. Tôi tuân lời mẹ dặn. Tôi nhớ mang máng là thỉnh thoảng bà có cho phép tôi đi một mình và lần nào, trước khi bước ra, tôi cũng được mẹ cho một hay hai xu để "tiêu gì thì tiêu. Có đem những đồng xu ấy để trả cho ông Tư Đăng khi mua kẹo nữa không, và có trả tiền ông bằng hột mận bọc giấy bạc nữa không, quả tình tôi chẳng nhớ được tí gì. Vả lại hồi đó, , ở cái tuổi con nít như thế, quên là cái chắc lắm rồi. Thêm nữa, với một chú bé lên năm, mọi sự việc xẩy ra, đâu có cái gì là quan trọng kia chứ!

Khi tôi lên bẩy, gia đình dọn qua ở một tỉnh khác. Thế rồi, đến tuổi lớn khôn, tôi cưới vợ, lập gia đình.Hai vợ chồng tôi mở một cửa tiệm chuyên mua bán, nuôi cũng có, những loại cá ngoại quốc. Đủ thứ: cá từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ, quý hiếm vô cùng. Một cặp rẻ nhất cũng phải bán tới hai mươi lăm đồng mới có lời chút đỉnh.

Một buổi chiều nắng gắt, khi tôi đang lúi húi lau chùi mấy cái bể kính thì một cô gái nhỏ bước vào, dắt theo một đứa em trai. Hai chị em chỉ độ năm sáu tuổi trở lại. Hai cặp mắt đen láy mở thật lớn cứ nhìn trừng trừng vào những báu vật biết cựa quậy đang tung tăng bơi lội giữa làn nước trong bể kính.


Đứa con trai mói như la:

- Mua những cái này được không?

- Được chứ! Nếu em có tiền!

Con chị lên tiếng. Giọng nói thật nghiêm.

- À, tiền hả? Đây, nhiều tiền lắm!

Giọng nói của cô bé có một cái gì khơi động trong ký ức tôi tiếng vang vọng từ một nơi nào xa xăm lắm.

Sau khi đã nhìn ngắm say mê một lúc lâu, hai đứa bé hỏi mua rất nhiều cặp cá đủ loại. Hai ngón tay bé nhỏ của hai bàn tay xinh xinh chỉ suốt dẫy bể kính, không sót cái nào.

Tay cầm chiếc vợt nhỏ làm bằng vải thưa, tôi vớt tất cả những con cá hai chị em cô bé chỉ, thả vào cái bình nhỏ có sẵn nước, đồng thời dặn đi dặn lại hai chị em phải cẩn thận khi bưng đi mới khỏi đổ vãi.

Thằng em gật đầu ưng chịu và bảo chị:

- Chị trả tiền đi!

Tôi chìa tay về phía cô bé. Khi nó đưa bàn tay còn nắm chặt tới trước mặt tôi, tôi đã đoán chắc là thế nào cũng phải có một cái gì khác lạ. Y như rằng: con bé mở bàn tay ra. Trong lòng bàn tay tôi vỏn vẹn chỉ có ba đồng xu cũ rích.

Ngay lúc đó, sau ngần ấy năm trời, bây giờ tôi mới hiểu cái cử chỉ của ông Tư Đăng đã đối xử với tôi. Tôi ý thức luôn được cả cái tình thế khó khăn vô hình chung tôi đã gây ra cho ông chủ tiệm lúc bấy giờ, đồng thời tôi hết sức kính phục lối giải quyết sự việc rắc rối của ông Tư nữa. Ngắm nhìn mấy đồng xu cũ rích trong lòng bàn tay, kỳ thực tôi đang thấy lại trong tâm tưởng cái tiệm kẹo thân yêu thời thơ ấu và thông cảm được ngay tất cả cái hồn nhiên trong trắng của hai chị em cô nhỏ mua cá. Cái tâm trí hồn nhiên trong trắng ấy! Nên bảo tồn lưu giữ hay là phá hủy nó đi?...

Ông Tư Đăng đã tìm ra giải pháp cho việc khó xử ấy từ bao nhiêu năm trước đây rồi. Kỷ niệm được khơi dậy, sống động tới mức khiến cổ họng tôi se lại.

Cô bé vẫn đứng chờ bên quầy hàng. Một lúc sau nó mới hỏi tôi, giọng nói nhẹ hẳn đi:

- Có đủ không ông?

Cổ họng tôi nuốt nước miếng thật khó khăn, nhưng tôi vẫn gắng gượng trả lời được:

- Đủ chứ! Còn dư của em nữa mà! Chờ tôi trả lại tiền lẻ cho nghe!

Tôi thò tay lục bới trong ngăn kéo đựng tiền, lôi ra hai đồng bạc cắc mới đặt vào bàn tay bé nhỏ. Rồi ngây người nơi khuôn cửa ra vào, tôi đưa mắt nhìn theo mãi bóng hai chị em cô bé. Con chị vừa đi vừa thận trọng bưng bình cá đẹp. Khi quay vào, vợ tôi lúc đó đang đứng trên một chiếc ghế đẩu, xếp lại mấy nhánh rong trong bể kính đầy nước, ống tay áo sắn lên tới khuỷu. Nàng hỏi ngay:

- Giải thích cho em rõ! Anh làm cái gì kỳ vậy? Anh có biết là anh đã cho hai đứa nhỏ ấy bao nhiêu cá không?

Cổ họng tôi vẫn nóng bỏng. Tiếng nói thoát ra thật khó khăn, khàn hẳn đi:

- Có tới 150 đồng tất cả. Không, anh không thể làm cái gì khác hơn được.

Khi đã nghe xong câu chuyện trả tiền bằng hột mận cho ông Tư Đăng cách đây hơn năm chục năm, vợ tôi trèo xuống, nước mắt vòng quanh, chạy lại ôm tôi, nồng nàn đặt hai cái hôn lên má.

Tôi thở ra một hơi dài, thật nhẹ:

- Mùi kẹo bạc hà ấy, sau bao nhiêu năm, mỗi khi nhớ đến, anh lại cảm thấy đầu lưỡi ngòn ngọt tê tê, mũi ngửi thấy thoang thoảng đâu đây mùi hăng hắc ngan ngát nhẹ cả người.

Và văng vẳng bên tai, rất khẽ, rất gần mà lại rất xa, tôi nghe rõ ràng tiếng cười hân hoan tán thưởng của ông Tư Đăng, người chủ tiệm kẹo có mái tóc bạc trắng như bông.


NAM QUÂN               
Nguyên tác của Paul Villiard     
(chiếm giải thưởng của Reader's Digest)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 197, ra ngày 15-3-1973)

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Dưới Giàn Hoa Tím

















Dưới giàn hoa tím cũ
Chúng mình cùng nhảy dây
Tuổi thơ qua không hay
Giọt sầu dâng khóe mắt

Dưới giàn hoa tím mơ
Chúng mình nhảy lò cò
Bước chân xưa chập chững
Nay buồn vương ý thơ

Dưới giàn hoa tím mộng
Mình chơi bán đồ hàng
Qua sông dài biển rộng
Xa biết mấy thời gian

Dưới giàn hoa tim tím
Biết bao tình thương mến
Chơi banh đũa, năm mười
Chắc ai còn lưu luyến

Nay dưới giàn hoa tím
Đi tìm mảnh trăng thề
Ánh trăng thanh còn đó
Bóng người đi không về...

Dưới giàn hoa tím xưa
Nhặt hoa rơi thẫn thờ
Tháng ngày yêu dấu cũ
Thoắt chốc thành cơn mơ

                                    Thơ Thơ
                           (Bút nhóm Hoa Nắng)

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Chiều Say
















Môi vẫn thơm nồng mắt vẫn trong
Chiều nghiêng hương nắng, má hây hồng
Đôi tay em nhẹ nâng tà áo
Thăm thẳm con tim dậy tiếng lòng.


Em nghe âm hưởng lùa trong gió
Lời mến ngân tròn theo bước đi
Cát lạ ngỡ ngàng trên lối nhỏ
Ngọt ngào hoa nở nụ lưu ly.

Ngàn cánh sao trời rung phím tơ
Mây đưa tình ái ngập hồn thơ
Không gian mầu nhiệm làn sương mát
Ươm lá thu vàng xanh ước mơ.

Em thả tóc thề hong nắng say
Sợi mềm lưu luyến ngủ trên vai
Mà thương, mà nhớ, mà yêu dấu
Mà để tâm tư đến một người.

                                       THÙY AN
                                            1970

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Xem Bói


Kỳ này hết chuyện trong nhà, Thạch Thủ xin tiếp quí bạn độc giả thân mến bằng những chuyện ngoài làng. Đây cũng là dịp để "thay đổi không khí" và "đổi món ăn chơi".

Đọc đề tài xem bói ở trên, chắc có bạn đặt câu hỏi: Thạch Thủ, tên bán trời không văn tự, cũng dị đoan, tin vào bói toán nữa cưa à? Để "giải đáp thắc mắc" đồng thời để dùng làm đầu câu chuyện, Thạch Thủ xin kể lại lần coi bói gần đây nhất của Thạch Thủ:

Cũng bằng rầy năm ngoái, sau Tết con heo, Thạch Thủ và hai người bạn nữa bồng bế nhau lên Giồng Ông Tố (chỗ "ngã ba hay xảy ra tai nạn" ở Xa Lộ đi vào) để nhờ một ông thầy ngải kiêm "bói gia" nổi tiếng bấm cho một quẻ hầu biết trước những hên xui trong năm. Sau khi hỏi tuổi, ngày sanh, tháng đẻ, giờ và nơi chào đời (Ôi chao! Cẩn thận quá cỡ thợ thổi xế!) và sau khi ngắm nghía dung nhan bàn tay... gân guốc của Thạch Thủ, ông thầy trầm ngâm rồi trịnh trọng phán rằng:

- Năm nay, cậu sẽ đau nặng một lần, nhưng có tiền. Khoảng đến tháng sáu này, cậu được một món tiền rất lớn, tự nhiên nó tới, có thể như trúng số, cũng có thể do một người nào đó tặng cậu... Cuối năm, có một bà góa giầu mê cậu như điếu đổ (Trời ơi! Sung sướng vậy sao? Em chả! Em chả! Em... xí hổ quá!) Bà góa này còn trẻ và đẹp lắm (nhất rồi còn gì! Đúng là phong lưu nhất ai bằng... Thạch Thủ!)... Nếu tôi nói sai, sang năm, cũng vào ngày giờ này, cho cậu tới đốt nhà tôi đi...

Ra khỏi nhà ông thầy ngải, hai thằng bạn cứ nằng nặc đòi Thạch Thủ khao một chầu bún bò giò heo vì cho rằng Thạch Thủ gặp... duyên lành! Thế là "món tiền rất lớn" đâu chưa có, chỉ thấy gần nhất là mình mất toi năm bớp để khao hai thằng bạn có... khả năng ăn như Lê Như Hổ!

Quí bạn biết lời bói của ông thầy ngải linh nghiệm ra sao trong năm vừa qua của Thạch Thủ không? Hay lắm! Này nhé:

Nhờ chiếc xế đời Hitler của Thạch Thủ hay nhõng nhẽo, chẳng chịu nổ máy ghì cả, khiến Thạch Thủ phải thường xuyên đẩy nó đến toát-xì-cấu. Ấy nhờ vậy mà lại ăn khỏe, nên "phì... da" coi bụ bẫm và sổ sữa ra phết, cô hàng xóm cứ khen là thằng bé Thủ kháu khỉnh, "đẹp giai, học giỏi, con nhà giầu" mới chết chứ! Thế là cả năm Thạch Thủ chẳng biết nhức đầu, sổ mũi là gì ; các hãng thuốc Aspirine, Aspro... vì vậy mà ế lên ế xuống!

Còn vụ "một món tiền lớn tự nhiên tới" không hiểu sao cứ nằm ì trong nhà băng, không chịu "tái xuất giang hồ", trong khi đó Thạch Thủ "rách" hơn bất cứ năm nào ; lại còn vụ chiếc xế bụi đời ra đi không một lời từ biệt khiến Thạch Thủ tối tăm mặt mũi ngày đêm cứ gọi tên ông thầy ngải ra mà... tụng!

Mục hấp dẫn thứ hai, nguồn hy vọng cuối cùng của Thạch Thủ: bà góa giầu và đẹp! "Em góa ơi! Bây chừ em ở mô? Bến Hải hay Cà Mâu?" Chờ mãi không thấy, Thạch Thủ được sự "khích lệ tinh thần" của bạn bè, đi tìm "người tình không chân dung" để dựng "túp lều lý tưởng". Kết quả: Một lần Thạch Thủ bị một lão bà khoảng gần bảy mươi tuổi cầm đòn gánh đuổi vì Thạch Thủ lỡ đụng phải thúng trứng vịt lộn của bà. Hai lần bị mắng là "đồ dzô duyên" khi Thạch Thủ buông lời ong bướm mí một cô gái ba tầu bán ve chai và khi Thạch Thủ định "lương" xấp phong bao đựng tiền lì xì của cô hàng bé bự có những mụn trứng cá trên mặt như những cù lao!

Dĩ nhiên Thạch Thủ vẫn chưa quên lời của ông thầy bói: nếu tôi nói sai, cho cậu đốt nhà tôi đi! Tiếc rằng Thạch Thủ bận quá nên chưa đáp lời mời được ; khi nào rảnh, Thạch Thủ sẽ thông báo trên Ngàn Thông để độc giả cùng đi với Thạch Thủ đến đốt nhà ông thầy bói để xem cho đỡ buồn!

Bây giờ Thạch Thủ xin trở lại đề tài. Xem bói là một "hiện tượng" quen thuộc trong làng học trò, đặc biệt rất được giới nữ sinh hâm mộ và tranh nhau đóng vai chính. Chỗ nào có thầy tướng số, có cô bói bài, có ông xem chỉ tay... quí vị đó đều biết hết, còn rõ ràng hơn cả thuộc địa lý, sử ký. Rất nhiều khi, các đấng học trò, cách riêng quí cô nương, nhịn ăn quà sáng, bớt tiền chợ (phe kịp tóc) hay dám "lương" luôn tiền đóng học phí (đa số là dân húi cua)... để lấy tiền đi coi bói!

Tại sao giới cắp sách lại mê coi bói như thế nhỉ?

Xin thưa rằng: có ba lý do chính yếu sau đây:

Tò mò : Ấy, tâm lý người đời nó lạ lùng lắm, ai cũng khoái biết trước những sự việc sẽ xẩy ra trong tương lai. Biết vậy, các ông bà thầy bói (tuy rằng mù mắt) cứ phát ngôn tưới hạt sen: A... a, số cô về sau giầu lắm, nhưng phải coi chừng đấy nhá kẻo bị bạn bè lừa gạt cho hết cả tiền hoặc là: tướng của cậu nếu theo binh nghiệp sẽ làm tới chức tướng, nếu đi tu sẽ lên chức cha bề trên, nếu lấy vợ sẽ làm... gia trưởng (!), nếu chẳng may rơi vào vòng... lao lý sẽ được bầu làm... tù trưởng (!), nghĩa là số của cậu ở đâu cũng làm lớn... Dĩ nhiên sau năm, mười năm các cô, cậu này đâu còn nhớ tới ông bà thầy bói nữa. Không nói giỡn chứ, nếu thất nghiệp, Thạch Thủ sẽ đi làm... thầy bói, cam đoan "ăn khứa" hơn các thầy bói danh tiếng đương thời, nhờ tài chuyên nói về các việc... tương lai!

Tự ái được vuốt ve : Quí bạn nào hay coi bói cứ thử ngẫm nghĩ lại mà xem: Mười lần xem bói thì cả mười lần thân chủ được "hiệp sĩ mù"... bốc thơm, nào là: số cô, số cậu sau sẽ làm ăn nên, quyền cao chức trọng, nào là sẽ có nhà lầu xe hơi, kẻ hầu người hạ... hoặc nếu bốc phải quẻ xấu (?) "hiệp sĩ mù" cũng vẫn áp dụng phương pháp "tâm lý chiến". Chẳng hạn: cô là người tốt bụng, dễ tin nên hay bị họ hàng lợi dụng - hoặc: cậu thuộc loại giầu tình cảm nên dễ vui, dễ buồn, coi chừng có thể bị lỡ dở về đường tình duyên. Nhưng... không sao, nhờ âm đức ông bà để lại, cậu vẫn lấy được vợ đẹp, vẫn có con khôn... hoặc: về đường chồng con cô không được may mắn lắm ; chồng cô sau này có địa vị giầu sang, nhưng phải tính hay nóng, nhưng nếu cô khéo xử thì gia đình lại êm ấm ngay... Nói đi nói lại thì vẫn là đưa khách hàng lên tận mây xanh. Người đời ai chả khoái làm lớn, làm người hùng, thành thử bị đánh trúng nhược điểm này mà không biết, người xem bói cảm thấy thơ thới hân hoan rồi khen lấy khen để là ông, bà thầy bói đó xem hay, xem đúng.

Muốn giải tòa bầu tâm sự: Những lúc thèm được xem bói nhất là khi vừa gặp phải một chuyện buồn hay bị thất bại hoặc lo sợ một điều nào đó. Theo phân tâm học, bất cứ tình cảm nào bị dồn nén quá cũng sẽ tìm một lối thoát. Do đó coi bói là một "phương tiện" để giải tỏa bầu tâm sự đó. Một dân húi cua mặt bấm ra sữa vừa bị ái tình đá đến binh một phát, liền thấy tương lai đen như da chà và, tưởng là cuộc đời đã đến lúc bế mạc, buồn quá, , bèn đến "xưng tội" với "nữ hiệp sĩ mù" để nghe "nàng" thỏ thẻ về đường tình duyên - Một cô bé kẹp tóc chẳng hiểu khéo léo thế nào đánh vỡ chiếc dĩa cổ liền bị má "hát bội" cho nghe. Cô bé mang  tâm trạng và mặc cảm của một kẻ bị bỏ rơi, bị bạc đãi, bị cô đơn, bị không ai hiểu... Thế là, cô bé liền vác cái "bị" tình cảm sầu muộn muôn đời đó đến đổ cho "nam hiệp sĩ mù" sau khi đặt ba lớp lên đĩa để rồi nghe "chàng" nói phét đến nửa tiếng đồng hồ...

Tóm lại, nếu nắm vững được các đặc điểm trên, đồng thời chịu khó luyện đôi mắt quan sát cho tinh (để dò phản ứng trên mặt thân chủ hầu thay đổi chiến lược mà đối phó với tình hình để "điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa") và tập cái lưỡi cho mỏng, cho nhanh (để tán dóc cho tài tình)... thì bất cứ ai cũng có thể trở thành lốc cốc tử quỉ khốc thần sầu!

Nói về kiểu bói, chúng ta thấy có nhiều "mục" lắm, nhưng thịnh hành nhất trong giới học trò là: xem chỉ tay, bói bài, đoán chữ ký, cầu cơ và thỉnh thoảng có "món" xem tướng và coi tử vi... Dĩ nhiên mỗi một kiểu có những phương pháp khác nhau. Tiếc rằng kỳ này, me xừ Hoài Mỹ chủ nhiệm và tổng thư ký Quyên Di bố thí cho mục Tạp ghi có bốn chương còm thành thử Thạch Thủ không thể vi vút đầy đủ ra đây được ; dám chắc một khi Thạch Thủ đã "bật mí", các ông bà thầy bói sẽ phải đập tráp, mở choàng mắt ra mà... thất nghiệp. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp tái ngộ.

Nói dại chứ một ngày kia Ngàn Thông bị... cảm mà lăn đùng ra chết, Thạch Thủ sẽ bắt chước Tản Đà treo bảng coi bói - Sua là sẽ dành ưu tiên cho độc giả Ngàn Thông: coi một quẻ, tặng thêm một quẻ chỉ tính tiền hai quẻ mà thôi, nếu bói đúng sẽ đòi thêm tiền huê hồng, nếu sai xin... thông cảm!


THẠCH THỦ    

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 22, ra ngày 20-3-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>