Mặc dù mắt chúng ta không hề bị một tật nào như, cận thị, viễn thị hay loạn thị và nếu chúng ta có thể tự hào mắt chúng ta tốt 100/100 thì khi quan sát hình ảnh sau, chúng ta phải sửa đổi lại quan niệm đó. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng tỏ mắt chúng ta có nhiều lầm lẫn quan trọng.
Khi chúng ta nhìn một vật, mắt sẽ điều tiết để đưa hình ảnh của vật đó hiện rõ ràng trên võng mô, nhờ dây thần kinh thị giác báo cho não bộ, ta có thể nhận biết vật đó. Đinh luật căn bản về thị giác cho biết, ta có thể biết được tính chất của một vật dựa vào các yếu tố: hình thể, màu sắc và chuyển động của chúng. Nguyên do các sai lầm của mắt cũng thường căn cứ vào hình thể và màu sắc của vật.
Những sai lầm này còn có thể gọi là những ảo tượng, ánh sáng nhiều quá hay ít quá có thể gây ảo tượng, ngay hình thể, những đường nét này, có thể gây ảo tượng cho những đường nét khác.
Một thí dụ cụ thể nhất là mũi tên do Miiller Lyer đưa ra năm 1890, ông vẽ hai đoạn thẳng bằng nhau, gắn vào đầu đoạn thẳng thứ nhất hai chữ V hướng vào trong, ở đoạn thẳng thứ hai ông vẽ hai mũi tên hướng ra ngoài, nhìn vào, mắt chúng ta kết luận dễ dàng rằng đoạn thẳng thứ hai dài hơn.
Đường xéo góc trong một hình chữ nhật hình như bị gãy và không liên tục khi ta vẽ một băng ngang ở giữa, đó cũng là một sai lầm về hình thể.
Những vòng tròn đồng tâm, nhưng được cho màu trái ngược nhau và cách đoạn khiến mắt chúng ta dễ lầm tưởng đó là một hình xoáy ốc, hoặc trên những vạch đen song song chúng ta vẽ các hình răng cưa không cân xứng, mắt chúng ta lại lầm lẫn đó là những đường xiêu vẹo.
Thực ra sự lầm lẫn không phải chỉ do thị giác gây ra mà chính ký ức, sự ghi nhớ những hình ảnh đã qua dễ làm chúng ta liên tưởng trở lại khi gặp một hình ảnh tương tự, chính vì thế mà bộ óc chúng ta mới đưa ra những kết luận sai lầm.
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 76, ra ngày 11-2-1973)