Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Tìm Tuổi Thơ


Một tấm gương để trên bàn viết tôi, tấm gương mà đứa con gái đầu lòng của tôi đã lấy ra chơi từ ngăn kéo bàn trang điểm của mẹ. Nó soi gương rồi bỏ quên trên bàn viết từ hồi chiều. 

Bây giờ là mười hai giờ đêm, tôi đã viết xong tất cả bài vở cho ngày hôm sau của mấy tờ nhật báo tôi cộng tác thường xuyên. Đáng lẽ tôi có quyền tắt đèn đi ngủ sau suốt mấy giờ đồng hồ làm việc mệt nhọc. Khi tôi với tay lên tắt đèn, tôi chợt nhìn thấy tấm gương, tôi cầm nó lên, soi vào mặt mình, tôi nhìn thấy tôi trong đó. Nhìn thấy một cái mặt của tôi thứ hai, đôi mắt mệt mỏi xụ xuống, những sợi râu mọc lởm chởm trên cằm, trên mép, mái tóc rối bù với những sợi bạc rủ xuống vầng trán bắt đầu có những nếp nhăn, chân dung của tôi đó, chân dung của một kẻ mệt mỏi chán chường, tôi muốn gục xuống khuôn mặt của tôi trong gương, muốn khóc với nó, nhưng tôi chẳng làm được gì, tôi thừ người nghĩ ngợi lan man. Tôi không biết đầu óc tôi lúc này đầy ắp những ý nghĩ hay là không có gì cả, rỗng tuếch, vì thỉnh thoảng tôi vẫn để cho đầu óc mình lười biếng như thế.

Xung quanh tôi là những đồ vật vô tri, cái bàn cái ghế, và trên cái bàn đó linh tinh không biết bao nhiêu đồ vật khác nữa. Bây giờ chỉ còn tôi với những đồ vật ấy, tất cả những sinh vật khác ngoài tôi ra đã đi ngủ, nếu còn những sinh vật khác còn thức thì đó là những con muỗi, con chuột, con rắn, con thạch thùng, chúng không biết nói.

Tôi sờ tay lên mặt bàn nhẵn thín, tôi cảm thấy bàn tay tôi mát rượi, tôi nghĩ đến cuốn truyện Những Giọt Mực của Lê Tất Điều. Điều đã làm cho những vật vô tri đó biết nói, biết suy nghĩ, biết buồn và biết vui. Nghĩ đến điều đó tôi thấy mình bớt cô đơn, chúng đang quan sát tôi phải không? Ồ nếu như vậy thì thú vị biết mấy. Anh bàn, đừng buồn tôi khi tôi đánh máy quá ồn ào trên mặt anh nhé, anh ghế, đừng xì nẹc khi tôi mỏi lưng ngả người ra một chút làm cho anh phải rên lên, chú máy chữ, hình như chú "bịnh" thì phải, chú khô dầu quá rồi vì tôi sử dụng chú quá nhiều không cho chú nghỉ ngơi đến nửa buổi, tôi sẽ tẩm bổ dầu nhớt cho chú ngay tức thì.

Gần mười năm trời nay tôi đã sống bằng nghề viết văn, tôi đã có khoảng năm chục cuốn tiểu thuyết xuất bản, và cũng có những cuốn tiểu thuyết của tôi làm ồn ào dư luận. Tôi chưa dám nhận mình là một nhà văn, và còn có những người bạn thêm một cái đuôi vào đằng sau hai chữ nhà văn du đãng nữa. Hầu hết những tác phẩm của tôi đều viết về đời sống thực, đời sống kinh khủng của kiếp người phù sinh này, tôi sôi sục trong ý tưởng khi sử dụng ngòi bút, tôi hằn thù khi viết văn, tôi hằn thù như thế vì tôi bất lực với đời sống, tôi nổi điên với cuộc sống. Tôi không làm gì được nó nên tôi viết văn. Tôi đã hiền lành, thật thà quá với đời sống này nên tôi chịu nhiều thua thiệt. Tôi nói thật điều đó ở đây, tôi không có quyền, không được phép nói dối hay kênh kiệu trên mặt báo Thiếu Nhi này, vì tôi tự hiểu rằng nếu tôi dối trá ở một nơi trong sáng này tôi có tội. Có một giây phút nào đó, con người ta dù độc ác đến đâu cũng vẫn nghĩ được những điều dễ thương, nghĩ về tuổi thơ ấu của mình, tôi cũng vậy, tôi không có khiếu viết văn tuổi thơ, nhưng cũng có lúc tôi sống với tuổi thơ, điều đó làm một vài người bạn đồng nghiệp của tôi ngạc nhiên gần như kinh ngạc khi nghe tôi nói đến tôi là độc giả trung thành của những báo thiếu nhi, khi biết tôi đọc hộp thư trả lời rất kỹ của anh Nhật Tiến, của chị Đỗ Phương Khanh trên báo Thiếu Nhi với cái cười tủm tỉm hồn nhiên nhất của tôi. Tôi bỏ ra cả tiếng đồng hồ để ngồi chơi ô chữ hoặc tìm một giải đáp cho một câu đố nào đó, đóng đồ nghề làm trò quỉ thuật úm ba la con chó biến mất. Khoái radio củ khoai trong khi tôi có radio 9 băng. Sáng thứ sáu nào cũng vậy tôi không quên tới sạp báo hỏi tờ Thiếu Nhi, người chủ sạp báo đã có lần nói với tôi:

- Ông mua báo Thiếu Nhi cho con ông đọc tốt lắm, đừng để cho nó đọc báo Thiếu Nhi bậy bạ.

Tôi mỉm cười nói với người chủ sạp báo:

- Không, hiện giờ thì tôi mua cho tôi đọc, vì đứa con lớn nhất của tôi mới có hai tuổi chưa đi học.

Người chủ sạp báo cười lớn cho rằng tôi nói đùa.

Một hôm Lê Tất Điều thấy tôi say mê nói chuyện báo Thiếu Nhi với anh ta, anh ta hỏi ngay tôi một câu:

- Vậy thì thần tượng của ông ở báo Thiếu Nhi là nhân vật nào vậy?

Tôi trả lời liền:

- Bình Electronic.

Tôi đã trả lời một câu thành thật tự đáy lòng tôi, tôi khoái anh chàng đó về sự hiểu biết máy móc của anh ta, vì tôi cũng thích máy. Có những lúc tôi đi lang thang một mình, nơi tôi thích nhất là nơi bán đồ lạc son của mấy chú Ba Tàu ở bên hông chợ Bình Tây Chợ Lớn, mò ra đường Phú Giáo xem người ta biến những chiếc xe Jeep phế thải của nhà binh thành những chiếc xe hơi lộng lẫy. Có lúc tôi đã tháo tung cái bơm xăng điện của xe hơi để xem cách vận chuyển xăng ra làm sao, như hồi bé tôi đã tháo tung cái kèn hát để xem rằng tại sao vặn dây cót lên nó lại hát nheo nhéo vậy. Tôi không bị một trận đòn như tôi đã lo lắng, cha tôi bình thản mang cái máy hát tới cho thợ sửa và mất cả mấy ngày trời giải thích cho tôi về cái đĩa nhựa thu âm thanh.

Đứa con gái lớn của tôi, bé Mi-nou, tới lễ Giáng Sinh này mới được hai tuổi, con bé kháu khỉnh và thích nói chuyện, buổi tối nào trước khi đi ngủ nó cũng bắt tôi phải kể chuyện cổ tích cho nó nghe, mở đầu câu chuyện cổ tích bao giờ nó cũng bắt tôi phải nói bằng câu: "Ngày xửa ngày xưa..." . Tôi đã cố gắng nhớ lại những câu chuyện cổ tích mà tôi đã thuộc ngày nhỏ, chuyện cô bé choàng khăn đỏ, cậu bé tí hon, cô Bạch Tuyết với bẩy chú lùn, con Tấm con Cám v.v...


Tôi đã kể cho Mi-nou thật nhiều chuyện mà hầu như nó vẫn chưa lấy làm bằng lòng, nó còn muốn nghe nhiều chuyện khác nữa kia, nó chỉ con thạch thùng trên trần nhà:

- Bố, bố kể chuyện con thạch thùng con nghe, bố kể cả con rắn con chuột con nữa, con mèo nữa...

Thế có chết không, tôi phải làm sao có một câu chuyện cổ tích đầy đủ ngần ấy con vật do nó ra đề cho bố, mà câu chuyện phải có tình tiết hẳn hoi, kể láo kể lếu Minou có thể khóc không chịu phục liền. Tôi phải bịa, phải dùng nghề dựng truyện của mình để biến những con vật đó thành câu chuyện cổ tích, và tôi cũng mở đầu bằng câu ngày xửa ngày xưa có một con chuột con, nghịch ngợm, lắm điều và làm biếng ăn sữa lắm, mẹ nó đánh nó bằng chổi lông gà hoài mà chứng nào vẫn tật ấy... Câu chuyện kéo dài về sự làm biếng ăn và sự phá phách của con chuột, con chuột con có bạn là con thạch thùng và con gián phá hoại. Một hôm ba con vật ấy trốn mẹ rủ nhau ra đầu nhà chơi gặp bác mèo đang nằm ngủ say sưa, ba đứa bàn nhau tới phá bác mèo, con thạch thùng thì cho biết rằng đêm hôm qua bác mèo thức suốt đêm không ngủ nên bây giờ mệt mỏi dù cho có chọc bác mèo cũng không thức giấc đâu mà sợ. Thế rồi cả ba con cùng tới chọc bác mèo, con chuột con vuốt râu bác mèo, con gián chui xuống bụng bác mèo thọc lét, con thạch thùng thì rứt lông đuôi bác mèo. Không ngờ bác mèo thức giấc, bác mèo túm được cả ba, ba đứa khóc lóc van lạy quá mà bác mèo cũng không chịu tha, ba đứa đổ tội cho nhau, cuối cùng bác mèo phải cân nhắc tội trạng từng đứa để xử phạt, con chuột con thì tội phá hoại nghịch ngợm không được ích gì, con gián nhấm quần áo, riêng thạch thùng được tha vì có công bắt muỗi...


Con gái tôi thường hay cho đề tài bất ngờ như vậy, có hôm nó nhìn thấy hình con đại thử (Kangouru) in trong tờ Thiếu Nhi, bắt tôi dựng ngay chuyện Kangouru (nó gọi là căng lu lu). Tôi lại phải bịa ra chuyện con kanggouru con nghịch ngợm tránh khỏi cái địu ở bụng mẹ đi chơi gặp ông sư tử suýt nữa thì bị ăn thịt, may nhờ có bác voi nhân từ cứu cho mới thoát chết... Bác voi dùng cái vòi xách cổ con kangouru con về với mẹ, xin lỗi mẹ bận sau không dám tự ý đi chơi nữa, và con kangouru con phải ăn sữa... mẹ nó mới hết giận.

Những giây phút ấy là những giây phút tuyệt vời nhất của tôi, tôi đã quên đi những nhọc nhằn, những lo âu đời sống để sống lại tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi với đồi núi bao la miền thượng du Bắc Việt, những con diều giấy bay cao tít trời xanh, buổi chiều nô đùa trên đê sông Thái Nguyên cạnh làng Thác Oánh hoặc đứng nhìn rặng núi Tam Bảo hùng vĩ ẩn mình trong sương chiều. Tuổi thơ với những ván đáo lỗ gây cấn, với những vụ chơi quay bị hầm đến xót ruột, những cuộc đánh trận giả đêm trăng ở phố Nỉ. Những buổi tối mùa đông nằm trong chăn bông nghe bố kể chuyện cô Bạch Tuyết bị mụ phù thủy cho ăn trái táo chết, tôi sụt sịt khóc thương cho cô Bạch Tuyết và lo lắng bố không kể nốt đoạn cô Bạch Tuyết được Hoàng tử cứu sống lại, nước mắt đầm đìa, những giọt nước mắt trong sạch làm sao. Tôi đang tìm lại đây, tìm lại tuổi thơ đã mất.

Tôi muốn nói với các em độc giả Báo Thiếu Nhi rằng, thời gian quí nhất của đời người là tuổi thơ, hãy giữ cho tuổi thơ thật trong sáng để sau này được ấp ủ mãi mãi. Tôi biết rằng đang có rất nhiều người mong ước được sống lại tuổi thơ của mình, như tôi, như tôi hiện giờ. Tôi biết nhiều em mong mỏi trở thành người lớn, chơi những trò chơi người lớn, tôi cũng đã qua những sự mong mỏi ấy khi tôi còn là một cậu bé mười tuổi, bây giờ thì tôi đã tới và tôi cảm thấy chán mứa. Tôi muốn trở lại với tuổi thơ thì đã muộn, nhưng tôi vẫn tìm lại tuổi thơ.

Các em có biết không, tôi rất thích thú với củ khoai tây khi làm máy thu thanh, khi làm cái máy bay phản lực không động cơ, hý hoáy chơi ô chữ. Còn một điều này nữa, có khi anh Nhật Tiến hoặc chị Đỗ Phương Khanh trả lời tôi trên hộp thư tòa soạn báo Thiếu Nhi mà không biết rằng đã trả lời cho một người bạn của anh chị, tường rằng trả lời cho một thiếu nhi nào đó. Chỉ những lúc đó mới là lúc tôi tìm lại được sự bình thản và thích thú cho tâm hồn, tôi đang làm một thiếu nhi, điều mà tôi hằng mong ước.

Tôi đang muốn xin cho mình một cái thẻ Thiếu Nhi với tấm hình khi tôi bằng tuổi các em, chắc chắn tôi sẽ có tấm thẻ ấy, tôi sẽ thích thú lắm, tấm thẻ không thể sử dụng được vào bất cứ công việc gì cho đời sống tôi hiện tại, nhưng chắc chắn tôi sẽ quí nó hơn hàng chục tấm thẻ nhà báo tôi đang sử dụng hiện tại. Vì trong phiếu xin gia nhập gia đình thiếu nhi có lời cam kết như sau: Xin gia nhập GIA ĐÌNH THIẾU NHI và xin hứa luôn luôn giữ gìn tác phong, đức hạnh để xứng đáng là một thành phần gương mẫu trong đại gia đình thiếu nhi Việt Nam.

Bây giờ không biết đã mấy giờ sáng rồi, tôi vẫn ngồi ở trước máy chữ, tôi thấy người tôi mền mệt, nhưng tôi phải thú thực rằng tôi rất thích thú khi được viết bài này, tôi mong mỏi rằng tôi sẽ viết được mãi, trong vòng mười năm trời viết văn của tôi chưa lần nào tôi viết lại thích thú như đêm nay, viết bằng tất cả sự thành thực và trong sáng của mình.

Trời có thể gần sáng rồi đó, nhưng tôi tin rằng tôi sẽ có một giấc ngủ đẹp vô cùng sau khi tôi tắt đèn làm việc. Một lần nào đó cũng chính trên trang báo Thiếu Nhi này tôi sẽ kể lại một giấc mơ đẹp của tôi, những buồn phiền của tôi khi đó sẽ đi chơi chỗ khác, chúng sẽ không dám bén mảng đến đâu. Nhạc sĩ Phạm Duy đầu đã bạc, có cháu nội rồi mà vẫn ao ước được sống lại một ngày của tuổi thơ trong bản nhạc Kỷ Niệm, khi tôi hát nho nhỏ lên những lời ca ấy tôi bỗng thấy nao bao buồn. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm tuổi thơ tuyệt vời vậy, tôi phải viết lên chứ, đó là một lời hứa hẹn.


Sài gòn đêm lạnh        
NGUYỄN THỤY LONG 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>