Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Thày Đời


Hôm nay chị lại kể chuyện về "cái tôi đáng ghét" của chị các em nhé. Lâu lâu kể chuyện "đáng ghét" của mình cho các em nghe cũng "đường được" chứ, các cô các chú bé của chị.

Dạo bé, chị hay làm khôn (nói theo các em bây giờ thì là "xí xọn" hay "lí lắc" gì đó, phải không các em). Chị hay "nói chữ" và hễ có ai phát biểu cái gì trái ý chị chị bèn "sửa sai", vì chị cảm thấy dường như mình có trọng trách phải "dạy khôn". Một hôm, muốn cho chị một bài học, bác chị mới kể cho chị nghe một chuyện mà chị nhớ mài mại như sau đây. Vì chị hay "bắng nhắng" nên bác chị mới dạy chị bằng một bài "chữ nghĩa" cho nó thích hợp, chứ nói nôm na quá, cụ sợ cô cháu coi thường chăng. Câu chuyện đại khái thế này:

"Hồi xưa ở bên Tầu, có hai thi sĩ nổi danh lắm, là Vương An Thạch và Tô Đông Pha. Vương An Thạch thì làm quan lớn hơn Tô Đông Pha (sau này dường như ông ấy làm tới tể tướng lận). Nhưng vì là thi sĩ nên ông ấy cũng trọng văn nghệ sĩ. Một hôm Tô Đông Pha đi làm (nói theo tiếng bây giờ chứ ngày xưa phải gọi là vào hầu việc quan cơ đấy nhé) mới thấy trên mặt bàn của quan lớn Vương An Thạch có hai câu thơ thế này:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.

Tô Đông Pha mới nghĩ thầm: "Sao lại "trăng sáng trên đầu núi" và "chó vàng nằm trong lòng bông hoa"? Thôi, chắc là quan lớn chữ nghĩa hơi lộn xộn, vậy ta phải chữa cho ngài tí để ngài phục chơi". Nghĩ đoạn, sẵn bút mực, Tô Công mới sửa đi chút đỉnh thành ra:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm.

Nghĩa là "trăng sáng soi đầu núi, chó vàng nằm dưới bóng hoa", úi da, sửa như thế là nhất rồi, quan ngài mà đọc xong thì phải phục lăn ra, phải toát mồ hôi hột vì núi Thái Sơn hổm rày ở ngay dưới trướng mà không biết. 

Ấy thế rồi chẳng hiểu đọc xong quan có sợ hay không, chỉ biết rằng một hôm Tô Công bị một lỗi nhỏ, mà quan lớn bèn "thuyên chuyển" ra một nơi khỉ ho cò gáy, buồn quá đi mất thôi. Đã buồn thì chớ, lại còn cứ nghe cái tiếng chim gì nó kêu não nuột trên núi, ông mới hỏi người bản xứ rằng "đó là con chim gì" thì họ bảo rằng "con chim đó tên là Minh Nguyệt". Trời lạnh mà Tô Công toát mồ hôi vì nhớ đến vụ sửa thơ của mình. Ông bèn khoác áo đi "thăm dân cho biết sự tình" thì lại phát giác thêm là không những có con chim Minh Nguyệt mà còn có cả con sâu tên là Hoàng Khuyển, mà đã là sâu thì nó nằm trong bông hoa là chuyện dễ như đọc báo Thiếu Nhi.

Vậy thì:

Minh Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng Khuyển ngọa hoa tâm

Nghĩa là: "Chim Minh Nguyệt hót ở đầu núi, sâu Hoàng Khuyển nằm trong bông hoa" đúng quá xá rồi, còn phải sửa gì nữa. May vì Tô Đông Pha là đại danh sĩ nên Vương An Thạch cũng mến tài, chỉ tặng một bài học nhẹ rồi lại "trả về nguyên quán", chứ không nỡ bắt nghe chim Minh Nguyệt hót suốt đời.

Mấy chục năm qua, chi tiết thì chị đã quên, nhưng kết luận để lọc ra một bài học về sự dạy khôn và tính kiêu ngạo thì chị nhớ mãi. Tuổi trẻ hiếu thắng và ưa khoe khoang, biết chút gì là muốn mọi người phải phục rằng ta biết rộng. Bài học ấy còn mãi trong óc chị nhưng vì không nhớ rõ tên hai nhân vật chính, nên chưa dám kể cho các em nghe. May nhân gặp bà Đông Hồ tức là nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội người mà chị kính mến như bậc thầy, chị mới hỏi lại và được bà cho biết đúng hai ông đó là Vương An Thạch và Tô Đông Pha, tích đó có ghi vắn tắt trong cuốn Việt Hán Văn Khảo của cụ Phan Kế Bính, mà chắc rằng còn có ở nhiều sách khác nữa, chị mới dám kể lại với các em, với niềm ước mong các em luôn nhớ rằng: "Điều mình biết nó ít ghê lắm, mà điều mình không biết thật là bao la".

Viết đến đây, chị lại sực nhớ hồi chú Nhật Tiến tái bản cuốn Những Vì Sao Lạc, cũng xẩy ra một chuyện sửa sai gần gần tương tự.

Một hôm chú ghé nhà in, gặp cậu sửa bài, tiếng nôm na là Thày Cò, cậu túm ngay lấy chú mà khoe rối rít:

- Chú ơi! Cháu mới sửa cho chú câu này hay lắm, nhà in trước họ in sai của chú, ai lại họ in thế này này: "Sáng ngày mồng một, mẹ tôi bận áo nhung đỏ, đeo kiềng vàng, đánh má hồng lộng lẫy..." thế có chết không hở chú, họ dám in là đeo kiềng vàng, chả có nghĩa gì cả, nhưng cháu đã sửa dùm chú rồi, cháu sửa là đeo kiếng vàng rồi...

Nhưng, ơ kìa, sao mặt chú N.T. cứ ngay ra như cái cán tàn, rồi chú chỉ kịp hỏi:

- Thế máy chạy chưa?

Các em ơi! Máy in chưa chạy, thành ra chú kịp sửa nó trở lại như cũ, để nhân vật phụ nữ duyên dáng của Hà Nội ngày xưa vẫn còn giữ được cái vẻ đặc biệt, chỉ một hình ảnh áo nhung, đeo kiềng, đã đủ cho những trái tim của dân Hà Nội xao xuyến. Vì cậu Thầy Cò nhỏ tuổi không biết tới cái "kiềng", cậu chỉ biết tới cái "kiếng", mà nếu các "mợ" của Hà Nội mà lại mặc áo nhung đeo kiếng vàng thì các "cậu" của Hà Nội thất vọng ghê lắm các em ạ!

Cái kiềng là cái vòng đeo trên cổ bằng vàng hoặc bạc. Từ ngàn xưa các mệnh phụ phu nhân vẫn dùng làm đồ trang sức, nhưng ngày nay thì đã bị coi là lỗi thời. Đáng lẽ chú N.T. phải tặng cậu bé một cái kiềng rồi bắt cậu ta đeo liền một tuần cho cậu bé tỉnh người các em nhỉ.

Nhưng chú N.T. không nỡ phạt cậu bé đâu. Chú đã được nghe một câu chuyện còn đặc sắc hơn cơ. Cháu của chú học Giảng Văn, Giáo sư dạy theo một cuốn sách Giảng Văn Đệ thất, có trích đoạn đó, và thấy in là kiếng vàng, cô bảo là vô nghĩa, vì kiếng gọng vàng, kiếng mát, hoặc kiếng cận chứ không có kiếng vàng, vậy dư chữ vàng, xóa bỏ đi. Cô phân tích đúng. Và sửa xong thì, câu văn thành: "Sáng ngày mồng một, mẹ tôi bận áo nhung đỏ, đeo kiếng, đánh má hồng lộng lẫy", và cô cháu đã chép đem về khoe với chú! Đến đây, chắc độc giả không còn có thể tìm được về nguyên bản nữa rồi.

Vậy thì các em ơi, các em đừng vội sửa lưng người mỗi khi thấy chuyện gì mà các em có cảm tưởng là họ sai nhé. Vì rằng rủi mà mình chưa biết được điều đó, mình sửa sai họ, có phen hố to, toát mồ hôi lạnh đấy các em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>