Kỳ này hết chuyện trong nhà, Thạch Thủ xin tiếp quí bạn độc giả thân mến bằng những chuyện ngoài làng. Đây cũng là dịp để "thay đổi không khí" và "đổi món ăn chơi".
Đọc đề tài xem bói ở trên, chắc có bạn đặt câu hỏi: Thạch Thủ, tên bán trời không văn tự, cũng dị đoan, tin vào bói toán nữa cưa à? Để "giải đáp thắc mắc" đồng thời để dùng làm đầu câu chuyện, Thạch Thủ xin kể lại lần coi bói gần đây nhất của Thạch Thủ:
Cũng bằng rầy năm ngoái, sau Tết con heo, Thạch Thủ và hai người bạn nữa bồng bế nhau lên Giồng Ông Tố (chỗ "ngã ba hay xảy ra tai nạn" ở Xa Lộ đi vào) để nhờ một ông thầy ngải kiêm "bói gia" nổi tiếng bấm cho một quẻ hầu biết trước những hên xui trong năm. Sau khi hỏi tuổi, ngày sanh, tháng đẻ, giờ và nơi chào đời (Ôi chao! Cẩn thận quá cỡ thợ thổi xế!) và sau khi ngắm nghía dung nhan bàn tay... gân guốc của Thạch Thủ, ông thầy trầm ngâm rồi trịnh trọng phán rằng:
- Năm nay, cậu sẽ đau nặng một lần, nhưng có tiền. Khoảng đến tháng sáu này, cậu được một món tiền rất lớn, tự nhiên nó tới, có thể như trúng số, cũng có thể do một người nào đó tặng cậu... Cuối năm, có một bà góa giầu mê cậu như điếu đổ (Trời ơi! Sung sướng vậy sao? Em chả! Em chả! Em... xí hổ quá!) Bà góa này còn trẻ và đẹp lắm (nhất rồi còn gì! Đúng là phong lưu nhất ai bằng... Thạch Thủ!)... Nếu tôi nói sai, sang năm, cũng vào ngày giờ này, cho cậu tới đốt nhà tôi đi...
Ra khỏi nhà ông thầy ngải, hai thằng bạn cứ nằng nặc đòi Thạch Thủ khao một chầu bún bò giò heo vì cho rằng Thạch Thủ gặp... duyên lành! Thế là "món tiền rất lớn" đâu chưa có, chỉ thấy gần nhất là mình mất toi năm bớp để khao hai thằng bạn có... khả năng ăn như Lê Như Hổ!
Quí bạn biết lời bói của ông thầy ngải linh nghiệm ra sao trong năm vừa qua của Thạch Thủ không? Hay lắm! Này nhé:
Nhờ chiếc xế đời Hitler của Thạch Thủ hay nhõng nhẽo, chẳng chịu nổ máy ghì cả, khiến Thạch Thủ phải thường xuyên đẩy nó đến toát-xì-cấu. Ấy nhờ vậy mà lại ăn khỏe, nên "phì... da" coi bụ bẫm và sổ sữa ra phết, cô hàng xóm cứ khen là thằng bé Thủ kháu khỉnh, "đẹp giai, học giỏi, con nhà giầu" mới chết chứ! Thế là cả năm Thạch Thủ chẳng biết nhức đầu, sổ mũi là gì ; các hãng thuốc Aspirine, Aspro... vì vậy mà ế lên ế xuống!
Còn vụ "một món tiền lớn tự nhiên tới" không hiểu sao cứ nằm ì trong nhà băng, không chịu "tái xuất giang hồ", trong khi đó Thạch Thủ "rách" hơn bất cứ năm nào ; lại còn vụ chiếc xế bụi đời ra đi không một lời từ biệt khiến Thạch Thủ tối tăm mặt mũi ngày đêm cứ gọi tên ông thầy ngải ra mà... tụng!
Mục hấp dẫn thứ hai, nguồn hy vọng cuối cùng của Thạch Thủ: bà góa giầu và đẹp! "Em góa ơi! Bây chừ em ở mô? Bến Hải hay Cà Mâu?" Chờ mãi không thấy, Thạch Thủ được sự "khích lệ tinh thần" của bạn bè, đi tìm "người tình không chân dung" để dựng "túp lều lý tưởng". Kết quả: Một lần Thạch Thủ bị một lão bà khoảng gần bảy mươi tuổi cầm đòn gánh đuổi vì Thạch Thủ lỡ đụng phải thúng trứng vịt lộn của bà. Hai lần bị mắng là "đồ dzô duyên" khi Thạch Thủ buông lời ong bướm mí một cô gái ba tầu bán ve chai và khi Thạch Thủ định "lương" xấp phong bao đựng tiền lì xì của cô hàng bé bự có những mụn trứng cá trên mặt như những cù lao!
Dĩ nhiên Thạch Thủ vẫn chưa quên lời của ông thầy bói: nếu tôi nói sai, cho cậu đốt nhà tôi đi! Tiếc rằng Thạch Thủ bận quá nên chưa đáp lời mời được ; khi nào rảnh, Thạch Thủ sẽ thông báo trên Ngàn Thông để độc giả cùng đi với Thạch Thủ đến đốt nhà ông thầy bói để xem cho đỡ buồn!
Bây giờ Thạch Thủ xin trở lại đề tài. Xem bói là một "hiện tượng" quen thuộc trong làng học trò, đặc biệt rất được giới nữ sinh hâm mộ và tranh nhau đóng vai chính. Chỗ nào có thầy tướng số, có cô bói bài, có ông xem chỉ tay... quí vị đó đều biết hết, còn rõ ràng hơn cả thuộc địa lý, sử ký. Rất nhiều khi, các đấng học trò, cách riêng quí cô nương, nhịn ăn quà sáng, bớt tiền chợ (phe kịp tóc) hay dám "lương" luôn tiền đóng học phí (đa số là dân húi cua)... để lấy tiền đi coi bói!
Tại sao giới cắp sách lại mê coi bói như thế nhỉ?
Xin thưa rằng: có ba lý do chính yếu sau đây:
● Tò mò : Ấy, tâm lý người đời nó lạ lùng lắm, ai cũng khoái biết trước những sự việc sẽ xẩy ra trong tương lai. Biết vậy, các ông bà thầy bói (tuy rằng mù mắt) cứ phát ngôn tưới hạt sen: A... a, số cô về sau giầu lắm, nhưng phải coi chừng đấy nhá kẻo bị bạn bè lừa gạt cho hết cả tiền hoặc là: tướng của cậu nếu theo binh nghiệp sẽ làm tới chức tướng, nếu đi tu sẽ lên chức cha bề trên, nếu lấy vợ sẽ làm... gia trưởng (!), nếu chẳng may rơi vào vòng... lao lý sẽ được bầu làm... tù trưởng (!), nghĩa là số của cậu ở đâu cũng làm lớn... Dĩ nhiên sau năm, mười năm các cô, cậu này đâu còn nhớ tới ông bà thầy bói nữa. Không nói giỡn chứ, nếu thất nghiệp, Thạch Thủ sẽ đi làm... thầy bói, cam đoan "ăn khứa" hơn các thầy bói danh tiếng đương thời, nhờ tài chuyên nói về các việc... tương lai!
● Tự ái được vuốt ve : Quí bạn nào hay coi bói cứ thử ngẫm nghĩ lại mà xem: Mười lần xem bói thì cả mười lần thân chủ được "hiệp sĩ mù"... bốc thơm, nào là: số cô, số cậu sau sẽ làm ăn nên, quyền cao chức trọng, nào là sẽ có nhà lầu xe hơi, kẻ hầu người hạ... hoặc nếu bốc phải quẻ xấu (?) "hiệp sĩ mù" cũng vẫn áp dụng phương pháp "tâm lý chiến". Chẳng hạn: cô là người tốt bụng, dễ tin nên hay bị họ hàng lợi dụng - hoặc: cậu thuộc loại giầu tình cảm nên dễ vui, dễ buồn, coi chừng có thể bị lỡ dở về đường tình duyên. Nhưng... không sao, nhờ âm đức ông bà để lại, cậu vẫn lấy được vợ đẹp, vẫn có con khôn... hoặc: về đường chồng con cô không được may mắn lắm ; chồng cô sau này có địa vị giầu sang, nhưng phải tính hay nóng, nhưng nếu cô khéo xử thì gia đình lại êm ấm ngay... Nói đi nói lại thì vẫn là đưa khách hàng lên tận mây xanh. Người đời ai chả khoái làm lớn, làm người hùng, thành thử bị đánh trúng nhược điểm này mà không biết, người xem bói cảm thấy thơ thới hân hoan rồi khen lấy khen để là ông, bà thầy bói đó xem hay, xem đúng.
● Muốn giải tòa bầu tâm sự: Những lúc thèm được xem bói nhất là khi vừa gặp phải một chuyện buồn hay bị thất bại hoặc lo sợ một điều nào đó. Theo phân tâm học, bất cứ tình cảm nào bị dồn nén quá cũng sẽ tìm một lối thoát. Do đó coi bói là một "phương tiện" để giải tỏa bầu tâm sự đó. Một dân húi cua mặt bấm ra sữa vừa bị ái tình đá đến binh một phát, liền thấy tương lai đen như da chà và, tưởng là cuộc đời đã đến lúc bế mạc, buồn quá, , bèn đến "xưng tội" với "nữ hiệp sĩ mù" để nghe "nàng" thỏ thẻ về đường tình duyên - Một cô bé kẹp tóc chẳng hiểu khéo léo thế nào đánh vỡ chiếc dĩa cổ liền bị má "hát bội" cho nghe. Cô bé mang tâm trạng và mặc cảm của một kẻ bị bỏ rơi, bị bạc đãi, bị cô đơn, bị không ai hiểu... Thế là, cô bé liền vác cái "bị" tình cảm sầu muộn muôn đời đó đến đổ cho "nam hiệp sĩ mù" sau khi đặt ba lớp lên đĩa để rồi nghe "chàng" nói phét đến nửa tiếng đồng hồ...
Tóm lại, nếu nắm vững được các đặc điểm trên, đồng thời chịu khó luyện đôi mắt quan sát cho tinh (để dò phản ứng trên mặt thân chủ hầu thay đổi chiến lược mà đối phó với tình hình để "điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa") và tập cái lưỡi cho mỏng, cho nhanh (để tán dóc cho tài tình)... thì bất cứ ai cũng có thể trở thành lốc cốc tử quỉ khốc thần sầu!
Nói về kiểu bói, chúng ta thấy có nhiều "mục" lắm, nhưng thịnh hành nhất trong giới học trò là: xem chỉ tay, bói bài, đoán chữ ký, cầu cơ và thỉnh thoảng có "món" xem tướng và coi tử vi... Dĩ nhiên mỗi một kiểu có những phương pháp khác nhau. Tiếc rằng kỳ này, me xừ Hoài Mỹ chủ nhiệm và tổng thư ký Quyên Di bố thí cho mục Tạp ghi có bốn chương còm thành thử Thạch Thủ không thể vi vút đầy đủ ra đây được ; dám chắc một khi Thạch Thủ đã "bật mí", các ông bà thầy bói sẽ phải đập tráp, mở choàng mắt ra mà... thất nghiệp. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp tái ngộ.
Nói dại chứ một ngày kia Ngàn Thông bị... cảm mà lăn đùng ra chết, Thạch Thủ sẽ bắt chước Tản Đà treo bảng coi bói - Sua là sẽ dành ưu tiên cho độc giả Ngàn Thông: coi một quẻ, tặng thêm một quẻ chỉ tính tiền hai quẻ mà thôi, nếu bói đúng sẽ đòi thêm tiền huê hồng, nếu sai xin... thông cảm!
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 22, ra ngày 20-3-1972)
Dĩ nhiên Thạch Thủ vẫn chưa quên lời của ông thầy bói: nếu tôi nói sai, cho cậu đốt nhà tôi đi! Tiếc rằng Thạch Thủ bận quá nên chưa đáp lời mời được ; khi nào rảnh, Thạch Thủ sẽ thông báo trên Ngàn Thông để độc giả cùng đi với Thạch Thủ đến đốt nhà ông thầy bói để xem cho đỡ buồn!
Bây giờ Thạch Thủ xin trở lại đề tài. Xem bói là một "hiện tượng" quen thuộc trong làng học trò, đặc biệt rất được giới nữ sinh hâm mộ và tranh nhau đóng vai chính. Chỗ nào có thầy tướng số, có cô bói bài, có ông xem chỉ tay... quí vị đó đều biết hết, còn rõ ràng hơn cả thuộc địa lý, sử ký. Rất nhiều khi, các đấng học trò, cách riêng quí cô nương, nhịn ăn quà sáng, bớt tiền chợ (phe kịp tóc) hay dám "lương" luôn tiền đóng học phí (đa số là dân húi cua)... để lấy tiền đi coi bói!
Tại sao giới cắp sách lại mê coi bói như thế nhỉ?
Xin thưa rằng: có ba lý do chính yếu sau đây:
● Tò mò : Ấy, tâm lý người đời nó lạ lùng lắm, ai cũng khoái biết trước những sự việc sẽ xẩy ra trong tương lai. Biết vậy, các ông bà thầy bói (tuy rằng mù mắt) cứ phát ngôn tưới hạt sen: A... a, số cô về sau giầu lắm, nhưng phải coi chừng đấy nhá kẻo bị bạn bè lừa gạt cho hết cả tiền hoặc là: tướng của cậu nếu theo binh nghiệp sẽ làm tới chức tướng, nếu đi tu sẽ lên chức cha bề trên, nếu lấy vợ sẽ làm... gia trưởng (!), nếu chẳng may rơi vào vòng... lao lý sẽ được bầu làm... tù trưởng (!), nghĩa là số của cậu ở đâu cũng làm lớn... Dĩ nhiên sau năm, mười năm các cô, cậu này đâu còn nhớ tới ông bà thầy bói nữa. Không nói giỡn chứ, nếu thất nghiệp, Thạch Thủ sẽ đi làm... thầy bói, cam đoan "ăn khứa" hơn các thầy bói danh tiếng đương thời, nhờ tài chuyên nói về các việc... tương lai!
● Tự ái được vuốt ve : Quí bạn nào hay coi bói cứ thử ngẫm nghĩ lại mà xem: Mười lần xem bói thì cả mười lần thân chủ được "hiệp sĩ mù"... bốc thơm, nào là: số cô, số cậu sau sẽ làm ăn nên, quyền cao chức trọng, nào là sẽ có nhà lầu xe hơi, kẻ hầu người hạ... hoặc nếu bốc phải quẻ xấu (?) "hiệp sĩ mù" cũng vẫn áp dụng phương pháp "tâm lý chiến". Chẳng hạn: cô là người tốt bụng, dễ tin nên hay bị họ hàng lợi dụng - hoặc: cậu thuộc loại giầu tình cảm nên dễ vui, dễ buồn, coi chừng có thể bị lỡ dở về đường tình duyên. Nhưng... không sao, nhờ âm đức ông bà để lại, cậu vẫn lấy được vợ đẹp, vẫn có con khôn... hoặc: về đường chồng con cô không được may mắn lắm ; chồng cô sau này có địa vị giầu sang, nhưng phải tính hay nóng, nhưng nếu cô khéo xử thì gia đình lại êm ấm ngay... Nói đi nói lại thì vẫn là đưa khách hàng lên tận mây xanh. Người đời ai chả khoái làm lớn, làm người hùng, thành thử bị đánh trúng nhược điểm này mà không biết, người xem bói cảm thấy thơ thới hân hoan rồi khen lấy khen để là ông, bà thầy bói đó xem hay, xem đúng.
● Muốn giải tòa bầu tâm sự: Những lúc thèm được xem bói nhất là khi vừa gặp phải một chuyện buồn hay bị thất bại hoặc lo sợ một điều nào đó. Theo phân tâm học, bất cứ tình cảm nào bị dồn nén quá cũng sẽ tìm một lối thoát. Do đó coi bói là một "phương tiện" để giải tỏa bầu tâm sự đó. Một dân húi cua mặt bấm ra sữa vừa bị ái tình đá đến binh một phát, liền thấy tương lai đen như da chà và, tưởng là cuộc đời đã đến lúc bế mạc, buồn quá, , bèn đến "xưng tội" với "nữ hiệp sĩ mù" để nghe "nàng" thỏ thẻ về đường tình duyên - Một cô bé kẹp tóc chẳng hiểu khéo léo thế nào đánh vỡ chiếc dĩa cổ liền bị má "hát bội" cho nghe. Cô bé mang tâm trạng và mặc cảm của một kẻ bị bỏ rơi, bị bạc đãi, bị cô đơn, bị không ai hiểu... Thế là, cô bé liền vác cái "bị" tình cảm sầu muộn muôn đời đó đến đổ cho "nam hiệp sĩ mù" sau khi đặt ba lớp lên đĩa để rồi nghe "chàng" nói phét đến nửa tiếng đồng hồ...
Tóm lại, nếu nắm vững được các đặc điểm trên, đồng thời chịu khó luyện đôi mắt quan sát cho tinh (để dò phản ứng trên mặt thân chủ hầu thay đổi chiến lược mà đối phó với tình hình để "điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa") và tập cái lưỡi cho mỏng, cho nhanh (để tán dóc cho tài tình)... thì bất cứ ai cũng có thể trở thành lốc cốc tử quỉ khốc thần sầu!
Nói về kiểu bói, chúng ta thấy có nhiều "mục" lắm, nhưng thịnh hành nhất trong giới học trò là: xem chỉ tay, bói bài, đoán chữ ký, cầu cơ và thỉnh thoảng có "món" xem tướng và coi tử vi... Dĩ nhiên mỗi một kiểu có những phương pháp khác nhau. Tiếc rằng kỳ này, me xừ Hoài Mỹ chủ nhiệm và tổng thư ký Quyên Di bố thí cho mục Tạp ghi có bốn chương còm thành thử Thạch Thủ không thể vi vút đầy đủ ra đây được ; dám chắc một khi Thạch Thủ đã "bật mí", các ông bà thầy bói sẽ phải đập tráp, mở choàng mắt ra mà... thất nghiệp. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp tái ngộ.
Nói dại chứ một ngày kia Ngàn Thông bị... cảm mà lăn đùng ra chết, Thạch Thủ sẽ bắt chước Tản Đà treo bảng coi bói - Sua là sẽ dành ưu tiên cho độc giả Ngàn Thông: coi một quẻ, tặng thêm một quẻ chỉ tính tiền hai quẻ mà thôi, nếu bói đúng sẽ đòi thêm tiền huê hồng, nếu sai xin... thông cảm!
THẠCH THỦ
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 22, ra ngày 20-3-1972)