Chiều xuống. Nắng nhạt dần. Những tia sáng yếu ớt vươn lên đọt dừa cao rồi từ từ rơi xuống tàng ổi sẻ rậm rạp. Bóng tối băng qua chiếc cổng rào xiêu vẹo, tràn vào ngôi vườn, nhập nhoạng trên từng vuông gạch loang lổ nơi hàng hiên.
Hoàng hôn. Hoàng hôn của đất trời. Hoàng hôn của cuộc đời bà. Một cuộc đời nếm trải bao buồn vui cay đắng, giờ đang đến chặng cuối đường. Lạnh ngắt. Vắng tênh. Khung trời trên cao thăm thẳm, lác đác vài vì sao nhạt mờ. Chung quanh im lặng quá. Từng giọt không khí quánh đặc nỗi buồn đè nặng lên trái tim làm bà nghẹt thở. Bà dựa hẳn người ra phía sau. Chiếc ghế mây đong đưa lên xuống như con lắc đồng hồ đếm bước thời gian. Thời gian xoa dịu vết thương nhưng thời gian cũng hằn sâu thêm niềm ân hận trào lòng.
Một ánh chớp lóe lên. Dãy đèn hàng hiên bật sáng, soi rõ giàn hoa leo vươn những nhánh dây quấn quít như trêu ngươi bà. Bà chợt nổi giận:
- Tắt đèn ngay!
- Thưa bà, trời tối rồi ạ.
Bà hét:
- Tắt đèn!
- Dạ.
Hàng hiên tối đen. Gió rì rào.
- Thưa bà, cháu đốt nhang muỗi cho bà…
- Đừng có tài lanh. Cút!
- Bà dùng cơm chưa? Để cháu…
- Đã bảo cút. Mày điếc hả?
Im lặng trở về dìm bà vào bóng đêm cô đơn. Bà nhắm mắt, rồi lại mở mắt ra. Con Sen vẫn còn đứng tần ngần bên bà. Cái dáng lờ mờ cao lênh khênh của nó như đánh dấu ngày tháng trôi qua. Dễ chừng năm nay nó đã 16, 17? Nó là đứa con hoang của thằng cháu họ xa lơ xa lắc của bà. Cái thằng Sở Khanh. Chơi hoa bẻ cành. Ngày con mẹ đưa nó đến van xin bà nuôi dưỡng để đi lấy chồng, nó chỉ là một con bé lên năm, mặt mày lem luốc, thân hình tong teo như một con cá khô. Tại sao bà phải cưu mang con nhỏ? Mặc kệ chúng nó chớ. Thời buổi bây giờ, nuôi một miệng ăn là cả một vấn đề. Nó còn nhỏ xíu như thế, biết khi nào mới đỡ đần được công việc trong nhà? Bà không nhận. Bà đuổi thẳng tay. Thằng Hai góp ý: “Má làm phước đi má. Bà quản gia có thể săn sóc cho con bé.” Bà quắc mắt: “Vậy thì ai lo cho tao? Con vợ mày có biết đến mụ mẹ chồng này không?” Thằng Ba có mặt ở đó, nói với bà: “Má không nuôi thì để con đem nó về chơi với bé Na.” Bà bĩu môi: “Thứ sợ vợ như mày mà dám à?” Rồi mặc cho hai thằng con tính toán với mẹ con bé, bà đóng chặt hầu bao lại. Tiền bạc là mồ hôi nước mắt, đâu có tiêu xài tùy tiện như vậy được . Bà thật vô phước. Có hai đứa con trai rồi cũng như không. Thật uổng công cho bà thủ tiết thờ chồng, nuôi chúng lớn khôn. Hai thằng con bất hiếu. Sau khi lấy vợ, chúng trả ơn cho bà bằng cách bỏ mặc bà, dọn đi nơi khác. Mà đâu phải chúng mua được nhà gì cho cam. Đằng này, thằng Hai đưa vợ con về khu tập thể cơ quan, còn thằng Ba thì về nhà vợ, sống kiếp tầm gửi, thật là nhục nhã. Chúng nó ra đi, bà buồn lắm, nhưng tự ái, bà không thèm ngăn lấy một lời. Ngu thì ráng chịu. Nhà cao cửa rộng không ưa, lại tự đày đoạ thân xác mình trong những gian nhà chung cư chật chội. Ban đầu, mỗi tuần, chúng còn đem cháu đến cho bà thăm, rồi sau đó, những cuộc viếng thăm thưa dần, con cháu trở nên xa lạ. Nỗi nhớ thương gặm mòn sức khỏe của bà. Vô ra trong gian nhà rộng, bà không biết tâm sự cùng ai. Bà quản gia xin về quê một tuần rồi không trở lại nữa, chị bếp kiếm được việc làm trong nhà hàng, cũng bỏ bà đi luôn. Hai đứa con dâu thay phiên nhau qua về chăm sóc bà, nhưng bà đuổi đi. Bà không cần. Bà còn mạnh mà. Bà có tiền nữa. Sợ gì chết đói. Bà ăn cơm tháng, thuê người đến nhà quét dọn hằng ngày. Ban đêm, bà xem Ti Vi, DVD…rồi đi ngủ. Con cháu đến thăm cũng tốt, mà không cũng vậy thôi. Bà con hàng xóm, thỉnh thoảng họp mặt chuyện gẫu hoặc chơi vài ván tứ sắc, cũng vui. Mà có vui thật không? Nói cho ngay, chỉ là vui gượng qua ngày. Vẻ hoan hỉ bên ngoài là lớp tro than che dấu ngọn lửa giận hờn âm ỉ trong lòng bà, ngày một nóng bỏng, đốt cháy tim gan. Bà giận con giận cháu, giận những người bà con thân thuộc dần dần xa lánh bà. Bà đã làm gì có lỗi với họ? Giàu đâu phải là cái tội, tại sao ai ai cũng bắt bẻ bà? Nghĩ mà tức. Cô em dâu của bà hay lên mặt dạy đời: “Sao chị không mua nhà cho hai cháu? Để chúng ăn nhờ ở đậu mãi như thế, chị không xót sao?” Xót à? Tại sao phải xót? Cơ ngơi của bà rộng lớn cả ngàn mét vuông, hai thằng con không chịu ở thì còn trách ai? Chẳng qua bà mợ quan tâm đến cháu như vậy để làm môi giới bán nhà kiếm chút hoa hồng thôi. Làm như thương cháu lắm. Bà đi guốc trong bụng tụi cò nhà, đừng hòng phỉnh dụ. Cậu em trai cũng hùa theo con vợ, nói kháy bà: “Đời người như giấc mộng, chị nên làm việc thiện cho con cháu nhờ”. Làm như bà ăn ở bất nhơn thất đức lắm không bằng!
Bà đắm chìm vào hồi ức xa xăm. Ông mất đi, để lại cho bà một tài sản khá lớn –kết quả của nhiều vụ bán buôn mà những người không có quyền thế chẳng thể thực hiện được. Không như những người đàn bà yếu đuối, chỉ biết ngồi yên ăn dần núi của, bà đã nhân tài sản của ông lên gấp bội bằng nhiều cách kinh doanh: Mở tiệm cầm đồ, cho vay, làm chủ hụi… Nhiều người lên án bà làm nghề “hút máu đồng loại”. Nói quá đáng. Bà chỉ làm giàu thôi mà. Câu tục ngữ “phi thương bất phú” áp dụng vào thời điểm nào cũng đúng cả. Ngoài những việc kinh doanh bề nổi, bà còn hùn vốn với những người bạn cùng hội cùng thuyền với ông để buôn những mặt hàng quý hiếm. Tiền bạc tràn vào nhà bà như thác lũ, biến thành những thỏi vàng, những hạt kim cương, trân châu, mã não… Thuở ấy, bà còn trẻ, rất nhiều người theo đuổi bà. “Chúng chỉ yêu tiền của mình thôi”, bà nghĩ thế. Bà đóng chặt cửa lòng, bao nhiêu tình cảm dồn hết cho hai đứa con trai. Rất tiếc, thằng Hai và thằng Ba chưa một lần đem lại vinh dự cho bà. Bà đã mời thầy về nhà dạy kèm từng môn học, nhưng sức học của chúng vẫn luôn ở mức trung bình. Thỉnh thoảng có nhỉnh lên một chút rồi lại tuột dốc thảm hại. Hai đứa con bỏ học nửa chừng không làm cho bà thất vọng bằng chúng cưới vợ mà không xin phép bà. Hai đứa con gái nhà nghèo! Tình yêu là cái quái gì chớ. Theo bà, cái gọi là “tình yêu” ấy chỉ tạo nên những cảm giác mơ hồ làm cho đầu óc con người lú lẩn. Bà vẫn nhớ như in những lời trách cứ của chúng: “Má khó quá, không ai ở nổi với má đâu.”
Không rõ tự bao giờ, thằng Ba đem con Sen qua ở với bà. Bao nhiêu năm qua rồi nhỉ? Thời gian chồng chất lên gương mặt bà những vết nhăn nheo. Tóc bà bạc trắng. Mắt bà mờ. Chân bà mỏi. Suốt ngày bà ngồi trên chiếc ghế mây nơi hàng hiên nghe gió rì rào qua vườn cây rậm lá, trông chờ những bước chân quen. Các con, các cháu của bà đâu?
Có tiếng rơi lộp độp ngoài vòm cây ổi sẻ, cành lá xô đẩy lao xao. Bà ngồi bật dậy:
- Sen, Sen, mày đâu rồi?
- Cháu đây.
Bà níu chặt cổ tay gầy guộc của cô gái:
- Ai như thằng Tí, con Na? Chúng nó lại tranh nhau mấy trái ổi sẻ phải không?
- Không bà ạ. Dơi đấy.
Bà thừ người, yên lặng. Mới ngày nào ngôi nhà này còn vang rộn tiếng cười của bầy cháu nội. Mặt mũi chúng mới khôi ngô xinh đẹp làm sao! Mỗi lần ghé thăm bà, đôi chân chim sáo của chúng nhảy nhót khắp vườn như những tia nắng vàng rực rỡ. Đất vườn bà hạp với giống ổi sẻ, loại ổi nhỏ cỡ trái chanh, ruột trắng ngần, ngọt thơm như bánh sữa. Cây cho trái quanh năm, hấp dẫn bầy trẻ nhỏ. Đến mùa ổi chín, thằng Tí –cháu đích tôn của bà thường leo lên những nhánh thấp hoặc dùng khoèo hái từng vốc ổi phân phát cho các em. Cái thằng thảo ăn, tính giống hệt ông nội của nó.
- Bà ơi, cháu dọn cơm bà dùng nhé.
Lòng bà chùng xuống. Cảm giác bực bội không còn nữa. Bà nhỏ nhẹ:
- Hãy đưa bà vào phòng. Bà muốn nằm một lát.
*
Bà khóa trái cửa lại. Ánh sáng từ ngọn đèn ngủ trên tường lan toả khắp phòng, phủ xuống mền gối, chân tay bà một màu xanh nhợt nhạt. Bà ngồi xuống giường. Theo thói quen quán tính, bà lật tấm nệm dày lên. Mặt gỗ đen bên dưới thẳm sâu, bí mật. Bí mật của ông, và sau đó là của bà. Bà đưa ngón tay ấn nhẹ lên cái nút nhỏ khuất lấp sau những sớ gỗ thô. Tách. Một khoảng rỗng vuông vức lộ ra. Bà luồn tay vào, nhấc lên một cái hũ đường kính độ hai tấc, men sứ óng ánh. Vật đựng bên trong còn óng ánh hơn. Một kho tàng. Bà vốc lên từng viên kim cương lấp lánh, trân châu, mã não, những thỏi vàng ròng trĩu nặng trong lòng bàn tay. Mồ hôi nước mắt một đời chắt chiu. Bà lại mê đi trong cơn mộng du. Quá khứ mở ra bằng đôi mắt ông nhìn bà trìu mến. Ông dìu bà đi trên con đường chông gai gập ghềnh, rồi dần dần hanh thông. Dạo đó, ông là một thư sinh nghèo, nhưng bà yêu ông ở cốt cách phong lưu, trực tính. Đến với bà, ông chỉ có lòng chung thủy, trái tim hồng và hai bàn tay trắng quyết tâm tạo dựng sự nghiệp. Rồi ông đỗ đạt, có địa vị trong xã hội. Ý thức được thân phận hẩm hiu của kiếp nghèo, ông nhất định phải thoát ra. Ông lao vào việc kiếm tiền, chỉ đạo những vụ làm ăn to lớn. Mồ hôi sức lực của ông bị hao mòn cạn kiệt. Tiền bạc chất cao thành núi, đồng thời căn bệnh nan y cũng lạnh lùng quật ngã ông. Ông ra đi khi tuổi bà còn trẻ và hai thằng con trai chưa có đủ trí khôn. Lời cuối cùng của ông như còn văng vẳng bên tai bà: “Mình gắng nuôi con nên người.” Bà đã làm tròn lời trăn trối. Thằng Hai, thằng Ba đã lớn, đã có vợ con. Nhưng chúng không thương bà, chúng tệ bạc với bà. Bà ôm cái hũ bước đến bàn thờ ông, thắp một nén nhang. Bà nhìn chăm chăm vào tấm vải phủ kín chân dung ông. Phía sau đó là gương mặt người bà thương yêu nhất, gương mặt cứ trẻ mãi trẻ hoài, mặc cho thời gian qua. Gần mười năm nay, bà đóng cửa tiệm cầm đồ, không cho vay cũng như không góp hụi… vì tuổi già sức yếu. Đã từ lâu, cái hũ nằm đó im lìm trong hốc cửa bí mật, không nhập vào thứ gì mà chỉ có xuất ra thôi. Vậy mà sao hôm nay, nó bỗng trĩu nặng trong tay bà? Bà biết rồi. Cái hũ không nặng thêm nhưng sức khỏe của bà đã mỏng, hơi bà sắp tàn theo tuổi đời chồng chất. Bà hoảng hốt đặt mạnh cái hũ lên bệ thờ. Nỗi sợ hãi dâng lên làm bà choáng váng. Nếu một ngày nào đó, bà không còn sức đem cái hũ ra khỏi nơi cất giấu, thì tài sản này sẽ về tay ai? Cây nhang cháy hết phân nửa để lại cọng tro hình vòng cung. Khói hương thơm nồng. Dường như tấm vải đỏ lay động, ông đang muốn nói gì với bà? Bà run run lật tấm vải lên. Mặt kiếng bóng ngời. Đôi mắt ông, không, đôi mắt của thằng Hai. Nụ cười ông cũng chính là nụ cười của thằng Ba, thật thà, cởi mở. Bà đã cho ông hai đứa con trai bụ bẫm, giống ông như tạc. Ông đã yêu quí chúng như vàng như ngọc, vậy sao bà lại đối xử tệ với hai núm ruột của mình?
Trí óc bà bỗng trở nên minh mẫn, soi thấu được lòng bà. Bà ích kỷ quá. Bà cố chấp quá. Chỉ vì chút tự ái, bà đã quay mặt với các con. Bà hợm hĩnh, cao ngạo. Bà không chấp nhận hai đứa con dâu vì chúng xuất thân từ chốn nghèo nàn. Vậy bà thì sao? Bà cũng từ đó vươn lên mà thôi. Nếu bà không vì lòng đố kỵ hẹp hòi, chịu giúp vốn cho hai thằng con làm ăn thì chúng đâu có khốn đốn như ngày nay. Nước mắt bà ứa ra. Bà nhẫn tâm cả với thằng cháu đích tôn. Nhớ hôm nào thằng Tí chạy xe lỡ gây tai nạn làm bị thương một khách bộ hành. Công an giam xe và giữ người lại, buộc phải đóng tiền bồi thường mới thả về. Mặc cho vợ chồng thằng Hai sang năn nỉ bà giúp đỡ để bảo lãnh đứa cháu ra cho kịp ngày thi vào Đại học, bà vẫn dửng dưng. Kết quả là thằng Tí mất một năm học, bỏ lỡ biết bao cơ hội trên bước đường học vấn. Còn con Na, đứa con gái đầu lòng của thằng Ba, vừa xinh đẹp vừa học giỏi. Nó được học bổng sang Anh du học. Nhà trường sẽ đài thọ tất cả, gia đình chỉ tốn tiền vé máy bay mà thôi. Một ngàn ba trăm sáu mươi đô la so với số châu báu trong chiếc hũ men sứ chỉ là một giọt nước giữa đại dương. Vậy mà bà từ chối. Bà không còn tính người nữa khi đã có những suy nghĩ lệch lạc: “Chúng nó ăn học để sau này bản thân chúng nó hưởng. Không liên quan đến bà”. Bà là một “bà nội độc ác”, một “bà nội phù thủy” đã tàn nhẫn đóng sập cánh cửa tương lai của những đứa cháu mình. Gương mặt ông nhạt nhòa trong nước mắt của bà. Bà có tội. Bà không xứng đáng với tình yêu của ông, của hai thằng con và bầy cháu nội. Bà cảm thấy mệt, cơn buồn ngủ ập đến nhanh chóng. Bà ráng sức đem cái hũ về chỗ cũ, đậy tấm nệm lên, rồi nằm vật xuống giường. Đầu óc bà lùng bùng. Trước khi thiếp đi, bà kịp nghĩ rằng, phải cho hai thằng con biết nơi cất dấu cái hũ, rồi giao hết cho chúng tùy nghi sử dụng. Của cải là phù vân. Bà sắp về với ông rồi, còn lưu luyến chi nữa.
*
Bà hé mắt. Những hình ảnh lung linh mờ ảo rồi rõ dần. Căn phòng sáng trưng, cửa sổ nhìn ra vườn mở toang một màu xanh mát mắt. Nhành ổi sẻ vươn cao, mang những chùm quả tròn trĩnh, ửng hồng trong làn nắng lọc qua mây. Bà nhìn quanh ngơ ngác. Kia là ngôi vườn của bà. Trong này là phòng ngủ của bà. Chụp đèn hoa đầu giường, chiếc tủ chè chạm trổ, bàn thờ ông thoang thoảng hương trầm. Có khác chăng là giờ đây, những cánh cửa đều được mở ra, đầu óc bà nhẹ nhàng tỉnh táo. Không khí trở nên trong lành dễ chịu. Bà nghe tiếng hơi thở nhè nhẹ bên tai. Có rất nhiều bàn tay đặt lên tay bà.
- Má, má có sao không?
- Má cảm thấy trong người thế nào?
- Bà nội ơi, bà còn mệt không bà?
- Bà nội tỉnh rồi. Mừng quá.
Bà lặng đi trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Mặc cảm cô đơn tan biến. Bà chưa bị bỏ rơi. Các con, các cháu vẫn còn nhớ đến bà. Bà thì thào:
- Hai ơi, Ba ơi… vợ thằng Hai, vợ thằng Ba…
- Chúng con đây má.
Những gương mặt thân thương đang cúi xuống bên bà.
- Má ráng ăn uống cho khỏe nghe má.
- Má sắp về với đất rồi.
- Không có đâu má à. Bác sĩ bảo má bị suy nhược cơ thể. Nghe con Sen nói tại má không chịu ăn uống nên mới ra nông nỗi này. Chỉ cần má chịu bồi dưỡng theo toa bác sĩ, má sẽ khỏe lại thôi mà.
Đứa cháu gái bóp nhẹ tay bà:
- Bà nội ráng ăn nhiều nghe bà nội. Má cháu có nấu cháo tim cật cho bà nội, để cháu đút cho bà nội ăn nghe.
Đứa cháu trai chen vào:
- Để cháu đỡ bà nội dậy. Na, đem tô cháo lại đây.
Bà nhẹ như bông trong cánh tay rắn rỏi của thằng cháu đích tôn. Thằng Tí đã trưởng thành rồi. Một thanh niên đúng nghĩa. Bà tựa đầu vào bờ vai vững chải, nghe lòng ấm áp xiết bao! Muỗng cháo ngọt lịm trong miệng bà.
- Bà nội có vừa ăn không?
Cô gái xinh tươi đang đút từng muỗng cháo cho bà là con bé Na ngày xưa hay khóc nhè đó sao? Rồi còn thằng Tèo, con Nết, con Ti, thằng Nô… chúng nó đã lớn hết rồi, những ánh mắt hiền lành đang nhìn bà sao mà quá dễ thương. Cũng vì bà, mà những người thân đã trở thành xa lạ. Suốt một đời ôm tiền bạc trong tay, để mặc cho con cháu xấc bấc xang bang. Bà đáng nguyền rủa quá. Sàn gỗ dưới chân bà bỗng nóng. Nơi cất dấu cái hũ vô tri bừng lên ngọn lửa địa ngục nung nấu trái tim bà. Bà không thể im lặng mãi được.
- Tí à, Na à. Bà có lỗi với hai cháu, hai cháu có giận bà không?
- Bà nội đừng nói vậy. Các cháu luôn luôn kính trọng bà.
- Bà cũng có lỗi với ba má các cháu.
- Ba má các cháu lúc nào cũng thương yêu bà.
Từng muỗng, từng muỗng, bà ăn hết tô cháo.
- Hai ơi, Ba ơi. Má muốn mời luật sư đến. Má muốn lập di chúc.
- Má còn khỏe lắm, chưa cần đâu má à.
- Má bây giờ như ngọn đèn treo trước gió, không biết tắt lúc nào. Đừng làm trái ý má.
- Thôi được. Má cứ nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Mọi việc để chúng con lo.
Bà nằm xuống. Tấm nệm êm ái ru bà vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Bà mơ thấy căn nhà của bà được sửa sang lại rất khang trang, có nhiều phòng, nhiều chao đèn bằng thủy tinh tỏa muôn ánh hào quang rực rỡ. Các con các cháu của bà tề tựu đông đủ. Cả vợ chồng thằng em trai, bà quản gia, chị bếp, con Sen… cũng quây quần bên bà. Tất cả đều hạnh phúc. Bà nhất định sẽ đem hạnh phúc đến cho những người thân của bà.
Lần đầu tiên, kể từ ngày ông mất, giấc ngủ của bà đầy và rất ngon.
Thùy An