Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

Buổi Hòa Nhạc Đầu Tiên


Dung bước vội lên xe buýt, len được vào trong thì xe cũng vừa chuyển bánh. Nàng khép nép đứng sát bên thành xe nhìn xuống đường. Trời hôm nay không có nắng. Đường phố râm mát và lác đác có vài giọt mưa. Dung thầm nghĩ:

- May quá, tý nữa thì nhỡ vừa bị mưa lại vừa trễ giờ.

Dung đến nhà bà giáo học đàn. Buổi tập dượt chiều nay rất quan hệ, vì là buổi tập cuối cùng trước khi Dung ra mắt công chúng.

Trình diễn trước công chúng, ý nghĩ ấy làm Dung hồi hộp, lo ngại. Cô bé mới có 14 tuổi, chưa bao giờ dám có tham vọng rằng mình sẽ dự vào một buổi nhạc hội, lên sân khấu độc tấu vĩ cầm trước đám đông cử tọa.

Nhưng hân hạnh ấy đã đến với Dung. Một hội thiện tổ chức buổi nhạc hội với mục đích lấy tiền giúp nạn nhân hỏa hoạn, đã nhờ bà giáo của Dung góp phần trong việc tổ chức. Dung được bà đề cử, và được ban tổ chức ghi tên vào chương trình.

Được chọn, Dung vừa mừng vừa lo. Mừng vì được dịp phô trương tài nghệ, tuy còn non nớt nhưng với số tuổi của nàng, khán giả tất cũng sẽ đại lượng. Nhưng cũng lo vì Dung chưa hề biểu diễn trước công chúng lần nào.

Xe ngừng lại ở góc đường Phan Đình Phùng. Dung bước xuống, đi nốt quãng đường ngắn tới nhà bà giáo. Ngang qua một gốc cây bên lề đường, nàng đưa mắt nhìn ông già ngồi đó với con chó và gửi nụ cười thiện cảm. Hai nhân vật này đối với Dung không xa lạ gì. Ngày nào ông lão cũng tới ngồi đó, đôi mắt lòa nhướng lên, ngơ ngác, không còn nhận ra được những hình bóng gì ở chung quanh. Con chó ngồi chồm hổm bên cạnh, canh chừng chiếc chậu sắt đặt phía trước, và rầu rầu nhìn các bộ hành qua lại ; ông lão, đặt chiếc đàn cò trên đùi, kéo liên miên những bản nhạc quen thuộc với mục đích xin tiền bố thí. Khi xưa, hồi còn khỏe mạnh và còn sáng mắt, chắc ông ta cũng là một nhạc sĩ kiếm ra tiền, không đến nỗi khổ cực như bây giờ.

Dung thấy thương hại ông lão. Vì không biết ông ta tên gì, nàng gọi ông là "lão nghệ sĩ mù". Và cứ chiều chiều khi đi ngang qua đây, Dung thường ngừng lại một phút, vừa đủ thì giờ bỏ một đồng bạc vào cái chậu sắt đặt trước mặt ông ta, hoặc cho con chó một mẩu bánh thừa.

Chiều nay Dung đi qua, không kịp đứng lại. Nàng nhủ thầm:

- Tội nghiệp "lão nghệ sĩ mù"! Nếu gặp cơn mưa không biết lão ẩn vào đâu. Để khi trở về, mình sẽ cho lão một đồng.

Lòng thương hại của Dung khuây lãng đi khi nàng bước chân vào phòng học. Âm nhạc là thú vui ham mê nhất của nàng. Với những ngón tay mềm dẻo của Dung, mấy sợi dây của chiếc vĩ cầm nàng sử dụng ngân vang những âm thanh réo rắt chứng tỏ nàng có thiên tài.

Cuộc tập dượt chiều hôm ấy kéo dài, mê mải, cả thầy lẫn trò. Bà giáo tỏ vẻ mãn nguyện:

- Được lắm, Dung ạ. Đến hôm ra trình diễn em phải cố giữ cho bình tĩnh đừng sợ sệt gì cả. Chắc chắn em sẽ được mọi người hoan nghênh. Cô sẽ có mặt hôm ấy và sẽ hãnh diện về em.

Dung thở dài, đặt chiếc vĩ cầm vào trong bao:

- Thưa cô, em vẫn thấy lo ngại lắm, chỉ sợ...

- Đừng sợ gì cả. Rồi em xem, em sẽ chơi rất hay. Thôi em về nghỉ đi, và nhớ những lời cô căn dặn. Bữa nay có ai đón em không?

Dung đưa mắt liếc lên chiếc đồng hồ treo:

- Thưa cô, ba em dặn bốn rưỡi tan sở ba em sẽ tới đón. Nếu quá giờ đó em cứ việc về một mình vì chắc ba em mắc bận phải lưu lại ở sở.

Nàng chào bà giáo, xách đàn đi ra. Bên ngoài, ráng chiều đã sắp tắt. Cơn mưa khi nãy đã tan để lại một làn không khí mát lạnh. Dung đi thẳng lại bến xe buýt. Qua chỗ gốc cây, nàng thấy "lão nghệ sĩ mù" vẫn còn ngồi đấy, dai đảng kéo chiếc đàn cò. Tiếng đàn uể oải, kéo dài những âm thanh hầu như ai oán. Người qua lại, không ai để ý đến tiếng đàn của lão cả. Họ lơ đãng, vội vã đi qua... Chiều đã sắp tàn, chẳng ai còn muốn la cà đứng lại, dù chỉ để móc túi ném vào chiếc chậu sắt chút tiền bố thí.

Dung chợt nghe tiếng đàn của lão dội lên, âm thanh như bị xé đứt: đờn của lão vừa bị đứt dây. Lão thở dài, buông chiếc đờn trên lòng, hai giọt nước mắt lăn trên gò má.

Dung đứng lặng trân nhìn lão, đôi chân như bị trồng cứng trên vỉa hè. Một ý nghĩ táo bạo thoáng đến làm gương mặt Dung ửng đỏ, rồi tái nhợt ; cuối cùng nàng quyết định, mở túi đàn lôi chiếc vĩ cầm của nàng ra, bước lại đứng gần lão nghệ sĩ mù. Khổ người bé bỏng của nàng với chiếc áo dài màu hồng nổi bật bên cạnh lão. Nàng đặt chiếc vĩ cầm lên vai, áp má vào thành đờn, phác thử âm giai dạo đầu một bản nhạc của Haendel

Lão nghệ sĩ mù ngạc nhiên ngẩng đầu nghe ngóng, lão tự hỏi: ai đã chắp nối những bản nhạc không đầu không đuôi của lão bằng thứ nhạc cổ điển danh tiếng của tây phương?

Vài khách bộ hành đứng lại, ngạc nhiên trước cảnh tượng một lão già mù lòa ngồi ủ rũ bên con chó gầy còm và, cạnh đấy cô bé xinh xắn, sóng tóc xõa ngang vai, đang nắn những cung đàn một cách điêu luyện.

Khán giả tụ lại mỗi lúc một đông, đua nhau ném tiền vào chiếc chậu sắt.

Dung không nhìn ai hết. Hoảng hốt về sự liều lĩnh của mình, tim đập rộn ràng muốn nghẹt thở, cô bé nhắm mắt lại, tập trung cố gắng vào điệu nhạc mình đang biểu diễn. Sau bản của Haendel, tiếp đến Vivaldi, rồi Mozart.

Vì nhắm mắt, Dung không thấy một bóng hình quen thuộc dừng lại trước đám đông và kinh ngạc thốt kêu:

- Dung!

Người đó chính là ba của Dung. Ông tan sở trễ nên không đi đón con, và thẳng ra bến xe buýt. Ngang qua đây ông chợt nghe tiếng đàn quen thuộc, với những nhạc điệu trầm bổng réo rắt mà con gái ông thường tập dượt, ông liền rẽ đám đông đang vây quanh Dung, và chỉ một thoáng nhìn, ông đã hiểu ngay tình thế.

Chờ cho bản nhạc vừa dứt, ông lặng lẽ đặt tay lên vai con.

Dung giật mình, mở mắt. Cô đỏ mặt, thảng thốt kêu:

- Ba!

Nàng bối rối chờ đợi lời quở mắng của cha. Nhưng ba của Dung không nói gì cả. Ông đỡ lấy chiếc đờn của con và đặt vào tay nàng tờ giấy 50 đồng, với một nụ cười thông cảm. Dung hân hoan trao tấm giấy bạc và chiếc chậu sắt đầy tiền cho "lão nghệ sĩ mù" rồi theo cha đi như trong một giấc mơ.

Cuộc hòa nhạc đầu tiên của Dung chấm dứt, và làm cho nàng tin tưởng ở tương lai.


BÍCH THỦY    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 12, ra ngày 25-12-1963)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>