Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CHƯƠNG 9_HAI TỜ DI CHÚC I

 9


MỘT HÒN ĐÁ HẠ HAI CHIM


Chuông đồng hồ vừa dứt, đôi môi cụ Sáu Riệm run run mấp máy như muốn nói cái gì đó. Sợ không nghe rõ, Ái Lan ghé sát tai. Tiếng chuông đồng hồ đột ngột quả thật đã tác động mạnh lên não bộ của bà cụ không khác một cái chốt đẩy trúng lò xo, làm bật ra những ý nghĩ thầm kín chưa nói ra được... và có thể cả những kỷ niệm xa xưa từ lâu bị vùi sâu trong quên lãng. Và Ái Lan linh cảm là bà cụ Sáu Riệm sắp sửa nhớ lại được một cái gì quan hệ lắm.

Quả nhiên, cụ Sáu giọng run rẩy, lắp bắp nói chẳng ra hơi, khiến Ái Lan phải ghé tai thật sát hơn nữa mới nghe được văng vẳng như tiếng muỗi kêu :

- Cái đồng hồ... phải, phải, đúng rồi, cái đồng hồ !

Ái Lan, nhằm gợi ý cho cụ Sáu, tiếp lời :

- Cụ Doanh đã cất giấu tờ di chúc trong cái đồng hồ ?

Nhưng bà cụ bỗng lại lắc đầu chán nản :

- Không ! Tôi đâu có nói thế !
Tiếp theo là một tiếng thở dài buồn bã : Tôi mới chợt nhớ ra một cái gì, chưa kịp nói hết đã lại quên ngay ! Tuổi già lẫn lộn mất hết cả, thật khổ ! À, à, hình như chú Doanh có nói với tôi về một cái đồng hồ thì phải ! Ô ! Mà không biết có đúng thế không, có lẽ tôi nhớ sai rồi… !

Trong khi nói lung tung như vậy, đôi mắt bà cụ Sáu vẫn không rời chiếc đồng hồ treo trên vách. Ái Lan ngạc nhiên cũng đưa mắt nhìn theo, và em tự hỏi thầm :

- Quái lạ ! Cái đồng hồ kia thì ăn thua gì đến lá chúc thư của cụ Doanh nhỉ ?

Đột nhiên, bà cụ Sáu khẽ "a" lên một tiếng :

- Phải, phải ! Tôi nhớ ra rồi ! Ấy đấy, tự nhiên sực nhớ ra ngay... thật, chẳng hiểu ra làm sao cả !

Ái Lan nôn nóng :

- Nhớ gì, cụ Sáu ?
Miệng hỏi mà lòng em run sợ bà cụ già chợt nhớ đấy mà cũng lại có thể quên ngay đấy được, sẽ không kịp nói rõ.

Cụ Sáu nói mau và tiếng thật to như một lời reo mừng :

- Quyển sổ con ! Ừ, đúng rồi ! Đúng là một quyển sổ con con, xinh lắm !

Ái Lan khẩn khoản :

- Vâng, quyển sổ con xinh lắm, rồi gì nữa hả cụ Sáu ?
Vừa hỏi em vừa ráng không để lộ sự nóng ruột e làm bà già bị kinh động lại quên mất hết.

- Thôi, tôi nhớ ra rồi ! Chú Doanh đã ghi tất cả mọi việc riêng của chú vào một quyển sổ con con bé tí. Và chú đã nói rõ với tôi như thế này : "Chị Sáu, sau khi tôi chết, nếu chị không thấy ai đá động gì đến tờ di chúc thứ hai tôi để lại đó, thì chị phải đích thân lo việc đó nhé ! Cần làm những cái gì, tôi đã ghi cả ở trong cuốn sổ con tí đó…"

- Thế bây giờ cuốn sổ đó đâu rồi, cụ Sáu biết không ?

- Chịu ! Tôi cũng chẳng biết nữa ! Chắc chú Doanh đã cất đi một chỗ nào rồi đó chứ !

Ái Lan lại lạnh toát người và có cảm giác sự thành công đang biến thành mây khói. Đưa tia mắt ngó quanh nhà, rồi Ái Lan chăm chú nhìn cái đồng hồ treo trên vách, tự hỏi chẳng hiểu cái đồ vật đó liệu có liên hệ gì tới tờ chúc thư bí mật của cụ Doanh không ? Câu trả lời chợt xuất hiện như một làn chớp trong đầu óc em : "Nếu không liên hệ thì tại sao khi nghe chuông đồng hồ đổ đột ngột, cụ Sáu lại sực nhớ ra quyển sổ con tí của ông em họ ?"

Ái Lan bật đứng lên, tiến lại phía tủ com-mốt, nơi treo đồng hồ. Chiếc đồng hồ không lớn lắm nên em nhấc xuống dễ dàng, mở nắp hộp kính ngó vào bên trong. Ngoài một chiếc chìa khóa dùng để lên dây thiều và bộ máy đầy bánh xe lớn nhỏ, không thấy cái gì khác lạ nữa. Treo trả lên vách xong, Ái Lan trở lại ngồi bên cụ Sáu. Một lúc sau, em mới hỏi :

- Khi cụ Doanh nói với cụ Sáu những điều vừa rồi, thì ông cụ ở trại cam hay đã lên Đà Lạt rồi ?

- Hồi đó chú ấy đã ở với tụi nhà Phàm rồi chớ ! Nhưng cũng chưa được lâu nhiều. Thỉnh thoảng lại về trại cam ở Lạc Dương hai ba bữa. Rồi ít tháng sau đó chú không về nữa, ngoài lần sau chót để bán nhà và vườn.

- Thế còn đồ đạc ? Cụ Doanh bán cả đồ đạc luôn sao ?

- Đồ đạc thì tụi nhà Phàm đem xe về chở đi hết !

Ái Lan giữ im lặng, nghiền ngẫm mấy cái chi tiết vừa được biết. Rồi em lẩm bẩm :

- Chắc thế nào cụ Doanh cũng phải có một chiếc đồng hồ lớn, cổ xưa chứ không không được !

Cụ Sáu lẩm bẩm nhắc lại :

- Đồng hồ treo cũ, đúng rồi ! Chú ấy có một cái đồng hồ kiểu cổ vẫn treo trong nhà mà !

- Cụ Sáu cho cháu biết qua hình dạng nó được không ?

- Coi nào ! Ừ phải, trông nó như những cái đồng hồ lớn khác đó,... mặt vuông vuông ! À đây này, nó cũng giống cái đồng hồ này của tôi, nhưng lớn hơn, vẫn treo trên tường mà. À !... à, cái mặt ngoài phía trên đó, có chạm trổ cái gì đây này !... À, phải rồi có mấy ngôi sao và một mảnh trăng hình lưỡi liềm, đúng rồi !

- Cái đồng hồ đó bây giờ đâu rồi cụ Sáu ?

- Già cũng chẳng biết nữa ! Chắc tụi nhà Phàm lấy luôn chứ còn đâu !

Ái Lan cắn môi cố giữ cho khỏi buột miệng nói hở cho cụ Sáu biết là có thể cụ Doanh đã giấu tờ di chúc bên trong cái đồng hồ. Ý nghĩ đó chỉ là một giả thuyết. Nói ra để bà cụ hy vọng, rồi lỡ không có thì sao ? Để một người già lão ốm yếu như vậy mong ngóng trông chờ rồi rốt cuộc không lại hoàn không thì thật tội nghiệp. Và Ái Lan quyết định :

"Để chắc chắn có kết quả tốt đã, mới cho bà cụ hay !"

Em hỏi bà cụ Sáu một vài câu nữa, nhưng nhận ra là bà không còn biết gì hơn, dù em có gợi cho cụ nói thêm về cái đồng hồ cũ của cụ Doanh.

Rồi cho cụ Sáu thêm một ly nước trà nữa, xong, Ái Lan đứng dậy xin phép ra về và hứa sẽ đến thăm cụ luôn. Em lại có ý sẽ ngừng lại, ghé vào cái nông lại nào ở gần nhà cụ Sáu nhất để nhờ người ở trong đó, nếu có phút nào rảnh, làm ơn đến ngó qua bà cụ đau yếu giùm.

Mấy phút sau, Ái Lan đã trên đường về Đà Lạt, tạm yên trí về số phận của bà cụ Sáu Riệm, đồng thời cương quyết khám phá bí mật trong vụ gia tài của cụ Doanh. Cuộc tiếp xúc với bà chị họ gần của cụ đã cho em nhiều tin tức có ích. Và em sẽ kín miệng không nói gì với chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên vội, trước khi đã biết được gì thêm về cái đồng hồ bí mật. Ái Lan ngấm ngầm vui vẻ kết luận :

- Như vậy thì nhất định là cụ Doanh đã có viết lá chúc thư thứ hai và cất giấu kỹ một nơi nào đó rồi. Tìm ra quyển sổ con kia là sẽ biết được hết. Bà cụ sáu cũng không còn nhớ và biết được chút gì về số phận của quyển sổ quý giá đó. Riêng mình, thì mình cho là cụ Doanh đã giấu nó ở trong cái đồng hồ cổ. Phải, nhất định là như thế rồi ! Nếu không, tại sao bà cụ Sáu lại cứ lẩm cẩm mắt ngó trừng trừng vào cái đồng hồ trên vách vậy ?

Ái Lan lại bâng khuâng tự hỏi làm cách nào mà tìm cho ra cái đồng hồ cổ ấy đây ? Cứ cho là dự đoán của cụ Sáu đúng và chiếc cổ vật đó đã bị nhà Phàm thu nhặt đem về làm của riêng rồi, thì liệu em làm cách nào mà mó máy được ? Thêm nữa, biết đâu vợ con ông Phàm lại chẳng tò mò lục bới, vô tình đã nắm được trong tay !

Nhưng Ái Lan lại bình tĩnh tự trả lời ngay :

- Nếu tụi họ vớ được tất nhiên đã phải thiêu hủy ngay rồi chứ... ! Và như vậy thì sao lại còn câu chuyện băn khoăn lo lắng của chị em Bích Mai, Bích Đào bữa nọ nơi vườn bông trước cửa chợ ? Không ! Nhất định là tụi nhà Phàm chưa tìm ra được, nếu quả thực cụ Doanh có giấu cuốn sổ con trong chiếc đồng hồ cổ. Và phải là mình, phải là chính mình sẽ đích tay tìm ra cuốn sổ quý giá đó.

Đường từ nhà bà cụ Sáu về Đà Lạt khá xa, trời lại nắng đẹp, Ái Lan cho xe chạy từ từ, thảnh thơi, tha hồ nghiền ngẫm kế hoạch. Vẫn chưa tìm ra phương cách nào cho đích đáng. Nhưng em phải vào nhà Phạm văn Phàm cho kỳ được.

Ái Lan khẽ cười ra tiếng, lẩm bẩm :

- Không lẽ mình trèo qua cửa sổ nhà họ mà vào ? Nếu không phải vào một cách đường hoàng bằng cổng chính ! A, như vậy chắc tụi họ sẽ nghi ngay ! Hai con nhỏ với mình từ trước đến nay vốn vẫn ghét nhau ra mặt, nay mình đột ngột đến nhà, tránh sao họ sẽ vô cùng ngạc nhiên ? Hơn nữa, Bích Mai, Bích Đào, đã dư biết là mình chú ý săn sóc đến hai chị em Ngọc, Liên dữ lắm, nay thấy mình lù lù đến, tất nhiên họ sẽ lại càng nghi tợn... À, khó ghê ! Phải tìm một lý do gì có vẻ xuôi xuôi mới được !

Mải suy nghĩ, xe về tới nhà lúc nào không hay. Ái Lan mừng rỡ tắt máy, dựng xe. Vừa đặt chân xuống đất, đột nhiên có tiếng ai gọi tên em. Ái Lan quay lại : Diễm Anh, cô bạn thân đang chạy tới, miệng nói láu táu :

- Trời ! Ái Lan ! Sao lâu quá không gặp ? Đi đâu vắng mà biệt tăm vậy.

Em cười khanh khách :

- Ừa ! Hồi này bận quá ! Vào nhà đi Diễm Anh ! Tụi mình nói chuyện một chầu cho đã, đi !

- Ấy ! Không được đâu, Ái Lan ! Mình phải đi liền bây giờ kẻo trễ đây này ! Khổ ghê ! Mình đang phải đi bán vé số giúp bão lụt miền Trung này, Ái Lan !

- Bán được khá chưa ?

Diễm Anh thở ra một hơi dài :

- Mười lăm tấm, chạy tóe khói, bở hơi tai ra mà vẫn còn sáu cái đây này !

- Thôi được ! Để mình mua giùm hai tấm !

Diễm Anh vui mừng :

- Thế thì hay quá ! Bực quá đi Ái Lan ! Ngày mai đây mình lại đi cắm trại ở Prenn mới kẹt chứ ! Mà giờ đây còn chưa bán hết thì làm sao đi ?

Ái Lan ngạc nhiên, nhìn bạn :

- Đi thác Prenn cắm trại ? Ngon quá ta ? Ở đâu tổ chức vậy ? Và Diễm Anh đi với ai ?

- Trường Thánh Tâm, con nhỏ Huyền em họ mình học đó mà. Tụi nó hiện đang đóng dinh hạ trại rồi. Huyền nó cứ nài mình đi với nó và mình hứa sẽ xuống ở chung lều với nó mười lăm ngày. Lẽ ra chiều nay đã phải có mặt ở dưới ấy rồi. Nhưng còn mấy cái này nên mới kẹt lại đấy !...

Đột nhiên đang nói, Diễm Anh ngưng bặt như chợt có một ý kiến gì hay hay :

- À, ủa ! Quên khuấy đi mất ! Ái Lan ! Tại sao Ái Lan không đi cắm trại với tụi này luôn một thể cho vui nhỉ ! Tuyệt lắm ! Tụi này khám phá ra ở suối Prenn có một quãng nước sâu đến gần bụng, nước không chảy xiết, nên bơi thú lắm.

- Hừ ! Người ta cũng đang thèm muốn chết luôn đây này ! Nhưng khổ một nỗi mình bận ghê lắm, không dứt ra mà đi được. Xuống dưới ấy sống với Huyền và Diễm Anh, ngày ngày vào rừng lượm củi về nấu cơm ăn, xong, đọc Tuổi Hoa rồi lăn ra ngủ. Đêm đốt lửa trại, nhảy múa bài "Đêm trong rừng" thì... úi chao ! Tuyệt ơi là tuyệt ! Hừ ! Tiếc lắm ! Tiếc vô cùng đó Diễm Anh !

- Vậy thì bữa nào rảnh, Ái Lan nhảy vespa xuống đó với tụi mình nghe ! Ít nhất mình cũng ở trại tới nửa tháng cơ mà ! Mà còn mấy tấm giấy số này, phải bán hết đã. Bực ghê ! Mình có tiền thì ứng phắt ra rồi bán sau cũng được ! Nhưng học trò là nghèo hết, tiền đâu ?

Tiếp theo là tiếng cười ròn rã của hai cô nữ học sinh. Ái Lan vừa cố nín cười vừa bảo bạn :

- Diễm Anh bị kẹt chưa xuống với Huyền được kể cũng bực mình thật ! Thôi mình mua cho hai tấm. Bao nhiêu tiền một tấm, Diễm Anh ?

- Năm chục !

Ái Lan mở sắc tay lấy tiền trao cho bạn. Đột nhiên em vụt nói :

- A ! Diễm Anh mình có ý kiến này hay lắm : để mình bán bốn tấm còn lại dùm cho ! Diễm Anh nghĩ sao ?

- Ái Lan nói giỡn hả ?

- Thiệt đó chứ giỡn gì !

- Trời ! Vậy thì may quá ! Đây cả quyển sổ cuốn vé đây, đó, bốn cái còn lại đó ! Nhưng mình cần cho Ái Lan biết trước : bán được hết không phải là chuyện dễ như ăn phở đâu, nghe !

Ái Lan mỉm cười :

- Yên trí mình sẵn sàng chiến đấu mà !

Diễm Anh kính phục bạn ra mặt :

- Ái Lan "rắn mắt" thiệt tình ! Tuyệt ở chỗ là cái rắn mắt của Ái Lan lại cất được cho mình một cái gánh nặng mới hay chứ ! Thôi vậy là yên trí, mình có thể "dông", được rồi ! Hẹn gặp lại nghe, Ái Lan ! Và chúc may mắn... đắt hàng !

Diễm Anh đã mất hút nơi đầu phố, Ái Lan còn im lặng đứng tại chỗ, mắt nhìn chăm chú mấy tấm vé số cầm trong tay. Rồi em lẩm bẩm, miệng nở nụ cười thú vị :

- "Ha ! Ha ! Đây là dịp may độc nhất, lý do rất chính đáng ! Hà ! Một hòn đá ném hai chim ! Vừa giúp được Diễm Anh làm việc nghĩa, vừa không bị nghi ngờ khi đột nhập "Kiêu ngạo thành" của trang chủ họ Phạm tên văn Phàm !"

_______________________________________________________________________________ 
Còn tiếp


Hết quyển I. Xin mời xem tiếp quyển II

CHƯƠNG 8_HAI TỜ DI CHÚC I

 8


BÀ SÁU RIỆM


Đây, nhà bà Sáu Riệm đây rồi ! Đúng như lời ông chủ trại trồng bắp hồi nãy chỉ cho mình đây mà!

Ái Lan đậu xe trước một căn nhà tranh cũ kỹ cất giữa một cái sân rộng. Chung quanh sân, một hàng rào bằng cây còn chắc chắn, xen lẫn những thanh tre rừng, lâu ngày đã ngả màu trắng bạc. Dây mồng tơi đua nhau phủ kín hàng rào, lá to xanh ngắt điểm lốm đốm những chùm hoa hồng và những quả tròn xinh xinh màu tím thẫm. Bốn góc sân cỏ mọc tốt um. Vách nhà thấp, tưởng như không đủ sức đỡ nổi cái mái lợp bằng lá gồi. Có mỗi một cái cửa ra vào độc nhất. Hai ô cửa sổ hai bên hình như chỉ làm cho có chứ không cốt ý soi sáng, nên bé xíu và đóng im ỉm. Liếp che cửa sổ và cửa ra vào đã bựt nẹp tuột cả đầu nan tre ra, trông căn nhà càng thêm phần tiêu điều hiu quạnh.

Ái Lan ngần ngại lẩm bẩm :

- Quái ! Sao trông như nhà bỏ hoang vậy ?
Em đưa mắt nhìn quanh một lần nữa nội khu đây chỉ có mỗi một căn nhà này thôi mà, lầm sao được !

Đặt bước chân lên bực tam cấp bằng cây, Ái Lan có ý tránh những chỗ gỗ mọt có thể sụt xuống bất tử lắm.

Ngập ngừng chưa gõ cửa vội, thêm quang cảnh tiều tụy bao quanh, khiến Ái Lan tự nhủ trong một hơi thở dài nhè nhẹ :

- Hừ ! Đây là chuyện đi cuối cùng ! Không được một tia sáng gì nữa thì coi như… bỏ cuộc.

Sau tiếng gõ cửa, chẳng nghe động tĩnh gì hết. Chừng hai phút sau, Ái Lan lại gõ nữa, lần này hơi mạnh hơn. Vẫn im lặng ! Thất vọng, em buồn rầu quay người định bước xuống bậc thềm cây, đột nhiên nghe tiếng động khẽ. Tim đập rộn lên, Ái Lan đợi chờ. Một giọng nói già nua yếu ớt từ phía trong vẳng ra :

- Ai đó ! Bán gì thế ? Đi đi ! Không mua đâu !

Ái Lan nói to :

- Cháu đây, cụ Sáu ơi ! Không phải bán gì đâu ! Cháu đến hỏi thăm cụ câu chuyện này thôi, cụ Sáu à !

Phút im lặng kéo dài, rồi lại giọng nói run rẩy :

- Ai thế !... Ối chà !... Tôi không đứng dậy được. Đau ốm, mỏi mệt quá. Ai đó cứ đẩy cửa mà vào!

Ái Lan đẩy cửa bước vào. Nơi cuối gian nhà tranh tối tranh sáng, em nhìn thấy thấp thoáng một bà cụ già nằm bẹp trên một cái ghế bọc nệm dài của một bộ sa-lông cũ. Một chiếc chăn dạ rách đắp phủ ngang người. Khuôn mặt bệnh hoạn răn rúm vì đau đớn.

Ái Lan lễ phép :

- Dạ, chào bà Sáu ! Cháu là Ái Lan, bữa nay qua đây thăm bà Sáu ! Bà Sáu có cần gì để cháu giúp bà Sáu một tay !

Người ốm mệt nhọc đưa tia nhìn lên mặt cô gái nhỏ. Tia nhìn ngơ ngác khờ khạo như đôi mắt con nít :

- H...ả... ! Giúp tôi ?
giọng bà cụ có vẻ ngạc nhiên lắm, Trời ơi ! từ lâu lắm rồi tôi có thấy ai muốn giúp đỡ mụ Sáu Riệm này đâu ?

Ái Lan cúi xuống gần bà cụ Sáu :

- Cụ cứ nói thế... ! Ấy khoan ! Để cháu xếp lại cái đệm và mấy cái gối cho cụ đã !

Rồi em đưa tay nhẹ nhàng đỡ ngang lưng người ốm, đặt nằm lại trên tấm nệm cho được thoải mái hơn.

- Hôm qua bước lên thềm bị hụt chân ngã một cái như trời giáng đó cô ơi ! Chắc mắt cá bị bong gân rồi hay sao mà đau lắm, đứng không được nữa, cô ơi !

Ái Lan tròn mắt ngạc nhiên :

- Vậy sao cụ không nhờ người gọi y tá giùm cho ?

- Trời ơi ! Quanh đây nào có ai đâu ! Cô không thấy sao ?
Cụ Sáu thở một hơi dài, rơm rớm nước mắt, chỉ còn một cách ngã đại xuống chỗ này... xuống chỗ này... chờ đợi, chờ giờ... cô ạ! Già quá, yếu quá rồi, mong "về" sớm được ngày nào hay ngày ấy, cô ơi !

Ái Lan chợt ngăn bà cụ :

- Thôi ! Cụ nghỉ chút cho khỏe đi, nói nhiều mệt đó ! Cứ tin lời cháu đi nhé ! Cụ còn sống lâu mà, còn khỏe mạnh lắm. Thế cụ đã thử đặt chân đi được bước nào chưa ?

- Có, có ! Cũng đi được vài bước, nhưng còn đau lắm, lại phải nằm bẹp một chỗ.

Ái Lan thở ra một hơi dài nhẹ nhõm :

- Vậy thì không lo ! Đâu, cụ cho cháu coi cái mắt cá chân xem sao nào... Á, à ! Thế này thì phải băng lại mới được. Có đồ gì băng không cụ Sáu ?

- À có, có một mảnh vải trắng sạch lắm, tôi để trong tủ dưới bếp ấy... Cô lấy giùm...

Ái Lan lắc đầu :

- Ấy ! Không được, còn phải có dầu nóng nữa chứ ! Thôi để cháu chạy ra ngã ba Liên Khương mua mấy thứ cần thiết rồi về băng cho cụ nhé ! Và mua cả bánh mì với trà nữa !

Cụ Sáu Riệm nhìn ngay mắt cô bé, sắc mặt bà cụ rạng rỡ lên được đôi chút, nhưng bỗng nghiêm hẳn lại :

- Cô… à, tôi không muốn xin bố thí của ai hết ! Cô chịu khó chạy xuống bếp tìm cái bát cổ tôi để ở ngăn tủ, trong cái bát đó có tiền đấy. Cô cầm lấy mua giùm nhé !

Ái Lan đi nhanh xuống bếp. Đúng như em đã nghĩ : tủ rương, ngăn kệ gần như trống rỗng. Chẳng có quần áo, vải vóc, đồ đạc gì ngoài một hũ bột, hũ đường vơi quá nửa, bên cạnh là một cái bát cổ có nắp đậy. Bên trong có bốn tấm giấy hai chục cũ mèm.

Ái Lan để trả lại cái bát cổ vào chỗ cũ. Em cảm thấy xót thương tràn ngập cả tâm hồn :

- Khổ ! Tất cả bạc tiền của bà cụ chỉ còn có thế !

Đoạn lẻn qua phía cửa vườn, em ra khỏi khu nhà, chạy lại lấy xe, đẩy ra thật xa mới cho nổ máy, trực chỉ hướng ngã ba đồn Liên Khương.

Hồi sáng, từ Đà Lạt xuống, tới ngã ba Liên Khương, trước khi quẹo vào con đường đi La Ba, Ái Lan đã chạy xe ngang một dãy nhà buôn bán khá tấp nập.

Em bước vào một tiệm tạp hóa thấy bán cả đồ ăn thức uống nữa, một điểm đặc biệt của những cửa tiệm tọa lạc tại những giao điểm hẻo lánh giữa thành thị và chốn thôn quê. Ái Lan mua ba cuộn băng, một chục lá thuốc dán Như Ý, một chai dầu nóng, một ổ bánh mì lớn và một gói trà. Rồi mở sắc tay, lấy tiền riêng của mình ra trả.

Quay về nhà cụ Sáu, em đi thẳng xuống bếp, vẫn bằng lối cửa sau và sửa soạn đồ để săn sóc cho người ốm. Ái Lan rửa, đắp nước nóng cái mắt cá chân đau, dán thuốc cao Như Ý xong băng lại cẩn thận, nhanh nhẹn và khéo léo vô cùng.

Tiếng bà cụ Sáu :

- Chà ! Dễ chịu quá !
Đôi mắt già lão nhìn em chớp chớp, Thiệt tình nếu không có cô em thì già không biết xoay sở ra sao nữa đây !

Ái Lan mỉm cười quay ra nhóm lửa trong cái bếp kiềng đầy tro than nguội lạnh, đặt siêu nước lên. Trong khi chờ đợi cho nước sôi để pha trà, em đi mở hai tấm liếp che cửa sổ. Ánh sáng ban mai qua ô cửa sổ, tràn vào trong gian nhà tối tăm, như nhảy múa tưng bừng. Ái Lan lại chạy ra ngoài xe, lấy ở thùng xe ra một bình mứt dâu, thổ sản của Đà Lạt, mà em có thói quen hay đem theo đi ăn đường.

Nước trong siêu sôi réo như tiếng reo vui. Ái Lan nhanh nhẹn cắt bánh mì, quệt mứt dâu, bưng lên cho người ốm. Và em vui mừng khi thấy bà cụ Sáu Riệm ăn bánh uống nước ngon lành. Thêm nhờ mấy lá thuốc và băng dầu nóng, mắt cá chân đỡ hẳn đau, bà cụ gượng ngồi được ngay ngắn, dựa vào lưng ghế nệm dài. Tia mắt ngó Ái Lan đã có nhiều ánh vui tươi :

- Thật từ xưa đến nay chưa bao giờ tôi gặp một cô bé ngoan ngoãn biết thương người già lão tàn tật như cô đó !
Cụ Sáu Riệm vừa nói vừa lắc lắc cái đầu tóc bạc trắng như cước, miệng không ngớt chép chép, Ối chà ! Nếu chú Doanh nó còn sống thì tôi đâu đến nỗi bơ vơ, cô quạnh thế này !

Ái Lan giọng cố làm ra vẻ thản nhiên :

- Vâng ! Kể ra thì cũng lạ là tại sao cụ Doanh lại không ghi tên cụ trên tờ di chúc chứ ?

Có ý giấu nhẹm không muốn để cụ Sáu Riệm biết được mục đích cuộc viếng thăm hôm nay, Ái Lan, ngoài mặt bình thản, nhưng trong lòng đã như lửa đốt. Em băn khoăn tự hỏi : "Chẳng biết cuộc gặp gỡ bà cụ Sáu bữa nay có kết quả gì hay không ? Liệu bà cụ già ốm yếu này có biết tí gì về cái tờ di chúc bí mật của cụ Doanh không ? Hay là lại... ! "
Ái Lan chỉ cầu mong gợi được cho bà cụ nói chuyện một cách tự nhiên mà không muốn gieo vào trí óc bà cái hy vọng được hưởng gia tài biết đâu lại chẳng là hão huyền.

Đột nhiên tiếng nói của cụ Sáu nghe chắc nịch :

- Tôi dám chắc là chú Doanh nó không quên tôi đâu ! Đã biết bao lần chú dặn đi dặn lại rằng : cứ tin ở chú, đừng lo ngại gì về sau hết, vì chú sẽ ghi tên tôi trước nhất vào tờ di chúc mà... Trời ! Tưởng như tiếng nói của chú ấy còn văng vẳng đâu đây...

Ái Lan không tự kiềm chế được, hỏi nhanh :

- Chắc chắn là như thế chứ, cụ Sáu ?

Tiếng nói hơi thất thanh của em chợt làm bà cụ ngạc nhiên, ngẩng lên nhìn chăm chú. Ái Lan hơi giật mình, nhưng may quá, cụ Sáu đã tiếp :

- Chắc chắn chứ cô ! Cô biết không ? Chính mắt tôi... đã nhìn thấy tờ di chúc đó !

Ái Lan vờ thản nhiên :

- À ! Cụ Sáu đã ngó thấy tờ di chúc đó ?
Giọng nói của em bình tĩnh, nhưng cổ họng lại thấy khô đắng.

Người ốm gật đầu :

- Có, tôi thấy rõ lắm mà ! À..., nhưng mà coi chừng nghe ! Tôi ngó thấy thôi chớ tôi không được đọc nên không hiểu bên trong nói gì cả. Đây, thôi để tôi kể rõ cô em nghe nhé ! Bữa đó, tôi đang ngồi khâu bên cửa sổ, trên cái ghế bành kia kìa, thì chú Doanh lừng lững đi vào. Vừa vào đến nơi, chú ấy đã lôi trong túi ra một cái giấy gì đó. Và chú bảo tôi : "Chị Sáu, tôi đã viết xong tờ di chúc đây này. Gớm, mấy ông kia cứ làm khó tôi hoài. Họ tưởng tôi không biết cách viết chúc thư ra làm sao đó chắc !"

- Ngày đó tới nay đã được bao lâu rồi, cụ Sáu ?

Bà cụ ngập ngừng :

- Coi nào !
Vầng trán bà cụ đã nhăn, giờ đây lại nhíu lại thêm nữa, Kỳ quá, không còn nhớ được là bao giờ nữa chứ ! Cụ Sáu lại im lặng, đôi mắt đăm đăm suy nghĩ, một lúc sau mới tiếp, coi... hình như là ít ngày sau khi chú Doanh về ở với tụi nhà Phàm thì phải ! Cô để tôi nói nốt đã ! Tôi còn nhớ hôm đó chú ấy có vẻ khoan khoái vui vẻ lắm ! Cười nói huyên thuyên, tờ giấy vẫn cầm ở tay. Chú không đưa cho tôi đọc, nhưng cho tôi biết rõ là, khi hạ hút viết, chú đã ghi tên tôi rồi. Ngay lúc đó, chưa hẳn yên tâm tôi đã hỏi chú là viết chúc thư để lại như thế thì liệu có đúng cách không, và liệu có được pháp luật chịu không ? Chú đã trả lời : "Cứ yên trí đi mà, chị Sáu ! Trước khi viết tôi đã đi hỏi thăm cẩn thận lắm rồi. Pháp luật nhất định phải công nhận chứ ! Chỉ còn thiếu chữ ký của hai người làm chứng nữa là xong !"

Ái Lan hỏi nhanh :

- Hai người chứng này là những ai, cụ Sáu biết không ?

- Không ! Tôi không biết ! Bữa đó tôi không hỏi mà chú Doanh cũng không nói gì thêm ! Đoạn chú quay ra bỏ đi ngay, mặt mày tươi vui hớn hở, cứ vừa cười vừa nói lầm thầm cái gì đó. Chú có cái tật hay cười một mình, nói một mình như thế mỗi khi làm xong được một việc gì ưng ý !

- Thế cụ Sáu có ý nghi ngờ gì về chuyện tờ chúc thư đó hiện giờ ở đâu không ?

- Theo tôi nghĩ thì chắc chú Doanh đã cất giấu một nơi nào đó rồi. Tính kỳ cục lắm, chỉ thích cất kỹ đồ vào những nơi thật chắc chắn ! À... và tôi còn nhớ mang máng chú có nói... "Phải cất vào một nơi mà không ai có thể lấy ra được, trừ phi được pháp luật cho phép". Thế rồi về sau ra sao, tôi cũng chẳng hay nữa ! Có thể là chú ấy đã trao tờ di chúc đó cho một phòng chưởng khế hoặc một ông luật sư nào quen biết rồi chớ chẳng không đâu !

Ái Lan dịu dàng :

- Thế cụ Doanh có còn nói gì thêm nữa không, cụ Sáu ?
Lòng em lo ngay ngáy là với tuổi già còm cõi, cụ già không còn sáng suốt minh mẫn, quên khuấy mất nhiều điểm quan trọng đi chăng?

- … À… à, hình như chú ấy còn nói thêm cái gì nữa này... Ừ, hình như chú sẽ đem tờ giấy đó đi đâu này này, quên mất rồi !

Bà cụ lại lắc đầu buồn bã :

- Nhiều đêm nằm suy nghĩ mãi mà không nhớ ra được chứ !

Ái Lan có cảm giác là kết quả vinh quang vừa sán gần đến tầm tay, lại bỗng vuột bay đi mất hút. Nhưng em tin chắc rằng bà cụ Sáu quả thật có biết được vài điều bí mật quan trọng lắm về tờ di chúc thứ hai của cụ Doanh. Nhưng vì tuổi già chồng chất, điều bí mật đó đã bị chìm sâu trong hố quên lãng. Khó mà nhớ lại được, trừ phi có sự tình cờ mầu nhiệm nào xui khiến điều đó đột ngột xuất hiện trong trí nhớ.

Ái Lan khẩn khoản :

- Cụ thử cố nhớ lại coi, cụ Sáu !

- Vô ích ! Cháu ơi ! Già đã cố gắng lắm mà không sao nhớ lại được ! Thiệt khổ !

Dứt lời bà cụ già lại ngả người xuống cái gối lớn, mắt lim dim vô cùng mệt nhọc.

Ngay lúc đó, chiếc đồng hồ treo phía trên tủ com-mốt thong thả gõ mười tiếng. Đột nhiên, bà cụ Sáu chợt run rẩy toàn thân, mở choàng mắt ra. Tia nhìn của bà thật kỳ dị. Vẻ mặt sững sờ, đôi mắt đăm đăm nhìn vào một điểm vô hình trong khoảng không trước mặt, như đang sống trong một giấc mơ. Có tới gần một phút sau, bà cụ mới từ từ quay đầu, đưa mắt ngó chăm chú chiếc đồng hồ treo.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 9

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

CHƯƠNG 7_HAI TỜ DI CHÚC I

 7

 
MỘT NGÀY BUỒN THẢM


Ái Lan rảo bước đi về nhà. Em hối hả dắt Vespa ra, đạp máy, trực chỉ hướng Lạc Dương. Khi bắt đầu rẽ vào con đường chạy dọc theo bờ con sông La Ngà, Ái Lan đưa mắt nhìn lên bầu trời trong vắt không một đám mây. Em lẩm bẩm :
- Trời hôm nay đẹp quá ! Không lo bị mưa như hôm nọ nữa !

Nhưng con lộ trải đá và đất đỏ bị xói mòn do trận mưa lớn bữa trước, giờ đây đầy những ổ gà, đống đá lổn nhổn, khiến Ái Lan phải cho xe chạy chầm chậm, mắt chăm chú ngó đường, không còn dịp thưởng thức cảnh đẹp bên bờ sông được nữa. Và em chỉ thở ra một hơi dài nhẹ nhõm khi thấy thấp thoáng bóng mái nhà trong nông trại của Ngọc Liên.

Khi tới gần, quang cảnh khu nhà và vườn, sau trận mưa bão tuần trước hiện ra trước mắt Ái Lan với đủ sắc thái tiêu điều xơ xác. Phải công nhận là trước đây chừng hơn 10 năm, cơ sở này đã phải là khá vĩ đại. Ngoài căn nhà ba gian chính, lại còn tới năm sáu căn phụ thuộc có lẽ do từ đời cụ kỵ ông bà Mỹ Ngọc, Mỹ Liên, cứ cần đến đâu là lại cho xây cất thêm đến đó, chứ không theo một quy hoạch sẵn. Cũng giống như phần đông các cơ sở gia cư tại vùng Tuyên Đức Đà Lạt, nhà gồm những bức tường xây gạch chỉ cao độ một thước năm mươi, tiếp đến là đóng ghép cao lên bằng gỗ thông xẻ để nguyên cả vỏ ngoài sần sùi. Lối kiến trúc này tiết kiệm được số lượng gạch vốn hiếm tại địa phương. Với thời gian chồng chất, nắng mưa dầu dãi, nhiều tấm gỗ vách đã xô lệch, chân tường có lẽ đã từ lâu không được quét nước vôi mới, nhiều chỗ ố đen loang lổ trông thật thảm não. Cái hàng ba, lan can, xiêu vẹo, ván sàn nhiều chỗ đã bị trũng và mọt đục có lỗ lớn bằng cái đĩa tây. Cái kho rơm bữa trước Ái Lan trú mưa lại còn tiêu điều hơn nữa. Tường, mái tróc từng mảng lớn, nghiêng hẳn đi. Ái Lan tự hỏi thầm "Không hiểu sao nó còn chưa đổ sập xuống". Và em thở dài, chép miệng :

- Nếu chị Mỹ Ngọc, Mỹ Liên có phương tiện thuê người sửa chữa, sơn phết lại thì khu nhà này có thể nói là đẹp vô cùng.

Vòng rào đóng bằng cây bao quanh cái sân lớn, mở cửa toang hoác. Ái Lan lái xe vượt qua cổng vào trong, khiến đàn gà đang bới sâu, bứt cỏ, hoảng sợ chạy tứ tán, kêu quang quác. Ái Lan đậu xe ngay cánh cửa bếp đóng im ỉm, tắt máy dựng xe xong, chạy bay tới gõ cửa.

Hoàn toàn im lặng. Em lại rảo bước trên hàng ba tới gõ cánh cửa gian chính giữa. Vẫn không có tiếng trả lời. Ái Lan quay ra đi quanh cái sân rộng một vòng : không thấy bóng một ai !

Em buồn rầu lẩm bẩm :

- Mình thiệt xui quá l Ngọc, Liên đi vắng cả ! Thôi về vậy !

Đột nhiên có tiếng gọi :

- Ái Lan ! Ái Lan !

Đã ngồi lên xe, chợt nghe tiếng gọi tên mình, em sửng sốt quay nhìn lại : Mỹ Ngọc, Mỹ Liên đang từ cánh vườn phía sau vựa rơm chạy ùa lên. Khu vườn vừa lấp sau vựa rơm vừa ở dưới thấp nên khuất tầm mắt quan sát của em. Mỹ Liên chạy trước, không kịp vòng ra phía cổng chánh, trèo luôn qua hàng rào và la lên :

- Tụi này thấy Ái Lan từ lúc lái xe vào sân kia. Chạy hết hơi về thế mà chút nữa thì Ái Lan bỏ đi mất, hí hí !

Mỹ Ngọc xáp tới, thở hổn hển :

- Tụi này đi hái dâu chín ! Này, Ái Lan thấy không ! Và Mỹ Ngọc vui mừng đưa em coi một cái thùng bằng nhôm trắng có quai xách đầy những trái dâu chín mọng đỏ hồng. Mỹ Liên cười khanh khách :

- Coi này ! Và chìa hai bàn tay cùng hai cánh tay ra cho Ái Lan xem. Ái Lan tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cánh tay và bàn tay của hai chị em đầy vết cào xước. Mỹ Liên khoe :

- Nhưng tụi này đâu có sợ gai ! Có thế mới được đầy một thùng thế kia chứ ?

Mỹ Ngọc giọng người lớn :

- Ấy ! Trồng có năm luống dâu mà vì bận việc không làm cỏ được đến nỗi dây trinh nữ mọc tùm lum, gai quá là gai. Vào trong nhà đi Ái Lan ! Chị lựa toàn quả chín, trộn đường cho hai em ăn thử ngon hay không rồi sẽ biết !

Chợt có tiếng Mỹ Liên thở dài :

- Ngon thì nhất định là ngon lắm rồi ! Chỉ có cái là sợ không được ăn mãi mà thôi !

Hai chị em kéo Ái Lan vào trong nhà. Em vội vàng cho biết :

- Thôi ! Em có việc gấp lắm, chỉ tạt qua hỏi hai chị một chút về chuyện tờ di chúc đó thôi !

Mỹ Liên reo lên :

- Sao ! Ái Lan đã có tin tức gì về cái đó rồi hả ? Và tụi tôi sắp sửa có tiền của bác Doanh tiêu đến nơi rồi ! Sướng quá !

- Chưa đâu Mỹ Liên ạ ! Mãi tới nay cũng chưa được một tia sáng nào về vụ này hết !

Nét mặt Mỹ Liên sịu ngay xuống khi nghe giọng nói buồn buồn của Ái Lan. Nhưng thoáng cái, cô bé gái nhà nghèo lại tươi ngay nét mặt, và gượng cười :

- Giá có một số tiền khá khá thì tụi này đỡ lo. Nhất là chị Mỹ Ngọc này, Ái Lan ! Đã ba năm nay chị không may nổi một chiếc áo dài. Cũng hên là có một lô quần áo cũ của má Liên để lại, chị lấy ra cắt may lại, mặc cũng đỡ. Nhưng cái giống quần áo mặc hai hơi, sao mau ải quá, cựa mạnh chút xíu là bục à. Cứ cái đà này thì Liên e ngại rằng hai chị em sẽ đi đến chỗ hở da hở thịt mất thôi !

Mỹ Ngọc liếc mắt e ngại, chỉ sợ Ái Lan để ý thắc mắc nhiều đến lời than vãn của Mỹ Liên, vội vàng nói khỏa lấp :

- Nói chuyện mà nghe vậy thôi ! Được hưởng chút nào thì hay mà không thì cũng thôi, chớ tụi này cũng chẳng đặt hết hy vọng vào đó đâu, Ái Lan à ! Vả lại thực ra thì hai chị em cũng đâu có phải là bà con dòng họ chính thức của bác Doanh.

Mỹ Liên :

- Chị nói sao, Mỹ Ngọc ? Chị bảo không bà con dòng họ với bác Doanh ? Vậy nhà Phàm cũng chỉ hơi hướm họ hàng xa lắc từ bốn năm đời với bác Doanh sao lại có quyền đó ?

Mỹ Ngọc nghiêm nét mặt nhìn em :

- Thôi xếp chuyện đó lại đi, Mỹ Liên ! Thật ra, trong lúc bình thường, công việc may cắt có đều đều thì vui vui một chút. Hiện nay thì kẹt, huê lợi rau trái của toàn vùng chưa đến vụ, thành thử cũng ít người may sắm. Vả lại khách hàng, trong thời buổi khó khăn, cũng ít cầu kỳ, cứ vào tiệm, gặp cái áo nào vừa ý là mua liền cho đỡ tốn công, tốn tiền đi mua vải giao cho thợ may.

Ái Lan chợt nói như kêu lên :

- Em thì lại nghĩ khác chị một chút, chị Ngọc ! Chính em hiện giờ lại muốn đi mua hàng đem về giao cho chị cắt, may cho em ! Em đã được biết là chị may đẹp lắm !

Mỹ Ngọc nước mắt vòng quanh :

- Ái Lan ! Chị hiểu cái hảo ý của em rồi ! Và chị cám ơn em nhiều lắm ! Với Ái Lan, chị chẳng có điều gì cần giấu giếm ! Ba tháng nay chị chẳng nhận được cái gì cắt may để mà ăn công hết ! Riêng mình chị thì không ngại lắm. Sức chịu đựng thiếu hụt chị đâu có kém ai ! Chỉ thương Mỹ Liên còn thơ dại... giọng Ngọc nghẹn ngào nói không thành tiếng, Còn ít tuổi quá mà đã vất vả lam lũ. Khi má chị hấp hối, chị đã nắm tay người mà hứa sẽ nuôi dạy Liên cho được bằng người...

Mỹ Liên, nước mắt ràn rụa, chạy lại giang tay ôm lấy Mỹ Ngọc :

- Chị ! Chị ! Em đã lỡ lời làm chị buồn ! Thôi kệ, chị Ngọc à ! Tiền của bác Doanh, chị em mình được càng hay, mà không được cũng chẳng cần. Từ trước tới nay không có tiền của bác mà chị em mình vẫn sống được đó thôi !

Mỹ Ngọc vừa cười, vừa đưa tay lau nước mắt. Cô dịu dàng bảo em, giọng cố gượng vui vẻ khôi hài :

- Xạo hoài ! Có tiền vẫn hơn chứ ! Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược cũng không !

Mỹ Liên hăng hái :

- Chị cứ yên trí đi mà ! Lứa gà này của em nếu trúng thì tha hồ... ! Tức ghê ! Tại sao trời sinh gì mà ác quá, cho mỗi con gà mỗi ngày đẻ có một cái trứng thôi hà !

Mỹ Ngọc và Ái Lan phá lên cười vì câu nói hồn nhiên của Mỹ Liên. Ái Lan nhìn Ngọc :

- Ngày mai em sẽ mua vải đem đến để chị đo cắt, may cho em cái áo nhé, chị Ngọc !

Thực ra Ái Lan đâu có thiếu áo mặc, nhưng chỉ có cách đó mới có thể giúp đỡ hai cô gái nghèo mà không sợ động chạm tự ái của họ.

Rồi Ái Lan hỏi :

- Bây giờ hai chị cho em hỏi ít câu về cụ Doanh ! Hai chị cho em biết, ngoài gia đình ông Phàm ra cụ Doanh thỉnh thoảng có lui tới nhà mấy người bà con họ hàng kia không ?

Mỹ Ngọc gật đầu :

- Có chứ ! Trước khi về ở hẳn với gia đình Phạm văn Phàm, bác Doanh cứ ở với người bà con này ít ngày, người kia ít ngày. Người nào cũng vui vẻ, tiếp đón bác niềm nở, săn sóc bác từng miếng ăn, giấc ngủ tuy rằng họ thật nghèo túng, ăn bữa sáng lo bữa tối đó Ái Lan !

- Chị có biết tên và địa chỉ mấy người đó ?

Sau một phút suy nghĩ, Mỹ Ngọc :

- Hai bà em họ bác Doanh hiện ở ngoài Phi Nôm.

Mỹ Liên láu táu :

- Đúng rồi ! Bà Ba Thìn và bà Tư Mậu đó ! Hai bà già này đều góa chồng cả và tử tế lắm. Bà con gần với bác Doanh, thương bác lắm đó Ái Lan !

Mỹ Ngọc tiếp lời em :

- Còn hai người cháu trai kêu bác Doanh bằng cậu ruột nữa ! Hai Lân và Ba Mẫn, hai anh em ruột, hiện đang khai thác một sở trồng cà phê và trà trên con đường này, cũng lối đi ra Phi Nôm, cách đây chừng hơn năm cây số thôi, dễ kiếm lắm em à ! Nội vùng này ai cũng đinh ninh là hai bác Lân, Mẫn thế nào cũng được hưởng di sản của bác Doanh ngay sau khi bác nằm xuống kia đấy !

Đôi mắt Ái Lan sáng lên :

- Chị nhớ chắc chỗ ở của hai bác này đấy chứ ?

- Chắc mà em ! Cứ quay xe đi trở ngược lại phía Phi Nôm, cách đây khoảng năm, sáu cây số, bên tay mặt nghe, Ái Lan !

Ái Lan đứng lên :

- Vậy là tiện quá ! Em ghé tìm hai bác Lân, Mẫn xong, đến nhà hai bà Ba Thìn, Tư Mậu tại Phi Nôm ! Rồi liếc nhìn đồng hồ tay Chà ! Bốn giờ chiều rồi này hai chị ! Thôi em đi, nghe !

Chợt Mỹ Liên quay lại ngó Mỹ Ngọc :

- Ấy chị Ngọc ! Sao chị không nói cho Ái Lan biết còn bà Sáu Riệm nữa ? Theo em thì bà Sáu có lẽ lại biết rõ về bác Doanh hơn ai hết đó !

Mỹ Ngọc giật mình :

- À ừ ! Đúng vậy đó Ái Lan ! Chị quên bẵng đi mất bà cụ Sáu Riệm nữa ! Ái Lan ! Nhất định là em phải tìm đến hỏi bà cụ này cho bằng được đó nghe ! Vì chính bà Sáu đã đích tay săn sóc bác Doanh như một người chị cả săn sóc em út sau cái tang vợ đau buồn bị ngã bệnh trầm trọng. Nhờ sự tận tâm của bà Sáu mà bác Doanh hồi phục được sức khỏe lần lần. Bác vẫn nhớ ơn bà cụ không kể xiết và thường nói ra miệng là sẽ không quên tên bà khi bác lập tờ di chúc.

Mỹ Liên :

- Em chỉ mong chuyện đó có thật để cho bà Sáu Riệm đỡ phần cơ cực ! Tội nghiệp ! Bà cụ đã 79 tuổi rồi, mấy tháng nữa đầy 80 đấy, mà trơ trọi mỗi một mình, chẳng có con cháu gì cả !

Ái Lan hỏi nhanh :

- Thế hiện bà cụ Sáu ở đâu, Mỹ Liên ?

- Trên con đường đi La Ba ! Nghe nói từ ngã tư Liên Khương, quẹo tay mặt theo con lộ đất đỏ đi La Ba, chừng tám, chín cây số gì đó ! Phải hỏi dần dần mới được, tụi này cũng chưa đến nhà bà cụ bao giờ, chỉ nghe bác Doanh nói chuyện vậy thôi !

Ái Lan :

- Vậy thì hôm nay không kịp rồi ! Ngày mai em sẽ tìm đến bà cụ Sáu ! Bây giờ phải đi gấp thì mới về tới Đà Lạt trước khi trời tối được !

Hai chị em Ngọc Liên tiễn Ái Lan tới lúc em lên xe đạp máy và đứng ngó theo đến khi Ái Lan cùng chiếc vespa xinh xắn khuất sau lùm cây xanh ngoài lộ đá.

Vừa lái xe, Ái Lan vừa tự nhủ :

- Mỹ Ngọc, Mỹ Liên là con gái mà can đảm chịu đựng sự nghèo khổ thiếu thốn một cách đáng phục thật. Hai người cố sức gắng gượng nhưng mình cũng dư biết là họ cũng đang lâm vào tình trạng bi đát lắm. Phải có cách gì cứu giúp hai chị em mới được !

Phút chốc, dọc vệ đường bên phải, Ái Lan đã thấy xuất hiện những cây cà-phê lá to như lá mít, quả chín đỏ mọng bám vào cành lúc lỉu như những chùm nho căng nước ngọt.

Nhớ lời Ngọc, Liên dặn, Ái Lan chăm chú, đưa mắt nhìn, cho xe chạy thật chậm, chợt thấy hai cánh cổng lớn đóng bằng những thanh gỗ lớn ghép lại. Hai bên là hai cột trụ lớn xây bằng đá. Trên đầu hai cột trụ, gối một tấm biển gỗ, sơn màu vàng, kẻ đen hai hàng chữ lớn : Mẫn Lân, trại trồng tỉa.

Mấy phút sau, xe của Ái Lan đã bon bon chạy vào một cái sân trại thật rộng. Một người đàn ông, trạc bốn mươi tuổi, đứng ở bậc cửa đưa tia mắt ngạc nhiên ngó cô gái nhỏ tuổi lạ mặt. Ái Lan xuống xe, tiến lại trước mặt người đàn ông. Và em tự giới thiệu. Ông chủ trại cũng cho Ái Lan biết ông là Nguyễn Mạnh Lân, anh ruột ông Nguyễn Mạnh Mẫn. Hai anh em ông hiện ở chung và cùng khai thác sở trà và cà phê "Mẫn Lân".

Ái Lan cho ông Lân biết mục đích em mới đây tìm hai ông. Mới đầu ông chủ trại có ý nghi ngờ Ái Lan là người của bọn nhà Phàm nên ăn nói dè dặt đề phòng. Chỉ mấy phút sau thấy em nói chuyện cởi mở hồn nhiên, chân thực, ông ta mới yên lòng kể lể cho em nghe :

- Hai anh em tôi rất quan tâm đến cái quyền hưởng gia tài của cậu tôi để lại. Cô cũng đã biết đó, cụ Doanh là cậu ruột chúng tôi. Ông thương chúng tôi không khác mẹ chúng tôi thương con vậy, và đã nói chắc là thế nào cũng để cho anh em chúng tôi được thừa hưởng một phần gia tài. Do đó, tôi tin rằng thế nào cậu cũng đã viết một tờ di chúc khác rồi. Có điều là không biết cất giấu chỗ nào đó thôi !

Tim Ái Lan đập thình thịch :

- Ông đã trông thấy tờ giấy đó bao giờ chưa ?

Ông Lân lắc đầu :

- Dạ, chưa đâu cô ! Anh em tôi chỉ nghe cậu hứa chắc như vậy thôi, còn giữ lời hứa hay không thì hiện chúng tôi cũng chưa có được bằng chứng chắc chắn trong tay, cô ạ ! Có điều rõ rệt nhất là cậu tôi không ưa gì tụi nhà Phàm hết ! Cậu biết rõ là bọn họ chỉ săn đón, chứa chấp cậu để nhằm trục lợi về sau. Cho nên lúc nào tôi cũng tin rằng cậu tôi sẽ không thí cho tụi Phàm một đồng xu nhỏ.

- Hay là cụ Doanh đã quên bẵng mất việc viết tờ di chúc mới ?

Ông Lân mỉm cười lắc đầu :

- Không đâu cô ạ ! Tính tình cậu tôi, tôi biết rõ lắm mà ! Nhiều người không hiểu tưởng là ông cụ lẩn thẩn ! Điều đó có thể lắm, nhưng đối với những cái nhỏ nhoi không đáng kể kia ! Chớ còn vấn đề tiền bạc, của cải hay là làm ăn to lớn thì không ai kỹ bằng ông cụ đâu, cô ! Tôi và chú Mẫn nhà tôi, hai anh em tin chắc là cậu tôi đã lập tờ di chúc thứ hai đó rồi, nhưng cất giấu một chỗ nào đó kỹ quá đến nỗi không ai tìm ra nổi đó cô !

- Riêng ông thì ông có ý kiến gì hoặc phỏng đoán là ông cụ đã cất nó ở đâu không ?

Ông Lân cười buồn :

- Chịu chết cô ạ ! Tia mắt ông bỗng lại lóe lên một ánh vui tươi, Nhưng anh em tôi sẽ treo một giải thưởng rất lớn cho bất cứ ai tìm ra được.

Ái Lan còn hỏi thêm vài câu nữa, nhưng ông Lân không biết gì hơn. Em đành đứng lên xin từ giã và tươi cười xin lỗi vì đã làm mất thì giờ của ông.

Tới Phi Nôm, nhờ lời chỉ dẫn của Mỹ Ngọc, Ái Lan tìm đến nhà bà Ba Thìn không khó. Bà Ba Thìn và bà Tư Mậu đều góa chồng, con cái lại đã có gia đình đều ở riêng cả. Hai chị em về ở chung với nhau một ngôi nhà có vườn rộng ở ngay mặt đường phố chính tại Phi Nôm. Đời sống có vẻ sung túc nhờ tiền hoa lợi cây trái, ổi, mãng cầu, mít, cam trồng đầy vườn. Hai bà tiếp đón Ái Lan niềm nở khi biết em là con luật sư Minh ở Đà Lạt. Nhưng cũng như ông Lân, hai bà không biết một chút gì về tin tức tờ di chúc sau này của cụ Doanh hết.

Sau cùng bà Ba Thìn bảo Ái Lan :

- A ! Vậy sao cô không tìm đến dì Sáu Riệm thử coi ! Hồi còn sống, ông anh họ chúng tôi quý mến và tin tưởng ở dì Sáu này hơn hết cả đấy. May ra...

Bà Tư Mậu nhè nhẹ lắc đầu :

- Chưa chắc đâu, chị Ba ! Dì Sáu hồi này già cả lú lẫn hết rồi, liệu còn nhớ được gì không ?

Trời đã xế chiều. Sương đã bắt đầu xuống khiến không khí trở nên lành lạnh. Ái Lan xin phép hai bà Ba Thìn và bà Tư Mậu ra về.

Ngồi trên xe, em lẩm bẩm :

- Lại một ngày đi không về rồi ! Chưa được một tia sáng nào soi vào bên trong tấm màn bí mật này cả ! Chưa có một tin tức gì về tấm giấy quan trọng này hết ! Hừ ! Ba nói đúng : nghề thám tử quả không phải là một nghề nhàn hạ chút nào !

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 8

CHƯƠNG 6_HAI TỜ DI CHÚC I

 6


LẠI ĐỤNG ĐỘ 


Mặc dầu cương quyết giúp bạn là thế, mà mấy ngày qua đi rồi, Ái Lan cũng không làm cách nào để biết được tấm giấy quan hệ kia đã thực sự lọt vào tay bọn nhà Phàm chưa ?

Trước mặt cha, em cố làm ra vẻ thản nhiên vờ như không quan tâm gì lắm, nhưng ông Minh chỉ liếc sơ qua nét mặt em là đã biết trong đầu óc em nghĩ thế nào, như người nhìn vào trang giấy có chữ vậy.

Một hôm, khi cùng ngồi ăn cơm trưa, ông đã bảo con gái :

- Ba biết là vấn đề cụ Doanh đang làm con thắc mắc nhiều lắm ! Và hiện con đang lo lắng cho hai người bạn mới của con không ít ! Đó là một cái hay, một đức tính tốt. Nhưng con cũng đừng để sự việc làm khó chịu, ray rứt thái quá ! Ba nhắc lại để con nhớ rằng : "Chúng ta không thể làm được một cái gì hết khi mà lá chúc thư mới của cụ Doanh không có ở trong tay ! Vậy thì tốt hơn hết là, thôi, đừng nghĩ gì đến chuyện tranh chấp gia tài với bọn nhà Phàm nữa ! Từ bữa tiếp đón hai chị em Ngọc, Liên tới nay, ba thấy con cứ loanh quanh lẩn quẩn trong nhà, chẳng chịu đi chơi đâu cả. Hôm nay, trời đẹp lắm, đi ra ngoài cho nó thoải mái một chút nghe, Ái Lan ! Thả bộ lòng vòng lên công trường Hòa Bình coi có phim gì hay thì mua vé vào coi, không thì ra chợ, vào các tiệm, có gì thích thì mua, hoặc tạt vào "Book Shop" xem có quyển gì hay mua về đọc xong cho ba đọc với !… Đi chơi đi con, cho đầu óc thanh thản một chút đi !

Ái Lan mỉm cười thật buồn :

- Biết làm sao được, hả ba ? Con không thể nào không nghĩ ngợi ái ngại cho hai chị em Ngọc, Liên nghèo khổ côi cút kia được, ba à ! Đã tưởng là thế nào cũng giúp họ được. Vậy mà...

Luật sư Minh đôn hậu :

- Ráng nghĩ tới một cái gì khác đi con ! Xả hơi chút đi, có khi vô tình lại chợt có được nhiều ý kiến hay không ngờ được kia, con à !

- Ba nói đúng ! Vâng ! Con nghe lời ba ra phố xả hơi một vòng. Gặp cái gì hay hay thì mua. Biết đâu cuộc đi bộ và không khí thoáng đãng mát mẻ lại chẳng là một liều thuốc bổ, hả ba !

Cơm nước xong, Ái Lan bước ra đường. Để Vespa ở nhà, em thả bộ từ đường Võ Tánh tới công trường Hòa Bình. Lộ trình dài có tới ngót hai cây số. Ái Lan tung tăng đặt bước. Khách nhàn du tụ tập đông đảo, đang ngắm cảnh hồ, thấy em đi qua, nhiều người đều quay cổ lại. Tia nhìn của họ tràn ngập cảm tình ngưỡng mộ trước một cô bé xinh xinh, da trắng như trứng gà bóc, khỏe mạnh trong chiếc áo len đen cao cổ và chiếc xiêm mini để lộ cặp chân đầy đặn hồng hào. Những bước đi khỏe mạnh rắn rỏi như bước chân diễn hành của nữ thể tháo gia trong thao trường, lôi cuốn bao nhiêu cặp mắt dõi theo tới mãi tận cuối rặng anh đào nơi đầu đường, lối đi lên phía chợ.

Đến nơi, chưa vào chợ vội, Ái Lan đi dọc theo đường Hàm Nghi, đưa mắt ngắm nhìn qua cửa kính. Rồi tiện đà bước, em đi vào tiệm Toàn Chân, để xem đồ bày bán cho vui mắt chứ cũng không định mua thứ gì. Bỗng em thấy hai cô gái từ phía sau đi vượt lên, chân bước thoăn thoắt. Ái Lan dừng lại một giây và lẩm bẩm :

- Lại Bích Mai, Bích Đào ! Thôi mình lẻn ra đằng kia, kẻo lại gặp mặt hai con nhỏ khó chịu này !

Chưa kịp bước đi thì ngay lúc đó, Ái Lan mắt vẫn để ý nhìn theo hai chị em nhà kia, thấy rõ ràng Bích Mai len người xấn xổ lướt sát một quầy bán đồ sứ, vô ý gạt tay áo măng tô vào một chiếc bình pha lê lớn khiến nó chao nghiêng đi, rớt xuống đất vỡ tan tành. Cô gái vô ý, giật mình quay đầu lại, cúi nhìn cái bình vỡ, mặt ửng đỏ, ánh mắt bối rối không biết tính cách nào. Nhưng trong chớp mắt, cô ta bỗng hất cao mặt lên, tia nhìn như thách đố, quay ngoắt người bỏ đi, nghênh ngang trông đáng ghét vô cùng. Nhưng chưa được mấy bước một cô bán hàng đã tiến lại gần bên, chắp tay lễ phép :

- Cô thứ lỗi cho ! Cô làm ơn cho chúng tôi được tính tiền cái bình cô vừa mới làm rớt bể !

Bích Mai nhìn ngay mặt cô gái bán hàng, tia mắt giận dữ và xấc xược hết sức :

- Cái gì ? Tính gì, trả gì ? Ai làm rớt bể mà lại bảo tôi phải trả tiền, hả ?

Cô bán hàng nhăn nhó khổ sở :

- Dạ... dạ thưa, chính mắt tôi thấy cô làm rớt mà !

Mọi người thấy vậy xúm đông lại coi cho thỏa tính hiếu kỳ. Chưa đầy phút sau, ông trưởng quầy cũng có mặt. Ái Lan lợi dụng đám đông đứng xen lẫn vào.

Bích Mai giận dữ, phân trần với ông trưởng quầy :

- Ông xử giùm cái coi ! Cô nhỏ này cả gan buộc án gán tội cho tôi đã làm rớt bể cái bình này đó ! Lúc bình vỡ tôi còn ở mãi tận đằng kia cơ mà ! Chính cô ta đã làm rớt lại còn định đổ thừa cho khách hàng nữa !
Rồi quay sang Bích Đào Có đúng thế không Bích Đào ?

Cô em giọng lạnh như tiền :

- Đúng như vậy !

Người trưởng quầy đưa mắt nhìn cô bán hàng, đăm chiêu nét mặt. Đổ thừa lỗi cho khách hàng giàu có sang trọng và quyền thế là một điều tối kỵ trong nghề thương mại. Nhưng chẳng biết thực hư ra sao, nên ông ta cũng chưa thể quyết định lẽ nào, đành phải giả vờ cúi xuống xem xét chiếc bình bể. Ông lượm lên một mảnh :

- Nguy quá ! Đây là một chiếc bình pha lê loại đắt giá nhất, nhập cảng từ Pháp về. Tưởng chiếc thường thường nào chớ chiếc này thì… khó quá !

Bích Mai chận lời ông trưởng quầy :

- Có gì mà ông bảo là khó ? Cứ việc trừ luôn vào lương của cô nhỏ bán hàng là xong tất. Kệ chứ ! Ai bảo vô ý đánh vỡ thì ráng mà đền !

Tội cho cô nhỏ bán hàng, không lanh miệng lẻo mép bằng hai cô con gái nhà giàu nhưng nghèo tình thương kia, cứ ngây người ra chẳng nói thêm được câu nào để minh oan, nước mắt vòng quanh.

Ông trưởng quầy cũng chẳng hơn gì, cứ lúng túng ấp a ấp úng nói chẳng ra câu. Ái Lan biết ngay rằng nếu chậm một phút, hai cô gái điêu ngoa sẽ già mồm cãi xóa, uy hiếp được tinh thần ông trưởng quầy, thì cô gái bán hàng ắt phải đền oan. Em bước tới trước mặt Bích Mai dõng dạc :

- Cô lầm rồi ! Theo tôi, cô bán hàng này không có lỗi gì hết ! Tôi đã chứng kiến việc xảy ra từ đầu tới cuối !

Cô gái chanh chua :

- Mắc mớ gì đến cô mà xía vô vậy ? Việc ai nấy lo, lộn xộn cái gì ?

Ái Lan nghiêm sắc mặt, thái độ vẫn bình tĩnh, nhưng lời nói đanh thép như những làn roi quất vụt :

- Mắc mớ hay không, không cần biết ! Có điều tôi không muốn để cho cô tự do muốn đổ vấy tội của mình cho ai thì đổ !

Người trưởng quầy quay phắt lại ngó Ái Lan :

- Thưa cô ! Cô có mặt đúng lúc chiếc bình bị làm rớt ?

- Dạ ! Đúng thế ! Khi cô này,
em chỉ Bích Mai, đi xông xáo lướt nhanh sát quầy đồ sứ, tôi trông thấy rõ ràng ống tay áo măng tô của cô ta móc vào quai bình...

Bích Mai hết đường chối cãi, còn cố vớt vát một câu cho đỡ thẹn trước mặt đông người :

- Nói tầm bậy !... Hừ ! Mà thôi, cãi cọ nơi công chúng coi kỳ quá, tôi khó chịu lắm rồi ! Cô nhỏ kia không dám nhận lỗi thì thôi ! Hèn quá ! Thôi, để tôi đền giùm cho, bao nhiêu đó ông ?

Người trưởng quầy tra lại bảng kê giá hàng :

- Dạ, thưa cô cho 5 ngàn đồng ạ !

- Ối chà ! Cái gì ?... Năm ngàn ? Gì dữ vậy ? Ông dám tính tôi 5 ngàn đồng bạc cái lọ thủy tinh tồi đó ? Không trả, tôi không trả đấy ? Một cắc tôi cũng không trả !

- Cô thông cảm cho ! Như tôi đã nói từ hồi nãy ! Đó là một cái bình pha lê hãng chúng tôi gởi mua từ bên Pháp. Bắt buộc phải tính theo giá của chủ ấn định. Mong cô hiểu giùm cho !

Bích Mai vênh mặt, cong cớn :

- Ông có biết tôi là ai không ?

Người trưởng quầy nhếch mép, mệt mỏi :

- Dạ thưa biết chứ ạ ? Nội Đà Lạt này, còn ai là không biết gia đình "cụ" ông, "cụ" bà Phạm văn Phàm ?

- Thế ông có biết ba tôi chỉ huy ...

Người trưởng quầy không còn kiên nhẫn nổi nữa :

- Vâng, vâng, tôi biết, tôi biết rõ lắm. Tôi biết rõ là ông nhà chỉ huy nhiều cơ sở làm ăn lắm ! Nhưng kẹt một điều, ông nhà lại không chỉ huy hãng Toàn Chân, tức là hãng có cái bình vừa bị cô làm rớt bể. Vậy xin cô thanh toán tiền bồi thường giùm cho. Nếu không, bắt buộc tôi phải nhờ pháp luật can thiệp !

Bích Mai hét lên :

- Á à ! Ông này liều ghê nhỉ ?
Cơn thịnh nộ khiến cô ta nghẹn thở, Lần đầu..., lần đầu tiên..., ông là người đầu tiên dám to gan xúc phạm đến tôi đấy nhé !

Bích Đào, đứng ngoài nên tỉnh táo hơn cô chị, nhưng cũng biến sắc mặt khi thấy việc rắc rối bị xé ra to quá. Liền kéo tay Bích Mai ra một chỗ, ghé vào tai thầm thì... Phút sau cô này trở lại quầy hàng, mở sắc tay, nói với ông trưởng quầy :

- Thôi đây, trả tiền cho ông ! Đó, năm ngàn, mười cái giấy năm trăm, ông đếm lại cẩn thận đi. Và nhớ giùm cho một điều là việc này chưa xong đâu, nghe ! Rồi ông sẽ biết tay tôi !

Đoạn quay nhìn Ái Lan, đôi mắt quắc lên lạnh lẽo như mắt rắn hổ, rít qua kẽ răng :

- Còn cô hai đây nữa ! Khá lắm ! Đà Lạt nhỏ hẹp lắm mà, chúng ta còn có dịp gặp nhau nhiều ! Gieo gió thì tới khi gặt bão đừng than, nghe !

Ái Lan chỉ mỉm cười khinh mạn mà không trả lời. Vẻ mặt thích thú của em lại càng như dầu đổ thêm vào lửa giận trong lòng hai chị em Mai, Đào. Cô chị quay tay quay gót, mặt hất cao, đôi môi mím chặt y hệt một cô công chúa bị đám dân ngu giỡn mặt.

Khi hai chị em con ông Phàm ra khỏi, cô bán hàng tiến lại Ái Lan hết lời cám ơn em :

- Thiệt, ơn của cô, em không biết lấy gì trả được. Không có cô nói giúp cho chắc em bị sa thải quá. Lương tháng có sáu ngàn mà bị đền hết năm ngàn, thì mẹ già em dại lấy gì mà ăn. Em không biết nói sao để cảm tạ tấm lòng tốt của cô.

- Việc xảy ra như thế nào, tôi đã chính mắt nhìn thấy rõ từ đầu tới cuối. Và, tôi nhất định không để cô bị đền oan !
Ái Lan mở sắc tay xé một mẩu giấy và hí hoáy biên Đây ! Tên và chỗ ở của tôi đây, có cần tôi giúp đỡ gì, cô cứ đến nhé.

- Thưa cô, vâng ! Cám ơn cô nhiều lắm ! Em ngại rằng hai chị em con ông Phàm sẽ để tâm thù cô lắm đó. Cũng chỉ vì em cả !

Ái Lan nhún vai :

- Ối, ăn nhằm gì, cô đừng lo ! Học cùng lớp với tôi đó, nhưng tôi đâu có thèm chơi với tụi nó.

- Em chỉ mong họ biết lỗi mình mà bỏ qua đi. Chị em cô đó dữ nổi tiếng đó cô à !

Ái Lan vẫn tươi cười :

- Được ! Cứ để coi ! Việc gì mà lo, cô ? Tôi biết rõ hai con nhỏ Bích Mai, Bích Đào này quá mà ! Miệng hùm gan sứa, mềm nắn rắn buông cả đấy thôi !

Ái Lan chợt quay lại và giật mình khi thấy mọi người đứng quanh vẫn đông đảo và đang đưa mắt nhìn em kính phục xen lẫn hiếu kỳ. Em nhẹ bước tiến ra phía cửa, đầu óc sôi sục lên với ý nghĩ : "Nếu ông già hai con quỷ nhỏ này lại chính thức được hưởng trọn phần cái gia tài của cụ Doanh thì... ". Ái Lan có cảm giác máu của mình hầu như đông lại trong huyết quản. Và, trong khi đó thì Mỹ Ngọc, Mỹ Liên đang cần phải có tiền để sống.

Mãi suy nghĩ, Ái Lan đã bước tới khu vườn hoa trước cửa chợ lúc nào không hay. Ngẩng đầu lên em giật thót mình khi nhận ra đang đi cùng một đường với hai cô con gái ông Phàm. Và hiện giờ thì Bích Mai, Bích Đào đang ngồi nghỉ chân trên một chiếc ghế đá. Hai cô con gái nhà giầu chắc đang mải mê bàn soạn chuyện gì mà hai mái đầu châu xít lại với nhau.

Quay trở lại không kịp, Ái Lan liền rẽ vào một con đường mòn băng qua bãi cỏ xén, lấp sau rặng cây vông vang hoa vàng. Không phải là em sợ hãi gì hai cô gái điêu ngoa kia, nhưng em biết chắc rằng nếu đi qua mặt, thế nào họ cũng lên tiếng nói cạnh khóe, lỡ không kềm chế được tức giận em cũng to tiếng nói lại thêm phiền phức ra, trong lúc đầu óc em còn lo làm những việc có ích hơn.

Bích Mai, Bích Đào mải mê nói chuyện đến nỗi Ái Lan đứng ngay gần sau lưng mà không biết, chỉ cách nhau một đám lá vông vang rậm rì xanh ngắt. Thâm tâm em cũng không muốn nghe lén chuyện riêng của người khác. Nhưng vì chăm chú đi lánh mặt, bất chợt đến sát phía sau hai chị em, sau rặng vông vang, Ái Lan nghe rõ ràng hai tiếng : Chúc thư. Và em run lên sung sướng với ý nghĩ.

"Trời ! Lạy trời cho hai con nhỏ này bất ngờ lại cho mình cái chìa khóa mở cánh cửa bí mật thì tốt quá !"

Ái Lan tiến sát lại bụi vông vang mọc sát cái ghế dựa dài bằng đá trắng. May quá, đám lá chỗ này lại dày đặc, em chỉ cần cúi thấp đầu xuống một chút là đã che giấu được hết cả thân hình. Đôi tai lắng hết sức để nghe ngóng, không khác một tay thám tử nhà nghề đang rình bắt bọn gian phi.

Phía ghế đá bỗng... im lặng. Ái Lan nín thở đợi chờ, trống ngực đập thình thịch, chỉ lo bất chợt bị ho hoặc ngứa mũi hắt hơi thì nguy. Đột nhiên tiếng nói Bích Đào nổi lên, âm thanh đượm nhiều cay đắng :

- Chị Mai ạ ! Em chỉ sợ lỡ ra cái tờ di chúc thứ hai đó mà lại có thật thì nguy lắm. Cái gia tài khổng lồ của bác Doanh sẽ mất như chơi.

Cô chị hạ thấp giọng :

- Lạ thật ! Tại sao em lại cứ tin rằng cái ông cù lần ấy đã thay đổi ý định kia chứ ! Riêng chị, chị nhất định không tin là bác ta đã viết tờ di chúc thứ hai đâu ! Yên trí đi mà !

- Này, chị coi chừng con nhỏ Ái Lan đó ! Nó, thì nó không nghĩ như chị đâu ! Cứ xét cái cung cách nó để ý săn sóc giúp đỡ chị em hai con nhỏ Mỹ Ngọc, Mỹ Liên thì biết à ! Tuần trước nó đã mời hai đứa này tới nhà nó ăn bánh uống nước mà ! Em đích mắt trông thấy ! Vậy em thử hỏi chị : Tại sao nó lại đặc biệt chú trọng tới hai con bé quê đó dữ vậy ? Chắc nó đã đánh hơi được một cái gì rồi chứ ? Chà ! Cái con ranh ấy rắc rối can không nổi mà ! Em ghét nó ghê gớm ! Chỉ ngại là ông già nó mà cũng nhúng tay vào vụ này nữa thì mới là mệt ạ ! Ông ta có thể tìm ra được tờ di chúc mới đó cho chị coi !

Bích Mai vẫn thản nhiên :

- Tìm ra thì tìm ra, lo gì ? Dễ thường ba chịu bó tay đó chắc !

- Ủa ! Cái gì ! Chị nói sao ?

- Thôi ! Em cũng chẳng nên tìm hiểu làm gì nữa ! Chị đã bảo em cứ yên trí đi mà !
Giọng nói Bích Mai bí hiểm Em tưởng ba má mình sẽ để vuột mất cái gia tài mà nhà mình có quyền hưởng đó hả ? Còn lâu, à nghe ! Dễ thường thiên hạ không thấy là bác Doanh đã sống mãi với gia đình mình đó chắc ?

- Đúng thế ! Cung phụng ông già ròng rã ba năm trời bây giờ thừa hưởng toàn phần di sản của ông, công bằng quá xá rồi chứ còn gì ! Nhưng nói gì thì nói, chị Mai à, em cứ bực mình vì cái con ranh Ái Lan đó ! Thấy ghét quá ! Chuyện không ăn nhằm gì tới nó, mà nó cứ xía vô làm chi vậy không biết !

Bích Mai giọng khinh thường :

- Ối, thây kệ ! Nó muốn làm gì, cứ việc ! Tìm ra cái gì cũng mặc nó ! Không ăn nhằm gì hết ! Ba tụi mình có quyền, chẳng ai làm gì được ! Tiền của của bác Doanh sẽ về tay ba má tụi mình hết !

Dứt lời cả hai chị em đứng lên thả bước đi dần ra phía ngoài vườn bông. Ái Lan nán lại phía sau bụi vông vang có tới gần năm phút sau mới bước ra, đưa mắt nhìn quanh. Bích Mai, Bích Đào đã mất hút. Em tiến lại phía ghế đá bỏ trống, ngồi xuống thoải mái, thở ra một hơi nhẹ thật dài. Và Ái Lan tự nhủ :

- Vậy thì vẫn còn hy vọng tìm được tờ di chúc thứ hai !

Thật ra thì Ái Lan vẫn nghi là tờ giấy quan trọng này có thật và trong đó nhất định là cụ Doanh đã ghi những lời sở nguyện là hủy bỏ các điều khoản của tờ di chúc thứ nhất. Tới khi gặp hai chị em Ngọc, Liên thì em lại đồng ý kiến với cha là tờ sau này cũng đã lọt vào tay nhà Phạm văn Phàm. Và dĩ nhiên là gia đình ông này ắt đã tiêu hủy cái tấm giấy tai hại cho mình đi chứ !… Ái Lan đã có một lúc thất vọng, định bỏ cuộc, thôi không điều tra tìm hiểu nữa. Nhưng bây giờ..., em bình tĩnh suy nghĩ :

"Vậy thì chưa đến nỗi thất vọng. Một điểm cần phải công nhận là, nếu tờ di chúc đó tình cờ lại lọt vào tay ông Phàm thì tất nhiên vợ và con ông ta sẽ chẳng dại gì mà nói hở tùm lum ra. Theo lời trò chuyện giữa hai chị em Mai, Đào vừa rồi thì chuyện chính thức thừa kế tài sản của cụ Doanh hiện cũng chưa có gì làm chắc… Vậy thì mình phải mau chân, lẹ tay... mới được."

Giống hệt luật sư Minh, Ái Lan có cái khả năng đặc biệt kêu bằng trực giác hay linh tính gì đó, khiến em có thể đoán biết được nhiều sự việc bí mật. Và giống như cha, lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận mọi cái cam go gai góc trong việc tranh đấu cho một việc nghĩa. Luật sư Minh, ngoài việc tranh biện tại Tòa án, lại còn có một trí óc sắc bén, ngay đến các thám tử nổi danh cũng còn phải đến học hỏi kinh nghiệm của ông. Nhưng ông bận nhiều việc quá, thì giờ đâu cho phép ông để hết tâm trí vào vụ gia tài của cụ Doanh này được. Ái Lan biết rõ như thế hơn ai hết, nên trong việc hoạt động tranh thủ quyền lợi cho hai người bạn mới đáng quý, đáng thương này, em chỉ còn có thể đặt tin tưởng vào chỉ riêng một mình em mà thôi.

Nhưng hiện thời thì vẫn chưa thấy được một tia sáng nào về tung tích tờ di chúc đó cả. Nhất là về phía hai chị em Ngọc, Liên.

Nhiều giây phút nặng nề qua đi, Ái Lan vẫn lặng lẽ trầm tư trên ghế đá. Đột nhiên em đập đập hai bàn chân lên nền cỏ mịn, reo khẽ :

- À, ừ nhỉ ! Có thế mà mình nghĩ mãi không ra ! Phải rồi ! Ngoài Mỹ Ngọc, Mỹ Liên ra, cụ Doanh còn nhiều người bà con họ hàng gần lắm kia mà ! Ờ, đúng rồi, còn nhớ bữa trước ba cũng có nói là một số người này cũng đang định làm đơn đệ lên Tòa khiếu nại đòi quyền hưởng một phần gia tài mà. Không biết những người bà con họ hàng cụ Doanh ấy là những ai đây ? Phải về hỏi ba mới được !

Ái Lan hớn hở đứng lên đi ra khỏi công viên và năm phút sau em đã về tới trước cửa văn phòng luật sư Minh.

Ông Minh chợt thấy con gái tới bất ngờ, nét mặt em rạng rỡ, ánh mắt em sáng tươi long lanh như nóng lòng muốn làm tức khắc một cái gì đó. Ông tươi cười và hóm hỉnh hỏi con :

- Có việc gì đó Ái Lan ? Chắc con lại... muốn mua một cái áo mới nữa hả ?

Ái Lan phụng phịu :

- Ba kỳ quá hà ! Cứ ngạo con hoài ! Này ba ! Tự nhiên con nảy ra ý kiến hay và con cần hỏi ba một câu này quan trọng lắm ba hà !

Đoạn em tóm tắt thật gọn gàng rành mạch cuộc gặp gỡ hai chị em Mai, Đào, rồi chuyện cái bình vỡ và câu chuyện bất ngờ lọt vào tai em tại vườn bông trước cửa chợ.

Ông Minh chăm chú nghe con kể chuyện. Sắc mặt nghiêm hẳn lại, ông hỏi :

- Vậy bây giờ con định làm gì ?

- Con có ý định tìm gặp mấy người bà con của cụ Doanh để nói chuyện ba à ! Biết đâu lại chẳng thâu lượm được một vài tin tức hay hay.

Luật sư Minh gật gù :

- Con có ý kiến hay đấy !

- Và vì không được biết những người đó là ai, con đến ba để hỏi xem...

Ông Minh chợt lắc đầu :

- Rất tiếc là ba lại cũng chẳng biết gì hơn con !

Thất vọng, Ái Lan đứng phắt dậy dợm chân bước ra. Nhưng ba em đã vội giơ tay ngăn lại :

- Ấy khoan ! Nhưng ba còn cách này có thể khiến con hỏi được tên và địa chỉ mấy người đó.

Ái Lan trợn tròn đôi mắt :

- Cách gì, ba ?

- Đến phòng ông Lục sự ở Tòa án. Nhất định là con sẽ biết được, vì đơn từ khiếu nại của họ tất nhiên là phải nạp tại đó rồi, con hiểu chưa ?

Nhưng sau khi liếc nhanh lên mặt đồng hồ tay, ông lại thốt :

- À, nhưng giờ này thì trễ mất rồi, để mai được không ?

Ái Lan thở ra một hơi dài :

- Mai thì muộn quá ba ơi ! Chỉ chậm một ngày thôi, là con đủ lo phát sốt lên đó ba ! Tụi nhà Phàm chỉ lẹ tay hơn nửa ngày là đã đủ thì giờ tiêu hủy cái giấy vô cùng quan trọng đó rồi ba à !

Đột nhiên em reo lên mừng rỡ :

- A ! Con có cách rồi này ba ! Bây giờ con về nhà lấy Vespa chạy ngay xuống Lạc Dương tìm hai chị em Ngọc, Liên. Chắc hai người đó phải biết, hả ba ?

- Ờ, thì con cứ thử đi coi xem sao ?

- Vâng, con đi đây nghe ba !

Chưa dứt lời em đã nhẩy vọt ra cửa, ông Minh vội vã :

- Khoan, Ái Lan ! Ba... hơi ngại là hình như con chưa chút gì nghĩ đến những cái nguy hiểm đang chờ đợi con đó ! Con nên nhớ rằng, nghề thám tử là một nghề không nhàn hạ và không phải không nguy hiểm đâu nghe ! Ba biết rõ tụi nhà Phàm lắm. Đối với những ai muốn làm "kỳ đà cản mũi", họ không để yên cho đâu, con à !

- Con không sợ !

Luật sư Minh chợt reo lên :

- Hoan hô con gái ba ! Ba rất hãnh diện vì con. Có điều ba muốn là trước khi chiến đấu, con cần phải biết tình ý của đối phương một chút.

- Chiến đấu ? Cái gì mà dữ vậy, ba ?

- Ba nói thiệt đó chứ, Ái Lan ! Bao giờ con cũng nên nhớ là tụi nhà Phàm dễ gì nhả cái mồi ngon đó ra mà không phản ứng dữ dội. Nhưng con cứ yên trí. Nếu quả tình sự việc có đi đến chỗ rắc rối ghê gớm, ba sẽ đích thân mó tay vào. Và lúc đó, thì Phạm văn Phàm sẽ đụng độ với chính ba đây chớ không phải với con nữa.

Ái Lan reo lên :

- Vậy, ba ơi ! Nếu con tìm ra được, thì ba sẽ làm gì với tờ di chúc đó ?

- Ba sẽ ra Tòa biện hộ tới cùng để tranh đấu quyền lợi cho những người thừa kế mới.

- Trời ! Vậy thì thích quá ! Ba giỏi quá và ba tốt quá đi ba à !

Ái Lan vừa nói vừa giật giật hai bàn tay luật sư Minh rồi quay người lao vút ra cửa. Chân vừa mới đặt lên bậc cửa, em đã ngừng lại, xây mặt ngó cha :

- Chắc con sẽ về trễ đó nghe, ba !
Và giọng em hớn hở, nhăn nhăn cái sống mũi, Con cảm thấy có hy vọng sẽ vớ được một cái gì, sau đó có trớn rồi con sẽ tiến mạnh cho ba coi !

Dứt lời, bóng em lao ra ngoài trong khi cánh cửa văn phòng luật sư Minh từ từ khép lại.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 7


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

CHƯƠNG 5_HAI TỜ DI CHÚC I

 5


CUỘC ĐỐI THOẠI


Dọc theo bờ sông, trên mặt đường, một lớp bùn mỏng bao phủ đều khắp chỉ còn rải rác đó đây một ít chỗ rải đá và đất đỏ cứng được nước mưa chùi sạch.

Mỹ Ngọc bảo Ái Lan :

- Ái Lan cho xe chạy thật chậm nghe ! Con đường này cứ bị một trận mưa lớn, là nguy hiểm lắm đó... ! À, này, chị hỏi thật, em có việc gì gấp, cần phải về lắm không ? Nếu không, thì ngủ lại, sáng mai về sớm cho chắc ăn !

- Ối, không được đâu chị Ngọc ơi ! Thế nào em cũng phải về tới nhà trước ba em. Chị đừng lo, không sao đâu ! Em chỉ thắc mắc là đã làm phiền hai chị quá, nên em...

Mỹ Ngọc cắt ngang ngay :

- Đừng nói như vậy, Ái Lan ! 
Sắc mặt cô gái nghiêm hẳn lại  Chị giận em lắm đó !

Mỹ Liên phụ họa :

- Tụi này được tiếp đón Ái Lan là vui mừng hết lớn rồi đó nghe.

Ái Lan tươi cười cám ơn Ngọc, Liên rồi quay ra đi tới vựa rơm lấy xe.

Em vừa đạp cho máy nổ, thì Mỹ Liên đã theo ra kêu lên :

- Thôi đừng đi vội, Ái Lan ! Coi bộ đường sá nguy hiểm quá hà !

Mỹ Ngọc đứng ở hàng ba, nói với ra :

- Nếu có gì rắc rối thì quay lại ngay, nghe Ái Lan !

Mỹ Liên lo lắng hiện lên nét mặt :

- Cẩn thận chạy chầm chậm thôi nhé ! Nếu không, đâm vào cây thì nguy đó !

Ái Lan bật cười khanh khách :

- Lăn xuống sông mới nguy hơn chứ, đâm vào cây, đã ăn thua gì !
  Em cố nín cười, phụng phịu đôi má lúm đồng tiền, chẩu đôi môi vờ làm mặt giận : – Hai chị nói làm em run rồi đó nghe, không dám mó vào tay lái nữa ! Chắc các chị cũng chỉ mong có thế, để em phải ở lại chớ gì ?

Mỹ Ngọc đã đứng sau lưng em từ bao giờ :

- Không có đâu ! Ái Lan ! Các chị chỉ mong em về tới Đà Lạt bình yên, mạnh giỏi thôi !

Ái Lan giơ tay, miệng nhoẻn nụ cười tươi, quay cần vào số 1. Chiếc Vespa xinh xinh bóng loáng lăn bánh chầm chậm trên quãng đường hẹp lát đá tảng, nối liền với đường cái. Mấy phút sau, đụn khói phía sau cũng theo xe và người biến mất hút sau rặng cây xanh mọc dài theo hai bên lề con đường trải đá.

Đường đi không ngờ lại chẳng có gì đáng gọi là nguy hiểm như ba cô gái đã lo sợ. Tuy đôi khi bánh xe lăn trúng đám bùn trơn trượt, nhờ Ái Lan luôn luôn chăm chú nhìn đường, hãm bớt tốc lực kịp thời, nên không xảy ra sự gì đáng tiếc.

Nửa giờ sau, em đã tới quốc lộ Sài Gòn
Đà Lạt. Khi chiếc xe, máy nổ êm êm, lên tới quá nửa đèo Prenn, Ái Lan vụt quyết định :

- "Trước khi về nhà, mình phải ghé vào văn phòng của ba mới được !"

Những nóc nhà đầu tiên của Đà Lạt đã hiện ra, và năm phút sau, Ái Lan đã dựng xe trước cửa văn phòng luật sư Minh. Liếc mắt nhìn nhanh : "Con ngựa sắt" của em bùn dính tèm lem, mặt kính nhựa cản gió dính đầy lá cây, cọng cỏ. Ái Lan vỗ vỗ vào chiếc yên da êm ái :

- Yên trí đi mày, "thần mã" ! Rồi về nhà tao sẽ tắm rửa cho mày thật sạch sẽ, nghe !

Đặt chân thong thả bước vào nơi cha làm việc, em không ngớt lẩm bẩm : "Kể thì khá mệt, nhưng cũng bõ công ! Nếu không có trận bão nguy hiểm trên bờ sông La Ngà, thì làm sao mình lại được biết hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên".

Luật sư Minh sáng rỡ hẳn nét mặt khi chợt thấy Ái Lan bước vào. Ông thở ra một hơi dài nhẹ nhõm :

- Trời ! Bây giờ ba mới yên tâm ! Thiệt ba đã lo quá đi khi nghĩ đến con gặp mưa bão giữa đường. Ba đã gọi điện thoại về nhà. Chị Năm nói con chưa về, ba lo quá, đã tưởng con bị rắc rối gì rồi !

Ái Lan làm vẻ mặt quan trọng :

- Rắc rối thì không có gì rắc rối đâu, ba ! Nhưng con vừa mới trải qua một cuộc mạo hiểm !

Và em kể lại rành mạch cuộc gặp gỡ hai chị em Ngọc
Liên, và một số tin tức liên hệ đến tờ di chúc của cụ Doanh.

- Mỹ Ngọc, Mỹ Liên sống trong cảnh nghèo, nhưng tính tình cao quý lắm ba à !

Ái Lan kết thúc câu chuyện mạo hiểm bằng lời nói trên.

- … Và con muốn ba con mình giúp hai chị ấy một cái gì nghe ba ! Con thấy rõ là các chị Mỹ Ngọc, Mỹ Liên thật xứng đáng hưởng một phần gia tài của cụ Phạm Tú Doanh, nhưng sẽ không hy vọng gì nếu không có người giúp đỡ !

Ông Minh, ánh mắt xa xôi, trầm ngâm suy nghĩ :

- Theo như lời con vừa nói thì chắc chắn là cụ Doanh có để lại cho hai chị em côi cút ấy một cái gì rồi đó. Và riêng phần ba, ba cũng chẳng ưa gì gia đình Phạm văn Phàm, cho nên, nếu họ bị mất quyền hưởng cái gia tài mồ hôi nước mắt của cụ Doanh thì..., không phải là ba có ác ý, cũng là hợp lý, hợp tình. Khó chịu nhất là cái thái độ nghênh ngang của họ : chưa chi đã hí hởn làm bộ làm tịch coi như đã là của mình hết cả rồi đó. À, này con ! Ba muốn gặp hai chị em Ngọc
Liên, để chỉ dẫn cách thức cho họ, liệu có được không ? Nếu được, thì xem hôm nào tiện, con viết thơ mời hai chị em cô ấy lên chơi nhà mình, gặp ba, con nghĩ sao ?

- Vậy thì hay lắm ba à !

Luật sư Minh mỉm cười :

- Con bảo rằng Mỹ Ngọc và Mỹ Liên không biết một tí gì về tung tích cái tờ di chúc thứ hai đó cả ?

- Đúng đó, ba ! Các chị ấy chưa hề trông thấy có một lần nào nữa kia !

- Thôi được ! Nhưng ba vẫn tin rằng, qua câu chuyện trao đổi với hai chị em cô ấy, thế nào cũng sẽ thâu lượm được một vài tin tức gì hữu ích !

- Vâng ! Ba xem nếu tiện thì con biên thơ mời các chị ấy mai lên được không ?

Ông Minh lật cuốn sổ tay trên mặt bàn giấy :

- ... Ồ, may quá, được ! Được đó con ! Kể từ chiều hôm nay cho tới hết ngày mai, ba không có cái hẹn nào hết. Con viết nói cho các cô ấy biết : 3 giờ chiều mai, nghe !

Ái Lan nhảy lên nắm cánh tay cha giật giật.

Đôi mắt em sáng rỡ như đã đạt được sở nguyện, miệng vui cười láu táu :

- Con biết ngay là thế nào ba cũng chịu giúp hai cô gái đáng thương đó mà !

Rồi nhún nhảy hai chân như người khiêu vũ, em tiến ra phía cửa, quay nhanh mặt lại, tinh nghịch nháy một bên mắt và cái miệng thì liến láu :

- Ba hứa rồi, thế là con yên trí ! Thôi con về nhà đây ! Ba làm việc đi, nghe ba !

Thế rồi, suốt cả ngày hôm ấy rồi đến cả sáng hôm sau nữa, tia mắt Ái Lan cứ chăm chăm theo dõi hai cây kim trên mặt chiếc đồng hồ lớn treo trên tường : em chờ đợi hai chị em Ngọc, Liên.

Ái Lan biết rõ Mỹ Ngọc, Mỹ Liên là những người biết trọng lời hứa, nhưng em vẫn thắc thỏm : gần 3 giờ rồi mà vẫn chưa thấy bóng ai.

Đột nhiên chuông điện ai bấm ở ngoài cửa reo vang trong phòng khách. Ái Lan nhảy nhổm lên :

- Chắc Mỹ Ngọc, Mỹ Liên ! Có thế chứ !

Quả đúng hai chị em cô gái bất hạnh. Ái Lan tươi cười niềm nở nắm tay hai người đưa vào ngồi trong phòng khách.

Phút bỡ ngỡ ngượng nghịu lúc đầu qua mau, Ngọc, Liên bình tĩnh dịu dàng trả lời những câu hỏi của luật sư Minh.

- Hai chị em cho tôi biết rõ về tính tình cụ Phạm Tú Doanh nhé. Theo tôi nghĩ thì ông cụ hơi có vẻ khác thường đó ! Đúng không nào ?

Mỹ Liên bật thốt :

- Dạ, thưa đúng vậy đó, luật sư ! Hồi còn sống nhiều khi kính trắng đeo trên mắt mà bác cứ loanh quanh đi tìm khắp nơi trong nhà.

- Thế các cô có thấy thỉnh thoảng cụ Doanh lại âm thầm tìm chỗ cất giấu đồ riêng của mình không?

Mỹ Liên cười :

- Dạ, cái đó thì có ! Bác Doanh có cái tật là thích cất đồ tại những nơi thật kín đáo chỉ riêng mình bác biết. Có thể là bác cẩn thận quá sức mà lại hóa thành lẩn thẩn. Nhiều khi bác cất giấu vào một chỗ nào kỹ quá, bí mật quá để rồi chính bác cũng… quên cái chỗ ấy luôn, không còn tìm ra được món đồ đó nữa !

- Và qua những lời cụ nói chuyện với chị em cô thì có cái gì khiến các cô có thể nghĩ rằng ông cụ đã lập tờ di chúc thứ hai rồi ?

Cô gái lắc đầu :

- Dạ thưa luật sư, cháu không nhớ !

Mỹ Ngọc chợt nói to :

- Ấy có, có chứ Liên ! Thưa luật sư, cháu còn nhớ rõ, một hôm bác về thăm nhà chúng cháu, bác nói chuyện tụi nhà ông Phàm và cái cung cách ông ta nhằm thu vào trong tay gia tài của bác. Bác nói một câu như thế này :
"Ha ! Tụi nó tưởng cá đã nằm trong giỏ đó chắc ! Và sau một tiếng cười nhạt, bác có tật hay cười nhạt như thế, bác nói tiếp : Có lẽ bác sẽ làm cho tụi hèn hạ này bị cụt hứng một phen, cho bộ mặt chúng hết vác lên, mất tuyệt đi cái vẻ làm bộ, khinh người như cỏ rác mới được. Bác sẽ làm cho chúng nó trắng mắt ra khi trông thấy một lá chúc thư khác. Bác sẽ viết một lá chúc thư khác, rồi sẽ không giao cho ai hết ! Bác sẽ tự tay cất giấu một nơi thật chắc chắn !"

Mỹ Liên gật gật đầu :

- À, à... đúng rồi, phải phải, em nhớ ra rồi !

Luật sư Minh chợt hỏi :

- Thế khi nói ra những câu như thế, thì hồi đó cụ Doanh đã về ở nhà Phàm chưa ?

Mỹ Ngọc :

- Dạ ở rồi ạ !

Luật sư Minh lại hỏi :

- Vậy theo ý hai cô, thì có thể là cụ Doanh đã cất giấu tờ di chúc mới này nội trong nhà ông Phàm?

- Dạ thưa, chị em chúng cháu lúc đầu cũng chỉ nghi nghi thế thôi, nhưng rồi thì chúng cháu đoán chắc là sự việc tất cả phải xảy ra như thế rồi.

Ông Minh và Ái Lan liếc mắt nhìn nhau một cái thật nhanh. Hai cha con cũng đã có ý nghĩ như vậy. Nếu quả thực cụ Doanh đã cất giấu tờ chúc thư tại nhà ông Phàm, và lỡ đã lọt vào tay ông, tất nhiên ông ta phải tiêu hủy gấp cái tờ giấy nguy hiểm cho gia đình ông đó rồi chứ !

Luật sư Minh còn hỏi thêm vài câu nữa và chị em Ngọc, Liên cố gắng nhớ lại các việc đã qua để trả lời cho minh bạch. Nhưng tựu trung cũng không thêm được một tin tức nào khác có thể soi chút ánh sáng qua bức màn bí mật.

Ái Lan đứng lên pha trà, lấy bánh đậu mời cha và chị em Ngọc, Liên uống nước trà, ăn bánh. Rồi, hai cô gái lễ phép xin được ra về, đồng thời nồng nhiệt cám ơn ông Minh đã để tâm đến việc khó khăn của họ.

Luật sư Minh cùng con gái tiễn hai chị em ra tận cổng :

- Nếu có thể giúp các cô được việc gì tôi sẽ hết lòng ! Và đừng có ngại gì phí tổn thù lao cả nhé ! Nhưng có điều là hiện nay chưa tìm ra được tờ di chúc thứ hai thì vẫn chưa thể làm cái gì cho thắng lợi được cả !

Hai cô gái đi rồi, Ái Lan đưa mắt ngó cha như dò hỏi. Ông Minh nói ngay :

- Đúng như lời con nói, hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên quả thật hiền ngoan lắm và rất xứng đáng cho cha con mình giúp đỡ một tay.

Ái Lan nôn nóng :

- Vậy thì ba nhất định sẽ giúp họ chứ hả ba ?

- Hừ ! Chỉ ngại là không làm nên trò trống gì thôi !
Giọng nói luật sư có vẻ kém vui. Có thể là tờ giấy quan hệ đó đã mất tiêu luôn rồi chứ chẳng không đâu ! Hà ! Biết đâu chừng !

- Vậy là ba nghi nhà ông Phàm... ? Con cũng nghĩ thế đó ba à ! Vô phúc mà lá chúc thư mới này lọt vào tay họ, con dám chắc họ sẽ thủ tiêu lập tức đó ba ! Nhà họ thì có bao giờ lại ngại ngùng do dự trước bất cứ một việc xấu nào. Miễn là có lợi !

- Ba đồng ý với con. Tuy nhiên đó chỉ là những giả thuyết riêng của ba và con. Nghi thì cứ việc nghi, nhưng chớ có nói ra cho chị em cô Ngọc biết sự nghi ngờ của mình. Vẫn biết hai người bạn mới của con có quyền hưởng một phần gia tài của cụ Doanh để lại thật, nhưng cũng vẫn không thể khiếu nại cho hữu hiệu được một khi chưa tìm ra tờ di chúc mới kia.

Giọng nói Ái Lan trầm hẳn xuống :

- Ba nói đúng lắm !

Tuy vậy em vẫn không hề một phút nào nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giúp đỡ hai chị em Ngọc, Liên. Em vẫn ngấm ngầm hy vọng biết đâu một ngày kia, nhờ một phép mầu nhiệm nào đó, hai cô gái nghèo lại được hưởng một phần cái di sản mà người để lại muốn cho các cô hưởng. Và em ngẫm nghĩ :

"Phải lắm ! Nếu tờ di chúc mới này đã bị tiêu hủy rồi thì đành chịu thua. Nhưng một khi mình chưa tìm ra được bằng cớ dấu vết gì chứng thực là nó đã bị thủ tiêu thì nhất định là chưa chịu bỏ cuộc."

Đứng phắt lên, nét mặt cương quyết, Ái Lan giơ nắm tay đấm dứ vào không khí : 

- Thế nào mình cũng phải tìm hiểu bằng được số phận cái tờ di chúc này của cụ Doanh xem nó đã ra sao rồi ! Trở ngại, khó khăn ! Bất chấp hết !

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 6

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>