Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

CHƯƠNG XII_TƯƠNG TƯ

XII
 
 
Thấm thoát mà Trúc đã đi Đài Loan được ba tháng. Trong những thời gian Trúc vắng mặt, Bình rất năng lui tới nhà giáo sư Chi trong những giờ nhàn rỗi, có khi ngủ lại nhà giáo sư Chi để cùng ông đánh cờ, chuyện vãn đến mãi khuya. Tuy Trúc đã giữ lời hứa và không viết cho anh lá thư nào, nhưng Bình cũng biết được nếp sống của nàng ở bên đó qua những thư Trúc viết về cho giáo sư Chi. Mấy tháng nay, Trúc và Niệm Từ lo bận học thi dưới sự dìu dắt của Khâm. Hai cô mướn một căn phòng ở gần trường Đại Học Sư Phạm “Đài Đại” và tự nấu ăn, vì ở đấy người ta ăn mì và ăn bánh bao trắng (không có nhân) nhiều hơn là ăn cơm. Những thức ăn ấy ăn ít thì ngon mà ăn thường thì ngán, không quen ăn được. Theo trong thư Trúc kể thì nàng học bài thi một cách rất khó nhọc, vì trình độ bên ấy quá cao, ngày thi gần kề mà Trúc chưa nắm vững được phần cốt yếu trong việc thi. Trong khi ấy thì Niệm Từ học rất khá, mức tiến bộ của cô vượt Trúc khá xa. Trong thư Trúc cũng thường nhắc nhở đến Khâm. Đại khái, Khâm là một mẫu người hoạt bát, hay giúp đỡ người đến gần như săn đón, kiểu cách và Khâm cũng rất có óc khôi hài. Mỗi lúc nói chuyện với anh, anh luôn luôn có nhiều đề tài làm cho mọi người vui cười thỏa  thích. Khâm và Niệm Từ mà ngồi vào bàn tán gẫu thì không khí vui nhộn và tự nhiên đáo để. Tuy nhiên, đôi khi Trúc cũng có những lời ngầm tỏ sự nhớ nhà và thương cha trong một hai lá thư. Tuyệt nhiên, Trúc không bao giờ nhắc đến Bình. Điểm này làm giáo sư Chi cảm thấy là lạ, tuy nhiên, ông không nói ra. Ông biết là Bình rất muốn biết tin tức về Trúc nên lá thư nào của Trúc gửi về ông cũng đưa cho Bình đọc. Bình đọc thư Trúc một cách rất hàm súc. Anh chỉ nói thoáng qua về Trúc khi đọc thư nàng, tuy nhiên, càng ngày càng thấy mình vững niềm tin hơn. Anh đã đọc được những ước muốn bỏ cuộc trong thư của Trúc, và anh thầm chờ đợi một lá thư Trúc gửi riêng cho anh. Anh đinh ninh nhất định là ngày đó sẽ đến, nhưng không biết bao giờ, lâu hay mau. Anh nhất quyết như vậy và anh sống bình yên trong niềm hy vọng đợi chờ.
 
*
 
Lớp học bắt đầu im lặng khi Bình bước vào cửa. Những cô cậu học trò người Việt gốc Hoa rất mến Bình và rất lưu tâm đến những bài Bình dạy. Theo Đỗ Vinh thì trường hợp này rất hiếm, vì phần đông các cô cậu hay có thành kiến với những giáo sư Việt. Bởi vì có những cô cậu tới trường học chữ Việt mà hiểu tiếng Việt một cách mù mờ, có lẽ tại vì sự tắc trách của các trường tiểu học, khi dạy Việt văn chỉ dạy cho bằng có để qua mắt Bộ Giáo dục, thế nên lên đến trung học, học sinh phải học Việt văn một cách khổ sở. Khi gặp phải giáo sư người Việt, vì đã sẵn không hiểu nhiều về tiếng Việt nên giáo sư càng giảng họ lại càng mù tịt thêm hơn. Lúc mới tới đây dạy, Bình cũng đã gặp phải trường hợp kể trên nên anh đã cố gắng học chữ Trung Hoa để khắc phục cái trường hợp gần như là tệ đoan đó. Cho đến nay thì Bình đã thành công. Học sinh lớp anh tiến bộ về Việt văn một cách thấy rõ. Điểm này làm cho Bình cảm thấy như được khích lệ và càng ngày càng say sưa phấn khởi trong nghề của mình.
 
Bình đưa tay cao đáp lại lời chào của học sinh và ngồi vào bàn soạn bài dạy. Bỗng Đỗ Vinh từ dưới lớp học tất tả đi lên đến gần Bình nói nhỏ :
 
- Thưa thầy, cô Lý Mộ Dung mời thầy đến nhà cô ấy sau giờ tan học, có việc ạ !
 
Bình ngẩn ra mất một phút, xong bàng hoàng gật đầu nói :
 
- Em cũng đi với tôi chứ ?
 
- Vâng ạ !
 
Đỗ Vinh trở về chỗ ngồi rồi mà Bình còn ngồi thừ ra đó. Suốt giờ học, anh cố giữ sự bình tĩnh, giảng bài một cách chu đáo, tỉ mỉ, mặc dù sự mời mọc đột ngột của Mộ Dung làm anh không khỏi lấy làm thắc mắc. Nhưng trước sau gì rồi nỗi thắc mắc kia sẽ được phơi bày sau khi đến nhà Mộ Dung, nên Bình tạm gác một bên cho đến hết giờ học.
 
Trên đường đến nhà Mộ Dung, Bình cũng không hỏi Đỗ Vinh về việc vừa rồi mà chỉ hỏi qua về tình bạn giữa Đỗ Vinh và Mộ Dung mà thôi.
 
Đến nơi, Mộ Dung đã đợi sẵn ở phòng khách với hai ba phong thư trước mặt. Trái tim Bình đập rộn rã trong lồng ngực. Hình bóng Trúc thoáng hiện trong anh, anh cố gắng giữ sự điềm tĩnh hỏi :
 
- Cô Mộ Dung sắp báo cho tôi biết một tin vui phải không ạ ?
 
- Ông đoán ?
 
Mộ Dung mỉm cười rót nước mời khách. Đỗ Vinh nói :
 
- Chắc chắn là tin vui rồi thầy ạ, nếu không, Mộ Dung phải khóc thay vì cười.
 
Mộ Dung nguýt Đỗ Vinh nói :
 
- Ham thấy người ta khóc lắm cơ !
 
Rồi quay sang Bình, Mộ Dung nói :
 
- Đây là một tin buồn, nhưng nếu ông Bình biết xong chắc phải vui lắm cơ !
 
Bình cười cởi mở :
 
- Chắc là tin về Thư Trúc hả cô ?
 
- Vâng, cuộc thi đã có kết quả. Thư Trúc trượt vỏ chuối rồi ông Bình ạ ! Chỉ có Niệm Từ đỗ.
 
Bình thở khì nhẹ nhõm. Quả là một tin buồn nhưng không phải thuộc loại buồn da diết. Anh thư thả nói :
 
- Hết keo này thì bày keo khác, tôi nghĩ Thư Trúc không đến đỗi bỏ cuộc.
 
Mộ Dung lắc đầu :
 
- Ông đoán sai rồi, nó hăm bỏ cuộc và đòi về, nhưng còn phải chờ hỏi ý kiến của bác Chi rồi mới quyết định sau. À, Thư Trúc có một cái thư cho ông đây.
 
Bình nhận thư với lòng mừng khấp khởi. Nhìn phong thư niêm kín, Bình nóng lòng đến ước gì được bóc thư ra đọc ngay. Nhưng anh dằn lòng cố ngồi nán lại chuyện vãn với Đỗ Vinh và Mộ Dung một lát rồi mới kiếu từ ra về.
 
Về đến nhà, Bình đi ngay vào phòng đóng cửa lại, mở thư của Trúc ra đọc. Cánh thư màu xanh, chỉ ghi vỏn vẹn có một bài thơ :
 
Hồng đậu sinh Nam Quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Khuyến quân đa thải kiệt
Thử vật tối tương tư.
 
Phía dưới bài thơ đề ba chữ : “Thư Trúc tự”. Bình ấp cánh thư lên ngực, nghe như hương vị tình yêu ngào ngạt tỏa khắp căn phòng.
 
 
HOÀNG DIỄM KHANH 
06 – 12 – 74         
__________________ 
TƯƠNG TƯ     
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>