Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

CHƯƠNG VIII_TƯƠNG TƯ

VIII
 
 
Bình ôm lấy quyển sách học trước ngực, buồn bã đi ra khỏi con ngõ dẫn vào nhà Trúc. Đã ba tuần rồi anh không hề thấy Trúc ở nhà trong lúc anh đến học. Đã nhiều lần, anh định hỏi giáo sư Chi về Trúc, nhưng thấy ái ngại nên thôi. Bình nghĩ, có lẽ Trúc đi học thêm một môn gì đó. Nhưng học môn gì thì cũng học ở ngày thường, vì Trúc rảnh cả ngày kia mà. Nghĩ mãi vẫn không tìm ra nguyên do, cuối cùng, Bình nảy ra một ý định. Anh đi đến quán bán thức ăn ngọt cách đầu ngõ không bao xa, chọn một chỗ hướng về mặt đường, hy vọng sẽ trông thấy Trúc từ ngoài đi vào ngõ. Lão chủ quán đến bên anh niềm nở hỏi một câu bằng tiếng Quảng Đông :
 
- Xực mách dẹ a, lụ bảl ? (Gọi thức ăn gì đấy ông chủ ?)
 
Bình không biết nghe tiếng Quảng Đông, nhưng anh đoán hiểu lão ta hỏi anh ăn gì nên đáp :
 
- Ông cho tôi một ly đậu xanh nước đá !
 
Lão chủ quán gọi với vào trong :
 
- Dách cô tál xí bứng !
 
Bình hơi ngạc nhiên vì tiếng Quảng Đông khác với tiếng quan thoại xa quá. Học chữ Trung Hoa mà rốt cuộc nghe không hiểu tiếng Trung Hoa. Bình hơi tiếc là trước kia anh đã không nhờ giáo sư Chi dạy luôn cho anh tiếng Quảng Đông. Chợt Bình có ý học tiếng Quảng Đông ngay lúc ấy. Giáo sư Chi và Trúc thường nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông, nếu anh chịu khó học tập từ lúc đầu thì không đến nỗi mù tịt như bây giờ. Nghĩ đến việc học tiếng Quảng Đông, Bình nghe phấn khởi lạ. Anh vội lấy sổ tay ghi câu vừa học được ở lão chủ quán và chú thích :
 
Dách cô : Một ly (một cái)
 
Tál xí : Đậu xanh
 
Bứng : Nước đá.
 
Bình ghi xong nhẩm đọc sang tiếng quan thoại. Rốt cuộc, anh thấy cũng không đến nỗi khó đọc cho lắm. “Một cái”, tiếng quan thoại đọc là “í cớ” và “nước đá” thì đọc là “bíng”. Hai tiếng này tương đối dễ nhận ra. Duy có chữ “đậu xanh” là khác biệt một cách lạ lùng, khó hiểu, vì tiếng quan thoại đọc đậu xanh là “lúy tấu”. Ngôn ngữ Trung Hoa thật là phiền phức. Thảo nào Tôn Dật Tiên tiên sinh đã ví nước Trung Hoa trước cuộc cách mạng Tân Hợi là một bãi cát rời. Một quốc gia có quá nhiều ngôn ngữ dị biệt thì dân tộc của quốc gia ấy khó lòng mà đoàn kết nhất trí cho được.
 
Bình ngồi ở chiếc quán nọ đợi đến 7 giờ 30 tối cũng không thấy bóng Trúc. Anh nghĩ có lẽ Trúc đã đi ngang đầu ngõ và về đến nhà từ lâu nhưng vì anh sơ ý nên không trông thấy đấy thôi. Bình biết là giờ này Trúc nhất định có mặt ở nhà, vì đó là giờ ăn cơm tối. Tuy nhiên, anh không thể trở lên được vì không tiện.
 
Bình rời quán nước nọ với một tâm trạng thật uể oải. Anh không buồn về nhà ngay ; anh không muốn người thân lo ngại, hỏi han về sự buồn bực của anh. Trước kia, anh chưa từng cảm thấy những nỗi buồn bực, chán nản làm bận rộn anh bao giờ. Vì thế nên anh sợ sẽ bị người nhà hiểu lầm là anh buồn vì phải làm lụng vất vả để nuôi gia đình. Tối nay, nghỉ chạy xe sẽ mất gần nghìn bạc lợi tức. Đành thế, chứ anh không làm sao có đủ can đảm vác bộ mặt ủ rũ về nhà. Được người thân yêu thương lo lắng là một cái phúc, nhưng ở trong trường hợp của Bình bây giờ lại là một cái họa. Giá ở nhà ai cũng ghét bỏ anh, không ngó ngàng gì đến anh thì anh sẽ về nhà, vào thẳng phòng mình nằm lì ra giường mặc sức mà thả hồn theo những suy tư, mặc sức mà buồn chán. Thậm chí đến mức anh muốn được ôm mặt khóc một hơi cho tiêu tan những nỗi buồn uất kết trong lồng ngực anh đã ba tuần nay.
 
Bình đi lang thang trên đường Nguyễn Trãi, rồi đến Đồng Khánh. Đi ngang mỗi hiệu sách anh đều ghé xem và đều có ý định mua một quyển sách để tặng cho Trúc. Song rốt cuộc anh không mua được quyển nào cả, vì anh không biết Trúc thích xem loại sách gì. Vả lại, trình độ Hoa ngữ của anh kém hơn Trúc quá xa, chỉ sợ những loại sách mà anh thấy thích, sẽ không hợp với nàng.
 
Bình định bụng sáng mai sẽ tự động đến thăm Trúc xem cớ sự ra sao. Anh đã chờ đợi đến không còn có đủ nhẫn nại để chờ đợi nữa. Anh cảm thấy Trúc vắng mặt trong trường hợp hết sức lạ lùng, nhất định là phải vì một lý do nào đó.
 
Đi ngang một phòng triển lãm tranh thủy mạc Trung Hoa, Bình ghé vào xem qua một dạo. Tranh thủy mạc Bình rất thích, nhưng anh không dám nghĩ đến việc bỏ một khoản tiền ra mua lấy một bức để treo, vì làm thế đối với cha anh là một lối hoang phí tiền bạc. Ông cụ xuất thân từ một nông gia nên đã quen với lối sống thanh đạm, lam lũ. Nghệ thuật là một danh từ xa lạ đối với ông, và tiêu tiền cho những gì có tính cách nghệ thuật đều là xa xỉ cả. Vì muốn làm vui lòng cha nên Bình đành khắc phục mọi ý muốn theo sở thích của mình.
 
Bình đứng thật lâu trước một bức tranh khổ nhỏ, chỉ vẽ vỏn vẹn một cành trúc và vài chiếc lá xanh, trông đơn sơ nhưng rất đẹp mắt. Bức tranh đơn giản nhưng có một chiều sâu mỹ thuật này thu hút lấy ánh mắt Bình, làm anh ngắm mãi không chán. Cuối cùng, Bình đã đi đến một quyết định. Anh đi hỏi giá bức tranh và được biết đây là một buổi triển lãm gây quỹ mở trường cho con em lao động nên giá tranh đặc biệt hạ. Bình đặt ngay bức tranh nọ và xin chồng tiền lấy tranh vào sáng hôm sau.
 
Bước ra khỏi phòng tranh triển lãm, Bình đã hiểu vì sao anh lại thích bức tranh ấy. Rất giản dị, chỉ vì nó mang tên của một người con gái, Trúc.
 
Nỗi buồn rời bỏ Bình ra đi từ lúc nào anh không hề hay biết.
________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>