Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

CHƯƠNG V_TƯƠNG TƯ

  

Rời khỏi nhà Mộ Dung, Thư Trúc và Diễm Minh đi dọc theo đường Đồng Khánh về nhà. Trời nắng gắt gay làm cả hai đổ mồ hôi nhễ nhại, nhưng họ vẫn không đi nhanh hơn, cơ hồ sợ con đường rút ngắn.
 
Ngày mai Diễm Minh đi Hồng Kông, lần chia tay này không biết đến bao giờ mới gặp lại. Lúc nãy vừa ở nhà Mộ Dung ăn bữa tiệc tiễn biệt Diễm Minh, Mộ Dung khóc rưng rức. Tuy không chơi thân với Diễm Minh, Trúc cũng cảm thấy buồn vô hạn. Nhìn Mộ Dung giọt vắn giọt dài, Trúc có cảm tưởng chuyến ra đi của Diễm Minh có giá trị trọng đại như những người đi làm lịch sử. Cũng có tiệc tiễn biệt, cũng có những giọt nước mắt luyến tiếc của bạn bè. Trúc ước ao nàng cũng sẽ có cơ hội đi xa một chuyến, chẳng để làm gì, chỉ để chuốc những giọt nước mắt chân thành của bạn bè mà tự lấy làm vinh hạnh. Nhưng rồi Trúc thở dài, giả sử sau này có cơ hội đi xa, liệu Trúc có thể rời bỏ cha nàng để ra đi hay không ? Hoặc giả rất nhiều năm sau, nàng có thể dứt áo ra đi một cách không ràng buộc, liệu bạn bè có còn đủ những đa sầu đa cảm để tiễn nàng bằng nước mắt như đã tiễn Diễm Minh hay không ?
 
Dù sao thời gian là một cái gì rất vô thường, nó có thể làm cho tình cảm con người đậm đà, cùng một lúc cũng có thể làm cho nhạt nhòa đi, hay khô khan cằn cỗi đến không còn có thể gọi là tình cảm nữa.
 
- Thư Trúc dự định thế nào trong tương lai nhỉ ?
 
- Tương lai ?
 
Trúc cảm thấy bàng hoàng. Tại sao lâu nay Trúc chưa từng nghĩ đến hai tiếng ấy nhỉ ? Cũng bởi thế, Trúc không biết nói thế nào để trả lời Diễm Minh.
 
- Sao thế ? Thư Trúc !
 
- À… á. Tôi không biết !
 
- Không biết cái gì ?
 
- Ơ hay, Diễm Minh vừa hỏi tôi về tương lai đấy thôi !
 
Cả hai im lặng băng qua ngã tư đường.
 
- Tôi cảm thấy Thư Trúc thật đặc biệt. Trong một nhóm bạn bè theo đạo Phật, hình như chỉ có Thư Trúc là không có ý kiến gì về Đức Chúa Trời.
 
Ngừng một lát, Diễm Minh tiếp :
 
- Không, có thể là Trúc có rất nhiều ý kiến, nhưng vì Trúc thường im lặng nên tôi không hiểu được đấy thôi.
 
Thư Trúc cảm thấy buồn cười, nhưng nhìn Diễm Minh thấy có nét gì uy nghiêm trên khuôn mặt bầu bĩnh, giông giống khuôn mặt những con búp bê Đại Hàn của Diễm Minh, Trúc nghiêm ngay nét mặt lại nói :
 
- Tôi có thể đưa ra ý kiến gì bây giờ ? Tôi không hiểu mảy may nào về Đức Chúa Trời, hay Thiên Chúa giáo cả !
 
- Nhưng Trúc theo đạo Phật !
 
- Không hẳn theo đạo Phật là phải có ý kiến về…
 
- Xin lỗi Trúc, tôi không có ý ấy. Tôi muốn nói, phần đông, những người theo đạo Phật thường có ý kiến về Thiên Chúa giáo, và khi tôi muốn tìm hiểu về Phật thì họ trả lời rất mơ hồ, tôi không hiểu chi cả. Trúc có thể…
 
- Tôi cũng không hiểu chi cả !
 
- Thật là lạ lùng ! Đáng lẽ ra, là một tín đồ Phật giáo, Trúc phải chịu khó tìm hiểu và học hỏi về giáo lý của tôn giáo mà mình tín ngưỡng mới đúng.
 
- Diễm Minh nói rất đúng. Tuy nhiên, Phật giáo chỉ là tín ngưỡng truyền thống của gia đình tôi, không ai bắt buộc tôi học hỏi về giáo lý nên tôi chẳng hiểu chi cả.
 
- Nhưng tự Trúc có bổn phận tìm hiểu.
 
- Tại sao lại là bổn phận nhỉ ? Tôi không là tu sĩ, vả lại tôn giáo không có quyền bắt buộc tín đồ điều ấy.
 
- Có chứ, nếu không, ta lấy tư cách gì để làm một tín đồ ?
 
- Thế… à ! Có lẽ tôi không phải là một tín đồ Phật giáo, nhưng cũng không thể là kẻ ngoại đạo. Thế thì… tôi là gì nhỉ ?
 
Diễm Minh cười, Trúc cũng cười. Lúc đầu chỉ là những cái cười mỉm, rồi cười thành tiếng, rốt cuộc cả hai cùng cười sặc sụa. Diễm Minh nói :
 
- Lạ nhỉ ?
 
Trúc nói :
 
- Thật là buồn cười !
 
- Trúc đã nghĩ ra mình là gì chưa ?
 
- Đã, tôi là tôi !
 
- Dĩ nhiên, ngoài phạm vi tôn giáo, tôi cũng là tôi, ngược lại, tôi là một tín đồ Thiên Chúa giáo.
 
- Nếu thế, trong phạm vi tôn giáo, tôi không là gì cả ?
 
Trúc dừng lại. Quả thật, “không là gì cả” mới là câu duy nhất để nói với Diễm Minh, vì đó là sự thật. Trúc chợt nói :
 
- Đúng rồi ! Không là gì cả !
 
Diễm Minh cười lắc đầu :
 
- Tôi vẫn không hiểu. Mà thôi, ta không nói về tôn giáo nữa. Trở lại vấn đề cũ, Trúc có dự tính gì cho tương lai không ?
 
- Tôi chưa hề nghĩ đến những gì sẽ làm trong tương lai. Nhưng xin Diễm Minh nói một cách cụ thể hơn.
 
- Chẳng hạn, học hết chương trình trung học, Trúc định thôi học để đi làm hay tiếp tục học. Nếu tiếp tục học, sẽ chọn môn nào, bằng ngược lại, sẽ chọn chức nghiệp gì ?
 
- Câu trả lời của tôi có lẽ sẽ làm cho Diễm Minh thất vọng, vì tôi chưa có dự tính nào cả. Giá dụ, tôi đặt trong đầu một kế hoạch thập toàn thập mỹ, nhưng đến thời kỳ phải thực hành kế hoạch ấy, bỗng nhiên vì hoàn cảnh hay nguyên do nào khác, bắt buộc phải bỏ dở kế hoạch cũ để chuyển sang một mục tiêu khác thì Diễm Minh nghĩ sao ?
 
Diễm Minh trầm mặc giây lát :
 
- Tôi còn định hỏi Thư Trúc, có ý định xuất ngoại không, nhưng theo quan niệm vừa rồi của Trúc, tôi biết là tôi sẽ không được một câu trả lời thỏa đáng nào. Tuy nhiên, tôi cảm thấy chúng ta rất trùng hợp với nhau ở một tiêu điểm nào đó, dù quan niệm của chúng ta hoàn toàn tương phản.
 
Dừng lại một lát, diễm Minh nói :
 
- Tôi mến Thư Trúc lắm.
 
- Tôi cũng rất mến Diễm Minh.
 
- Đây là lần đầu tiên, tôi chuyện trò thật cởi mở với một người không đồng tôn giáo và là sơ giao.
 
- Nếu Diễm Minh tin ở lời nói của tôi, đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện thật nhiều, và thật… trôi chảy.
 
Diễm Minh bật cười thành tiếng :
 
- Thư Trúc, cậu đùa với tôi đấy à ?
 
- Tôi nói thật, cậu không tin ?
 
- Tin chứ sao lại không ? Thư Trúc này !
 
- Hửm ?
 
- Cậu có thích trao đổi thư tín với tôi không ?
 
- Dĩ nhiên là có.
 
- Tôi sang đến bên ấy xong sẽ viết thư ngay cho Mộ Dung và cậu, cậu chịu khó tìm hiểu về tôn giáo của mình và viết thư kể cho tôi biết, nhé !
 
- Vâng, nhưng tại sao cậu quan tâm đến Phật giáo thế ?
 
- Phải nói rằng tôi quan tâm đến cậu, Mộ Dung và các bạn bè đạo Phật khác mới đúng.
 
- Xin cám ơn Diễm Minh.
 
- Cậu lại khách sáo. Sắp đến nhà tôi rồi, mình chia tay nhé ! Cậu ở lại chờ thư tôi.
 
- Diễm Minh !
 
- Chi, Thư Trúc ?
 
- Tôi mời cậu đến nhà tôi dùng cơm tối. Tôi muốn một mình tôi mời cậu bữa tiễn biệt tối nay, được chứ ?
 
- Thôi, không dám phiền cậu. Mình hiểu nhau là được rồi. Tôi đi nhé, bái bai !
 
- Diễm Minh ! Tôi chờ cậu đến 7 giờ tối. Nếu cậu bận không đến được thì thôi, nhé !
 
- Vâng, tôi sẽ cố gắng đến. Cám ơn Trúc nhé !
 
Nhìn theo bóng Diễm Minh khuất dần sau một khúc quanh, Trúc lấy khăn tay lau mồ hôi ở trán và ở cổ. Nàng cảm thấy cổ họng khô khát, có lẽ tại phơi nắng và nói nhiều.
 
- Cô Trúc !
 
Một giọng nói phái nam đầm ấm vang lên bên tai Trúc. Tiếng gọi nghe thật quen, Trúc không dám tin tưởng là tiếng gọi quen thuộc ấy phát xuất từ con người đã làm tâm trí nàng bận rộn từ bấy những nay. Nhưng cuối cùng sự thật vẫn là sự thật, thính giác của Trúc có mơ hồ đến thế nào đi nữa thì thị giác của nàng vẫn còn đủ khả năng chứng thực sự hiện diện của Bình. Trong lúc Trúc còn đang ngơ ngẩn trước sự thể quá ư đột ngột, thì Bình lên tiếng lần thứ hai :
 
- Cô Trúc đi đâu thế ?
 
- Dạ, thưa… tôi từ nhà cô Mộ Dung về…
 
Trúc định hỏi “ông Bình đi đâu đấy”, nhưng nàng biết là Bình đang trên đường đi đến nhà nàng để học, vì hôm nay là chiều thứ bảy. Mặc dù hỏi như thế chỉ là một phép lịch sự, Trúc vẫn cảm thấy không được thành thật nên nàng im lặng. Hình như Bình đoán được tâm ý của Trúc nên tự giải thích :
 
- … Tôi định ghé hiệu sách Tản Đà để tìm một vài loại sách rồi đến đằng giáo sư, nhưng hiệu sách chưa mở cửa. Cô có biết mấy giờ họ mở cửa không ?
 
- Dạ, khoảng 3 giờ thưa ông.
 
Bình xem đồng hồ tay nói :
 
- Thế thì trễ mất giờ học, thôi để khi khác vậy ! Cô về bây giờ chứ ?
 
Bình nói xong không đợi Trúc trả lời đã bước chân đi. Lúc nãy Trúc định bụng là sẽ đi mua thêm một ít thức ăn về làm cơm thết diễm Minh, nhưng thái độ của Bình trông chừng anh quả quyết là Trúc đang trên đường về nhà. Nếu nàng nhất định từ chối cùng đi về với Bình, Trúc e Bình sẽ hiểu lầm là nàng khinh thị anh thì khốn. Nếu là trước kia, có lẽ Trúc để mặc cho Bình hiểu lầm. Bây giờ thì khác, biết đâu Bình sẽ chẳng vì hiểu lầm mà cho rằng sở dĩ Trúc tránh đi cùng với Bình là vì đã từng trông thấy anh lái xe lam. Như thế chẳng hóa ra Trúc là một con người có tư tưởng hạ cấp ? Nghĩ thế nên Trúc không ngần ngại rảo bước đi theo Bình.
 
Buổi trưa trên con đường Tản Đà thật vắng lặng. Khoảng từ đường Đồng Khánh đến đường Nguyễn Trãi râm mát bởi những tàn me già khổng lồ đang rắc nhẹ những lá vàng xuống mặt đường nhựa thoai thoải dốc. Rất tiếc là khúc đường nên thơ quá ngắn. Trúc dừng chân trong khoảnh khắc ở khúc quanh sang đường Nguyễn Trãi, con đường chật hẹp khan hiếm bóng mát. Nếu đi xuống một tí nữa, hai bên đường chẳng còn một bóng cây. Hàng phố, cửa hiệu san sát, ồn ào đến bực dọc.
 
Trúc lấy khăn tay che đầu để đỡ phải chóa mắt vì ánh nắng. Đến ngã tư, Bình ra hiệu cho Trúc qua đường và nói :
 
- Ta đi sang đường Hồng Bàng cho đỡ nắng.
 
Trúc lặng lẽ đi theo sau Bình. Nàng có cảm tưởng Bình cũng vừa nghĩ đến điểm đáng ghét của đường Nguyễn Trãi như nàng nên mới đề nghị như thế. Thế nhưng Trúc chẳng hiểu ý nghĩ trên đến với nàng từ lúc nào ? Có lẽ mới đây thôi, vì trước kia, Trúc đi thì đi, chớ chưa bao giờ có một ý thức gì về những con đường.
 
Đang đi trên đường Phù Đổng Thiên Vương, chợt có một đôi nam nữ đèo nhau trên chiếc xe Honda chạy vụt qua, suýt đụng phải Bình, vì anh đi phía sát lề đường. Gã con trai có dáng công tử bột đã không dừng xe xin lỗi còn nói với lại :
 
- Rán để dành tiền mua xe rồi hãy đi với bồ, chú em ạ !
 
Gã nói bằng tiếng Quảng Đông, Bình không biết nên hỏi :
 
- Anh ta vừa nói gì thế hả cô ?
 
- Tôi không nghe rõ, thưa ông.
 
Trúc nói dối một cách thật phớt tỉnh. Nàng có đủ sự bình thản để nói dối mà không tự thẹn trong trường hợp vừa rồi. Lẽ thứ nhất, Trúc sợ nói trắng ra sẽ chạm đến tự ái của Bình. Thứ đến, Trúc tự thấy nàng có bổn phận che đậy sự thiếu hàm dưỡng của gã con trai nọ trước mặt Bình. Dù sao, gã và nàng cùng nói một ngôn ngữ, cùng ở trong tình trạng chen chân khách trú trên quốc thổ của Bình. Bình mỉm cười nói :
 
- Chắc họ phàn nàn tôi không biết luật đi đường đấy !
 
Trúc mỉm cười, nàng nói mà không nhìn thẳng Bình :
 
- Theo tôi, ông Bình mới là người có quyền phàn nàn họ.
 
- Tại sao thế hở cô ?
 
Bình vừa hỏi, vừa nhìn Trúc với dáng điệu thích thú về một đề tài thú vị.
 
- Vì họ không nhường người đi bộ.
 
Nói xong, Trúc mỉm cười nhìn Bình không chút ngượng ngập. Trúc không ngờ giữa nàng và Bình có thể có được một cuộc đàm thoại cởi mở và thú vị thế. Bình bây giờ không còn lầm lì “kênh kiệu” như trong ý nghĩ của Trúc trước kia nữa. Anh cười như nụ cười đầu tiên từng làm Trúc phát giác sự duyên dáng dễ thương ở anh.
 
- Cô Trúc giỏi về luật lệ giao thông lắm ! Chắc cô phải đứng đầu về môn Công dân giáo dục ?
 
- Ông Bình đoán sai rồi, tôi thích học Lịch sử nhất.
 
Bình trầm ngâm giây lâu, hỏi :
 
- Cô có thích học Việt văn không ?
 
- Thưa có !
 
- Nếu cô Trúc không trách tôi tò mò, tôi xin mạn phép hỏi cô một câu.
 
- Xin ông tự nhiên cho.
 
- Cảm ơn cô Trúc. Tại sao cô thích học Việt văn ?
 
Trúc nhìn Bình. Trực giác cho nàng thấy, đề tài này không được thú vị lắm, lại có vẻ hơi quan trọng. Nàng trầm ngâm giây lát, đáp :
 
- Tôi không hiểu chính xác được tại sao, thưa ông ! Cái gì tôi thích thì tôi học. Nhưng… tại sao ông hỏi tôi câu ấy ?
 
- Vì theo tôi thấy thì những học sinh ở các trường Việt Hoa thường không thích học Việt ngữ. Chẳng những thế, hình như họ không mấy có cảm tình với các giáo sư dạy Việt ngữ nữa.
 
Bình nói câu này với nét buồn trên mặt. Trúc cảm thấy ái ngại chính nàng là một phần tử kể trên, đã và đang gián tiếp làm mất lòng Bình. Trúc biết là Bình nói thật vì anh có dạy ở các trường Việt Hoa. Nhất thời Trúc chẳng biết nói thế nào để giải đáp thỏa đáng câu hỏi của Bình, mặc dù Trúc biết rõ nguyên nhân gây nên phần đông học sinh Việt gốc Hoa không thích học Việt ngữ. Lý do chủ yếu là ngôn ngữ là một trong những sức mạnh thiên nhiên có thể tạo nên sự cảm hóa và đồng hóa giữa hai dân tộc. Người Trung Hoa thường tự hào dân tộc mình có một lịch sử văn hóa vĩ đại. Họ chỉ nghĩ, nếu học và biết giỏi ngôn ngữ của một dân tộc mà xưa kia đã từng một thời lệ thuộc quyền thống trị của dân tộc họ, để bị văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc này cảm hóa và đồng hóa thì chẳng có gì lấy làm vinh dự cả. Nhưng họ không hoặc ít khi nào nghĩ đến : Học ngôn ngữ của một dân tộc khác, ngoài những lý do (nếu có) nêu trên còn có thể đi đến sự cảm thông và sống chung hòa bình. Giáo sư Hiền đã có lần đưa ra một ý kiến về ngôn ngữ trong lúc dạy bọn Trúc : Học sinh ngữ cũng là để gia tăng giá trị con người, biết một thứ tiếng chỉ có giá trị một con người, nếu ta chịu khó học thêm nhiều thứ tiếng, ta sẽ có giá trị của nhiều con người. Trong những bạn bè của Trúc, có nhiều người trong lúc vì lý do lịch sử, nảy sinh ra tâm lý ghét bỏ chữ Việt, thì họ lại gạt bỏ những khía cạnh tâm lý khác, để theo học Nhật ngữ. Họ học Nhật ngữ với khía cạnh tâm lý là, Nhật là một cường quốc, giỏi Nhật ngữ, họ sẽ có một địa vị xã hội hái ra tiền trong tương lai. Trúc không có tư tưởng ấy nên có một vài lần bạn bè rủ Trúc học Nhật ngữ, Trúc đã khẳng khái từ khước. Tuy nhiên, hiểu rõ nguyên nhân là một vấn đề. Trúc không phải là một con người linh lợi hoạt bát, nên nếu dùng lời nói để giải thích nguyên nhân với Bình là cả một công trình. Nếu nói không khéo sẽ xảy ra tình trạng “từ bất đạt ý” thì lại càng phức tạp hơn. Sau một hồi trầm ngâm, Trúc quyết định tìm một cách khác để trả lời Bình. Vừa lúc ấy, có lẽ Bình đã phát giác ra sự tư lự của Trúc nên hỏi :
 
- Hình như cô Trúc không được vui, hay tôi đã hỏi sai câu gì làm phật lòng cô chăng ?
 
- Ồ ! Xin lỗi ông, tôi chỉ đang nghĩ cách để trả lời câu hỏi của ông chứ chẳng có chi làm tôi không vui cả.
 
Bình cười :
 
- Thế cô đã nghĩ ra chưa ?
 
Trúc ngẫm nghĩ một thoáng nói :
 
- Theo tôi thấy thì cũng tùy người ông ạ. Gia đình tôi và gia đình cô Mộ Dung đều là người Trung Hoa, thế nhưng chúng tôi đã học và thích chữ Việt. Quan niệm mỗi người một khác. Cha tôi có quan niệm là đã sống trên đất Việt Nam thì học chữ Việt là một điều cần thiết. Tìm hiểu văn hóa Việt tức là bắc nhịp cầu thông cảm giữa đời sống của hai dân tộc, ông ạ !
 
- Vâng, tôi hiểu giáo sư ở điểm này. Thế còn cô, dù sao cô thuộc vào thành phần lớp trẻ, quan niệm của cô có lẽ khác hơn bậc tiền bối như giáo sư phần nào ?
 
- Thú thật với ông, từ bé đến giờ tôi chưa có một quan niệm cụ thể nào cả. Đối với quan niệm của kẻ khác nếu tôi thấy đúng thì tôi thích và học.
 
- Thế cô có thích quan niệm của giáo sư ở nhà không ?
 
- Dĩ nhiên là có, thưa ông !
 
Bình xoa tay nói một cách thoải mái :
 
- Tôi rất lấy làm hân hạnh được sự cảm thông của cô.
 
Trúc trố mắt :
 
- Ông nói sao ?
 
- Tôi là người Việt, cô nhỉ ?
 
Trúc chợt hiểu, nàng mỉm cười cúi đầu im lặng. Hai người im lặng đi song song trên đường Hồng Bàng, hình như cả hai bắt đầu đi chậm hơn trước. Trúc có cảm tưởng mặt trời đang trốn trên mây ngủ gật nên ánh nắng không còn gay gắt và Trúc nghe thoải  mái lạ. Lát lâu sau, Bình lên tiếng :
 
- Cô Trúc này !
 
Trúc đáp lời Bình bằng cách ngẩng lên nhìn anh.
 
- Sao cô không hỏi tôi “tại sao ông học chữ Trung Hoa” ?
 
- Ừ nhỉ, tại sao ông học chữ Trung Hoa ?
 
- Tại vì tôi thích nên tôi học.
 
- Tôi hỏi thật mà, ông trêu tôi chi ?
 
Bình hơi bối rối, có lẽ vì Trúc nói một cách trịnh trọng, không cười.
 
- Xin lỗi cô, tôi không có ý ấy. bây giờ tôi thành thật trả lời cô nhé.
 
Thấy Trúc vẫn im lặng, Bình băn khoăn hỏi :
 
- Cô giận tôi ư ?
 
Trúc phì cười :
 
- Đâu nào ? Tôi đang lắng tai nghe ông “thành thật trả lời” đấy chứ !
 
Bình thở ra nhẹ nhõm :
 
- Lúc đầu tôi học chữ Trung Hoa để tìm hiểu và thích ứng cho việc dạy các học sinh Việt Hoa. Dần dà, tôi thấy văn hóa Trung Hoa rất có ý nghĩa cô ạ.
 
- “Ý nghĩa” trong trường hợp nào thưa ông ?
 
- Rất nhiều, nhưng tôi chỉ xin kể một trường hợp cụ thể cho cô nghe. Chẳng hạn, giáo sư ở nhà từng nói với tôi một câu thật khiêm nhường nhưng cũng thật ý nghĩa, đó là câu “giáo học tương trưởng”.
 
Rồi như sợ Trúc nghe không hiểu, Bình nói lại câu trên bằng tiếng quan thoại với lối phát âm rõ rệt và tiếp :
 
- Người tây phương cũng có câu thành ngữ trên, nhưng họ đề cập đến câu này với lối hành văn và phát âm rườm rà nghe không được hàm súc. Chẳng hạn tiếng Anh nói câu giáo dục tương trưởng thật là dễ hiểu “The man learning when – whom teaching”, trong khi ấy tiếng Việt Nam có thể dùng bốn chữ giáo dục tương trưởng để biểu đạt cả lời lẫn ý của câu thành ngữ Trung Hoa mà không cần phải viết trắng ra rằng “người dạy học đã học trong lúc dạy”. Đấy cô xem có ý nghĩa hay không ?
 
Trúc gật gù :
 
- Tôi phục ông Bình quá !
 
Và Trúc chuyển sang tiếng quan thoại :
 
- Tôi có thể nói chuyện với ông bằng tiếng quan thoại không ?
 
Bình cười ngại ngùng :
 
- Vâng, có thể… nhưng tôi kém lắm mong cô chỉ giáo cho.
 
Bình đáp lời Trúc cũng bằng tiếng quan thoại, nhưng anh nói chậm và vấp đôi chữ. Trúc dí dỏm :
 
- Tôi đâu dám, “giáo học tương trưởng” mà ông.
 
Bình cười dòn tan nhưng không đáp lời Trúc.
 
- Sao ông không nói chi cả ?
 
- Thật… thật khó nói.
 
- Có chi khó nói đâu nào ?
 
- Tôi muốn nói… tiếng quan thoại… thật khó nói.
 
Trúc chợt hiểu là nàng nói tiếng quan thoại với Bình như nói với một người Trung Hoa, thảo nào anh thấy khó tiếp lời.
 
- Hay ta nói lại tiếng Việt vậy ?
 
Bình xua tay :
 
- Tôi thích nghe cô nói tiếng quan thoại hơn.
 
- Nhưng ông không nói chi cả.
 
- Thì tôi nghe cô nói.
 
- Tôi không biết nói gì cho ông nghe bây giờ…
 
- Cô không biết nói gì thì thôi, tới nơi rồi.
 
Bình vừa nói vừa đưa tay ra hiệu cho Trúc quẹo vào đường Tổng Đốc Phương.
 
Cả hai im lặng đi về đến nhà Trúc. Trúc xem đồng hồ, vừa đúng 3 giờ 5 phút. Bình nói :
 
- Trễ mất 5 phút phải không cô ?
 
- Sao ông biết ?
 
Trúc ngạc nhiên hỏi, vì không thấy Bình xem đồng hồ. Bình đáp :
 
- Tôi đoán mò cô ạ.
 
Trúc chợt nhớ ra là Bình thường đúng giờ như một cái máy. Nàng chỉ mỉm cười lấy chìa khóa ra mở cửa. Giáo sư Chi đang rửa mặt ở nhà sau. Trúc chạy a vào nói như phân bua :
 
- Cha ! Con gặp ông Bình ở ngoài đường !
 
- Thế à ! Bao giờ thì Diễm Minh đi Hồng Kông ?
 
- Ngày mai, thưa cha. Con có mời Diễm Minh lại nhà mình ăn cơm tối nay. Cha bảo, ta làm món ăn gì thết Diễm Minh đây ?
 
- Dĩ nhiên là làm một món ăn Việt để kỷ niệm Diễm Minh đã từng sống ở Việt Nam .
 
Giáo sư Chi vừa nói vừa đi ra phòng khách để dạy Bình học.
 
Biết chắc chắn rằng thế nào ông cũng mời Bình ở lại dùng cơm, mặc dù chưa biết Bình có nhận lời không, Trúc cũng thêm một nhúm gạo lúc nấu cơm. Quả vậy, chỉ một lát sau, giáo sư Chi đi vào bảo Trúc nấu luôn phần cơm cho Bình. Không hiểu sao, Trúc có ý nghĩ, lần này Bình vì nàng mà nhận lời ăn cơm nhà nàng.
 
*
 
- Thư Trúc à, Thư Trúc, Thư Trúc !
 
Nghe tiếng gọi, Trúc biết ngay là Quốc Trinh đến. Cô bạn này nổi tiếng là thông minh, lanh lợi, tính tình cương trực, mau mắn, làm việc hay nói năng đều linh hoạt đến gần như rối rít. Hiện Quốc Trinh là ký giả của vài tờ báo Hoa ngữ ở Chợ Lớn. Trong một nhóm bạn bè chỉ có Quốc Trinh là ra đời sớm nhất. Thấy Thư Trúc đang ở phòng khách thế mà Quốc Trinh cũng gọi một thôi dài, đó là cố tật của cô. Trúc vừa mở cửa cho Quốc Trinh vừa nói :
 
- Chi mà rối lên thế, làm người ta cứ ngỡ là hoàng hậu giá lâm.
 
- Công chúa giá lâm chứ !
 
Quốc Trinh khôi hài. Thư Trúc đưa tay lên má làm động tác lêu lêu :
 
- Có biết xấu hổ không đấy ? Thưa công chúa !
 
Quốc Trinh định trổ tài ồn ào của cô như mọi khi, nhưng chợt trông thấy Bình ngồi ở bàn ăn vội thè lưỡi hỏi khẽ :
 
- Có khách à ? Ai thế ?
 
- Công chúa mãi bận việc triều đình có thèm hạ giá đến tệ xá đâu mà biết những việc xảy ra từ bấy những nay. Vào trong này đã.
 
Quốc Trinh ngơ ngác :
 
- Việc gì đã xảy ra ? Sao tớ không nghe bọn Diễm Minh nói gì cả ?
 
Trúc phì cười :
 
- Đùa với cậu đấy ! Đây là ông Bình. Ông ấy là người Việt, đến học Quốc ngữ (quan thoại) với cha mình 5, 6 tháng nay rồi. Cậu có thèm đến đây đâu mà biết. À, cậu vừa gặp Diễm Minh đấy à ?
 
- Ừ, hắn phái mình đến nói cho cậu biết, hắn không đến được, và đại diện cho hắn ăn cơm nhà cậu tối nay.
 
- Thảo nào ! Nếu không, thánh chỉ cũng không dời gót ngọc đến đây.
 
- Thôi đừng cay cú nữa, đói bụng lắm rồi, có cho ăn cơm không thì nói.
 
- Quốc Trinh đấy à ? Cháu vừa đến đúng lúc, ở lại dùng cơm nhé !
 
Giáo sư Chi từ trong đi ra nói.
 
- Thưa bác ạ ! Cháu đại diện cho Diễm Minh thì nhất định phải xơi của bác một bữa cơm mới được.
 
- Diễm Minh không tới à ? Ừ, ngày mai đã đi rồi thì đến thế nào được.
 
Quay sang Bình ông tiếp :
 
- Cô Trinh giỏi chữ Việt lắm, cậu Bình ạ ! Cô ấy đang làm ký giả cơ !
 
- Cháu van bác đừng “tuyên truyền miễn phí” cho cháu nữa, cháu ngượng đến chết đi được. Ai cũng tưởng làm ký giả phải giỏi lắm. Tình thật… cháu không bằng một nửa Thư Trúc.
 
- Cho tôi xin, tôi không dám có một tí liên hệ nào với đại ký giả cả. Nào, chúng ta bắt đầu xơi cơm.
 
Trong bữa cơm, Quốc Trinh nói chuyện huyên thuyên. Để giúp Bình mau tiến bộ trong việc học quan thoại, giáo sư Chi đề nghị nói chuyện bằng quan thoại. Quốc Trinh nói quan thoại thì phải biết, trôi chảy và đúng giọng y như Bắc Bình. Phải công nhận là Quốc Trinh quá thông minh, học tiếng gì là phải giống tiếng ấy. Lúc chưa làm ký giả, Trinh giao thiệp với vài cô bạn ký giả người miền Bắc, thế là Trinh nói tiếng Việt y như người miền Bắc.
 
- Thư Trúc, có một việc này định bàn với cậu…
 
Không nghe Quốc Trinh nói tiếp, Trúc hỏi :
 
- Việc chi mà quan trọng thế ?
 
- Về kế hoạch mỗi năm của bọn mình.
 
- Việc cuối năm ủy lạo Viện Dưỡng Lão ấy à ?
 
- Ừ, nhưng năm nay tôi đề nghị, mình bỏ Viện Dưỡng Lão để ủy lạo Viện Mồ Côi.
 
- Tại sao ?
 
Trúc hỏi cụt lủn. Tự Trúc cũng nhận thấy ngữ khí của nàng đầy vẻ bất tán đồng. Vì Trúc không muốn đương nhiên bỏ ngang việc ủy lạo Viện Dưỡng Lão do bà giáo sư Hiền đề xướng và bọn Trúc đã làm trong mấy năm qua. Trúc đã quen thuộc với những mối cảm xúc trong những lần trao từng gói quà bé nhỏ qua những bàn tay các cụ già run rẩy, dăn deo. Mỗi lần như thế y như là Trúc bị cảm xúc mãnh liệt bởi những tiếng xôn xao vui mừng của các cụ.
 
Dĩ nhiên, ủy lạo Viện Mồ Côi đồng thời vẫn có thể ủy lạo Viện Dưỡng Lão. Có điều mỗi lần ủy lạo, mỗi người phải bỏ ra một số tiền kha khá. Trừ Quốc Trinh ra, bọn Trúc chưa ai đi làm cả. Ngửa tay xin tiền cha mẹ dù rằng làm việc thiện thì cũng phải ở một giới hạn nào thôi. Vả lại làm việc thiện bằng đồng tiền không phải do mình đem mồ hôi sức lực tạo ra, nó không đầy đủ ý nghĩa một việc thiện.
 
- Hôm qua mình đi theo một phái đoàn báo chí Việt Nam lên thăm một Viện Mồ Côi ở Biên Hòa. Nói là Viện Mồ Côi chứ thực ra chỉ là một nhà chùa, chấp nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ côi cút. Nếu cậu trông thấy nhất định phải rơi nước mắt.
 
- Thế à ?
 
Trúc hơi mềm lòng, nhưng không mấy tích cực :
 
- Biết mình có đủ phương tiện không ?
 
Đối với Trúc, hai chữ phương tiện là ám chỉ tiền bạc. Phải chi Trúc có một việc làm, “ừ nhỉ, tại sao lâu nay mình không nghĩ đến tìm một việc làm” ? Bây giờ Trúc cảm thấy cần thiết nghĩ xa một chút có lẽ đời sống sẽ đỡ bớt những hoang mang. Nếu Diễm Minh đang hiện diện, Trúc sẽ trả lời Minh ngay rằng “Tôi sẽ đi làm, không cứ phải đợi học hết trung học, có thể ngay bây giờ”.
 
- Bởi thế nên tôi mới bàn ngay với cậu…
 
Quốc Trinh hơi ngần ngại nói :
 
- Tôi có quen với mấy ông Dân Biểu… Tôi có nói qua việc ủy lạo Viện Mồ Côi này và họ có hứa giúp về mặt tài chánh, tôi định nói với cậu đi thu góp với tôi…
 
- Tôi không đi !
 
- Tại sao ?
 
- Tôi không thích làm việc thiện bằng tiền của kẻ khác.
 
- Thư Trúc, cậu đừng hiểu lầm, người ta bằng lòng bỏ tiền ra để làm việc thiện.
 
- Dĩ nhiên, họ bằng lòng cậu mới rủ tôi đi góp tiền được. Nhưng cậu hiểu không, họ bằng lòng chứ không phải tự ý hưởng ứng.
 
- Cậu đừng cố chấp như vậy, mình không đề xướng thì họ biết đâu mà tự ý bỏ tiền ra ?
 
- Ai bảo cậu ? Nếu họ tự nguyện làm một việc thiện, tự họ có thể đề xướng lấy cơ mà ?
 
- Thư Trúc ! Sao mà cậu lôi thôi thế ?
 
- Tôi lôi thôi hay cậu lôi thôi đấy ? Khi không đề xướng bỏ Viện dưỡng Lão, chuyển sang Viện Mồ Côi, không đủ phương tiện phải đi cầu cạnh người ta. Mình làm việc thiện chứ có phải đi buôn lãi lời đâu mà cậu phải chạy đôn chạy đáo cho nó mệt xác.
 
Cả hai càng nói tình hình càng trở nên căng thẳng. Giáo sư Chi nói :
 
- Thôi, cháu Quốc Trinh cũng đừng nhận tiền của mấy ông Dân Biểu làm chi. Các cháu tự thấy có nhiều thì giúp nhiều, có ít thì giúp ít. Bác sẽ dự một phần vào việc này với các cháu.
 
- Thưa bác, bác không hiểu chứ đây lên Biên Hòa rất xa, chỉ tiền bao xe thôi cũng là một chi phí đáng kể.
 
- Nếu các cô không từ chối, tôi có thể dự một phần trong việc chuyên chở.
 
- Ông có xe ? Quốc Trinh hỏi.
 
- Vâng, xe động cơ ba bánh được không cô ?
 
- Sao lại không ? Nếu chúng tôi thuê xe thì cũng thuê loại xe này thôi.
 
- Nếu tôi tham gia một số tiền, có tiện không các cô ?
 
Bình hỏi xong nhìn Trúc như dọ hỏi. Quốc Trinh không dám nhận tiền nên cũng nhìn Trúc. Nhất thời Trúc bị bốn làn nhãn quang của hai người soi đến bối rối. Trúc chửi thầm Quốc Trinh : “Con này ngốc quá, người ta tự ý góp phần thì lại làm bộ làm tịch”. Cuối cùng Trúc đành nói :
 
- Thế ông có cùng đi với chúng tôi không ?
 
- Dĩ nhiên, tôi giữ chân tài xế mà lại.
 
- Không dám ạ !
 
Trúc nói thật khẽ. Quốc Trinh chợt reo lên mừng rỡ :
 
- A, thật là may ! Ông Bình tốt quá, có thiện chí quá ! Chúng tôi cảm ơn ông nhiều lắm.
 
- Rõ là tài ký giả. Trúc nói.
 
- Thư Trúc, tuần sau mình tiến hành nhé ! Viện Mồ Côi cơ, nhé ?
 
- Ừ thì Viện Mồ Côi, có ai bảo sao đâu ?
 
Quốc Trinh không bao giờ giấu được sự hớn hở, cô vừa dọn bát hộ Trúc vừa ngân nga một điệu nhạc vui tươi cổ điển. Quốc Trinh rất cởi mở và dạn dĩ gợi chuyện với ai mới quen, nên Bình cũng trở nên hoạt bát luôn trong buổi tối hôm ấy. Họ bàn rất nhiều về đề tài ủy lạo Viện Mồ Côi. Sau khi Bình và Quốc Trinh ra về, họ đã vạch sẵn một chương trình chuẩn bị cho cuộc ủy lạo vào chủ nhật tuần sau. Tuy nhiên, Trúc vẫn dự định báo cho bà giáo sư Hiền biết để bà góp thêm ý kiến, dĩ nhiên là cũng góp thêm một “cổ phần” cho việc ủy lạo.

_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>