Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Khúc Nhạc Thanh Bình

 
Ngày xưa, bên Trung Quốc có một vị vua tên là Minh Lữ, tính rất hay nóng giận. Thường ngày, chỉ một lời nói trái ý, hoặc một cử chỉ chậm chạp vụng về cũng đủ làm cho nhà vua sếch ngược lông mày, quát mắng ầm ĩ. Mỗi lần máu nóng của vua bốc lên, triều thần đều run sợ, ngơ ngác, và gây ra nhiều hậu quả tai hại. Thường thì sự giận dữ của vua đều trút lên đầu quan tể tướng. Quan tể tướng lại trút lên đầu các quan thượng thư... Các quan thượng thư đem sự bực bội trút lên đầu thuộc hạ... Các thuộc hạ đem tức bực về nhà trút lên đầu vợ... để rồi các bà này lại đổ lên đầu các gia nhân... Rốt cuộc, bọn gia nhân chẳng còn ai dưới quyền để mà chửi mắng, thì quay ra đánh chó đập mèo...

Ấy đấy, chỉ vì sự nóng giận của một mình vua Minh Lữ mà biết bao người phải than khóc, kèm theo những thiệt hại bất ngờ: nào bút nghiên tung tóe nơi nha môn ; bát đĩa bị đập vỡ trong gia đình ; cơm gạo cháy khê dưới nhà bếp ; và chó mèo cắn lộn lẫn nhau!

Vua Minh Lữ biết được sự tai hại do cơn nóng giận của mình gây ra nên ông đến gặp một vị đạo sĩ hỏi cách làm thế nào cho mình nguôi được cơn nóng. Vị đạo sĩ ở ẩn trong một túp nhà tranh, phía ngoại ô kinh thành. Từ hoàng cung tới đó, ngồi trên kiệu, nhà vua có dịp quan sát quang cảnh hai bên vệ đường, thấy dân gian đói khổ, nhà cửa tồi tàn, hành khất lang thang cả lũ, trẻ con thì ăn mặc rách rưới và ít có đứa nào khỏe mạnh hồng hào. Vua thầm nghĩ: chốn ngoại ô này không ngờ nghèo nàn đến thế! Vậy mà lão đạo sĩ lại có thể yên vui ở đây được, kể cũng lạ thực.
 
Tới nơi, gặp vị đạo sĩ, vua liền đem ý ấy ra hỏi:
 
- Hiền khanh ở đây, quang cảnh không có gì vui, thế mà sao lại có thể ung dung thư thái được?
 
Đạo sĩ đáp:
 
- Tâu bệ hạ, thần sống thanh đạm đã quen, lòng luôn luôn hướng về điều thiện, nên tâm hồn lúc nào cũng yên vui. Hơn nữa thần lại may mắn có được con vật quí...
 
- Nó là con gì thế, khanh?
 
- Tâu, một con chim họa mi... khi nó hót thần quên hết mọi sự chung quanh và thấy hiện ra trong trí óc một cảnh xuân tươi đẹp, có cỏ cây, hoa lá, có núi đồi, có suối trong, cảnh trí thanh quang còn đẹp hơn cả vườn ngự uyển trong hoàng cung nữa...

Vua Minh Lữ vội nói:

- Ồ, trẫm ước ao được con chim quí ấy. Hiền khanh có thể nhường nó cho trẫm, giúp trẫm lấy lại được sự yên vui làm nguôi cơn nóng nảy không?

- Muôn tâu, thần vui lòng kính dâng bệ hạ.

- Nhưng còn hiền khanh thiếu con chim đó, hiền khanh có gì để vui?

- Xin bệ hạ yên lòng, thần đã quen với giọng hót của nó rồi, nên dù không nghe được tiếng hót của nó bằng tai, thần vẫn còn nghe được bằng trí nhớ!

Vua Minh Lữ vui mừng đem con họa mi về nuôi trong một căn phòng đẹp nhất hoàng cung. Mỗi buổi sáng trở dậy, khi thấy lòng bực bội không vui, hoặc khi sắp nổi cơn thịnh nộ, Vua liền vào phòng ngồi nghe chim hót. Tiếng chim thánh thót êm đềm khiến Vua thấy vui trở lại, tâm hồn nhẹ nhõm.

Từ đó trong hoàng thành không còn tiếng khóc than, đổ vỡ nữa. Mọi người đều được sống yên vui trong cảnh thuận hòa.

*

Vua Minh Lữ sau khi đã lấy lại được sự bình yên trong tâm hồn, cảm thấy sung sướng, và không muốn cho mọi người xung quanh phải chịu khổ. Vua liền hạ lệnh sửa sang lại đường sá, xây cất nhà cửa cho phong quang đẹp đẽ để dân chúng ở. Vua chăm lo cho dân có nghề nghiệp sinh sống, dựng dưỡng đường cho người bệnh tật, viện cô nhi cho trẻ mồ côi. Bấy giờ điều có thể làm cho Vua nổi giận lại chính là khi ngài gặp thấy ai buồn phiền nóng giận. Ngài muốn ai cũng được vui, nên sau khi bàn hỏi đạo sĩ, Vua đã ban bố một chiếu chỉ như sau:

"Tất cả mọi người trong vương quốc của Trẫm đều phải có một con chim họa mi biết hót, và phải nuôi nấng chăm sóc nó cho chu đáo".

Lệnh đó ban ra, các thợ săn đua nhau sục sạo vào các lùm cây bụi cỏ đặt bẫy. Họ chỉ bắt được chừng vài trăm con.

Số chim họa mi biết hót rất hiếm, không đủ cung cấp cho hàng ngàn gia đình.

Thấy vậy, vua Minh Lữ họp đình thần lại bàn hỏi, và ra thêm một sắc lệnh mới:

- "Ai trong dân chúng sáng chế ra được thứ nhạc cụ có thể tấu lên được những bản nhạc giúp cho tâm hồn thư thái sẽ được trọng thưởng!"

Hàng ngàn nhạc công, thi sĩ, cố gắng tìm tòi tập luyện, và lần lượt ứng thí trước một hội đồng do chính vua Minh Lữ làm chánh chủ khảo. Đủ các thứ nhạc cụ kỳ lạ được đem ra trình diễn. Hội đồng giám khảo nhắm mắt lắng nghe nhưng chưa có nhạc cụ nào làm họ thấy được màu xanh tươi mát của cỏ cây, giòng nước trong veo của suối chảy, màu sắc lộng lẫy của những cánh hoa. Họ cũng không cảm thấy tâm hồn thư thái, mà trái lại họ còn phải cố gắng nén những bứt rứt khó chịu...

*

Vào thời ấy có một mục đồng tên là Tiểu Quang. Hàng ngày Tiểu Quang lùa dê của chủ ra chăn ngoài bãi cỏ ở ven sông.

Vừa theo rõi đàn dê gặm cỏ, Tiểu Quang vừa ngồi nghe tiếng nước chảy róc rách dưới sông, tiếng gió rì rào len lỏi qua hàng lau sậy mọc ven bờ.

Và để tăng thêm thú vui khi ngồi rảnh, Tiểu Quang lấy một gióng trúc chế thành ống sáo, bắt chước tiếng nước chảy, rồi hòa hợp cả tiếng gió thành một bản nhạc thật du dương. Tuy vậy Tiểu Quang vẫn chưa vừa ý, mỗi ngày càng cố công luyện tập và chế biến thứ nhạc khí thô sơ của mình thêm hoàn hảo. Cuối cùng chàng ghép được tất cả 11 gióng trúc dài ngắn khác nhau và khi thổi lên phát ra được nhiều âm giai trầm bổng.


Một hôm, nhân dịp chủ sai lên kinh thành có việc, Tiểu Quang thấy tờ niêm yết của nhà vua, thầm nghĩ:

- Ta hãy thử vào xem sao?

Dĩ nhiên, Tiểu Quang có mang theo ống trúc trong đẫy hành lý. Chàng được dẫn vào trình trước hội đồng. Ban giám khảo lúc ấy đã có vẻ mệt mỏi, chán nản vì phải nghe mãi những điệu nhạc chối tai. Khi thấy Tiểu Quang bước vào, toàn ban đều thở dài, mở nửa mắt ra nhìn, rồi lại chống tay ngủ gục.

Nhưng khi nghe như có tiếng nước trong chảy róc rách, hòa lẫn với tiếng gió xao động lá cây, cùng tiếng rì rào của muôn ngàn bông lúa chín vàng, thì cả ban giám khảo đều nín thở lắng nghe.

Nghe rồi, vua Minh Lữ vui mừng bảo Tiểu Quang:

- Nhà ngươi xứng đáng được thưởng. Điệu nhạc của ngươi làm Trẫm nảy sinh nhiều tư tưởng tốt đẹp, không khác gì giọng hót của chim họa mi.

Với mười một gióng trúc ghép với nhau, thứ nhạc khí của Tiểu Quang thật dễ kiếm dễ làm, và chẳng bao lâu được phổ biến khắp dân gian. Giọng trúc trầm bổng véo von đem lại sự thảnh thơi vui thỏa trong khắp triều đại của vua Minh Lữ.

Nhưng đến nay, từ khi vua Minh Lữ qua đời, trải qua hàng bao thế kỷ, thứ nhạc trúc của Tiểu Quang cũng mai một với thời gian, chỉ còn lưu lại câu truyện cổ tích này.


XUÂN VŨ       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 2, ra ngày 25-2-1963)
 

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Thơ Xuân Gởi Chị

 

Những ngày đông lạnh lẽo đã qua. Gió bấc không còn thổi. Mưa phùn không còn rơi. Mặt trời đã ló dạng sau những ngày ẩn diện. Trần gian ngập nắng ấm, muôn sinh vật đều tươi trở lại sau những ngày đông lạnh giá.

Gió mát. Nắng ấm. Muôn hoa tươi nở khoe sắc rực rỡ. Chim hót líu lo trên cành.

Xuân đến. Xuân đã đến rồi chị nhỉ?

Chị kính mến,

Xuân này nữa là mười một năm chị em mình xa cách nhau. Mười năm xa cách đã qua! Thêm một năm nữa: mười một năm ly biệt! Còn biết bao xuân chia lìa đau đớn nữa, hả chị? Có lẽ còn dài, phải không chị?

Hồi tưởng lại ngày này mười một năm về trước, ngày em bước chân rời mảnh đất sinh trưởng, ngày đầu của cuộc chia ly đau đớn và lâu dài!

Chị ạ! Lời chị dặn em lúc sắp lên tàu, những tiếng nói dịu dàng sau cùng của chị, em vẫn nhớ luôn luôn. Và giờ phút này, khi em viết lá thơ này gởi chị, những lời căn dặn kia lại văng vẳng bên tai em, giọng chị êm đềm nhưng đầy nước mắt:

- Cha mẹ vì già yếu, chị vì chồng con, nên không thể ra đi được. Cả nhà chỉ có em là trai lớn. Em phải ra đi. Ra đi để tránh nạn. Ra đi để góp phần cứu vớt quê hương...

Chị khóc nức nở. Nước mắt chị rơi xuống vai áo em, thấm vào da thịt em, âm ấm. Đôi vai chị rung lên theo từng tiếng nấc nghẹn ngào, đau khổ! Một lúc sau, chị lau nước mắt, nhìn em:

- Em ra đi, gia đình rất đau khổ. Một thân một mình nơi đất lạ biết nương tựa nơi ai! Nhưng em ạ, em phải can đảm. Quê hương chờ bàn tay giải phóng của em...

Chị lại khóc! Chị còn muốn nói, muốn nói rất nhiều, nhưng nỗi đau đớn của cuộc ly biệt đã ngăn mất tiếng nói của chị. Em đau đớn nhìn chị, muốn nói mà không được. Em chỉ biết khóc.

Hôm ấy là hai mươi chín tết.

Trời mưa phùn lả tả. Đường phố thưa người. Gió lạnh cắt ruột cứ từng cơn đưa đến. Buồn! Buồn ảo não!

Mưa phùn, gió bấc càng làm cho lúc biệt ly thêm đau đớn, tái tê! Chị nhìn em một lúc lâu, như để thu hết hình ảnh của em vào trong ký ức. Mắt chị, đôi mắt bồ câu đen lánh, vẫn long lanh giọt lệ. Lát sau chị cho em 50$ và nói:

- Tết nhất đến rồi. Chị phát vốn cho em đấy. Chị chúc em năm mới vui, khỏe.

Em cảm động quá, tay run run cầm tiền, miệng lắp bắp:

- Em cám ơn chị. Em kính chúc cha mẹ, chị ở lại mạnh giỏi. Chúc các cháu mau lớn, ngoan ngoãn.

Mưa vẫn rơi. Gió rét vẫn thổi.

Thế rồi, giờ chia ly tới. Khi con tàu rú lên hồi còi thê thảm, như tiếng thét đau đớn của kẻ ra đi, chị gục đầu xuống khóc nức nở. Qua cửa tàu và qua làn mưa phùn giá lạnh, em giơ tay vẫy vĩnh biệt chị. Chị không vẫy lại. Chị ngước mắt lên nhìn em, miệng mấp máy. Em không nghe rõ tiếng chị, nhưng em đoán được những lời đó:

- Hãy cố gắng lên em nhé. Chị cầu nguyện cho em luôn. Vĩnh biệt em!

Mưa vẫn rơi rả rích. Gió lạnh vẫn từng cơn đưa đến. Mưa phùn, gió bấc càng làm cho lòng em thêm tê tái, đau xót. Em, mắt nhòa lệ, miệng lẩm bẩm:

- Vĩnh biệt cha mẹ, vĩnh biệt chị và quê hương yêu dấu.

Em thò đầu qua cửa tàu, nhìn chị, nhìn lại người chị hiền, duyên dáng, nhìn lại lần cuối cùng mảnh đất thân yêu. Nhìn mãi cho tới khi những hạt mưa phùn che khuất và con tàu đưa em càng lúc càng xa chị, xa quê hương thân mến.

Thời gian đi... đi mãi...

Xuân đến... Xuân đi...

Hai mươi tám tết năm ngoái, chị gởi thiếp vào báo tin cha mẹ đã từ trần. Chị không nói rõ lý do, nhưng em đã hiểu và hiểu rất nhiều.

Chị kính mến,

Xuân về nhắc em nhớ lại dĩ vãng, nhớ lại những ngày còn ở bên cha mẹ, bên chị. Em nhớ rõ lắm.

Em còn nhớ những đêm 30, chị em mình ngồi canh nồi bánh chưng. Ôi! Ấm cúng làm sao chị nhỉ! Những đêm tối và rét như thế, chị hay kể chuyện ma để nhát em lắm. Chị còn nhớ không? Có lần em khóc thét lên vì sợ và vội vàng sà vào lòng chị, mong chị che chở. Chị thích chí cười sung sướng. Chị còn trêu:

- Gớm, em trai chị nhát quá! Lớn lên đi lính làm sao?

Em phụng phịu, mặt chảy ra, mắt ươn ướt. Thấy thế chị vội nói chữa:

- Chị nói đùa đấy. Em trai của chị can đảm lắm chứ. Để chị xem cái bánh của bé Tuyền chín chưa, chị vớt ra cho.

Em tươi ngay nét mặt. Chị lại trêu:

- Tham ăn thế?

Em tức quá, cấu chị mấy cái. Chị xuýt xoa:

- Thôi đau chị. Chị không cho ăn bánh bây giờ.

Em thôi cấu, nhìn chị dịu dàng vớt bánh. Lửa hồng soi rõ khuôn mặt trái xoan xinh xắn, đỏ hây hây vì lửa. Mái tóc đen nhánh, buộc một dải băng tím ngang đầu, trông gọn gàng, duyên dáng làm sao! Lửa cháy. Than nổ tí tách. Bóng của chị em mình rung rinh trên vách.

Trong khi đó, bên ngoài, gió bấc rít qua mái lá. Đem 30 tối như mực. Những con đom đóm lập lòe như những bóng ma trơi. Đêm càng khuya càng yên lặng. Thỉnh thoảng từ xa đưa lại tiếng chó sủa đêm. Tịch mịch.

Gio thừa đến. Tiếng pháo nổ ran khắp nơi. Chuông giáo đường vang lên rộn rã. Mọi người tề chỉnh trong những bộ quần áo mới, tấp nập đi dự Thánh lễ đầu năm.

Em và chị cũng vui vẻ dắt tay nhau đi dự lễ. Em xúng xính trong bộ quần áo mới. Chân đi dôi giày mới mà chị mua cho.

Chị duyên dáng trong chiếc áo dài cổ ngắn. Đôi má điểm chút son đỏ phơn phớt. Mái tóc vẫn cố hữu với cái dải băng tím. Trông chị thật duyên dáng. Nụ cười của chị mới hóm hình biết bao!

Sáng mùng một chị còn lì xì cho em nữa chứ. Chị còn nhớ lời chị chúc cho em?

- Chị chúc bé Tuyền ăn khỏe này, mau lớn này và... và... thôi bú mẹ này.

Cả nhà cười vang. Em xấu hổ quá. Mặt sị xuống:

- Em chả thèm đâu.

Mẹ bảo em:

- Con chúc chị thế này này: em kính chúc chị năm nay lấy chồng đẹp trai, học giỏi...

Em khoái quá, cười ầm ĩ. Chị đỏ mặt vì thẹn, chạy vào trong buồng, sau khi nói một câu chữa thẹn:

- Mẹ... mẹ kỳ quá.

Chị kính yêu!

Những ngày ấy nay còn đâu nữa. Mười năm đã qua và năm nay nữa, mỗi tết, em ngồi ôn lại chuyện cũ, thấy nhớ thương chị quá. Không biết bây giờ chị của em còn hồn nhiên, duyên dáng như xưa?

Những đêm cuối năm, em nằm nơi gác trọ, nghĩ đến bếp bánh chưng, nhớ đến cái bánh nhỏ của em, nhớ đến những "con ma" của chị.

Cứ mỗi mùng một tết, ngắm những đứa trẻ bên cạnh sung sướng nắm tay chị đi mừng tuổi, em lại nhớ đến những ngày đầu năm nơi quê nhà.

Giờ đây, em đâu còn được nắm bàn tay thon nhỏ của chị. Em đâu còn được nghe giọng nói dịu ngọt từ cửa miệng xinh xắn của chị. Em đâu còn được chị xoa đầu nựng nịu, được đi giày mới của chị mua cho. Tất cả đã qua. Có bao giờ trở lại?

Chị kính yêu!

Tết này anh chị ăn tết vui vẻ (!) chứ? Chị có nấu bánh chưng như khi em còn ở nhà không, hả chị? Bây giờ chị chẳng dọa được em nữa đâu. Bé Tuyền của chị lớn lắm rồi chị ạ, chẳng sợ ma bắt nữa. Vả lại em ở xa chị quá, làm sao mà dọa được, chị nhỉ? Chị có gói để dành cho em một cái bánh nho nhỏ, xinh xinh như mọi năm không? Chị cứ gói để dành cho em nhé. Thế nào cũng có ngày Tuyền về ăn bánh chị gói cho Tuyền đấy. Tuyền thèm bánh chị gói lắm cơ!

Chị kính yêu!

Đầu xuân, em kính chúc anh chị và gia đình một năm đầy đủ. Chúc các cháu ngoan ngoãn, vui chơi.

Chị nhớ cầu nguyện cho em Tuyền của chị luôn nhé!
 

Kính chào nhớ thương     
Em của chị              
Kiều-Thanh-Tuyền      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 26, ra ngày 25-2-1965)

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Chiếc Áo Mùa Xuân

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mùa Xuân đến không tiền may áo mới
Mẹ nghẹn ngào nhẹ vuốt tóc con thơ
Ngoài song cửa mai vàng đang nở rộ
Mà trong ni nhà lạnh vắng như tờ.

Con nũng nịu "mua đồ con nhá mẹ
Tụi con Hường, con Thúy cứ làm kiêu
Me cứ hẹn... hẹn hoài, me đến tệ
Chẳng thèm thương me nữa, ghét me nhiều!"

Mắt rưng buồn xoa đầu con mẹ bảo:
"Nhà mình nghèo ba chết trận từ lâu
Đồ năm ngoái còn mặc vừa đấy chứ
Ngoan nha con!"... Nghe thương mẹ thật nhiều...

Và mùng một mặc vào manh áo cũ
Con cười tươi - áo vá mẹ vừa khâu
Nhìn con chạy tung tăng đùa cùng bạn
Niềm vui dâng xanh mắt mẹ một mầu.

Xuân năm nay con tròn mười lăm tuổi
Mười lăm năm bạc mái tóc mẹ già
Con nhớ hoài manh áo ngày xưa cũ
Trong lòng con vừa nở mấy bông hoa.

                                 NGUYỄN THỊ THÚY LIỄU

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 172, ra ngày 1-3-1972)

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Món Quà Đầu Năm

 
Mưa lất phất bay. Trời rét... Vài tràng pháo nổ rời rạc đó đây như cố phá tan cái lạnh lẽo của buổi sáng đầu năm.

Chi choàng thức dậy. Năm mới rồi đây! Cẩn thận! Tốt hay xấu bắt đầu từ buổi sáng này! Những ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí óc rất nhanh và có sức mạnh đốt nóng cơ thể. Chi vội nhảy xuống giường, đến lấy chiếc áo dài mà cô Chi vừa mới may cho. Từ tối qua, Chi đã định rằng sáng nay mặc áo "mở hàng". Chi ngắm chiếc áo một hồi và long trọng mặc áo vào.

- À khai bút đầu năm cái đã.

Chi vội đến bàn, giở ngay mấy bài tập toán thầy ra để làm trong dịp Tết rồi căm cụi suy nghĩ. Chi muốn làm một việc đặc biệt, khai bút bằng cách giải một bài toán hình học. Trong lớp Đệ Ngũ, Chi chưa phải là xuất sắc nhất về môn hình, nhưng riêng trong đám nữ sinh thì Chi là "number one".

Chi làm xong trọn vẹn cả hai bài và cẩn thận chép vào tập. Chi cảm thấy vui, hơn cả cái vui áo mới, vái vui nghỉ Tết, thành ra chần chứ muốn làm thêm vài bài nữa nếu không có Hương, em Chi, vào gọi ra ăn sáng.

Bên ngoài trời lấm tấm mưa, không khí lạnh lẽo như những ngày giữa đông. Phải chăng cái Tết chỉ còn trong ý tưởng của con người mà thôi? Khi sang phòng khách, Chi bỗng thấy một thay đổi lớn. Phòng khách như sáng lên rực rỡ. Chiếc khăn bàn mới, bình hoa huệ trắng, khay bánh mứt và hạt dưa đỏ mà cô Chi dọn sẵn, hai chậu cúc vàng trước thềm.

Hương tỏ vẻ thích thú lắm. Nó bận xong bộ đồ mới, khoe với Chi mấy tờ bạc, rồi chạy đến mở to máy thu thanh đang ca bài Mừng Xuân. Nó vui đến no thành không thiết ăn uống gì cả. Ăn sáng xong, cô Chi đi lễ chùa. Chi phụ trách việc giữ nhà.

Bây giờ ngoài đường đã đông người qua lại. Quang cảnh trông kém tấp nập bằng những ngày trước nhưng có vẻ tươi sáng hơn. Bọn trẻ chạy tung tăng theo sau cha mẹ trong những bộ quần áo mới rực rỡ. Những cô gái trạc tuổi Chi cũng lộ vẻ duyên dáng trong chiếc áo dài màu phết gót, ngây thơ dưới chiếc nón bài thơ trắng ngà, dắt tay bọn trẻ em nhỏ đang muốn vùng ra để được chạy tự do hơn. Gia đình này rồi gia đình khác, người ta dẫn nhau về nội, về ngoại họp mặt trong những gia đình rộng rãi, ấm cúng hơn.

Tự nhiên Chi lại nhớ đến hoàn cảnh mình. Gia đình chi ngày trước cũng khá êm ấm. Cha Chi làm dược sĩ mở tiệm thuốc ở Hà Nội. Bỗng một hôm, ông bị Tây bắt, tra tấn năm bảy lượt. Đến khi được trả về thì ông lâm bệnh ho lao rồi mất. Ngày đau buồn ấy qua chín năm rồi. Hồi ấy, Chi còn nhỏ, nên bây giờ chỉ nhớ lại lờ mờ trong một giấc mơ tê tái. Rồi ba năm sau, anh em Chi lại bị một cái tang đau đớn nữa: Mẹ Chi mất vì bị máy bay bắn. Chi không làm sao quên được cái hôm ấy. Bốn chiếc máy bay tàn ác lổng lộn rú lên, bắn từng tràng liên thanh khủng khiếp như tiếng khạc lửa của hung thần. Rồi thì mẹ Chi gục ngã, máu thấm ướt đỏ vạt áo trước ngực. Chi thấy mặt mẹ tái xanh, hàm răng cắn chặt, đôi mắt đen láy trợn trừng lên như uất ức phải lìa bỏ đàn con thơ dại. Đưa đến nhà thương thì mẹ Chi tắt thở. Đám tang mẹ Chi cũng đưa trong một ngày mưa lất phất và lạnh như hôm nay. Mưa và nước mắt lăn dài...

Có cái gì nong nóng lăn xuống má. Chi vội đưa tay lên chùi, thì ra Chi đã khóc. Đến bây giờ, 2 cái tang đau đớn ấy không làm Chi nức nở thành tiếng như những năm về trước, nhưng bên trong lòng, Chi thấy đau hơn. Cũng như một hôm nào, thầy ra đề luận: "HÃY THUẬT LẠI MỘT CHUYỆN MÀ EM ĐÃ LÀM MẸ EM ĐAU LÒNG" Trời ơi! Chi đã ngồi im lặng nửa giờ mà không viết được hàng nào và thấy các chữ của đề bài nhòa đi, nhòa đi... Ngay chị bạn ngồi cạnh cũng chẳng hay biết chút nào.
 
Rồi từ sau ngày di cư, anh em Chi được những người bạn quen của ba xưa giới thiệu vào viện Bảo Anh. Anh Chi và các em xin đi học thêm văn hóa, còn Chi thì đi học may. Chi muốn sớm có một nghề để giúp đỡ anh em. Đời và chiến tranh tàn bạo đã biến cô bé mười lăm tuổi thành một người thực tiễn. Trong 2 năm ở viện Bảo Anh, anh em Chi đều vào gia đình Hướng Đạo và rất chăm lo rèn tập. Sáng chủ nhật nào, Chi cũng đi họp và chi đã trở nên một hướng đạo sinh gương mẫu. Ai có biết đâu một cô bé mồ côi đã tìm thấy ở gia đình Hướng Đạo cái thân ái tin yêu của gia đình mình. Chi xem các anh, chị huynh trưởng như chú, như cô để vơi nhẹ nỗi đau khổ cảnh côi cút của mình.

Trong những ngày sinh hoạt hướng đạo, Chi được quen biết với cô đoàn trưởng - Cô lại là một giáo sư, tận tụy với nghề lâu năm - Tuổi cô cùng tuổi với mẹ Chi và hiện cô cũng sống đơn thân trong một căn phòng trong trường - Luống tuổi cô không còn nghĩ đến đường chồng con, và nguyện lấy trường học và gia đình hướng đạo để làm gia đình mình - Ban đầu, cô dạy Chi về cách nấu nướng, học gút v.v... rồi dần dà cô tìm hiểu gia cảnh của Chi - Trong một buổi tối, tại nhà cô, Chi đã thuật lại cuộc đời đau buồn của mình - Đêm ấy, Chi đã khóc nức nở như một đứa bé con trên vai cô. Và cô cũng mủi lòng.

Rồi hôm sau, người ta thấy hai chị em Chi dọn đến ở với cô - Một gia đình mới được xây dựng trong sự êm ấm, thương yêu nhau như bao gia đình khác...

Dòng ký ức trên lần diễn ra trong trí Chi. Bỗng có tiếng guốc của em Hương đi vào. Chi gọi nó lại gần, sửa lại cổ áo len nó cho ngay ngắn, lật từng trang báo Tuổi Hoa số Xuân để 2 chị em cùng xem. Hương ngạc nhiên vì thường ngày Chi ít nựng nó như thế. Một lát, Hương xin phép đi ra chơi với mấy đứa bạn hàng xóm. 

Tiếng pháo nổ đì đạch xa gần...

Đã gần chín giờ rồi. Chi bỗng nhớ đến bức tranh vải đang thêu dở. Nếu không phải làm kín đáo sau giờ học khuya thì có lẽ Chi đã hoàn thành rồi. Bây giờ hẳn là lúc nên tiếp tục. Chi đóng cửa phòng khách rồi vào bàn học, chăm chú làm việc. Những đường chỉ xanh hồng chạy trên tấm vải popeline trắng theo từng nét bút chì vạch sẵn.

Còn một nét vẽ cuối cùng. Chi thấy tay mình run run và mũi kim cứ đâm chệch ra ngoài, nôn nao mãi, lâu lắm mới xong. Chi đặt bức tranh thêu vào lồng gương rồi treo lên tường. Sau tấm gương trong suốt, bức thêu càng tăng thêm vẻ đẹp. Chi say sưa ngắm nhìn bức tranh. Đây là ảnh một thiếu phụ đầu chít khăn vuông vải, áo thô cứng còn nét gãy đang quỳ trước một lò hương cầu nguyện. Mặt cô bé quỳ cạnh nhìn xuống, trầm tư, thoang thoáng nét buồn. Bên trong đôi mắt hột nhãn đen láy có những lời nguyện cầu tỏa rộng ở góc ảnh, bên ngoài gương có dán một mảnh giấy trắng che lấy một giòng chữ. Bí mật. Lát nữa Chi sẽ đọc trước ai những giòng chữ ấy?

Đã gần trưa, trời bớt lạnh...

Cô đã đi lễ chùa về. Vào đến cổng, nom thấy Hương đang chơi với mấy đứa bé láng giềng, cô dừng lại. Bọn trẻ thường ngày thương mến và xem cô như cô ruột chúng, vội chạy đến vây quanh. Chúng reo lên:

- Chào cô năm mới.

Cô xoa đầu từng đứa một, âu yếm cười với chúng. Cô mời tất cả:

- Nào các em vào nhà cô chơi với cô đi!

Rồi cô dắt tay Hương đi vào, bọn trẻ vui vẻ theo sau. Chi đứng trong nhà nhìn ra. Cái hình ảnh cô cúi xuống để nắm tay Hương, giây lại giây ngoảnh ra sau nom chừng bọn trẻ, Chi tưởng chừng như thấy nhiều lần rồi. Ngày xưa mẹ Chi còn sống, mẹ đã chẳng dắt Chi như vậy sao. Một người mẹ. Phải một người mẹ dắt một đàn con đi vào nhà. Người mẹ ấy đã thương các anh em Chi như chính mẹ đẻ ra. Không có gì khác biệt. Máu huyết đâu phải là yếu tố duy nhất cho người ta yêu thương nhau!

Cô đã vào nhà. Cô dọn, bày bánh mứt ra và tha hồ cho bọn trẻ đánh chén. Một lát sau, đàn khách tý hon ra về...

Chi đứng trong phòng học, đợi từ nãy, lòng nao nức lạ. Chi rón rén bước đến bên cô, tấm ảnh thêu giấu mặt về phía mình. Nhìn thấy vẻ bối rối của Chi cô hỏi:

- Con có gì mà kín đáo thế? Cho cô xem nào!

Chi ấp úng một lát:

- Thưa... Đây là món quà đầu năm của con. Con xin kính tặng...

Giọng Chi nghẹn lại, Chi không nói được tiếng cuối cùng. Chi cúi mặt xuống bàn, im lặng bên cô. Cô đỡ lấy tấm ảnh thêu, gỡ mảnh giấy trắng và chậm rãi đọc giòng chữ:

"KÍNH TẶNG MẸ"

Kính tặng mẹ! Cô đã hiểu qua giòng chữ ấy, Chi muốn nói gì. Lòng cô sung sướng lạ. Tay cô vuốt ve đầu tóc Chi trong lúc Chi có cảm giác như mình đang được vuốt ve bởi chính bàn tay của mẹ mình ngày xưa.


Trung sĩ Hạnh       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)
 

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Tết Thày



 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cặp dưa đo đỏ
Chiếc bánh chưng xanh
Đón đò nước lớn
Thủy triều lên nhanh

Dòng sông ngầu đục
Cuộn đỏ phù sa
Lục bình tim tím
Bao đò lại qua

Gió xuân lồng lộng 
Nắng xuân hồng tươi 
Sông dài biển rộng
Tít tắp chân trời

Đò ngang cập bến
Nhà thày xa xa
Mái tranh vách đất
Bóng dừa thướt tha 

Ríu rít chim non
Tuổi lớn chưa tròn
Nhưng tình thơm thảo
Động tấm lòng son

Mai sau thành tài
Rạng rỡ tương lai 
Công thày ghi nhớ
Từ ngày hôm nay...

                           Thơ Thơ 
                   (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

Những Chuyện Lạ Về Con Mèo

 
CON VẬT MA QUÁI
 
Theo các tài liệu Tây phương, Mèo là con vật ít may mắn nhất. Có nơi dân chúng không ưa mèo, nhất là thứ mèo đen tuyền lại càng bị ghét bỏ hơn. Đối với những người tin về Tà giáo ngay cả những người không tin tưởng cũng vậy, con mèo vẫn là một con vật mang đến toàn là những sự rủi ro, đen tối. Những tài liệu cổ xưa đã nói thẳng ra điều đó. Ngoài ra các tài liệu này còn chia loài vật ra thành ba nhóm. Một nhóm gồm các con vật của ma quỷ như "mèo", cú mèo, chó sói, rắn và dơi. Nhóm hai gồm các sinh vật thuộc quyền của Thượng Đế như chim sơn tước, chìa vôi, thạch sùng, cừu, chó. Còn những con vật khác thì có thể là của ma quỷ, có thể là do Thượng Đế. Người ta còn cho rằng ở đuôi các con mèo đều có một sợi tóc của ma quỷ. Tục truyền rằng các tay phù thủy rất thích mèo. Họ cưỡi lên lưng mèo để đi hội họp với nhau hoặc đi rong chơi chốn thanh vắng.

Tại miền Alsace (ranh giới Pháp, Đức) vào cuối thế kỷ 19, một người dân quê đi trong rừng bị ba con mèo rừng tấn công. Trước sự hung hăng của ba con mèo rừng to lớn, người dân quê đã dùng gậy cầm sẵn trong tay, chống cự lại rất mãnh liệt đả thương được cả ba con, khiến chúng phải bỏ chạy.

Đến hôm sau, có ba cụ già là những nhân vật rất được kính trọng tại địa phương, bỗng nhiên bị đau liệt giường vì trên thân mình bị những vết gậy do người ta đánh đập. Nhà chức trách đem so lời báo cáo của người dân quê với những vết gậy trên người bà cụ nọ, rồi bắt người dân quê bỏ tù... (!?).

 
THIÊU MÈO ĐỂ TRỪ TÀ

Vào hồi thế kỷ 16, tại thành phố Metz (Pháp), dân chúng mắc bệnh cúm, đau co quắp cả người lại. Có một người bộ hành trọ tại một khách sạn nọ tuyên bố là có một con mèo đen đã chạy ngang qua phòng ngủ của ông ta, vừa chạy vừa kêu những tiếng "meo, meo" ghê rợn, đượm vẻ bất kính đối với đấng Thượng Đế. Sau đó ông ta bị đau ngay.

Thế là người ta liền đổ tại những con mèo đen đã gieo rắc bệnh hoạn cho dân thành phố này. Một phiên tòa rất trịnh trọng được thành lập. Các quan tòa chỉ định phải bắt 13 con mèo đen đem thiêu. Bàn án được thi hành tức khắc. Không rõ phải sự ngẫu nhiên hay không, vì sau khi thiêu đủ 13 con mèo đen được vài ngày thì dịch cúm cũng hết. Thế là dân thành phố Metz  tin tưởng chính loài mèo đã gieo rắc bệnh, và cho đây là phép lạ. Và cũng bắt đầu từ ngày đó trở đi cho đến 2 trăm năm sau (từ thế kỷ 16 đến hết thế kỷ 17) cứ vào ngày 23 tháng 6 (ngày lễ thánh Jean) dân chúng thành phố Metz làm lễ thiêu 13 con mèo đen để trừ tà, trừ bệnh. Mãi đến đầu thế kỷ 18, họ mới bỏ cái lệ thiêu mèo đen này.


THỜ PHƯỢNG VÀ ĐỂ TANG CON MÈO

Thuở xưa bên Trung Quốc có một sắc dân theo Bái Hỏa giáo (thờ thần lửa) và họ thành lập một môn phái thờ mèo làm chúa (Miêu quỷ cổ). Người nữ chưởng môn lấy tên Miêu quỷ Tỳ. Môn phái này tồn tại được mấy trăm năm và đến sau này thì bị cấm hẳn trên đất Trung quốc vì đã dính dáng vào vụ lật đổ ngai vàng của một triều đại.

Tại Ai Cập, thời xưa Mèo cũng được thờ phượng như một vị thần linh vậy. Cho đến ngày nay, tại Ai Cập, trong một gia đình, nếu có con mèo chết, thì người trong gia đình đó để tang bằng cách cạo lông mày. Ngoài những câu tục ngữ ca tụng loài mèo, người dân Ai Cập còn cho rằng mèo là loài vật mang sự may mắn đến cho người nhiều hơn là các loài vật khác.


MÈO BÁO TRƯỚC NHIỀU ĐIỀM HAY...

Từ thời cận đại cho tới nay, dân chúng Tây phương không còn chê bai, ruồng rẫy loài mèo nữa.

Việt Nam ta, các cụ thường nói: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu".

Trái lại, tại hạt Provence (Pháp), khi một con mèo đen nào ở đâu đến nhà, tức là nhà đó sẽ được may mắn. Còn ở hạt Bretagne, một nơi có nhiều làng chài ven biển, nếu trong nhà những người đó có nuôi mèo và khi trời nổi giông bão mà con mèo bỏ nhà ấy ra đi tức thì họ tin trong nhà sẽ có người bị nạn hoặc đắm tàu hay chìm ghe thuyền.

Nhà nào nuôi mèo mà thấy nó rửa mặt ba lần liền tức là sẽ có khách lạ tới thăm trong ngày. Và nếu nó nhìn chăm chú về phía nào, tức là khách từ phía ấy đi tới (?)

Như các bạn cũng biết, bên ta hễ mèo rửa mặt trong khi trời đang nắng gắt "y chang" là trời sẽ mưa ngay đó. Nhưng theo dõi cho kỹ có khi trời mưa, có khi không, chớ không phải lúc nào cũng mưa.

Còn theo các cụ xưa nói: "Mèo đẻ mà tự nhiên tha "nhau" cho mình tức mình sẽ ăn nên làm ra."

Điều này có người được "nhau" mèo cho (không phải mình rình để lấy, vả lại khi mèo đẻ không muốn cho nhau, nó sẽ ăn ngay không để lại vết tích gì) xác nhận là đúng. Họ gặp may mắn rất nhiều trên đường công danh, sự nghiệp, làm ăn hay cả về cờ bạc...

Tại nhiều vùng bên Pháp, có người cho là khi ra đường "chẳng may" gặp con mèo đen phải mau quay về đợi lúc khác sẽ đi, hoặc nếu có vội thì nên đi giật lùi bảy bước rồi hãy tiếp tục đi.

Sau cùng mời các bạn đọc tiếp một chuyện về mèo ở bên nước Anh, và mới toanh chứ không xưa nữa.


CON MÈO ĐẶC BIỆT

Trong mục "Anh và Tôi" của đài phát thanh BBC (Luân Đôn) trong chương trình phát thanh vào chiều thứ hai 29-4-74 có kể chuyện con mèo của ông chủ hãng "thức ăn đóng hộp của mèo" ở Luân Đôn.

Con mèo này bị thất lạc. Sau khi trình báo với nhà chức trách, ông chủ hãng treo một giải thưởng 200 bảng Anh cho ai tìm ra nó. Ngoài ra, sở Cảnh Sát Luân Đôn cũng phái một viên Thanh tra và hai phụ tá đặc trách về việc tìm kiếm con mèo này. Anh Quốc là một nước quý chó mèo vào bậc nhất và có rất nhiều hội bảo trợ súc vật. Tầm hoạt động này rất quan trọng. Giải thưởng 300 bảng Anh (gần 100 ngàn bạc V.N. lúc này) ở nước Anh để tìm cho ra một con mèo cũng không làm cho ai phải ngạc nhiên. Nhưng điều làm cho người ta phải ngạc nhiên lẫn thích thú là theo lời ông chủ hãng "thức ăn đóng hộp của mèo", con mèo của ông ta khác hẳn với đồng loại của nó ở chỗ nó biết dùng hai chân trước để bốc thức ăn lên đưa vào miệng chứ không gục đầu xuống đĩa ăn như các con mèo khác.


THÁI LYNH LĂNG      
(Sưu tầm)               

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Quê Nhà Đầu Năm

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Có bầy chim trắng bay trong giấc mộng
Về hót đầu giường bé lúc sớm mai
Có đôi mắt bé mở ra ngơ ngác
Sương đã tan trên mấy nếp nhà phai

Dậy đi bé ra sân ngoài rửa mặt
Ngoan như bầy gà tíu tít đòi ăn
Con bò ngu ngơ nằm trên cỏ dại
Mắt ngước nhìn trời không chút bâng khuâng

Có gió lùa trong vườn cây ăn trái
Giọt sương long lanh nhỏ xuống đôi vai
Bé có lắng nghe trên bờ mái ngói
Chim bồ câu gù rỉa cánh sớm mai

Năm mới sẽ về trên hàng lá biếc
Con đường vào thôn lóng lánh nắng vàng
Bé có nghe không lời chim tha thiết
Một mùa xuân xanh trên những đồi nương

                                                     THÔNG XANH
                                                  trên ngai vàng quê nhà

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)
 

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Meo... Meo... Chú Là Ai?

 
"Mèo là loài có vú, thuộc giống ăn thịt sống, mình dài, uyển chuyển, tai rất thính để nghe tiếng động, mắt sáng mũi thính. Bộ răng mèo nhọn và sắc để xé và nhai thịt. Chân mèo có bộ vuốt rất bén có thể giương ra hoặc cụp lại lúc săn mồi..."

Thưa, đó là chú mèo. Năm Dần nói chuyện Cọp và năm Sửu nói chuyện con Trâu v.v... thì năm Mão không thể không lai rai vài sợi về chú Mèo, và người viết xin mượn mấy dòng trong sách Khoa Học lớp Bốn ở trên mở đầu cho chuyện Mèo năm Mão.

Mèo cùng họ với Hổ, Báo, Mèo rừng và Báo cao cẳng. Tên khoa học của Mèo là Felis Domestica, tiếng Pháp là Chat (do chữ La tinh Cattus), tiếng Ý Đại Lợi viết là Catto, tiếng Mỹ tiếng Anh là Cat, Trung Hoa gọi là Miêu và Việt Nam ta ai cũng biết kêu nó là con Mèo.

Về lai lịch, các nhà khảo cổ cho rằng giống Mèo được người Ai Cập nuôi lần đầu tiên cách đây lối trên 5260 năm rồi, người ta đã tìm thấy nhiều xác ướp của Mèo trong các mồ mả của người Ai Cập khoảng đầu thế kỷ này, người ta còn khám phá ra được một nghĩa địa mèo tại Ai Cập với 300 ngàn nấm mộ mèo, tất cả đều được ướp xác thơm lừng! Truyền thuyết Ai Cập cũng kể lại rằng mèo được dân tộc này rất quí mến, rồi lại ghét bỏ, rồi lại quí chuộng, qua nhiều thời đại và triều đại khác nhau. Có thời, khi một con mèo nuôi trong nhà chết đi, các gia nhân trong nhà phải để tang nó bằng cách cạo sạch hết lông mày. Thoạt tiên người ta bắt mèo rừng về nuôi và dần dần người ta luyện được những con mèo nhà thuần thục mà chúng ta có ngày nay. Chẳng hạn như giống mèo rừng Felis Lybica trong sa mạc Lybie ; giống mèo rừng Manu ở Mông Cổ ; giống mèo dại ở Châu Phi, đã dần dà trở thành những giống mèo nhà với tên Felis Domestica, mào Tàu, mèo tai lông xù v.v... Ngày nay trên thế giới có 7 giống mèo để nuôi trong nhà:

Mèo Angora : Gốc Y-pha-nho, lông dài và nhiều màu, nhưng mèo đực chỉ có 2 màu lông (nhị thể) và con cái lại có 3 màu tức tam thể.

Mèo Chartreux : Màu lông xám đen.

Mèo Mã Lai : Có cái đuôi xù ra và gãy cụp, như thể có ai nghịch ngợm thắt nút lại.

Mèo Cambie : Ở Châu Phi có bộ lông... đen tuyền.

Mèo Cáp : Ở Nam Châu Phi, màu lông đỏ hoặc xanh da trời.

Mèo Trụi : Mình trần, không có lông. Đây là "sản phẩm" mới gây được của các nhà khoa học, hay bị cảm lạnh và trông thiếu thẩm mỹ!

Mèo Tàu : Lông vàng có vằn vện đen mà tại Việt Nam ta có rất nhiều. Đây chính là thứ ta quen gọi Mướp, săn chuột rất giỏi.

Những giống mèo nhà kể trên có thể được nuôi để làm cảnh hoặc để bắt chuột. Nhưng nghề của chàng, và nàng, từ nhỏ, vẫn là nghề bắt chuột. Tính trung bình có con mèo trong một ngày có thể bắt được 17 con chuột (nếu có đủ chuột cho chúng bắt).

Mỗi năm mèo cái đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 2 đến 5 con. Tuổi thọ trung bình của chúng là 8 - 10 năm, nhưng nếu điều kiện sống đầy đủ, nghĩa là không bị thắt lưng buộc bụng từng chập, hoặc không bị những cái gọi là vận hội mới vận hội cũ quấy rầy thì mèo có thể sống được tới 27 năm như có trường hợp đã ghi nhận. Nhưng khi về già mèo càng trở nên cô độc, thích nơi hẻo lánh và tính nết trở nên khó chịu, dữ tợn ; lúc đó, người ta bảo "mèo già hóa cáo", nó muốn "về nguồn" tức trở lại rừng. Mèo là con vật duy nhất có thể thích nghi trở lại với đời sống rừng xanh sau khi đã quen với  nếp sống văn minh thành thị.

Thịt mèo ăn được, rất ngon là đàng khác. Thịt nó trắng và mềm như thịt gà. Người Tàu có món thịt mèo nấu lẩu (cù lao) cùng với thịt rắn, ăn rất bổ (?).

Ông Tô Đông Pha (thi sĩ đời Tống) tức Tô Thức, tự là Tử Chiêm, tuổi Mão, nên được gọi là Mão Quân. Lúc nhỏ, nhà nghèo, đi học ông thường đem theo gừng trong túi phòng khi đau ốm mà dùng, nhưng vì trong phòng học không có gì để gậm nhấm nên mấy chú chuột vào lục lạo ăn hết gừng của Mão Quân. Quả là mấy chú Tí to gan!

Thi sĩ Bạch Cư Dị, tự Lạc Thiên, Tiến sĩ đời Đường làm quan tới chức Tả Thập Di bị đầy ra làm Tư Mã đất Giang Châu, thường hay uống rượu về buổi sáng sớm nên có thơ rằng: "Vị như mão hậu tửu, thần tốc công lực bồi" (chẳng gì bằng "nhậu" sau giờ mão, sức lực tinh thần được bồi đắp lẹ làng).

Mão là gì? 

Theo các sách lý số của Trung Hoa, Mão thuộc về 12 cung, và được gọi là Con Thỏ.

Sách "Luận hành vật thế" của Trung Hoa nói rằng Mão tức là Thỏ.

Mão cũng ở trong 12 chi, đứng ở ngôi thứ tư, trước Thìn và sau Dần.

Sao Thái Tuế ở Cung Mão gọi là Đan Khuyết.

Từ 5 đến 7 giờ sáng gọi là giờ Mão.

Đời Thanh, người ta phân kỳ hạn để góp tiền lương gọi là Tỷ Mão.

Người ta cũng phân thời hạn để tâu báo công việc gọi là Kỳ Mão. Các quan lại kiểm điểm sổ sách bắt đầu buổi sáng sớm vào giờ Mão nên gọi là Mão điểm.

Những bảng danh sách được niêm yết lúc buổi sáng gọi là Mão Sách.

Giờ Mão chính là giờ khởi đầu cho mọi sinh hoạt trong ngày vậy.

Trở lại với con Mèo của Việt Nam, trong các bài hát sinh hoạt cũng thấp thoáng hình ảnh của vài ba chú mèo (không may) bị bắt đem đi... xào lăn: "Này con meo méo meo ta đem xào. Xào 1 tai 1 tai 1 tai, xào 2 tai 2 tai 2 tai (cứ thế bạn toàn quyền định đoạt xào hết tứ chi đến lục phủ ngũ tạng của chú mèo này cho tới hết thì thôi. Dĩ nhiên... trừ bộ lông!)

Đôi khi, một vài chú mèo còn bị chuột... cắn chết (!) và đám ma con Mèo được tổ chức rầm rộ qua sự diễn xuất của các em bé trong giờ sinh hoạt ngoài trời: "Con Nhái nó đánh phèng la: la la la. Ễnh ương nó cầm dùi trống:" tung tung tung! Nó đưa đám ma con mèo. Meo! Meo! Meo! Con mèo nó nhỏ tí teo, bị chú chuột cắn nằm queo dưới sình!

Chỉ có trống, phèng là của Ễnh ương và Nhái! Sao nhà viết nhạc không cho thêm một chú chuột lẽo đẽo mãi tận đằng xa cho nó... ngậm ngùi hơn tí chút?

Để kết thúc những dòng lai rai này, xin có lời khuyên bà con nào tuổi Mão, năm nay chớ có dại dột mà xơi mấy thứ thịt hổ, thịt thỏ, thịt rắn và cả thịt mèo nấu lẩu. Bạn thắc mắc tại sao hở? Ai mà biết! Mấy sách Tử vi đẩu số dặn như vậy mà. Nếu mà có "phải" ăn thì ăn in ít chắc... hổng có sao đâu. Thịt hổ, thịt rắn và thịt mèo dễ gì bỏ tiền ra kiếm mà có ngay. Riêng có món Thỏ sốt vang, nếu bạn có ăn, đừng quên cho kẻ viết bài này "thông công" với nhá!


Sàigòn, cuối năm Cọp       
COPSY, vừa lục vừa sao.    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Tết Ất Mão, 1975)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>