Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

Những Chuyện Lạ Về Con Mèo

 
CON VẬT MA QUÁI
 
Theo các tài liệu Tây phương, Mèo là con vật ít may mắn nhất. Có nơi dân chúng không ưa mèo, nhất là thứ mèo đen tuyền lại càng bị ghét bỏ hơn. Đối với những người tin về Tà giáo ngay cả những người không tin tưởng cũng vậy, con mèo vẫn là một con vật mang đến toàn là những sự rủi ro, đen tối. Những tài liệu cổ xưa đã nói thẳng ra điều đó. Ngoài ra các tài liệu này còn chia loài vật ra thành ba nhóm. Một nhóm gồm các con vật của ma quỷ như "mèo", cú mèo, chó sói, rắn và dơi. Nhóm hai gồm các sinh vật thuộc quyền của Thượng Đế như chim sơn tước, chìa vôi, thạch sùng, cừu, chó. Còn những con vật khác thì có thể là của ma quỷ, có thể là do Thượng Đế. Người ta còn cho rằng ở đuôi các con mèo đều có một sợi tóc của ma quỷ. Tục truyền rằng các tay phù thủy rất thích mèo. Họ cưỡi lên lưng mèo để đi hội họp với nhau hoặc đi rong chơi chốn thanh vắng.

Tại miền Alsace (ranh giới Pháp, Đức) vào cuối thế kỷ 19, một người dân quê đi trong rừng bị ba con mèo rừng tấn công. Trước sự hung hăng của ba con mèo rừng to lớn, người dân quê đã dùng gậy cầm sẵn trong tay, chống cự lại rất mãnh liệt đả thương được cả ba con, khiến chúng phải bỏ chạy.

Đến hôm sau, có ba cụ già là những nhân vật rất được kính trọng tại địa phương, bỗng nhiên bị đau liệt giường vì trên thân mình bị những vết gậy do người ta đánh đập. Nhà chức trách đem so lời báo cáo của người dân quê với những vết gậy trên người bà cụ nọ, rồi bắt người dân quê bỏ tù... (!?).

 
THIÊU MÈO ĐỂ TRỪ TÀ

Vào hồi thế kỷ 16, tại thành phố Metz (Pháp), dân chúng mắc bệnh cúm, đau co quắp cả người lại. Có một người bộ hành trọ tại một khách sạn nọ tuyên bố là có một con mèo đen đã chạy ngang qua phòng ngủ của ông ta, vừa chạy vừa kêu những tiếng "meo, meo" ghê rợn, đượm vẻ bất kính đối với đấng Thượng Đế. Sau đó ông ta bị đau ngay.

Thế là người ta liền đổ tại những con mèo đen đã gieo rắc bệnh hoạn cho dân thành phố này. Một phiên tòa rất trịnh trọng được thành lập. Các quan tòa chỉ định phải bắt 13 con mèo đen đem thiêu. Bàn án được thi hành tức khắc. Không rõ phải sự ngẫu nhiên hay không, vì sau khi thiêu đủ 13 con mèo đen được vài ngày thì dịch cúm cũng hết. Thế là dân thành phố Metz  tin tưởng chính loài mèo đã gieo rắc bệnh, và cho đây là phép lạ. Và cũng bắt đầu từ ngày đó trở đi cho đến 2 trăm năm sau (từ thế kỷ 16 đến hết thế kỷ 17) cứ vào ngày 23 tháng 6 (ngày lễ thánh Jean) dân chúng thành phố Metz làm lễ thiêu 13 con mèo đen để trừ tà, trừ bệnh. Mãi đến đầu thế kỷ 18, họ mới bỏ cái lệ thiêu mèo đen này.


THỜ PHƯỢNG VÀ ĐỂ TANG CON MÈO

Thuở xưa bên Trung Quốc có một sắc dân theo Bái Hỏa giáo (thờ thần lửa) và họ thành lập một môn phái thờ mèo làm chúa (Miêu quỷ cổ). Người nữ chưởng môn lấy tên Miêu quỷ Tỳ. Môn phái này tồn tại được mấy trăm năm và đến sau này thì bị cấm hẳn trên đất Trung quốc vì đã dính dáng vào vụ lật đổ ngai vàng của một triều đại.

Tại Ai Cập, thời xưa Mèo cũng được thờ phượng như một vị thần linh vậy. Cho đến ngày nay, tại Ai Cập, trong một gia đình, nếu có con mèo chết, thì người trong gia đình đó để tang bằng cách cạo lông mày. Ngoài những câu tục ngữ ca tụng loài mèo, người dân Ai Cập còn cho rằng mèo là loài vật mang sự may mắn đến cho người nhiều hơn là các loài vật khác.


MÈO BÁO TRƯỚC NHIỀU ĐIỀM HAY...

Từ thời cận đại cho tới nay, dân chúng Tây phương không còn chê bai, ruồng rẫy loài mèo nữa.

Việt Nam ta, các cụ thường nói: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu".

Trái lại, tại hạt Provence (Pháp), khi một con mèo đen nào ở đâu đến nhà, tức là nhà đó sẽ được may mắn. Còn ở hạt Bretagne, một nơi có nhiều làng chài ven biển, nếu trong nhà những người đó có nuôi mèo và khi trời nổi giông bão mà con mèo bỏ nhà ấy ra đi tức thì họ tin trong nhà sẽ có người bị nạn hoặc đắm tàu hay chìm ghe thuyền.

Nhà nào nuôi mèo mà thấy nó rửa mặt ba lần liền tức là sẽ có khách lạ tới thăm trong ngày. Và nếu nó nhìn chăm chú về phía nào, tức là khách từ phía ấy đi tới (?)

Như các bạn cũng biết, bên ta hễ mèo rửa mặt trong khi trời đang nắng gắt "y chang" là trời sẽ mưa ngay đó. Nhưng theo dõi cho kỹ có khi trời mưa, có khi không, chớ không phải lúc nào cũng mưa.

Còn theo các cụ xưa nói: "Mèo đẻ mà tự nhiên tha "nhau" cho mình tức mình sẽ ăn nên làm ra."

Điều này có người được "nhau" mèo cho (không phải mình rình để lấy, vả lại khi mèo đẻ không muốn cho nhau, nó sẽ ăn ngay không để lại vết tích gì) xác nhận là đúng. Họ gặp may mắn rất nhiều trên đường công danh, sự nghiệp, làm ăn hay cả về cờ bạc...

Tại nhiều vùng bên Pháp, có người cho là khi ra đường "chẳng may" gặp con mèo đen phải mau quay về đợi lúc khác sẽ đi, hoặc nếu có vội thì nên đi giật lùi bảy bước rồi hãy tiếp tục đi.

Sau cùng mời các bạn đọc tiếp một chuyện về mèo ở bên nước Anh, và mới toanh chứ không xưa nữa.


CON MÈO ĐẶC BIỆT

Trong mục "Anh và Tôi" của đài phát thanh BBC (Luân Đôn) trong chương trình phát thanh vào chiều thứ hai 29-4-74 có kể chuyện con mèo của ông chủ hãng "thức ăn đóng hộp của mèo" ở Luân Đôn.

Con mèo này bị thất lạc. Sau khi trình báo với nhà chức trách, ông chủ hãng treo một giải thưởng 200 bảng Anh cho ai tìm ra nó. Ngoài ra, sở Cảnh Sát Luân Đôn cũng phái một viên Thanh tra và hai phụ tá đặc trách về việc tìm kiếm con mèo này. Anh Quốc là một nước quý chó mèo vào bậc nhất và có rất nhiều hội bảo trợ súc vật. Tầm hoạt động này rất quan trọng. Giải thưởng 300 bảng Anh (gần 100 ngàn bạc V.N. lúc này) ở nước Anh để tìm cho ra một con mèo cũng không làm cho ai phải ngạc nhiên. Nhưng điều làm cho người ta phải ngạc nhiên lẫn thích thú là theo lời ông chủ hãng "thức ăn đóng hộp của mèo", con mèo của ông ta khác hẳn với đồng loại của nó ở chỗ nó biết dùng hai chân trước để bốc thức ăn lên đưa vào miệng chứ không gục đầu xuống đĩa ăn như các con mèo khác.


THÁI LYNH LĂNG      
(Sưu tầm)               

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>