Có ai yêu mùa gì, thì chắc là vì họ có kỷ niệm đối với mùa đó; hoặc là vì mùa đó đẹp (mùa thu), hay vui (mùa xuân, mùa hạ). Có mùa không đẹp cũng chẳng vui mà vẫn có người thích (mùa đông). Nhân tâm tùy thích mà. Riêng cá nhân tôi, tôi yêu mùa xuân, vì tất cả những lý do kể trên.
Gia đình tôi thuộc loại trung bình nghèo, nhưng ngày thường chúng tôi vẫn ăn thịt thà cá mú, nên tết tới chắc cũng lại cá mú thịt thà, nên tôi chẳng thể nào nhớ nổi thuở nhỏ chúng tôi "ăn" tết là ăn những gì; nhưng những kỷ niệm liên quan đến các khía cạnh khác của ngày tết thì tôi lại nhớ rất rõ.
Ví dụ như chuyện trang hoàng nhà cửa chẳng hạn. Ba tôi có rất nhiều bạn bè vì giao thiệp rộng (chẳng bù cho tôi) nên mỗi khi xuân về tết đến, họ trao đổi những "cánh thiệp đầu xuân" với nhau từ trước khi ông công ông táo về chầu trời rất lâu. Có được cả xấp thiệp cao nghễu nghện đủ màu sắc đủ kiểu cọ hình dáng đó, có năm ba tôi giăng dây treo chúng toòng teng khắp nhà, khách nào đi ngang cũng phải cúi xuống hoặc đưa tay nhấc chúng cao quá đầu để dễ chui qua.
Có năm ông lại đem treo những tấm thiệp đó lên cây mai cây nhà lá vườn. Điều buồn cười nhất là hồi tụi tôi còn nhỏ, tết tới xấp nhỏ tụi tôi phải CHÙI lá mai, chớ không bứt lá mai như người ta. Các bạn không nghe lộn đâu. Tụi tôi phải xách một xô nước từ dưới bếp lên phòng khách, rồi cả lũ xúm lại nhúng khăn chùi từng chiếc lá mai, vừa lau vừa rì rầm nói chuyên to nhỏ với nhau cho quên cực nhọc. Khi nào xô nước biến thành màu đen thùi thì một đứa sẽ được phân công đem đi đổ, đứa khác lại có nhiệm vụ xách xô nước khác lên và tiếp tục chùi lá cho đến khi sáng loáng. Tất cả chỉ vì lúc đó ba tôi không biết rằng người ta chỉ cần tuốt lá mai năm cũ đi, và lá mới và hoa sẽ tự động mọc ra thế chỗ.
Nhưng chẳng hiểu tại sao khi xem lại những tấm hình cũ, thì lạ thay cây mai đó cành lá rất sum xuê tươi tắn màu xanh nõn chuối, chen lẫn với rất nhiều đóa hoa mai vàng năm cánh mọc chi chít, bên cạnh những tấm thiệp xinh xắn kia, được ba tôi khéo léo treo hay gài vào.
Nhưng chỉ vài năm sau, có ai đó nói cho ba tôi biết rằng chẳng ai lại đi chùi lá mai bao giờ. Từ đó chúng tôi thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc! Tuy vậy, thằng cháu tôi bây giờ tết tới có sai nó dọn dẹp gì thì nó chỉ việc lấy hộp khăn giấy ướt ra mà lau lau chùi chùi, khăn dơ thì đem bỏ, trông thật nhàn nhã và gọn bâng, chớ không cực khổ như tụi tôi khi xưa. Đúng là hậu sinh khả úy!
Có năm ngày tư ngày tết mà chúng tôi bị ba bắt ngồi học bài. Bị phạt! Nhưng tôi không còn nhớ là do lỗi đứa nào nên cả lũ bị vạ lây. Chỉ nhớ mặt đứa nào đứa nấy cứ sưng lên một đống, nặng chình chịch, miệng ê a đọc nhưng hồn cứ để đâu đâu, nên đọc mà chẳng biết mình đọc gì. Ngày thường con nít con nôi có đứa nào thích học hành gì đâu, nữa là khi tết tết tết tết tết đến rồi, lúc xuân xuân xuân ơi xuân đã về. Thật là chẳng tâm lý gì hết!
Nói tới nói lui thì rốt cuộc "món ăn chơi" mà lũ trẻ tụi tôi ưa thích nhất vào dịp tết vẫn là đi coi xi nê. Ngày thường chúng tôi chỉ được đi coi phim ở những rạp bình dân trong khu phố, trước vì rẻ sau vì tiện lợi gần nhà.
Chỉ một lần duy nhất cả gia đình chúng tôi được đi coi phim cùng nhau, đó là vào dịp tết, tiện thể ăn mừng ngày anh Hải tôi đi bụi đời tung cánh chim tìm về tổ ấm. Chúng tôi đi taxi lên rạp Đại Nam ở đường Trần Hưng Đạo. Sau này tôi mới biết giá vé rạp này rất mắc, vì là một trong những rạp xi nê sang trọng nhất của thủ đô Sài Gòn, hay ít nhất là mắc đối với gia đình nghèo đông con như gia đình chúng tôi. Vì vậy khi ở trong rạp, tôi cũng chẳng có bắp rang mà ăn, giống như các khán giả bên Âu Mỹ. Nói thật, tôi cũng chẳng mê gì cái món bắp rang, cũng như hột dưa mà người ta hay cắn cho có lệ khi tới chơi nhà ai vào dịp tết, nên tôi cũng chẳng lấy thế làm phiền.
Một bằng chứng khác cho thấy lúc đó chúng tôi là một gia đình nghèo, đó là lúc ra về chúng tôi phải lết bộ về nhà, sau khi đã trả sạch tiền cho cuốc xe taxi lúc đi, lẫn tiền mua vé xem phim. Nhưng đó lại là điều làm nên kỷ niệm tôi không thể nào quên, mỗi khi nhớ tới không khí mùa xuân năm đó, và nhớ tới anh Hải. Nhiều lần tôi còn cố hồi sinh/sống lại dĩ vãng bằng cách đi bộ suốt quãng đường từ nhà tới rạp Đại Nam, và trong buổi tối dần về khuya đó, tôi cứ đứng trước cửa rạp, giờ đã biến thành một khách sạn, và khóc một mình, khóc mãi không thôi, cho những dấu chân chúng tôi từng in trên chính vỉa hè này mùa xuân năm ấy, nay chỉ còn là những vết bụi mờ...
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.