Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

Những Tục Lệ Của Ngày Tết Nguyên Đán

 

Đối với người Việt Nam ta trong một năm có nhiều cái Tết. Nhưng cái Tết trọng nhất trong năm là Tết Nguyên-đán. Nguyên là đầu, Đán là sớm mai. Nguyên Đán là buổi sớm mai đầu năm. Cũng gọi là chính-đán, nghĩa là buổi sớm mai tháng Giêng (Chính nguyệt chi đán), lại còn gọi là tam chiêu, nghĩa là ba cái sớm mai: Sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, và sớm mai đầu tháng.

Tết Nguyên-Đán khắp trên thế giới nước nào cũng có. Các nước theo dương lịch thì Tết Nguyên-đán là ngày mồng một tháng giêng (Janvier) còn mồng một tháng Dần là tết Nguyên-đán của các nước theo âm lịch.

Âm lịch là theo lịch của đời nhà Hạ bên Tàu, phân một năm ra làm bốn mùa thì mùa Xuân là đầu ; một năm có mười hai tháng, tháng giêng là đầu ; một tháng 30 ngày thì ngày mồng một là đầu. Nên ngày ấy gọi là ngày chánh-đán hay nguyên-đán hay tam chiêu. Ngày ấy là lúc năm cũ đã qua, bắt đầu bước sang năm mới, các nước bên Á-đông ta đều làm lễ cúng tết trời đất, quỉ thần và tổ tiên để cáo đổi năm mới.

Đối với người sống thì làm lễ mừng tuổi, người già mừng thêm một tuổi, người trẻ mừng lớn thêm một năm. Trong triều đình các quan vào triều-hạ Hoàng-đế, hoàng hậu, quan dưới chúc đáo quan trên, thuộc hạ chúc đáo ty-trưởng. Tại tổng làng thì đi chào mừng các bậc tôn trưởng, các hàng thân hữu, còn trong dòng họ, trong một nhà thì con cháu chúc mừng ông bà, cha mẹ, chú bác, bà con nội ngoại.

Ngày Tết ai nấy đều vui, tạm nghỉ hết mọi công việc lo dọn cỗ bàn ăn uống vui chơi. Cỗ bàn tùy theo sự sinh hoạt của từng nhà, nhưng đại loại thì nhà nào cũng có thịt, có giò: giò lụa, giò bì, giò thủ v.v... Ta hãy còn giữ thủ tục mổ lợn chung nhau rồi chia phần. Nhà nào cũng phải có rượu, chè, thuốc hút và trầu cau. Nhà sang thì có bánh trái hoa quả. Nhưng không nhà nào thiếu bánh chưng, bánh tét, những thứ bánh đặc biệt ngày Tết.

Nguyên kỳ thủy chỉ ăn Tết có ngày mùng một mà thôi. Về sau lễ tục càng ngày càng xa hoa, lễ văn càng ngày càng phiền phức, không đủ giờ làm các việc và đi lễ các nơi, đi viếng các nhà rồi mới bày ra ba ngày tết, và kể từ chiều 30 làm lễ cúng quỉ thần, tổ tiên cáo hết năm, kêu là tiết trừ tịch, nghĩa là chiêu trừ hết năm cũ, nên cũng gọi là tiết tuế trừ. Đến nửa đêm nhằm giờ tí làm lễ giao thừa, nghĩa là lúc giao tiếp năm cũ qua năm mới thì tiễn thần đương niên năm cũ và rước thần đương niên năm mới. Chính tế là ba ngày : mồng một, mồng hai và mồng ba. Ngày nào bữa nào con cháu cũng bày cỗ, thay đèn nhang, trầu cau, bánh trái, pha chè cúng vái tổ tiên. Sang đến ngày mồng bốn thì làm lễ tiễn các cụ và cũng là hết tết.

Nhưng ở nhà quê tết kéo dài tới mồng bảy mới hạ cây nêu, còn hội hè thì có khi hết làng nọ đến làng kia tiếp tục hết tháng giêng.

Dựng cây nêu

Mỗi nhà, nhất là ở vùng quê, đều lấy cây tre nhỏ và cho trồng lên tại trước sân làm cây nêu dùng để nhận địa giới của nhà mình, cấm ma quỉ không đặng xâm chiếm.

Trên ngọn cây nêu họ treo những cái khánh, con cá, bằng đất nung, hoặc mảnh sành nồi, chum bể, để gió đưa qua đưa lại kêu rổng rảng, làm như thế ma quỉ nghe tiếng phải sợ.

Mấy nhà sang giàu thì trồng cây đèn trên ngọn cặm lá cờ làm nêu và thắp đèn cho sáng. Bởi đó nên có câu hát:

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau tới tết, dựng nêu ăn chè

Rắc vôi bột

Cứ hằng năm đến tối ba mươi tết, thì nhà nào nhà nấy đều lấy vôi bột rắc chung quanh ngạch nhà và vẽ hình cái cung, cái ná trước sân, cửa ngõ để cho sáng nhà, vì tục nói: Tối như ba mươi tết, và khiến cho ma quỉ phải sợ không đám đến khuấy rối nhà mình.

Đốt pháo

Muốn cho ma quỉ phải sợ, họ lại dùng ống tre khô (bộc trúc) mà đốt, cháy mắt tre thì nổ đùng đùng, khiến ma quỉ nghe tiếng tưởng là súng mà chạy tránh xa đi. Bởi cái tục đốt ống tre đó mà về sau mới chế ra các thứ pháo.

Cặm bùa

Theo tục lệ muốn trừ ma quỉ, họ lại cắt nhành đào làm bùa (Đào phù), cắm trên mái hiên nhà. Vì cái tục cặm bùa đào đó, mà rồi họ lấy cả nhánh đa, nhánh đề mà cặm kêu là lấy lộc.

Tục đốt ống tre và cặm bùa đào đó di truyền đã lâu đời, nên đã có câu thơ tết rằng:

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế ;
Đào phù vạn hộ nhạ Tân Xuân.

Nghĩa là muôn tiếng tre khô trừ hết năm cũ, muôn cửa cặm bùa đào đón rước mùa Xuân mới.

Viết liễn hay là vẽ tranh

Hàng năm cứ sắp đến ngày Tết Nguyên Đán thì mỗi nhà đều viết câu liễn hay vẽ bức tranh bằng giấy đỏ mà dán vô cột nhà, vách nhà, hoặc cửa ngõ. Nguyên cái tích như vầy:

Theo sách Phong-tục-Thông có chép rằng:

Xưa có hai anh em nhà kia tên là Thần Đồ và Uất Lũy có biệt tài nhìn thấy ma quỉ giữa ban ngày và có phép lạ diệt được ma quỉ. Ngọc Hoàng liền sai hai anh em đứng trấn ở trước cửa mọi nhà, nhất là vào dịp Tết để chặn không cho ma quỉ vào nhà ám ảnh. Ma quỉ cứ thấy hình dáng hai anh em rất dữ tợn trên giấy đỏ là sợ khiếp vía không dám bén mảng tới nữa.

Theo những thuyết ấy, nên các nhà ở dân gian thường viết chữ Thần Đồ và Uất Lũy, hoặc làm bức tranh vẽ hai vị thần ấy, tướng mạo hình dung dữ tợn, mặc đồ võ phục một người cầm dây, một người cầm kiếm, dán tại cửa ngõ mà trấn áp tà ma.

Nhân tích ấy, rồi về sau chẳng những viết tên và vẽ hình hai vị thần ấy mà thôi, người ta lại viết những chữ cầu chúc tốt lành như là Tam đa (ba phước nhiều: Giàu có, sống lâu, nhiều trai) ; Ngũ phước (Năm phước: Phú, Quí, Thọ, Khương, Ninh) ; Tấn tài (tấn lên nhiều của) ; Tấn lợi (tấn lên nhiều lộc) v.v... hoặc vẽ những bức tranh vẽ những hình ấy mà dán chơi.

Chẳng những vậy mà thôi, người ta còn viết nhiều câu liễn, vẽ nhiều thứ tranh khác về tính cách mùa xuân nữa. Người biết viết, biết vẽ, thì viết lấy vẽ lấy ; còn kẻ không biết thì cũng đi mướn viết, mướn vẽ hay là mua. Bởi cái tục ấy mà mấy thầy nho nghèo, mấy chú thợ vẽ cứ gần đến ngày Tết thì ôm cây cọ với dĩa mực tàu ngồi tại các đường thành phố, các góc chợ ở thôn quê, để viết mướn, bán tranh mà kiếm đủ tiền ăn tết.

Kiêng

Ngày tết dân ta có lệ kiêng nhiều thứ rất nên thơ, tỷ như kiêng quét nhà, theo sách Phong-Thổ-ký thì xưa kia trên trời có một mụ đầu bếp tên Bí Tiêu. Mụ có nhiệm vụ làm các món ăn dâng lên Ngọc Hoàng, những món ăn này sách gọi là "Thiên táo thiên trù". Mụ Tiêu có tật xấu là làm xong món ăn hay nếm trước và lại nếm hơi nhiều, dưới trần ta gọi nôm na là ăn vụng. Ngọc Hoàng biết chuyện giận quá đày mụ xuống trần làm thần chổi quanh năm suốt tháng chỉ có mỗi một công việc hốt rác rưới. Thần chổi phải làm việc suốt quanh năm mới than phiền với Ngọc Hoàng. Người nghĩ thương tình nhưng hãy còn giận, nên chỉ cho thần chổi nghỉ một năm ba ngày Tết.

Liên can đến vụ kiêng quét nhà còn một câu chuyện nữa sách "Sưu thôn ký" chép rằng xưa có người tên Âu Minh nghèo xơ nghèo xác. Một hôm anh ta ngồi bên hồ Thần Thao suy nghĩ tại sao mình cứ nghèo lại hoàn nghèo. Thần hồ nghĩ thương tình cho anh ta một con vật nhỏ tên là con Hậu để làm bùa. Ít lâu nhờ bùa đó Âu Minh trở nên rất giàu có. Một hôm anh ta chè chén say sưa nổi cáu suýt nữa dẫm cả lên con vật đang thui thủi ở trong nhà. Hôm đó đúng là mồng một Tết. Tỉnh rượu anh ta đi tìm con vật đâu cũng không thấy. Con vật sợ quá chui vào một hốc, người ở quét nhà hốt rác hốt luôn cả con vật đi. Và ít lâu sau Âu Minh lại nghèo như cũ. Truyện truyền đi trong dân gian ai cũng kiêng quét nhà trong ngày Tết sợ của cải trong nhà theo gương con Hậu mà đi mất.

Vì sợ gặp rủi trong ngày Tết thì sẽ rông suốt năm, nên ta kiêng luôn cả nhiều thứ khác. Kiêng nói đến tên con khỉ sợ xui, kiêng thổi thiếu cơm sợ thiếu ăn quanh năm, kiêng khóc sợ gặp buồn quanh năm và v.v...

Sự tích cái bánh chưng

Tục ngữ có câu: Dửng dưng như bánh chưng (bánh tét) ngày Tết ngụ ý bảo rằng nhà nào cũng có và có nhiều nên chẳng ai thiết. Nhưng thiếu cái bánh chưng thì thiếu hẳn thi vị ngày Tết. Tục truyền rằng xưa kia vua Hùng Vương thứ 6 có nhiều con trai : đến lúc về già không biết truyền ngôi cho Hoàng tử nào. Một hôm nhà vua phán gọi tất cả các ông Hoàng vào chầu cho hay rằng nhà vua sẽ truyền ngôi cho ông nào hiếu thảo nhất và muốn tỏ lòng hiếu thì các ông Hoàng chỉ việc lặn lội đi các phương xa tìm kiếm các thực phẩm cao lương mỹ vị thứ nào lạ nhất đem về dâng vua cha thì sẽ được cho là có hiếu nhất. Ông nào cũng hăm hở ra đi có ông Hoàng Út nghèo quá không phương tiện nên đành chịu bó tay. Một hôm buồn phiền quá nên ngủ thiếp đi, được thần nhân báo mộng cho hay rằng: "Không phải đi đâu xa, cứ việc lấy gạo nếp lá dong gói thành cái bánh hình vuông tượng trưng cho trái đất, cho thịt vào trong ninh cho thật kỹ rồi lấy sôi đồ lên dã thật nhỏ nặn thành bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trời, cứ làm như thế tất thế nào vua cha cũng truyền ngôi cho". Đến hôm sát hạch nhà vua nhận được rất nhiều thức ăn quý báu, nhưng sơn hào hải vị nào nhà vua cũng được ăn qua rồi nên không thiết.

Duy có bánh chưng và bánh dày của ông Hoàng Út nha Vua cho là ngon miệng mà thôi. Hiểu ra ý nghĩa trời đất của hai chiếc bánh, nhà Vua truyền ngôi cho con Út. Và để nhớ lại sự tích này nhà Vua truyền cho thần dân cứ Tết đến thì làm bánh chưng, bánh dày trước cúng trời đất sau ăn.

Sách "Đào khê nhân toại" chép một truyện rất hay về việc bánh chưng và giải thích rằng vua Quang Trung chiến thắng được Tôn Sĩ Nghị là nhờ ở thứ bánh này. Quân Tàu muốn giả bộ làm cho người mình tin rằng mình có quyền tự chủ, nên giao phó nhiều đồn cho tướng tá người Nam cầm quân. Vì vậy có một đồn giao phó cho ông Đinh thống lĩnh. Ông này ngoài mặt theo Tàu nhưng trong bụng lại rất ái quốc. Quang Trung biết sự thể ấy muốn dùng thế nội công.

Và vấn đề là làm thế nào để báo cho tướng Đinh biết giờ quân ta tấn công, để ngoài đánh vào trong đánh ra.

Nhân dịp Tết vua Quang Trung nẩy ý cho một ông đồ tên là Nguyễn Thiếp mang mấy cái bánh chưng đến biếu tướng Đinh. Trong bánh có một mật thơ mang ấn tín của nhà vua.

Lúc quân sĩ của Quang Trung đến cổng thành, đôi bên đang giao tranh thì trong thành nội bốc lửa. Tôn Sĩ Nghị tưởng lầm là quân của Quang Trung vào thành rồi, sợ quá rút quân qua bên sông Hồng Hà, sợ tắt đường triệt thối. Kỳ thực lửa đó là do quân của tướng Đinh đốt.

Tết cùng.

Hồi quân cờ Đen chiếm đóng Bắc Việt, chúng nhũng nhiễu dân gian khổ cực. Cứ dịp Tết là chúng kéo quân về làng vơ vét. Nhưng dân gian bị một hai lần rút kinh nghiệm, cứ Tết đến là bỏ làng trốn đi, mang cả của cải theo. Quân cờ Đen thấy vườn không nhà trống cho rằng dân làng này nghèo quá, nên bỏ đi không thèm đến nữa.

Quân cờ Đen đi rồi, dân chúng mới kéo nhau về ăn Tết. Tuy muộn vài ba hôm nhưng không phải lo lắng gì nên Tết lại càng vui. Tục lệ ấy đến nay hãy còn nhiều nơi theo, để tưởng niệm thời ly loạn, và Tết ăn muộn như vậy gọi là Tết cùng.


TRỌNG CHIÊU và THIỆN CHÍ     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Giáp Thìn, 1964)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>