Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

Meo... Meo... Chú Là Ai?

 
"Mèo là loài có vú, thuộc giống ăn thịt sống, mình dài, uyển chuyển, tai rất thính để nghe tiếng động, mắt sáng mũi thính. Bộ răng mèo nhọn và sắc để xé và nhai thịt. Chân mèo có bộ vuốt rất bén có thể giương ra hoặc cụp lại lúc săn mồi..."

Thưa, đó là chú mèo. Năm Dần nói chuyện Cọp và năm Sửu nói chuyện con Trâu v.v... thì năm Mão không thể không lai rai vài sợi về chú Mèo, và người viết xin mượn mấy dòng trong sách Khoa Học lớp Bốn ở trên mở đầu cho chuyện Mèo năm Mão.

Mèo cùng họ với Hổ, Báo, Mèo rừng và Báo cao cẳng. Tên khoa học của Mèo là Felis Domestica, tiếng Pháp là Chat (do chữ La tinh Cattus), tiếng Ý Đại Lợi viết là Catto, tiếng Mỹ tiếng Anh là Cat, Trung Hoa gọi là Miêu và Việt Nam ta ai cũng biết kêu nó là con Mèo.

Về lai lịch, các nhà khảo cổ cho rằng giống Mèo được người Ai Cập nuôi lần đầu tiên cách đây lối trên 5260 năm rồi, người ta đã tìm thấy nhiều xác ướp của Mèo trong các mồ mả của người Ai Cập khoảng đầu thế kỷ này, người ta còn khám phá ra được một nghĩa địa mèo tại Ai Cập với 300 ngàn nấm mộ mèo, tất cả đều được ướp xác thơm lừng! Truyền thuyết Ai Cập cũng kể lại rằng mèo được dân tộc này rất quí mến, rồi lại ghét bỏ, rồi lại quí chuộng, qua nhiều thời đại và triều đại khác nhau. Có thời, khi một con mèo nuôi trong nhà chết đi, các gia nhân trong nhà phải để tang nó bằng cách cạo sạch hết lông mày. Thoạt tiên người ta bắt mèo rừng về nuôi và dần dần người ta luyện được những con mèo nhà thuần thục mà chúng ta có ngày nay. Chẳng hạn như giống mèo rừng Felis Lybica trong sa mạc Lybie ; giống mèo rừng Manu ở Mông Cổ ; giống mèo dại ở Châu Phi, đã dần dà trở thành những giống mèo nhà với tên Felis Domestica, mào Tàu, mèo tai lông xù v.v... Ngày nay trên thế giới có 7 giống mèo để nuôi trong nhà:

Mèo Angora : Gốc Y-pha-nho, lông dài và nhiều màu, nhưng mèo đực chỉ có 2 màu lông (nhị thể) và con cái lại có 3 màu tức tam thể.

Mèo Chartreux : Màu lông xám đen.

Mèo Mã Lai : Có cái đuôi xù ra và gãy cụp, như thể có ai nghịch ngợm thắt nút lại.

Mèo Cambie : Ở Châu Phi có bộ lông... đen tuyền.

Mèo Cáp : Ở Nam Châu Phi, màu lông đỏ hoặc xanh da trời.

Mèo Trụi : Mình trần, không có lông. Đây là "sản phẩm" mới gây được của các nhà khoa học, hay bị cảm lạnh và trông thiếu thẩm mỹ!

Mèo Tàu : Lông vàng có vằn vện đen mà tại Việt Nam ta có rất nhiều. Đây chính là thứ ta quen gọi Mướp, săn chuột rất giỏi.

Những giống mèo nhà kể trên có thể được nuôi để làm cảnh hoặc để bắt chuột. Nhưng nghề của chàng, và nàng, từ nhỏ, vẫn là nghề bắt chuột. Tính trung bình có con mèo trong một ngày có thể bắt được 17 con chuột (nếu có đủ chuột cho chúng bắt).

Mỗi năm mèo cái đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 2 đến 5 con. Tuổi thọ trung bình của chúng là 8 - 10 năm, nhưng nếu điều kiện sống đầy đủ, nghĩa là không bị thắt lưng buộc bụng từng chập, hoặc không bị những cái gọi là vận hội mới vận hội cũ quấy rầy thì mèo có thể sống được tới 27 năm như có trường hợp đã ghi nhận. Nhưng khi về già mèo càng trở nên cô độc, thích nơi hẻo lánh và tính nết trở nên khó chịu, dữ tợn ; lúc đó, người ta bảo "mèo già hóa cáo", nó muốn "về nguồn" tức trở lại rừng. Mèo là con vật duy nhất có thể thích nghi trở lại với đời sống rừng xanh sau khi đã quen với  nếp sống văn minh thành thị.

Thịt mèo ăn được, rất ngon là đàng khác. Thịt nó trắng và mềm như thịt gà. Người Tàu có món thịt mèo nấu lẩu (cù lao) cùng với thịt rắn, ăn rất bổ (?).

Ông Tô Đông Pha (thi sĩ đời Tống) tức Tô Thức, tự là Tử Chiêm, tuổi Mão, nên được gọi là Mão Quân. Lúc nhỏ, nhà nghèo, đi học ông thường đem theo gừng trong túi phòng khi đau ốm mà dùng, nhưng vì trong phòng học không có gì để gậm nhấm nên mấy chú chuột vào lục lạo ăn hết gừng của Mão Quân. Quả là mấy chú Tí to gan!

Thi sĩ Bạch Cư Dị, tự Lạc Thiên, Tiến sĩ đời Đường làm quan tới chức Tả Thập Di bị đầy ra làm Tư Mã đất Giang Châu, thường hay uống rượu về buổi sáng sớm nên có thơ rằng: "Vị như mão hậu tửu, thần tốc công lực bồi" (chẳng gì bằng "nhậu" sau giờ mão, sức lực tinh thần được bồi đắp lẹ làng).

Mão là gì? 

Theo các sách lý số của Trung Hoa, Mão thuộc về 12 cung, và được gọi là Con Thỏ.

Sách "Luận hành vật thế" của Trung Hoa nói rằng Mão tức là Thỏ.

Mão cũng ở trong 12 chi, đứng ở ngôi thứ tư, trước Thìn và sau Dần.

Sao Thái Tuế ở Cung Mão gọi là Đan Khuyết.

Từ 5 đến 7 giờ sáng gọi là giờ Mão.

Đời Thanh, người ta phân kỳ hạn để góp tiền lương gọi là Tỷ Mão.

Người ta cũng phân thời hạn để tâu báo công việc gọi là Kỳ Mão. Các quan lại kiểm điểm sổ sách bắt đầu buổi sáng sớm vào giờ Mão nên gọi là Mão điểm.

Những bảng danh sách được niêm yết lúc buổi sáng gọi là Mão Sách.

Giờ Mão chính là giờ khởi đầu cho mọi sinh hoạt trong ngày vậy.

Trở lại với con Mèo của Việt Nam, trong các bài hát sinh hoạt cũng thấp thoáng hình ảnh của vài ba chú mèo (không may) bị bắt đem đi... xào lăn: "Này con meo méo meo ta đem xào. Xào 1 tai 1 tai 1 tai, xào 2 tai 2 tai 2 tai (cứ thế bạn toàn quyền định đoạt xào hết tứ chi đến lục phủ ngũ tạng của chú mèo này cho tới hết thì thôi. Dĩ nhiên... trừ bộ lông!)

Đôi khi, một vài chú mèo còn bị chuột... cắn chết (!) và đám ma con Mèo được tổ chức rầm rộ qua sự diễn xuất của các em bé trong giờ sinh hoạt ngoài trời: "Con Nhái nó đánh phèng la: la la la. Ễnh ương nó cầm dùi trống:" tung tung tung! Nó đưa đám ma con mèo. Meo! Meo! Meo! Con mèo nó nhỏ tí teo, bị chú chuột cắn nằm queo dưới sình!

Chỉ có trống, phèng là của Ễnh ương và Nhái! Sao nhà viết nhạc không cho thêm một chú chuột lẽo đẽo mãi tận đằng xa cho nó... ngậm ngùi hơn tí chút?

Để kết thúc những dòng lai rai này, xin có lời khuyên bà con nào tuổi Mão, năm nay chớ có dại dột mà xơi mấy thứ thịt hổ, thịt thỏ, thịt rắn và cả thịt mèo nấu lẩu. Bạn thắc mắc tại sao hở? Ai mà biết! Mấy sách Tử vi đẩu số dặn như vậy mà. Nếu mà có "phải" ăn thì ăn in ít chắc... hổng có sao đâu. Thịt hổ, thịt rắn và thịt mèo dễ gì bỏ tiền ra kiếm mà có ngay. Riêng có món Thỏ sốt vang, nếu bạn có ăn, đừng quên cho kẻ viết bài này "thông công" với nhá!


Sàigòn, cuối năm Cọp       
COPSY, vừa lục vừa sao.    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Tết Ất Mão, 1975)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>