Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

PHẦN THỨ BA_THẦY GIÁO LÀNG


PHẦN THỨ BA
 
BỆNH QUỶ PHẢI CÓ THUỐC TIÊN
 
 
Bây giờ con đã thấy giữa cha và con ai nghĩ đúng ? – Cha tôi vui vẻ và dịu dàng nói. Con không còn ân hận vì đã nghe theo lời mẹ cha. Con còn nhớ ngày mới tốt nghiệp Đại Học về, con cứ nằng nặc đòi trở lại xưởng thép Auckland làm thợ rèn. Hiện nay con có một chức vụ và địa vị khả quan trong quận nhà. Mới cách đây năm sáu năm, đi học về con còn ra đồng thăm các bẫy chồn, con còn mua sắm sách vở với tiền bán da chồn. Thế mà ngày nay, con đã nghiễm nhiên là Hiệu Trưởng ngôi trường Trung học to lớn ấy. Cha rất hãnh diện vì con. Bạn bè của cha ở sở Hoả xa cũng lấy làm hãnh diện. Ông già Melvin không ngớt nói chuyện về con ; ông Đốc công Snyder cũng tỏ ra tử tế với cha hơn trước. Bây giờ ông không để cha phải làm việc nặng nề nữa. Cứ tiếp tục đi, con sẽ trở thành một nhân vật cho mà xem.
 
- Thì con mình chẳng là một nhân vật rồi đấy ư ? Ông còn muốn gì nữa ? Mẹ tôi đang soạn bữa cho cha tôi quay sang nói với ông. Thằng Jesse đã thành công hơn hết mọi người trong họ ông và trong họ tôi. Ông thấy không ?
 
- Con sẽ không bao giờ vất vả như cha để kiếm sống, con sẽ kiếm ra tiền với cây viết chì dắt mang tai. Riêng cha, ngày nào như ngày ấy, tám cây số đi, tám cây số về và mười giờ làm việc trên đường sắt, như thế nó cùn mằn con người đi. Phải mạnh tay khoẻ chân và không có gì phải suy nghĩ bằng đầu óc mới chịu đựng nổi đó con ạ. A, này bà, cơm tôi có chưa, đừng làm tôi đi làm trễ đấy nhá. Mười hai năm nay, tôi chưa tới trễ một lần !
 
Cha tôi cầm lấy cái ga-mên do mẹ tôi đưa tới và bảo tôi :
 
- Hôm nay là một ngày trọng đại với gia đình ta. Ở trường con hãy tỏ ra bình tĩnh và cương quyết, đừng để công việc lôi cuốn mình. Rồi ra đâu sẽ vào đó !
 
Cha tôi đi ra khỏi bếp, tay cầm ga-mên, tay cầm cái đèn bão cháy sáng. Tôi nhìn theo ánh đèn vàng vọt dưới tay ông, khi cha tôi rảo bước qua vườn, trong khi trời chưa sáng rõ.
 
Tôi không dám cho cha mẹ tôi hay là tôi đã vay tiền của Ngân Hàng Quốc gia tại Landsburgh để theo học khoá tu nghiệp trong dịp nghỉ hè tại Đại Học đường Peabody . Chương trình năm chót tại Đại học rất nặng nề, tôi không có thì giờ làm việc lao động nữa, đành phải thiếu nhà trường về học phí vậy. Với gần 300 đô la, tôi xin ghi danh vào Peabody . Người ta nói rằng trường này cũng tương đương với trường Đại học Columbia ở miền Nam . Tôi chọn các môn tâm lý sư phạm, Anh văn và sinh hoạt học đường. Có nhiều giáo sư, hiệu trưởng, thanh tra tiểu học, thanh tra trung học tham dự các lớp tu nghiệp ấy. Tôi đã có dịp cùng ngồi với các nhà mô phạm ấy để thảo luận về những vấn đề đặt ra cho việc điều hành một trường học.
 
Ngay khi trở về đến Landsburgh, tôi đã triệu tập cuộc họp các giáo sư hai ngày trước khi khai trường. Không một vị nào được bổ nhiệm về đây do lời đề nghị của tôi. Thế mà một nhà mô phạm lừng danh đã khuyến cáo chúng tôi nên tự mình chọn lựa lấy các cộng sự viên. Như thế mình mới có thể chịu trách nhiệm trước Hội đồng giáo dục và ông Thanh tra trung học về mọi việc xảy ra trong trường mình.
 
Nhưng công việc bổ nhiệm các giáo sư đã được thực hiện trong thời gian tôi còn tu nghiệp ở Peabody . Chính ông Larry Anderson đã hội ý với các Hội Đồng Giáo dục thành phố Landsburgh và Hội đồng Giáo dục quận Greenwood để chọn giáo sư cho trường. Trong số này có một vị người Tiểu Bang New York , hai vị ở Lexington và bốn vị khác ở quanh vùng Louisville cũng thuộc Tiểu Bang chúng tôi. Đến khi hội kiến với ban giáo sư, tôi phải thầm khen sự chọn lựa của ông Thanh tra. Điểm nổi bật của ban giáo sư là tuổi trẻ. Người cao niên nhất là ông Watson, người duy nhất đã lập gia đình, cũng mới có hai mươi sáu tuổi. Ông là huấn luyện viên thể dục thể thao. Những người khác tuổi từ 23 đến 25. Chỉ có ba vị đã từng dạy các trường trung học. Tất cả có 380 học sinh. Chúng tôi phải chia nhau phụ trách giảng dạy. Tôi cũng phải phụ trách một lớp để đỡ gánh nặng cho các vị kia. Thế mà sĩ số các lớp cũng còn quá đông, theo phép phải giảm đi một phần tư thì các giáo sư mới nắm vững được tình hình và công việc giảng dạy mới có kết quả mong muốn. Chúng tôi làm việc với nhau theo tinh thần tập thể, vừa cười đùa, vừa lo sắp xếp công việc ngày mai.
 
Nhưng cái cười của tôi đã tắt ngúm, sau khi ông Anderson cho biết số lương tháng của tôi. Lúc được mời làm Hiệu trưởng, tôi tưởng sẽ được lãnh 1500 đô la, chia làm chín tháng. Có ngờ đâu lương tháng của tôi chỉ có 111 đô la mà thôi, chẳng hơn gì lương mấy giáo sư thâm niên khác. Nếu ở đây người ta quan niệm và giải quyết vấn đề như thế này, những điều giảng dạy ở Peabody sẽ không đứng vững được. Nhưng quá muộn, không lùi bước được nữa. Nhìn lại trường hợp ông Watson vừa huấn luyện cả trường về thể dục thể thao, buổi chiều lại lo ôn tập cho nhiều lớp nữa, thế mà hàng tháng chỉ được 100 đô la. Ông lại có vợ và hai con. Tôi đã cáo từ ra về, không nói thêm một lời với ông Thanh tra.
 
Chỉ còn một cách giảm bớt chi tiêu là về ở nhà cha mẹ. Mười hai năm nay, ông vẫn đi theo một con đường, trèo mấy cái dốc quen thuộc để tới sở làm. Tôi chỉ cần bắt chước ông, tiếp tục đi về theo con đường mòn trước đây tôi đã qua đó tới trường Landsburgh trong bốn năm ròng. Không dám cho cha mẹ biết lương tôi quá ít như vậy, tôi chỉ nói rất sung sướng được sống trong không khí gia đình, với điều kiện được trả tiền cơm. Hai ông bà cười rộ vì ý kiến ấy, nhưng tỏ ra khoan khoái khi thấy cậu con trai trở về dưới gối.
 
*
 
Sáng ngày khai trường, tôi ra đi từ bảy giờ, còn một giờ rưỡi nữa mới vào học. Tôi đi sớm như vậy để khỏi phải đi mau, tránh đổ mồ hôi làm bẩn cổ áo sơ mi. Kinh nghiệm cho biết, nếu không chú ý giữ gìn, áo quần tôi sẽ lấm láp sau khi đi bộ tám cây số. Tôi cũng biết rằng bất cứ một vết dơ nào trên áo quần của tôi thảy đều không qua khỏi con mắt của đám học trò. Vì lẽ ấy, tôi phải đi chính giữa đường mòn, tránh va chạm vào các cành cây cho tới khi ra đến con đường lớn Academy Hollow. Lúc tôi tới cổng trường, rất nhiều học sinh ở các nơi xa đang từ trên ba xe ca lớn đổ xuống. Nhiều em ở cách đây trên 20 cây số. Chúng cũng phải dậy thật sớm đi bộ năm bảy cây số trước khi đáp xe ca đến Landsburgh. Những em phải giúp việc cha mẹ, trước khi đi học có lẽ phải dậy từ bốn hay năm giờ sáng. Các giáo sư đã có mặt đông đủ. Những học sinh có nhà tại Landsburgh lại là những em sau chót. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy quá nửa số học trò cũ ở Winston cũng có mặt nơi đây. Tôi vội đi tới hỏi han các em ăn ở tại đâu. Ai cũng có chỗ trọ rồi, duy có Budge Waters không biết trọ nơi nào vì không đủ tiền trả cho chủ trọ. Tôi bảo Budge về ở nhà tôi. Ông Watson đã thấy lân la nói chuyện với Jesse Jarvis, chàng trai tóc hung cân nặng hơn 80 kí lô.
 
Chúng tôi vào lớp chậm mất năm phút. Số học sinh bây giờ đông gấp đôi lúc tôi theo học ở đây, nhưng trường ốc không thay đổi. Tôi phải để văn phòng Hiệu trưởng cho một giáo sư mở lớp và tổ chức thêm một lớp khác ở cuối hành lang lầu một. Chúng tôi phải mượn bàn ghế của một thánh đường gần trường, để mọi người đều có chỗ ngồi học cho tươm tất. Buổi mai này tôi phải nghỉ dạy để ra tiếp xúc với những học sinh bị đuổi niên học trước. Chúng đều tỏ vẻ thông minh thẳng thắn và dễ thương. Trong bọn này có cả em ruột tôi là James Stuart. Tôi đồng ý thu nhận lại tất cả và cũng không hỏi tại sao bị đuổi.
 
Trong giờ nghỉ trưa để ăn cơm, tôi để ý thấy một tấm biển nhỏ cắm trên bồn cỏ với mấy giòng chữ : “Không được đi lên bồn cỏ nếu không sẽ bị nghiêm phạt”. Tôi rất khó chịu về lời cảnh cáo ấy, luận điệu này chỉ gợi trong tôi ý nghĩ bước đại lên đó xem sao. Tôi cho thay ngay câu khác vào đó : “Yêu cầu tôn trọng bồn cỏ”. Học trò có phản ứng thuận lợi với lời khuyên nhủ này. Chúng nhận thấy ngay nhà trường hành động để bảo vệ quyền lợi chung chớ không có ý chống lại học sinh. Sau đó, tôi mới biết, trong số học sinh được thu nhận lại, có một em năm ngoái đã bị đuổi vì dẫm lên bồn cỏ.
 
Nhà trường hoạt động được bốn tuần rồi. Một hôm tôi nhận được cú điện thoại của ông Hinton, nhân viên Hội Đồng Giáo dục thành phố đòi gặp tôi để nói chuyện riêng. Tôi hẹn ông gặp nhau sau khi tan học. Tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi ông sẽ nói về chuyện gì đây ? Chuyện liên can đến nhà trường ? Đến cá nhân tôi ? Ông Hinton từ trước đến nay hết sức tốt đối với tôi. Ngày tôi đậu bằng Trung học, ông là người duy nhất có quà tặng tôi. Hai ông bà gửi cho tôi một tờ năm đô la kèm theo một cái thư vắn tắt mấy hàng rất khó đọc. Thư ấy viết rằng ông bà thấy tôi đi qua nhà liên tiếp mấy năm, bất kể nắng mưa, không có chiếc áo choàng ngoài. Hai ông bà rất vui mừng thấy sự bền trí của tôi toàn thắng mọi trở lực. Có lần hai ông bà nói thẳng với tôi, nếu có con cũng mong nó có nhiều tham vọng như tôi.
 
- Này ông Jesse, bấy nay ông cũng biết cảm tình của vợ chồng tôi đối với ông như thế nào. – Ông Hinton nói rất dịu dàng khi bước vào văn phòng tôi. Vì thế tôi thấy cần đến đây nói thẳng với ông vài chuyện.
 
- Có chuyện gì sai lệch trong trường này chăng ?
 
- Không phải thế. Đây là chuyện về ông.
 
- Chuyện về tôi ?
 
- Phải. Tôi đã bàn soạn với nhà tôi trước khi tới gặp ông. Vấn đề hơi tế nhị, tôi đã định thôi không nói nữa. Nhưng ông biết đấy, chúng tôi vẫn có ý coi ông như người trong nhà.
 
- Ông làm tôi băn khoăn quá.
 
- Tôi có hai việc muốn nói. Ông ghé miệng gần mặt tôi, nói nho nhỏ như sợ người ta nghe thấy. Việc thứ nhất là lối ăn mặc của ông.
 
- Lối ăn mặc của tôi ? Người ta phê bình ra sao ?
 
- Ông hãy nhìn gấu quần của ông xem.
 
Tôi kéo chân ra khỏi gầm bàn, nhìn kỹ chẳng thấy gì. Ông nói có lẽ phòng này không đủ ánh sáng và đi đến bên cửa sổ, kéo tấm mành lên. Ánh nắng chiếu ùa vào.
 
- Đấy, ông nhìn lại ống quần ông mà xem. Phía dưới có màu khác hẳn, đó là màu vàng xanh như thể ông nhuộm vậy.
 
- Ừ nhỉ. Ông nói đúng. Nhưng phải có ánh nắng rọi vào mới thấy được. Dầu sao cũng không phải là tôi nhuộm.
 
- Cả thành phố Landsburgh đều nói rằng ông đã nhuộm phía dưới ống quần, vì quần cũ rồi, cái quần không đi đôi với cái áo được nữa. Ông thừa biết ở đây người ta hay để ý đến áo quần kẻ khác…
 
- A ! Tôi biết rồi. Đây là vết các nhụy hoa. Buổi mai, tôi ra đi rất sớm, ống quần quẹt vào cỏ cây đầy sương sớm và thêm nhụy hoa nữa. Nhưng phải có cặp mắt cú vọ mới thấy được.
 
- Ông lạ gì bọn học trò nữa, có gì qua được tai mắt chúng đâu. Những việc chẳng ra gì chúng cũng kháo nhau rồi về nhà nói lại với phụ huynh, thế là tất cả mọi người đều biết.
 
- Đây là lần đầu một việc như thế này làm bận tâm tôi.
 
- Việc thứ hai, theo luật lệ địa phương, khi tới dạy ở Landsburgh thì phải cư trú tại chỗ. Điều này có lẽ ông không rõ khi nhận chức vụ này. Đối với Hội đồng chúng tôi, đó là một vấn đề nguyên tắc cần được tôn trọng.
 
Tôi ngồi im suy nghĩ. Ông Hinton cười thân mật, nói tiếp :
 
- Ông nghĩ coi, nếu ông cư ngụ tai đây, vấn đề thứ nhất đương nhiên được giải quyết. Dọc đường phố của chúng tôi làm gì có cỏ dại. Ống quần ông sẽ không có vẻ như được nhúng vào thuốc nhuộm nữa, y phục lúc nào cũng tươm tất.
 
- Nhất thiết phải ở lại thành phố này hả ông ?
 
- Jesse ơi, nhất định như thế đó.
 
- Nếu giáo sư Will Hadden có thể trả 40 đô la tiền ăn và ở tại khách sạn, trong khi lương tiền ít hơn tôi, không lẽ tôi lại không thể chi tiền như ông sao ?
 
- Jesse, tôi rất khổ tâm phải đề cập đến những chuyện mới rồi, đến những lời dị nghị ; nhưng Hội đồng cho rằng chỉ có tôi dễ nói chuyện với Jesse, vì cảm tình sẵn có bấy nay.
 
- Ông chỉ làm nhiệm vụ của ông là Hội viên Hội đồng Giáo dục. Tôi có dám phiền trách gì đâu. Để thứ hai tới, tôi sẽ dọn về ở luôn đây.
 
- Thế thì tốt quá. Họ hết nói vào, nói ra.
 
*
 
Căn phòng của tôi tại khách sạn Landsburgh nhìn thẳng ra phố chính của thị trấn này. Phòng ở lầu cao, tầm mắt của tôi vượt quá các mái nhà quanh đó, và chỉ bị chận ngang bởi dãy núi cao án ngữ ở phía Nam thành phố. Từ cửa sổ phòng tôi có thể nhìn rõ gần hết con đường lớn và hết các ngã ba, ngã tư giao điểm với các phố khác. Tôi chọn phòng này vì rộng rãi mát mẻ và sáng sủa hơn nhiều phòng khác. Ngay đêm đầu, sau khi ăn tối, tôi tản bộ quanh các phố. Tôi phải đáp lễ nhiều người khi họ chào tôi. Phần đông là phụ huynh học sinh, hoặc do các học sinh. Họ cũng đi dạo phố như tôi. Trở về khách sạn, tôi lo soạn bài ngày mai và tắt đèn đi ngủ sớm. Nhưng đâu có ngủ được. Không phải vì quen với sự im lặng nơi quê tôi mà bây giờ không ngủ được. Mới đây, khi tu nghiệp tại Peabody , tôi ở trọ tại trung tâm thành phố Nashville . Suốt đêm có tiếng tàu điện nghiến trên đường sắt và tiếng xe hơi rồ máy chạy như bay. Ở đây không có những tiếng động ồn ào ấy, nhưng tiếng nói, tiếng cười vang vọng từ đường phố đưa lên, khiến tôi không ngủ được. Trong tiếng nói vọng lên, có những giọng quen thuộc. Tôi ngồi dậy đến dựa bên cửa sổ. Lúc đó gần nửa đêm rồi, đèn điện hai bên đường sáng choang, ai đi lại dưới đó tôi đều thấy rõ.
 
Mặc dầu đêm đã quá khuya, một số học sinh nam nữ trường tôi vẫn còn bát phố, cười đùa inh ỏi. Tôi nhận diện được một số học sinh chuyên môn tới trễ và học hành chẳng ra làm sao. Cha mẹ chúng đã chỉ trích chúng tôi là quá nghiêm khắc với con em họ khi chúng đã kém điểm. Có người dám nói rằng tôi và phân nửa giáo sư trong trường đáng được thải hồi. Trong khi đó, chính họ không làm tròn trách nhiệm cha mẹ, để con lêu lổng như vậy. Chúng còn quần tam tụ ngũ lén lút cùng nhau uống rượu. Tôi nghe nói đến một người chuyên sống về nghề bán rượu lậu ; vậy mà từ trước đến giờ không hề gặp sự khó khăn nào, bất kể người của Đảng nào nắm quyền. Hôm nay chính mắt tôi trông thấy ông ta từ đầu phố đi lại. Trời không lạnh, nhưng ông vẫn khoác chiếc áo ngoài sù sù, bước đi chầm chậm, ông dừng lại nói chuyện với người này, người kia vài ba phút. Mấy hôm sau tôi mới được biết phía trong áo ấy có nhiều túi lắm, mỗi túi đựng một chai uýt ki cỡ nửa lít và phần tư lít ; như thế lúc đi lại chai nọ không va vào chai kia được.
 
Vấn đề thật tế nhị và nghiêm trọng, nhưng tôi không thể giải quyết một mình được vì nó vượt quá phạm vi học đường. Đó là một vấn đề của thành phố, của quận và của cả tiểu bang nữa. Tôi không có thẩm quyền để xía vô những vụ to lớn như vậy, chỉ có thể hạn chế phần nào ảnh hưởng tai hại đối với học sinh mà thôi. Bây giờ phải làm sao đây ? Đề cập cách nào để dân chúng ở đây đỡ chạm tự ái, cho họ khỏi chống đối ra mặt ? Cuộc sống vật chất và tinh thần cùng sự tiến bộ của nhà trường chịu ảnh hưởng trực tiếp của đời sống ngoài xã hội. Muốn cứu vãn tình thế này, cần có sự cộng tác của các đoàn thể và hiệp hội sẵn có ở địa phương, một người làm gì được.
 
*
 
Theo tôi, Hội Phụ Huynh học sinh là tổ chức có thể hành động hữu hiệu trong vấn đề này. Tiếc rằng tổ chức ấy không được mạnh. Phụ huynh học sinh ở các nơi xa không gia nhập hội và cũng chẳng bao giờ tới họp bàn điều gì, vì thiếu phương tiện xê dịch. Lâu nay hoạt động của Hội chỉ có tính cách giao tế. Thỉnh thoảng phụ huynh và các giáo chức họp mặt, nói chuyện gẫu bên chén trà và mấy chiếc bánh ngọt, thế thôi. Tôi muốn Hội hoạt động tích cực hơn để xây dựng cho cộng đồng, cho học đường. Khốn thay các ông lại biếng đi họp, tôi biết nói thế nào với các bà mà chồng họ phần đông cũng đầy tật xấu.
 
Tôi băn khoăn lo nghĩ đã mấy ngày chưa tìm ra giải pháp, may sao cơ hội tự dẫn đến. Lệ của chúng tôi là mỗi buổi trưa có hai giáo sư ở lại trường trông chừng học sinh, còn mấy người kia xuống phố ăn cơm. Hôm đó đến phiên tôi và Watson. Tôi lững thững đi quanh trường và ra phía sân thể dục. Vừa tới góc rào, tôi thấy một đám lối mấy chục học sinh đứng bu quanh một chỗ, nhìn cái gì đó rất chăm chú. Tôi lại gần, chẳng ai hay biết. Tôi gạt đám đông nhìn vào thì hỡi ôi, bốn cậu đang ngồi đánh xì dách trên một chiếc áo choàng trải trên cỏ. Một cậu là con vị Mục sư, cậu kia là con một ông giáo làng còn hai cậu là con các thương gia trong phố. Tôi thản nhiên hất hàm hỏi chúng :
 
- Sao, em nào ăn đó ?
 
Cả bốn cậu đỏ mặt tía tai, không nói nên lời. Còn đám đứng ngoài vội vàng lảng hết. Tôi chậm rãi bỏ đi, không tịch thu cỗ bài hay tiền tang gì cả. Bốn cậu lo sợ và yên trí là chiều đó thế nào cũng bị tôi gọi lên văn phòng. Nhưng không. Thói quen cờ bạc rượu chè đã tiêm nhiễm vào phần lớn học sinh rồi, bệnh quỷ phải có thuốc tiên, tôi không thể chỉ khiển trách như thường lệ được. Tôi tin rằng vụ tôi bắt tại trận 4 học sinh đánh bài sẽ loan truyền đi khắp nơi, qua cửa miệng của mấy chục tên tò mò hay đứng chầu rìa. Uy tín nhà trường sẽ bị tổn thương.
 
Người đầu tiên hỏi tôi về vụ trên là bà Hunter, vợ ông Mục sư. Bà muốn biết tôi trừng phạt con bà như thế nào. Tôi nói lấp lửng là chưa có ý định dứt khoát và chưa chừng tôi sẽ bỏ qua. Bà ta kinh ngạc, mắt nhìn tôi như nảy lửa.
 
- Thế nào ? Ông chấp nhận cho học sinh bài bạc ư ?
 
- Đâu phải thế.
 
- Vậy tại sao ông không làm gì cả ?
 
Tôi im lặng không trả lời. Dụng ý của tôi để bà tức giận và đem cuộc đối thoại ngắn ngủi này đi rao truyền ở nhiều nơi. Y như rằng. Hôm sau mấy bà mẹ của ba trò kia đến tìm tôi để biết rõ thái độ tôi thế nào. Tôi cũng trả lời rất mơ hồ và để mấy bà bàn luận với nhau. Cuối cùng, mấy bà đều kết luận là tôi dung túng cờ bạc trong trường. Và vấn đề ấy được ghi vào chương trình nghị sự của cuộc họp phụ huynh sắp tới.
 
Mấy em chơi bài vừa buồn vừa lo, mấy lần lên tìm tôi để tạ tội và xin cho biết biện pháp kỷ luật sẽ áp dụng. Tôi bảo mấy em cứ về học. Chúng không hiểu tôi đang trừng phạt nặng nề bằng cách kéo dài sự lo âu của chúng.
 
Buổi họp của Hội Phụ Huynh kỳ ấy có vẻ thật khác thường. Ai nấy đều có vẻ đăm chiêu, không còn nói cười bả lả như trước nữa. Chính ông Mục sư và nhiều ông thân sinh của học trò tới dự cùng các bà vợ. Bà Albert Davis, Hội Trưởng của hội, giải quyết mau lẹ các việc thường xuyên rồi dõng dạc cất tiếng nói :
 
- Thưa quí vị, một sự kiện mới xảy ra trong trường Trung học của chúng ta, nó làm cho các bậc cha mẹ phải lo phiền và cần được đem ra mổ xẻ hôm nay. Tất cả bà con trong thành phố đều xúc động khi hay tin ở trường có những cuộc đỏ đen. Bốn học sinh bị bắt quả tang chơi bài, thế mà không một em nào bị trừng phạt. Vậy xin mời ông Hiệu trưởng Stuart cho biết rõ về vụ này.
 
Được mời phát biểu, tôi đứng lên nhìn thẳng cử toạ :
 
- “Tôi rất vui mừng được dịp lên tiếng nơi đây, vì tôi có nhiều điều cần được trình bày với quý vị phụ huynh học sinh. Trước hết tôi xin giải thích tại sao không phạt các trò bài bạc. Tôi cho rằng có trừng phạt các em cũng vô ích, trong khi nhiều cám dỗ còn tồn tại ở thị trấn này”.
 
Tôi nói tiếp vì lẽ gì tôi tới mướn phòng trọ tại khách sạn và tình cờ thấy rõ nếp sống bất bình thường của một số con em họ. Tôi bảo ai không tin lời tôi, xin cứ lên phòng tôi mà xem. Tôi hỏi lại các phụ huynh có biết con em họ lêu lổng ngoài đường phố như thế chăng ? Và họ có biết đến mấy giờ sáng chúng mới về nhà không ? Các bà thì thầm với nhau, nhiều bà đỏ mặt không dám nhìn tôi nữa. Tôi nói tiếp đã thấy các em ấy mua rượu uýt ky lậu để uống. Trước đây, trong một cuộc đua ghe, có mấy em say khướt khiến nhà trường cũng mang tiếng mang tăm. Tẩy trừ sự cám dỗ của rượu nồng, riêng các giáo sư không sao làm được. Đó là nhiệm vụ của phụ huynh học sinh phải tìm cách ngăn chận việc buôn bán rượu lậu.
 
- “Trong nhiều gia đình ở Landsburgh người ta vẫn chơi bài. Người ta sát phạt nhau vì tiền trước mặt các trẻ nhỏ. Trong các cuộc tranh đấu túc cầu, biết bao nhiêu vị ăn bận rất sang trọng, tay cầm bó bạc, lăng xăng lui tới ở ngoài đường biên để cá nhau về sự thắng bại của trận cầu. Người ta dám bỏ ra năm bảy mươi đô la để đánh cá. Vậy chính các phụ huynh ấy phải sửa đổi nếp sống của mình, để đừng nêu gương xấu cho con em nữa. Khi ấy mới có thể ngăn cấm học sinh bài bạc. Tôi xin cảm ơn bà Hội Trưởng đã đề cập đến vấn đề này. Nhân dịp này, tôi cũng xin nhờ quý vị khuyến cáo cái ông chuyên bán rượu lậu đừng bán cho bọn trẻ nữa”.
 
“Cuối cùng tôi xin thưa rằng Trường học của chúng tôi không thể sống biệt lập trong vòng rào được. Chúng tôi tùy thuộc rất nhiều vào quý vị. Tất cả đồng bào trong thị trấn này, dù đàn ông hay đàn bà, già cả hay trai trẻ đều có trách nhiệm với ngôi trường này. Cách cư xử, lối sống của quý vị ở trong nhà hay ngoài đường phố sẽ được phản ảnh trong đời sống của học đường. Quý vị có thể giúp đỡ hoặc gây tai hại rất lớn cho nhà trường”.
 
Nhờ cuộc họp sôi nổi ấy, nhiều vấn đề của thành phố được giải quyết. Người ta không thấy mấy ông nhà giàu đi rảo quanh sân banh để đánh cá như trước. Các tiệm khiêu vũ cũng đóng cửa từ 9 giờ đêm, vì Hội Đồng thành phố đã cho ban hành lệnh giới nghiêm và sau giờ đó học sinh nam nữ không được lảng vảng ngoài đường. Không có thanh thiếu niên nào bị bắt về tội uống rượu nữa. Thế là nhà trường đã khiến dân chúng địa phương tự động thay đổi lề lối sinh hoạt. Chỉ hơn một tháng sau, phụ huynh học sinh đã thấy rõ kết quả tốt đẹp của sự cộng tác mật thiết giữa gia đình và học đường. Những em thường bị ăn “trứng gà” nay học hành đã khả quan. Những vụ đi trễ hay vắng mặt không lý do giảm đi đến 80 phần trăm. Trách nhiệm của giáo sư nhẹ hẳn đi. Học sinh lười biếng trước kia, nay có vẻ ham học hơn và yêu mến nhà trường.
 
*
 
Cô Helen Kirsten là giáo sư duy nhất không phải quê quán ở Kentucky . Cô sinh trưởng ở Nữu Ước và học hành từ bé tới lớn tại đó. Cô chỉ rời thành phố hoa lệ và vĩ đại ấy để về quê tôi dạy học. Muốn thích nghi với đời sống đơn giản của một thị trấn vùng quê, cô Kirsten đã hy sinh nhiều tiện nghi và thú vui, mà nào chúng tôi có hay.
 
Buổi đầu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì cô khác hẳn chúng tôi về nhiều phương diện : giọng nói, cách diễn tả, sở học và quan niệm giáo dục. Cô rất khó tính, không bao giờ nhân nhượng với ai cũng như đối với chính mình. Cô phụ trách môn Anh văn lớp 9 tôi chưa hề thấy cô vớt điểm cho trò nào, dù chỉ một điểm thôi. Ngày nào cô cũng đến trường sớm nhất và ra về sau chót. Trong các cuộc họp cô chỉ ngồi nghe, nhưng khi được yêu cầu cho biết ý kiến thì không khi nào cô tỏ ra lúng túng và ý cô thật độc đáo. Cô được chỉ định thêm chức vụ quản thủ thư viện. Công việc thật là bộn bề, nhưng chẳng ai thấy cô hé răng than phiền điều gì. Cô chỉ nói với tôi mấy câu :
 
- Ông Stuart ơi ! Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm tròn cả hai trách vụ của tôi. Ông đừng băn khoăn nữa. Ráng chờ đợi ít tuần rồi ông sẽ thấy.
 
Cô đã dành hai tuần để tuyển lựa một số học sinh có thiện chí, huấn luyện cho biết cách trông coi thư viện. Sau đó, mỗi buổi học có hai em luân phiên thường trực để cho mượn sách. Những lúc ra chơi, cô đến thư viện giải quyết những trường hợp hơi gút mắc. Nhờ cách tổ chức cùng sự tận tâm của cô và các em học sinh nói trên, suốt niên học, trường tôi không mất cuốn sách nào.
 
Tuy không phải người địa phương, cô Kirsten đã hoà mình với chúng tôi rất mau chóng. Chúng tôi đã hiểu cô và hai bên thông cảm nhau khá dễ dàng. Riêng cô rất chú trọng đến lối phát âm của chúng tôi và tìm hiểu các thổ ngữ. Trong một lúc tâm sự với một nữ giáo sư người địa phương, cô đã không tiếc lời khen ngợi giọng nói vùng này. Cô cho rằng giọng nói ở đây không quá dịu dàng và cũng không trúc trắc. Người ta chỉ nhấn mạnh vào các tiếp đầu ngữ và chẳng bao giờ phát ra âm sau cùng. Người ta nói như bình thơ, vui tai lạ lùng. Về phần dân chúng địa phương, họ cũng thương mến cô lắm. Rất ít khi gặp mặt cô ở thành phố trong mấy ngày nghỉ cuối tuần. Phần nhiều cô được học sinh vùng núi mời cô về chơi nhà các em, để cha mẹ có dịp làm quen với cô con gái thị thành mảnh mai và đẹp đẽ ấy. Những ngày ấy, cô giáo sư người Nữu Ước được sống gần gũi những nông dân, những tiều phu lam lũ cần cù, giữa những nếp nhà bằng cây ván, không có điện toại, không có điện khí và nhất là không có cả cái buồng tắm rất là thiết yếu. Nhưng trái lại, cô được dịp nhìn tận mắt người ta hái bắp, nhổ khoai, ép mật hay hạ cây rừng cao lớn kềnh càng như thế nào. Cô được dịp quan sát nếp sinh hoạt của những người tự đặt ra những vũ điệu, những bài ca hay những trò vui để giải trí với nhau.
 
Cô Kirsten, xuất thân từ một vùng hết sức khác biệt với địa phương này, đã làm cho trường tôi thêm phong phú do sự hiện diện của cô. Vì vậy tôi thiển nghĩ, các trường ở Hoa Kỳ nên trao đổi giáo sư với nhau. Nhờ thế, tầm mắt của học sinh sẽ được mở rộng, việc đào luyện các em sẽ tốt đẹp vững vàng hơn. Thành phần ban giảng huấn mà gồm những giáo sư ở nhiều vùng khác nhau là một điều hay. Nếu giáo sư cùng là người địa phương với nhau, sự nghèo nàn về tinh thần khó tránh được, nếu tình trạng kéo dài. Với sự góp mặt của những nhân vật tiêu biểu cho nhiều địa phương, cương nhu khác nhau, tư tưởng khác nhau, truyền thống khác nhau, tất nhiên sự kết hợp ấy phải sinh động và cấu tạo ra nhiều mới lạ.
 
*
 
Vào khoảng đầu xuân, chúng tôi hướng dẫn những học sinh ưu tú lên tỉnh AUCKLAND dự cuộc thi tuyển toàn Tiểu Bang. Cuộc tranh tài rất gay go vì có nhiều trường tham dự, trong số có những trường lớn hơn trường tôi gấp bốn năm lần. Nhưng chúng tôi vẫn có Budge Waters đứng đầu hàng “xung kích tiền phong”. Nhờ được cha mẹ tôi nuôi dưỡng, nên Budge vẫn tiếp tục học ở đây. Mỗi khi sắm quần áo mới cho thằng James, em tôi, mẹ tôi lại mua thêm một bộ cho Budge. Vả lại ngoài Budge Waters, trường chúng tôi còn nhiều học sinh ưu tú khác. Kết quả cuộc thi tuyển thật là mỹ mãn. Budge chiếm ngao đầu về ba môn hắn dự thi. Có hai em khác đoạt thêm hai giải nhất. Ngoài ra các em kia chiếm được non chục giải nhì, ba và bốn. Tổng kết, chúng tôi đứng đầu toàn tỉnh, vượt xa các địch thủ và được liệt vào hạng trường danh tiếng nhất của Tiểu bang.
 

VÕ TOÀN                    
lược dịch                     
 
(Theo bản Pháp văn của Claude Lévy)

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

PHẦN THỨ HAI_THẦY GIÁO LÀNG

 
PHẦN THỨ HAI
 
BÍ QUYẾT ĐỂ THÀNH CÔNG
 
 
- Ba má rất hãnh diện vì con, Jesse à. Mẹ tôi nói vậy, khi thấy tôi từ trường Đại Học trở về bằng lối quá giang xe. Ba má hãnh diện có người con đậu bằng Đại Học. Ông Larry Anderson, vị Thanh tra học chính mới của quận, đang đợi con đó. Ông có một nhiệm sở hay hay dành cho con.
 
Năm năm đã trôi qua kể từ khi tôi về dạy học ở Lonesome. Năm năm khá vất vả : Trước hết tôi phải học cho xong niên học chót của tôi ở trường Trung học Landsburgh. Kế đó, tôi tới làm việc tại xưởng máy dát kim loại ở Auckland một năm. Mới vào chỉ là lao công, sau đó tôi trở thành thợ rèn. Ba năm cuối, tôi dành riêng để học cho hết chương trình Đại học. Tôi đã đậu bằng Cử nhân tại Đại học đường Lincoln Memorial, nơi mà tôi chưa hề theo học một khoá sư phạm nào. Tôi muốn là người đầu tiên trong gia tộc tốt nghiệp Đại học, sau khi học đầy đủ chương trình. Tôi không có ý muốn trở lại làm nghề giáo viên thôn ấp nữa.
 
Thực vậy, tôi đã rời khỏi xưởng Auckland với ý định sẽ trở lại đó làm nghề thợ rèn. Nhờ có nghề ấy, tôi sẽ lãnh 7 đô la một ngày, sánh với Bill Coffee thì còn thua xa ; nhưng với bằng cấp của tôi vẫn có hy vọng tự tạo cho mình địa vị khả quan trong xí nghiệp. Tôi đã đọc một câu chuyện tương tự trong một tờ báo : Một người bắt đầu là lao công, sau trở thành một vị chủ tịch một xưởng thép lớn. Tại sao tôi lại không làm được như thế ? Tôi sẽ về làm ở xưởng máy Auckland và, thay vì mua chiếc xe quá lớn để chạy trên những con đường ngoằn ngoèo, tôi sẽ dùng tiền lương để đầu tư vào xí nghiệp.
 
Tôi đã lấy quyết định ấy trong đêm vào ngủ trong một nhà thờ. Tôi theo con đường lớn trở về nhà, bỗng cơn giông ập xuống. Những tia chớp sáng ngời và tiếng sấm vang động trong những đám mây đen rất thấp. Trời đột nhiên tối sầm ngay lại. Tôi đã xin vào trú đêm ở nhiều nhà, nhưng đều bị từ chối. Tôi phải tiếp tục đi trong mưa khá lâu. Nhưng rồi tôi thấy cái nhà thờ khi một tia chớp loé lên. Cửa thánh đường không khoá, tôi đi thẳng vào. Những tia chớp kế tiếp cho thấy một cái mền phủ trên chiếc quản cầm. Tôi rút lấy chăn ấy. Nằm dài trên chiếc ghế gỗ, quấn kín trong chiếc mền tạm bợ ấy, tôi mở mắt nhìn những làn chớp sáng rực cả nền trời bên ngoài giáo đường cổ kính. Tôi nằm suy nghĩ về bước đường tương lai của mình. Nhất định không làm nghề gõ đầu trẻ nữa. Tôi sẽ trở lại xưởng thép ở Auckland có sẵn việc làm dành cho tôi. Thời kỳ ấy nước Mỹ đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nên đối với một thanh niên có tham vọng muốn làm việc và muốn thành công có thể nói rằng những cơ hội tốt chẳng thiếu gì. Với kinh nghiệm bản thân, tôi biết chắc như vậy.
 
Sau khi bị hai trường Đại học từ chối ghi tên, tôi đã quá giang xe đi tới một trường Đại học nhỏ chưa từng nghe nói tới. Tôi chỉ còn tất cả 29 đô la trong túi, nhưng tôi vẫn tin rằng thế nào cũng có trường chấp nhận cho tôi vào học. Cái trường Đại học ấy do cố Tổng thống Lincoln yêu cầu Tướng Howard thiết lập cho con dân xứ sở của ông. Tôi phải làm việc lao động để trả học phí. Với những việc làm 27 xu một giờ, tôi mua sách vở, áo quần, trả tiền học và cơm trọ. Thời gian học nơi đây, tôi đã làm đủ mọi việc : nào là công tác dẫn nước từ núi về, quét dọn những lỗ  ga và miệng cống, xén cỏ trên các sân và vườn rộng lớn quanh Đại học cho tận các góc kẹt. Tôi đã làm việc tại các trang trại, các lò làm sữa, rửa chén bát, phân phát thơ tín và đặc biệt trọn một năm chuyên rửa chén đĩa và lau chùi xoong chảo. Tôi đã ghi tên để học nửa ngày thôi. Tôi đã đi làm đá và xung vào đoàn thợ làm việc nặng. Chúng tôi làm cho nổ văng ra những tảng đá lớn, bên dưới cánh rừng bách hương của thung lũng Powell, kế đó mới đập vỡ ra bằng búa tạ. Sau đó mới đập nhỏ để giao cho sở kiều lộ Tennessee . Hầu như không có việc gì tôi không làm qua, khi tòng học tại Đại học đường Lincoln Memorial. Sự giúp đỡ tài chánh duy nhất trong những năm ấy là hai tờ một đô la mẹ tôi gửi cho. Từ giã Lincoln Memorial, quá giang xe về tới nhà, tôi chỉ còn mười đô la trong túi, nhưng thiếu nhà trường những một trăm. Tuy vậy tôi đã lấy được mảnh bằng với điểm số nhiều hơn số điểm để đậu “Bình”.
 
*
 
Sáng thứ hai, ông Larry Anderson mở cửa để vào văn phòng đã thấy tôi ngồi chờ.
 
- Chắc ông là Jesse Stuart phải không ? Ông hỏi và chìa tay cho tôi.
 
- Thưa ông thanh tra, chính tôi.
 
- Vào đây. Tôi có nói chuyện với ông cụ nhà ta về ông. Có một chỗ hay lắm. Tôi cho rằng nơi đó rất thích hợp với ông. Ông cũng biết đấy, ở miền Đông quận nhà hiện có một hệ thống xe buýt để chuyên chở học sinh đến trường Trung học Landsburgh. Một hệ thống khác ở miền Tây thì phục vụ cho trường Maxwell. Tuy vậy, toàn quận chỉ có hơn 50 cây số đường cái xe buýt chạy được còn bao nhiêu đều là đường rất nhỏ hẹp. Vì vậy vẫn còn những vùng rộng lớn thiếu phương tiện giao thông. Học sinh các nơi này không thể nào học lên, sau khi qua hết các lớp tiểu học, trừ phi cha mẹ chúng đủ khả năng cho con em ở trọ gần các trường Trung học hiện hữu. Vì lẽ ấy, tôi đã thiết lập ba trường Trung học hương thôn trong các vùng trên. Tôi muốn ông phụ trách trường Winston. Vì học trò không có điều kiện tới trường thì ta phái giáo sư tới chúng nó.
 
- Trường Winston sẽ có thêm những giáo sư nào ?
 
- Không có ai khác, chỉ có ông thôi. Ông sẽ có mười bốn học sinh và lương tháng 100 đô la.
 
Tôi suy nghĩ một lát. Ngày học ở Trung học Landsburgh tôi ghét nhất các môn La Tinh, đại số và hình học. Có hôm tôi đã dám nói với ông Hiệu trưởng Herbert là mấy môn ấy không nên coi là những môn bắt buộc. Lẽ ra không nên dạy các môn ấy, vì tôi cho rằng sẽ chẳng bao giờ giúp ích gì cho cá nhân tôi. Ông bảo tôi những gì học ở bậc trung học sẽ có ích lợi về sau…
 
- Xin ông cho biết tôi phải dạy những môn gì tại Winston ?
 
- Các môn đại số, hình học, sử ký, tiếng La tinh và tiếng Anh.
 
- Tôi ngại không đủ khả năng để dạy môn đại số.
 
- Nhưng ở Đại học, ông có những điểm số rất tốt về môn ấy kia mà. Tôi có bổn nhì học bạ của ông đây. Vì vậy tôi muốn ông nhận nhiệm sở ấy.
 
Tôi không dám nói cho ông biết, tại Lincoln Memorial, tôi ở chung phòng với M.D. Gardner, người đã đoạt giải thưởng 25 đô la dành cho sinh viên xuất sắc nhất về toán học. Chính Gardner làm bài đại số cho tôi, còn tôi phải viết bài bình giảng cho anh.
 
- Thôi được, tôi nhận về dạy ở Winston.
 
*
 
Chiều thứ bảy, đầu tháng chín, tôi đáp chuyến xe “tốc hành” đi Winston. Đây là chuyến xe chở khách và chở thư tín trong vùng. Tôi đem theo một va li lớn đựng quần áo và những học cụ dành cho trường. Xe chật ních những hành khách : đàn bà ngồi lên đùi chồng, con cái ngồi dưới sàn xe hay trên các bao thư. Trên đầu chúng tôi có mui xe che nắng, nhưng hai bên hông không có gì che gió và cản bụi, mà bụi thì cuồn cuộn bốc lên từ phía sau xe như những đám mây mù. Vì vậy, khi xe chạy chậm, bụi quật lại khiến hành khách muốn nghẹt thở. Chúng tôi vẫn di chuyển trên con đường khuất khúc như thời trước người ta đi bằng xe bốn ngựa. Sau khi men theo sông Sandy , leo đèo Raccon, vượt qua rặng núi, chúng tôi đi xuống thung lũng Hinton. Hết xuống lại lên, phải vượt qua một quả núi nữa mới tới Winston. Xe dừng trước một cửa tiệm tạp hoá kiêm bưu trạm. Tôi tìm ngay đến nhà ông Baylor, một ngôi nhà lớn sơn trắng, nơi tôi đến ở trọ. Đưa tôi lên xem pòng dành riêng cho tôi rồi, Snookie và Robin Taylor, hai đệ tử tương lai cùng tôi đi tới trường. Tới nơi, tôi không thể ngờ được ngôi nhà nhỏ hư tệ và dơ dáy kia lại là ngôi trường Trung học Winston. Nhà này trước kia là trụ sở Chi hội Tam Điểm. Hội này đã giải tán trên hai mươi năm rồi nhưng trụ sở vẫn gắng đứng vững chống chọi với nắng mưa. Mới bước vào khỏi cửa, một con dơi bay vù ra, suýt va vào đầu tôi. Trong góc cửa sổ có một ổ ong vò vẽ và mấy tổ chim. Một con chích choè hốt hoảng bay vụt ra ngoài qua một tấm kính vỡ. Ra khỏi lớp, tôi đi xem các cầu tiêu và sân chơi. Cái thung lũng này ít ra cũng ba bốn trăm mẫu, vậy mà học trò ở đây chỉ được hơn trăm thước làm sân chơi. Hai cầu tiêu nằm ở hai đầu cái sân bé nhỏ ấy. Cỏ dại mọc cao gần đến mái trường và trong cầu tiêu thì không thiếu gì hình vẽ tục tĩu. Tôi bảo Snookie trở về lấy nước, chổi, bàn chải, xà bông và cái phạng.
 
Ba thày trò bắt tay vào việc. Chúng tôi quét lớp học từ trên trần, đến mấy bức tường, cửa lớn, cửa nhỏ và nền nhà. Xong, lại ra dội rửa quét dọn mấy cầu tiêu. Tôi dùng phạng phát quang cái sân, rồi lấy cào vun đống các cây cỏ nằm la liệt khắp nơi. Với cái cuốc, chúng tôi đào bật rễ cỏ và cây lên. Thế là tất cả đều sẵn sàng để khai trường vào sáng thứ hai. Khi chúng tôi đang dọn dẹp ngoài sân, một thanh niên dáng đi õng ẹo, vẻ mặt thung dung, dừng lại ngoài đường, im lặng nhìn. Tóc nó xoã dài, mặt đầy tàn nhang, đôi mắt sáng lạ kỳ. Quần áo không đúng với khổ người nên rộng thùng thình. Thấy nó, Snookie cất tiếng :
 
- Budge, đi đâu vậy mày ?
 
- Mạnh khoẻ không bạn ?
 
- Thứ hai tới, mày có đi học không ?
 
- Nhất định là tao sẽ có mặt.
 
- Này, giáo sư của chúng ta đây, thày Stuart. Xin giới thiệu với thày, bạn Budge Waters.
 
- Vui mừng được biết em. Tôi nói.
 
Quả thật tôi chưa thấy đứa nhỏ nào như Budge. Lúc đi nó có vẻ như lấy tay bơi trong không khí. Hắn nhìn chúng tôi làm một chặp rồi bỏ đi, không nói một lời. Nó đi rồi, tôi bảo Snookie :
 
- Mới rồi em nói đùa đấy chứ ? Có thật thằng ấy sẽ tới học không ?
 
- Dạ thật mà. Sáng thứ hai hắn sẽ tới trước mọi người cho mà xem. Hắn tới từ lúc hừng đông lận.
 
- Nhà nó xa không ?
 
- Cách đây lối mười cây số.
 
- Thế ở nhà nó không phải làm gì cả hay sao ?
 
- Ồ, thưa có chứ. Ba má nó cấy bốn mẫu thuốc, lại trồng thêm bắp và mía nữa. Ông già Budge đâu có sợ việc.
 
- Có lẽ vậy, nhưng ít ra hắn cũng phải biết bây giờ là học theo bậc trung học chớ.
 
- Thày đừng ngại. Nếu thày không cẩn thận, có khi hắn sẽ giảng bài cho thày đó.
 
*
 
Sáng thứ hai, cùng đi với Snookie và Robin, tôi tới trường sớm hơn một giờ. Thế mà đã có mặt đông đủ mười hai học sinh đó rồi. Không có em nào đi chân đất và tất cả đều ăn bận đàng hoàng, ngoại trừ Budge. Tuy quần áo mới và sạch sẽ, nhưng vẫn lùng phùng trên thân thể ốm nhom của nó. Một xe hơi mới đậu gần trường, hai con ngựa đẹp cột dưới cây bạch phong. Học sinh tiến tới và tự giới thiệu. Tất cả có sáu gái và tám trai.
 
Tôi viết thời khoá biểu trên bảng cho học sinh chép. Ngày đầu, tôi cho bài làm và giảng giải sơ lược mấy bài học. Với mười bốn học sinh và năm thời dạy, mỗi thời 45 phút, tôi thấy không đến nỗi mệt. Chả bù với ngày còn dạy ở Lonesome, ngày nào cũng có gần năm mươi học sinh đủ các trình độ. Nhưng chẳng bao lâu, tôi biết ngay cái nhóm học sinh thưa thớt này làm khó cho tôi rất nhiều. Khi về dạy ở Lonesome, tôi vừa học xong ba năm Trung học, nghĩa là đi trước ba năm những học sinh cấp tám. Nhưng về phương diện văn hoá tổng quát, sự xa cách còn nhiều hơn nữa. Đối với đám học trò ở Winston, tôi có những tám năm đèn sách hơn chúng, nên khi nhận nhiệm sở này, tôi yên trí là giữa tôi và chúng, sự cách biệt về trình độ còn ghê gớm hơn.
 
Buồn thay, ngay giờ sử ký đầu tiên, tôi đã có dịp nhận thấy trò Budge còn biết nhiều hơn những điều tôi giảng giải. hắn đi ngược giòng lịch sử, nói tới các vì vua khai quốc của cổ Ai-Cập, nói rõ tên thời gian trị vì và những công trình các vị ấy đã làm. Tôi hỏi Budge có phải nó đã học môn này rồi chăng ? Hắn nói không phải học, hắn đã đọc hết tất cả các sách Trung học vào dịp nghỉ hè. Môn nào hắn thấy cũng dễ, chỉ có môn đại số là khó thôi. Muốn thử tài hắn, tôi bảo hắn đọc hai trang sử ký. Xong rồi, tôi cầm lấy cuốn sách, bảo hắn thuật lại. Hắn nói lại gần đúng từng chữ trong hai chương ấy. Tôi lật qua đoạn khác, bảo hắn đọc luôn ba trang rồi nói lại những điều hắn nhớ. hắn đọc lại một lèo như đọc bài thuộc lòng. Tôi biết có loại ký ức thị giác, bây giờ mới thấy tận mắt. Ngoài ra Budge còn có thêm trí nhớ dai kinh hồn.
 
*
 
Trong số học trò tôi, năm đứa là con nhà nông, sống nhờ hoa mầu trồng được. Billie Leonard, mỗi ngày đi mười bốn cây số tới trường trên lưng ngựa, là con một người thợ mỏ. Một đứa là con một ông giáo làng, lương tiền thiếu thốn, ngày mùa ông phải đi làm mướn. Sang hơn hết là con trai và con gái ông Phó cảnh Sát Trưởng Quận này. Trước khi được bổ nhậm vào chức vụ này, ông cũng là một dân cày. Tóm lại, phụ huynh học sinh ở đây không có người nào học cao, không ai có bằng tú tài. Đa số chỉ học xong ở trường làng rồi thôi, nhưng sự hiểu biết của họ nằm trên phương diện khác. Họ biết rõ đất đai và biết chọn thứ hoa màu thích hợp với nó. Họ là những nhà nông tài giỏi nhờ học hỏi nơi kinh nghiệm mà thôi.
 
Nhà cửa ở Tiber Valley khác xa nhà cửa ở Lonesome. Có lẽ nhờ đất đai phì nhiêu hơn và cũng vì các chủ trại ở đây biết dùng những dụng cụ và áp dụng những phương pháp canh tác tân tiến hơn. Họ coi đất đai như da thịt, như khí huyết của họ. Trước đây một trăm năm mươi năm tổ tiên họ đã tới sinh cơ lập nghiệp ở thung lũng này. Từ đó thế hệ này tới thế hệ khác kế tiếp nhau khai thác ruộng vườn, do tổ phụ để lại. Chẳng có gì thay đổi, duy có trang trại ngày một thu hẹp lại vì sự phân chia cho con cái đời nọ qua đời kia. Bây giờ không còn những trại rộng lớn như xưa, nhưng mỗi gộp đá, mỗi lùm cây, mỗi khe suối đều mang nặng bao nhiêu kỷ niệm đối với đồng bào địa phương.
 
Nhà nào ít người hoặc có kẻ ngã bịnh không gặt hái kịp thời, mấy nhà kế cận liền tới tiếp tay ngay. Họ hoà hợp và giúp đỡ lẫn nhau như vậy đó. Vùng này có bốn giáo phái và bốn thánh đường khác nhau, nhưng chẳng ai để ý xem người láng giềng đi nhà thờ nào. Đó là việc riêng của người ấy và nếu ông ta không theo phái nào cả thì cũng không ai chỉ trích. Thiên đường chỉ có một, theo đạo nào rồi cũng tới đó mà thôi. Sau kinh nghiệm não lòng ở Lonesome, tôi không ngờ lại có nơi phong tục và dân trí khác hẳn như vậy, nhất là hai nơi chỉ cách nhau trên bốn chục cây số.
 
Sau hai tuần giảng dạy, tôi thấy mình bắt đầu hiểu về đại số, hình học phẳng và cổ ngữ La Tinh. Tôi không phải băn khoăn đối với học trò nữa ; điểm chính yếu là phải tìm hiểu trước và cao hơn chúng. Công việc sẽ dễ dãi hơn và tôi không phải vất vả, nếu có nhiều sách đưa cho chúng dùng. Trường không có thư viện và chúng tôi chỉ có một cuốn tự điển và một cuốn bách khoa. Chưa hết hai tuần, chúng đã đọc hết những sách tôi đem theo cho chính tôi và chúng đòi hỏi thêm sách khác. Vì thế thứ bảy kế đó tôi phải đáp xe về nhà lấy thêm. Chu yến xe tốc hành chỉ đi đến Landsburgh, tôi phải đi bộ tám cây số để về nhà. Hôm sau nhằm chủ nhật, không có thư nên xe tốc hành không chạy. Tôi lại phải đi bộ từ nhà đến bến đò Sandry và xin quá giang xe về Winston. Đi đứng như vậy mệt lắm nhưng không thể từ nan được, vì học trò quá khao khát đọc sách.
 
Ngày đó đã có tài liệu chỉ dẫn các sách thích hợp với từng lứa tuổi, nhưng tôi không biết. Tôi nhét đầy va li những sách tôi ưa đọc của các nhà văn Tolstoi, Melville, Tchekov, Hardy, Sinclair Lewis, Emerson, Hamlin Garland, Koe v.v…
 
Sáng thứ hai, tôi đưa tất cả mớ truyện ấy cho học trò chọn lựa tùy thích. Tôi chỉ căn dặn chúng nó là sách của tôi, nên giữ gìn cẩn thận, xem xong đổi lẫn cho nhau và không xem nữa thì trả lại tôi. Budge Waters chọn ngay tập truyện dày nhất “Chiến Tranh và Hoà Bình”.
 
Mặc dầu tôi đã cung ứng cho học trò những sách và truyện ấy, chúng vẫn đeo theo tôi hỏi về đủ mọi chuyện. Tôi tiếc rằng ngày ở Trung và Đại học không siêng năng hơn nữa. Nếu ngày ấy tôi chịu khó học tất cả các bài, các môn thì bây giờ tôi đã không phải học lại, hay ôn lại những bài đã quên. Đây là lần đầu tôi thấy một đám học sinh Trung học “đột kích” giáo sư đáo để như vậy. Bình thường các vai trò phải đổi ngược lại mới đúng. Đôi khi tôi lúng túng và tự hỏi mình có trí nhớ không hay là mình chẳng hiểu biết gì hết ?
 
*
 
Khi lá cây trong thung lũng khởi sự chuyển màu, tôi dẫn học trò đi du ngoạn khá xa. Tan học là mấy thày trò thả bộ đi lên các triền núi mà cỏ cây đã khoác áo mùa thu. Chúng tôi đem theo thức ăn và đốt lửa giữa kẽ đá để nướng lại cho nóng. Leo lên tận đỉnh núi đâu phải chuyện dễ, thế mà đôi khi nữ sinh cũng xin theo. Chúng tôi ngồi trên cao vừa ăn vừa tán dóc và ngắm cảnh dưới chân mình. Những rặng núi quanh đây có nhiều đá nên ở lưng chừng rặt có một loại cây sồi trắng, một loại cây rất khoẻ lấn át tất cả các loại khác. Tuy vậy, lên gần đỉnh núi, sồi trắng phải nhường chỗ cho rừng tùng xanh um. Nhìn chung rừng tùng tạo thành một vệt xanh thẫm giữa rừng sồi lá đã ngả vàng và nền trời xanh lơ. Phía dưới nữa, thung lũng như phô trương màu sắc huy hoàng. Những tàn cây bạch dương, bạch phong vàng rợm lẫn lộn với lá cây đỏ như tiết dê của cây thù du. Trong khi lá cây phong biến thành xám xịt như đá đen thì lá liễu lốm đốm vàng thật đẹp. Trên những ruộng bắp, các đụn bắp khô trông giống như những chiếc lều trong một bản dân da đỏ. Những đồng cỏ khô mường tượng như những tấm thảm màu nâu nhạt.
 
Tiết thu, tôi thích đi dạo một mình bên bờ sông. Tôi mải mê nhìn những lá vàng, đỏ, nâu nhẹ nhàng rơi trong làn gió hiu hiu chao đi, chao lại trước khi hạ xuống mặt nước trong veo và trôi theo giòng như những chiếc thuyền bé tí teo. Một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn và lúc ấy nguồn thơ lai láng. Cũng một hôm như thế, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ cao xa, chẳng dính dấp gì đến nàng thơ mà lại có liên quan đến nghề nghiệp của tôi. Nếu tất cả các giáo chức từ thấp đến cao trong tất cả các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ, từ thành thị đến nông thôn, từ trường công đến trường tư hay trường các giáo phái, nếu tất cả đều dùng ảnh hưởng của mình để bày vẽ cho học trò họ cách sống, lối làm việc, biết vui chơi và san sẻ vui buồn với nhau, biết nuôi dưỡng những tham vọng lớn về đức hạnh cũng như về tinh thần, chắc chắn họ sẽ đào tạo cho đất nước chúng ta một thế hệ tốt đẹp vô ngần. Công cuộc vĩ đại này từ trước đến nay chưa có ai nói, chưa có ai làm. Công cuộc ấy phải bắt đầu từ đơn vị bé nhất, thấp nhất. Mỗi nhà giáo có một vai trò, một sứ mạng riêng. Với uy tín cá nhân, với ảnh hưởng trực tiếp đối với học trò, mỗi vị đều có trách nhiệm trước vận mạng xứ sở. Không có nghề nào phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn nghề “gõ đầu trẻ”. Tất cả các nghề khác đều bắt nguồn từ kết quả của ngành giáo huấn.
 
Như vậy, cái nghề cao đẹp ấy chứa đựng các giải pháp cho bao nhiêu vấn đề phúc tạp của quốc gia và xã hội. Vai trò của giáo chức là giúp giải quyết những khó khăn ấy. Chính các vị ấy phải khích lệ học trò mình vươn lên, làm những việc lớn với tất cả khả năng hiểu biết và nhất là với tất cả tấm lòng. Học đường phải là nơi chuẩn bị cho học sinh đối phó với mọi vấn đề của nhân loại. Học đường phải tiếp tay để sửa chữa những tệ đoan xã hội. Học đường phải hướng dẫn các thế hệ tương lai cho họ biết sống sung sướng hơn trong hoà bình, trong tình huynh đệ, trong niềm vui lành mạnh… Tôi miên man suy nghĩ, trong khi thơ thẩn bước đều, mắt mơ màng ngắm cảnh chiều buồn cuối thu. Mặc dầu có bổn phận đào tạo mười bốn công dân tương lai Hoa Kỳ, mà lương tháng không bằng một anh thợ rèn vô học, thâm tâm tôi vẫn tự hào mình là một phần tử của cái ngành hoạt động đẹp nhất trong nhân loại.
 
*
 
Tôi đã quyết định trở về nhà. Tôi phải lấy thêm nhiều cuốn thơ, tiểu thuyết, khảo luận cho học trò và tiện thể đến gặp ông Thanh Tra Anderson. Buổi chiều, tan học, tôi về ngay nhà trọ ăn uống qua loa lấy sức và sửa soạn va li. Chưa phải quá muộn, nhưng trời tháng chạp xám xịt đè nặng lên thung lũng. Một lớp tuyết khá dày phủ khắp mặt đất, mái nhà. Tôi phải vượt hai mươi lăm cây số mà không có phương tiện gì khác ngoài cặp giò.
 
- Nếu thày là con tôi, Ông Baylor bảo vậy. Tôi sẽ không cho đi. Đi bộ hai mươi lăm cây số trong chiều tối như thế này thật là điên ! Tôi biết rõ đường đi hơn thày vì đã qua đó nhiều lần. Đường đi nguy hiểm đấy, nhất là khi bỏ con đường cái của Tiber Valley để băng qua ngọn núi Laurel .
 
Tôi để ngoài tai những lời cảnh cáo ấy, vì tôi là một tay đi bộ có hạng. Có lần tôi đã đi hơn năm mươi cây số trong ngày mà chẳng thấy mỏi gối hay đau chân. Bình thường tôi có thể vượt qua một cây số trong 6 phút, như vậy 25 cây số có khó đi mấy chăng nữa cũng mất lối ba giờ hoặc ba giờ rưỡi là cùng. Suy tính rồi, đúng 4 giờ chiều tôi lên đường. Một đám mây đen xì che kín các ngọn núi và hai triền đông tây của thung lũng. Gió đông thổi mạnh qua những cành trụi lá của những cây bạch phong tạo thành những tiếng vi vu. Những chim đỏ cổ nhảy từ cành này qua cành kia tiếng kêu chiêm chiếp như oán như than. Trời còn sáng rõ, nhưng biết rằng về tiết này bóng tối sẽ chóng đến, nên khi rẽ vào đường tắt, tôi leo núi thật nhanh. Tuy phải tìm lối đi qua lớp tuyết còn nguyên vẹn tôi cũng tìm ra không mấy khó khăn. Những bụi cây, gộp đá, và hàng rào là những cái mốc bất di bất dịch cho khách lữ hành khi tuyết phủ mất lối đi.Tôi đã tới cái trảng lớn, nơi người ta đốn hết cây rừng để trồng thuốc. Thế là tôi đã đi được gần nửa đường lên đỉnh núi Laurel . Nhìn đồng hồ đã hơn bốn giờ rưỡi, chậm hơn dự liệu của tôi. Càng lên cao tuyết càng dầy và càng khó đi. Trời còn sáng, vậy mà tôi đã đi lạc vào một rừng sồi rậm rạp. Tôi vội vã trở lui và chú ý hơn trong việc dò đường. Đi được lối trăm thước, tôi thấy một con cáo sắc lông đỏ hoe băng qua rừng. Chợt thấy tôi, nó cong đuôi chạy thục mạng lẩn vào mấy bụi rậm.
 
Trời tối dần, có lẽ tôi đang đi vào đám mây đen ban nãy, chớ lẽ nào mau tối như thế. Tôi đã lên gần tới đỉnh núi và đã trông thấy bờ rào kẽm gai hoen rỉ chạy dọc đỉnh núi một đỗi, rồi quẹo về triền phía bên kia. Tôi giơ đồng hồ lên xem, nhưng không còn đủ ánh sáng để thấy được vị trí mấy cây kim. Gió thổi mạnh hơn, rồi những lọn tuyết bắt đầu rơi. Có thể là bão tuyết. Bỗng nghe như có tiếng người, thật là kỳ thú. Rồi tiếng xe ngựa. Tôi suýt đâm sầm vào con bên mặt, tuy xe đã thắp đèn. Tôi nhận ra người đánh xe là ông Eif Potters. Ngạc nhiên thấy tôi lạc lõng ở đây, ông ghìm ngựa lại và hỏi tôi đi đâu trong khi xấu trời thế này. Tôi nói về nhà lấy thêm sách và lúc ra đi, mạn dưới không có mưa tuyết. Ông nói mới đi bán một lô thuốc ở Landsburgh trở về, lền gần đỉnh dãy núi Racoon, ông mới gặp bão tuyết. Ông khuyên tôi nên trở về Tiber Valley , và mời tôi lên xe bên cạnh ông. Tôi cảm ơn ông rồi quày quả ra đi. Cuộc đối thoại đã làm mất thêm năm phút. Gió bão thêm mạnh. Lọn tuyết thêm to đập vào áo khoác ngoài kêu bồm bộp. Người và xe ngựa của ông Potters đã mất hút, chỉ còn văng vẳng tiếng ông quát tháo hai con ngựa, mỗi lúc một nhỏ dần. Trên đỉnh đèo bây giờ hoàn toàn cô quạnh. Tôi vừa đi, vừa giang tay để tìm hàng rào kẽm gai, nhưng không thấy.
 
Thình lình chân tôi bước vào vũng nước, thế là hai ống quần và giày vớ ướt sạch. Tôi không bận tâm về vụ này vì nghĩ rằng mình đang đi đúng đường. Tôi lội nhầu trong nước, trong tuyết, không một phút nghỉ ngơi. Thời gian trong đêm tối dường như nó dài thêm… Con đường đổ dốc, có lẽ lối về thẳng Landsburgh cũng chẳng bao xa. Vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ, chợt thấy mình đã đi vào một ruộng bắp hồi nào. Bên cạnh tôi xù xù một đụn bắp tuyết phủ trắng xoá. Thôi, lạc lối nữa rồi. Muốn quay lại cũng không được nữa, đêm tối dường này, làm sao tìm lại được dấu chân, trong khi tuyết rơi bộn bề. Biết mình không thoát được, tôi hò ầm lên, hy vọng có người nghe được và tới giúp tôi. Đáp lại, tôi thoáng nghe có tiếng gầm gừ của một chú cáo ở phía xa xa.
 
Mới dừng chân, người còn nóng ran, mồ hôi còn chảy đầy mặt. Nhưng gió mạnh thổi liên hồi, tuyết rơi vào mặt đã thấy rát, tôi thấy cần phải hành động gấp, nếu không chẳng bao lâu sẽ chết cóng giữa trời đêm. Cho rằng một ruộng bắp gặt rồi tất phải có nhiều đụn, phải tập trung lại để lấy cái che thân. Vì e không tìm được va li nếu đặt nó xuống đất, tôi vẫn phải xách nơi tay. Tay kia sờ soạng và chẳng mấy chốc tôi đã kéo lại một chỗ cả mười đụn bắp. Tôi xoay các đầu nặng về phía gió thổi, trải ba đụn xuống đất làm giường, để hai đụn nằm dài hai bên, ba đụn khác để ở đầu giường chặn ngọn gió thổi. Mấy đụn còn lại, tôi tháo rời ra, rải thêm vào những nơi lồi lõm cho mặt giường êm hơn. Đứng trên đó, tôi tháo đôi ủng ra, cởi bỏ cả áo choàng và quần ướt. Lấy mấy cái sơ mi bẩn trong va li, tôi quấn nhanh hai bàn chân cho đỡ lạnh rồi lục hết còn cái áo quần nào là mặc đụp vào thân. Xong xuôi tôi nằm xuống, trải áo choàng lên mình và vươn tay kéo gập mấy bó bắp trên đầu để che tuyết cho tôi. Cái mái bắp tuy khá dầy nhưng nhẹ và thông hơi. Nằm dài trên cái giường tạm bợ này tôi lắng nghe tiếng chuột chạy sột soạt giữa những cây bắp quanh đây và tiếng gió thổi rào rào.
 
Không được ngủ ! Tôi tự nhủ thầm, vì ngủ quên để gió tốc mất cái mái che, ngày mai chủ ruộng ra đây chỉ còn thấy tôi biến thành cái xác chết cứng đơ. Một con cú mèo đậu trên cây không xa lắm rúc lên một hồi, kẻ yếu bóng vía có lẽ run sợ, nhưng lúc ấy tôi thấy đỡ cô đơn. Một lát sau, nhiều tiếng cú kêu đáp lại loáng thoáng từ nhiều nơi. Đây là nơi hội ngộ của loài chim ăn đêm này hay sao mà nhiều cú thế. Tôi nằm mơ màng, rồi mệt mỏi ngủ quên lúc nào không hay.
 
*
 
Khi tỉnh giấc, tôi thấy bốn bề im lặng hoàn toàn, chỉ còn tiếng chuột chạy và nghe rõ tiếng tích tắc của đồng hồ tay. Không nghe gió thổi nữa, tôi vạch mái che ra nhìn, trời cao lồng lộng và lấp lánh đầy sao. Té ra giữa đêm tuyết lạnh, tôi đã làm một giấc ngon lành trong cái giường thô sơ nhưng ấm áp này. Tôi ngồi dậy, xếp lại mấy bó bắp quanh mình như cái lều để đợi sáng.
 
Thấy trời hừng đông, tôi bỏ bớt áo quần, xếp lại vào va li và giã từ tổ ấm. Theo dấu chân tôi hôm qua đã bị tuyết xoá mờ, tôi đi ngược trở lại ngọn đèo gần một cây số mới tìm được đường đi. Từ đây nhìn xuống đã thấy thung lũng Hinton trắng xoá dưới làn tuyết phủ. Hôm nay là thứ bảy, lẽ ra giờ này đã có người qua lại đèo này, nhưng bốn bề vẫn vắng lặng, chỉ mình tôi đạp tuyết mà đi. Bây giờ tuyết đã cao bằng đôi ủng của tôi. Đi được một chập khá lâu, tôi mới gặp mấy người phu sửa đường đánh xe phá tuyết do những đôi la kéo đi ngược lên. Tới gần, họ chăm chú nhìn tôi như cười ngạo. Nhìn lại mình mới thấy rơm rác dính đầy cả áo choàng. Tôi phải dừng lại phủi sạch trước khi ghé vào cối xay của ông Gullet. Ông ngạc nhiên thấy tôi tới đây quá sớm như vậy. Tôi thuật lại ông nghe việc không may của tôi tối qua. Ông cho biết sáng sớm nay, hàn thử biểu xuống tới hai mươi lăm dưới độ không. Ông không hiểu làm sao tôi lại thay đổi được quần áo giữa cơn bão tuyết trên đỉnh núi, làm sao tôi chịu đựng được cái lạnh kinh người suốt đêm như vậy. Ông vội bỏ thêm than vào lò và lăng xăng lo pha cà phê nóng cho tôi uống.
 
*
 
9 giờ sáng hôm đó, khi ông Thanh Tra Anderson tới văn phòng ông đã thấy tôi ngồi chờ. Tôi đã giang xe chở than của một chủ trại để đi nốt quãng đường từ cối xay đến Landsburgh.
 
- Ủa ! Làm cách gì mà ông tới đây sớm thế ? Không lẽ ông đi thẳng từ Winston về đây có mấy tiếng đồng hồ ư ?
 
- Thưa không. Tôi đã ngủ đêm ở giữa đường.
 
Ông không hỏi ngủ ở đâu và tôi cũng không nói rõ, vì mục đích gặp ông không phải để kể lể việc ấy.
 
- Sao, công việc của ông tiến triển thế nào ?
 
- Theo tôi, tôi cho là khả quan. Còn người ta báo cáo với ông Thanh Tra về trường tôi như thế nào?
 
- Báo cáo tốt.
 
- Tôi vui mừng thấy việc làm của tôi được cấp trên tán thưởng. Phần riêng, tôi cũng đang học hỏi thêm. Bọn học trò tôi chúng bắt tôi phải học gắt lắm, chẳng khác gì tôi thôi thúc chúng.
 
Ông Thanh Tra tưởng tôi nói đùa, cười phá lên. Tôi vội xác nhận.
 
- Điều tôi vừa trình bày đúng với sự thật, không phải chuyện khôi hài. Bây giờ tôi còn học dữ hơn ngày ở Trung học và Đại học.
 
Ông ta vẫn cười, cười sằng sặc, rất lớn, có lẽ ở ngoài hành lang cũng nghe được. Ông cố nhịn, bảo tôi :
 
- Hình như ông biết rằng không gì khoẻ người hơn là sớm mai đã được cười no nê như thế này.
 
- Thưa ông Thanh Tra, tôi không dám nói đùa đâu. Giảng dạy cho mười bốn học trò ở Winston là việc rất khó khăn cho tôi. Không có trò nào thuộc hạng xoàng. Chỉ có hai trò hạng trung bình, tuy nhiên, không có bài làm nào khiến chúng phải bó tay. Trong số học trò tôi có một em đúng là một thiên tài. Em ấy hơn hẳn các học sinh ưu tú của tôi một bậc. Hắn mới học năm thứ nhất Trung học, vậy mà trong một vài môn, đôi khi hắn biết nhiều hơn tôi. Tôi đoan xác với ông tên Budge Waters là một thiên tài.
 
- Thế ông cho điểm chúng nó như thế nào ? Có theo tiêu chuẩn thông thường không ?
 
- Thưa không.
 
- Tại sao thế ?
 
- Ngày ở trung học, tôi không phải là học trò dở, khi tốt nghiệp Đại học, điểm số tôi trên hạng “bình”. Thế mà bọn học trò đệ nhất niên Trung học ấy không để cho tôi một phút nghỉ ngơi. Luôn luôn chúng nêu những thắc mắc rất hữu lý khiến tôi, đôi lúc, trả lời không xuôi. Vì vậy, phê điểm chúng theo tiêu chuẩn thông thường là điều phi lý.
 
Ông Thanh Tra nhìn tôi tận mắt chậm rãi hỏi :
 
- Vậy ông có điều gì phải bận tâm không ?
 
- Thưa, có một việc tôi muốn thử xem, nên mới tới hỏi ông. Xin ông cho biết tôi phải làm gì để trường tôi có thể tham dự cuộc thi tuyển toàn Tiểu Bang ? Dường như cuộc thi ấy sẽ được tổ chức vào mùa xuân sắp tới ?
 
- Muốn dự cuộc thi tuyển toàn Tiểu Bang, phải qua mấy vòng thi loại. Trước hết, học trò của ông phải tranh đua với học sinh trường Landsburgh. Loại được trường này, lại phải thi vòng loại ở trên tỉnh với các quận khác, tại Auckland . Thắng được vòng này mới vào chung kết với các miền khác của Tiểu bang.
 
Tôi thấy rõ, muốn loại trường Landsburgh, nhóm học trò ít oi của tôi phải thắng những phần tử ưu tú nhất trong số bốn năm trăm học sinh. Lên đến miền, liệu rồi chúng nó có được tuyển chọn trong số hàng ngàn học sinh khác ? Dầu sao số đông không phải là yếu tố quyết định : trò nào thông minh nhất sẽ thắng. Vậy mà Budge lại là kẻ thông minh phi thường. Nếu được chuẩn bị chu đáo, chắc chắn hắn sẽ toàn thắng. Về đại số, Billie Leonard có thể cầm cự ít nhất lên đến cấp tỉnh. Như thế tôi dám cho thi đua với trường Landsburgh về năm môn tôi dạy ở Winston.
 
- Thưa ông Thanh Tra, nếu không có gì bất tiện, xin ông vui lòng thu xếp cho trường tôi thử tài với trường Landsburgh về các môn đại số, hình học, sử ký, Anh văn và cổ ngữ La Tinh. Xin ông định ngày giờ gặp gỡ của hai trường.
 
- Ông có thể tin nơi tôi. Còn hai trường gặp nhau vào tháng giêng tới đây được không ?
 
- Xin tùy ông quyết định, chỉ cần biết có gì trở ngại cho trường Landsburgh chăng ?
 
- Thôi được rồi.
 
*
 
Khi phổ biến tin trên với học trò, tôi chú ý xem chúng phản ứng thế nào. Dự định ấy khiến chúng thích chí ra mặt. Vậy là bản thân chúng đã sẵn tinh thần ganh đua. Tôi bảo chúng :
 
- Chúng ta phải ôn lại tất cả các bài đã học rồi, đồng thời vẫn tiếp tục học thêm bài mới cho kịp chương trình. Em nào đồng ý, giơ tay !
 
Cả lớp đồng loạt giơ tay. Thế là ngay từ lúc ấy, không bỏ phí một giây, thày trò bắt đầu làm việc say sưa. Tuy rằng lúc nào cũng nghĩ đến ký thi, chúng tôi vẫn không bỏ qua những trò giải trí hàng ngày. Mặt sông Tiber đã đóng băng. Tối nào chúng tôi cũng kéo nhau ra đó để trượt tuyết và chỉ về nghỉ ngơi vào khoảng mười một giờ đêm. Tiếng pa-tanh của chúng tôi xiết trên mặt băng hoà với tiếng nói cười rộn rã làm vang động cả giòng sông và các vùng phụ cận. Những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi đào lỗ trên mặt băng để đâm cá với mũi lao, hay kéo nhau đi săn thỏ núp trong những đống rạ phủ đầy tuyết. Đôi khi chúng tôi tổ chức những cuộc săn đuổi những con chồn, con phụ thử đến tận hang ổ của chúng nó. Những cuộc vui ấy cho phép chúng tôi xao lãng sách đèn một thời gian cho đỡ nhức óc, nhưng những hoạt động ấy cũng mở rộng tầm hiểu biết của chúng tôi theo một khía cạnh khác. Để chuẩn bị cuộc tranh đua cam go sắp tới, chúng tôi rất cần làm sao cho đỡ căng thẳng tinh thần. Vả chăng, mùa đông ở vùng này bình thường không gay gắt lắm, nên ít khi được tập dượt hay đùa nghịch trên băng. Năm nay là năm lạnh đặc biệt và chúng tôi đã triệt để lợi dụng thời cơ đó. Các nữ sinh không theo chúng tôi đi săn, nhưng ít khi chịu ở nhà nếu có các cuộc vui đùa trên băng tuyết.
 
Những ngày ấm trời, băng tuyết đều tan, đất đai lầy lội, chúng tôi lại tổ chức vui chơi ngay trong phòng học. Nào là phóng phi tiêu, ném đinh vào các hộp nhỏ, đánh cờ ngỗng v.v… Chính chúng tôi vẽ lấy bàn cờ và dùng các hột bắp khác màu làm quân. Vì vậy, suốt mùa đông, trong những ngày ảm đạm và chóng tối ấy, học trò tôi không khi nào ở nể, và không lúc nào thấy thoáng vẻ buồn trên nét mặt. Thày trò chúng tôi tuy không đông, nhưng thống nhất hành động, khi học, khi chơi đều rán hết sức mình, nên là một nhóm rất mạnh.
 
*
 
Ngày trong đại đối với chúng tôi đã tới, một ngày trong thượng tuần tháng giêng. rất tiếc là một trận bão tuyết đã ập đến, tuyết rơi nhiều, gió thổi mạnh, rét căm căm. Tuy vậy không ai lùi bước. Duy có Leona Maddox, giỏi nhất lớp về tiếng La Tinh không đi được, vì ông già của trò ấy nhất định không muốn con mình ngồi trên lưng ngựa suốt hai mươi lăm cây số với thời tiết quá xấu như vậy. Tôi năn nỉ mãi nhưng vô hiệu.
 
Budge Waters còn tới trường sớm hơn thường lệ. Trời quá lạnh, hắn lui cui đốt lò sưởi cho ấm căn phòng. Lối 7 giờ những em đi thi và tôi cùng tới một lúc. Chúng tôi cột ngựa ngoài rào, vào cả trong lớp sưởi cho ấm người, rồi mới ra đi. Gió thổi mạnh lắm, nhưng chúng tôi đi xuôi chiều nên gió như đẩy chúng tôi đi nhanh hơn. Bảy con ngựa chạy kế bên nhau nhịp nhàng và hùng dũng. Khi bắt đầu leo núi, gió thổi tạt vào giữa mặt chúng tôi, người nào ngựa ấy, nước mắt cay xè tràn khỏi bờ mi. Budge Waters lên tiếng đánh tan sự im lặng của đoàn kỵ sĩ, khi đi qua nơi tôi ngủ đêm giữa rừng.
 
- Tôi thiển nghĩ, nếu thày có thể ngủ trong đống bắp giữa trời đông với độ lạnh dưới hai mươi lăm, thì chúng tôi cũng có thể đánh bại học sinh trường Landsburgh lắm. Tôi không thể quên việc thày đi bộ hai mươi lăm cây số để lấy sách về cho chúng tôi. Có lẽ anh em chúng tôi không ai quên được. Vì vậy, thày cứ vững tin ở bọn này.
 
Xuống chưa hết triền núi, Billie Leonard, mới mười ba tuổi, than rằng tay chân nó lạnh cóng và buồn ngủ lắm. Chính tôi cũng cảm thấy như vậy. Mấy thày trò bèn ghé vào nhà đầu tiên trông thấy bên đường. Chủ nhà không khỏi ngạc nhiên thấy chúng tôi xông pha mưa gió mà đi như vậy. Sau khi được biết chúng tôi là ai và đi đâu, để làm gì, ông ta lắc đầu thương hại và đi lấy thêm cành khô bỏ vào lò lửa.
 
Trong người ấm áp rồi, chúng tôi lại lên yên. Như vậy là đã đi được quá nửa đường. Từ đây, chỉ đi hơn một khắc nữa giữa đồng trống, kế đó là làng mạc, nên nhà cửa và cây cối che đỡ gió cho chúng tôi nhiều lắm.
 
*
 
Đúng 11 giờ, thày trò chúng tôi tới trường Trung học Landsburgh và cột ngựa vào cọc rào. Rất đông học sinh, chen nhau dán mũi vào cửa kính, nhìn chúng tôi đi vào. Chúng tôi đi thẳng tới văn phòng Hiệu Trưởng. Chính ông Ernest Charters tiếp đón chúng tôi. Ông không giấu ngạc nhiên thấy chúng tôi tới đúng hẹn tuy trời rất xấu, và còn tới sớm hơn dự liệu. Trong khi chúng tôi ngồi sưởi quanh cái lò ga, bên ngoài học sinh trường Landsburgh tụ tập khá đông, cười nói ồn ào. Chúng thấy thày trò tôi dị dạng nên đứng ngoài cửa nhìn vào lom lom. Ít khi chúng thấy một lượt bảy con ngựa cột thành hàng trước sân trường và không bao giờ chúng thấy một thành phần tới dự thi quá ít như vậy.
 
Trước khi đi lấy các đề thi, ông Hiệu trưởng Charters bảo tôi rằng, đây là một cuộc tập dượt cho học trò ông, trước khi chúng lên dự thi trên tỉnh. Khi trở lại với các bao thư, ông nói :
 
- Đây là những đề thi do Hàn Lâm Viện chọn lựa. Tôi không biết khó dễ ra sao.
 
Sau đó, chúng tôi được đưa qua cái phòng rộng nhất trường, dưới quyền giám thị của một giáo sư ở Landsburgh. Khi học sinh trường này ùn ùn kéo vào, chúng tôi mới vỡ lẽ tại sao lại phải chọn cái phòng rộng lớn này.
 
Jesse Jarvis, ứng viên của tôi về hình học phẳng phải đối chọi với mười học sinh Landsburgh. Billie Leonard, một mình phải cầm cự với hai mươi mốt học sinh chọn lọc của trường này. Sau khi hội ý với Budge, tôi cho hắn tranh tài về bốn môn : Văn phạm, Anh văn, sử ký và công dân giáo dục. Trường tôi không dạy công dân giáo dục, nếu Budge biết gì thì đó là những điều hắn đã đọc trong sách. Robert Batson cũng dự thi về sử ký và văn phạm. Robin Baylor thi về đại số, còn Snookie Baylor về đại số và hình học phẳng. Tôi cáo lỗi với ông Hiệu Trưởng Charters vì không có thí sinh về môn cổ ngữ La Tinh, do trường hợp bất khả kháng.
 
Tôi rời khỏi trường Landsburgh khi cuộc thi khởi sự. Tôi dắt cả bảy con ngựa tới nhà ông Walter Scott ở đầu phố và cho chúng ăn uống. Các thí sinh cũng nghỉ trưa chốc lát ăn lót dạ trước khi tiếp tục làm bài. Mãi 2 giờ 30 chiều mới xong. Các thí sinh được mời ra ngoài cho ban giám khảo làm việc. Ban này gồm có ông Charters, cô Bertha Madden, người coi thi ban nãy, hai vị giáo sư khác và tôi. Ông Charters đọc to những bài giải đáp mẫu để chúng tôi theo đó, dò lại bài các thí sinh mà chấm. Đôi khi gặp những đầu đề quá khó khăn, chúng tôi tạm ngừng để trao đổi cảm nghĩ với nhau. Chúng tôi đều xuất thân từ các trường Đại học, vậy mà phải tự hỏi với các đề thi ấy chúng tôi có thể trả lời đến mức nào ? Chấm xong, ông Charters cho gọi các thí sinh vào phòng. Với giọng nói hơi gượng gạo ông tuyên bố :
 
- Các trò hãy nghe đây bảng xếp hạng theo kết quả cuộc thi : Budge Waters, giải nhất về văn chương. Budge Waters, giải nhất về văn phạm. Budge Waters, giải nhất về sử ký với số điểm tối đa. Budge Waters, nhất về công dân giáo dục.
 
Quay về phía tôi, ông hỏi, vẻ khó chịu :
 
- Tại sao ông không đem đến đây nguyên một mình trò này thôi ?
 
- Tại vì tôi còn nhiều học trò giỏi khác nữa.
 
Ông đọc tiếp : Billie Leonard, nhất về đại số… Jesse Javis nhì về hình học. Robin Baylor và Snookie Baylor, giải nhì đồng hạng về đại số. Tôi xin có lời chúc mừng các trò thắng cuộc và cả ông nữa. Thật là một thành công hết sức tốt đẹp. Tôi chưa hề thấy một bảng thành tích nào rực rỡ như thế. Trường Winston sẽ đại diện cho Quận lên thi trên tỉnh.
 
Rời khỏi phòng thi đi ra ngoài, chúng tôi thoáng nghe tiếng sụt sịt của nhiều học sinh Landsburgh. Các trò ấy ức tình vì bị cái trường Winston quê mùa kia đánh bại. Mấy phút sau, trên đường về, đoàn người ngựa của chúng tôi lại đi qua trường này. Những vạt áo choàng và các khăn quàng cổ của chúng tôi phất phới bay trong gió như những lá cờ chiến thắng, trong khi chúng tôi dong ngựa chạy qua đường phố chính.
 
*
 
Tin thắng lợi của chúng tôi được loan đi rất nhanh. Ở Tiber Valley , không nhà nào không bàn tán đến việc ấy. Theo lời mấy người láng giềng thì ông già của Leona Maddox tiếc ngẩn tiếc ngơ vì không cho con gái đi thi. Ông Thanh tra Anderson cũng thuật lại sự kiện hi hữu ấy với các giáo sư các trường làng. Mấy ông này về nói lại cho học trò nghe, học trò về nhà khoe với cha mẹ anh em, thế là tất cả quận Greenwood đều biết rành mạch về những thành tích vẻ vang của chúng tôi. Hầu hết mọi người đều có cảm tình với chúng tôi và cho rằng được hãnh diện lây. Trường Winston là nhỏ nhất trong các trường trung học nông thôn và cũng là trường duy nhất dám thách thức trường trung học Landsburgh lớn nhất quận và có danh tiếng lâu rồi.
 
Nhưng chẳng bao lâu, ông Anderson và đồng bào trong toàn quận, kể cả phụ huynh học sinh trường Landsburgh, đều có thêm cơ hội để hãnh diện hơn nữa vì chúng tôi. Hai em đã chiếm giải nhất là Billie Leonard và Budge Waters lên thi trên tỉnh lại chiếm thêm mấy giải nhất nữa : Budge nhất về văn phạm, sử ký và công dân ; Billie nhất về đại số. Tiếc rằng sau đó Billie bị sưng phổi không dự thi toàn quốc được. Budge đi có một mình và đã đem về cho quận nhà hai giải nhất về sử ký và công dân. Tôi vui mừng vì đã không lầm trong việc đánh giá khả năng của học trò tôi. Tôi còn nhớ ông Thanh tra Anderson đã đồng ý với tôi về điểm : một giáo sư giỏi không cần phải căn cứ vào điểm số để biết rõ giá trị của học trò mình. Tại Lonesome, nơi mà sức mạnh làm mưa làm gió, tôi nổi tiếng vì đã trị được Guy Hawkins. Trái lại, tại đây tôi được nổi danh vì khả năng sư phạm, vì đã đào tạo được những học sinh ưu tú, thi đâu đậu đó.
 
*
 
Xuân tới, đem về sự đổi khác trong nếp sống của chúng tôi. Lại đá banh ngoài trời, lại trở về ven sông để thả lưới và câu cá. Giòng sông Tiber cung ứng cho chúng tôi nhiều thú vui nên tất cả đều sung sướng được trở lại nơi đây. Tôi lại được ngắm nhìn giòng nước trong veo, bắt nguồn từ những rặng núi đá vôi, lượn lờ uốn khúc dưới chân những hàng liễu rũ. Con sông mà tiếng nước chảy róc rách dịu dàng như du tôi vào cõi mộng… Cũng như đồng bào địa phương, tôi đã mến thương giòng sông mà cây cối hai bên bờ đâm chồi nảy lộc trước tất cả mọi nơi. Giòng sông đã nhập vào cuộc sống của tôi.
 
Niên học sắp hết. Chúng tôi đã học hết chương trình và đang ôn tập lại lần chót. Không có trò nào phải ở lại. Chỉ có hai em bị liệt vào hạng trung bình, còn mười hai em kia thuộc loại giỏi và ưu tú. Về phương diện kỷ luật, tôi chưa bao giờ phải bận tâm. Học trò của tôi hoà thuận và thương mến nhau như anh chị em một nhà. Chúng coi tôi như người cha. Tôi hướng dẫn chúng học tập, nhưng cũng đi săn bắn, câu cá, chơi đùa với chúng. Đối với đám đệ tử này, tôi vừa là một giáo sư, vừa là một người bạn.
 
Một buổi chiều nọ, sau giờ học, tôi ra bờ sông ngồi câu cá. Ngồi yên một lúc, có cá cắn câu, tôi định giựt lên thì nghe cành lá sột soạt phía sau lưng mình. Quay lại, tôi thấy một ông đứng tuổi mập mạp, đầu đội mũ lưỡi trai, mặc bộ đồ xám, rẽ lá tiến ra. Ông tươi cười nói :
 
- À, ông giáo sư danh tiếng đang ngồi câu cá ! Đẹp trời thế này, tôi cũng thích đi câu lắm, nhưng công việc bận rộn, nên không thể làm theo sở thích được. Tôi xin tự giới thiệu : Larry Kenwood, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục thành phố Landsburgh.
 
- Hân hạnh được biết ông.
 
- Tôi xin đi thẳng vào vấn đề. Hội đồng chúng tôi định mời ông về làm Hiệu trưởng trường Trung học Landsburgh. Ông cựu Hiệu trưởng Charters đã từ nhiệm để nhận chức vụ khác. Vấn đề hiện nay của trường là kỷ luật, nhưng đối với ông, sẵn có uy tín, có lẽ không phải là nan giải.
 
Điều ông vừa nói làm tôi chới với không nói nên lời. Thấy tôi im lặng, ông hỏi tiếp :
 
- Thế nào ? Đề nghị của tôi có làm ông vui lòng không ?
 
- Đó là lẽ đương nhiên.
 
- Vậy xin mời ông tới gặp chúng tôi tại trường vào thứ ba đầu tháng tới.
 
- Vâng, xin y hẹn.
 
Ông Kenwood quày quả ra về cũng lẹ làng như khi ông xuất hiện. Khi những cành lá của cây bạch phong đã khép lại sau lưng ông ta, lời đề nghị mới rồi dường như chỉ là một ảo giác. Thật là một sự hết sức bất ngờ đối với riêng tôi. Từ ngày rời khỏi mái trường Landsburgh đến nay mới có năm năm. Tôi học trường làng có ba mươi tháng là xin thi vào trường Landsburgh. Trong kỳ thi ấy tôi cũng lượm được 78 điểm trung bình, như có thể nói rằng trong số sinh viên Đại học không có ai thiếu chuẩn bị như tôi. Ngày học ở Landsburgh bạn bè gọi nhạo tôi là “chồn hôi”, vì cứ đến tiết thu là tôi đi săn chồn và không mấy khi tẩy sạch được mùi hôi ấy. Mới cách biệt năm năm, tôi sẽ trở lại với tư cách Hiệu trưởng, chẳng ai còn dám gọi mình là “chồn hôi “ nữa. Tôi mỉm cười lơ đãng, để cá ăn hết mồi lúc nào không hay.
 
Tại sao người ta mời tôi giữ chức vụ quan trọng ấy ? Phải chăng vì trường Winston đã thắng trường Landsburgh ? Chắc chắn là thế. Nhờ thắng lợi ấy mà Hội đồng giáo dục Landsburgh đã nghĩ đến tôi, tuy tôi không hề xin xỏ. Nói cho đúng, chính nhờ tài học của các môn sinh hơn là nhờ khả năng giảng dạy của tôi, mà tôi được đặc cách thăng chức như vậy. Tôi được cái may mắn đã có những học trò phi thường. Tôi chỉ có công đem hết cái hay của tôi truyền thụ cho các em ấy. Về phần các em đã ban thưởng rất xứng đáng cho công khó của tôi. Rồi đây các em sẽ trở lại với các công việc cấy cày gặt hái trong nắng gió, giữa cái thung lũng nhiều sương mù và có mùa Xuân tuyệt đẹp. Riêng tôi sẽ trở lại Đại Học Đường dự khoá bổ túc sư phạm, chuẩn bị gánh vác nhiệm vụ nặng nề đang chờ đợi tôi.

______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN THỨ BA
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>