Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

CHƯƠNG II_MỘT CUỘC HỒI SINH


CHƯƠNG II

MỘT ÔNG THẦY

Ông bà Thúc vừa tiễn một đám khách ra cửa, quay vào đã thấy thằng Tề bù lu bù loa mách :

- Ba má có bảo anh Di không chịu làm bài giùm cho con đó.

Chưa hiểu nếp tẻ ra sao, bà Thúc đã mắng tới tấp :

- Thẳng Di đâu ? Mày bận rộn cái gì mà không chịu làm bài cho em ? Tao đã để cho mày mỗi ngày mấy giờ ngồi mà nghỉ xả hơi, sao còn làm biếng vậy ? Muốn sống muốn tốt lấy tập vở làm ngay bài cho thằng Tề đi, không mày chết mấy tao bây giờ...

Người thím đứng mắng liền liền, mắng xối xả. Thằng bé kiên nhẫn đứng nghe, đợi lúc thím nó nghỉ lấy hơi mới dám rụt rè trình bầy lại.

- Thưa thím, từ chiều đến giờ cháu giảng đi giảng lại cho em nhiều lần rồi. Hỏi có hiểu không, em nói hiểu, vậy mà vẫn không chịu làm bài, và cứ đòi cháu làm hộ.

Thằng Tề cãi :

- Con nói hiểu để khỏi phải mắng đấy chứ. Thực tình, con chẳng hiểu gì hết.

Ông Thúc lấy làm lạ hỏi :

- Bài chi mà khó vậy ?

- Thưa ba, cả bài luận lẫn hai bài toán đố.

- Ở trường, thầy có giảng kỹ không?

Ngập ngừng giây lâu để suy nghĩ xem nên nói đối hay cứ nên nói thật, thằng Tề quyết định trả lời thẳng thắn :

- Thầy có giảng, nhưng con không hiểu.

- Sao không xin thầy giảng lại?

- Con không dám. Giảng xong, bao giờ thầy cũng hỏi ai không hiểu giơ tay lên, con không dám giơ tay.

- Vậy là ở trong lớp mày không chịu ngồi yên mà lắng tai nghe rồi. Tao biết, mày ham chơi, đánh đu vời tụi nhà lá, vào trong lớp chỉ lo phá chứ không lo học...

Bà Thúc bênh con :

- Sao ông biết nó ngồi với tụi nhà lá ? Sao ông biết nó chỉ lo phá, không lo học? Cái ông này, chỉ được mỗi một môn gán cái xấu cho con là không ai bằng!

Quay sang thằng Tề, bà hỏi:

- Thế ờ nhà, thẳng Di giảng lại, con có hiểu không?

- Hiểu. Nhưng quên ngay. Cũng như không hiểu vậy. Bài chi mà khó quá !

Không đắn đo, bà Thúc hạ một lời phán quyết:

- Vậy là thằng Di dở, không biết cách giảng, không chịu giảng đến nơi đến chốn, không làm đầy đủ bổn phận. Phải giảng làm sao cho nó thật hiểu mới được chứ! Thằng Di đã dở, cả thầy giáo cũng dở luôn...

Biết điều hơn, ông Thúc vội cản:

- Này, mình đừng có nói bậy. Đến tai ông giáo thì phiền lắm đó!

Bà vợ vẫn kênh kiệu như thường lệ:

- Phiền! Phiền cái gì! Dậy dỗ con tôi mà để con tôi dốt, tôi cứ nói!

Ồng chồng cười gằn đáp :
 

- Vâng, bà cứ nói. Còn thầy giáo nghe được, thầy cứ nổi giận, thầy cứ đuổi cổ nó ra. Lúc ấy, xin bà cứ ráng chịu!

- Sức mấy! Sức mấy đuổi được con tôi!

- Phải rồi, bà thần thế, sức mấy thầy dám đuổi con bà! Này, nói cho bà hay trước, ông giáo Thiết không biết nể nang ai đâu. Đến con ông tỉnh trưởng hỗn, ông ấy cũng đuổi thẳng cánh, huống hồ con trưởng ty quèn !

Giật mình, bà Thúc hỏi, giọng hơi lo ngại:

- Vậy hả ?

- Chứ sao! Năm ngoái, thằng Hạnh, con ông tỉnh trưởng cũ đó, láo lếu làm sao không biết, ông ấy cảnh cáo mấy lần không kết quả, ông ấy đuổi thẳng cánh. Học trò sợ xanh mặt. Ông hiệu trưởng cũng xanh mặt luôn...

- Rồi sau làm sao ?

- Ông tỉnh sai người nhà dẫn thằng Hạnh tới trường xin lỗi. Ông ấy đuổi về không tiếp. Ông tỉnh gọi dây nói làm áp lực với ông hiệu trưởng cũng thất công luôn. Rút cục ông tỉnh phải đích thân dắt thằng Hạnh đến lớp, lấy tư cách phụ huynh học sinh mà xin lỗi thầy, ổng mới chịu tha đấy. Bà liệu có "ngon" hơn ông tỉnh không ?

Bà Thúc ngạc nhiên hỏi:

- Một ông giáo viên quèn mà hách đến thế kia à ?

- Không phải là hách ! Người ta chỉ giữ đúng cương vị của một ông thầy. Một vị thầy nghiêm minh. Có vậy kỷ luật nhà trường mới được tôn trọng. Học trò sợ thầy một phép, không đứa nào dám cậy thần cậy thế của cha anh mà hỗn láo nữa. Tôi sợ cứ cái mửng này thằng Tề nhà mình thế nào cũng có ngày bị ông ấy tống cổ thì hết đường xin xỏ.

Thấy hai đứa vẫn đứng ngây người nghe chuyện, ông bảo :

- Thôi, hai anh em liệu vào bảo ban nhau học hành đi. Khuya rồi.

Thằng Tề phụng phịu :

- Đến giờ đi ngủ rồi, con buồn ngủ quá. Ngày hôm nay học nhiều thấy mồ, chắc con không thức học được nữa đâu.

Bà mẹ âu yếm vuốt ve con :

- Ừ, con trai tôi đã mệt đừ. Thôi xuống dưới nhà đánh răng, rồi đi ngủ cho khỏe đi con.

- Thế còn bài luận, còn hai bài toán ? Hay là ngày mai ba má cho con nghỉ ở nhà ?

Cả hai cùng giẫy nẩy và la :

- Không được đâu !

Bà Thúc quyết định rất nhanh :

- Thằng Di chịu khó thức khuya một chút làm bài cho em nghe.

Di rụt rè thưa :

- Vâng. Nhưng cháu sợ thầy biết không phải tuồng chữ của em Tề, thầy phạt.

Bà Thúc gạt phắt đi:

- Úi dào! Cả lớp năm sáu chục đứa, làm sao mà nhớ cho xiết được. Cứ làm cho em đi, có gì tao chịu ! Ráng làm sao cho hay, thẳng Tề được nhiều điểm thì tao có thưởng.

Ông Thúc nói buông xuôi :

- Mong ông ấy thông qua cho là phước rồi. Bắt đầu từ ngày mai, thằng Tề phải cố gắng học hành chứ không được bê bối như vậy nữa. Năm nay là năm đi thi. Giữ mãi cái điệu học hộ, làm bài hộ thì làm sao đậu được !

Bà Thúc đánh ngay một câu trắng trợn :

- Lại đến thi hộ là cùng chứ gì ! Thời buổi này, chỉ sợ không có tiền. Có tiên, việc khó đến đâu cũng xong tuốt luốt!...

*

Không biết thằng Di đêm ấy phải thức đến mấy giờ. Chỉ biết sáng ra, bài nào bài nấy xong xuôi, chữ viết gọn gàng, sạch sẽ. Thằng Tề mừng rỡ, xách cặp bước ra đường, cùng với các bạn "chân sáo chạy tung tăng", tâm hồn thanh thản như thể chính mình đã làm đầy đủ bổn phận của một người học trò.

Nhưng buổi sáng đi học nó hớn hở bao nhiêu thì buổi trưa, ở trường về, nó tiu nghỉu bấy nhiêu.

Má nó hỏi ngay :

- Thế nào, hai bài toán có trúng không, con ?

- Dạ, trúng, cả lớp chỉ có con làm trúng cả hai bài. Trúng hoàn toàn cả hai bài.

- Còn luận văn ?

- Cũng vậy nữa. Bài của con hay nhất lớp.

Bà mẹ mừng rỡ, hỏi tíu tít:

- Vậy hả? Thầy khen hả? Thầy cho nhiều điểm hả ? Thằng Di vậy mà được việc. Phải thưởng cho thằng Di như đã hứa. Mà sao má thấy con ỉu xìu như bánh mì mắc mưa vậy ?

Thẳng Tề cúi mặt, trả lời khe khẽ, mắt không rời mấy ngón chân của nó không ngớt ngọ nguậy ở mũi đôi dép đầy bụi đất.

- Không ỉu sao được má ? Mắc cỡ muốn chết!

- Ủa ! Thầy biết sao ?

- Dạ, thầy biết, và thầy đòi trừng trị...

Người mẹ thương con, thở dài thườn thượt:

- Chết con tôi rồi !...

Thằng Tề cải chính ngay :

- Không phải con. Thầy đòi trừng trị... anh Di cơ. Thầy bảo anh Di mới là chính phạm, con chỉ là tòng phạm.

Bà Thúc mừng rỡ ra mặt:

- Vậy hả ? Má cũng đỡ lo... Nào, đầu đuôi ra sao, kể rõ cho ba má nghe đi con.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Giờ toán. Sửa bài kỳ trước.

Tiếng thầy sang sảng cất lên giữa lúc các trò ngồi im phăng phắc, bút đặt hết xuống bàn :

- Hai bài toán kỳ rồi, thầy ra hơi khó, cốt để thử sức các trò. Có năm trò không làm được. Lát nữa thầy giảng lại cho. Một số lớn làm trúng được mỗi bài một nửa.

"Hai trò khá toán nhất — trò Cang và trò Lễ — làm được gần trúng hết. Trật mất một câu.

"Chỉ có một trò giải được hoàn toàn cả hai bài một cách đáng khen. Đó là... trò...

Thầy, giáo giơ bài đáng khâm phục đó lên cao, phất phất. Mấy chục cặp mắt ngây thơ nhìn như dán vào tờ giấy mong manh. Chúng đoán không ra đứa nào "kền" toán hơn cả thằng Cang, thằng Lễ. Và chúng ồ lên một tiếng ngạc nhiên khi nghe thầy tuyên bố:

- Đó là... trò... Tề. Trò Tề đâu ? Đứng lên coi !...

Tề đứng lên, khoanh tay, mặt cúi gầm, hai tai đỏ ửng.

Các bạn nó trố mắt nhìn, có đứa ngạc nhiên, có đứa bỗng dưng thấy sợ cái thằng bê bối ở xóm nhà lá này sao tiến bộ chóng thế.

Thầy giáo tiếp tục :

- Bài của trò Tề xứng đáng được mười trên mười. Nhưng trước khi thầy hạ bút phê điểm, trò hãy lên bảng giải lại cho các bạn cùng hiểu. Các trò không làm được tí nào phải chú ý nghe cho thật kỹ.

Sét đánh ngang tai cũng không làm cho nó choáng váng bằng những lời nói đầy ưu ái đó. Nó lẩm nhẩm:

- Chết cha rồi!

Và nó rời chỗ, thất thiểu đi lên bảng như một tên trọng phạm tiến tới đoạn đầu đài.

Nó đứng chết trân, mặt úp vào bảng, tay mân mê cục phấn, không vạch được một con số trắng nào trên nền xanh lá mạ.

Thầy cho nó đứng nép một bên và gọi trò Cang lên bảng.

Miệng nói, tay viết, Cang làm toán chạy vo vo. Nhưng đến câu hỏi chót, nó đứng sững lại.

Thầy cầm thước gõ vào bảng, nói :

- Trò Cang đã làm trúng được đến đây. Đó là một điều đáng khen. Câu hỏi chót chỉ có một mình trò Tề đáp trúng. Trò Tề giải tiếp đi coi.

Tề vẫn đứng ì ra đó như bị trời trồng.

Thầy từ từ đứng lên, làm tiếp cho trò Cang và giảng kỹ lại từ đầu cho cả lớp.

Đến bài toán đố thứ hai, cuốn phim quay lại giống y đoạn vừa quay, chỉ có một điều khác là vai thằng Cang được thằng Lễ đóng thay mà thôi.

Vai của thằng Tề là vai một tên chịu tội, mặc dầu thầy không đánh một roi hay mắng một câu nào.

Nó bụng bảo dạ:
 
- Biết thế nộp giấy trắng, sướng hơn ! Thà lãnh cặp hột vịt lộn và vài cú roi mây đau quắn còn nhẹ nhõm tấm thân hơn !

Phê điểm cho các trò xong đâu đấy, thầy mới hất hàm hỏi nó :

- Thế nào ? Trò tự làm lấy bài hay mướn ai làm giùm ?

Nước mắt chạy quanh, nó năn nỉ:

- Thưa thầy, bài khó quá. Anh con giảng lại cho con, con cũng vẫn không hiểu. Vì sợ thầy quở phạt nên con phải nói với anh con làm giùm. Thầy tha cho con lần này, lần sau con không dám thế nữa ạ.

- Anh trò là ai ? Làm gì ? Học đâu ?

- Thưa thầy, anh con là anh Di, anh em con chú con bác ruột với con. Năm ngoái, anh con cùng học với con ở lớp nhì. Năm nay, vì việc gia đình anh con phải nghỉ ở nhà.

- À à, thầy nhớ ra rồi. Phải trò Di đứng đầu danh sách các trò được lên lớp mà lại vắng mặt từ đầu niên khóa không ? Hừ! Thế trò Di đã đi làm rồi sao?

- Thưa thầy, không phải ạ. Anh con bằng tuổi con, còn nhỏ quá, đâu đã đi làm. Anh con chỉ giúp đỡ những công việc vặt trong gia đình mà thôi ạ.

- À ra thế! Thôi được. Bây giờ hãy nói đến tội của trò. Thầy phạt : hai con dê rô và một tuần đuổi tạm. Như vậy oan hay là ưng đây ?

Không riêng gì một mình thằng Tề sợ, mà cả lớp cũng sợ tản thần. Tề van vỉ :

- Lạy thầy, thầy tha cho con lần này là lần đầu và cũng là lần chót. Từ rày, con không dám tái phạm nữa.

Ngẫm nghĩ một lúc, thầy nói :

- Trò Di làm giùm bài cho trò Tề. Tội của trò Di nặng hơn, không thể không trừng trị. Thầy chỉ có thể khoan thứ cho trò Tề sau khi trò Di đến đây cho thầy hỏi tội.

Tề khôn ngoan hỏi lại thầy cho chắc ăn :

- Thưa thầy, thầy sẽ tha tội cho con sau khi anh Di con đến đây xin lỗi thầy ?

Thầy quắc mắt quát:

- Xin lỗi hả ? Mới nứt mắt ra đã giở trò gian dối ! Quân này phải trừng trị cho đích đáng mới được!



Đến giờ luận văn, thầy chỉ liếc sơ qua chồng bài vừa góp đã nhận ngay được tuồng chữ đặc biệt của thằng Di, đều đặn, rộng rãi và sáng sủa.

Lấy ra coi, quả nhiên trên góc trái đề tên Trương Đức Tề. Thầy hỏi :

- Trò Tề, đây có phải là bài trò tự làm lấy hay không ?

Tề ấp úng :

- Thưa thầy...

Đập thước kẻ xuống bàn, thầy quát :

- Phải bài tự trò làm lấy không ?

- Thưa thầy, không ạ.

- Ai làm giùm ?

- Thưa thầy, anh Di con.

Thầy cười nhạt nói :

- Vẫn trò Di! Trò này quá lắm, không trừng phạt không xong. Thôi, cho ngồi xuống. Tội trò Tề lớn lắm đó, nghe chưa ?

Trong khi thằng Tề xanh mặt ngồi xuống ghế, thầy lấy bài thằng Di làm hộ nó ra coi, chốc chốc lại gật đầu ra vẻ vừa ý lắm. Bài khá dài mà thầy chịu khó đọc đi đọc lại đến hai ba lần ...

*

Anh em thằng Di, thằng Tề cùng xếp hàng vào lớp. Khi thầy giơ tay ra hiệu cho tất cả học trò ngồi xuống thì hai đứa dắt nhau lên bàn thầy.

Tề lễ phép trình :

- Thưa thầy, sáng nay anh Di con đến đây cho thầy dậy bảo.

Di khoanh tay, cúi đầu, chào :

- Lạy thầy ạ !

Thầy nhìn nó từ đầu đến gót, rồi hỏi bằng một giọng hiền từ :

- Anh Di đây hả? Được. Cho trò Tề về chỗ. Còn anh Di, đến giờ ra chơi, tôi sẽ hỏi tội anh. Bây giờ anh muốn ra ngoài sân đứng chờ hay ngồi trong lớp đợi tôi ?

- Thưa thầy, thầy cho con ngồi trong lớp ạ.

- Tốt ! Vậy xuống dưới bàn chót kia ngồi chơi đi.

- Dạ.

Mấy hàng ghế chót tranh nhau dành một chỗ trống rộng rãi cho thằng Di. Chúng đều là bạn học với nhau ở lớp nhì, và đứa nào cũng thích được ngồi gần một bạn vừa giỏi giang vừa tử tế.

Giờ này là giờ toán làm ngay trong lớp. Thầy hay ra đề cho học trò tập tìm đáp số trong một thời gian kỷ lục.

Lệnh từ trên bàn thầy vang lên :

- Các trò gấp sách vở lại. Lấy giấy bút ra đi. Sẵn sàng chưa ? À, anh Di có muốn tham gia với các bạn cho vui không ? Có hả ? Có bút chưa ? Trò nào cho anh ấy một tờ giấy rời đi... Nào, nghe thầy đọc đầu đề...

Từ trên bục cao, thầy ngó xuống dặn :

- Trò nào làm xong trước cứ việc đem bài lên đây nghe.

Thầy mở sổ ghi chép, chốc chốc lại ngửng đầu lên coi có trò nào đã giải xong bài. Chưa, đứa nào cũng đang hí hoáy cộng cộng trừ trừ. Một vài đứa ngẩn ngơ, ngước mắt lên trần, cắn bút.

Nghển đầu nhìn xuống bàn chót, thầy ngạc nhiên thấy thằng Di ngồi không, mắt ngó lên bàn thằng Lễ, thằng Cang, chờ đợi.

Thầy nghiêm giọng hỏi :

- Anh Di, sao lại ngồi buông bút đó ?

- Thưa thầy, con đã làm xong rồi ạ.

- Đưa lên đây coi nào !

Mặt thầy tươi hẳn lên, nụ cười hiếm hoi hé nở trên đôi môi nghiêm khắc.

Giữ tờ giấy trên bàn, thầy truyền :

- Cho anh về chỗ.

Năm phút sau, thằng Cang, thằng Lễ mới đưa bài lên. Rồi từng tốp năm ba đứa nối tiếp nhau lên nộp bài.

Mười phút. Hết giờ. Gõ thước xuống bàn, thầy ra lệnh :

- Thôi, đặt cả bút xuống. Mới có phân nửa các trò giải trúng trong thời gian hạn định. Phần còn lại phải cố gắng thêm mới được... Trò Cang, lên bảng giải cho tất cả các bạn coi đi nào.

Đề thứ hai, thầy cố ý ra khó hơn đề thứ nhất. Và thầy yên trí ngồi làm việc trong mười phút không cần ngửng đầu lên.

Vừa gấp sổ lại, vừa đảo mắt nhìn khắp lớp, thầy ngạc nhiên bắt gặp tia mắt thằng Di đang hướng về phía thầy. Thầy hỏi :

- Ủa ! Anh Di tìm ra đáp số rồi sao ?

- Dạ.

- Xong rồi sao không nộp? Mang lên đây coi nào.

Năm phút nữa qua, vẫn chưa trò nào làm xong, Thầy cho ngừng bút,

- Bài toán này khó. Mới có một mình anh Di làm xong. Ác cái anh Di lại không phải là học trò lớp này !

Thầy đắn đo hỏi tiếp :

- Vậy các trò muốn thầy sửa bài cho, hay là ưng anh Di lên bảng làm bài giải ?

Chúng nó nhao nhao, không chút đố kỵ:

- Anh Di, anh Di!

- Thưa thầy, anh Di ạ!

Cả lớp, kể cả ông thầy, có vẻ quý thằng Di lắm. Thằng Tề vui mừng hơn cả anh nó. Buổi học sáng hôm nay dường như đã xóa sạch những vết lem nhem mà nó đã dại dột bôi vào mình suốt buổi sáng hôm qua.

Giờ ra chơi, thầy giữ thằng Di lại ở trong lớp đề thầy "hỏi tội" như lời thầy dọa.

- Di, con có phải là con ông Trương đức Bá không ?

- Thưa thầy, phải ạ.

- Bây giờ, ba con đâu ?

- Thưa thầy, ba con bỏ xứ đã được một năm rồi, con không biết ba con đi đâu.

- Hiện con ở với chú ruột là ông Trương đức Thúc ?

- Dạ, phải.

- Tại sao con không đi học nữa ?

- Thưa thầy, tại vì nhà neo người, thím con muốn có người tin cẩn ở nhà trông nhà, giúp đỡ những việc lặt vặt và luôn tiện kèm cho em Tề con học.

- Con làm thế nào kèm nó được trong khi chính con không đi học?

- Thưa thầy, mỗi ngày con xem vở của em con. Con học ké bài của em con trước khi con giảng lại bài cho nó.

- Ừ, con thông minh và có chí đấy. Nhưng không đi học thật uổng. Thầy có cách buộc chú thím con phải cho con đi học lại. Con nghĩ sao ?

- Thưa thầy, nếu con được đi học lại thì con mừng lắm. Nhưng con sợ làm buồn lòng chú thím con...

Sau khi nghe nó kể lại chuyện thằng Trí và lời lẽ của ông tỉnh trưởng, ông Thiết chép miệng nói:

- Kẹt cho con quá há ! Thôi, thầy có một giải pháp tạm này, ta cứ dùng đỡ một thời gian, rồi sẽ liệu sau ...

"Con vẫn cứ ở nhà, nhưng sẽ có nhiều thì giờ học hơn. Con vẫn kèm cho thằng Tề học. Con sẽ làm tất cả các bài tập và lại nhà thầy nộp cho thầy mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật. Sáng hay chiều cũng được. Thầy sẽ giảng thêm cho con ít giờ, và sẽ ra cho con những bài tập làm ngay tại chỗ. Có được không ?

Cảm động ứa nước mắt, nó cúi đầu thưa :

- Thầy thương con như vậy, con đội ơn thầy suốt đời. Nhưng con sợ thím con không bằng lòng,

ông Thiết gạt đi :

- Không lo. Thầy đã có cách...

Khi chuông reo báo hết giờ ra chơi, thầy vỗ vai thằng Di và bảo nó bằng một giọng thiết tha, thân mật :

- Ba con là bạn cũ của thầy. Thầy muốn làm sao cho con được đi học lại, và học đến nơi đến chốn...

"Bây giờ, hãy tạm như thế đã nhé. Sau này có điều gì khó khăn, con cứ lại cho thầy hay, thầy sẽ liệu giùm cho.

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>