Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

CHƯƠNG VII_MỘT CUỘC HỒI SINH


CHƯƠNG VII

MỘT NGƯỜI MẸ

Ông Thúc đã ra khỏi bệnh viện, hoàn toàn bình phục. Một người ghiền cai á phiện thành công chẳng khác chi một người đã chết thoát khỏi ngục a tỳ trở về dương thế.

Nguồn hy vọng lại rạt rào một khi người được đỏ da thắm thịt. Và nhất là khi cô Tiên đã bàn đến việc giúp đỡ qua giai đoạn thứ ba.

- Thưa bác, Tiên nói, ông Ích vui mừng hết sức khi được cháu báo tin cho biết bác đã mạnh khỏe và rất yêu đời.

- Tôi được như thế này, ông Thúc nói, một phần rất lớn là nhờ ơn cô. Gia đình tôi không biết lấy chi mà báo đáp.

Tiên vội đỡ lời :

- Cháu không dám nhận những lời khen tặng quá đáng của bác đâu. Cháu chỉ là người trung gian làm giùm mấy việc người ta giao phó. À, ông Ích dặn cháu khi nào bác muốn hoạt động trở lại, ổng sẽ giới thiệu cho bác một chỗ làm vừa ý.

"Giai đoạn thứ ba ổng vạch ra là bác phải có một việc làm chắc chắn và một căn nhà tương đối khang trang.

Ông Thúc ngạc nhiên hỏi :

- Ủa ! Cô nói vậy có nghĩa là ông Ích biết rõ khả năng của tôi, và ông biết cả những sở trường sở đoản của tôi nữa ?

- Thưa, cháu cũng không được biết đích xác, nhưng cháu tin là như vậy.

Ông Thúc tâm sự :

- Chả nói giấu gì cô Tiên, nguyện vọng tha thiết và thầm kín của tôi là làm sao trị được cái bệnh ghiền á phiện. Tôi đã được như ý sở cầu. Điều cần thiết kế tiếp là kiếm được một việc làm đàng hoàng. Điều này được như nguyện nữa, tôi xem là quá đủ. Tôi xin chỉ hưởng như vậy thôi. Nếu còn thọ ơn thêm nữa, tôi thấy là quá tham dù đối với một người ruột thịt.

Tiên ngạc nhiên hỏi lại :

- Nói vậy bác không ưng dọn tới một căn nhà khác sao ?

- Có chứ ! Nhưng tôi không muốn anh tôi phải tốn kém quá nhiều vì tôi nữa.

Suy nghĩ giây lâu, ông chậm rãi nói tiếp:

- Số là ngày trước anh Hai của tôi lưu lại cho chúng tôi một số tiền khá lớn để làm vốn sinh lời nuôi giùm một đứa con cho anh tôi. Chúng tôi không dùng đến số tiền ấy, định bụng sau này cho lại thằng cháu khi nó trưởng thành. Ai ngờ vì một sự hiểu lầm, cháu tôi bỏ nhà ra đi. Rồi gia đình chúng tôi sa sút. Số tiền ấy, chúng tôi vẫn không dám đụng tới, e rằng nó sẽ tan nát và tiêu tán mất ngay. Về sau, khi tôi phải nằm bẹp một chỗ, tiền kiếm không ra một đồng, đành phải lấy một nửa ra chi dụng, còn một nửa chúng tôi vẫn cố gắng giữ lại bằng công khố phiếu. Ngày nay, anh tôi đã khá giả, cháu tôi đã tìm được cha và chắc đã có một đời sống đầy đủ. Tôi nghĩ số tiền còn lại tôi vừa nói không còn cần thiết cho nó nữa. Có lẽ chúng tôi nên lấy ra mà sang nhà thay vì để cho anh tôi phải tốn kém thêm. Cô Tiên nghĩ sao ?

- Vâng, bác tính như vậy cũng tiện. Để cháu viết thư trình bầy cặn kẽ cho ông Ích mừng.




* 
 Ông Thúc không ngờ trong đời mình lại có một ngày vui tương tự như một ngày nào hai mươi năm về trước, khi ông thi đậu xong kiếm ngay được một việc làm trong công sở.

Đối với ông cũng như đối với mọi người cùng hoàn cảnh, tìm được một việc làm mới mẻ vào tuổi trung niên khó khăn hơn và do đó đáng mừng hơn là khi còn niên thiếu.

Bây giờ ông mới ý thức được tất cả cái hạnh phúc của một người có sức khỏe đầy đủ và một việc làm vững chắc.

Vợ con ông cũng có một tâm trạng y hệt. Họ không khác chi những người vừa thoát khỏi một bệnh đau mắt nặng. Mở băng ra nhìn thấy mọi vật chung quanh, soi gương thấy mình quả không bị mù, họ mới cảm thấy một con người sáng mắt đã là một con người có hạnh phúc. Trước kia, họ coi thường hạnh phúc của họ bao nhiêu thì nay, sau khi suýt mất nó họ quý hóa nó bấy nhiêu.

Hiện tại, họ mới có một căn nhà khang trang trong một cư xá đàng hoàng, đồ đạc tuy không lộng lẫy xa hoa nhưng đủ dùng. Bà chủ nhà đã có một căn bếp rộng cũng như các con bà đã có một phòng học ngăn nắp sáng sủa.

Mấy tháng sau, Tề thi Tú Tài I, đậu một cách không mấy khó khăn.

Bà Thúc sửa một tiệc mừng, tự tay làm những món đặc biệt học được từ ngày còn con gái, để thiết đãi một người khách duy nhất là cô Tiên.

Dĩ nhiên chú Bộc có công lớn trong việc phục hưng một cơ đồ suy sụp cũng được dự với tính cách một người trong thân thích.

Tiên Hương vừa đậu xe ở cửa, Tề và Bình đã vội chạy ra đón, ôm vào một gói đồ thật nặng.

Nàng cười nói :

- Được tin cậu Tề thi đậu, chị mừng quá. Và đây là quà của cậu.

Bé Bình láu táu mở ra.

- Sách không hà! Nó khẽ la lên, hơi tiu nghỉu. Toàn sách học lớp mười hai!

Tề mừng rỡ :

- Cảm ơn chị. Chị cho em đầy đủ quá. Cha! Cuốn Tự điển này, em ao ước mãi mà không dám xin tiền mua vì quá mắc. Chị thương em thế là nhất rồi.

Bé Bình nhắc:

- Còn cái hộp này nữa.

- À, đây là quà của ông Ích mới gửi về mừng cho anh của bé đấy,

Mở ra thấy cái đồng hồ mặt đen, Tề đeo ngay vào tay, khoan khoái:

- Cha! Cái đồng hồ đẹp quá! Trông nổi ghê ta!

Và Tề khoe với ba má :

- Đồng hồ kiểu mới nhất đó ba! Họ vẫn chụp hình đăng quảng cáo trên báo hoài đó má !

Ông Thúc tươi cười hỏi :

- Quà từ Kam Pu Chia gửi về, sao lẹ thế cô Tiên ?

Tiên vui vẻ đáp :

- Thưa bác, tại vì cháu nhờ coi điểm trước nên biết cậu Tề đậu ngót một tuần lễ trước khi có bảng chính thức. Và cháu đánh dây thép cho ông Ích ở xa mừng.

- Cô chu đáo quá!

Một lúc sau, ông Thúc nói tiếp :

- Cô Tiên giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Chúng tôi mang ơn cô suốt đời đã đành. Bữa nào thuận tiện, cô phải cho chúng tôi lại nhà chào và cảm ơn ông bà đàng nhà mới phải.

- Cám ơn hai bác. Xin hai bác miễn thứ cho. Ba má cháu đều có tuổi. Ba cháu trông nom ngôi trường đã thấy thấm mệt nên không có lấy một chút xíu thì giờ nào dành cho việc xã giao. Má cháu đã về quê lo sửa sang vườn tược chờ ba cháu rút lui về di dưỡng tuổi già...

- Ủa ! Ông Thúc ngạc nhiên thốt. Vậy mà tôi cứ ngỡ ông bà đàng nhà cũng cỡ tuổi chúng tôi thôi...

Ông nói thêm :

- Vậy từ nay phải đổi lại cách xưng hô mới được. Chúng tôi nhỏ tuổi hơn hai cụ đàng nhà nhiều mà cô kêu chúng tôi bằng bác là bậy đó. Phải kêu là chú chứ!

Tiên Hương mỉm cười đáp :

- Dạ dạ. Nếu chú cho phép, cháu mới dám kêu như vậy.

Bộc cười toe toét, nói xen vô:

- Phải rồi! Phải kêu bằng chú, bằng thím mới... danh chính ngôn thuận chứ ! Hì hì...

Tiên Hương liếc xéo chú Bộc, đôi má hây hây bỗng ửng hồng đến tận mang tai.

Bữa tiệc kéo dài, chuyện vui như tết.

Bà Thúc và bé Bình không một phút nào rời mắt khỏi người khách quý.

Hai mẹ con dượng như "thèm" người nữ khách hơn là những món ăn mà họ tranh nhau gắp vào bát tiếp nàng.

Có lúc bé Bình nhõng nhẽo dụi đầu vào cổ nàng :

- Em ao ước, nó nói, em muốn chị là chị của em mãi mãi.

Tiên mỉm cười, vuốt ve nó, đáp :

- Thì lúc nào chị chả là chị của em!

Nó bỗng nhìn vào mắt nàng hỏi:

- Mà sao hai anh sinh viên ở nhà thương Chợ Quán không chịu lại đây chơi nhỉ ?

Ông Thúc sực nhớ ra, cũng lấy làm áy náy:

- Phải rồi! Tôi mang ơn hai cậu ấy rất nhiều. Từ bữa ra khỏi nhà thương, chỉ mong có dịp giáp mặt để nói mấy lời cảm tạ mà chả lúc nào cô cho gặp.

Tiên vội đáp :

- Chú đừng lo chuyện đó, chú ơi ! Thế nào cũng có ngày họ đến ăn mòn đũa mòn bát nhà chú cho coi! Trong hai người, người lớn tuổi là anh Hai của cháu đang bù đầu vừa lo công việc nhà thương, vừa lo sửa soạn luận án nên không có một phút nào rỗi rảnh. Người nhỏ tuổi là bạn cùng lớp với cháu, nhưng ảnh không học dốt như cháu đâu. Ảnh giỏi nhất lớp đó, và có rất nhiều tham vọng. Các giáo sư yêu anh ấy lắm. Dạo chú ở nhà thương, bác sĩ giám đốc biệt đãi chú là vì quý anh ấy hơn là vì cháu đó.

- Thế hả ! Nào chú có biết gì đâu. Thời gian ấy, chú mê nhiều hơn là tỉnh. Sau về nhà, thấy con nhãi út xí xọn, nói cậu ấy có tật gì đó, chả biết có phải vậy không ?

Tiên Hương làm bộ ngạc nhiên, quay sang hỏi bé Bình :

- Anh ấy có tật gì đó em ?

Bé Bình lúng túng, liếc nhìn chú Bộc, ấp úng :

- Dạ, tật... ít nói. Em tưởng ảnh... câm !

- Bậy nà ! Ông Thúc vội mắng át con nhỏ. Nói bậy nói bạ không hà ! Câm làm sao học đến Đại học Y khoa ?

Tiên Hương cười khanh khách, trấn an con nhỏ :

- Anh ấy chẳng câm mà cũng không ít nói đâu. Trái lại, anh ấy còn nói quá nhiều là đàng khác. Chị phải bắt anh ấy bịt miệng lại, nếu không cả nhà thương không ai chịu nổi đâu !

Bé Bình ngây thơ hỏi :

- Mà sao anh ấy đeo kính râm hoài vậy ? Trông cứ như ông thầy bói. Hay là anh đau mắt hay... toét mắt ?

Cả nhà rũ ra cười.

- Anh ấy không đau mắt. Tiên đáp. Cũng không toét mắt nữa. Anh ấy có tật hay xúc động vì có tánh rất thương người. Coi người bệnh như người thân. Thấy họ đau đớn, ảnh thường xót xa chảy nước mắt. Do đó, ảnh phải đeo kính râm thường xuyên để cho bệnh nhân khỏi trông thấy ảnh rơi nước mắt.

Bé Bình đánh luôn một câu :

- Nếu thấy ảnh rơi nước mắt chắc người ta cho là ảnh... khùng! Chị ơi! Có bữa em cũng tưởng là ảnh khùng thật đấy !

- Làm sao em có ý nghĩ lạ vậy? Tiên hỏi.

Bé Bình kể :

- Bữa ấy, anh Tề và em đi thăm nuôi ba em. Chúng em lặng lẽ bước vào, bắt gặp anh sinh viên ít nói đang nâng giấc ba em như săn sóc một người thân. Thái độ của ảnh khác với thái độ của ông bác sĩ giám đốc và của anh sinh viên nội trú. Một đàng là lòng ưu ái đối với bệnh nhân, còn một đàng dường như là tình thân của một người ruột thịt.

"Chúng em đang ngơ ngác vì cảm động hết sức thì ảnh ngửng đầu lên trông thấy. Ảnh đứng lên, bước lại gần chúng em, bắt tay và vỗ vai anh Tề, rồi vuốt tóc em, không nói một lời. Rồi ảnh quay ngoắt đi, bước ra khỏi phòng như người chạy trốn.

"Em có cảm tưởng ảnh muốn ôm em mà vuốt ve như một người anh lớn chìu mến một cô em gái út.

"Em cũng có cảm tưởng ảnh che giấu nước mắt trong cặp kính đen ngòm.

"Và sau chót, em có cảm tưởng ảnh hơi khùng khùng khi bỗng dưng ảnh đột ngột ra đi, chẳng thèm nói với ai nửa tiếng !...

Tiên Hương cười thật tươi bảo nó :

- Anh ấy không câm và cũng chẳng khùng đâu, em. Một ngày kia, em sẽ thấy ảnh nói quá nhiều và cũng khôn quá cỡ! Bây giờ chưa đến lúc đó thôi...

Nàng về rồi, bà Thúc ngồi ngẩn nhơ như vừa đánh mất một vật gì quý giá.

Bà tắc lưỡi khen :

- Con bé được cả người lẫn nết. Cậu nào tốt phúc lắm mới lấy được một người vợ xinh đẹp, đoan trang và giỏi giắn như con bé!

Rồi bà thở dài than :

- Chỉ tiếc nhà mình phúc bạc nên không thể có một nàng dâu hiền như vậy.

Tề nhăn mặt, cằn nhằn :

- Má hay có những ý nghĩ thật kỳ cục. Động thấy ai đẹp, ai ngoan là má muốn vơ về. Làm con ngượng thấy mồ!

- Ngượng cái gì mới được chứ! Bộ cô ấy không trạc tuổi mày sao ?

- Đồng tuổi là một chuyện, còn đồng đẳng lại là một chuyện khác, má ơi ! Không phải cứ bằng tuổi là xứng đôi vừa lứa đâu má. Không kể chị ấy học cao hơn con nhiều. Cũng không kể luôn cái việc con đã quen kêu chỉ bằng chị rồi. Chỉ kể một điều quan trọng là con có cảm tưởng chỉ là một bậc thần tiên mà một người tầm thường như con không thể nào với tới được... Con chỉ ao ước có một người chị hoàn toàn như thế thôi.

Ông Thúc đồng ý ngay với cậu con trai. Ông nói :

- Thằng Tề nói có lý. Bà không nên nghĩ quẩn, người ta biết người ta cười cho, thêm thẹn mặt. Bà có để ý cô ấy coi hai đứa con mình như hai đứa em ruột một cách thật hồn nhiên không ?

Bé Bình lại xí xọn :

- Chú Bộc à ! Hình như có lần chú bảo anh sinh viên câm là bồ của chị Tiên phải không ?

- Phải rồi, Bộc đáp. Hai người ý hợp tâm đầu lắm. Cả hai đều tử tế, cùng đẹp đẽ, cùng giỏi giang. Thật xứng đôi vừa lứa hết sức!

Chú nói đùa thêm :

- Hai người ấy làm anh chị của cô út được rồi. Còn than van nỗi gì nữa.

- Nhưng cháu muốn anh chị thực cơ!

- Bộ cô tưởng là anh chị giả sao ? Bộc hỏi vặn.

Bà Thúc cũng ngoan cố không kém gì cô con gái cưng:

- Tôi cũng nghĩ lẩm cẩm như con út đó. Phải chi tôi có một cặp dâu con thật sự như vậy! Thế mới thật là hạnh phúc gia đình đó chú!

Ông Thúc ngồi trầm ngâm không nói trong khi Bộc an ủi bằng mấy câu hơi tối nghĩa :

- Chả con thì cháu, thưa bà. Tử tế đàng hoàng thì cháu cũng như con. Rồi ông bà coi, cháu dâu với con dâu cũng chả khác nhau mấy nỗi...

___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>