Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Cánh Chim Đơn

Trời bắt đầu nổi giông! Từng lớp mây đen ồ ạt kéo về chăng kín bầu trời của buổi chiều nơi thành phố. Tôi lo ngại nhìn đoạn đường về nhà còn khá xa, và thầm tiếc đã không mang áo tơi theo khi tin tưởng nơi ánh nắng gay gắt rực rỡ ban trưa lúc đi học.

Những hạt mưa nặng nước đã bắt đầu rơi xuống, mỗi lúc một nhanh hơn! “Như thế này thì đành là không thể dầm mưa chạy về nhà được!” Tôi nghĩ, rồi ôm cặp phóng nhanh vào mái hiên của ngôi nhà gần đó.

“Yên vị” trong một nơi tương đối an ổn so với cơn mưa ngoài trời, tôi rút khăn lau mặt và mái tóc ướt nước xong đưa mắt nhìn ra đường. Cơn mưa đổ ập đến thình lình làm khu phố mất hẳn vẻ thư thả hằng ngày của giờ tan việc. Những chiếc xe hơi, xe gắn máy phóng vội vã, những bác phu cyclo gò lưng cố đạp chiếc xe dưới làn mưa và sức gió, vài người khách dù có áo tơi hay không cũng tạt vào tạm trú dưới những mái hiên hai bên khu phố. Hối hả, dập dồn!... Rồi bộ mặt thành phố như tạm lắng đọng chờ cho qua sự ồ ạt của không gian.

Đang nhìn mông lung, tầm mắt tôi bỗng chăm chú vào chiếc bóng nhỏ của một người từ ngoài đường chạy nhanh vào chỗ tôi đứng. Vấp phải một chỗ trơn, cái hình vóc yếu đuối đó loạng choạng suýt ngã, nhưng rồi gượng ngay được. Tôi thở phào! Cùng một lúc với tiếng thở của cậu bé (Vâng, đó là một đứa bé trai, khoảng 12 hoặc 13 tuổi).

Dù ánh mắt tôi vẫn tò mò nhìn vào, cậu bé hình như không chú ý gì đến chung quanh. Toàn thân ướt sũng nước, cậu chỉ khẽ lúc lắc mái tóc, rồi chuyển mảnh nylon đang bọc vật gì cầm ở tay ra trước mặt. Vuốt nhẹ cho những giọt nước đọng phía ngoài rơi xuống, cậu bé cẩn thận mở mảnh nylon để lộ bên trong một vài tờ nhật báo. Thì ra cậu bé bán báo. Nhìn số báo ít ỏi còn lại, dáng cậu bé hình như vui vui. Gói vội vàng lại như cũ, cậu ngồi phệt xuống nền gạch rồi móc trong túi quần ra một nắm tiến, lẩm nhẩm đếm. Một lúc sau, như thấy kết quả “tài chánh khả quan”, cậu bé gục gặc đầu đoạn cuộn tròn tiền nhét vào túi. Lúc này, cậu bé mới có thì giờ nhìn đến “ngoại cảnh”. Cậu ngẩng lên, gương mặt rạng rỡ chạm ngay vào ánh mắt tôi và tôi thoáng giật mình. Ô! Thằng bé “hoang đàng” ngày nào đây mà…!


Đứa bé ấy đến xóm tôi vào khoảng thời gian cách đây hai tháng. Không ai biết đích xác nó từ đâu đến và cũng không ai biết nó tên là gì. Cái “mỹ danh” hoang đàng là do các bà hàng xóm và lũ trẻ con đặt ra khi dùng nó để làm đề tài cho mỗi mẩu chuyện. Một buổi sáng, mở cửa nhà tôi đã thấy nó nằm co quắp trên chiếc sập nơi mái hiên. Cái dáng nằm của nó thật là khổ sở! Một tay luồn dưới đầu, một tay thu vào, hai chân co lên gần tận ngực. Nghe động nó giật mình ngồi vụt dậy dụi mắt nhìn tôi, và tôi vẫn im lặng ngắm nó. Cái khuôn mặt đen đủi, gầy ốm của nó hầu như bị che đi một phần ba dưới mái tóc bù xù, dài thậm thượt. Ẩn hiện dưới cái “rèm” đen đó là đôi mắt lờ đờ, mất hết vẻ tinh anh mà đáng lý ra phải tràn đầy so với lứa tuổi của nó. Thấy tôi nhìn chằm chằm, nó mấp máy cặp môi khô nứt như muốn nói gì, rồi lại thôi. Trên khuôn mặt hốc hác nhưng vẫn còn giữ được nét trẻ thơ, tôi đọc thấy sự câm nín, buồn phiền, chịu đựng.

Nó lặng lẽ bỏ chân xuống đất, đôi tay khẳng khiu đưa lên vò bộ tóc rối (hình như là một thói quen). Rồi cũng vẫn thái độ im lìm, nó rời bỏ mái hiên nhà tôi, thẳng ra lộ. Manh áo chemise trắng đã sờn rách nhiều chỗ và ngả thành một màu bẩn mắt không tên, cùng chiếc quần cộc màu đen đong đưa theo bước đi của cặp chân ốm yếu như hai ống sậy, ngần ấy thứ càng tô đậm thêm nét tiều tụy của thân hình nó.

Dần dần, hình ảnh thằng bé vô danh trở nên quen thuộc với khu xóm nhỏ. Người ta gặp nó ở khắp mọi nơi. Ở lề đường, trong quán ăn, ngoài máy nước… đâu đâu cũng có bóng nó thoắt biến thoắt hiện. Chỗ ngủ của nó là mái hiên của mọi nhà và thức ăn hằng ngày là những của thừa thãi mà người ta bố thí cho. Tuy thế, nó chưa hẳn là một đứa bé ăn mày! Vì bù với sự bố thí đó nó cũng đã phải đổi lại bằng những công việc vụn vặt, như khênh vài đôi nước, nhổ một đám cỏ, đổ ít thùng rác v.v… Có một điều lạ là không ai biết rõ ràng về lai lịch của nó. Bản tính trẻ thơ thường là dễ bộc lộ, nhất là trong hoàn cảnh nó thì lại càng dễ cho người khác cảm thương. Nhưng không! Hình như cái thân phận khốn khổ đeo đẳng vào người quá sớm làm tính tình nó trở nên khô khan, cằn cỗi. Nó lầm lì làm mọi việc người ta nhờ, xong rồi thì ăn, ăn xong tìm chỗ ngủ hay lảng đi đâu đó. Có nhiều người tò mò, cố ý gạn hỏi về xuất xứ, nó chỉ đáp bằng một giọng cộc lốc, dấm dẳng “Ở nhà mồ côi ra!”. Thế rồi thôi. Và người ta suy đoán rằng nó là một đứa bé không được may mắn còn bố mẹ, sống nhờ hột cơm của Viện Cô Nhi và khi không chịu được cảnh sống bó buộc thì trốn ra. Cho đến cái tên, nó cũng chỉ đáp lại bằng cái lắc đầu và thản nhiên chấp nhận “mỹ danh” hoang đàng do mọi người đặt cho.

Thời gian trôi qua khoảng hơn tháng, đột nhiên nó lại biến mất dạng. Cũng như lúc đến, nó đi một cách lặng lẽ và chẳng ai biết rõ nguyên do. Người trong xóm lại bàn tán, suy đoán và cuối cùng họ kết luận rằng : nó đã tìm được một khu xóm mới và đến đó tiếp tục cuộc sống trôi dạt. Lời kết luận của mọi người, tôi không hề phản đối. Song thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng có thể nó ra đi để tìm một lối sống sáng sủa trong chiều hướng đi lên.

Chiều nay gặp lại nó trong cảnh huống gần giống như ý mình nghĩ dù không rõ nó làm thế nào để tạo được, lòng tôi bỗng rộn lên sự thương cảm lẫn vui mừng. “Tâm con người vốn xuất phát từ bản ngã Thiện”. Tôi cho rằng thằng bé đã thật “hào hùng” khi giữ và phát triển được cái “Thiện” đó trong hoàn cảnh mà thân phận con người chỉ sánh được với đất đen.

Đáp lại nét nhìn và nụ cười dịu dàng, thân mật của tôi, nó chỉ hơi nhếch môi biểu lộ sự quen biết rồi ngó thẳng ra đường. Cái mặc cảm hèn kém, thua thiệt của nó đối với mọi người chung quanh vẫn đậm nét. Nhưng tôi hy vọng ngày mai, ngày kia, từ ở lòng bác ái của xã hội, từ ở mảnh đất đứng tương đối sáng sủa, nó và tất cả những đứa trẻ như nó sẽ tìm lại được nụ cười tươi thắm, trẻ thơ.


HUỲNH CHÚC       


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)

Bìa của Vi Vi : Cầu ao


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>