Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Ai Là Thủ Phạm?


Cả ba người : Khôi, Việt và Bạch Liên đang ngồi chơi thì nghe có tiếng chuông reo. Từ sau ngày Khôi, Việt theo dõi tên trùm buôn lậu trên chiếc tàu Hồng Hải, và làm quen với Bạch Liên thì bộ ba ấy không mấy khi rời nhau. Nghỉ hè đã chấm dứt. Cả ba đều trở về Sài Gòn tiếp tục học hành. Những ngày nghỉ, hoặc trong những giờ rảnh rỗi, họ thường đến nhà nhau tập luyện bài vở hay giải trí bằng những trò chơi hữu ích.

Hôm ấy là ngày lễ Trung Thu, Bạch Liên mời các bạn đến chơi ăn bánh, nghe nhạc. Vào khoảng 10 giờ sáng, tiệc bánh đang ngon, và những điệu nhạc nhẹ nhàng, tươi vui từ chiếc máy hát nổi lên trầm bổng trong gian phòng học sáng sủa, thì... chuông điện reo.

Bà cô của Bạch Liên về Sài Gòn tiếp tục niên học mới, Bạch Liên ở với cô từ phòng khách bước sang gọi:

- Có chuông điện thoại ở đằng nhà gọi cậu Khôi!

Khôi đặt vội miếng bánh, chạy ra. Trở vào, Khôi bảo:

- Giáo sư Minh Đăng gọi Việt ạ!

- Có chuyện gì thế?

- Không biết!

Việt để rơi miếng bánh xuống đĩa, tròn mắt nhìn Khôi:

- Ủa!

Bạch Liên đưa tay tắt máy hát, cười khanh khách:

- Dấm dớ chưa! Ông tướng Khôi luôn luôn như thế đó. Vừa nghe điện thoại xong lại bảo là không biết chuyện gì!

Khôi thản nhiên đáp:

- Thật mà! Giáo sư chỉ nhắn tụi mình đến ngay có việc cần.

Việt hỏi:

- Ai chuyển lời lại?

- Ba Khôi!

- Cậu nghe giọng bác nói thế nào?

- Rất vui vẻ, bình tĩnh...

- Thế thì không có gì quan trọng đâu. Vì nếu có điều gì... cấp bách, hẳn ba Khôi đã đích thân giải quyết rồi.

Bạch Liên tiếp:

- Với lại, chúng mình mới tới thăm cụ chiều hôm qua thôi! Chắc hôm nay rảnh rỗi, buồn tình cụ kêu tụi mình lại cho ăn bánh Trung thu đấy.

Khôi mỉm cười:

- Dù sao cụ đã gọi, chúng mình cũng cứ phải đến chứ!

Bạch Liên và Việt cùng đứng lên:

- Dĩ nhiên rồi.

Khôi vẫn giữ nụ cười tinh quái:

- Biết đâu bánh Trung thu của giáo sư lại không thơm ngon hơn bánh của Bạch Liên nhiều...

Bạch Liên xịu mặt:

- Nghĩa là anh chê bánh của Bạch Liên chứ gì! Lần sau đừng có hòng Bạch Liên cho ăn nữa nhé!

Việt giơ tay dàn hòa:

- Thôi chúng mình đi chứ?

- Ừ, đi!
*

Tuy nhiên trên đường sang Thị Nghè Việt vẫn dùng chiếc xe gắn máy đèo Khôi đằng sau, đi song hàng với chiếc Solex của Bạch Liên cả ba người đều không khỏi thắc mắc về việc giáo sư Minh Đăng đột ngột gọi đến. Khôi huýt khẽ một điệu sáo miệng. Việt lấy gân nắm chắc tay lái, cứ muốn cho xe vượt nhanh lên nhưng lại sợ chiếc Solex của Bạch Liên đuổi không kịp. Còn Bạch Liên thì luôn luôn nhận còi tuy trên đường không lấy gì làm đông đảo lắm. Tiếng còi xe của Bạch Liên nghe "ò, ò" như giục giã, nghịch ngợm, làm Việt chịu không được. Anh bảo :

- Bạch Liên này!

- Anh bảo gì?

- Tại sao cô cứ kêu ò - ò luôn miệng thế?

- Ơ! Ăn nói hay nhỉ. Còi xe Solex nó kêu thế, chứ Liên kêu đâu!

- Ừ thì còi xe kêu. Nhưng đừng bóp nữa. Nghe sốt ruột lắm.

- Mình anh sốt ruột thôi à. Bạch Liên cũng đang nóng lòng muốn chóng tới nơi xem có chuyện gì đây.

- Lạ nhỉ, không biết giáo sư kêu bọn mình tới gấp làm gì?

Bạch Liên quay lại phía Khôi, hỏi :

- Anh Khôi, có đoán ra sự gì không?

Khôi ung dung anh ta làm bộ ra thế mỉm cười :

- À, đến để ăn bánh Trung thu như khi nãy cô vừa nói.

Bạch Liên gắt :

- Chắc thế không? Hay là...

Việt hấp tấp hỏi :

- Hay là... sao?

- Hay có chuyện gì... bất thường, giáo sư muốn nhờ bọn mình.

Khôi cắt ngang :

- Cứ tới nơi khắc biết.

Nói đoạn Khôi lại chúm miệng thổi sáo. Điệu sáo chỉ đủ anh nghe, vì động cơ của hai chiếc xe gắn máy nổ ròn át đi. Thật sự lúc ấy Khôi cũng đang bận tâm suy nghĩ. Anh đoán rằng hẳn không phải chỉ để cho ăn bánh mà giáo sư Minh Đăng kêu bọn anh đến gấp, vào giờ này!

*

Quả nhiên có chuyện bất thường thật.

Khi bộ ba Khôi, Việt và Bạch Liên tiến vào phòng khách thì giáo sư Minh Đăng đã ngồi đợi ở đấy. Giáo sư là một nhà bác học nổi tiếng, tuổi đã khá cao. Thấy bọn trẻ giáo sư đứng ngay lên :

- À, các cháu đã tới. Ta đang chờ để nhờ các cháu một việc. Ta vừa bị mất cắp...

Bạch Liên và Việt đều sửng sốt :

- Mất cắp! Thưa giáo sư mất gì ạ?

- Một bức tranh vô giá treo ở bên phòng tài liệu.

Khôi lễ phép hỏi :

- Thưa giáo sư, chúng con sang xem được chứ ạ?

Giáo sư mở cửa phòng tài liệu :

- Vào đây các cháu. Phòng này các cháu biết rõ cả rồi mà.

Phòng tài liệu của giáo sư Minh Đăng là một căn phòng rộng rãi, sáng sủa bày la liệt những cổ vật đánh dấu các triều đại của nước ta mà giáo sư đã công trình sưu tập được trong mấy chục năm trời. Từ chiếc trống thường dùng để thúc quân ra trận, những mẫu tiền kẽm lưu hành từ xưa, đến tượng một vua Chàm với chiếc lọ sành đào được trong ngôi cổ mộ v.v... tất cả đều được trưng bày thứ tự như một bảo tàng viện thu hẹp.

Cả ba theo chân giáo sư đến một chiếc án thư kê sát tường. Giáo sư chỉ lên khoảng trống của bức tường nói:

- Các cháu còn nhớ bức tranh treo ở đây chứ nhỉ?

Việt nhanh nhẩu :

- Dạ bức tranh vẽ hình con chim đậu trên cành mai.

Giáo sư gật đầu :

- Phải, bức Mai Điểu của một nhà danh họa Trung hoa. Hình như ta đã có giảng cho các cháu nghe về lai lịch bức tranh này thì phải.

Bạch Liên thưa :

- Dạ, chúng con đã được giáo sư cho biết : bức họa đó là do nhà danh họa họ Lương vì cảm mến một vị sứ thần của ta nên vẽ tặng. Khi về nước, vị sứ thần đó có dâng lên vua xem. Nhà vua lấy làm ưng ý, có ngự phê thêm một bài thơ...

- Phải, thế ra ta đã giảng cho các cháu biết rồi... Nhưng có điều các cháu chưa thưởng thức nổi những nét tuyệt kỹ trong bức tranh ấy. Tất cả những nét chấm phá trong bức tranh ấy có thể gọi được là toàn bích. Cho nên bức họa quý giá đã làm cho nhiều người ham muốn.

Vừa đây, mới cách đây vài hôm thôi, có một người Tàu tới xin trả một giá rất đắt để mua lại. Ông ta đề nghị mua với giá 200 ngàn đồng…

Khôi chúm môi, toan huýt một hơi gió. Nhưng anh vội đưa tay bịt miệng lại kịp, vì biết rằng đứng trước một nhân sĩ khả kính như giáo sư Minh Đăng mà bộc lộ sự sửng sốt của mình theo lối ấy thì quả là một điều vô lễ.

Bạch Liên cũng kinh ngạc không kém. Cô sững người nhìn giáo sư:

- Thưa mắc thế cơ ạ?

Giáo sư Minh Đăng cười :

- Không mắc đâu các cháu ạ ! Ta bảo là vô giá bởi vì ngoài giá trị nghệ thuật của bức tranh, còn có giá trị của lịch sử nữa. Nó đánh dấu một thời đại cực thịnh về văn học của nước ta. Nó làm chứng rằng danh tài của nước ta khi xưa đem chuông đi đánh nước người đã không hổ thẹn là con cháu Tiên Rồng, làm cho danh sĩ nước ngoài phải cảm phục. Rồi đến thủ bút của vị vua nhân hậu, anh minh, chuộng hiền tài của ta xưa...

Cho nên dù người ấy có trả hơn thế nữa ta cũng không bao giờ bán, vì muốn sau này khi ta không còn ở trên đời này nữa, thì những bảo vật này sẽ thuộc quyền viện bảo tàng quốc gia Việt Nam .

Giáo sư nói những lời ấy giọng bùi ngùi cảm khái. Nhưng rồi như chợt nhớ ra trường hợp hiện tại, ông hậm hực tiếp :

- Thế mà không biết ai đã lấy cắp mất bức tranh quý giá ấy rồi! Từ nãy tới giờ ta nghĩ mãi mà không biết ngờ cho ai là thủ phạm... Ừ, ai đã biết rõ giá trị của bức tranh này? Và ai có thể vào đây để lấy cắp chứ?

Khôi chăm chú nhìn lên khoảng tường trống.

Bức tranh treo lâu ngày một chỗ đã hứng đọng ở trên tường một lớp bụi mỏng. Thủ phạm khi vội vàng gỡ bức tranh xuống đã vô tình quệt tay vào lớp bụi đó. Trên mặt án thư dấu bụi còn vương trên mặt gỗ bóng. Theo dõi vết bụi, Khôi bước lại phía cửa sổ trông ra vườn.

Chợt Bạch Liên kêu lên :

- Ồ !

Khôi quay lại thấy Bạch Liên cúi mình trên sàn gạch hoa, ngay trước án thư, nhặt lên một chiếc đồng hồ kiểu để bàn.

Bạch Liên hỏi:

- Thưa giáo sư, sáng nay đã có ai vào phòng này chưa?

Giáo sư Minh Đăng lắc đầu :

- Ngoài tên trộm thì chỉ mới có ta vào đây và nhận ra bức tranh đã bị mất.

Bạch Liên nhìn chiếc đồng hồ nói :

- Nếu vậy thì chính tên trộm đã làm rớt chiếc đồng hồ này từ trên mặt án thư xuống. Bị rơi xuống đất, chiếc đồng hồ đã bị kẹt không chạy được. Kim đồng hồ còn đứng nguyên lúc 9 giờ. Như vậy chúng ta được biết tên trộm có mặt ở đây vào khoảng ấy.

Việt đứng cạnh đó kết luận :

- Nếu thế vụ trộm xảy ra cũng mới đây thôi, vì bây giờ là 10 giờ 30. Thử xem hắn đi ra bằng lối nào.

Tiếng Khôi trả lời :

- Nó ra bằng lối này!

Mọi người nhìn theo Khôi, lúc ấy đang đứng gần phía cửa sổ. Khôi chỉ cho mọi người xem vết bụi vương từ mặt án thư nói :

- Tên trộm vào đây từ lúc cửa sổ này chưa mở. Hắn để nguyên như thế để khỏi có ai trông thấy. Gỡ xong bức tranh xuống, hắn sờ soạng theo vách tường lần ra đây, cố tránh để khỏi va vào những pho tượng, tủ kính bày rải rác giữa phòng.

Việt nhìn theo tay Khôi chỉ, thốt kêu :

- Đúng rồi! Có dấu tay của hắn sờ trên tường.

Khôi tiếp :

- Phía sau bức tranh bám đầy bụi, nên tay hắn lấm bẩn và đã vô ý để lại vết tay trên tường. Hắn từ chỗ án thư men lại đây, vặn chốt cửa, rồi dùng cả một bàn tay đẩy cánh cửa ra, nhảy xuống vườn...

Bạch Liên tiến lại gần quan sát cánh cửa sổ, gật gù :

- Phải. Trên chốt cửa có nổi rõ vết ngón tay cái, và ở khung cửa hằn rõ cả một bàn tay...

Việt bàn :

- Nếu vậy thì tên trộm đã tự tố cáo rồi. Chỉ cần nhờ nhà chức trách đến lấy dấu tay là truy ra thủ phạm.

Giáo sư Minh đăng lộ vẻ băn khoăn :

- Ồ không. Ta chẳng muốn phiền nhà chức trách, vì không thích để chuyện này lọt ra ngoài, gây sôi nổi bàn tán như lần trước, lần ta suýt bị bắt cóc. Nếu tìm ra được tên trộm ta chỉ mong lấy lại bức tranh quý giá ấy là đủ. Vì lẽ ấy ta mới gọi riêng các cháu đến giúp ta. Cùng lắm, nếu gặp khó khăn ta sẽ nhờ đến ba cháu Khôi, thám tử Trần Tâm.

Xòe rộng bàn tay ra, giáo sư làm như phân trần với bọn trẻ :

- Ta đã già lão quá rồi chẳng muốn chuốc lấy điều rắc rối làm chi.

Rồi nhìn Khôi, giáo sư hỏi :

- Liệu có cần mời ba cháu không nhỉ?

Khôi mỉm cười đáp :

- Thưa giáo sư để lát nữa, khi cần bắt tên trộm. Bây giờ xin giáo sư cho phép chúng con gặp bà Năm, bà quản gia để hỏi một vài điều.

- Được, để ta đi gọi. Giờ này chắc bà ấy đang dọn dẹp trên phòng ngủ.

Giáo sư Minh Đăng vừa đi ra thì Bạch Liên đã hỏi Khôi :

- Anh nghĩ thế nào?

Khôi hỏi lại :

- Bạch Liên không thấy đó sao?

- Thấy gì chứ ?

- Những vết dấu tay.

- Phải rồi ! Những vết dấu tay rành rành ra đó ai không biết.

- Nhưng cô có nhận xét thấy điều gì lạ không ?

Bạch Liên nhoẻn miệng cười, xòe bàn tay trái ra áp vào vết tay in trên cánh cửa sổ đáp :

- Có. Anh trông này, tên trộm dùng tay trái để mở cửa.

Việt nói :

- Còn bức tranh tên trộm cầm bằng tay mặt.

Khôi cười, nháy Bạch Liên :

- Dĩ nhiên rồi ! Có hai tay thì một tay cầm tranh còn một tay mở cửa chớ còn gì nữa !

Vừa lúc ấy giáo sư Minh Đăng từ trên lầu đi xuống, theo sau là bà quản gia. Thấy bọn Khôi, Việt bà Năm mỉm cười giơ chiếc cán chổi ra dọa :

- Các cậu lại đến phá rộn gì giáo sư đấy ? Bữa nay ngày rằm không để cho cụ nghỉ ngơi ư ! Kìa, chào cô Bạch Liên...

Bạch Liên tươi cười tiến lại :

- Chào thím Năm ! Giáo sư kêu chúng em lại đấy chứ. Từ sáng đến giờ thím Năm đã vô phòng tài liệu này chưa?

- Chưa !

- Hèn chi thím Năm chưa biết chuyện gì xảy ra nhỉ ?

Bà Năm ngẩn ngơ nhìn Bạch Liên hỏi :

- Chuyện gì ?

- Nhà vừa mất trộm, thím không rõ sao !

Bà Năm trợn tròn mắt :

- Trời ! Có trộm à ?

Bà quay lại nhìn giáo sư như để hỏi xem lời Bạch Liên nói có thực không. Giáo sư điềm đạm gật đầu :

- Phải, tôi vừa mới thấy mất một bức tranh trong phòng này, nên chưa kịp nói cho bà biết.

Khôi chỉ lên tường :

- Bức tranh treo ở chỗ đó, thím Năm ạ !

Bà Năm càng lộ vẻ ngạc nhiên hơn. Bà lẩm bẩm :

- Trộm lấy một bức tranh. Lạ thật, nó lấy tranh về để nó treo hay sao. Trộm nào mà kỳ cục thế !

Bạch Liên lắc đầu bảo :

- Không kỳ cục đâu thím ạ. Nó lấy, vì nó biết giá trị của món đồ nó lấy chứ. Từ sáng đến giờ thím đã thấy có ai ra khỏi nhà chưa ?

- Chưa. Hôm nay giáo sư nghỉ ở nhà, nên cũng không có việc gì sai bảo họ cả.

- Nếu vậy thì có lẽ tên trộm chưa trốn khỏi nơi đây. Nhà có mấy người giúp việc thím nhỉ ?

- Kể cả tôi là bốn. Tôi, rồi đến chú tài lái xe cho cụ, anh bếp và bác làm vườn.

- Thím gọi tất cả lên đây được không ?

Bà Năm hăm hở nói :

- Được chứ, để tôi đi gọi.

Giáo sư Minh Đăng tiếp :

- Bà bảo họ lên cả phòng khách. Nhân thể bà cũng dọn nước cho chúng tôi uống luôn.

Bà Năm quay đi, giáo sư dẫn bọn Việt ra phòng khách tần ngần bảo :

- Không lẽ các cháu nghi cho các gia nhân của ta sao ?

Bạch Liên thưa :

- Xin giáo sư cứ an tâm. Chúng con không làm gì mếch lòng họ đâu. Chúng con cũng chưa dám nghi cho ai cả, nhưng cần tìm một bằng cớ để biết đích thủ phạm là người trong nhà hay người ngoài.

- Thế các cháu định hỏi họ thế nào ?

Khôi đáp :

- Dạ, thưa giáo sư chúng con không hạch hỏi gì họ cả, chỉ nói chuyện với họ rằng nhà vừa mất trộm thôi ạ.

Giáo sư Minh Đăng im lặng khi nghe có tiếng chân bước của các gia nhân từ dưới nhà đi lên. Cụ hơi tỏ vẻ áy náy khi họ bước vào phòng khách do bà Năm dẫn đầu. Bà nói với chủ:

- Thưa cụ, các chú ấy đây ạ.

Giáo sư phác một cử chỉ hiền hậu :

- Bà bảo các anh ấy ngồi cả đi. Ờ... tôi mời các anh lên để... báo cho biết trong nhà vừa bị mất trộm.

Giáo sư thấy bối rối trước những gia nhân mà cụ đã đặt hết lòng tin cẩn, chưa biết nên giải thích thế nào, vì thực tình cụ không hề nghi cho họ.

Khôi đứng lên xin đỡ lời. Anh nói :

- Tên trộm lấy mất một bức tranh trong phòng tài liệu, và có lẽ đã trốn thoát, nên có ai thấy sự gì khả nghi thì xin cho giáo sư biết.

Bạch Liên khả ái tiếp :

- Chú tài có thấy gì lạ sáng nay không ?

Người tài xế đáp :

- Hôm nay cụ nghỉ ở nhà nên tôi đem xe ra lau và vô dầu mỡ từ sáng tới giờ dưới nhà xe, không hay biết gì hết.

Khôi mỉm cười :

- Chú tài nói đúng đấy. Nhìn tay chú cũng biết. Dầu mỡ hãy còn dính đầy ra kia...

Người tài xế xòe hai bàn tay ra nhìn rồi chùi vội trên ống quần :

- Nghe bà Năm kêu lên cụ gọi, tôi hấp tấp chưa kịp lau.

Khôi nhặt gói thuốc lá trên bàn chìa ra :

- Mời chú hút điếu thuốc.

Chú tài đưa mắt nhìn cụ chủ. Giáo sư Minh Đăng dẽ dàng bảo :

- Ta cho phép, anh cứ hút tự nhiên.

Người tài xế nể lời rút lấy một điếu.

Việt bật diêm châm điếu thuốc hộ chú tài. Chú mỉm cười cảm ơn Việt. Đối với bọn Khôi, chú tài vẫn có thiện cảm. Chú không lạ gì bộ ba này, vì thường được giáo sư sai đem xe đến rước họ luôn. Thím Năm cũng vậy. Là quản gia của giáo sư nên mỗi lần bọn Khôi đến chơi, thím thường có dịp tiếp xúc với bọn trẻ, và dành cho họ một sự tiếp đãi ân cần.

Duy có anh bếp và bác làm vườn bọn Khôi ít gặp. Khôi tiếp tục mời thuốc lá, trong lúc Bạch Liên khôn khéo gợi chuyện :

- Anh bếp có thấy gì không ?

- Tôi bận dưới bếp nên cũng không biết gì cả.

- Thế còn bác Lãm ?

Bác Lãm là người làm vườn. Bác đưa tay đỡ lấy điếu thuốc lá Khôi chìa ra, đáp :

- Tôi mải làm vườn nên cũng không để ý !

Việt vừa châm điếu thuốc cho người làm vườn chợt nhác thấy Khôi nhìn Bạch Liên và đưa mắt sang phòng làm việc của giáo sư.

Bạch Liên gật đầu, thoăn thoắt bước sang. Việt thấy Liên nhắc ống điện thoại, hấp tấp quay số.

Trở về, Bạch Liên nói với bà Năm :

- Thím Năm à, em nghĩ như thế là đủ, vì cũng chẳng ai biết gì hơn. Vậy xin cám ơn thím, chú tài và anh bếp...

Khôi mỉm cười tiếp :

- Nhưng còn bác Lãm, xin bác hãy nán lại để chờ sự quyết định của giáo sư đã.

Quay lại giáo sư Minh Đăng lúc ấy đang ngồi nhấp tách nước trà theo dõi cuộc "điều tra", Khôi nói:

- Thưa giáo sư, thủ phạm lấy trộm bức tranh chính là người này.

Giáo sư Minh Đăng chưa kịp tỏ thái độ, thì người làm vườn đã đứng lên sừng sộ bảo Khôi :

- Cậu đừng có ăn nói hồ đồ. Tôi lấy bức tranh ấy làm gì. Vả lại lúc 9 giờ tôi còn đang bận ở ngoài vườn...

Bạch Liên cười gằn :

- Sao bác biết vụ trộm xảy ra lúc 9 giờ ?

Người làm vườn giật mình tìm cách chống chế :

- À... nghĩa là... tôi...

Khôi chỉ vào bàn tay của hắn còn đang cầm điếu thuốc lá cháy dở tiếp :

- Lúc 9 giờ bác vào phòng tài liệu, gỡ bức tranh xuống rồi men theo bức tường phía trái mở cửa sổ nhảy ra vườn. Dấu tay của bác còn để lại trên cánh cửa sổ. Bác nên thú thật với cụ chủ và trả lại bức tranh đi, vì nếu để cảnh sát tới chắc bác không thể nào thoát được.

Mặt người làm vườn tái nhợt hẳn đi. Hắn lấm lét nhìn mọi người ấp úng nói :

- Tôi... tôi không biết...

Rồi bỗng nhiên hắn băng mình chạy ra cửa, xô Bạch Liên ngã xuống đất. Giáo sư hấp tấp đỡ Bạch Liên dậy ôn tồn hỏi :

- Cháu có làm sao không ?

Bạch Liên nhăn mặt đáp :

- Dạ, cảm ơn giáo sư con không sao cả.

Vừa nói cô vừa nhớn nhác tìm Khôi, Việt.

Đôi bạn đã phóng mình đuổi theo tên trộm.

Hắn chạy ra đến vườn thì sững người lại, vì đụng phải thám tử Trần Tâm, theo sau có hai người cảnh sát.

Khôi, Việt cùng reo :

- Ba... ! Bác...

Thám tử Trần Tâm ung dung chỉ người làm vườn :

- Hắn đấy phải không ?

Khôi gật đầu :

- Vâng.

Vừa lúc ấy giáo sư Minh Đăng cùng Bạch Liên cũng vội vã chạy ra. Giáo sư cuống quýt hỏi :

- Hắn đâu rồi ?

Việt chỉ người làm vườn đang bị hai cảnh sát viên nắm tay dẫn đến, nói :

- Thưa giáo sư, hắn bị bắt kia rồi.

Giáo sư thở dài :

- May quá, thế thì bức tranh chưa mất. Mà sao lại có cả cảnh sát và ai như ông Trần Tâm ấy nhỉ ?

Bạch Liên thưa :

- Dạ, hồi nãy con có gọi điện thoại cho bác Trần Tâm, không ngờ bác lại đưa cả cảnh sát tới !

*

Khi mọi người vào cả trong phòng khách, thám tử Trần Tâm nghiêm nghị hỏi người làm vườn :

- Anh giấu bức tranh ấy ở đâu ?

Bác Lãm cúi đầu, giọng thiểu não :

- Tôi giấu dưới kho, chỗ để dụng cụ làm vườn.

Nghe lời thú tội của bác Lãm, thím Năm đang bưng khay nước ra liền sửng sốt "hứ" một tiếng rồi lẩm bẩm :

- Bộ thằng cha này điên rồi. Vàng bạc không lấy, đi ăn cắp một bức tranh...

Bác Lãm ngửng đầu lên, buồn rầu nói :

- Sở dĩ tôi lấy bức tranh ấy, vì hôm nọ, tình cờ tôi được nghe người Tầu tới đây trả giá rất đắt xin mua, mà cụ chủ tôi khăng khăng không chịu bán. Khi người ấy trở ra, tôi theo hỏi họ muốn mua bức tranh ấy làm gì. Ông ta bảo để đem về xứ của ông. Nhân đấy trước khi ra khỏi cổng, ông có dặn tôi nói lại với cụ chủ, nếu cụ đổi ý thuận nhường lại với cái giá ông ta đã trả, thì cứ cho ông ta biết. Nói đoạn ông ta trao cho tôi cánh thiếp có ghi rõ địa chỉ, để nhờ tôi trao lại. Tôi cầm cánh thiếp ấy và nảy ra ý định trộm bức tranh để đem bán cho người Tầu nọ.

Ngừng một lát bác Lãm tiếp :

- Tôi lấy bức tranh ấy sáng nay vào lúc 9 giờ, vì biết bà Năm chỉ vào quét dọn trong phòng tài liệu vào khoảng 11 giờ. Và dù có vào, bà cũng chỉ lo quét dọn chứ không để ý đến bức tranh đó. Tôi định đến trưa sẽ đem bức tranh đi. Không may, hôm nay giáo sư nghỉ nhà, lại sang phòng tài liệu sớm và thấy mất...

Nói đoạn bác chắp tay xá giáo sư Minh Đăng, cầu khẩn :

- Con trót dại, xin cụ tha cho.

Giáo sư Minh Đăng buồn rầu nói với hai viên cảnh sát :

- Hắn vốn là người hiền lành, chỉ vì trong một lúc không dằn được lòng tham mà làm bậy. Xin các ông nể lời tôi mà tha cho hắn. Vả lại, bức tranh của tôi còn đó, chưa mất...

Hai nhân viên công lực nhìn nhau. Một người nói :

- Thưa giáo sư, dù cụ không truy tố, chúng tôi cũng có bổn phận đưa hắn về quận để lấy lý lịch đã.

Nhìn bác Lãm riu ríu theo hai cảnh sát ra xe, giáo sư lắc đầu than :

- Tội nghiệp. Tôi thực không ngờ !

Và nắm lấy tay thám tử Trần Tâm, giáo sư vồn vã nói :

- Ông Trần Tâm, tôi cảm ơn ông nhiều lắm !

Quay lại bọn Khôi, Việt, giáo sư tiếp :

- Các cháu đáng được thưởng. À, ta có ít bánh Trung thu rất ngon cất trong tủ... Bạch Liên, cháu vào lấy đem ra đây đi và xin bà Năm pha cho một ấm nước trà mới nhé !

*

Trên đường về, Việt cho xe đi gần chiếc solex của Bạch Liên, hỏi :

- Bạch Liên này, cô là người thông minh, cô thử nói cho tôi nghe tại sao Khôi lại quyết chắc rằng bác Lãm là thủ phạm vụ trộm ?

Bạch Liên bĩu môi đáp :

- Thôi đốt anh đi, đừng có cho Liên đi tàu bay giấy nhé. Nếu anh không nhận xét ra thì cứ chịu đi rồi Liên nói cho mà nghe.

Việt cười :

- Chịu thì tôi không chịu, nhưng tôi muốn hỏi xem sự nhận xét của cô có giống của tôi không ?

Bạch Liên giảng giải :

- Này nhé, khi ở phòng tài liệu anh có để ý đến dấu tay của thủ phạm không ?

- Có !

- Và có gì đặc biệt đáng chú ý không ?

- Hì hì, đặc biệt là dấu tay trái ! Hắn dùng tay trái để mở cửa.

Bạch Liên gật đầu :

- Phải. Tại sao hắn không cầm bức tranh bằng tay trái để dùng tay phải mở cửa ?

- Vì hắn thuận tay trái...

- Dĩ nhiên rồi ! Hắn thuận tay trái, nên khi anh Khôi vờ mời thuốc lá mọi người để quan sát thì ai cũng đưa tay phải ra rút lấy. Duy chỉ có bác Lãm, anh có thấy bác ta chìa tay nào ra đỡ điếu thuốc không ?

- Ờ... ờ... tay trái.

Bạch Liên kết luận :

- Điều đó đủ chứng tỏ bác ta là thủ phạm. Hơn nữa, bác còn tự tố cáo bằng cách nói hở ra thì giờ bác vào phòng tài liệu, mà chiếc đồng hồ bác đánh rớt từ trên mặt án thư xuống đất đã chỉ rõ. Đúng thế không nào ?

Việt gật gù đáp :

- Đúng ! Đúng quá !

Trong lúc Khôi cười ngặt nghẽo bảo Bạch Liên :

- Thế là Bạch Liên mắc mưu Việt rồi nhé! Khôi đoán chắc từ lúc ở nhà ra đi, Việt tiếc bữa bánh Trung thu đang ăn dở nên chẳng nhận xét ra điều gì cả. Cu cậu mù tịt, đến bây giờ mới rõ đấy thôi! 


TRƯỜNG SƠN 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>