Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Dưới Bóng Mát Tuổi Thơ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bên bờ ao cây khế 
Trổ hoa tím xinh xinh
Lũ chim về xây tổ
Chiều ngồi hát một mình

Mây trời bay lãng đãng
Giọt nắng khẽ vương vương 
Hoa khế rơi trên tóc
Thoang thoảng một làn hương

Khế trên cành trĩu trái
Chua như tuổi học trò
Lũ trẻ leo hái khế
Thoáng ngày xanh mịt mờ

Mẹ hái vào cả rổ
Sên mứt khế đỏ ươm
Thầy cô dùng lấy thảo
Trái cây nhà lá vườn

Dĩ vãng buồn man mác
Bảng lảng như mây trời
Giờ ai còn ai mất
Kỷ niệm nào chơi vơi

Chiều nay nhìn cây khế
Trái lủng lẳng bờ ao
Lũ trẻ xưa biền biệt
Thơ ấu biết tìm đâu.....

                          Thơ Thơ 
                (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Danh Ngôn 224

 

  Chẳng có gì làm cho kẻ thù tức giận bằng tha thứ cho hắn luôn.
OSCAR WILDE.

Thù ghét, đó là hành động trả thù của kẻ nhát sợ.
G.B. SHAW.

Sự báo thù là niềm vui của những tâm hồn đê tiện.
JUVÉNAL.

Người thông thái học được nhiều điều nơi kẻ thù của họ.
ARISTOPHANE.

Báo thù là một món ăn nên dùng nguội.
W. WANDER

Luật báo thù là công lý của những kẻ bất công.
Thánh AUGUSTIN

Cắn con chó vì con chó cắn bạn, đó là trả thù.
AUSTIN O' MALLY
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974) 
 

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

THI

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nhớ ngày thi Đệ Thất
Sáng dậy trước ai hết
Vội sửa soạn điểm tâm
Đến trường cổng còn khép.

Đến giờ thi niệm Phật
Tay chân còn giật giật
Đề "trúng tủ" mừng run
Viết lia lịa chẳng sót.

Giờ thi sáng vừa hết
Gấp rút về cơm trưa
Kịp ôn bài thi chót
Nuốt chẳng ngon bơ phờ.

Buổi chiều nghe mệt mệt
Thêm bạn bè ngồi gần
Hỏi, nhắc lung tung hết
Bài toán làm không tròn.

Sáu giờ thi hoàn tất
Sách vở bỏ một bên
Ăn rồi chờ kết quả
Bao lo lắng bồn chồn.

Nôn nóng dường nắng đốt
Trước cổng trường chói chang
Chen chân chờ danh xướng
Xốc xếch phờ xác thân.

Vừa nghe qua tên họ
Số ký danh của mình
Mừng nổ tung tim nhỏ
Sung sướng nhẹ tay chân.

Đẩy lách người thoát chạy
Về báo cha mẹ anh
Chia nỗi mừng vui lớn
Hãnh diện cả gia đình.

               THƯƠNG NGỌC HẢI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 69, ra ngày 17-12-1972)
 

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

ƯỚC

 

Chiều nhày thứ nhì trong những ngày nghỉ hè của tôi, trời mưa tầm tã. Mưa suốt từ sau bữa cơm trưa đến chiều tối mà vẫn nặng hột, gió vẫn giật tưng bừng. Tôi mới về chưa quen công việc của ba mẹ tôi nên dù thấy các người lo lắng sốt ruột về những mảnh vườn tận ngoài đồng, mà tôi chẳng biết làm gì để giúp các người. Tôi đành khoác chăn co ro bên cửa sổ nhìn mưa, con đường đầy nước lẫn bùn.

Tôi ngồi thò tay hứng những giọt nước từ mái tôn chảy xuống lạnh giá, đọc nho nhỏ những bài thơ "mưa" để thưởng thức cái buổi mưa hè này, hòa nhịp với những ý thơ, mà nếu đọc trong lớp thì chẳng bao giờ cảm thấy thú vị cả.

Tôi nhớ ngày năm xưa
Mái nhà mang tiếng mưa
Đương ngày mà hóa tối
Nước chảy át lời thưa
Gió tung đầu ngọn mít
Gió nghiến thân cây dừa

Tôi tưởng tượng một cô Hiền của thi sĩ Hồ Dzếnh ngồi bên nhà trước mặt, mặc dầu mưa làm khoảng cách ấy tối om, một hàng dâm bụt lá xanh đen cử động dưới những hạt nước mưa sáng bóng.

Tôi và Hiền ở cách
Vẻn vẹn một giàn dưa
Tay tôi làm loa miệng
Hỏi: Hiền ăn cơm chưa
Chừng nghe không rõ tiếng
Hiền đáp: Hai giờ trưa

Tôi thích thú lấy tay làm loa gọi lớn, bâng quơ:

- Ăn cơm chưa.

Cùng lúc ấy tôi mỉm cười nhìn về phía cuối đường. Mưa tối om. Một người co ro trong chiếc áo tơi nhanh chân bước về phía nhà tôi.

Tôi cũng bắc loa gọi:

- Bác ơi, đi đâu thế? Mưa quá bác vào chơi, bác.

Người ấy vẫn cúi đầu, chiếc nón lá chắn những hạt mưa lớn kêu lộp bộp, bước vào nhà tôi. Bấy giờ tôi mới rõ người ấy là ba tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là thấy ba tôi tiều tụy quá. Ba tôi cởi áo giọng lo lắng:

- Mẹ nó ơi, nước ngập hết vườn rồi, trôi sạch hai luống cải đáng lẽ ngày mai bán!

Mẹ tôi lo lắng ngay:

- Thôi chết! Vậy là cũng toi luôn mấy luống tôi mới gieo.

Ba tôi lo hơn cả. Tôi trông bộ mặt gầy gầy và râu ria của ông tiều tụy quá, khác xa bộ mặt chiều qua lúc tôi mới về. Ông tính toán:

- Như vậy mất ít ra cũng 7, 8 ngàn bạc. Rồi cả tuần tới sẽ chẳng có gì bán hết, ngồi nhà mà chơi!

Tôi hết nhìn ba lại nhìn mẹ. Không ngờ trận mưa lại làm hại nhà tôi đến thế. Mẹ tôi lâu lâu chép miệng thở dài. Ba ngồi bó gối trên ghế im lìm nhìn những chiếc bong bóng ngoài hiên, lâu lâu ông nhìn tôi một cái. Tôi chẳng biết nói gì với các người lúc này nên đành im lặng nhìn mưa.

Tôi đâm buồn nghĩ về cái gì đen tối như làn mưa trước mặt. Nghĩ về mẹ tôi, về ba tôi, về ngôi nhà của chúng tôi. Mọi sự đều quê mùa ảm đạm. Những ngày mới xa nhà, thỉnh thoảng tôi có nghĩ về nơi này, ngôi nhà buồn của tôi, trong đó có ba, mẹ ngày ngày âm thầm sống trong đó... Tình cảm ngày ấy thật day dứt, nhưng rồi tôi cũng quên đi. Giờ đây nó sống lại, buồn ngay chính ở nơi tôi đang hiện diện.

Thấm thoát đã 6 năm trường. Ngôi nhà tôi chẳng thay đồi nhưng ba, mẹ đã thay đổi và thay đổi nhanh quá. Các người già đi trông thấy, nhất là ba tôi. Và bây giờ ba già hơn ngày hôm qua không biết đến mấy tuổi.

Tôi không nhìn ba nhưng nhìn mưa. Tôi nghĩ đến sự thay đổi của ba, mẹ và nghĩ đến tôi. Tôi lớn và ba, mẹ già đi. Các người già đi một cách tội nghiệp bởi vì các người không tham vọng, không chống cự mà chỉ âm thầm chịu đựng vậy thôi. Chỉ có một vài lần ba nói với tôi rằng, ba mẹ trông chờ nơi tôi và mấy đứa em. Ba không nhiều lời nhưng tôi biết chắc ba, mẹ tin nơi chúng tôi lắm, nhất là tôi. Tôi đi học, cảm thấy rằng, mỗi ngày biết thêm điều mới lạ, chân trời mênh mông chào đón tôi. Tôi nhiều ao ước, ước học thật giỏi, làm thật lớn... tôi vô tư ước vọng. Nhưng đằng sau tôi, có ba, mẹ thúc đẩy, lo lắng cơm ăn áo mặc, ước cho tôi nên người, các người chẳng bao giờ biết đến cái thế giới ước vọng của tôi cả.

Ôi tội nghiệp! Ba, mẹ luôn luôn cắm cúi trên ruộng vườn, hy sinh đủ thứ cho chúng tôi, nhưng chẳng bao giờ các người biết thêm cái gì khác. Ba tôi thích toán lắm. Những lần tôi kèm em tôi, ba thường ngồi chăm chú để ý đến những phương trình toán học và những định luật vật lý. Ba khoái lắm. Đôi lần, ba đòi giải thay em tôi vì nó bí, mặc dù ba cũng không giải nổi. Ôi, đời là thế. Sáu năm trước, ba dạy toán tôi, nhưng bây giờ, ba mù tịt về những phương trình, định luật của tôi! Biết làm sao được, tôi chẳng thể dạy ba cũng như ba chẳng có giờ học thêm.

Tôi liếc nhìn ba. Ba gầy và tiều tụy. Có lần tôi hỏi tuổi ba nhưng chẳng bao giờ ba nhớ chắc tuổi mình cả. Nhớ làm chi cái tuổi già tăng vun vút ấy. Hồi xưa ba hình như 42, bây giờ chắc 48. Tôi năm nay 17, chưa hết trung học. Biết bao giờ có sự nghiệp đây ; ba, mẹ còn đủ sức cho tôi ăn học tới đó không. Ít ra cũng 7, 8 năm nữa. Lại còn đứa em út mới 5 tuổi, chưa học hành gì cả.

Tôi tự thấy khoác trách nhiệm rồi. 7 năm nữa không biết tôi sẽ thành kỹ sư hay bác sĩ không nhỉ, hay phải đi lính rồi chết, rồi để ba, mẹ già hơn nữa, cố gắng nuôi mấy đứa em còn bé bỏng chưa biết gì cả. Không, tôi sẽ cố gắng học để khỏi đi lính, khỏi chết, ba, mẹ khỏi già trước tuổi. Tôi sẽ thành kỹ sư hay bác sĩ, hay nghề nghiệp gì có nhiều tiền để nuôi các em tôi đi học, để ba, mẹ thôi đổ mồ hôi trên mảnh vườn chẳng tươi tốt gì.

Ngày ấy nhà tôi hết lụp xụp, ba mẹ sẽ rảnh rỗi để học thêm. Ba sẽ học toán, tôi sẽ bỏ ít giờ để chỉ cho ba.

Tôi mong ước vẻn vẹn có vậy nhưng ngày ấy còn xa quá. Ba, mẹ vẫn ngồi buồn ở kia, tôi vẫn là đứa nhỏ nhìn trời mưa đen tối.

Bữa cơm tối hôm ấy nhạt nhẽo. Tôi gợi chuyện với ba:

- Ba ba, giữa kỹ sư và bác sĩ ba thích nghề nào?

Ba nhìn tôi lạ lùng vì câu hỏi lạc lõng ấy. Nhưng tôi nói, tôi sẽ chọn một nghề thật nhiều tiền và dễ dễ, đừng lâu quá. tôi nói đơn sơ những ý nghĩ ban chiều với ba, mẹ. Các người nhìn tôi cảm động lắm. Ba, mẹ mỗi người một ý kiến làm như sự nghiệp ấy tôi với tay một cái là được. Ba giơ cái cằm râu ria lởm chởm trông rạng rỡ và cứng cỏi, nói giọng triết lý:

- Nhớ, ao ước cái gì mà đừng quên hiện tại, là phải học trước, bởi vì cái gì tới thì nó sẽ tới.

Ôi, sung sướng! Các người vẫn tin nơi tôi lắm. Tôi không thể để các người phụ lòng được.

Tôi bước ra hiên, mưa còn rả rích nhưng tôi thấy lòng ấm áp. Tôi muốn đọc một bài thơ thật vui nhưng tôi quên tiệt, đành đọc tiếp bài thơ hồi chiều:

Trời mưa rồi trời mưa
Sân nhà đầy bong bóng
Hai tôi ngồi mơ mộng
Đếm mãi vẫn đương thừa...


NGUYỄN VĂN THÔNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 11, ra ngày 24-10-1971)
 

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Trở Về

Gã kỵ sĩ vẫn đi. Ánh sáng nóng bỏng của mặt trời vẫn chói chang trên đầu gã, trên toàn thân gã, hòa với cái nóng hừng hực của sa mạc bốc lên làm gã hoa cả mắt. Người và ngựa đều mệt nhoài. Giữa cảnh vật đang lung linh, mờ ảo, quay cuồng nhảy múa trước mặt, gã thoáng thấy màu xanh của một bụi xương rồng. Gã vật người xuống đất, thở hổn hển. Tuy mệt đến lả người ra nhưng đôi mắt của gã vẫn sáng lên dị kỳ: dữ dội và tàn bạo. Gã ngồi dậy, với tay cầm lấy bình nước đeo bên sườn ngựa mở nắp. Từng giọt nước mát thấm qua răng, qua lợi gã, tràn vào cổ họng khô khan, làm gã tỉnh hẳn người. Gã đổ một ít nước vào miệng con vật cũng đang mệt nhoài bên cạnh gã. Con ngựa dậm vó, hí lên mừng rỡ. Cẩn thận, đóng bình nước lại, mắt gã nhìn ra trước mặt: vẫn sa mạc nóng bỏng chạy suốt chân trời. Đã ba ngày nay, gã đã cùng con vật thân yêu lang thang giữa sa mạc, dưới ánh nắng cháy da của mặt trời. Cực hình này, đối với gã, không phải là không có mục đích. Gã cần phải vượt qua sa mạc này, đến Standing Rock để rửa một mối thù đã gậm nhấm, hành hạ gã trong suốt năm năm trời giữa bốn bức tường đá của ngục tù khủng khiếp.

Gã đứng lên, lặng lẽ leo lên ngựa, lặng lẽ tiếp tục đoạn đường dang dở. Chiều đến. Gã dừng ngựa bên một giòng suối cạn. Gã nhóm lửa. Ánh lửa ma quái bập bùng soi soi rõ gương mặt khắc khổ, lạnh lùng như thép tạc của gã. Gã lặng lẽ nhai mẩu bánh khô, trong lúc con ngựa đang vục đầu trong dòng suối cạn, cố uống lấy những giọt nước cuối cùng sót lại. Trên đầu gã, chung quanh gã, vây bọc bởi bóng đêm. Gã cuộn mình trong cái chăn rách, lim dim ngủ. Cả trong giấc ngủ, ý tưởng trả thù vẫn quay cuồng, dằn vặt gã. Giữa bầu trời khuya, cảnh vật yên lặng như say ngủ, ngoài tiếng chân con ngựa thỉnh thoảng lại nện khô khan trên sỏi đá, ngoài ánh lửa bập bùng. Và trên cao, xa thẳm, lấp lánh một bầu trời sao...

Sa mạc nóng bỏng, mênh mông, bất tận đã chấm dứt vào một buổi sáng. Gã dừng lại bên một giòng sông con, uốn khúc vào cánh đồng cỏ xanh phía xa xa. Đoạn đường cuối cùng là đây. Chỉ cần vượt qua con sông, đi thêm một đoạn nữa là đến đích. Và gã chậm rãi thúc ngựa qua cầu.

Buổi trưa. Gã ngồi dưới bóng mát của một thân cây, ăn buổi ăn trưa cuối cùng. Ném mẩu bánh còn thừa, gã cho tay vào sườn, rút khẩu súng ra, xem xét cẩn thận. Áo quần của gã đã rách bươm ra, yên ngựa của gã đã không còn lành lặn, chiếc mền của gã cũng đã thủng nhiều lỗ to, và cả đến thân xác của gã cũng đã hóa ra thân tàn ma dại. Nhưng riêng khẩu súng này người bạn chí thân của gã vẫn đẹp, vẫn mới, vẫn lóe sáng ánh thép dưới nắng ban trưa. Gã âu yếm vuốt ve khẩu súng. Chất thép lạnh vương vào tay càng làm sôi sục ngọn lửa căm hờn đang nấu nung trong lòng gã. Gã xé một mảnh vải con, cho vào nóng súng để lau sạch những hạt bụi cuối cùng. Gã lên cò. Chọn một viên đạn mới nhất, nhẵn nhất lắp vào súng. Viên đạn này, chỉ một viên thôi một lúc nữa đây, sẽ gởi vào tim tên phản bạn.

Gã nhìn trời. Mặt trời vẫn nóng bỏng, chói chang. Nóng tưởng đến nghẹn cả thở. "Chiều đến, mình sẽ tới Standing Rock. Giờ đó, mọi người đã trở về nhà, không ai để ý đến mình. Thằng Adams lúc ấy có lẽ đang ở trong sân trại. Tánh nó xưa nay vẫn siêng năng, không bao giờ ngừng tay khi trời chưa tối hẳn. Vợ nó chắc đang làm bữa cơm trong nhà. Sẽ không có ai thấy mình, càng dễ cho mình hành động". Gã nghĩ như vậy và cảm thấy một niềm dữ tợn đang lan tràn. Gã xem xét khẩu súng lại một lẩn cuối cùng nữa, trước khi tra nó vào bao. Năm năm trong bốn bức tường lạnh đã không làm gã quên đi hận cũ. Trái lại, ý định trả thù vẫn nung nấu tâm hồn gã, dữ dội như ánh mặt trời gay gắt nung nấu trên sa mạc cát bỏng này. Hôm nay, gã đã trở về. Đối với gã, tình nghĩa đã chết hẳn rồi, giờ đây, gã chỉ nghĩ đến hai chữ: "trả thù!"

Câu chuyện đã xưa quá rồi, nhưng gã vẫn còn nhớ mãi: Gã và Adams, đôi bạn chí thân, lớn lên trong hai trang trại sát bên nhau, đã cùng nhau học cưỡi ngựa, cùng nhau học ném thòng lọng cũng như đã cùng nhau học sử dụng súng. Adams và gã, hai đứa đã đi bên nhau qua những hang cùng ngõ hẻm của miền viễn Tây xa xôi ; cùng vui bên nhau trong những lần tìm được vàng, cùng chia nhau từng mẩu bánh trong những khi rỗng túi... Nghĩa là, gã và Adams, hai đứa đã cùng sung sướng cũng như khổ cực đều có nhau. Để rồi, một hôm, gã chia tay Adams. Gã thấy không thể tìm sống bằng cách cày bừa cực nhọc, mệt chết người đi được mà chỉ đủ ăn. Gã đã tìm ra được một cách làm giàu dễ dàng và mau chóng hơn: đánh cướp. Gã đã nhập bọn với một tụi du thủ du thực đi chận cướp những chuyến xe chở hành khách. Adams thì không bao giờ chấp nhận một lối sống như vậy. Adams đã hết lời khuyên can gã, nhưng gã đã bịt tai không màng đến. Gã nghĩ: "Mầy muốn sống lương thiện, mặc mầy. Còn tao, tao muốn đi ăn cướp thì đã sao". Gã tiếp tục sống bất lương như vậy. Cho đến một hôm, bọn gã bị cảnh sát Liên Bang theo dõi và hạ ba đứa. Gã trốn chạy cùng với hai tên khác, đến gõ cửa nhà Adams ở Standing Rock. Có lẽ Adams sẽ sẵn sàng giúp gã nếu không có hai tên côn đồ kia đi theo. Cảnh sát ập tới tóm gã và hai tên kia. Gã bị kết án năm năm khổ sai. Năm năm cay đắng trong tù, năm năm gã nghiền ngẫm mối thù. Gã cho rằng, vì Adams hẹp lượng mà gã đã bị bắt. Gã quyết trả hận sau khi ra khỏi khám tối.

Chiều nay, gã đến Standing Rock này cũng chỉ với ý định ghê gớm trên. Gã cho ngựa lặng lẽ men theo con đường mòn dẫn đến trang trại của Adams. Con đường này, ngày xưa đã mòn dấu ngựa của gã và Adams. Nhưng hôm nay, chỉ có mình gã đi trên con đường này. Ngôi trại của Adams đã hiện ra trước mắt gã: một ngôi nhà gỗ dựng trên một đồng cỏ mướt xanh, chung quanh nhà hoa dại tràn đầy. Một làn khói lam bay tỏa từ lò sưởi, quyện lên không gian, nhòa tan trong không khí. Tiếng gà vịt ríu rít, tiếng bò kêu sau vườn, tiếng chó sủa vu vơ. Thật là một cảnh tượng êm ả trong những tiếng động thân mật. Một đời sống vô cùng đơn sơ và hạnh phúc. Gã nhếch môi, cười gằn. Gã nghĩ đến một chốc nữa đây, chính tay gã sẽ phá tan cảnh thanh bình này, và thay bằng tang thương, chết chóc.

Tim gã đập mạnh. Có người vừa đi ra sân. Gã nhận ngay được bước đi vững chãi và tấm thân vạm vỡ kia. Đúng là Adams. Gã nhảy xuống ngựa, nấp sau một bụi cây, tay lăm lăm khẩu súng.

Chính lúc ấy, gã bỗng nghe có tiếng nói chuyện sát bên gã. Giật mình, gã nhìn quanh. Nào có ai! Nhưng gã vừa nghe rõ ràng có tiếng trẻ con đâu đây. Gã vượt lên một khoảng, vạch lá, nhìn ra. Cách đấy bảy tám thước, gã trông thấy hai đứa trẻ, một trai, một gái. Thằng bé độ chín, mười tuổi còn con bé chỉ khoảng năm hoặc sáu. Hai đứa đang ngồi trên cỏ, nói chuyện với nhau.

- Này anh Thomas  cô bé hỏi  khi anh lớn, anh có thích đi tìm vàng không?

Cậu bé cười:

- Anh hả? Anh chỉ khoái trở nên trại chủ như ba thôi.

- Nhưng tìm được nhiều vàng thì sẽ chóng giàu. Anh không thích sao?

Có tiếng chân bước. Gã nhìn lại. Adams đang chậm rãi đi về phía hai đứa trẻ. Gã vội nâng súng lên, nhìn qua kẽ lá.

Adams dừng lại bên hai đứa trẻ, gọi chúng về ăn cơm. Lưng chàng quay về phía gã, sẵn sàng là một cái bia ngon lành cho gã. Gã mím môi, tay đặt lên cò súng.

Hai đứa trẻ đứng lên.

- Có lẽ  cậu bé đáp lời cô em  có lẽ cũng thích thật đấy. Nhưng anh vẫn muốn giống ba. Ba bảo chẳng thà sống tầm thường nhưng lòng luôn thanh thản, còn hơn có thực nhiều tiền mà lòng lại khô khan, đầy hận thù và oán ghét.

Adams tươi cười mở rộng đôi tay đón hai con. Chàng cầm tay mỗi bên mỗi đứa, dắt chúng đi về nhà. Một thiếu phụ hiện  ra ở ngưỡng cửa, đón ba cha con vào. 


Gã đã không bấm cò. Tay súng buông thẳng, gã ngồi phệch xuống. Mắt gã mờ đi. Đôi dòng lệ nóng chảy dài trên khuôn mặt khắc khổ.

Gã lên ngựa và lặng lẽ quay đi. Gã không có đủ can đảm phá vỡ cái hạnh phúc, cái Thiên Đường nhỏ bé sau lưng. Đã bao nhiêu năm sống trong lo âu, thù hận và khổ sở, hôm nay lòng gã mới thấy nhẹ đi. Gã thấy cần phải lập lại cuộc đời: "một cuộc đời đơn sơ nhưng thanh thản và hạnh phúc" như lời cậu bé con đã nói.

Gã vẫn đi, đi mãi.

Bóng gã cô đơn in trên sa mạc, giữa cảnh chiều buồn đang nhuộm bóng hoàng hôn.


BẠCH DƯƠNG               
(viết theo Retour à Standing Rock   
của Pierre Step)   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 19, ra ngày 25-7-1964)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>